Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba Tuần III Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba Tuần III Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba Tuần III Phục Sinh
(06/05/2014) – (Ga 6, 30-35)

Bài đọc I: Sách Tông đồ Công vụ (Cv 7,51–8,1a)
Bài Tin mừng: Tin mừng theo Thánh Gioan (Ga 6, 30-35)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, đám đông dân chúng hỏi Đức Giê-su rằng: "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời."

Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian." Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!
_________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi ấy, đám đông dân chúng hỏi Đức Giê-su rằng: "Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời."

Sau khi Đức Giêsu thực hiện dấu lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng được ăn no nê. Họ nhận ra Ngài là vị Ngôn Sứ, Đấng phải đến và muốn tôn Ngài lên làm vua. Ngài phải lánh khỏi họ, đi đến thành Ca-phác-na-um với các môn đệ. Các môn đệ đi trước còn Ngài đi sau và Ngài đã đi trên mặt biển để đến với các ông.

Độc giả có thể thấy, khi người Do Thái, cụ thể là các Thượng tế và Pharisêu căm phẫn và muốn làm hại Đức Giêsu, Ngài đã lánh khỏi họ. Rồi khi dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua, Ngài cũng lánh khỏi họ. Vì Ngài là Con Thiên Chúa, đến trần gian để thực hiện Thánh ý Chúa Cha, đó là Sứ mệnh cao cả. Ngài không để cho người Do Thái nhào nặn theo ý muốn của họ. Đó là điều ta không cần bàn cãi, nhưng vấn đề muốn nói ở đây, trước một con số đông dân chúng như vậy, sao Đức Giêsu có thể lánh khỏi họ cách dễ dàng? Họ không thấy Ngài bỏ đi để giữ lại sao? Để rồi sau đó phải mất công tìm kiếm. Gioan không đề cập một chữ nào về vấn đề này, ta cũng không biết Ngài đã lánh khỏi họ bằng cách nào. Biến hình ư, thôi miên ư? Vì thế ta mới thấy câu Đức Giêsu nói: “Giờ Ta chưa đến”, nó có cái gì đó thật bí ẩn, chứa đựng quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa. Khi Giờ Ngài chưa đến thì nó chưa đến, và quyền lực tối tăm vẫn ở yên một chỗ. Và khi Giờ Ngài đã đến thì họ không cần phải tìm, Ngài đứng đó để họ bắt.

Dân chúng chưa chịu ngưng tìm kiếm, họ cũng đến Ca-phác-na-um để tìm và đã gặp Ngài. Đức Giêsu nói luôn cho họ biết, tại sao họ tìm Ngài: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” (Ga 6, 26). Như vậy mục đích họ tìm Ngài thật tầm thường và đầy vật chất. Họ không tìm Ngài vì Ngài là Đấng Messia mà chỉ là miếng ăn.

Không những người Do Thái ngày xưa, mà cả thời đại chúng ta cũng thế. Ta sẽ đặt câu hỏi: con người tìm kiếm Thiên Chúa vì lẽ gì? Đó có phải để đáp ứng khát vọng tâm linh hay chỉ vì mục đích tầm thường? Ta tìm kiếm Ngài vì được Ngài dựng nên trong Tình yêu, tìm kiếm Ngài như là cùng đích của cuộc đời, hay ta tìm Ngài để được đáp ứng mọi tham vọng và dục vọng của mình?

Một câu hỏi mà mỗi người phải trả lời, ta không trả lời cho ai hết, nhưng trả lời cho ta. Ta có tìm kiếm Thiên Chúa trong đời mình không? Và tìm kiếm vì lẽ gì? Một câu hỏi không dễ trả lời dứt khoát, vì lúc này ta tìm kiếm vì lý do này, nhưng ở thời điểm khác ta lại tìm kiếm Ngài vì lý do khác. Nhưng câu trả lời trong giây phút cuối cùng cuộc đời này là gì? Ta thử đặt mình vào giây phút đó để xem câu trả lời thế nào. Vậy tại sao ta không sống với câu trả lời đó ngay từ bây giờ có hơn không? Nếu ai biết sống như vậy, sống với câu trả lời cuối đời ngay từ bây giờ, chắc chắn cuộc đời họ sẽ khác, không còn như họ đang sống.

Đức Giêsu khuyên người Do Thái: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận." Họ liền hỏi Người: "Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?" Đức Giê-su trả lời: "Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến." (Ga 6, 27-29). Đức Giêsu kêu gọi người Do Thái hãy tin vào Ngài, vì khi tin vào Ngài, họ đang làm công việc Thiên Chúa muốn. Họ sẽ có sự sống đời đời.

Vấn đề ở đây, họ có tin vào Ngài không? Thưa: KHÔNG. Chính vì không tin nên trong bài Tin mừng hôm nay, kế tiếp ngay sau đoạn đã trích, bắt đầu cuộc tranh luận gay go.

Họ đặt vấn đề: Ngày xưa Môsê đã thực hiện dấu lạ, cho manna từ trời nuôi sống dân Do Thái trong sa mạc 40 năm trời trên đường vế đất hứa, "vậy chính ông (Đức Giêsu), ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?”

Người Do Thái đã đặt vấn đề sai, ông Môsê có thực hiện dấu lạ không? ở phần sau ta sẽ rõ. Và họ đặt ra một thách thức cho Đức Giêsu, Ngài phải làm gì để họ tin. Có nghĩa họ yêu cầu Ngài phải thực hiện dấu lạ nữa tại đây. Vậy thử hỏi bao phép lạ Đức Giêsu đã làm (phép lạ, là cách dùng từ của các Thánh sử Nhất lãm), như cho người mù được thấy, điếc được nghe, què được đi, bất toại được lành lặn, chết được sống lại, quỷ ám phải trục xuất,... chưa phải là dấu lạ sao? Họ còn đòi bao nhiêu dấu lạ nữa mới đủ cho họ tin? Xin thưa: Bao nhiêu cũng không đủ cho họ.

Nhưng đâu cần phải nhiều dấu lạ như vậy, chỉ cần một dấu lạ thôi, một dấu lạ trong cuộc đời cũng đủ cho ta đặt lại vấn đề. Có những người đã thay đổi hẳn, mà theo cách nói bình dân, thay đổi 180 độ vì một biến cố nào đó. Thiên Chúa đã can thiệp kịp thời trong đời ta với một biến cố, với một sự kiện thật ấn tượng, ta chợt nhận ra tình yêu của Ngài quá vĩ đại, và đòi ta phải đặt lại vấn đề. Ta không thể sống như ta đang sống, không được sống như vậy được nữa, thật quá vô lý, và khởi điểm cho sự thay đổi đã được bắt đầu. Nhưng ta hãy coi chừng, nếu không tỉnh táo, không chú ý, có thể ta sẽ bỏ qua dấu lạ đó dễ dàng.

“Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian."

Người Do Thái cho rằng: Ông Môsê là người đã thực hiện dấu lạ manna, nhưng Đức Giêsu khẳng định, người ban manna không phải ông Môsê, vì ông cũng chỉ là người bình thường, ông không có quyền gì hết, những gì ông thực hiện chỉ là làm theo lệnh của Thiên Chúa. Chẳng hạn các tai ương ông đã thực hiện tại Ai Cập trước mặt Pha-ra-ô để buộc vua phải để dân Do Thái ra đi. Các tai ương đó gồm:

- Cây gậy biến thành con rắn
- Nước biến thành máu
- Dịch ếch nhái
- Dịch muỗi
- Dịch ruồi nhặng
- Ôn dịch trên gia súc.
- Ung nhọt trên người và thú vật.
- Mưa đá.
- Dịch châu chấu.
- Cảnh tối tăm.
- Cuối cùng con trai đầu lòng của người Ai Cập phải chết

Với bằng ấy tai ương đã đánh gục ý chí của vua Pha-ra-ô. Tất cả những việc này do Thiên Chúa làm qua trung gian ông Môsê, vì trước mỗi tai ương, Thiên Chúa đều truyền cho Môsê phải làm thế này, thế nọ. Như vậy, Đức Giêsu khẳng định với người Do Thái: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu”. Như vậy manna do chính Thiên Chúa ban chứ không phải ông Môsê như người Do Thái đã quan niệm.

Đức Giêsu nói tiếp: “chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian." Ngài khẳng định, đó là Cha Ngài. Ta để ý cụm từ “Cha tôi”, đây sẽ là điểm gây tranh cãi nhiều nhất giữa Đức Giêsu với người Do Thái sau này. Họ cho Ngài phạm thượng, dám đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa khi gọi Thiên Chúa là Cha.

Ta để ý cụm từ “bánh đích thực”, thế nào là bánh đích thực? Tất cả những bánh do con người làm ra, nuôi sống con người một cách thể lý, đó là của ăn mau hư nát, con người cần nó để duy trì sự sống trên trần gian. Nhưng bánh Thiên Chúa ban, cho họ sự sống đời đời. Như vậy, Thiên Chúa không dựng nên con người như làm ra đồ vật, rồi sau đó bỏ mặc. Nhưng Ngài hằng quan tâm chăm sóc, Ngài ban cho họ lương thực để sống. Chính bánh đích thực Thiên Chúa ban, mới làm cho vũ trụ này phong phú và sinh động, vì làm cho vũ trụ có sự sống qua sự sống của con người, vũ trụ sống chứ không im lìm bất động của sự chết.

Manna là hình ảnh tiên báo Mình Thánh Chúa trong Tân ước sau này. Nếu manna là lương thực nuôi sống người Do Thái 40 năm trời trên con đường về Đất Hứa, thì Mình Thánh Chúa sẽ là lương thực nuôi sống con người trên đường tiến về quê trời. Ngoài manna, trong Cựu ước còn nhiều hình ảnh tiên báo khác, chẳng hạn, bánh thiên thần trao cho ông Êlia ăn, giúp ông có sức đi 40 ngày đêm trên đường về núi Chúa tránh sự truy đuổi của vua và hoàng hậu Do Thái.

“Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." Đức Giê-su bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”

Sau khi Đức Giêsu nói: “chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian." Người Do Thái liền nói ra khao khát của mình, đó cũng là khao khát của con người qua mọi thời đại: “xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy." Không những xin để được ăn một lần, nhưng xin để “ăn mãi”. Họ có tham lam quá không? Xin thưa: Không, vì sự sống luôn phải có bánh để duy trì, ngày nào không có bánh con người sẽ bị chết. Như vậy họ không xin một lần mà là xin để được ăn mãi.

Đức Giêsu thấu hiểu khao khát của người Do Thái, và đó là nhu cầu chính đáng. Ngài mới nói với họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Ngài đã tự biến mình lương thực cho con người và mời gọi đến với Ngài.

Ta để ý Đức Giêsu đề cập đến 02 nỗi sợ, đó là ĐÓI và KHÁT. Ngài sẽ đáp ứng cho con người 02 nhu cầu đó. “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Như vậy Tin vào Đức Giêsu và đến với Ngài qua phép Thánh Thể, con người mới có sự sống đời đời. Ai không đến với Thánh Thể, linh hồn họ coi như đã chết vì không có bánh nuôi sống nó.

Vấn đề đặt ra ở đây: Người Do Thái có chấp nhận điều này không? Xin thưa: Không. Gioan viết: “Người Do-thái liền xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói: "Tôi là bánh từ trời xuống." Họ nói: "Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống?" (Ga 6, 41-42) Có nghĩa người Do Thái chỉ nhìn Đức Giêsu qua nhân tính, chứ không thể chấp nhận Ngài qua Thiên tính, họ luôn nói Đức Giêsu là con ông Giuse, có nghĩa một người giống như họ, thì làm sao Ngài có thể nói, Ngài là Bánh từ trời xuống.

Gioan còn viết tiếp: “Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?" (Ga 6, 52). Như vậy những điều Đức Giêsu mạc khải cho người Do Thái, họ không thể chấp nhận, họ không nuốt nổi những lời Ngài nói.

Còn chúng ta ngày nay thì sao? Để tin Đức Giêsu và tin vào lời Ngài nói, ta không thể dùng lý trí của mình để phân tích, trước hết đó là phải là ơn Chúa ban. Nếu ta chỉ dùng kiến thức hẹp hòi của mình, dùng lý trí của mình, thì cùng lắm ta chỉ đến được ngưỡng cửa của Màu Nhiệm. Muốn vào được Màu nhiệm, cần phải có ơn Chúa dẫn ta vào.

Vì thế, như ngày xưa, các tông đồ luôn cầu xin: “Xin Thầy ban thêm niềm tin cho chúng con”, thì ngày nay ta cũng phải cầu xin, “Xin Chúa ban thêm niềm tin cho con”. Vâng đúng vậy, chỉ khi nào ta có được niềm tin vững vàng, ta mới hiểu được lời Đức Giêsu nói: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” Hiểu và đến với Đức Giêsu để ta được sống đời đời.

Amen.
___________________________

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 1784
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  19
 Hôm nay:  500
 Hôm qua:  4373
 Tuần trước:  21266
 Tháng trước:  87836
 Tất cả:  12408846

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn