Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy Tuần III Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy Tuần III Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy Tuần III Phục Sinh
(10/05/2014) - (Ga 6, 51.60-69)

Bài đọc I: Sách Tông đồ Công vụ (Cv 9, 31-42)
Bài Tin mừng: Tin mừng theo Thánh Gioan (Ga 6, 51.60-69)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã nói: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."

Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?" Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin." Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.

Người nói tiếp: "Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho." Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?" Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa."
___________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã nói: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống."

Câu này được trích lại trong Bài Tin mừng hôm qua. Sở dĩ Phụng vụ cho lặp lại như để giải thích tại sao các môn đệ bỏ đi, họ không chấp nhận lời Đức Giêsu, vì những lời đó thật chướng tai. Cho dù là những lời chướng tai, không ai chấp nhận nhưng Đức Giêsu luôn khẳng định: Ngài là Bánh hằng sống từ trời xuống và ai ăn thịt và uống Máu Ngài sẽ được sống đời đời. Gioan cho biết diễn từ Bánh trường sinh xảy ra tại Hội đường Ca-phác-na-um, như vậy hội đường này cũng tương đối lớn vì trong đó có tất cả 03 thành phần: Người Do Thái, các môn đệ, và các tông đồ thuộc Nhóm Mười Hai. Ngày hôm qua người Do Thái đã phản ứng, có lẽ họ đã bỏ đi, như vậy trong hội đường chủ yếu còn lại các môn đệ và Nhóm Mười Hai.

“Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?"

Bây giờ đến lượt các môn đệ phản ứng, họ cũng như người Do Thái, không chấp nhận lời Đức Giêsu, họ còn phản ứng mạnh hơn nữa. Trong khi người Do Thái nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6, 52), các môn đệ nói mạnh hơn: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Họ đã phản kháng quyết liệt, điều này làm cho Đức Giêsu thất vọng và đau khổ, vì bị chính học trò của mình phản bác. Độc giả có thể rút ra ở đây 02 bài học.

1/. Bài học thứ nhất: Như Cổ nhân dạy: “Những lời nói đúng thường không được hay, còn những lời nói hay thường không được đúng”. Có nghĩa, những lời nói chân thật thường rất mộc mạc, không hoa hòe hoa sói, những lời đó rất tự nhiên và thường không được hay. Trong khi những lời lẽ văn chương thường ẩn chứa sự dối trá, vì bên trong là sự dối trá nên nó thường được che đậy bằng những từ hoa mỹ.

Lời Đức Giêsu cũng vậy, đó là lời chân thật, nên rất khó nghe. Những lời đó không được cả người Do Thái và các môn đệ chấp nhận, họ cho lời đó chướng tai, vì đó là những lời nói đúng. Nhưng Đức Giêsu không vì thế mà nói khác đi. Ngài chấp nhận mọi người có thể rút lui chứ không thay đổi khẳng định của mình về bánh trường sinh, như vậy đủ cho độc giả lượng định được giá trị lời Ngài nói. Đức Giêsu không thể phản bội chính mình khi nhượng bộ để thu phục các môn đệ.

2/. Các môn đệ đã vấp ngã trong thử thách. Các ông là những người đi theo Đức Giêsu, có thể đã nhìn thấy các phép lạ Ngài làm, lời Ngài giảng dạy và đã một lòng theo Ngài. Nhưng khi gặp thử thách, cụ thể những lời về Bánh Trường sinh hôm nay, các ông đã vấp ngã.

Gioan phân biệt đây là các môn đệ, chứ không phải Nhóm Mười Hai. Họ không ở với Đức Giêsu và không được Ngài dạy dỗ thường xuyên, nói cách khác họ không khá hơn người Do Thái bao nhiêu. 

Con người qua mọi thời đại cũng thế, họ có thể tin Đức Giêsu dễ dàng khi đòi hỏi của Ngài chưa có gì là ghê gớm, khi nó chưa đụng chạm đến quyền lợi và cuộc sống của họ. Nhưng khi gặp thử thách, khi đối diện sự từ bỏ, sự hy sinh, hay cả sự thiệt thân, thử hỏi họ còn theo Ngài nữa không? Đành rằng không phải tất cả đều vấp ngã, nhưng dù sao số người bỏ đi không phải là ít.

“Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.”

“Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?” Độc giả có thể hỏi, “Điều đó” là điều gì? Xin thưa: Nó gồm 03 điều trong diễn từ Bánh trường sinh:

1/. Đức Giêsu tự nhận mình là Bánh hằng sống, trong khi cha ông họ cho dù có ăn manna vẫn phải chết.
2/. Ngài tuyên bố Ngài từ trời mà đến, trong khi họ biết rõ tông tích của Ngài là con ông Giuse và anh em Ngài hằng ở với họ.
3/. Ngài khẳng định: Thịt tôi thật là của ăn, Máu tôi thật là của uống.

Đức Giêsu hỏi các môn đệ, những điều đó họ không chấp nhận được sao? Vâng đúng vậy, tất cả những điều trên họ đều bác bỏ, và điều họ khó chấp nhận nhất, đó là Ngài khẳng định: Thịt tôi thật là của ăn, Máu tôi thật là của uống. Đức Giêsu tỏ vẻ thất vọng về họ.

“Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” Đức Giêsu muốn nói, chỉ khi nào Ngài chịu chết, sau đó phục sinh, lên trời vinh hiển, và về lại nơi Ngài đã ở trước kia, đó là về với Chúa Cha thì họ mới tin những điều Ngài nói, vì lúc ấy họ mới tin Ngài là Con Thiên Chúa.

Qua đây ta thấy rõ, vấn đề cốt yếu đó là, họ có tin Ngài là Con Thiên Chúa không? Khi chưa tin, thì những lời Ngài nói họ không thể chấp nhận. Ngược lại khi đã tin, họ mới đón nhận lời Ngài nói một cách dễ dàng. Như vậy để có thể hiểu được lời Đức Giêsu, thì trước hết ta phải có niềm tin. Ta phải có niềm tin, lúc ấy ta sẽ thấy mọi sự trở nên sáng sủa, rõ ràng. Nhưng niềm tin ấy do đâu ta có? Xin thưa: Đó là hồng ân Chúa ban chứ không phải nỗ lực của riêng ta, như vậy ta phải xin Ngài ban cho ta lòng tin, đồng thời ta phải mở lòng mình ra đón nhận hồng ân Chúa ban.

“Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. “Thần khí” là từ ngữ trong Kinh thánh, nó có nhiều nghĩa:

+ Gió.
+ Hơi thở.
+ Linh hồn.
+ Đặc tính của Thiên Chúa = “Thiên Chúa là Thần Khí”

Ở đây ta lấy ý nghĩa: “Thần khí” là linh hồn. Chính linh hồn mới làm cho thân xác sống, bao lâu linh hồn chưa ra khỏi xác, ta còn sống trên dương thế, và khi linh hồn ra khỏi xác, lúc ấy ta chết. Như vậy, thần khí mới làm cho sống chứ xác thịt chẳng có ích gì.

Đức Giêsu nói: “Lời Ngài là Thần khí và là sự sống”. Ngài mạc khải cho con người về Chúa Cha và các Màu nhiệm, lời đó mang lại cho con người sự sống đời đời. Chỉ có Đức Giêsu ở trong đời sống nội tại của Thiên Chúa, nên Ngài mới biết rõ Chúa Cha. Như vậy, các mạc khải cho người Do Thái và các môn đệ về bánh trường sinh, nó mang lại cho con người sự sống đời đời nếu họ biết đón nhận.

“Nhưng trong anh em có những kẻ không tin." Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.”

Không phải tất cả các ông không tin, vẫn có người tin vào Ngài. Gioan dùng cụm từ “ngay từ đầu”, có người cho rằng: Ngay từ đầu, có nghĩa ngay từ lúc Đức Giêsu kêu gọi họ làm môn đệ. Có người muốn đi xa hơn, ngay từ đầu ám chỉ ngay từ đời đời. Dù hiểu theo cách nào thì cái biết của Thiên Chúa luôn là cái biết xuyên suốt, không giới hạn thời gian và không gian. Đối với Ngài, quá khứ, hiện tại và tương lai đang diễn ra trước mắt như một cuốn phim.

“Ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người”. Ngài biết ai tin và biết ai không tin, Ngài biết cả Giuđa sẽ nộp Ngài. Độc giả có thể thắc mắc: Tại sao Đức Giêsu biết người không tin, biết Giuđa mà vẫn chọn họ làm môn đệ? Và khi biết trước như vậy, số phận của họ coi như đã định đoạt và không còn thay đổi nữa? Họ còn tự do để thay đổi mình không? Tất cả những câu hỏi này đều nằm trong vấn đề gai góc nhất, đó là SỰ BIẾT TRƯỚC CỦA THIÊN CHÚA và TỰ DO CON NGƯỜI.

Ta phải xác tín, 02 yếu tố này không bị triệt tiêu, sự tự do của con người không bị mất trong sự biết trước của Thiên Chúa. Để cho dễ hiểu, ta hình dung hai tay đang cầm hai đầu của sợi dây xích. Dây xích đó gồm các vòng khoen móc vào nhau. Một đầu dây xích là sự biết trước của Thiên Chúa, còn đầu kia là tự do của con người. Hai yếu tố này chạy xoắn trong dây xích thế nào ta không cần biết, nhưng cả hai đều không bị triệt tiêu. Như vậy mặc dù Thiên Chúa biết trước những gì xảy ra cho người nào đó, thì người đó vẫn còn đầy đủ ý chí, đầy đủ tự do để thay đổi đời mình.

“Người nói tiếp: "Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho." Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.”

Đức Giêsu nhấn mạnh, nếu ta muốn đến với Ngài, muốn tin vào Ngài, thì không phải tự ta làm được, mà phải được Chúa Cha ban ơn. Như vậy, trong mọi nơi mọi lúc, nếu ta đến với Đức Giêsu để được sự sống đời đời, điều quan trọng ta phải cầu xin. Cầu xin, đó là thái độ khiêm tốn, nhận ra sự yếu đuối của mình, và chân thành mở lòng ra đón nhận ơn Chúa.

Gioan viết: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa”. Vâng họ đã vấp phải tảng đá lớn nhất của sự kiêu ngạo, chỉ vì muốn dùng trí khôn đầy giới hạn để nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa. Tại sao họ cho lời Đức Giêsu: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống", là lời chướng tai? Xin thưa, vì họ muốn dùng sự hiểu biết của con người thay vì tin Ngài là Con Thiên Chúa. Chính vì dùng trí khôn hạn hẹp, họ đã bị che mắt không nhìn thấy Tình yêu Thiên Chúa trong Màu nhiệm Bánh trường sinh.

“Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?" Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa."

Từ việc có nhiều môn đệ rút lui, Đức Giêsu cảm thấy buồn và đau khổ, một bầu không khí ảm đạm bao trùm hội đường, bây giờ chỉ còn Đức Giêsu, Nhóm Mười Hai và một số ít môn đệ còn lại. Chẳng thà người Do Thái bỏ đi chưa có gì đáng nói, nhưng bây giờ chính môn đệ cũng bỏ đi. Thử hỏi trên thế gian này có ông thầy nào còn vui được, khi các học trò bỏ rơi mình không? Chắc chắn không có ông thầy nào như vậy. Tình thầy trò là thứ tình cảm thiêng liêng, nó còn vượt lên trên tình cảm gia đình, mà sau này dù có ở chân trời góc biển nào người ta cũng cảm thấy nuối tiếc.

Ngài quay qua Nhóm Mười Hai và hỏi họ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”, một câu hỏi thật não nề. Trong thâm tâm Đức Giêsu không muốn họ đi theo vết xe của nhóm người kia. Và độc giả cũng nhận thấy, trong suốt diễn từ Bánh Trường sinh, các tông đồ không tỏ bất kỳ phản ứng nào. Có thể các ông chưa hiểu lời Ngài nói, nhưng các ông không chọn giải pháp bỏ đi như những người kia.

“Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa." Vâng vẫn là Phêrô, Gioan nói: “Phê-rô liền đáp”, có nghĩa ông muốn thay mặt anh em để trả lời câu hỏi Đức Giêsu và trả lời cách mau mắn. “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai?” Có nghĩa không có ai để các ông gọi là Thầy, vì không ai có thể đáp ứng được khát vọng nơi các ông.

Câu trả lời của Phêrô sẽ làm cho ta phải suy nghĩ, ta có hành động như các tông đồ không? Ta có chạy theo thần tượng nào ngoài Đức Giêsu không? Có thần tượng nào ở đời này có thể đáp ứng khát vọng sự sống đời đời của ta không? Xin thưa: không, không có thần tượng nào hết, vì chính thần tượng cũng thuộc về những gì hay hư nát thì làm sao có thể cho ta sự sống đời đời.

“Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa." Mặc dù Phêrô chưa hiểu lời Đức Giêsu nói về bánh trường sinh, nhưng ông vẫn quả quyết lời của Đức Giêsu mới đem lại sự sống đời đời.

Phêrô tuyên xưng niềm tin của mình: “Chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Trước đó, ông đã tuyên xưng : “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Ở đây, Phêrô lại công nhận Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 69).

Mặc dù Phêrô chưa hiểu, nhưng không như các môn đệ, phải hiểu rồi mới tin. Ở đây, Phêrô chấp nhận sự hạn hẹp, chấp nhận sự giới hạn của mình, ông không đòi phải hiểu rồi mới tin, nhưng ông đã tin, tin Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa, và từ niềm tin đó ông mới nhận ra Đức Giêsu mới có lời ban sự sống đời đời.

Amen.
_____________________

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2301
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  15
 Hôm nay:  329
 Hôm qua:  4373
 Tuần trước:  21266
 Tháng trước:  87836
 Tất cả:  12408675

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn