Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa thứ Tư Tuần III Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa thứ Tư Tuần III Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa thứ Tư Tuần III Phục Sinh
(07/05/2014) - (Ga 6, 35-40)

Bài đọc I: Sách Tông đồ Công vụ (Cv 8, 1b-8)
Bài Tin mừng: Tin mừng theo Thánh Gioan (Ga 6, 35-40)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin.

Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."
_________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin.”

Gioan dành hẳn Chương 6 để nói về Bánh Trường sinh, khởi đầu là dấu lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng trên núi, sau đó là diễn từ về Bánh Trường sinh tại Carphanaum, và cuối cùng là lời tuyên xưng của Phêrô vào Đức Giêsu.

Lúc này người Do Thái đã quay lưng lại với Đức Giêsu, bỏ không theo Ngài, vì họ không chấp nhận lời Ngài khẳng định về mình: “Chính tôi là Bánh Trường sinh”. Phêrô đại diện cho Nhóm Mười Hai nói lên niềm tin vào Đức Giêsu, vì chỉ có Ngài mới có lời Hằng sống. Gioan viết: “Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?" Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6, 67-68) Đó là toàn bộ nội dung Chương 6.

Trong các danh xưng về mình, “Ta là Đấng Hằng Hữu”;“Bánh Trường Sinh”; “Ánh Sáng thế gian”; “Cửa chiên ra vào”; “Mục Tử tốt lành”; “Sự Sống lại”; “Sự Sống”; “Cây Nho đích thực”, có lẽ danh xưng “BÁNH TRƯỜNG SINH” là danh xưng khó chấp nhận nhất. Người Do Thái không thể nuốt nổi danh xưng này, vì làm sao một người lại có thể biến thành bánh để cho người khác ăn, họa chăng chỉ có kẻ tâm thần, mất trí mới nói những điều đó. Như vậy chỉ còn cách bỏ đi, không thể ngồi đó để nghe những lời khó chịu như vậy.

Độc giả có thể đặt câu hỏi: Tại sao Đức Giêsu biết rõ người Do Thái không tin, Gioan viết: “tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin”, nhưng Ngài vẫn khẳng định trước sau như một: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”?

Xin thưa, vì đó là lời chân thật, mặc dù biết người Do Thái không chấp nhận nhưng Đức Giêsu vẫn khẳng định mà không thay đổi, Ngài sẵn sàng chấp nhận bị tất cả bỏ rơi, vì Ngài không bao giờ dùng các giải pháp rẻ tiền, hạ cấp, ru ngủ để đưa con người đến với Thiên Chúa, sự thật vẫn luôn là sự thật, và nó sẽ giải thoát con người.

Đây là kế hoạch khôn ngoan và đầy yêu thương của Thiên Chúa. Ngài bày tỏ cho con người qua mạc khải của Đức Giêsu, là Ngài hằng yêu thương chăm sóc con người. Ngài luôn mong muốn con người được sống và sống sung mãn. Mà nói đến sống thì phải có lương thực để duy trì sự sống đó, sự sống đời đời thì cần phải có Bánh trường sinh. Đó là một nhu cầu hợp lý. Nhưng Bánh trường sinh sẽ được ban thế nào? Có phải theo cách thức như manna không? Xin thưa: Không. Bánh trường sinh phải xuất phát từ Đấng Hằng Sống, và chính Con Thiên Chúa sẽ trở thành Bánh trường sinh cho con người.

Tư tưởng của Thiên Chúa thật cao vời mà trí khôn con người không thể dò thấu. Tiên tri Isaia viết: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55, 8-9) Như vậy trước lời khẳng định của Đức Giêsu: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” ta chỉ còn biết chiêm ngưỡng và thán phục.

Vấn đề đặt ra ở đây, người Do Thái không chấp nhận lời Đức Giêsu, còn ta thế nào? Ta có tin lời Ngài là lời chân thật như Phêrô đã tuyên xưng không? Ta có thái độ nào trước Mình và Máu Thánh Chúa trong mỗi Thánh lễ? Tôn kính, trân trọng,... hay thờ ơ lãnh đạm? Đó là câu hỏi mà ta phải trả lời.

“Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.”

Hình như ở đây có vấn đề gì đó mà ta cần làm rõ. Hãy xét cụm từ: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi”. Cụm từ này khác với cụm từ “Tất cả mọi người Chúa Cha ban cho tôi”.

Người theo Thuyết Tiền Định sẽ cắt nghĩa như sau: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi”, có nghĩa chỉ một số người nào đó được Chúa Cha tiền định, họ là những người được cứu độ, số còn lại của thế giới thì không. Đây là học thuyết sai lầm và nguy hiểm, và đã bị Giáo hội kết án. Nó nguy hiểm và sai lầm ở chỗ:

1/. Nó đã giới hạn Tình yêu Thiên Chúa, Tình yêu đó không chan hòa ra tất cả mà chỉ đóng khung trong một số người. Đây là sự xúc phạm đến Thiên Chúa nặng nề nhất, vì Tình Yêu của Ngài thật bao la vĩ đại, con người lấy quyền gì mà giới hạn nó lại.

2/. Gây ra sự tuyệt vọng nơi con người. Tại sao Thiên Chúa dựng nên tôi lại không yêu thương và cứu độ tôi, cho dù tôi đã cố gắng hết sức. Tôi biết chắc tôi sẽ là người bị loại vì tôi chẳng có công cán gì.

Rõ ràng Thuyết Tiền Định là một sự sai lầm tai hại. Như vậy cụm từ “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi” phải được hiểu là tất cả mọi người qua mọi thời đại. “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi”, tất cả mọi người đều được Thiên Chúa dựng nên, và giữa con người với Thiên Chúa đã có sự liên kết vô hình giữa Đấng tạo hóa và loài thọ tạo, con người tự nhiên hướng về Thiên Chúa.

Con người tự nhiên hướng về Thiên Chúa. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa được Chúa Cha sai đến trần gian, có quyền trên mọi loài thọ tạo, thì đương nhiên con người sẽ đến với Đức Giêsu. Câu “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi”, đó là nói trên nguyên tắc. Vấn đề ở đây, có phải mọi người đều đến với Đức Giêsu không? Thưa: KHÔNG. Vậy thì cái gì làm cho mọi người đều không đến với Đức Giêsu? Thưa: Vì tự do. Với sự tự do, con người có quyền nói KHÔNG và nói CÓ với Thiên Chúa. Như vậy, có người đến với Đức Giêsu, có người không.

Đối với ai đến với Đức Giêsu, thì Ngài nói: “và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài”. “Không loại ra ngoài” là cụm từ muốn nói sẽ được cứu độ, có sự sống đời đời. Đây là lời khẳng định rõ ràng và dứt khoát của Đức Giêsu. Ngài nêu ra lý do để cho ta tin vào lời ấy. Gioan viết: “vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi”.

Chúa Cha đã ban cho Đức Giêsu mọi người để họ được cứu độ, vậy Đức Giêsu phải thực hiện ý Cha Ngài, là nếu ai đến với Ngài thì sẽ được cứu độ và được sự sống đời đời.

“Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."

Đức Giêsu mạc khải ý Chúa Cha cho con người, Đức Giêsu cho biết: Thiên Chúa không muốn bất kỳ người nào phải hư đi qua câu nói: “tôi sẽ không để mất một ai”. Ai cũng hiện diện và có chỗ đứng trong trái tim Ngài. Thật vô lý không thể tưởng tượng, khi dựng nên một ai đó, Thiên Chúa không muốn người ấy được cứu độ. Ngài dựng nên họ để làm gì? Vậy ta phải khẳng định, Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ, chính Đức Giêsu sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.

Đức Giêsu có quyền năng để thực hiện việc ấy, vì như Gioan viết: “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì Người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý. Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính Người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai Người Con.” (Ga 5, 21-23). Nhưng chỉ có ai chấp nhận đến với Đức Giêsu thì mới được sự sống đời đời mà thôi.

Như vậy, ta không còn nghi ngờ gì nữa, mà tin chắc rằng mình sẽ được cứu độ khi đến với Đức Giêsu, có nghĩa tin vào Ngài. Nhưng độc giả sẽ thấy rõ nghịch lý sau: con người ngày nay lại tỏ ra rất dửng dưng với mạc khải của Đức Giêsu. Họ chạy theo nhiều thứ, nào là tiền bạc, là danh vọng, là thú tính, là hiệu năng,... trong khi, chính Thiên Chúa thì họ lại không quan tâm, hoặc quan tâm với một mức độ có tính hình thức. Vì sao? Thưa, vì sự sống đời đời nó còn xa lắm, mắt ta chưa nhìn thấy nó, bây giờ cứ sống hưởng thụ, để đến gần lúc ấy ta lo vẫn còn kịp. Đó là lối sống của kẻ ngu ngốc. Làm sao họ có thể biết “lúc ấy” là lúc nào, nó có thể xảy ra ngay bây giờ, vì không thiếu người đã chết ngay trong lúc đang nói chuyện, có thể là ngày hôm nay, ngày mai,... hoặc một ngày nào đó mà ta không ngờ. Chúa sẽ đến thật bất ngờ với người không chuẩn bị. Nhưng không bất ngờ với người đang mong chờ Ngài.

Kinh thánh thường dùng hình ảnh tên trộm để nói về Giờ Chúa đến, thật bất ngờ, chớp nhoáng và lạnh lùng. Giờ chết luôn là ẩn số, vì thế trong toàn bộ các sách Tin mừng, luôn vang vọng lời kêu gọi “hãy tỉnh thức”.

“Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."

Đức Giêsu khẳng định một lần nữa, tình yêu Thiên Chúa luôn mong muốn mọi người được cứu độ. Ta để ý cụm từ “tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con”, câu này có áp dụng cho chúng ta không? Vì con người ngày nay không giống người Do Thái ngày xưa. Ngày nay ta không thấy Đức Giêsu bằng xương bằng thịt, vậy ta có được cứu độ không? Xin thưa: Ta vẫn được cứu độ vì:

Lời Đức Giêsu là lời Hằng sống, nó luôn đem lại sự sống đời đời, như vậy lời Ngài sẽ vượt không gian và thời gian. Ngày nay mặc dù ta không thấy Đức Giêsu bằng xương bằng thịt, nhưng ta luôn thấy Ngài qua các biến cố trong đời ta. Cái thấy này mới cao quý, vì lời Đức Giêsau nói với Tôma: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, 29). Vấn đề còn lại bây giờ: Ta có tin Ngài không? Đó là câu hỏi dành cho mỗi người.

Đức Giêsu khẳng định một lần nữa: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết." Trong ngày sau hết, đó là Ngày Tận thế.

Amen.
_______________________

Joseph Nguyễn Viết Tâm.
 


Trở lại      In      Số lần xem: 2581
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  18
 Hôm nay:  439
 Hôm qua:  4373
 Tuần trước:  21266
 Tháng trước:  87836
 Tất cả:  12408785

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn