Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Các Bài Chú Giải và Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIV Năm A

Các Bài Chú Giải và Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIV Năm A

Các bài chú giải và suy niệm Tin Mừng
Chúa Nhật XXXIV thường niên – năm A
Lời Chúa: 
Ed 34, 11-12. 15-17; Tv 22, 1-2a. 2b-3. 5. 6; 1 Cr 15, 20-26. 28; Mt 25, 31-46
**********

MỤC LỤC
1. Chú giải và gợi ý suy niệm của Lm FX Vũ Phan Long, ofm: Phán xét cuối cùng
2. Chú giải và gợi ý suy niệm của Lm. Inhaxiô Hồ Thông: Đức Giêsu Vua vũ trụ
3. Chú giải của Noel Quesson
4. Chúa Giêsu là Vua (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
5. Đã làm gì và không làm gì cho tha nhân! (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
6. Chúa Giêsu là Vua (Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)
7. Yêu mến và phụng sự Chúa nơi tha nhân (Lm. Inhaxiô Trần Ngà)
8. Vương quốc tình yêu (ĐTGM. Ngô Quang Kiệt)
9. Vua Tình Yêu (Trầm Thiên Thu)
10. Suy tôn vương quyền của Chúa Giêsu Kitô (Giêrônimô Nguyễn Văn Nội)
11. Lễ Chúa Kitô Vua (Radio Veritas Asia)
12. Những người được chúc phúc (Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)
13. Cuộc xét xử tình yêu (Lm. Hồng Phúc)
14. Nhân quả (Lm. Giuse Trần Việt Hùng)
15. Khi tình người mất – Bạo lực lên ngôi (Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
16. Lễ Chúa Kitô Vua (Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC)
17. Thần dân trung tín của Vua Tình Yêu (AM Trần Bình An)
18. Quyền lực của đồng tiền (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
19. Phục vụ Vua Ki-tô là phục vụ anh chị em của Người (Lm. Đa-minh Trần Đình Nhi)
20. Vương quyền và phục vụ (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên)

21. Để suy tôn vương quyền của Chúa Giêsu (Lm. Đan Vinh)
22. Suy tôn vua Giêsu khải hoàn (P. Trần Đình Phan Tiến)
23. Nước của Đức Giêsu ở chốn nào? (Jos. Vinc. Ngọc Biển)
24. Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói? (Fx. Đỗ Công Minh)

 

 

A. BẢN VĂN

 

Bài đọc I (Ed 34, 11-12. 15-17)

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: “Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán, và trong ngày mây mù đen tối. “Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính.

Bài đọc II (1 Cr 15, 20-26. 28)

Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết. Khi mọi sự đã suy phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Ðấng đã bắt mọi sự suy phục mình, để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự.

Tin Mừng (Mt 25, 31-46)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái. “Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”. “Khi ấy người lành đáp lại rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?” Vua đáp lại: “Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta”. “Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!” “Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: “Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?” Khi ấy Người đáp lại: “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu”.

[Mục Lục]

B. CÁC BÀI CHÚ GIẢI VÀ SUY NIỆM

Bài 1. Chú giải và gợi ý suy niệm của Lm FX Vũ Phan Long, ofm: Phán xét cuỐi cùng

1. Ngữ cảnh

Có những người gọi đây là “dụ ngôn về cuộc phán xét thế gian”. Tuy nhiên, nếu muốn đúng nghĩa dụ ngôn, chúng ta chỉ có cc. 32b-33, được coi như một dụ ngôn ngắn. Phần lớn của bản văn được tạo nên bởi hai mẩu “đối thoại phán xét” chính (cc. 34-40.41-45). Có thể gọi đây là một bức họa về phán xét. Đây không phải là một bản văn khải huyền, vì không có thị kiến, cũng không phải là một bài huấn giáo về phán xét, vì không có một lần nào bản văn ngỏ lời trực tiếp với các độc giả.

Qua bản văn hôm nay, chúng ta gặp được niềm hy vọng của Hội Thánh vào Đức Kitô quang vinh (“Chúa” [Kyrios]: cc. 37.44; Đức Vua: cc. 34.40 // “mục tử”: c. 32). Hẳn là tác giả đã lấy cảm hứng từ các bản văn ngôn sứ như Tv 2,7; 110,1-3; Đn 7,14. Tuy nhiên, ngoại trừ quang cảnh hùng vĩ đó, sứ điệp trọng tâm của bản văn vẫn không khác sứ điệp của những bản văn đi trước: Người đầy tớ trung tín (24,45-51), Các trinh nữ (25,1-13), Ba người tôi tớ (25,14-30) trong đó ta thấy cuộc gặp gỡ với ông chủ, cũng được gọi là kyrios, kết thúc với phần thưởng hoặc hình phạt.

2. Bố cục

Bản văn có thể chia thành bốn phần:

1) Quang cảnh Phán xét cuối cùng (25,31-33);

2) Xét xử những người bên phải (25,34-40);

3) Xét xử những người bên trái (25,41-45);

4) Kết luận (25,46).

3. Vài điểm chú giải

- muôn dân (32): Theo S. Hre Kio (“Understanding and Translating “Nations” in Mt 28,19”, dansThe Bible Translator 41 (1990) 236), trong số 16 lần từ ngữ ethnê được dùng trong Mt, chỉ có ba lần liên hệ với cuộc phán xét thế gian (24,7; 24,14; 25,32), thì rất có thể từ ngữ phải được hiểu theo nghĩa tổng quát, không giới hạn (= Do Thái + Dân ngoại); trong những trường hợp khác, từ này được hiểu là “Dân ngoại” (4,15; 5,47; 6,7; 6,32; 10,5; 10,18; 12,18; 12,21; 18,17; 20,19; 20,25; 21,43; 24,9).

- tập hợp trước mặt Người (32): Cựu Ước cũng đã nói đến cuộc quy tụ hoành tráng các dân trên thế giới lại để chịu Thiên Chúa phán xét (Ge 4,2; Is 66,18; Gr 25,31; v.v.). Ở đây chúng ta cũng gặp lại viễn tượng ấy: đây không còn phải là cử chỉ từ bi thương xót của người mục tử cánh chung quy tụ những người được chọn (Mk 4,6; Xp 3,19; Ed 34,12-13) hoặc quy tụ cả Do Thái lẫn Dân ngoại vào một đoàn duy nhất (Gr 3,17), nhưng là hành vi uy quyền triệu tập loài người ra trước tòa Thiên Chúa.

- tách biệt chiên với dê (32): Chính xác thì đây là chiên và dê con. Ban ngày chúng có thể đi chung, nhưng về đêm người ta phải tách dê con ra để giữ cho chúng ấm. Vì chiên thì có giá trị hơn dê con, ta hiểu tại sao chiên được đặt về bên phải vị Thẩm phán cánh chung, vì chỗ bên phải là chỗ danh dự.

- Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn (37): Không phải là những người lành quên, nhưng họ không biết là khi giúp đỡ những người túng cực là họ đã làm cho chính Con Người. Ý nghĩa tròn đầy của các hành vi của họ chỉ được vén mở vào giờ cuối cùng. Điều này hoàn toàn phù hợp với nền luân lý của Mt (“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”, Mt 6,4).

- những anh em bé nhỏ nhất (40): Từ ngữ “bé nhỏ” (nêpios và mikros) được dùng nhiều lần trong Mt để gọi những thành viên yếu hơn hoặc có nhu cầu hơn trong cộng đoàn (11,25; 26,16:nêpios; 10,42; 13,32; 18,6; 26,39.73: mikros), còn từ elakistos, “bé nhỏ nhất” để gọi con người thì chỉ xuất hiện trong bản văn ở đây mà thôi. Dường như từ này không đồng nghĩa với hai từ trên, mà lại có nghĩa xã hội nhiều hơn.

4. Ý nghĩa của bản văn

Bản văn của chúng ta là bản văn cuối cùng trước khi truyện Thương Khó bắt đầu, đồng thời, là giáo huấn cuối cùng Đức Giêsu ban cho các môn đệ.

* Quang cảnh Phán xét cuối cùng (31-33)

Bản văn mở ra với mộtquang cảnh hùng vĩ: Con Người “đến trong vinh quang”: Người vẫn là mục tử “tách biệt chiên với dê”, nhưng cũng là Đức Vua uy phong chủ trì cuộc xét xử chung cuộc. Chúng ta mường tượng ra khung cảnh được nói đến trong dụ ngôn Cỏ lùng (13,41-43), với cùng những nhân vật (một bên: Con Người, các thiên thần, Chúa Cha, những người công chính, những người làm việc tốt; bên kia: ma quỷ, các thiên thần của ma quỷ, những kẻ xấu, những kẻ bị chúc dữ), nhưng được triển khai rộng ra. Đức Giêsu xuất hiện trong vinh quang của Người, chung quanh có các thiên thần, ngự trên mộtcái ngai vinh quang (c. 31). Tất cả những yếu tố mô tả đây là biểu tượng của sự hiện diện và quyền lực của Thiên Chúa. Vinh quang là sự hiển lộ rạng rỡ, chói ngời của Thiên Chúa. Các thiên thần đứng trước nhan Người làm chứng về sự hiện diện của Người. Cái ngai tượng trưng uy quyền của Người, từ đó Người điều khiển cách chắc chắn.

* Xét xử những người bên phải và bên trái (34-45)

Đã có quyền lực và sự uy hùng của Thiên Chúa, Đức Giêsu thực hiện việc xét xử. Lời tuyên án có tính vĩnh viễn, không thể hồi tố. Đức Giêsu đã đến như “Con Người”, Đấng đã được Thiên Chúa trao cho quyền chúa tể, vương vị và vương quyền (x. Đn 7,14). Người tuyên án như “Đức Vua” đang thi hành quyền chúa tể vô song (25,34.40). Người hành động như là “Con Thiên Chúa” đang lên tiếng nhân danh Chúa Cha (x. 25,34) và đứng về phía những người túng quẫn, được coi như là anh em Người và con Thiên Chúa (c. 40). Người được mọi người có mặt nhận biết như là “Chúa tể” (cc. 37.44). Trong cuộc xét xử, địa vị và uy quyền của Đức Giêsu cũng như trọng lượng lời Người và hành động của Người được tỏ bày.

Mọi dân tộc, tất cả mọi người không ngoại lệ, phải trả lẽ về mình trước nhan Người. Tức khắc có mộtchi tiết khiến chúng ta ngạc nhiên: Đây không phải là những người Israel (23,37–24,31) hoặc các Kitô hữu (24,45–25,30) mà là “muôn dân” (panta ta ethnê) (c. 32). Cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước, “các dân tộc” (ta ethnê) dường như là mộttừ ngữ chuyên được dùng để gọi các Dân ngoại. Tuy nhiên, ở đây cũng có thể hiểu theo nghĩa bao quát: dân Chúa và Dân ngoại. Tác giả Mtviết cho mộtgiáo đoàn hỗn hợp, gồm các Kitô hữu gốc Do Thái và Dân ngoại, để giáo huấn họ về việc đưa Lời Chúa ra áp dụng (24,45–25,30; x. Rm 2,13). Đến ngày tận thế, mọi người, dân Do Thái cũng như người ngoại, đều được triệu tập đến trước mặt vị Thẩm phán tối cao. Không ai có thể coi như không có Người. Mỗi người sẽ bị xét xử theo tiêu chuẩn chính Người quy định và Người xác định số phận đời đời cho từng người. Bất kể địa vị, giai cấp xã hội, phái tính, giống nòi hoặc tuổi tác, mọi người đều bị xét xử theo mộttiêu chuẩn như nhau.

Khi đó, tất cả sẽ bị xét xử, không phải tùy theo những công trạng đã đạt hoặc những lỗi đã phạm đối với các khoản luật lệ nào, nhưng là những lỗi phạm đến anh chị em đồng loại. Bản văn không nêu ra những việc như là mộtcuộc trả thù chống lại các thẩm phán bất công và các bạo chúa đã áp bức Israel hoặc dân mới của Thiên Chúa, nhưng nêu ra những việc đã không làm cho hạng người cùng rốt trong bậc thang xã hội. Đây là những việc làm cho con người (“những anh em”), trong tư cách là con người, chứ không phải là trong tư cách là người Israel hay là Kitô hữu. Cũng không có nét gì là chuyên biệt tôn giáo trong các công việc này. Đức Giêsu đã gọi những ai thi hành ý muốn của Cha Người là “anh em” Người (12,48-50). Nhưng ở đây trong tư cách vị thẩm phán, Người lại nói đến “những anh em bé nhỏ nhất”, tức là những người cùng chia sẻ thân phận nghèo khó và khiêm tốn như Người (x. 11,28-30). Đức Giêsu thích tự đồng hóa với những người bé nhỏ, bởi vì đức tính tapeinôsis, “sự khiêm nhường”, là nhân đức căn bản của Người (x. 11,28-36) và những người yếu đuối là đối tượng Người ưu ái chăm sóc. Tất cả mọi người đều là “anh em” Người (x. Rm 8,29; Dt 2,11.17), nhưng những người túng quẫn hơn và xấu số mới là “anh em” Người cách gần gũi nhất.

Lời tuyên án được công bố vào cuối mộtcuộc đời hoặc cuối mộtkinh nghiệm, nhưng án xử thì được thực hiện dọc theo dòng lịch sử. Có thể nói mỗi người xây dựng chính hạnh phúc hay bất hạnh vĩnh cửu ngày qua ngày. Loài người sẽ bị xét xử không phải về những gì đã nghĩ hoặc đã nói, nhưng về những gì đã làm cho chính anh em mình. Không phải mọi người đều đã biết Đức Giêsu, nhưng mọi người đều có mộtnẻo đường để gặp được Người, đó là nẻo đường “các việc từ bi thương xót”; đó chính là các việc Người đã làm. Ta gặp lại giáo huấn của Đức Giêsu: không phải là nói như Đức Kitô, nhưng là hành động như Người, mới được chiếu cố. Khi săn sóc những người “nhỏ bé nhất”, những người túng quẫn, những người đói khát, những khách lạ, những người trần truồng, những người ngồi tù (cc. 35-36), ta vừa làm giống như Đức Kitô vừa săn sóc chính Đức Kitô. Ta giúp đỡ Đấng mộtngày kia sẽ là thẩm phán.

Khi nhắc đến một vài nhu cầu sơ đẳng, như thiếu thức ăn, thức uống, nơi ở, quần áo, và cả tình trạng bệnh tật và tù đày, Đức Giêsu không muốn cung cấp mộtdanh sách rốt ráo. Người không yếu cầu điều không thể làm được, nhưng việc tặng ban và giúp đỡ vừa sức chúng ta.

Những ai đã dấn thân làm việc tốt, Đức Giêsu gọi họ là “những kẻ Cha Ta chúc phúc” và ban cho họ Vương quốc vĩnh cửu (c. 34). Thiên Chúa trong tư cách là Cha của Đức Giêsu đã chúc phúc cho họ.

* Kết luận (46)

Như mộtmặt trời, lòng tốt của Đức Giêsu và tình yêu của Người rọi tới họ, làm cho họ tươi nở trong niềm vui và hạnh phúc, và ban cho họ sự sống viên mãn (c. 46). Những gì họ đã trao tặng cho người thân cận với sức yếu đuối nay nhận được đầy tràn do Thiên Chúa ban: tình yêu, sự hiệp thông, sự sống và niềm vui.

Còn những người khác thì bị loại khỏi nhan Thiên Chúa. Lửa tượng trưng sự dày vò và đau đớn giáng xuống trên tất cả những ai bị loại không được nhận sự chúc phúc và sự sống của Thiên Chúa. Họ không được sống trong sự nhân lành chói chan của Chúa Cha và trong cộng đoàn những người có sự tốt lành này. Số phận của họ là cộng đoàn những kẻ ích kỷ và thất bại, là sự thù ghét căm hờn.

+ Kết luận

Bài diễn từ đầu tiên của Đức Giêsu bắt đầu bằng phúc lành (5,3-12), bài cuối cùng kết thúc bằng cảnh phán xét cuối cùng. Toàn thể giáo huấn của Đức Giêsu được gom lại giữa hai giáo huấn quan trọng này, là những giáo huấn nói về những gì chúng ta có thể chờ đợi từ nơi Thiên Chúa và những gì chính chúng ta phải làm. Trong bài nói về phán xét cuối cùng, Đức Giêsu nhấn mạnh đến việc trao tặng nhưng-không, tỏ bày lòng từ bi thương xót và sự tốt lành cho người anh em. Đấy là yếu tố chính, lãnh vực chuyên biệt để chúng ta hành động. Tuy nhiên, cũng không được quên những giáo huấn khác của Đức Giêsu. Nhận biết uy quyền của Người và quyền lực của Chúa Cha làm cho chúng ta có khả năng và thúc đẩy chúng ta hành động theo các tiêu chuẩn của Chúa Cha cũng là của Đức Giêsu.

5. Gợi ý suy niệm

1. Tất cả những gì chúng ta là và có đều là của cải được ký thác. Chúng ta không được phung phí theo ngẫu hứng, nhưng phải sử dụng theo ý muốn của Thiên Chúa và nhằm phục vụ Ngài (25,14-30). Bài Tin Mừng hôm nay cho biết ý muốn của Thiên Chúa là gì và việc phục vụ được yêu cầu hệ tại điều gì: giúp cho mộtngười ở trong tình cảnh quẫn bách là giúp chính Đức Giêsu. Việc giúp đỡ ấy khiến chúng ta được chấp nhận trong ngày phán xét để được đi vào cuộc sống vĩnh cửu. Từ khước hoặc bỏ qua không giúp đỡ người khác sẽ khiến chúng ta bị kết án vào ngày phán xét và đưa chúng ta đến hình phạt đời đời.

2. Những người nghèo khó túng cực tự họ không thể tự đồng hóa với Đức Giêsu, nhưng chính Người tự đồng hóa với họ. Do đó, mỗi việc giúp đỡ dành cho những người nhỏ bé có mộtgiá trị bền vững. Đàng sau mỗi người, và nhất là đàng sau mỗi người nhỏ bé, yếu đuối, bị thử thách, có Đức Giêsu đang hiện diện; trong con người này, Đức Giêsu gặp chúng ta và xin chúng ta giúp đỡ. Do Đức Giêsu, mỗi người nhận được mộtphẩm giá thường hằng, và hành động được thực hiện vì Người sẽ nhận được mộtgiá trị vô song và quyết định đối với số phận của mình.

3. Đức Giêsu không nói: Ta đã bị bệnh và các ngươi đã chữa ta lành, Ta đã bị tù và các ngươi đã giải thoát Ta. Chữa lành bệnh tật và giải phóng thường vượt quá khả năng chúng ta. Tuy nhiên, để chia sẻ thì không cần nhiều của cải hoặc những tài năng đặc biệt, nhưng cần mộttrái tim rộng mở và có lòng thương cảm. Bởi vì có rất nhiều nhu cầu khác nhau, về thể lý, tâm lý hoặc tinh thần. Điều đầu tiên là phải có con mắt, trái tim và sự nhạy cảm; nhất là phải nhận ra nhu cầu của người anh chị em.

4. Bài học của đoạn Tin Mừng này đã rõ: Đến cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu. Những người công chính là những người đã chu toàn Luật Thiên Chúa, như chính Đức Giêsu đã diễn tả qua điều răn lớn nhất. Một lần nữa, ở đây, Người lại đồng hóa tình yêu đối với tha nhân với tình yêu đối với Thiên Chúa. Để những việc ta làm cho anh chị em được gọi là “tốt”, ta hãy làm việc ấy cho chính Thiên Chúa.

5. Tác giả Mt tin rằng Hội Thánh Kitô giáo không có một vị trí đặc biệt nào tại cuộc phán xét. Các Kitô hữu cũng bị xét xử bởi Con Người, Đức Chúa của họ, chỉ dựa trên các hành vi yêu thương họ đã làm, y như bất cứ người nào khác. Chính vì thế, họ chẳng có gì để tự mãn.

[Mục Lục]

Bài 2. Chú giải và gợi ý suy niệm của Lm. Inhaxiô Hồ Thông: Đức Giêsu Vua vũ trụ

Tin Mừng trình bày ngày chung thẩm ở đó Đức Vua vinh hiển mở cửa Nước Trời cho tất cả những ai đã yêu mến Ngài qua việc yêu thương anh chị em bất hạnh của họ, những người mà Đức Vua tình yêu tự đồng hoá mình với họ.

ĐỨC GIÊ-SU VUA VŨ TRỤ

Lễ Chúa Kitô Vua đã được Đức Pi-ô XI thiết định vào năm 1925 để khẳng định niềm tin của Giáo Hội vào quyền tối thượng của Đức Giê-su trên mọi người, mọi gia đình và mọi xã hội nhân loại. Trong bức Thông Điệp của mình “Quas primas” vào ngày 11 tháng 12 năm 1925, Đức Pi-ô XI đặc biệt tố cáo chủ nghĩa thế tục làm phương hại tận căn vương quyền của Đức Ki-tô.

Trước đây, Lễ Chúa Ki-tô Vua được ấn định vào Chúa Nhật cuối cùng của tháng mười. Từ cuộc canh tân phụng vụ, Ngày Lễ nầy đóng lại năm phụng vụ, vì nó được trình bày như đỉnh cao của tất cả mầu nhiệm Đức Ki-tô.

Lễ Đức Ki-tô Vua long trọng nhắc nhở rằng Đức Ki-tô không chỉ là anh em của chúng ta, người bạn đồng hành của chúng ta, nhưng cũng là Chúa của chúng ta.

Ed 34: 11-12, 15-17

Bài Đọc I, trích từ sách Ê-dê-ki-en, là dụ ngôn người mục tử nhân lành. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo rằng Đấng Mê-si-a (Đức Ki-tô) mà muôn dân mong đợi sẽ còn hơn một vị vua: người mục tử nhân lành của dân Ngài, Ngài biết chọn lựa giữa chiên và dê, giữa người tốt và kẻ xấu.

1Cr 15: 20-26, 28

Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô gợi lên vương quyền của Đức Ki-tô. Thiên Chúa đã quy phục mọi sự cho Ngài, và vào ngày cùng tận, Chúa Con sẽ hoàn lại cho Cha Ngài thế giới mà Ngài đã vĩnh viễn tiêu diệt quyền lực Sự Ác và Tử Thần.

Mt 25: 31-46

Tin Mừng trình bày ngày chung thẩm ở đó Đức Vua vinh hiển mở cửa Nước Trời cho tất cả những ai đã yêu mến Ngài qua việc yêu thương anh chị em bất hạnh của họ, những người mà Đức Vua tình yêu tự đồng hoá mình với họ.

BÀI ĐỌC I (Ed 34: 11-12; 15-17)

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en sống vào thời kỳ bi thảm nhất của lịch sử Ít-ra-en: thời kỳ những cuộc xâm lăng của đế quốc Ba-by-lon vào đầu thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên. Sau khi vua Ba-tư là Na-bu-cô-đô-no-so đánh chiếm kinh thành Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất vào năm 598 tCN, ngôn sứ Ê-dê-ki-en là một trong đoàn người ưu tú đầu tiên bị dẫn đi lưu đày.

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en tiên báo một tai họa còn lớn lao hơn. Tai họa nầy bất ngờ xảy đến mười một năm sau đó. Quân Ba-by-lon triệt hạ kinh thành Giê-ru-sa-lem lần thứ hai và phá hủy Đền Thờ (588-587 tCN). Cuộc xuất chinh thứ nhất của quân Ba-by-lon là trừng phạt trong khi cuộc xuất chinh thứ hai là chấm dứt vương quốc Giu-đa.

Trong những hoàn cảnh bi thương, ngôn sứ Ê-dê-ki-en cực lực tố cáo các nhà lãnh đạo Ít-ra-en là bất tài, vị kỷ, bất công: họ là những mục tử gian ác đã dẫn dân của mình đến chỗ phải ly tán khắp nơi. Danh xưng “mục tử” được dùng để gọi vua rất phổ biến ở Đông Phương, thuộc ngôn ngữ triều đình.

1. Dụ ngôn người mục tử nhân hậu

Khi tai họa bất ngờ giáng xuống trên dân tộc mình, ngôn sứ Ê-dê-ki-en, trước đây đã loan báo tai họa, nay loan báo niềm hy vọng: sẽ đến ngày Đức Chúa đích thân cầm lấy vận mệnh của dân Ngài, Ngài sẽ là vị Mục Tử đích thật.

Như ngôn sứ Ê-dê-ki-en, ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng sống cùng một hoàn cảnh lịch sử nhưng không bị lưu đày và vẫn còn lưu lại ở kinh thành Giê-ru-sa-lem, đã sử dụng cùng một hình ảnh để loan báo một tương lai tươi sáng hơn: “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác…Các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Nầy Ta sẽ để ý đến hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi. Chính ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng…Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng”(Gr 23: 1-4).

Chắc chắn, sấm ngôn nầy của ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã khơi nguồn cảm hứng cho ngôn sứ Ê-dê-ki-en về dụ ngôn “người mục tử nhân lành” mà ông đã khai triển dài ở chương 34 được trích dẫn trong Bài Đọc I nầy.

2. Sứ điệp hy vọng

Trước hết, sấm ngôn loan báo tai họa của ngôn sứ Ê-dê-ki-en được ứng nghiệm ngay tức thời. Kinh Thành Giê-ru-sa-lem bị triệt hạ, Đền Thờ bị tàn phá, đám đông dân cư bị đi lưu đày. Đó là một thời kỳ thử thách, một thời kỳ “mây mù tăm tối” (hình ảnh truyền thống để gợi lên sự trừng phạt của Thiên Chúa). Mỗi lần kinh thành Giê-ru-sa-lem bị đánh chiếm, mỗi lần một đoàn dân cư bị lưu đày ở Ba-by-lon. Sau khi Giê-ru-sa-lem bị đánh chiếm lần thứ hai, thành thánh bị san thành bình địa, một số lượng dân cư Giê-ru-sa-lem và Giu-đê trốn chạy sang Ai-cập: đàn chiên bị tản mác khắp nơi.

Trong hoàn cảnh bi thương giáng xuống trên đất nước, ngôn sứ loan báo một sứ điệp chan chứa niềm hy vọng khi hứa rằng Thiên Chúa sẽ can thiệp. Chính Ngài sẽ đích thân chăn dắt đoàn chiên của mình: “Chúng có tản mác đến tận đâu vào một ngày mây mù tăm tối, thì Ta cũng sẽ cứu chúng ra”. Đó là lời hứa cuộc hồi hương trở về Giê-ru-sa-lem và cuộc đoàn tụ lại ở quê cha đất tổ. Đức Chúa sẽ đích thân băng bó tất cả những ai bị thương tổn, bồi bổ những ai bệnh hoạn trong cơn thử thách, Ngài “sẽ dựa vào công lý mà săn sóc”. Đây cũng là dụ ngôn về những mục tử gian ác, những kẻ có quyền cậy thế mà chà đạp những người nghèo hèn thấp cổ bé miệng.

Sứ điệp chứa chan niềm hy vọng này được gởi đến những người sống kiếp lưu đày và những nạn nhân xấu số trong những cuộc xâm lăng, nhưng cũng tiên báo một sự thay đổi sẽ xảy đến trong lịch sử Ít-ra-en: sau cuộc hồi hương trở về, vương quyền sẽ không còn được khôi phục lại nữa. Chỉ một mình Đức Chúa sẽ là lãnh đạo dân Ngài.

3. Tôn giáo tình yêu

Qua dụ ngôn mục tử nhân lành, sứ điệp mà vị ngôn sứ gởi đến cho dân Ngài còn quan trọng hơn. Những mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài được trình bày như những mối quan hệ đầm ấm thân tình; những hình ảnh chất chứa biết bao âu yếm, sôi nổi, sống động như một điệp khúc: “Con nào mất, Ta sẽ lo tìm kiếm; con nào lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh hoạn, Ta sẽ bồi bổ; con nào béo khỏe, Ta sẽ giữ gìn”. Ở nơi dụ ngôn người mục tử nhân lành ẩn chứa một tôn giáo tình yêu. Đức Giê-su, khi lấy lại dụ ngôn nầy, sẽ định vị mình vào trong truyền thống của ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Ga 10: 1-16; Mt 18: 12-14; Lc 15: 4-7).

Đức Chúa, Đấng trừng phạt dân Ngài, nhưng không quên họ và vẫn một lòng yêu thương họ, là một Thiên Chúa chí công vô tư: Ngài biết “phân xử giữa chiên và chiên, giữa dê và cừu”. Đây là hình ảnh mà thánh Mát-thêu lấy lại trong Tin Mừng về Ngày Chung Thẩm: chính dựa trên những tiêu chuẩn tình yêu nầy mà vị Vua-Mục Tử sẽ tuyên án.

BÀI ĐỌC II (1Cr 15: 20-26, 28)

Cộng đoàn tín hữu Cô-rin-tô, mà thánh Phao-lô đã loan báo Tin Mừng, đa số là người gốc Hy-lạp, ngay cả những người không phải gốc Hy lạp cũng chịu ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp. Niềm tin vào kẻ chết sống lại đặt ra cho họ một vấn nạn. Tại sao thân xác, vốn là ngục tù giam hãm linh hồn trong thế giới vật chất, lại được thăng hoa viên mãn, lại được phục sinh? Đối với tư tưởng Do thái, quan niệm con người như toàn thể, việc kẻ chết sống lại gồm cả xác lẫn hồn được cắm rể trong một niềm tin truyền thống từ nhiều thế kỷ.

Thánh nhân dành đoạn kết của bức thư để trả lời cho những biện bác mà cộng đoàn Cô-rin-tô nêu lên.

1. Mối dây liên đới giữa cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su và cuộc phục sinh của chúng ta

“Đức Giê-su đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu”. Chúng ta đều phải chết vì thân phận tội lỗi của chúng ta trong mối liên đới với sự chết và tội lỗi ở nơi A-đam, nhưng được sống lại nhờ liên đới với Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giê-su là Đầu của toàn thể nhân loại được tái sinh, là Trưởng Tử của đoàn người đông đúc được sống lại. Theo Ngài và nơi Ngài toàn thể con người của chúng ta, cả xác lẫn hồn, được cứu độ.

2. Vương quyền của Đức Giê-su

Lúc đó, thánh nhân triển khai tư tưởng của mình trong một thị kiến vĩ đại về Ngày Chung Cuộc. Sau khi đã tiêu diệt vĩnh viễn mọi thế lực Ác Thần và cuối cùng là Tử Thần, Chúa Con sẽ trao lại cho Chúa Cha vương quyền mà Chúa Cha đã trao ban cho Ngài. Như vậy mọi sự đều hoàn tất. Sứ mạng của Chúa Con được chu toàn. Lúc đó, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.

TIN MỪNG (Mt 25: 31-46)

Năm Phụng Vụ hoàn tất trên thị kiến vĩ đại mà truyền thống Ki-tô giáo gọi là “Ngày Chung Thẩm”. Thị kiến nầy đóng lại bài diễn từ cánh chung, trong đó Đức Giê-su gợi lên những viễn cảnh nối tiếp nhau về ngày cùng tận của thế giới và ơn cứu độ của mỗi người.

1. Con Người

Bức tranh được gợi hứng từ thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en: Con Người ngự giá mây trời mà đến và Thiên Chúa trao cho Người “quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người” (Đn 7: 13-14).

Ngai vinh hiển và sự hiện diện của các thiên thần vào Ngày Chung Thẩm là những nét đặc trưng của truyền thống ngôn sứ và các tác giả khải huyền. Nhưng hoạt cảnh được soi sáng chủ yếu bởi danh xưng “Con Người” được đặt ở đầu. Danh xưng “Con Người” được dịch sát từ có nghĩa“con của loài người”. Đây là diễn ngữ Kinh Thánh được gặp thấy trong sách Ê-dê-ki-en, đồng nghĩa với “một con người”, tức là một phàm nhân mỏng dòn yếu đuối đối lập với Thiên Chúa cao vời khôn ví như trong câu: “Hỡi con người, hãy đứng cho vững, Ta sắp nói với ngươiđây” (Ed 2: 1). Trong thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en, “Con Người” là nhân vật thuộc thiên giới từ mây trời mà đến, nghĩa là từ Thiên Chúa mà đến, nhưng cũng không kém con người.

Như vậy, qua danh xưng “Con Người” trong thị kiến Đa-ni-en, Đức Giê-su mặc khải rằng Đức Vua giáng trần để xét xử trần thế này thuộc về thiên giới nhưng cũng chia sẻ trọn vẹn nhân tính của chúng ta. Nét đặc trưng độc đáo nầy ngự trị toàn bộ hoạt cảnh: Vua-Thẩm Phán muốn liên đới với anh em đồng loại của mình, đặc biệt những kẻ nghèo hèn thua thiệt và bênh vực cho họ đến độ Ngài tự đồng hoá mình với họ.

Cựu Ước thường hằng cho thấy Thiên Chúa đứng về phía những kẻ thấp cổ bé miệng bị áp bức thua thiệt trong cuộc đời này. Chính Ngài đích thân đảm nhận việc báo oán cho họ. Trong sách Xuất Hành, Thiên Chúa một cách nào đó tự đồng hoá mình với những người khốn khổ, bị áp bức:“Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập” (Xh 3: 9). Sách Gióp mô tả những nguyên do Thiên Chúa trừng phạt nhân danh công lý theo cùng những từ ngữ trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Anh đòi anh em nộp của cầm mà chẳng có lý do, lại còn lột cả áo che thân của họ. Kẻ mệt nhoài, anh chẳng cho nước uống, người đói lả, anh từ chối bánh ăn. Anh trao đất đai cho kẻ có quyền hành, và cho người thần thế được định cư. Các quả phụ, anh đuổi về tay trắng, các cô nhi, anh bắt phải bó tay.Vì thế, cạm bẫy bủa vây anh tứ phía làm cho anh bất chợt phải sợ hãi kinh hoàng” (G 22: 6-11).

2. Mến Chúa và yêu người

Nét tiêu biểu của Ki-tô giáo đó là “Mến Chúa và yêu người là một”. Nhưng ai có thể công bố“mến Chúa và yêu người là một”, nếu không là Đấng hiệp nhất Thiên Chúa và nhân loại chúng ta ở nơi Ngài? Hoạt cảnh Ngày Chung Thẩm, trong đó việc chọn lựa giữa những người công chính và quân vô đạo được thực hiện dựa trên tiêu chuẩn tình yêu, minh họa hùng hồn nhất nét tiêu biểu Ki-tô giáo: “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những kẻ bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”.

3. Bối cảnh lịch sử

Được đặt vào trong bối cảnh lịch sử của nó, đoạn Tin Mừng nầy đã có một âm vang ngay tức thời. Đức Giê-su đã từng gọi các môn đệ Ngài là những “kẻ bé nhỏ” (Mt 10: 42) hay “anh em Thầy” (Ga 20: 17). Vào lúc thánh ký ghi lại đoạn văn nầy, những người Ki-tô hữu đang phải sống trong cảnh bách hại, chịu những gian truân tứ bề, bị tù đày giết chết. Đức Giê-su dự phần vào những nỗi truân chuyên của họ. Không phải trên đường Đa-mát Ngài đã nói với Phao-lô: “Tại sao ngươi bách bớ Ta” (Cv 9: 4) đó sao? Chắc chắn đoạn Tin Mừng hôm nay đã đem đến một niềm an ủi lớn lao biết là ngần nào cho những người Ki-tô hữu đang sống trong cảnh bách hại và cho những ai giúp đỡ họ hay gia đình của họ. Tuy nhiên, bản văn có một tầm mức hoàn vũ hơn.

4. Tầm mức hoàn vũ

“Các dân thiên hạ sẽ tụ họp trước mặt Người”. Vị Vua-Thẩm Phán ngỏ lời với hết mọi người. Đức Giê-su đã lật đổ những viễn cảnh của sách Lê-vi, theo đó, yêu người thân cận chỉ giới hạn ở nơi đồng bào của mình, để công bố chiều kích “tứ hải giai huynh đệ” của Luật Đức Ái. Tác giả thư gởi các tín hữu Do thái khẳng định rằng Đức Giê-su đã trở nên anh em của tất cả mọi người:“Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa…Thật vậy, Đấng thánh hóa là Đức Giê-su, và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em, khi nói: Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em…” (Dt 2: 9-17). Vả lại, chính Đức Giê-su đã công bố: “Phàm ai thi hành ‎ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12: 50).

Đức Giê-su nối kết diễn từ Chung Thẩm với diễn từ “Các Mối Phúc Thật”, đồng thời đem đến một khía cạnh mới mẽ. Ngài mở rộng sự tuyển chọn của Thiên Chúa ở bên kia Ki-tô giáo nói riêng. Tất cả những ai thực hành Đức Ái huynh đệ sẽ được định vị trong tinh thần của Đức Kitô, dù thuộc bất kỳ dân tộc nào và bất kỳ tôn giáo nào: họ sẽ nhận được gia sản và dự phần vào những lời chúc phúc của Chúa Cha.

Đây là ân ban trực tiếp của mầu nhiệm Nhập Thể. Ngôi lời Nhập thể không là một giai đoạn tạm thời: Thiên Chúa tháp nhập vĩnh viễn vào nhân loại, và qua nhân loại Ngài cho chúng ta được tháp nhập vào Ngài.

[Mục Lục]

Bài 3. Chú giải của Noel Quesson

Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.

Trong bài giảng lớn cuối cùng này của Đức Giêsu, người thợ mộc hèn mọn Nadarét sau cùng biểu lộ ý thức phi thường mà Người có về vai trò của mình. Ơ đây, chúng ta có sự khẳng định mạnh mẽ nhất về thiên tính của Đức Giêsu theo nghĩa chặt chẽ. Trong vài ngày nữa, Người sẽ bước vào cuộc khổ nạn (Mt 26,1-5) và trở thành “ông vua” bị nhạo báng, bị đội mão gai, bị giết chết như một người nô lệ tầm thường. Nhưng Người biết mình là ai. Một ngày kia Người sẽ đến trong vinh quang để phán xét thế gian, là đặc quyền mà Cựu ước dành cho Giavê. Ở đây Đức Giêsu lấy lại tước hiệu Con Người mà Người đã sử dụng nhiều lần trong bài giảng về thời Thế Mạt (Cánh chung): Mt 24,3.27.30.37.39.44. Kể từ ngôn sứ Đanien (7,13), Con Người là nhân vật mầu nhiệm, có nguồn gốc từ trời, mà sách Khải Huyền Do Thái (Đặc biệt là sách Hê-nóc) mô tả như vị Thẩm Phán của thời Thế Mạt.

Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.

Thỉnh thoảng chúng ta nên nghĩ đến “Ngày” này. Tôi sẽ được đưa về với ngày đó rất nhanh. Lúc đó mọi sự vật trần gian sẽ có một tỉ lệ mới: Lạy Chúa, xin Chúa ngay từ bây giờ giúp con phán đoán mọi sự việc theo quan điểm vĩnh cửu, để phân biệt cái gì là không đáng kể với cái gì là quan trọng. “Các dân thiên hạ..”. Tôi cũng thế, tôi sẽ có mặt ở đó. Một đám đông to lớn chờ phán xét. Cũng có mặt ở đó tất cả những người mà tôi yêu thích, tất cả những người mà tôi biết, tất cả những người mà tôi có trách nhiệm.

Nhưng cũng có mặt mọi người khác: Do Thái và không Do Thái, Kitô hữu và không phải Kitô hữu, tín hữu và không tín hữu, Hồi giáo, Ấn giáo, người theo thuyết vật linh… những nhà thần bí suốt đời sống trong sự cầu nguyện, và những người vô thẩm mà cả đời không bao giờ cầu nguyện… tất cả đều đứng trước mặt Đức Giêsu! Người là vị Vua Mục tử, tước hiệu mà văn chương của các ngôn sứ cũng đã dùng để nói về Gia-vê (Ed 34,11-22).

Bấy giờ Đức vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng:”Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho cắc ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”.

Trong vài ngày nữa, Đức vua này, Con Thiên Chúa sẽ bị đóng đinh. Tuy nhiên Người ý thức được “ý định của Thiên Chúa từ thuở tạo thiên, lập địa!”. Người nói Thiên Chúa đã tạo ra con người… để một ngày ban cho con người Nước của Người làm gia nghiệp. Nhưng sự phán xét dựa trên tiêu chuẩn nào? Trên quy tắc nào sự sàng lọc được thực hiện?

Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn Ta khát, các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu, các người đã thăm nom, Ta ngồi tù, các người đã đến thăm.

Vậy chúng ta được phán xét dựa trên và chỉ dựa trên tình yêu. Và dựa trên một tình yêu rất đơn giản: cho ăn, cho uống, tiếp đón, cho mặc, thăm viếng, săn sóc. Như thế, những cử chỉ yêu thương khiêm hạ và chân thật có một giá trị vô cùng, một giá trị vĩnh cửu. Vả lại danh sách những hành động yêu thương mà Đức Giêsu kể ra không hạn chế. Đó chỉ là những gương mà chúng ta có thể kéo dài ra tùy theo cuộc sống của mỗi người.

Con tôi khóc ban đêm, và tôi thức dậy để dỗ dành âu yếm nó. Bà mẹ già của tôi không thể ngồi dậy, và tôi đã đỡ bà ra khỏi giường để cho bà ngồi vào ghế bành. Những người láng giềng của chúng tôi thiếu thốn tình bạn họ cần và chúng tôi đem tình bạn đến với họ. Trong giáo xứ, linh mục cần các bậc phụ huynh phụ trách việc dạy giáo lý và tôi đã chấp nhận trách nhiệm này và nó chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Các đồng nghiệp của tôi cần được bảo vệ và tôi đã lãnh trách nhiệm về cộng đoàn và chính sách.

Thế giới thứ ba yêu cầu chúng ta giúp đỡ để phát triển, và tôi đã tham dự vào chiến dịch thế giới chống nghèo đói…Người phối ngẫu, con cái tôi, bạn bè tôi… đang cần những cử chỉ yêu thương của tôi… Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng:

“Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp đón hoặc trân truồng là cho mặc. Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?”

Sự ngạc nhiên của những người “được cứu” là một trong những yếu tố gây kinh ngạc trong cảnh này. Theo Đức Giêsu không một ai trong số những người được Chúa Cha chúc phúc có vẻ nhận biết đích xác điều gì đã được diễn ra trong đời sống hàng ngày của họ: ý nghĩa sau cùng của các hành động họ làm chỉ được tiết lộ vào giờ sau hết.

Như thế, cuộc phán xét sau cùng này mà chúng ta tưởng tượng trong tương lai, còn rất xa trong thời gian, thực ra lại là một biến cố thường xuyên: Chính HÔM NAY là ngày phán xét? Thiên Chúa sẽ không cần phán xét con người, mà con người ta phán xét mình trong suốt cuộc đời.

Thiên Chúa chỉ cần tiết lộ điều đã được “che giấu” trong mỗi ngày mà họ đã sống. Đời sống vĩnh cửu đã được bắt đầu. Vậy điều gì đã được “che giấu” và không được nhận thức?

Để đáp lại Đức vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”

Điều được “tiết lộ vì thế chính là sự hiển diện khó tin được của Đức Giêsu! Khi toàn bộ lịch sử nhân loại sẽ hoàn tất, và để tóm thu toàn bộ lịch sử ấy, Đức Giêsu chỉ có thể nói về Người, như thể trong vô số người đàn ông và đàn bà, chỉ mình Người đã hiện hữu, bằng sự hiện diện vô số và ẩn giấu. ‘Ta đói …Ta khát… Ta ngồi tù… Ta là khách lạ.. Ta đau ốm…”. Như thế, cuộc quang lâm sau cùng, sáng chói trong vinh quang của Đức Giêsu từ trên các đám mây sẽ là bằng chứng cho một “sự đến” khác, bí mật và ẩn giấu nhưng thường xuyên, và xảy ra qua những hành động yêu thương. Một cách rõ ràng và hiển nhiên sự hiện diện huy hoàng của Đức Giêsu trong ngày Thế Mạt sẽ nói rằng Người không ngừng đến và không ngừng hiện diện trong mỗi người anh em đang cần đến chúng ta.

Lạy Chúa, xin giữ cho chúng con luôn canh thức cho đến giờ Chúa sẽ hiện ra.

Rồi Đức vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó”.

Lạy Đức Giêsu, Đấng mạc khải tình yêu của Chúa Cha, chính Chúa đã tuyên bố những lời đáng sợ như thế. Con lắng nghe và không thể trốn tránh trách nhiệm đã gạt bỏ những gì gây phiền nhiễu cho con trong Tin Mừng. Thật vậy Tin Mừng không phải là một thuyết duy tâm mơ hồ và nặng tình cảm, đó là lời kêu gọi của một yêu sách cực độ. Từ chối yêu thương… không giống như yêu thương? Không – tình yêu không thể có chỗ của nó bên cạnh Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta nhận thấy có một khía cạnh có tầm quan trọng tột bậc: Chúa Cha đã chuẩn bị thiên đàng cho người từ thuở tạo thiên lập địa… còn hỏa ngục không được chuẩn bị cho con người nhưng cho sa tan và các sứ thần của nó. Ơ đây chúng ta gặp lại nhân vật hắc ám mà ngay từ lúc đầu đã được giới thiệu như kẻ thù của Đức Giêsu (Mt 4,1), kẻ đã gieo cỏ lùng vào cánh đồng lúa mì (Mt 13,39), kẻ mà Đức Giêsu đã nhiều lần đi đầu để tiêu diệt (Mt 9,34; 12,24; 8,31; 15,22; 17,18). Tín điều về hỏa ngục không do Giáo Hội bày đặt ra. Chúng ta nghe từ chính miệng Đức Giêsu: “Quân bị nguyền rủa, đi đi cho khuất mắt Ta…”

Tín điều về Hỏa ngục có nghĩa như sau: Thiên Chúa có đủ tình yêu cao cả để cho tạo vặt được tự do với sự tự do chân thật, kể cả tự do nói “không” với Thiên Chúa. Dĩ nhiên Thiên Chúa không muốn có Hỏa ngục. Và sự hiện diện dù của chỉ một người bị sa Hỏa ngục đối với chúng ta cũng là một cớ vấp ngã, đối với Thiên Chúa thì còn hơn thế nữa. Giữa Hỏa ngục “có thể” và Hỏa ngục thực, Thiên Chúa can thiệp với tất cả năng lực của Tình Yêu Của Người: chính ở chỗ đó, thập giá của Đức Giêsu được dựng lên Thiên Chúa đã làm tất cả để không một ai phải vào chỗ đó nội các tạo vật dứt khoát nói “không” với Thiên Chúa. “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người’ tội lỗi” (Mt 9,13). “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi” (Rm 5,9). “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu (1Tm 2,4). Hỏa ngục vì là sự khước từ tuyệt đối Tình yêu nên lúc nào cũng chỉ hiện hữu từ một phía… phía của người đã tạo ra hỏa ngục cho chính mình. Nhưng chính Thiên Chúa không thể có bất cứ sự cộng tác nào trong sự lệch lạc ấy. Chừng nào còn có dù chỉ một con người ở trong sự khước từ ấy thì có thể nói Thiên Chúa còn thấy mình bị đóng dấu sắt nung đỏ bởii sự từ chối ấy xúc phạm đến tình yêu vô hạn của Người và người ta đoán rằng dấu ấn này đã mang hình thể của thập giá?

Vì xưa Ta đói, các Ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom”. Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ đâu?”: Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các người không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.

Cả hai cảnh phán xét hoàn toàn giống nhau và đối nhau: điều mà những người này đã làm, những người khác bỏ không làm. Mọi con người dù là Kitô hữu hay không, dù biết hay không biết Đức Giêsu sẽ bị xét đoán trên cùng một tiêu chuẩn: không phải số lời cầu nguyện đã đọc, những hành động thờ phụng đã hoàn tất …những tình yêu cụ thể mà người ấy sẽ biểu lộ cho các anh em mình. Không làm điều xấu chưa đủ. Còn phải làm điều tốt. Mỗi con người ngay từ HÔM NAY được phán xét bằng điều tốt lành mà người ấy làm cho những người cần đến người ấy. Vậy ngày hôm nay, ai đang chờ đợi tôi một điều gì?

[Mục Lục]

Bài 4. CHÚA GIÊSU LÀ VUA
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội long trọng cử hành lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ với niềm vui khôn tả và quả quyết rằng Người là Vua và là Chúa chúng ta. Nhưng vương quốc của Người không thuộc về thế gian này.

Vậy Người là Vua những gì ? Người là Vua vinh quang, Vua mọi sự. Đơn giản, Người là Vua, hoàn toàn là Vua. Thực tế xem ra khó chấp nhận, vì con người muốn biến Đức Giêsu thành trò cười khi mặc cho Người áo tím và đội vòng gai.

Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa là Vua dân Ngài tuyển chọn. Tước hiệu này được gán cho Chúa Kitô, chính nơi Người mà mạc khải được hoàn tất. Người đã khai mở triều đại Thiên Chúa bằng chiến thắng trên sự chết, khước từ vương quốc nhân loại sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều : «Biết họ muốn tôn phong Người lên làm vua » (Ga 6, 5). Người sẽ thể hiện ý nghĩa tuyệt đối về vương quốc của Thiên Chúa trên thập giá. Bị kết án bởi những tham vọng của vương quốc thế trần, nhưng chiến thắng bằng vương quốc vĩnh cửu, yêu thương và an bình.

Khi nói đến tước hiệu « vua » một số người thường nghĩ ngay đến quyền lực và sức mạnh tuyệt đối. Nhưng quyền ở đây là gì ? Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe có câu trả lời . Đó là quyền sống đời đời ! Vậy câu hỏi được đặt ra : chúng ta trao quyền đó cho ai ? Chính chúng ta cũng không có quyền sống đời đời, làm sao chúng ta có thể trao ban cho người khác ? Ngay cả sự sống chúng ta lãnh nhận, chúng ta cũng không thể tặng ban cho chính mình, huống hồ là sự sống thần linh, sự sống đời đời.

Chúng ta lãnh nhận sự sống từ Thiên Chúa, chỉ mình Thiên Chúa mới có thể trao ban sự sống ấy. Chúa Cha đã trao cho Chúa Con quyền này, và đặt vào tay Chúa Con, nên Chúa Con là Vua vũ trụ. Lời nguyện Thánh lễ hôm nay cho thấy Thiên Chúa muốn thiết lập mọi sự nơi Con yêu dấu của Ngài là Vua vũ trụ « Chúa Giêsu là nền tảng của chúng ta, nơi Người chúng ta đặt mọi hy vọng ». Chúng ta biết, muốn xây dựng một lâu đài cao vút, thì nền móng phải vững chắc và đáng tin. Vậy, Chúa Giêsu là đá tảng từ trời xuống đặt nền trên trái đất để xây dựng một nhân loại mới lên tới trời !

Đời sống chúng ta được xây dựng trên Chúa Kitô, đức tin càng chắc chắn và sống động thì sự hiện hữu của chúng ta càng gắn bó chặt chẽ với Thiên Chúa. Chính bởi nghe và đồng hóa với Lời Thiên Chúa mà đức tin chúng ta trở nên chắc chắn và lớn lên trong Đức Kitô.

Lời cầu nguyện đầu lễ : « Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi… » Một trong những thuộc tính của vị vua là bảo vệ thần dân, giải phóng dân của mình khỏi tay quân thù ; Chúa Kitô Vua đã giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết. Hận thù, bạo lực, ngẫu tượng làm chúng ta thất vọng, Người đến giải thoát chúng ta khỏi mãnh lực của sự chết, khỏi nô lệ của mọi thứ vui, rượu chè, cờ bạc, sì ke, ma túy…

Lời Chúa trong sách Tiên tri Êdêkiel « Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau » (Ez 34, 15-16).

Và khi giải thoát chúng ta, Đức Kitô đã đưa ra khỏi tình trạng nô lệ để chúng ta trở nên những người tự do. Chính tình yêu cho phép chúng ta sống sự sống của Thiên Chúa nơi con người, và phục vụ đồng lo của mình của mình ại trong yêu thương khi trao ban cho người đói đồ ăn, người khát thức uống, cho khách đỗ nhờ, cho người mình trần áo mặc, viếng thăm kẻ bị giam cầm, an ủi người cùng khổ ; tóm lại, yêu thương và phục vụ con người là trả lại cho anh em đồng loại phẩm giá bị đánh mất. Đây chính là điều Đức Giêsu đã làm để giải thoát con người.

Sau cùng, Đức Kitô có quyền xét xử. Chính người tuyên án : « Mỗi lần các ngươi đã làm ( hay các ngươi đã không làm) cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm ( hay các ngươi đã không làm) cho chính Ta » (Mt 25, 40.45).

Chúng ta không thể chiếm lấy gia nghiệp nước trời đã chuẩn bị từ tạo tiên lập địa cho những ai phục vụ trong yêu thương. Chỉ người sống yêu thương mới có chỗ trong triều đại sự sống và chân lý, ân sủng và thánh thiện, công chính, yêu thương và an bình của Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện Ca hiệp lễ kết thúc bằng lời cầu xin: « cho hết mọi loài thọ sinh (…) biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng ».

Nếu Đức Kitô Vua đã chiến đấu cho đến chết, thì các thần dấn cũng phải chiến đấu. Vì thể chế xã hội loài người không muốn Đức Kitô cai trị trên họ nên họ chiến đấu chống lại Đức Kitô.

Nếu chúng ta là thần dân của Đức Kitô, chúng ta phải cầm vũ khí tốt để chiến đấu, vũ khí ấy là : chuyên cần cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các bí tích, sự chúc lành của Thiên Chúa chỉ cho chúng ta trước cuộc chiến đấu, biết chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa và của Đức Kitô trên mọi sức mạnh của sự dữ.

Chúng ta chỉ còn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Vua Kitô, sống trung thành với Người như những tôi tớ, can trường trong đức tinh, nhiệt thành trong đức mến, để một ngày kia, chúng ta có thể nghe Vua Kitô nói với chúng ta rằng : « Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ » (Mt 25, 34).

Lạy Chúa Giê-su là Vua các vua, Chúa các chúa, Vua của vũ hoàn. Chúng con cùng với muôn loại thụ tạo cung chúc tôn thờ và cảm tạ Vua Giêsu, Vua Tình Yêu. Xin cho đời chúng con thành lời ca ngợi, luôn làm theo ý Vua vũ hoàn nhiệt thành phục vụ Chúa và tha nhân. Lạy Đức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, mọi vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa Cha đến muôn đời. Amen.

[Mục Lục]

Bài 5. Đã làm gì và không làm gì cho tha nhân!
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể và kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô. Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở rằng, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, Chủ của lịch sử nhân loại và là Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta. Chúa Kitô vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu, Vua tình yêu.

1. Ngọn núi Corcovado và núi Tao Phùng

Dịp Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio Brazil, tôi đi hành hương lên ngọn núi Corcovado cao 704m, kính viếng bức tượng Cristo Redentor – Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế Vua dang tay đứng trên đỉnh núi cao.

Có loại xe lửa nhỏ khoảng 30 chỗ ngồi đưa du khách lên núi theo đường ray. Cũng có một đường xe hơi chạy lên núi theo hình xoắn ốc, đây cũng là đường bộ cho những ai thích leo núi. Năm1985Francisco Passos và Tegesra Suris xây dựng tuyến đường sắt thông đến núi Corcovado.

Lên đến trạm cuối, chúng tôi đi thang máy lên chỉ cách đỉnh núi khoảng 100m và tiếp tục đi bộ khoảng 120 bậc thang là đến chân tượng Chúa.

Từ đỉnh cao phóng tầm mắt nhìn thành phố Rio de Janeiro tuyệt đẹp. Tôi dành nhiều thời giờ để ngắm trời mây cảnh vật và chụp hình lưu niệm; đặc biệt chiêm ngắm tượng Chúa Cứu Thế là một trong 7 kỳ quan mới của thế giới. Bức tương màu trắng thiên nhiên hướng nhìn về phía ngọn núi Zuckerhut – Sugarload.

Bức tượng Chúa Giêsu Vua là một đài kỷ niệm trên đỉnh ngọn núi Corcovado ở phía Nam thành phố. Bức tượng được dự định xây dựng để kỷ niệm 100 năm độc lập của nước Brazil do Kỹ sư kiến thiết Heitor da Silva Costa người Brazil phác họa vẽ mẫu. Bức tượng được khởi công thi hành năm 1922, nhưng gặp trở ngại vấn đề tài chánh. Nên việc thi hành kéo dài hằng 10 năm. Sau khi Tổng giáo phận Rio de Janeiro, Tòa Thánh Vatican và nước Pháp cùng trợ giúp cho dự án, công trình được hoàn thành, và khánh thành ngày 12.10.1931.

Bức tượng Chúa Giêsu cao 30 mét, chân đế cao 8 mét, đủ chỗ chứa cho 150 người vào trú ẩn trong tượng. Hai cánh tay Chúa Giêsu dang ra rộng 28 mét. Bức tượng nặng 1.145 tấn. Đầu và hai tay Chúa Giêsu do nhà điêu khắc người Pháp Paul Landowski làm ở Paris. Bức tượng làm bằng vật liệu bêtông cốt sắt theo từng phần ráp nối lại, và được kết bên ngoài bằng những viên đá dát theo kiểu Mosaic.

Năm 2006 dịp mừng kỷ niệm bức tượng được 75 năm, Giáo Hội đã chính thức nâng nơi đây thành nơi hành hương kính viếng Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế.

Đứng nơi ngọn núi Corcovado, tôi nhớ đến Tượng Kitô Vua (Tao Phùng) ở Vũng tàu. Với chiều dài 500m đi lên khoảng 1.000 bậc thang. Tượng được xây dựng 1974, do điêu khắc gia Văn Nhân và 50 thợ lành nghề thực hiện. Tượng có chiều cao 32 mét, chiều dài hai cánh tay là 18,4 mét; được đặt trên bệ khối chạm hình Tiệc ly. Bên trong tượng là cầu thang xoắn ốc gồm 133 bậc, chạy từ bệ lên cổ tượng. Trong lòng tượng có thể chứa 100 người cùng một lúc. So với tượngKitô Vua ở Rio de Janeiro ởBrazilthì tượng ở Vũng Tàucao hơn 2 mét. Tượng Chúa ở Brazil đứng trên đỉnh núi Corcovado cao hơn 704 mét so với mực nước biển, còn tượng Chúa ở Vũng Tàu đứng trên độ cao hơn 170 mét của núi Nhỏ. Bệ tượng ở Brazil cao 8 mét, còn bệ tượng ở Vũng Tàu chỉ cao 4 mét.

Núi Corcovado hay núi Tao Phùng, nơi Chúa Giêsu Vua giang đôi tay ôm trọn nhân loại trong tình thương cứu rỗi.Trái tim của Ngài mở ra để yêu thương mỗi người và mọi người, cánh tay của Ngài mở rộng để vươn đến mọi người.

2. Vua Giêsu, vị Thẩm phán

Để diễn tả vương quyền của Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, bài Tin Mừng mỗi năm Phụng vụ khai triển về một khía cạnh đặc biệt. Năm A với bài Tin Mừng Matthêu (25,31-46), đề cao Vua Giêsu như vị Thẩm phán xét xử muôn loài. Năm B với bài Tin Mừng Gioan (18,33-37), một cái nhìn thần học về uy quyền của Vua Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể đến để làm chứng cho sự thật rằng Thiên Chúa hằng yêu thương nhân loại và chờ đợi con người đáp lại tình yêu ấy bằng cách tin vào Đấng được sai đến. Năm C với bài Tin Mừng Luca (23,35-43) trình bày Vua Giêsu hiển trị từ trên thập giá. Ngai vàng là thập giá, vương miện là mão gai. Vua Giêsu tuyệt đối vâng phục Chúa Cha để đem lại sự tha thứ tội lỗi cho nhân loại. Ngài không là vị Vua Cứu Độ bảo đảm cho con người ta những sự thiện hảo thế tạm. Ngài chẳng giải thoát ngay cả chính bản thân Ngài khỏi cái chết thảm thương trên thập giá. Ngài cũng chẳng hứa sẽ giải thoát con người khỏi bệnh tật hay đói nghèo. Quyền bính của Ngài là ơn cứu độ và sự sống trong Thiên Chúa: “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Ngài đã thi hành vương quyền bằng cách yêu thương loài người đến nỗi sẵn sàng chết cho loài người ngay chính lúc loài người từ chối Ngài, chế giễu Ngài, thậm chí thách thức Ngài.

Vương quốc của Chúa Kitô Vua là vương quốc của tình yêu. Muốn vào vương quốc của Ngài, phải là người có lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh em thật sự.

3. Đã làm gì và không làm gì cho tha nhân

Thánh Matthêu tường thuật quang cảnh ngày cánh chung, khi Chúa Giêsu tái giáng và Ngài phân xử, mọi người tốt xấu, lành dữ đều có mặt và được phân xử rõ ràng. Tiêu chuẩn để xét xử là tình yêu mỗi người thực hiện cho tha nhân.

Nội dung cuộc xét xử thật bất ngờ. Đấng Thẩm Phán chỉ xét hỏi người ta về tình thương. Một tình thương cụ thể được chứng tỏ bằng việc làm thiết thực đối với những con người bằng xương bằng thịt “Cho kẻ đói được ăn, cho kẻ được khát uống, viếng thăm kẻ bệnh tật và tù đày, tiếp rước khách lạ bơ vơ…”. Điều bất ngờ hơn nữa chính là lời Đức Kitô tuyên bố: “Mỗi lần các ngươi làm những điều ấy cho một kẻ bé nhỏ là các ngươi làm cho chính Ta”. Những người bị xét xử đều nhất loạt thắc mắc: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói khát, rách rưới, bệnh tật, bị cầm tù hay là khách lạ đâu?”. Mặc cho người tốt kẽ xấu thắc mắc, lời Chúa dạy thật rõ ràng: người khốn khổ bất cứ dưới hình thức nào đều là hiện thân của Chúa. Ngài tự đồng hóa mình với họ. Vậy thì rõ ràng mọi việc chúng ta làm vì tình thương đối với đồng loại đều là việc đạo đức.Thiên Chúa không cần phân biệt ai là giáo hoàng, ai là giám mục, ai là linh mục, ai là giáo dân; không cần biết ai giàu ai nghèo, ai có địa vị ai là thường dân; Ngài chỉ xét có một điều: mỗi người đã làm gì và không làm gì cho tha nhân. Như thế, việc làm chứ không phải lời nói hay cái gì khác quyết định chúng ta thuộc chiên hay dê.

Thánh Gioan Kim Khẩu dạy: đừng phân biệt đối xử giữa Chúa Giêsu trong nhà thờ và Chúa Giêsu ngoài nhà thờ. Chúa trong nhà thờ và Chúa ngoài nhà thờ, tức là những anh chị em khác, phải được tôn trọng như nhau.Đức Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể và Ngài cũng hiện diện thực sự trong mỗi một con người.

Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, đã sinh ra trong hang súc vật, trốn chạy sự tàn ác và tham vọng của con người, bị đeo đuổi chỉ trích, hành hạ và bị treo trên Thập giá. Ngôi Lời Thiên Chúa đã sinh ra trong hang súc vật, trốn chạy sự tàn ác và tham vọng của con người, bị chỉ trích lại trừ, bị hành hạ và chết treo trên Thập giá. Vì thế, Ngài đã kinh qua mọi khổ đau và cái chết trong thân phận con người, Ngài cảm thông với hết thảy mọi người. Chúa bảo rằng, những ai cho người đói khát một ly nước, một chén cơm là họ cho Chúa ăn uống. Những ai cho người rách rưới hoặc mình trần một manh áo là họ đã cho Ngài mặc áo. Những ai cho người sa cơ thất thế không nơi nương tựa được trú ngụ một thời gian là họ đã cho Chúa trọ nhà… Điều vĩ đại trong Phúc Âm về ngày Phán xét đó là giá trị những việc nhỏ bé hàng ngày của tình yêu thương.Mọi sự sẽ qua đi, nhưng yêu thương sẽ tồn tại mãi mãi.

Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của tình yêu. Ai sống trong tình yêu thì thuộc công dân Nước Thiên Chúa.Tình yêu là “thẻ căn cước”của công dân Nước Trời. Tình yêu không đòi hỏi nhiều lời nói cho bằng nhiều hành động thiết thực và sống động. Việc bác ái là chứng chỉ duy nhất để được nhận vào số những người được Chúa Cha chúc phúc.

Nếu Chúa Giêsu chỉ là Vua của thế giới, của vũ trụ, mà không phải là Vua của tâm hồn ta, thì việc tuyên xưng Ngài là vua có ích lợi gì cho ta? Tuyên xưng thật mạnh mẽ trên lý thuyết, mà thực tế đời sống của ta lại chứng tỏ trái ngược lại, thì sự tương phản ấy chỉ cho thấy sự giả dối hay giả hình của ta thôi! Tôi rất thích lời của Tổng thống Bush: “Show, but don’t tell!”: Hãy chứng tỏ (bằng thực tế, bằng hành động) chứ đừng nói suông!

Trong ngày sau cùng, khi Vua Giêsu phán xét chúng ta như vị Vua của vũ trụ, Ngài chỉ xét chúng ta những điểm rất thực tế: ta đã thực hành ý muốn của Ngài như thế nào? nhất là đã yêu thương và đối xử với Ngài như thế nào qua hiện thân của Ngài là những người chung quanh ta? Ngài có phải là Vua đích thực của chính bản thân ta không?

Thiết tưởng việc sống đạo của chúng ta cần phải xây dựng trên căn bản là thực tế của đời sống, chứ không phải trên lời nói, lý thuyết, sách vở. Có như thế chúng ta mới là “người khôn ngoan xây nhà trên đá”. (Mt 7,24).

[Mục Lục]

Bài 6. LỄ CHÚA GIÊSU LÀ VUA
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Năm phụng vụ bao giờ cũng kết thúc bằng lễ Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ. Bởi vì, năm Phụng vụ trình bầy xuyên suốt cho chúng ta hiểu về lịch sử ơn cứu độ từ ngày Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, tạo dựng con người cho đến khi Ngài hoàn tất Vương quyền của Ngài trong Đức Giêsu Kitô. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mô tả cho các môn đệ, cho chúng ta về ngày Cánh Chung. Chúa sẽ ngự trị trong vinh quang.Muôn dân sẽ qui tụ chung quanh Ngài. Ngài sẽ tách biệt kẻ lành, người dữ… Chúa là Vua tình yêu, Ngài sẽ xét xử nhân loại theo lẽ công minh của Ngài…

Chúa Giêsu là Vua nhưng là Vua lòng mọi người. Nước Thiên Chúa không thuộc thế gian này. Nước của Ngài là nước tình thương. Do đó, ngày Chung Thẩm, Thiên Chúa sẽ ngự trị trong vinh quang, có các thiên thần theo hầu Ngài. Ngài sẽ ngự lên ngai vinh hiển và xét xử muôn dân nước theo lòng nhân từ của Ngài. Ngài sẽ tách biệt họ như Mục tử tách biệt chiên và dê. Chiên bên phải và dê bên trái.Đức Giêsu ừa là Vua Vũ Trụ, vừa là Vị Thẩm Phán thế gian. Chúa công minh chính trực tuyển lựa những thần dân của Ngài một cách bất ngờ đến nỗi những người hiền lành, khiêm nhượng, ngoan đạo cũng không hề ngờ tới :” Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu ? “ ( Mt 25, 37-39 ). Chúa đồng hóa với những người thấp hèn, nghèo khổ, Ngài đồng hóa với những người đói, người khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, tù đầy. Xem ra những người này, hằng ngày chúng ta vẫn được tiếp xúc, cận kề, những nhiều khi chúng ta lại làm ngơ, giả điếc, nhiều lần chúng ta đã nhắm mắt, làm ngơ, để mặc họ. Thế nên, tiêu chuẩn để được cứu rỗi, tiểu chuẩn để vào Nước Trời thật giản đơn : chúng ta hãy đối xử tốt, thực hành những nghĩa cử yêu thương, những cử chỉ tốt đẹp đối với những kẻ khó nghèo, neo đơn, cô thân cô thế bởi vì chính Chúa đã đồng hóa mình với họ:” Mỗi lần các ngươi làm cho một người bé mọn nhất của ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta “ ( Mt 25, 40 ).

Ngày phán xét, Chúa sẽ tách biệt chiên, dê, người lành kẻ dữ, người thánh, kẻ gian ác, người hiền, kẻ hung ác vv…Tất cả những người này đều được Chúa đo lường, phán xét vì việc sẵn sàng làm hay không làm những việc thiện, những cử chỉ yêu thương cho những người đang cần giúp đỡ. Người ta có được cứu độ hay bị trầm luân trong lửa hỏa ngục đời đời cũng dựa vào tiêu chuẩn làm hay không làm những nghĩa cử bác ái, yêu thương đối với những người nghèo, những con người cùng khổ. Vâng, xa rời người nghèo, những kẻ đói khổ, cùng cực, không chạm đến nỗi đau của họ, không làm một nghĩa cử yêu thương đối với họ là một trọng tội. Người ta chỉ có thể nhận lãnh phần thưởng nếu biết nhận ra Chúa nơi những con người nghèo, nơi những con người cô thân cô thế và sẵn sàng giúp đỡ họ.

Xin mượn lời của Olivier Lebouteux để kết luận bài suy niệm này :” Đã là người thì dù là Kitô hưu hay không, dù là người có tín ngưỡng hay người không nhìn nhận có một Thần nào, ai ai cũng sẽ chạm mặt với Đức Kitô: hoặc là lúc bình sinh nhờ đức tin, hoặc là vào thời sau hết.Bấy giờ, sự thật về con người chúng ta sẽ hiển hiện trong ánh sáng chan hòa.Mỗi một hành vi của chúng ta sẽ được xét theo thực chất của nó. Điều lạ là cảnh phán xét này có vẻ dành nhiều bất ngờ cho cả những ai nghĩ mình đã nhận biết Chúa rồi lẫn những ai tưởng chừng đang khám phá ra Chúa. Mỗi một hành vi trong đời chúng ta đều đưa chúng ta hướng về Đức Giêsu hoặc là đẩy chúng ta ra xa Người. Chính Người là nguyên thủy và cùng tận của mọi sự, và điều này là đúng cho toàn thể nhân loại. Đôi khi chúng ta tự hỏi, chung cục nào được dành cho nhân loại trong kế hoạch của Thiên Chúa, do có nhiều tín ngưỡng như thế ; cuối cùng, chính trên cơ sở tấm lòng nhân ái thời bình sinh mình đã tỏ ra trong lối sống của mình, mà mỗi người sẽ được mời tham dự ( hay không ) vào sự sống của Thiên Chúa. Khi đến chia sẻ cuộc sống của chúng ta, Đức Giêsu đã kết thân với mỗi một người trần thế, đã trở nên hiện diện nơi kẻ nhỏ bé nhất, nơi mọi kẻ đói khát.Nhưng chúng ta thì khó lòng nhận ra Người qua những khuôn mặt bị biến dạng, chịu lăng nhục, bởi chúng ta không tự mình nghĩ ra đó là những hình ảnh của Người. Đừng tìm Người ở những nơi Người không có mặt, e rằng chúng ta có thể đi bên cãnh Người mà không thấy Người “.

Lạy Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ, xin giúp chúng con luôn biết tin nhận Chúa là Vua tình yêu nhưng cũng là Vị Thẩm Phán chí công luôn xét xử muôn dân theo lẽ công minh và lòng nhân từ. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1. Chúa Giêsu là Vua thế nào ?
2. Tại sao lại gọi Chúa là Vua Vũ Trụ ?
3. Chúa Giêsu xét xử con người bằng phương cách nào ?
4. Tiêu chuẩn để được vào Nước Thiên Chúa
 ?

[Mục Lục]

Bài 7. Yêu mến và phụng sự Chúa nơi tha nhân
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Hôm nọ, có người đàn ông đem đến cho tôi một tượng chuộc tội khá lớn. Bàn tay Chúa Giê-su chịu đóng đinh bị sút ra khỏi thanh ngang của cây thánh giá. Ông ta nhờ tôi đóng lại cây đinh bị sút để tượng Chúa Giê-su chịu nạn được gắn chặt vào thập giá như trước.

Tôi hỏi ông: “Một việc đơn giản như thế, sao ông không tự làm lấy, đem đến nhờ tôi làm gì mất công.” Ông trả lời: “Tôi không dám đóng đinh Chúa, sợ xúc phạm đến Ngài.”

Vậy mà mấy tuần sau, ông nầy lại vác rựa chém người hàng xóm, may có người can ngăn kịp thời, nếu không thì ông ta đã chém chết một hiện thân sống động của Thiên Chúa.

Nhiều người cung kính cúi đầu trước tượng ảnh thánh và không bao giờ dám xúc phạm đến ảnh tượng thánh do tay người phàm làm ra, nhưng lại ngang nhiên xỉ vả, mắng chửi, đánh đập những người chung quanh là hình tượng sống động của Thiên Chúa do chính Ba Ngôi Thiên Chúa dựng nên mà không áy náy lương tâm.

Sở dĩ như thế cũng chỉ vì người ta không nhận ra những người đang sống chung quanh mình là hiện thân của Chúa Giê-su. Mà hiện thân của Chúa Giê-su thì đáng trọng hơn những bức tượng thánh bằng thạch cao, bằng gỗ đá… là biểu tượng của các thánh, do con người tạo nên.

Nói như thế không phải là xem thường ảnh tượng thánh nhưng để nhấn mạnh rằng nếu chúng ta dành cho các tượng ảnh thánh trên bàn thờ một tâm tình tôn kính đặc biệt và không bao giờ dám xúc phạm ảnh đến ảnh tượng thánh, thì chúng ta cũng phải đối xử y như thế đối với anh chị em chung quanh.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định với chúng ta rằng mọi người chung quanh chúng ta, dù bần cùng cơ cực, dù đau yếu bệnh tật, dù bị tù đày hay bị ruồng bỏ… cũng đều đáng được tôn trọng, đáng được yêu thương và phục vụ vì họ là hiện thân của Chúa Cứu Thế, là chi thể của Chúa Giê-su.

Những ai cho người đói khát một bát cơm thì Chúa Giê-su nói là họ đã cho Ngài ăn, vì người đói khát đó cũng chính là Chúa; những ai cho người rách rưới một tấm áo thì Chúa Giê-su nói là họ đã cho Ngài mặc, vì người rách rưới đó cũng chính là Chúa… Như thế, Ngài dạy rằng mọi người chung quanh chúng ta là hiện thân của Ngài, làm gì cho họ là làm cho chính Chúa.

Nếu hôm nay chúng ta chửi mắng, chà đạp, gây buồn phiền đau khổ cho những người chung quanh thì đến ngày ra trước toà phán xét, Chúa Giê-su sẽ phán với chúng ta rằng: “Hỡi quân bị nguyền rủa kia, hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào chốn cực hình dành sẵn cho ma quỷ và các thần ác, vì xưa kia ngươi đã đánh đập, chửi mắng, xỉ nhục Ta…”

Hôm xưa, đang khi ông Sao-lê (tức là thánh Phao-lô khi chưa trở thành tông đồ của Chúa) hăm hở tìm bắt những người tin theo Chúa Giê-su tại thành Đa-mát, bỗng nhiên ông bị ngã xuống và có tiếng Chúa Giê-su (đã phục sinh) vang lên giữa thinh không: “Sao-lê, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Phao-lô hết sức kinh hoàng, đáp lại: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Có tiếng từ trời đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 22, 6-9).

Sự kiện nầy chứng tỏ bắt bớ các ki-tô hữu là bắt bớ Chúa Giê-su vì họ là hiện thân của Chúa Giê-su.

Thánh Ca-mi-lô Len-li là đấng sáng lập “Hội Dòng Tôi Tớ các bệnh nhân”. Ngài luôn nhìn thấy Chúa Giê-su nơi các bệnh nhân, đến nỗi nhiều lần mang thức ăn cho họ, ngài nghĩ họ là Đức Ki-tô nên nài xin họ ban ơn và tha thứ tội lỗi cho mình. Ngài đứng trước mặt họ với với thái độ cung kính như thể đang ở trước nhan Chúa vậy.

Qua trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta bí quyết để được hạnh phúc đời đời, đó là biết nhận ra Chúa nơi mỗi anh chị em đang sống chung quanh và hết lòng yêu thương phục vụ Chúa nơi những người đó.

Bài học nầy là cốt tuỷ của giáo lý công giáo, là kim chỉ nam cho đời sống đạo, là chìa khoá mở cho ta vào cửa thiên đàng.

Lạy Chúa Giê-su,

Nhờ Lời Chúa soi sáng, chúng con biết rằng yêu thương phục vụ tha nhân là con đường đưa tới hạnh phúc thiên đàng và vô cảm thờ ơ trước những đau thương của tha nhân là đường dẫn xuống hoả ngục.

Xin giúp chúng con dứt khoát từ bỏ lối sống ích kỷ và sẵn sàng yêu thương phục vụ mọi người, nhờ đó, mai đây chúng con được Chúa đón vào quê trời muôn đời vinh hiển. Amen.

[Mục Lục]

Bài 8. Vương quốc tình yêu
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy nhiều sự thật quan trọng về kết cục của con người.

Sự thật thứ nhất là: thế giới này sẽ chấm dứt. Không có gì vĩnh cửu ở đời này. Mọi sự sẽ qua đi. Những gì được coi là bền vững lâu dài rồi cũng tan thành cát bụi. Của cải, tài năng, công danh cũng sẽ trở thành hư vô. Cả đến con người cũ cũng không còn. Sau cùng mọi người bằng nhau và phải đến trước tòa Chúa để chịu phán xét.

Sự thật thứ hai là: mọi người sẽ bị xét xử. Tất cả mọi người sẽ tụ tập lại. Tất cả mọi người sẽ phải trả lời về những gì mình đã làm trong cuộc đời. Cuộc xét xử sẽ diễn ra công khai. Những trách nhiệm liên đới sẽ được sáng tỏ. Những liên hệ thầm kín sẽ được phơi bày. Nếu trên trần gian ta phải chứng kiến bất công thì tại phiên xử cuối cùng này sẽ có công bằng tuyệt đối. Chẳng ai có thể mua chuộc vị quan tòa tối cao, quyền uy và công thẳng.

Sự thật thứ ba: sẽ có một vương quốc mới. Tuy nhiên kết thúc thế giới cũ không phải là chấm dứt tất cả. Chúa Giêsu tổng kết thế giới cũ để đưa nhân loại vào một thế giới mới. Thế giới không còn thời gian. Thế giới vĩnh cửu. Thế giới không còn đau khổ. Thế giới hạnh phúc tràn đầy. Vì Chúa sẽ thiết lập một vươn quốc mới: vương quốc tình yêu. Cuộc xét xử chính là một cuộc tuyển lựa những công dân cho vương quốc mới. Vì là vương quốc tình yêu nên chỉ những ai có tình yêu mới được vào. Luật lệ trong vương quốc mới chỉ có một luật duy nhất: luật tình yêu. Việc cai trị cũng chỉ theo một nguyên tắc duy nhất: tình yêu. Chúa Giêsu trở thành Vua Tình Yêu.

Sự thật thứ bốn: đời này là cơ hội duy nhất. Thế giới mới và vương quốc mới không phải bất ngờ mà có, nhưng được xây dựng ngay từ đời này. Đời này tuy chóng qua nhưng là cơ hội để ta xây dựng vương quốc mới. Những ai có lòng yêu thương anh em, đặc biệt những anh em nghèo khổ, bé mọn, sẽ được tuyển chọn vào Nước Trời. Đời này ngắn ngủi nhưng lại là cơ hội duy nhất. Hết đời này sẽ không còn cơ hội nữa. Sẽ đi đến chung cuộc. Vì thế ta phải vội vàng mau mắn thực hành giới luật yêu thương, kẻo không kịp.

Với dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho ta hết những bí mật của vận mạng thế giới. Và chỉ vẽ cho ta con đường để được nhận vào Nước Chúa: thực hành yêu thương bằng những việc làm cụ thể. Cho người đói ăn. Cho người khát uống. Cho người rách rưới ăn mặc. Thăm viếng người đau yếu và kẻ tù đầy. Đây là những việc vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể làm được. Ai cũng có điều kiện để làm.

Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, xin cho con biết thực hành yêu thương, để được nhận vào Nước Chúa. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1. Dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng cho thấy những sự thật nào?
2. Ta có thể làm chủ vận mạng mình được không?
3. Điều kiện để được vào Nước Chúa có khó khăn gì không
?
4. Nếu mọi người đều thực hiện Lời Chúa, bạn nghĩ thế giới này sẽ như thế nào? Có trở thành vương quốc của Chúa được không?

[Mục Lục]

Bài 9. Vua Tình Yêu
Trầm Thiên Thu

Xã hội trần gian được phân chia thành năm châu lục, mỗi châu lục gồm nhiều quốc gia. Mỗi quốc gia có một vị đứng đầu với quyền tối thượng, gọi là nguyên thủ quốc gia. Tùy thời mà người ta gọi vị đó bằng các danh từ khác nhau: Chúa Thượng, Hoàng Thượng, Hoàng Đế, Vua, Nữ Hoàng, Quốc Vương, Quốc Trưởng, Tổng Thống,… Các nước cộng sản gọi vị đó là Chủ Tịch Nước. Riêng Công giáo gọi vị đó là Giáo hoàng.

Quan nhất thời, dân vạn đại. Nguyên thủ quốc gia cũng chỉ tạm thời chứ không vĩnh viễn, kể cả quyền lực, chỉ có Thiên Chúa là vĩnh viễn, thường tồn, bất biến, và có quyền tối thượng, kể cả “quyền ném vào hoả ngục” (Lc 12:5). Khi bị thế lực trần gian áp chế, Chúa Giêsu vẫn thẳng thắn nói với Philatô là người có toàn quyền trong tay: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19:11).

Trong Hán tự, chữ 王 [wáng] là vương (vua). Ba “gạch ngang” tượng trưng cho Thiên – Nhân – Địa, và được nối kết bằng một “gạch đứng”, ý nói “vua là người nối kết trời, đất và con người”. Hán tự thâm thúy quá!

Vua trần gian còn như vậy, huống chi Vua Kitô. Vâng, Chúa Giêsu là Đệ Nhất Thiên Vương, Vua các vua và Chúa các chúa, thế nhưng Ngài lại hạ mình đến tận cùng vì yêu thương các thần dân. Thật lạ, vì Ngài là Vua-đa-không, hoàn toàn trái ngược với các vua chúa trần gian: KHÔNG ngai, KHÔNG đăng quang, KHÔNG vương miện, KHÔNG vương trượng, KHÔNG long bào, KHÔNG quần thần, KHÔNG dinh thự, KHÔNG văn phòng làm việc, KHÔNG nghi thức, KHÔNG thiết triều,… Thậm chí Ngài còn SINH nơi hang động, SỐNG ở ngoài đường, rồi CHẾT trên đồi hoang. Tại sao vậy? Chính Chúa Giêsu đã xác định với Tổng trấn Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36). Tuy nhiên, Ngài lại có quyền tối thượng: “Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử. Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người” (Ga 5:22, 26-27).

VUA NHÂN LÀNH

Vua chúa trần gian là Thiên Tử, là Con Trời, hét ra lửa, có quyền sinh sát trong tay: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Khủng khiếp quá! Còn Chúa Giêsu khác hẳn, khi Philatô hỏi Ngài có phải là vua không, Ngài trả lời: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). Vua Giêsu luôn chạnh lòng thương, luôn động lòng trắc ẩn, giàu lòng thương xót, đến thế gian để cứu những gì đã mất, và Ngài đưa ra lời khuyên: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29). Là Thiên Vương nhưng Vua Kitô Giêsu lại là Vua Nhân Lành, là Mục Tử Nhân Hậu, là Người Cha từ tâm, là Quan Tòa nhân ái.

Quả thật, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt” (Ed 34:11-12). Khi chúng ta tưởng mình cô đơn thì Ngài đang ở bên chúng ta. Khi cuộc đời chúng ta êm trôi, Ngài đồng hành với chúng ta; khi cuộc đời chúng ta như lâm vào ngõ cụt, Ngài không chỉ đồng hành mà Ngài còn vác chúng ta trên vai để chúng ta được an toàn. Thực sự là vậy, nhưng vì phàm nhân yếu đuối, thế nên chúng ta đã từng có những lúc bị dao động, chao đảo!

Thiên Chúa đã nói rất rạch ròi: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng. Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, Đức Chúa là Chúa Thượng phán. Này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê” (Ed 34:15-17). Ngài không “bỏ qua” bất cứ ai, người nào càng bất hạnh càng được Ngài thương xót nhiều. Thật vậy, Ngài không so đo hơn thua, chấp nhận bỏ lại 99 con chiên béo tốt để rong ruổi tìm cho được MỘT con chiên xấu xí, ốm yếu, hôi tanh (x. Mt 18:12-14; Lc 15:4-7).

Trong số các vua chúa trần gian, có mấy người đích thân vi hành để biết dân tình ra sao? Mấy ai được như Hoàng đế Khang Hi (Kangxi, 1654-1722) đời nhà Thanh của Trung Hoa? Ông là vị vua thật tốt lành, thương dân suốt hơn 60 năm trị quốc. Có bao giờ Tổng thống đến khu dân cư nghèo để thấy sinh hoạt cực khổ của người dân? Đến nơi nào thì chỉ ở “trung tâm” rồi tiệc tùng, và nghe “báo cáo”, liệu có bao nhiêu phần trăm trung thực? Bởi vậy, người dân mới thở dài rồi nói:“Ôi dào! Làm láo, báo cáo hay!”.

Ở cấp thấp hơn cũng chẳng khá hơn, tỉnh trưởng hoặc quận trưởng, trong số đó có bao nhiêu người thật lòng muốn biết nỗi niềm của người dân? Rồi giám mục hoặc linh mục, trong số đó có bao nhiêu người tận tình đến thăm giáo dân để hiểu được nỗi lòng của họ, cả đời thường lẫn tâm linh? Có chức nên có quyền, đủ lý lẽ biện hộ, khó mà thản nhiên trả lời ngay. ĐGH Phanxicô cũng thường thẳng thắn dám nói tới những điều “nhạy bén” tương tự như vậy, chắc hẳn nhiều người cũng cảm thấy “dị ứng” lắm!

Thật ấn tượng với Đức cố Giám mục Jean Cassaigne (1895-1973), gọi thân thương là Cha Sanh, nhà truyền giáo của dân tộc Kơ Ho, chết vì lây bệnh cùi tại Trại Phong Di Linh, được mệnh danh là Tông Đồ Người Cùi. Khi còn là Giám mục GP Saigon, ngài thường dùng chiếc xe vespa cọc cạch đi thăm dân chúng vùng Chợ Lớn. Một người Pháp mà quên mình, dấn thân và hòa nhập với người Việt Nam, đặc biệt là những người dân tộc và các bệnh nhân phong cùi. Không yêu thương làm sao sống được vậy? Đó là phong cách của thánh nhân!

Biết nhiều, khổ nhiều; thấy nhiều, chán nhiều, nghe nhiều, “nóng gáy” nhiều. Làm ngơ thì người ta nói mình “sợ”, nói ra thì người ta “không ưa”. Thẳng thắn sẽ “va chạm”, chỉ khổ mình, nhưng không thể làm ngơ, ai nhát đảm thì dễ “vào hùa” lắm. May mà có Chúa là Bến Yêu Thương cho chúng ta trú ẩn. Tác giả Thánh Vịnh chia sẻ cảm nghiệm tâm linh: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23:1-3). Ước gì mỗi chúng ta đều khả dĩ trải nghiệm đức tin tuyệt vời như vậy!

Đức tin phải được tôi luyện trong nhiều nỗi gian truân hoặc đoạn trường thì mới có thể dần dần trở nên “tinh ròng”, và lúc đó chúng ta mới có thể xác tín: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23:4-5). Tác giả Thánh Vịnh chia sẻ thêm: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23:6). Hạnh phúc quá! Nhưng hạnh phúc đó không thể cứ sống tà tà mà có được. Vâng, Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử (Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13), Ngài không bao giờ “chợp mắt ngủ quên” hoặc nỡ lòng để mặc chúng ta lâm vào ngõ cụt. Tại sao? Vì bản chất của Ngài là tình yêu (1 Ga 4:8 và 16), mà tình yêu là bất tử.

VUA HẰNG SINH

Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu là Vua, nhưng là Đệ Nhất Hàn Vương: SINH nơi hang động, SỐNG ở ngoài đường, rồi CHẾT trên đồi hoang. Ngài là Vua mà cuộc sống như vậy, làm sao chúng ta có thể sống khác?

Chúa Giêsu là Vua của người sống chứ không là Vua của kẻ chết. Thật vậy, dù Ngài bị người ta ghen ghét “tới bến” và đã giết Ngài chết thê thảm, nhưng Ngài đã từ cõi chết sống lại, cai trị cả Tử thần (x. 1 Cr 15:25), và trở thành Vua Hằng Sinh. Thánh Phaolô nói chi tiết: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha” (1 Cr 15:20-24).

Chúa Giêsu đã đau khổ tột cùng nên Ngài có toàn quyền. Thánh Phaolô cho biết: “Thật vậy, Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Mà khi nói muôn loài thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô” (1 Cr 15:25-27). Đức Kitô là chính Chúa Con, Ngôi Hai Thiên Chúa, mà Chúa Cha với Chúa Con chỉ là MỘT mà thôi: “Lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15:28).

Thời quân chủ, vua cho sống thì được sống, vua bảo chết thì phải chết, không muốn cũng phải tuân lệnh. Cái chết đó được coi là trung thành. Có những trung thần đã dám xin được chết để minh chứng lòng trung thành với vua. Người ta không được phép nhìn mặt vua và phải tránh những chữ có “liên quan” nhà vua, phải đọc “trại” đi (trường – tràng, sinh – sanh,…), thậm chí muốn tâu bẩm cũng không được tâu thẳng với vua: “Muôn tâu bệ hạ” – tức là tâu cái bệ rồng của vua ngồi mà thôi. Ui da! Cái ghế vua ngồi còn đáng giá hơn thần dân. Nhưng với Vua Giêsu, không sợ “phạm húy”, cứ thưa thẳng: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con! Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Ngài”.

Chúa Giêsu là Vua nhưng Ngài không hề được tiền hô hậu ủng, không hề xa giá, chỉ một lần duy nhất được tung hô vạn tuế khi Ngài cưỡi lừa vào thành Giêrusalem trước dịp Lễ Quá Hải (Vượt Qua), thế nhưng chỉ vài ngày sau là họ lật mặt nhanh hơn trở bàn tay: “Đóng đinh nó vào Thập Giá” (Mt 27:22-23; Mc 15:13-14; Lc 23:21; Ga 19:6; Ga 19:15). Lạy Chúa tôi! Chúng ta cũng chẳng hơn gì đâu!

Suốt những năm hoạt động mục vụ, hàng ngày Ngài đích thân rong ruổi khắp mọi nẻo đường, đến tận các hang cùng ngõ hẻm để giáo huấn và chia sẻ nỗi đau khổ của những người cùng đinh nhất, đặc biệt là Ngài luôn tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền của bất kỳ ai. Là vua, trong tay đầy quyền lực, nhưng Ngài đã thực hiện đúng như lời Ngài nói: “Ai làm lớn phải phục vụ” (Mt 20:24-28; Mc 10:40-45). Ngài không cậy quyền, không ỷ thế, nói và làm gì cũng dựa trên nền tảng yêu thương, ngôn hành luôn song song, thậm chí Ngài còn làm nhiều hơn nói. Ngài không chỉ là Vua Nhân Lành, Vua Hằng Sinh, Vua Tình Yêu, Vua Lòng Thương Xót, mà Ngài còn là Vua Công Bình. Vô cùng may mắn khi chúng ta là thần dân của Vị Vua này!

VUA CÔNG BÌNH

Phụng vụ lễ Chúa Kitô Vua năm A dùng trình thuật Mt 25:31-46 nói về ngày Chúa quang lâm xét xử nhân loại. Chúa Giêsu dùng hình ảnh thực tế, dễ hiểu và gần gũi: Chiên và Dê. Chiên là loài động vật hiền, mỗi lần bị xén lông rất đau nhưng nó không hề kêu hoặc phản ứng và có hình dáng “dễ thương”; dê là loài động vật có thể phản ứng dữ dội và có hình dáng “không bắt mắt”. Chiên là người lành, dê là kẻ dữ.

Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha và chịu chết để cứu độ nhân loại, thế nên Ngài có quyền phân xử, nhưng hoàn toàn công minh chính trực. Khi Ngài đến thế gian lần thứ hai có các thiên sứ theo hầu, và Ngài sẽ ngự trên ngai vinh hiển. Ngài tập hợp các dân thiên hạ trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê. Ngài cho chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Thiên Vương Giêsu nói với những người ở bên phải: “Nào những người được Cha Tôi chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho quý vị ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Tôi đói, quý vị đã cho ăn; Tôi khát, quý vị đã cho uống; Tôi là khách lạ, quý vị đã tiếp rước; Tôi trần truồng, quý vị đã cho mặc; Tôi đau yếu, quý vị đã thăm viếng; Tôi ngồi tù, quý vị đã đến hỏi han” (Mt 25:34-37).

Họ ngạc nhiên họ chưa một lần thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, là khách lạ mà tiếp rước, trần truồng mà cho mặc, đau yếu hoặc ngồi tù mà thăm viếng giúp đợ. Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Mỗi lần quý vị làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Tôi, là quý vị đã làm cho chính Tôi vậy” (Mt 25:41).

Rồi Đức Vua nói với những người ở bên trái: “Quân bị nguyền rủa kia, đi cho khuất mắt Tôi mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Tôi đói, quý vị đã không cho ăn; Tôi khát, quý vị đã không cho uống; Tôi là khách lạ, quý vị đã không tiếp rước; Tôi trần truồng, quý vị đã không cho mặc; Tôi đau yếu và ngồi tù, quý vị đã chẳng thăm viếng” (Mt 25:42-44).

Họ cũng ngạc nhiên và phân bua, nhưng Ngài nói thẳng: “Mỗi lần quý vị không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là quý vị đã không làm cho chính Tôi vậy” (Mt 25:46). Hết cách phân minh, họ đành lủi thủi ra đi để chịu cực hình muôn kiếp. Đó là công bình: Tốt được thưởng, xấu bị phạt. Có điều lạ là không thấy Chúa đề cập tội này hay tội nọ, Ngài chỉ thẩm vấn HAI điều: Sử dụng vốn sống thế nào để sinh lời (Mt 25:14-30), và thực hành đức ái (Mt 25:31-46).

Ngài không thiên vị ai, không thể lấy cớ mình là “ông này” hoặc “bà nọ” để mong được “ưu tiên”. Có lẽ chúng ta nghe nhiều hóa nhàm tai, rồi cứ tưởng Chúa “vui tính”, thích đùa dai. Số phận thành Sôđôma và Gômôra bị thiêu rụi đã quá hiển nhiên, rồi hằng năm có nhiều vụ “thiên tai” nhưng người ta vẫn “bình chân như vại”, thích những “sự lạ” chứ không muốn hiểu “triệu chứng” của một căn bệnh trầm kha bất trị. Thiên tai hay nhân tai? Việt Nam cũng không ngoài danh sách. Cứng lòng hay tự mãn?

Nhìn thấy Chúa trong người khác là điều không dễ, nhưng đó là điều Chúa Giêsu đề cao: Mỗi lần chúng ta giúp đỡ, yêu thương, chia sẻ, thiện cảm, vui cười, nói dễ nghe, cư xử tốt, cầu nguyện cho người khác,… đó là chúng ta làm cho chính Thiên Chúa. Người khác là tha nhân, là bất kỳ ai, dù không quen biết, thậm chí là kẻ thù. Thật tuyệt vời với cách suy luận của đại văn hào Victor Hugo: “Ai cho kẻ khốn cùng là đã cho Thượng đế vay”.

Lòng thương xót cũng chính là tình yêu thương, Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13:1), Ngài không phạt nhãn tiền vì Ngài nhẫn nại chờ đợi chúng ta sám hối, đợi chúng ta tín thác vào Lòng Thương Xót vô biên và sâu thẳm của Ngài, điển hình là đến với Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể. Không được tha thứ là tại chúng ta quá cố chấp mà thôi! Alfred Mortier nói:“Mọi người đều nói đến quyền lợi, không mấy ai nói đến bổn phận”. Thật vậy, chúng ta van xin Chúa ban “miễn phí” cho chúng ta đủ điều, nhưng lại không muốn hy sinh, chỉ muốn tránh né “cái khó” càng nhiều càng tốt. Vậy là chúng ta không công bằng với Chúa đấy!

Lạy Thiên Vương Giêsu Kitô, xin thương tha thứ, nâng đỡ, che chở, độ trì, soi sáng và hướng dẫn chúng con trong Cung Đường Tình Yêu cao cả và tuyệt đối của Thiên Chúa. Ngài là Đấng Cứu Độ hằng sinh, đồng hiển trị cùng Thiên Chúa Chúa, hiệp nhất với Thiên Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

[Mục Lục]

Bài 10. SUY TÔN VƯƠNG QUYỀN CỦA CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Hội Thánh kết thúc năm Phụng Vụ bằng thánh lễ suy tôn Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa, là Vua vũ trụ, vì Người là Thiên Chúa, là Ngôi Lời và là Đấng đã cứu chuộc nhân loại.

Nhìn vào thế giới loài người, số các tín hữu nhìn nhận Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa, là Vua của mình và của vũ trụ còn là thiểu số. Hơn nữa, trong số những người đã nhìn nhận Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa, là Vua của mình và của vũ trụ thì cũng còn rất nhiều người chưa thật sự “đầu phục” Người, chưa sống đúng tư cách là “con dân”, là “kẻ được cứu” của Chúa. Vì thế mà việc mừng lễ Chúa Giê-su Ki-tô là Vua vũ trụ bao giờ cũng mang chiều kích Phúc Âm hóa và Truyền Giáo. Vì Chúa Nhật 34 này là Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, nên cũng mang thêm ý nghĩa của ngày “Tổng Kết” tức của việc xét mình kiểm điểm xem suốt một năm qua mỗi người chúng ta đã nhìn nhận, suy tôn và rao truyền vương quyền của Chúa Giê-su Ki-tô như thế nào.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH

2.1 Trong bài đọc 1 (Êd 34,11-12.15-17): Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên.

2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 15,20-26.28): Đức Ki-tô trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.

2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 25,31-46): Con Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau.

III. KHÁM PHÁ DUNG MẠO VÀ GIÁO HUẤN CỦA THIÊN CHÚA

3.1 Dung Mạo của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?):

Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:

* Là Mục Tử nhân lành, hết mực chăm lo cho con cái Người như người chăn chiên tốt lành chăm sóc, qui tụ, tìm kiếm, đưa về, băng bó, chữa lành, vỗ béo và chăn dắt đàn chiên của mình (bài đọc 1).

* Là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã được Thiên Chúa trao cho sứ mạng tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần và đưa toàn thể đưa nhân loại về với Cha. Người nắm mọi vương quyền trên trời dưới đất …. cho đến ngày Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết (bài đọc 2). Trong ngày ấy Chúa Giê-su Ki-tô tức Con Người sẽ đứng phán xét người lành kẻ dữ để ban thưởng và luận phạt. Tiêu chuẩn cuộc phán xét cuối cùng là lối sống vị tha: “Mỗi lần các ngươi làm hay không làm như thế (cho ăn, cho uống, cho mặc, tiếp rước, thăm viếng, hỏi han…) cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã làm hay không làm cho chính Ta vậy” (bài Phúc âm).

* Là Chúa Thánh Thần, Đấng cùng hành động với Chúa Cha và Chúa Con để giúp con người nhìn nhận và tuyên xưng Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa, là Vua vũ trụ vạn vật.

3.2 Giáo Huấn của Thiên Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?):

Giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa là:

Mỗi lần chúng ta cho/không cho kẻ đói ăn, cho/không cho kẻ khát uống, cho/không cho kẻ rách rước quần áo, tiếp rước/không tiếp trước khách trọ, thăm viếng/không thăm viếng người đau bệnh, hỏi han/không hỏi han người bị giam cầm là chúng ta đã làm/không làm những việc ấy cho chính Chúa Giê-su Ki-tô vậy.

IV. ĐÁP LẠI THIÊN CHÚA

Để thực hiện giáo huấn của Lời Chúa hôm nay, mỗi người hãy làm 2 việc này:

Việc thứ nhất là khám phá và cảm nghiệm sự chăm sóc mà Thiên Chúa dành cho mình trong đời sống cá nhân và gia đình, trong lãnh vực vật chất, tinh thần và tâm linh.

Việc thứ hai là kiểm điểm xem mình đã cư xử như thế nào với những người xung quanh, nhất là với những người cần đến sự giúp đỡ (về vật chất, tinh thần, thời gian) của mình.

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

5.1 «Thiên Chúa là Mục Tử Nhân Lành vì Người chăm sóc, qui tụ, tìm kiếm, đưa về, băng bó, chữa lành, vỗ béo và chăn dắt đàn chiên của mình.» Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện cách riêng cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Giám mục, các linh mục, phó tế và tu sĩ nam nữ, là những người được giao phó sứ mạng chăm lo cho những người khác trong cộng đoàn Dân Chúa, để các ngài chu toàn trách nhiệm nặng nề và cao cả mà Thiên Chúa đã giao cho.

X. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Đ. Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho hết mọi người trên thế gian này để sớm hay muộn họ được ơn nhận ra và đầu phục vương quyền của Chúa Giê-su Ki-tô!

5.3 «Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu nhất là cho những người thuộc giáo xứ/cộng đoàn chúng ta để họ nhận ra Chúa trong tha nhân, nhất là trong những người cần giúp đỡ!

5.4 “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta và cho những người sống khép kín, tham lam và ích kỷ, để chúng ta và những người ấy nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của lối sống của mình mà sám hối và hoán cải trong thời gian Thiên Chúa còn nhẫn nại đợi chờ!

[Mục Lục]

Bài 11. LỄ CHÚA KITÔ VUA
Radio Veritas Asia

Cùng với Giáo Hội Mẹ, hôm nay chúng ta mừng kính trọng thể Lễ Chúa Kitô Vua, tuần cuối của năm Phụng Vụ, với Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta bước vào năm Phụng Vụ mới.

Lời Chúa hôm nay muốn nói gì với chúng ta? Bài đọc thứ nhất trích từ sách Ez 34,11-17, trình bày việc Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Khi đến thời đến buổi Người sẽ qui tụ chúng ta lại trong miền đất yêu thương của Người; Người sẽ băng bó và an ủi những thương tật và đau buồn của những ai bị hắt hủi, bị bỏ rơi và bị tổn thương; đồng thời Người cũng loại trừ những lạm dụng luôn quay lưng lại với đồng loại của mình. Người là một vị Thiên Chúa hành xử nhân từ và công chính.

Bài đọc hai trích từ 1Cr 15,20-26.28. Thánh nhân nói với chúng ta về niềm hoan lạc cho những người tin vào tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, và trong sự chết của Ngài, chúng ta được cứu chuộc; trong sự sống lại của Ngài, chúng ta được sống lại, sống lại trong ngày hôm nay, trong tình nghĩa con cái đối với Thiên Chúa là Cha, và sống lại mai ngày trên quê hương Thiên Quốc khi tất cả được gom lại để qui phục vương quyền của Chúa Giêsu Kitô Vua.

Trong Tin Mừng hôm nay, Thánh Matthêu tường thuật lại quang cảnh ngày cánh chung, khi Chúa Giêsu tái giáng và Ngài phân xử mọi người tốt hay xấu, lành hay dữ, thiện hảo hay ác độc, đều có mặt và phân xử rõ ràng. Tiêu chuẩn để mà phân tách là tất cả những gì chúng ta thực hiện cho anh em. Chúa Giêsu đồng hóa với tất cả những ai đang sống xung quanh và giữa chúng ta khi chúng ta chia sẻ cơm áo cho người đói khổ trần truồng, khi thăm viếng người bị bệnh nạn hoặc tù đày, tức là chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng sinh ra trong hang súc vật, trốn chạy sự tàn ác và tham vọng của con người, bị đeo đuổi chỉ trích, hành hạ và bị treo trên Thập giá. Khi chúng ta từ chối lẫn nhau và quay lưng trước những bất hạnh tinh thần và thể xác của anh em đồng loại thì cũng là lúc chúng ta rời xa Chúa Giêsu, rời xa Thiên Chúa.

Thiên Chúa công bình sẽ dựa vào những hành động và phong cách sống ấy của chúng ta để mà xét xử, vậy chúng ta phải sống Lời Chúa như thế nào trong tuần sống sắp tới đây, tiên vàn chúng ta cảm tạ Thiên Chúa cho một năm Phụng Vụ đã qua, một năm chúng ta nhận lãnh rất nhiều ân sủng của Thiên Chúa qua các Bí Tích, qua các Thánh Lễ mỗi ngày và mỗi tuần, qua các biến cố trong cuộc sống, qua các mối tương quan chúng ta có lẫn nhau. Thứ đến chúng ta xin Thiên Chúa là Cha tha thứ cho chúng ta, vì những vô tâm vô trí và có khi cả những cố ý để mà xúc phạm đến tình yêu của Chúa và những tổn thương gây ra cho anh em mình, nhất là những người ta gặp gỡ mỗi ngày. Sau đó chúng ta có một quyết tâm mới cho những ngày tháng hồng ân của Năm Mới mà chúng ta chuẩn bị đi vào.

Một trong những điều Giáo Hội Mẹ kêu gọi chúng ta sống trong Năm Mới này, đó là biết sám hối những lỗi lầm của chúng ta. Trong sám hối chúng ta vừa nhận ra mình có tội với Chúa, với anh chị em xung quanh, đồng thời cũng bị thúc bách phải thay đổi thái độ và phong cách sống cho phù hợp với Tin Mừng của Chúa.

Chúng ta dựa vào đâu để biết, để thay đổi? Lời Chúa trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã đưa ra những tiêu chuẩn, là Chúa Giêsu có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi con người mà chúng ta gặp mỗi ngày, chúng ta hãy đến với Ngài qua những con người đó, những con người thân thương và cả những con người thật khó mà có cảm tình, những con người mà chúng ta chung chia đức tin và cả những con người chưa hề có ý niệm gì về Thiên Chúa, nhất là những con người không muốn nhận Thiên Chúa là Cha của mình. Chúng ta đến và yêu thương họ, vì họ cũng được Thiên Chúa yêu thương và muốn dắt về để chung hưởng hạnh phúc trong quê hương Thiên Quốc.

Rồi những ngày này, biết bao người anh chị em của chúng ta đang phải vật lộn với đói khổ vì thiên tai, vì bệnh tật, vì bị bỏ rơi v.v…, chúng ta nghe lời các chủ chăn trong giáo phận và giáo xứ, chúng ta cố gắng đóng góp để giúp đỡ họ. Dĩ nhiên, nhiều người trong chúng ta không khá giả gì, và cuộc sống mỗi ngày cũng phải chắt chiu từng đồng để kiếm sống. Vả lại, đất nước (Việt Nam) của chúng ta là một trong ba nước có tệ nạn tham nhũng nhất thế giới (so với Pakistan và Indonesia). Nhưng với những con người mang tâm trạng yêu thương anh chị em mình đang đau khổ, chúng ta nên bớt chút những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình để chia sẻ, mặc dù không biết có đến tay người nhận hay không? Nhưng Chúa biết tấm lòng của chúng ta dành cho nhau, nếu cứ ngại ngùng và suy nghĩ mãi thì không biết đến bao giờ những người anh chị em mới có được chén cơm manh áo.

Với tất cả những suy nghĩ dựa trên Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sốt sắng dâng lên Thiên Chúa Cha trước bàn thờ của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và nài xin ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, để chúng ta có một tuần sống xứng đáng là con Thiên Chúa, là dấu chứng tình yêu Chúa giữa anh chị em.

Có thể nói rằng, với hành vi dâng hiến quảng đại cho ý muốn của Chúa Cha, Đức Mẹ đã mang Đức Giêsu Kitô đến cho chúng ta. Noi gương Mẹ, chúng ta bước vào Mùa Vọng mới với tâm tình dâng hiến và đón nhận thánh ý Chúa Cha, thể hiện qua những gì chúng ta sống hôm nay như Mẹ Maria ngày xưa. Amen.

[Mục Lục]

Bài 12. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚC PHÚC
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến

Đây là dụ ngôn cuối cùng trong loạt các dụ ngôn nói về việc Chúa đến bất ngờ; và do đó phải luôn luôn sẵn sàng (24,36-25,46). Đây cũng là giáo huấn cuối cùng của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước khi tin mừng Matthêô bước sang trình thuật Thương Khó. Về bố cục của đoạn 25,31-46, có thể phân chia như sau: – Bối cảnh buổi phán xét cuối cùng (25,31-33); – Đối thoại trong ngày phán xét chia làm hai phần: – Giữa thẩm phán với người bên phải (25,43-40) và – với những người bên trái (25,41-45); – Kết luận về số phận đối nghịch của hai nhóm (25,46).

Hai cuộc đối thoại có cấu trúc tương tự nhau, gồm: – Tuyên bố của vị vua về ân thưởng và hình phạt của mỗi nhóm dựa trên những gì họ đã làm hoặc không làm (cc. 34-36 và 41-43); – Đáp lời của mỗi nhóm (cc. 37-39 và 44); – Kết luận của vị vua, kèm theo cụm từ “Quả thật Ta bảo các ngươi” (cc. 40 và 45). Các lời đối đáp giữa vị vua và mỗi nhóm mở đầu bằng, tote, “bấy giờ” (cc. 34.37.41.44.45).

Mỗi cuộc đối thoại có cấu trúc lập lại: mỗi nhóm lập lại gần như từng chữ lời tuyên bố của vị vua: “đói/cho ăn”, “khát/cho uống”, “khách lạ/ tiếp đón”, “trần truồng/ chommặc”… (c. 35-36) – “đói/nuôi dưỡng”…. (c. 37-39). (x. W.D.Davies – D.C.Allison, The Gospel According to Saint Matthew. A Critical and Exegetical Commentary (ICC; Edinburgh: Clark, 1988, 1991, 1997) III, p. 416). Như thế các việc làm hay không làm cho Chúa được lập lại đến bốn lần. Và càng về sau, chi tiết càng được rút ngắn lại.

Bối cảnh buổi phán xét cuối cùng (cc. 31-33)

Trong ba câu dẫn nhập, Matthêô trình bày quang cảnh Con Người đến. Quang cảnh nầy gồm những yếu tố đã gợi lên trong tin mừng Matthêô trước đây (10,23; 13,41.49-50; 16,27-28; 19,28; 24,30-34; x. Đan 7,13-14). Đặc điểm của phần dẫn nhập nầy là các động từ ở thì tương lai. Chỉ những sự việc sẽ xảy ra trong ngày phán xét sẽ đến. Trong dẫn nhập nầy Matthêô không nói gì đến “lúc nào” Chúa đến (x. 24,36), mà chỉ trình bày ý nghĩa của việc Người đến. Quang cảnh nầy nhấn mạnh vinh quang của Con Người. Người “ngồi trên ngai”, “trong vinh quang của Người”, và “các thiên thần bao quanh Người”. Người thi hành quyền phán xét trên các dân tộc như một mục tử tách chiên ra khỏi dê. “Vinh quang của Người” (19,28) hay “trong vinh quang của Người” (c. 31[2x]) thật ra không phải vinh quang của riêng Người, mà là “vinh quang của Cha Người” (x. 16,27). Tính từ sở hữu autou, “của Người”, được dùng để nhấn mạnh tính cách Kitô trong cuộc hiển lâm nầy. Vị trí “ngồi trên ngai” là vị trí của một vị vua, và từ “ngai vinh quang của Người” Người thực hiện việc phán xét các dân tộc.

Ethnos, “dân tộc”, và cũng có nghĩa là “người-không Do thái”, rồi sau nầy “người-không Kitô hữu”. Khó có thể tưởng tượng có hai cuộc phán xét, một cho mười hai chi tộc Israel (19,28) và một cho muôn dân (25,31-32). Con Người chỉ đến một lần và trong lần ấy Người phán xét mọi dân tộc, trong đó có cả dân Israel. Vậy panta ta ethnè (c. 33) chỉ cách chung mọi dân trên mặt đất; hay nói cách khác là mỗi người, hekatos, như trong một lời tiên báo khác về việc ngự đến và phán xét của Con Người (16,27). Điều nầy có lẽ phù hợp hơn cho việc giải thích đoạn kế tiếp khi nói đến việc đối xử bác ái với “từng người anh em hèn mọn” (c. 40). Việc phán xét mang tính cách cá nhân. Việc nầy được hình tượng hoá qua hình ảnh phân tách chiên ra khỏi dê. Trong Do thái giáo “bên hữu” được quan niệm là bên tốt lành mang lại phúc lành; còn “bên tả” là bên xấu và bị chúc dữ.

Đối thoại trong ngày phán xét (cc. 34-45)

Con Người đang ngồi trên ngai được gọi là “Vua”, basileus. Những đoạn trước đã nói đến vai trò phán xét của Con Người (x. 13,41-43; 16,27). Chúa Giêsu với tư cách là vua khi Người phán xét. Nhiều lần trong Matthêô nói đến Người với tước hiệu là “Vua” (2,2; 21,5; 22,11; 27,11.29.37 và 42), và cũng nói về vương quốc của Người (13,41; 16,28; 20,21). Deute, “Hãy đến”, nhắc nhớ lời mời của một vị vua sai các đầy tớ đi nói với những người đã được mời đến dự tiệc cưới đã sẵn sàng (22,4). Và giữa những “người được chúc phúc, eulogèmenos, của Chúa Cha”, Chúa Giêsu là người đầu tiên được gọi bằng tên nầy (x. 21,9; 23,39). Người được hưởng vinh quang Nước của Cha Người trước tiên. Động từ khèronomeò, “thừa hưởng” xuất hiện 3 lần trong Matthêô (5,5; 19,29; 25,34), và đều có Nước Trời hay sự sống đời đời làm đối tượng. Về việc thừa hưởng Nước Trời xem 5,19-20; 7,21; 8,11… Nước Trời nầy hoặc chỗ trong Nước Trời đã được do chính Chúa Cha chuẩn bị (thành ngữ tương tự trong 20,23), “từ lúc tạo thành vũ trụ” (25,34; thành ngữ tương tự trong 13,35). Như thế, trong việc ân thưởng cho những người được chúc phúc, mục đích cứu độ của Thiên Chúa được viên thành.

Tiếp theo là cuộc đối thoại với những người bên hữu (cc. 34-40). Chúa Giêsu kể ra những việc họ đã làm. Các động từ ở thì bất định (aorist) chỉ các hành động tốt họ đã được thực hiện rồi trong đời của họ (cc. 35-39). Chính Chúa Giêsu đồng hoá với những người có thiếu thốn nầy; bởi đó những ai làm những việc nầy được kể là “những người được chúc phúc”. Các việc bác ái nầy được nói nhiều đến trong Cựu Ước (Is 58,7; Ezk 18,7.16; Gióp 22,6-7; 31,17.19.21.31-32; Tob 1,16-17; 4,16; Sir 7,34-35). Những điều được nêu ra là những nhu cầu căn bản của sự sống.

Những người đứng bên hữu được gọi bằng một tên khác nữa là “những người công chính”(c. 37.46). Họ đã không biết là họ đã làm cho chính Chúa Giêsu khi họ giúp đỡ những người thiếu thốn. Do đó họ đã đặt ra một lần ba câu hỏi: “Có bao giờ chúng tôi thấy…” (cc. 37-39). Những câu hỏi nầy cũng sẽ được lập lại, ngắn gọn hơn, nơi những người đã không giúp đỡ những người thiếu thốn (c. 44). Cả hai nhóm người đã làm điều tốt hay đã không làm điều tốt, đều không biết Chúa Giêsu đã đồng hóa mình với những người thiếu thốn. Điều nầy muốn nói việc nhận biết Chúa Giêsu và tin vào Người là yếu tố thiết yếu và không thể thiếu để được vào Nước Trời.

Chúa Giêsu đưa ra nguyên tắc, trung tâm của trình thuật, bắt đầu bằng công thức trang trọng “Quả thật, Tôi nói cho anh em”, “những gì các ngươi đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất này của Tôi, là các ngươi đã làm cho chính mình Tôi” (c. 40). Ai là “người anh em hèn mọn nhất của Tôi?” Trong tin mừng Matthêô “Anh em của Tôi” chỉ các môn đệ của Người (12,48-49; 28,10). Đàng khác, những người “hèn mọn”, oi mikroi, thường chỉ các môn đệ (18,6.10.14). Và chính câu 10,42 xác nhận “những người bé mọn nhất” là các môn đệ của Chúa Giêsu khi Người quả quyết một chén nước cho các môn đệ của Người sẽ không mất phần thưởng sau nầy. Hơn nữa trong mạch văn ấy, Chúa Giêsu đã đồng hoá trọn vẹn giữa Người và các môn đệ của Người (10,40tt).

Đối thoại với những người bên tả (cc. 41-45). Ý tưởng của những lời Chúa Giêsu nói trong phần nầy tương tự như trong cc. 34-40, và dưới dạng phủ định (7 mệnh đề). Đồng thời, có những từ ngữ và cụm từ đối nghĩa so với đoạn trước: “Các ngươi hãy đi khỏi mặt Ta” (“hãy đến” trong c. 34), “những kẻ bị chúc dữ, katèramenoi, (“những người được chúc phúc” trong c. 34). Trong câu 41 có những bất đối xứng so với câu 34: Matthêô tránh không nói “những kẻ bị Cha Ta chúc dữ” (so sánh “những người được Cha Ta chúc phúc”), và không nói “lửa đời đời được chuẩn bị sẵn từ tạo thiên lập địa” (so sánh “Nước Trời đã được chuẩn bị từ tạo thiên lập địa”), bởi vì Thiên Chúa không tạo dựng con người để hủy diệt nó.

Danh sách các việc tốt như trong các câu 35-36 được nhắc lại, nhưng được rút ngắn lại. Những người thuộc nhóm bên tả nầy đã không làm cho Chúa Giêsu đúng những điều mà những người công chính đã làm. Lần nữa Chúa Giêsu khẳng định qua những việc làm cụ thể tương quan mật thiết giữa Người với những người thiếu thốn. Trong câu 41, nhóm người bên tả nầy tóm lại những việc đáng lý họ phải làm cho Chúa Giêsu trong động từ diakoneò, “phục vụ”. Họ đã không phục vụ, nghĩa là đã không giống như Người (20,28), và không được chúc phúc như Người và nhóm người bên hữu.

Lời của vị vua kết thúc ở câu 45, và sau cùng là lời của thánh sử (c. 46). Lời kết nầy lập lại lời của Chúa Giêsu trong hai câu 34 và 41 về việc thưởng/phạt cho hai nhóm người. Việc thưởng/phạt nầy mang tính cách đời đời, aiònios, “cực hình đời đời”, “sự sống đời đời”. Vậy trong ngày phán xét, người công chính và người bị chúc dữ sẽ được tách ra cách dứt khoát và đời đời.

Khi ngày phán xét cùng tận đến, mỗi người sẽ được phán xét theo việc họ đã làm mà trong tương quan với Chúa Giêsu. Khi đã ra trước mặt vị Vua thẩm phán số phận mỗi người, hoặc được chúc phúc hoặc bị chúc dữ, sẽ không bao giờ có thể thay đổi nữa.

[Mục Lục]

Bài 13. CUỘC XÉT XỬ TÌNH YÊU
Lm. Hồng Phúc

Giữa công trường Thánh Phêrô ở La Mã có một ngọn tháp cao chót vót mang một cây Thánh giá vươn lên giữa trời xanh. Ngọn tháp có từ đời Hoàng đế Caligula, được đưa về dựng giữa công trường năm 1586. Trên ngọn tháp có khắc ba câu sau đây:

Christus vincit: Chúa Kitô toàn thắng.

Christus regnat: Chúa Kitô hiển trị.

Christus imperat: Chúa Kitô thống quản.

Ngày hôm nay, Giáo hội cũng đọc lại ba câu khắc trên đá tạc vào lòng đó, để tôn vinh Chúa Giêsu là Vua, nhân ngày bế mạc năm Phụng vụ.

Từ trên chóp đỉnh năm Phụng tự, Giáo hội cho chúng ta thấy vị trí cao sang của Con Thiên Chúa là vua toàn thể vũ trụ.

Trong Cựu ước, các vua được gọi là mục tử dân Chúa, vì các vị lãnh đạo đầu tiên như Abraham, Moisê, Davit là những người chăn chiên. Trong bài đọc thứ nhất, Tiên tri Ezechiel mô tả Thiên Chúa là một vì Vua chăn dắt đoàn chiên. Ngài tập họp đoàn chiên tan tác vì tội lỗi của chính mình cũng như của các nhà lãnh đạo. Ngài giải cứu chúng khỏi miệng sói dữ. Ngài tân tình phục vụ đoàn chiên cách riêng những thành phần đau yếu bé mọn. Ngài đối xử với đoàn chiên như bà mẹ săn sóc con cái: “Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau… Ta sẽ chăm sóc và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính”. Thật là hình ảnh cảm động của Thiên Chúa, một nhà Vua Mục Tử.

Thánh Phaolô trong Thánh Thư gởi giáo đoàn Corintô, đề cập đến Vương quyền cao cả và vô hạn của Thiên Chúa. Đức Kitô Phục sinh là Alpha và Omêga, nghĩa là khởi điểm và cùng tận. Nhờ Ngài, mọi sự đã phát sinh thì nhờ Ngài vạn vật sẽ trở về với Thiên Chúa Cha. Ngài đã Phục sinh, đã toàn thắng sự chết thì con người cũng không phải hoảng sợ trước sự chết. Chúa Kitô chính là Thầy, là Vua. Ai tin ở Ngài sẽ không phải chết: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống”. Ngài thật là Vua, là Chúa, có quyền trên sự sống và sự chết.

Bạn đã có dịp đến Vatican kính viếng Thánh điện Sixtine và chiêm ngưỡng bức danh họa vĩ đại của Michel-Ange về Ngày Thẩm phán theo Phúc Âm Matthêô? Thật là lớn lao vĩ đại. Họa sĩ để ra một năm, nằm trên sàn vẽ, vừa vẽ vừa suy niệm về ngày phán xét chung. Chúa Giêsu, Đấng Thẩm phán, đến trong vinh quang để xét xử công tội của mỗi người. Bài Phúc Âm hôm nay, tuy nói đến cuộc giáng lâm của Chúa, nhưng trước tiên là nói đến số phận của mỗi người: “Ngài sẽ đến ngự trên ngai uy linh, có hết thảy mọi Thiên thần hầu cận và Ngài sẽ phân chia họ ra”.

Trước mặt Ngài chỉ có những người đã sống trong Tình yêu và những người đã chối bỏ Tình yêu. Con người lộ diện trần trụi, giờ sự thật đã điểm.

“Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta. Và những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em hèn mọn nhất của Ta, là các ngươi đã không làm cho chính mình Ta”.

Cuộc thẩm phán là một cuộc xét xử về Tình yêu, yêu Chúa và yêu tha nhân, vì Thiên Chúa là Vua, Vua Tình yêu vậy.

Ngày mồng 01 tháng 10 năm 1989, Giáo hội đã long trọng phong Chân phước cho Nicéphore Diez (1893-1936) và 25 Bạn Tử đạo thuộc Dòng Thương khó, tử đạo trong cuộc nội chiến 1936 ở Tây Ban Nha. Phần đông các vị đã đồng thanh kêu lớn tiếng: “Vạn tuế Chúa Kitô là Vua”, trước khi ngã gục trước họng súng.

Chúng ta cùng với Giáo hội lớn tiếng hôm nay tuyên xưng Christus vincit- Christus regnat- Christus imperat.

[Mục Lục]

Bài 14. NHÂN QUẢ
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái Mt 25,33).

“Nhân” là nguyên nhân, “Quả” là kết quả. Nhân là cái mầm. Quả là cái hạt do mầm ấy phát sinh. Trong nhân có qủa và trong qủa có nhân. Chính trong Nhân hiện tại có hàm chứa cái Qủa tương lai. Nhân thế nào thì Qủa thế ấy. Thưởng phạt ngày sau đều tùy thuộc vào những hành động tốt hoặc xấu của chúng ta thực hiện ngày hôm nay. Nói chung, ai trong chúng ta cũng muốn được hưởng hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Chúng ta biết con đường lên thiên đàng là thiên đàng mà. Nếu chúng ta muốn được hưởng an lạc ngày sau, chúng ta phải sống vui tươi và an bình ngày nay. Biết rằng cuộc đời ai cũng có những sự chen lẫn giữa vui sướng và khổ sầu. Sự khổ đau trong cuộc sống không phải luôn luôn là sự tiêu cực. Vì sự đau khổ cần thiết như là những thử thách để giúp ta tinh luyện cho cuộc đời sáng thêm. Ví như lửa thử vàng, gian nan thử đức vậy.

Kết thúc Năm Phụng Vụ, Giáo Hội mừng Đại Lễ Chúa Kitô Vua, Vua Các Vua, Chúa Các Chúa. Chúa Giêsu là trung gian giao hòa giữa trời với đất. Ngài đã nhập thể để rao truyền tin mừng cứu độ. Chính Ngài là trung tâm và là cốt lõi của tất cả mọi sự hiện hữu. Ngài mở lối dẫn chúng ta vào hưởng niềm vui hạnh phúc Nước Trời. Con đường Chúa đi là con đường yêu thương trong khổ giá. Muốn lãnh nhận ơn cứu độ, chúng ta phải dõi theo lối bước của Ngài. Hai giới răn nồng cốt tóm kết tất cả lề luật là yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh chị em như chính mình. Đức yêu thương được thể hiện qua sự giúp đỡ, chia sẻ, thăm viếng và sống tình bác ái với nhau. Con đường đức ái là con đường tuyệt hảo dẫn vào quê trời.

Chúa Giêsu dẫn bước chúng ta vào cuộc sống thật ngày sau qua dụ ngôn phân định Chiên và Dê. Chiên và dê chỉ là hình ảnh tượng trưng gởi theo một sứ điệp nói về sống bác ái vị tha. Chiên dê, phải trái, bên này bên kia hay thiên đàng hỏa ngục là ranh giới để phân biệt tốt xấu, lành dữ và thưởng phạt. Phúc thay những ai được xếp vào hàng bên phải: Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ (Mt 25, 34). Không phải tự nhiên hùa theo đám đông mà được ơn cứu độ. Mỗi người phải phấn đấu từng ngày để nên trọn lành. Chúng ta có thể quan sát hình ảnh một thửa ruộng trong đó có lúa và cỏ dại. Khi chủ ruộng vun xới chăm sóc cả hai lúa và cỏ đều được hưởng phân bón và tưới gội đồng đều. Lúa và cỏ cùng chung hưởng nắng ban mai, sương sớm và mưa nguồn. Phát triển tốt nhưng kết qủa thì khác nhau, lúa trổ sinh bông hạt và được thu hoặch cho vào kho lẫm. Còn cỏ dại bị người ta chà đạp và thu gọn đem thiêu đốt.

Theo giáo lý Nhà Phật, nhân là năng lực phát động, Quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và quả là hai trạng thái tiếp nối nhau mà có. Nếu không có Nhân thì không có Quả và nếu không có Quả thì không có Nhân. Cũng chính trong cái Quả hiện tại, đã có hình bóng của Nhân quá khứ. Vì thế, mỗi vật đều có thể gọi là nhân hay quả: Đối với quá khứ, thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân. Nhân và qủa tiếp nối nhau và đắp đổi nhau như những vòng trong sợi dây chuyền. Nhân qủa đi đôi và ảnh hưởng tới nhau như gieo gió thì gặt bão. Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi. Đôi khi chúng ta tự hỏi rằng tại sao những người làm ác mà họ vẫn sống phây phây lại giầu có sung sướng, trong khi những người hiền lành, đạo đức lại rơi vào cảnh túng quẫn và khổ đau. Câu trả lời là đời sống tạm này chưa kết thúc, chúng ta chưa thể kết luận thế nào là hạnh phúc thật.

Một Nhân không thể sinh ra Quả, mà phải nhờ vào môi trường vạn vật chung quanh. Sự vật trong vũ trụ nầy đều là sự tổ hợp của nhiều nhân duyên. Cho nên không có một Nhân nào có thể tự tác thành kết quả được, nếu không có sự giúp đỡ của nhiều Nhân khác. Sự liên đới trùng trùng điệp điệp giữa muôn loài làm thành bước tiến của thiên nhiên vạn vật. Không có thụ tạo nào đứng riêng biệt một mình trong vũ trụ. Nói rằng hạt lúa sanh ra cây lúa, là nói một cách giản dị cho dễ hiểu, chứ thật ra hạt lúa không thể sanh ra gì được cả, nếu để một mình nó giữa khoảng trống không, thiếu không khí, ánh sáng, đất nước và nhân công. Có biết bao nhiêu yêu tố để hình thành một chuỗi Nhân Quả. Trong bất cứ một loài thụ tạo nào cũng có mỗi liên hệ chằng chịt với thế giới hiện hữu chung quanh.

Về phương diện tinh thần, những tư tưởng và hành vi trong quá khứ, tạo cho ta những tính tình tốt hay xấu trong hiện tại. Tư tưởng và hành động quá khứ là Nhân, tính tình và nếp sống trong hiện tại là Quả. Tính tình và nếp sống hiện tại là Nhân, để tiếp tục tạo ra hành động trong tương lai là Quả. Nhân Qủa tiếp nối không ngừng qua những hành vi chúng ta thực hiện hằng ngày. Chúng ta có thể thay đổi và sửa sai những lầm lỡ trong qúa khứ để tạo thành Nhân tốt. Không bao giờ trễ, nếu chúng ta biết bắt đầu lại. Mỗi ngày chúng ta có thể tạo nhân tốt, hậu qủa sẽ tốt. Sống trong xã hội, con người phải tương trợ và có ảnh hưởng lẫn nhau. Tục ngữ nói: Gần mực thì đen, gần đèn thị rạng. Một người làm phúc, muôn người đều được hưởng nhờ. Một cây trổ hoa, cả vườn cây thơm hương.

Sống bác ái vị tha là một bổn phận cao quý của con người. Chúng ta thường gặp thấy các Tăng Ni Phật Giáo đi khất thực. Các Tỳ-kheo đi một mình hay từng nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà để xem thức ăn có được đặt vào bình bát không. Khất thực là xin vật thực của người đời để nuôi thân mà cũng còn có bổn phận nhắc nhở chúng sinh làm việc phúc đức. Trong Đạo Công Giáo, Kinh Bổn có dạy thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối: Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Cho khách đỗ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết. Thương linh hồn bảy mối: Lấy lời lành mà khuyên người. Mở dạy kẻ mê muội. Yên ủi kẻ âu lo. Răn bảo kẻ có tội. Tha kẻ dể ta. Nhịn kẻ mất lòng ta. Cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Đây là những mối phúc quan trọng giúp đỡ tha nhân về vật chất và tinh thần. Thật ngạc nhiên khi chúng ta nghe Chúa Giêsu dùng dụ ngôn nói về ngày phán xét. Ngài phán xét về thực hành đức yêu thương hơn là về những sa ngã phạm tội khác. Được thưởng hay bị phạt đều tùy thuộc vào việc thực hành mười bốn mối này.

Con người không thể nên tốt một mình, nhưng phải tương trợ lẫn nhau mà sống. Người ta thường nói: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Ba yếu tố kết thành sự thành công. Chúng ta cần có tha nhân để cùng chia sẻ nâng đỡ, cần có cuộc sống xã hội để cộng tác xây dựng và cần có người đồng hành để chung vai sát cánh gánh vác công việc. Ngày phán xét sau cùng, thẩm phán sự sống sẽ hỏi chúng ta về sự liên đới Nhân Qủa giữa người với người. Với những người tạo Nhân tốt qua việc bác ái, sẽ được nghe những lời an ủi: Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước (Mt 25, 35).

Bất cứ vị thánh nào cũng có trái tim yêu thương rộng mở. Các Ngài biết chia sẻ và dâng hiến. Hiến dâng cuộc đời cho Chúa và phục vụ tha nhân. Không có sự liên đới với tha nhân, chúng ta khó có thể nên trọn lành. Tha nhân tốt hoặc xấu vẫn có thể sẽ giúp chúng ta nên tốt lành. Chúng ta có thể tìm tựa nương đức ái nơi những người khốn cùng, nghèo đói, cô đơn, bệnh hoạn, tù đầy và thất vọng. Họ chính là hình ảnh của Đấng đã dám thí mạng vì yêu. Giúp đỡ những kẻ bé mọn và cùng khốn nhất là chúng ta đang làm cho chính Chúa, Chúa Giêsu đã phán: Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta’ (Mt 25, 36).

Thật đáng phải run rẩy và sợ hãi khi chúng ta phải đối diện với sự phán xét sau cùng. Thiên Chúa nhân từ nhưng công bằng vô cùng. Giờ phán xét sẽ không có một ai khác chống lưng cho chúng ta. Chúng ta cũng không còn điểm tựa nào khác để biện hộ. Sự thật phơi bầy trước tôn nhan chói lòa của Tạo Hóa. Chúng ta gieo Nhân nào thì sẽ được gặt Qủa đó. Trong cuộc lữ hành trần thế, biết bao lần chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau khổ, đói khát và cùng quẫn của anh chị em, giờ đây chúng ta phải đối diện: Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: ‘Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng (Mt 25,41).

Ngày phán xét, Chúa sẽ không chất vấn chúng ta về bao nhiêu việc vĩ đại đã thực hiện. Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ: Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời (Lc 10,20). Thiên Chúa không đếm bao nhiêu giờ chúng ta đã đọc kinh, cầu nguyện, lần hạt, tụ họp sinh hoạt… Chúa sẽ nhìn xem trái tim của chúng ta đã mở rộng yêu thương đến mức nào. Chúng ta đã chia sẻ gì cho những kẻ bé mọn nhất của Chúa. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta qua ý muốn của Chúa, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Chúa lại dành quyền cho chúng ta lựa chọn. Hạnh phúc thay những ai được Chúa cho đứng về phía bên phải: Còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu” (Mt 25,46).

Lạy Chúa, đã rất nhiều lần chúng con đã thưa rằng: Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu? (Mt 25,44). Chúa trả lời: Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta’. (Mt 25,40). Xin Chúa khơi dậy lòng yêu thương bác ái nơi tâm hồn, để chúng con biết cùng chia sẻ. Chúng con cảm tạ danh Chúa muôn ngàn đời. Amen.

[Mục Lục]

Bài 15. KHI TÌNH NGƯỜI MẤT – BẠO LỰC LÊN NGÔI
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Mỗi ngày chỉ cần lướt qua vài trang báo là có thể thấy vô số tin “tức” về hành vi bạo lực trong xã hội, mà nguyên nhân đâu có gì to tát: va quệt xe cộ ngòai đường, lời qua tiếng lại trong quán cà phê… thế là đánh nhau; một cái “nhìn đểu” cũng đủ là nguyên nhân giết người. Không thể không tự hỏi: vì sao bây giờ người ta nhục mạ nhau, đánh nhau, giết nhau… dễ dàng đến thế?

Dư luận Việt Nam thời gian qua rất phẫn nộ khi đọc được những dòng tin trên Facebook của một người có nick name “Kẹo Mút Chơi Bời” khoe khoang rằng: “Chúng tôi vừa đâm một ông già gần 60 tuổi… khả năng chết.”

Sau đó lại thêm: “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin, cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy đã củ tỏi hồi 17g07 ngày 02.11. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi. Lão sinh năm 1953.”

Trước hiện trạng này, có người cho rằng một số thanh niên Việt Nam hiện nay không hề thấy lương tâm cắn rứt khi làm thiệt hại đến vật chất lẫn tinh thần của người khác, trái lại còn tỏ ra vui mừng, đặc biệt trong trường hợp này.

Tin từ Công an Thành phố Yên Bái cho biết người có nickname “Kẹo mút chơi bời” trên Facebook đã tới trình diện cơ quan công an ngày 10/11 theo giấy triệu tập để làm rõ hành vi gây phẫn nộ “lên Facebook khoe tông xe chết người”.

Đúng như xác minh của Cơ quan Công an Thành phố Yên Bái, người có nickname “Kẹo mút chơi bời” trên Facebook tên thật là Nguyễn Văn Linh (SN 1991, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng – Lào Cai).

Theo Luật Sư Phạm Thanh Bình của công ty luật Hồng Hà thì “Kẹo Mút Chơi Bời” dù không phải là thủ phạm gây tai nạn (là người ngồi sau người gây tai nạn), nhưng không chịu đưa nạn nhân đi cấp cứu gây nên cái chết của ông này thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, tội danh dành cho người đồng phạm đó là “không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.”

Phải chăng xã hội ngày hôm nay đang đánh mất tình đồng loại bằng thái độ dửng dưng, thiếu trách nhiệm và vô cảm trước những bất hạnh của tha nhân? Có lẽ chủ nghĩa “Mackeno” đã ăn sâu vào tâm thức người trẻ hôm nay. Họ không còn tính nghĩa hiệp. Họ không còn nghĩ đến việc phải ra tay giúp đỡ tha nhân khi cần. Họ thích sống cho riêng mình và tìm tư lợi cho cá nhân hơn là dám sống cho lợi ích tha nhân. Họ không còn dám sống “mình vì mọi người” mà chỉ còn đòi người khác “mọi người vì mình” mà thôi.

Xã hội hôm nay dường như đã mất tình liên đới nên thiếu những nghĩa cử cao đẹp của tình người như: “lá lành đùm lá rách” hay “chị ngã em nâng”. Ngày xưa cha ông ta đã tìm được sự nâng đỡ của đồng bào, dẫu rằng nước có mất nhà có tan, nhưng vẫn tìm được niềm vui nhờ sự yêu thương đùm bọc của tình làng nghĩa xóm như câu ca dao xưa đã nói:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Ngày nay điều đó đã thay vào bằng sự vô cảm như lời tâm sự của chị Ngô Lan Chi thổ lộ trên trang facebook cá nhân: “Xã hội ngày càng phát triển, những giá trị đạo đức tốt đẹp đang bị các bạn trẻ dẫm nát bằng những phát ngôn gây sốc, bằng những việc làm mà không ai có thể tượng tượng ra. Tôi nghĩ lối sống vô cảm của một bộ phận bạn trẻ đang ngày càng biến tướng và có xu hướng lan rộng đối với những người trẻ xung quanh”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải sống tình liên đới với tha nhân, không chỉ vì có chung một Cha trên trời nên “tứ hải giai huynh đệ”, mà còn vì con người là “hình ảnh Thiên Chúa”. Chính Chúa đã tự đồng hoá mình với những mảnh đời bất hạnh lầm than. Chúa mời gọi chúng ta: ai tiếp rước họ là tiếp rước chính Chúa. Ai giúp đỡ họ là giúp đỡ chính Chúa. Ngược lại, Chúa cũng sẽ luận phạt vì chúng ta đã từng khước từ thi ân cho những con người cùng khổ đó.

Thực vậy, trong ngày phán xét, Chúa không hỏi về bằng cấp của chúng ta cao hay thấp. Chúa không xét duyệt chúng ta dựa trên địa vị trần thế của chúng ta. Chúa phán xét theo tinh thần bác ái mà chúng ta đã dành cho tha nhân. Vâng, chúng ta đều phải trả lẽ trước mặt Chúa về tất cả những hành vi của mình. Nhưng công hay tội tuỳ thuộc vào lòng bác ái chúng ta có hay không trong những lời nói và việc làm của mình. Chúa đã từng chê trách thái độ vô cảm của những biệt phái, và của những thầy tư tế khi để mặc người bị nạn trên đường đến Giêricô. Chúa cũng từng dùng dụ ngôn để răn dạy thái độ dửng dưng trước bất hạnh của đồng loại qua dụ ngôn “người phú hộ và Lagiaro”. Chúa cũng sẽ luận tội nếu chúng ta cũng thiếu trách nhiệm và sống thiếu tình liên đới qua đời sống yêu thương và phục vụ tha nhân.

Chúa Giêsu là Vua, nhưng Ngài đã cúi mình phục vụ tha nhân. Ngài tự hoà nhập với con người. Ngài đồng hành với con người. Ngài chia sẻ phận người nổi trôi với con người. Ngài đã đến để phục vụ và hiến mạng sống vì hạnh phúc tha nhân. Ngài còn mời gọi chúng ta “ai muốn làm lớn hãy cúi mình phục vụ anh em”.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống cao đẹp cho dẫu có thiệt thòi vì đi ngược lại với lối sống của thế gian. Xin cho chúng ta luôn can đảm làm chứng cho tình yêu bất diệt của Chúa là dám “thí mạng sống mình vì người mình yêu” và biết yêu thương tha nhân như chính mình. Amen.

[Mục Lục]

Bài 16. LỄ CHÚA KITÔ VUA
Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Lễ Chúa Kitô Vua vũ Trụ mà chúng ta mừng kính hôm nay được thiết lập vào năm 1925, do đức giáo hoàng Piô XI. Mừng lễ Chúa Kitô vua nghĩa là chúng ta mừng kính vương quyền của Chúa Kitô được thể hiện rõ nét khi Ngài tự xưng mình là vua trước mặt quan Philatô, và ông đã xác nhận, khi viết vào bản án “Đây là vua dân Do thái”, và truyền đóng trên đầu Thánh Giá Chúa.

Mừng lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn lên chiêm ngắm vị vua của chúng ta:

Một vị vua không sinh ra trong lâu đài gác tía, nhưng sinh trong hang lừa máng cỏ, giá rét tanh hôi.

Một vị vua không cư ngụ trong cung điện giàu sang, mà chỉ có mái nhà nghèo ở Nazarét nào có cái chi hay?

Một vị Vua không ngồi trên ngai vàng lộng lẫy, nhưng bị treo trên thập giá.

Một vị Vua không có vương miện trên đầu mà chỉ có vòng gai.

Một vị vua không có chiếc áo cẩm bào mà chỉ là trần trụi nhuốc nhơ trên cây thập tự.

Một vị vua không có một lời tung hô, tán tụng mà chỉ là những lời nhạo báng, khinh chê, nhục mạ.

Một vị vua không cai trị bằng quyền uy dũng lực mà cai trị bằng tình yêu thương, phục vụ; và một vị vua không có lãnh thổ trên bản đồ thế giới nhưng nằm sâu trong trái tim mọi người.

Chúa Kitô là vua, nhưng nước Chúa không thuộc về thế gian này và cách hành quyền của Chúa cũng khác với vua chúa trần gian.

Vua Chúa trần gian thì có quân đội, có kẻ hầu người hạ, có vương quốc riêng. Còn Chúa Giêsu không có vương quốc ở trần gian, Ngài không có đóng đô ở đâu. Khi đi rao giảng Tin mừng có người xin đi theo, Ngài nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ; Con Người không có nơi tựa đầu”.

Chúa là vua, nhưng là vua phục vụ. Khi rao giảng Ngài căn dặn các tông đồ rằng: “Các con biết các vua chúa trần gian thì thống trị, bắt thần dân phục vụ mình; nhưng các con thì không được như thế, ai trong các con muốn làm lớn thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”.

Và không những Chúa dạy bảo, nhưng Chúa còn làm gương trước cho chúng ta, khi Ngài bưng chậu nước quì gối xuống rửa chân cho các tông đồ trong bữa Tiệc Ly.

Ngài chăm sóc chúng ta như người mục tử chăm sóc đoàn chiên mình, mà tiên tri Êzêkiel nơi bài đọc I đã nói:

Ngài chăm sóc nên chúng ta chẳng thiếu thốn chi?

Ngài băng bó những con chiên bị thương tích.

Ngài cứu chữa những con chiên bị ốm đau.

Ngài hi sinh hiến mạng sống cho đoàn chiên.

Chúa là vua, nhưng là vua hiền lành và khiêm nhường. Dân Do thái tố cáo Chúa; lý hình hành hạ Chúa; các thượng tế kết án, sỉ vả Chúa, trên Thánh giá người trộm dữ thách thức… nhưng Chúa không một lời than trách hay tỏ ra thái độ chống cự.

Chúa là vua, nhưng là vua yêu thương tha thứ. Ngài tha thứ cho Giuđa phản bội; tha thứ cho Phêrô chối từ; tha thứ cho đám lý hình, cho các thượng tế, cho người trộm cướp “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết”.

Anh chị em thân mến,

Tháng 4 năm1865, tổng thống Abram Lincon, một người không ngần ngại khó khăn, gian khổ để đấu tranh chống lại chế độ nô lệ, bênh vực quyền lợi cho người da đen, đã bị một tay quá khích ám sát. Một bà mẹ đi viếng đám tang tổng thống nói với đứa con của mình rằng: “ Con hãy nhìn kỹ, hãy nhìn cho thật kỹ, vì Người Này đã chết cho con đó”.

Thiết tưởng lời nói ấy mỗi người chúng ta cũng cần lặp lại cho nhau khi nhìn lên Thánh Giá Chúa: Người này đã chết cho chúng ta đó?. Để chúng ta không còn tôn thờ bất cứ thần tượng nào khác mà chỉ tôn thờ một thần tượng duy nhất có tên là Giêsu, là vua yêu thương phục vụ, hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Mừng lễ Chúa Kitô vua vũ trụ, cũng là một cơ hội nhắc nhớ ngày lãnh nhận Bí tích rửa tội, chúng ta được tham dự vào chức vụ vương đế của Vua Giêsu. Với chức vương đế này, không phải để chúng ta cai trị người khác, nhưng cai trị con người chúng ta, cai trị những đam mê tật xấu, thống trị những tính ích kỷ hư hèn của chúng ta.

Bài Tin mừng hôm nay không phải là dụ ngôn, nhưng là một câu chuyện mang tính tiên tri, nghĩa là vào ngày chung thẩm, Chúa Giêsu với tư cách là vua ngồi toà phán xét toàn dân. Lúc bấy giờ Chúa không hỏi chúng ta làm chức vụ gì, Ngài không hỏi chúng ta biết bao nhiêu thứ tiếng; Ngài không hỏi chúng ta vào mấy hội đoàn, đi một ngày bao nhiêu lễ… nhưng chỉ hỏi chúng ta một điều duy nhất đó là tình yêu, bởi vì thước đo lòng yêu mến Chúa được căn cứ vào đức bác ái đối với tha nhân. Những gì các ngươi làm hoặc không làm cho một người trong anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm hoặc không làm cho chính Ta.

Chớ gì ngày phán xét, chúng ta được nghe những lời mời gọi âu yếm mời gọi của Chúa “Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp đã dành cho các con, vì xưa Ta đói các con cho ăn, Ta khát các con cho uống… hãy vào hưởng sự vui mừng hạnh phúc với Ta. Amen.

[Mục Lục]

Bài 17. Thần dân trung tín của Vua Tình Yêu
AM Trần Bình An

Thường thì phạm nhân không được phép treo ảnh, nhưng Hiroshi Igarashi nài xin ban quản giáo và cuối cùng được phép treo ảnh Mẹ Têrêsa thành Calcutta. Một đêm nọ, một quản giáo đi tuần khu nhà tù anh ở đã yêu cầu anh: “Này, anh làm ơn lấy bức ảnh đó xuống dùm tôi. Mắt bà ấy nhìn sợ quá.” Igarashi đáp: “Anh thấy rùng rợn vì anh là người tội lỗi.”

Giờ đây Igarashi đã được tự do, anh tổ chức một nhóm ở Tokyo gọi là “Nhà Mẹ”. Nhóm tận tâm giúp những người ở tù làm lại cuộc đời và tái nhập xã hội sau khi mãn hạn tù. Nhóm lấy tên Mẹ Têrêsa và còn lấy tinh thần của thánh nhân và Kinh Thánh làm nền tảng cho các hoạt động của nhóm. Có tiền án hình sự 3 lần và gần 20 năm ngồi tù, Igarashi biết rõ thực trạng và tất cả các vấn đề trong tù. Nhiều tù nhân bị cô lập và thiếu thốn tình thương. Điều mà những người này cần là có người hỗ trợ họ về mặt tình cảm, nhưng không có ai làm điều đó cả.

Khi anh bị bắt giam lần thứ ba, gia đình anh cắt đứt mọi liên hệ với anh. Anh đã nghĩ đến chuyện tự vẫn, nhưng ngay lúc đó có một người Brazil gốc Nhật vui tính bị cảnh sát bắt giam. Người này thường xuyên cầu nguyện và nói về Kinh Thánh cho Igarashi nghe. Đó là lần đầu tiên Igarashi bắt đầu đọc Kinh Thánh. Anh ấn tượng nhất là câu: “Saolô, Saolô sao ngươi lại bắt bớ ta?” (Cv 9, 4) Đối với Igarashi, câu này nghe như thể Đức Kitô đang hỏi chính anh: “Sao con phạm tội chống Ta?”Đó là lúc anh trở lại đạo. Anh cầu nguyện hết lòng, lớn tiếng nói: “Con xin lỗi Chúa!”

Anh nhận ra khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, Ngài chết thay cho anh trên đó và anh khóc nức nở. Igarashi biết Mẹ Têrêsa cũng ở trong nhà tù, qua một quyển sách anh tình cờ đọc được. Anh lập tức tin rằng “con người này có thật” và muốn học hỏi nơi thánh nhân, mãi sau này anh mới biết ngài đã qua đời. May mắn thay, anh có cơ hội gặp được một số tu sĩ dòng Thừa sai Bác ái do ngài sáng lập.

Đức cố Hồng y Seiichi S. Hirayanagi mở khoá học giáo lý tân tòng giới thiệu đức tin Công giáo cho anh. Một luật sư Tin lành đã đứng ra bảo lãnh anh. Khi ra tù, Igarashi bắt đầu biến đức tin thành hành động thực tế bằng cách thành lập Nhà Mẹ. Đức Tổng Giám mục Takeo Okada đích thân gửi thư chúc mừng. Anh làm việc hết mình, phấn đấu noi theo con đường tình yêu của Mẹ Têrêsa. (Theo UCA News)

Đức Kitô, Vua Tình Yêu đã cảm hóa tù nhân Hiroshi Igarashi. Nhờ vậy, Mẹ Têrêsa Calcutta mới dẫn dắt anh bước theo Ơn Gọi. Tin Mừng hôm nay công bố điều kiện để được Thiên Chúa chúc phúc và được ban thưởng Nước Trời.

Xả kỷ

Tiên quyết theo lời mời gọi Tình Yêu Thiên Chúa, người Kitô hữu phải bỏ mình, thoát khỏi những ràng buộc xác thịt, đam mê, ham muốn, nếu quyết dấn thân theo Chúa, với trọn tâm tình tin, cậy, mến.”Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23)

Không nuông chiều bản thân, không màng danh lợi phù vân, mà cần làm trọn bổn phận, trách nhiệm được Chúa trao phó. Chu toàn mọi nhiệm vụ, hay Ơn Gọi, dù chịu khó khăn, thách đố, dù bị đối xử phân biệt, bị vu oan cáo vạ, tra tấn, tù đầy, ám hại, vẫn phó thác, vững tin vào Chúa Quan Phòng.

Một khi xả kỷ, bỏ đi bản thân, thì mới có thể tha thiết gần gũi với tha nhân, để cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ. Nếu còn lấn cấn ngã chấp, cao ngạo, lục dục, tham sân si, thiếu khiêm hạ, vì còn dai dẳng vị kỷ, kiêu căng, coi thường, đố kỵ, khinh khi, ganh ghét người khác, thì làm sao có thể chân thành đến với người khốn cùng. Nếu có, chỉ là đóng kịch, giả hình, che mắt thiên hạ, hòng kiếm chút hư danh phù du.

Bác ái

Cảm nghiệm Tình Yêu vô biên, Mẹ Têrêsa Calcutta mới hiểu thấu vì sao Đức Giêsu hiện thân trong người nghèo khổ, hèn mọn:“Chúng ta phải ngạc nhiên thấy Chúa đói khát chúng ta như thế nào. Người đã hóa nên kẻ đói khổ, kẻ thiếu áo mặc, người hấp hối, để chúng ta có cơ hội cho Người ăn, cho Người mặc, phục vụ Người qua công việc chúng ta giúp đỡ người nghèo khó.”

Bác ái còn là dấu chỉ Tình Yêu, vì thế: “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa; đâu có thù ghét, ở đó có hỏa ngục.” (Đường Hy Vọng, số 749)

Buồn lắm thay, cũng phát sinh những kiểu bác ái biến thể, dị dạng, què quặt, lạm dụng, phi Kitô giáo, thậm chí phản Kitô:

Có loại bác ái ồn ào: Bác ái phóng thanh.

Có loại bác ái kể công: Bác ái ngân hàng.

Có loại bác ái nuôi người: Bác ái sở thú.

Có loại bác ái khinh người: Bác ái chủ nhân.

Có loại bác ái theo ý: Bác ái độc tài.

Có loại bác ái nhãn hiệu: Bác ái giả hiệu.

(Đường Hy Vọng, số 756)

Phục vụ

Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu phán dạy: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13, 14-15) Không chỉ phục vụ lẫn nhau, thân bằng quyến thuộc, Đức Giêsu còn đòi hỏi phải phục vụ những người hèn mọn, bé nhỏ, khốn cùng, khách lạ, người đau yếu, kẻ tù tội. Bởi vì những người khốn khổ đó chính là hiện thân Chúa Giêsu.

Thánh Phaolô khẩn khoản Kitô hữu hãy quên mình phục vụ tha nhân. “Đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.” (Gl 5, 13)

Phục vụ tha nhân đâu chỉ bằng vật chất, của cải, mà còn bằng tinh thần, thân thiện, sự chia sẻ, sự quan tâm, đồng cảm, đồng hành, hiệp thông cầu nguyện: “Tôi không làm việc bác ái được, vì tôi không có tiền! Chỉ có tiền mới bác ái sao? Bác ái của nụ cười, bác ái của bắt tay, bác ái của thông cảm, bác ái của thăm viếng, bác ái của cầu nguyện.” (Đường Hy Vọng, số 741)

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết yêu như các Thánh yêu người, biết nhận ra Chúa trong mọi người, nhất là những kẻ hèn kém, khốn cùng, để chúng con có thể xả thân phục vụ Chúa mọi nơi, mọi lúc.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là mẫu gương mẫu bác ái, phục vụ, xin giúp chúng con biết noi theo Mẹ thực hành Lời Chúa dạy mến Chúa yêu người, để chúng con xứng đáng được nhập vào đoàn chiên bên hữu Chúa Giêsu Kitô. Amen.

[Mục Lục]

Bài 18. Quyền lực của đồng tiền
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Có một chú rể trước khi tập sự cho hôn lễ, đã bí mật gặp vị mục sư và đưa ra lời đề nghị.

- Tôi sẽ đổi 100 đô la lấy việc bỏ các từ ‘yêu thương, tôn trọng, vâng lời và chung thủy với cô ấy mãi mãi’ trong lời thề kết hôn.

Vị mục sư đồng ý và nhận lấy 100 đô la với vẻ hài lòng.

Hôm sau, vào buổi lễ chính thức, vị mục sư nhìn thẳng vào mắt chàng trai, mỉm cười nhẹ nhàng và chậm rãi nói:

- Chàng trai, bạn có hứa sẽ luôn sẵn sàng phủ phục mình trước mặt cô gái đứng trước mặt đây, vâng theo mỗi mệnh lệnh của cô ấy, mang đồ ăn sáng đến bên giường cô ấy vào mỗi buổi sáng trong suốt cuộc đời của bạn. Đồng thời thề trước mặt Chúa sẽ không bao giờ thèm nhìn bất kỳ người phụ nữ nào khác cho đến khi cả hai không còn trên cõi đời này nữa không?

Chú rể nuốt nước bọt và nhìn xung quanh, đáp lại bằng một giọng rất nhỏ nhẹ:

- Vâng.

Sau nghi thức, chàng trai ngay lập tức bám chặt lấy vị mục sư và rít lên:

- Tôi nghĩ chúng ta đã có một thỏa thuận?

Lúc này, vị mục sư mới đặt lại vào tay chú rể tờ tiền cũ và thì thầm:

- Cô ấy đã đưa cho tôi 200 USD cơ!

Chưa bao giờ chúng ta thấy quyền lực của đồng tiền lên ngôi như ngày hôm nay. Có tiền thì có chức. Có chức thì có tất cả. Có tiền có thể sai khiến. Sai khiến người khác làm cả những chuyện bất chính hay phi đạo đức. Có tiền có thể bẻ cong công lý. Đồng tiền có thể giúp người có tội trở thành không!

Có lẽ vì đồng tiền có một sức mạnh như thế nên người người đi kiếm tiền. Kiếm tiền bằng mọi cách. Kiếm tiền bằng mọi thủ đoạn miễn sao có tiền! Thực tế, ai đã vào đời, bôn ba xuôi ngược trên chợ đời, tranh đua với người đời mà không một lần cảm nghiệm cái mãnh lực của đồng tiền? Đồng tiền nối liền với khúc ruột của con người, nó cũng chính là cái nguyên do đưa đến buồn vui sướng khổ của nhân loại? Cũng chính đồng tiền đã đưa đẩy con người tới thành công hay thất bại, được thiên hạ nể vì, nhân nhượng hay khinh khi coi thường! Vì thế tiền bạc đã biến thành một thứ quyền lực vô song, có ảnh hưởng trong cuộc sống con người. Thế sự thăng trầm, con người thay lòng đổi dạ, xã hội đảo điên, luân thường đạo lý bị xáo trộn, tất cả cũng vì ảnh hưởng của đồng tiền.

Đồng tiền thực sự có một sức mạnh và quyền lực nhất định trong cuộc sống. Nó mang đến hạnh phúc cho con người nếu con người tạo ra nó từ sự chính nghĩa, nhưng nó cũng có thể làm sa ngã hoặc huỷ hoại một nhân cách khi ai đó tôn sùng nó hơn tất cả mọi điều khác trong cuộc đời. Cái giá phải trả cho sự mù quáng trước “Quyền lực của đồng tiền” là đánh mất bản thân, tình thân, tình yêu – những điều mà đồng tiền không bao giờ có thể “mua” lại được.

Hôm nay lễ Chúa Kitô, Giáo hội nhắc nhở chúng ta còn có một giá trị quý hơn tiền, hơn danh lợi thú là có được Đức Kitô ngự trị. Đồng tiền sẽ không mua được Nước Trời. Đức Kitô thì hứa ban cho chúng ta sự sống đời đời. Đồng tiền không mang lại bình an cho con người, nhưng Đức Kitô là niềm hoan lạc nếu chúng ta để cho Ngài chỗ nhất trong cuộc đời. Đồng tiền khiến chúng ta sống ích kỷ, hưởng thụ. Đức Kitô biến chúng ta thành những con người có ích cho tha nhân với thái độ phục vụ quảng đại và vô vị lợi.

Đồng tiền là nguyên nhân gây nên những chia rẽ, tranh chấp, hận thù. Đức Kitô là nguyên lý cho sự hiệp nhất bình an. Chiếm được đồng tiền thì con người bo bo giữ lấy trong ích kỷ, xa lánh mọi người. Chiếm được Đức Kitô thì con người sẽ chia sẻ đến cho muôn người. Thế nê, có Đức Kitô trong cuộc đời là có bình an, có hạnh phúc, có niềm vui. Vắng Đức Kitô sẽ chỉ còn những tranh chấp, xa lánh và đố kỵ lẫn nhau.

Ước gì chúng ta luôn tìm kiếm Đức Kitô và dành cho Ngài vị trí số 1 trong cuộc đời. Ước gì loài người chúng ta hãy hãnh diện là loài làm chủ đồng tiền chứ không phải là nô lệ của đồng tiền. Có chăng là biết quy phục một mình Đức Kitô mà thôi.

Xin Chúa giúp chúng ta biết tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Xin cho chúng ta luôn can đảm chọn lựa giá trị vĩnh cửu hơn là những hào nhoáng của danh lợi thú mau qua. Amen./.

[Mục Lục]

Bài 19. Phục vụ Vua Ki-tô là phục vụ anh chị em của Người
Lm. Đa-minh Trần Đình Nhi

Khi kể lại lịch sử một ông vua trần gian, người ta thường nói đến xuất xứ, con người và sự nghiệp của ông. Hôm nay, cùng toàn thể Giáo Hội tôn vinh Chúa Giê-su Ki-tô là Vua vũ trụ, Phụng vụ Lời Chúa không làm công việc thế gian thường làm, nhưng kể lại một công việc hết sức đặc thù của Người, là Người chủ trì cuộc xét xử toàn thể nhân loại về lối sống của họ. Cuộc phán xét không kể lại công nghiệp của cá nhân Đức Vua, mà là công trạng của các thần dân trong vương quốc Người. Điểm đặc biệt nhất của cuộc phán xét này là Đức Vua đã đặt ra tiêu chuẩn xác định công trạng của từng người: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Phục vụ chính là “tinh thần quốc gia” của Đức Vua và các công dân của Người. Nhưng làm sao Vua Giê-su có thể xét xử về những việc phục vụ của chúng ta nếu chính Người không nêu gương phục vụ cho chúng ta? Đúng vậy, Vua Giê-su đã phục vụ Thiên Chúa và nhân loại. Với Thiên Chúa, Người đã nhận lấy vương quyền và sứ mệnh từ Chúa Cha, trong thái độ hoàn toàn vâng phục và trút bỏ vinh quang (Phi-líp-phê 2:6-8). Dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, Người đã phục vụ nhân loại khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng và minh chứng tình yêu của Thiên Chúa. Vua Giê-su đã nêu gương phục vụ khi Người tuyên bố: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn dân” (Mác-cô 10:45). Đối với nhân loại, Vua Giê-su đã phục vụ trong yêu thương. “Chạnh lòng thương” luôn là động lực giúp cho Đức Vua đến với thần dân để nuôi sống họ, chữa lành những bệnh tật thể xác lẫn linh hồn, tha thứ tội lỗi và đưa họ trở về đường ngay nẻo chính. Để dạy chúng ta bài học thực tế về phục vụ, Đức Vua đã không ngần ngại đồng hóa mình với thần dân khi Người khẳng định rằng: Các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy! Khẳng định này giúp chúng ta ý thức giá trị và nhân phẩm của mọi người, bởi vì tất cả đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Một người ăn xin ngồi bên vệ đường cũng cao quý như một giám mục trên ghế nhà thờ chính tòa vậy. Khi nhìn những người cùng khổ, điều trước tiên chúng ta phải nói với chính mình là: Chúa đấy! Đồng thời chúng ta nghe như Vua Giê-su nói: Con làm gì giúp đỡ họ là con giúp đỡ chính Ta! Lời này đã nhắc nhở thánh Máctinô thành Tours, khiến ngài vung gươm cắt đôi chiếc áo choàng đắt tiền để trao tặng người hành khất đang rét run bên đường. Đêm ấy, Chúa Giê-su hiện đến cám ơn ngài và Chúa mang trên mình mảnh áo choàng của Máctinô.

Là một vị minh quân, ông vua trần gian kết thúc triều đại mình bằng một đám tang đông đảo, dân chúng thăm viếng linh cữu và sụt sùi thương tiếc. Trái lại, Đức Vua Giê-su thì khai mạc triều đại khi Người “đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người”, để ban thưởng những công dân nào đã phục vụ theo gương của Người và luận phạt những kẻ đã chối bỏ Người nơi những anh chị em của họ.

Sống sứ điệp Tin Mừng

Chúa Ki-tô là Đức Vua, nhưng Người cũng là Đầu của Nhiệm Thể tức Giáo Hội, là Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc (Rô-ma 8:29). Nhờ liên đới với Chúa Ki-tô, Đức Vua của chúng ta, chúng ta sẽ được hiển trị với Người nếu chúng ta chọn con đường phục vụ giống như Người. Sau khi Vua Giê-su hoàn tất sứ mệnh trên trần gian, Người được Thiên Chúa tôn vinh và muôn loài muôn vật tuyên xưng Người là “Chúa” (Phi-líp-phê 2:11). Nhưng Người vẫn hiện thân nơi anh chị em chúng ta và chờ đợi chúng ta tiếp tục sống tinh thần phục vụ của vương quốc Người. Nơi anh chị em chúng ta, Đức Vua tiếp tục là khách lạ và ngồi tù, đợi chúng ta đón tiếp hoặc viếng thăm, vẫn chìa tay xin từng đồng bạc, từng miếng cơm manh áo, từng viên thuốc. Đức Vua là những người phong cùi, người già neo đơn, là những người tàn tật đi bán vé số… tại khắp nơi trên quê hương Việt Nam và nhiều nơi khác. Người đang chờ phán với chúng ta: “Hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi…”.

[Mục Lục]

Bài 20. Vương quyền và phục vụ
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Ngày 11-2-2013, cả thế giới ngạc nhiên trước thông báo chính thức của Tòa Thánh: Đức Giáo Hoàng Bênêđitô 16 sẽ từ nhiệm và việc từ nhiệm này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 28-2-2013. Mặc dù việc một Giáo Hoàng từ chức là điều đã được tiên liệu trong Giáo Luật (Khoản 332), những người Công giáo khắp năm châu vẫn bàng hoàng trước thông tin này. Một số báo chí chớp lấy cơ hội để tưởng tượng ra một tình trạng bê bối nội bộ… Tuy vậy, những người thiện chí, trong đó có khá nhiều nguyên thủ quốc gia, đánh giá đây là một quyết định anh hùng. Quả thật, quyết định từ nhiệm của Đức Bênêđitô 16 là một quyết định bất ngờ và có tính tiên tri trong bối cảnh số quốc gia trên thế giới đang xảy ra những vụ biểu tình đòi quyền dân chủ, thậm chỉ có những cuộc đảo chính nhằm lật đổ những chế độ độc tài. Người dân tại một số quốc gia cũng lấy Đức Giáo Hoàng để so sánh với nhiều nhà lãnh đạo chính trị tham quyền cố vị, kìm hãm sự phát triển của đất nước mà không đủ can đảm từ chức.

Với việc can đảm từ nhiệm khi thấy sức khỏe không bảo đảm cho một sứ mạng quan trọng, Đức Thánh Cha Bênêđitô cũng muốn khẳng định với thế giới rằng: trong Giáo Hội, quyền lực không phải để thống trị mà để phục vụ. Quả vậy, không riêng gì đối với vị thủ lãnh kế vị thánh Phêrô, mà đối với tất cả những chức vị khác trong Giáo Hội đều nhằm phục vụ Dân Chúa. Tính hiệu quả của công việc và ích lợi của Dân Chúa luôn được đặt ở vị trí ưu tiên. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, sự từ nhiệm này đã khẳng định được giá trị của nó. Người kế nhiệm Đức Bênêđitô 16 là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đem lại một luồng sinh khí mới cho Giáo Hội. Ngài luôn chủ trương canh tân Giáo Hội, làm cho Giáo Hội thực sự là Giáo Hội phục vụ con người. Một Giáo Hội hiện hữu không phải để thống trị hay duy trì quyền lực, mà vì con người, như Chúa Giêsu đã vì nhân loại mà thực thi sứ mạng cứu độ.

Ngày Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội tôn vinh Đức Giêsu là Vua vũ trụ. Danh xưng “Vua” có thể khiến nhiều người thời nay ngộ nhận. Bởi lẽ đa số những vị vua của xã hội phong kiến gợi lại những hình ảnh không đẹp về đời sống luân lý cũng như trong trách nhiệm của một người “phụ mẫu chi dân”. Phụng vụ Lời Chúa giúp chúng ta hiểu rõ hơn danh xưng “Vua” dành cho Chúa Giêsu. Ngài được ngôn sứ Edêkien giới thiệu như một mục tử ân cần chăm sóc từng con chiên trong đàn chiên của mình. Không một con chiên nào bị quên lãng hay bỏ rơi, dù là những con chiên bệnh tật còm cõi. Người mục tử còn cất công lặn lội đi tìm những con chiên bị lạc. Người mục tử chân chính lấy hạnh phúc của chiên là hạnh phúc của mình. Ông vui niềm vui của đoàn chiên, ưu tư trăn trở khi thấy lợi ích của đàn chiên bị đe dọa.

Ý niệm về một vị mục tử này được Đức Giêsu nhắc lại trong giáo huấn của Người. Người còn khẳng định: “Tôi là mục tử nhân lành. Tôi biết các chiên của tôi và các chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Không chỉ là một mục tử coi sóc, dẫn dắt đoàn chiên, Chúa Giêsu còn đồng hóa mình với những người nghèo khổ bé mọn trong cuộc sống. Thánh sử Mátthêu đã ghi lại bài giáo huấn của Chúa về ngày phán xét cuối cùng. Lúc bấy giờ, chính Chúa Giêsu sẽ là vị Vua và là Thẩm phán tối cao để xét xử nhân loại. Mọi dân mọi nước sẽ được quy tụ về để tham dự cuộc xét xử này. Vị Vua của ngày phán xét sẽ dựa vào thái độ của mỗi người đối với người nghèo mà quyết định tương lai hậu vận của họ. Tác giả Tin Mừng nói đến sự ngạc nhiên của những người có mặt trong phiên tòa, cả những người tốt cũng như người xấu, khi họ thấy Chúa tự đồng hóa mình với những người đói khát, trần trụi, tù đày, đau yếu, cơ nhỡ… Thì ra ai giúp người nghèo là giúp Chúa. Ai bỏ rơi người nghèo là bỏ rơi Chúa. Trong ngày phán xét chung, không thấy vị Vua đề cập tới những chức tước, địa vị đạo đời của chúng ta hoặc những công lao lẫy lừng chúng ta đã làm khi sinh thời, nhưng Người nhấn mạnh đến cách chúng ta đối xử với anh chị em mình.

Từ khái niệm Vua được tuyên xưng trong phụng vụ hôm nay, chúng ta được mời gọi suy tư về những trách nhiệm khác nhau trong Giáo Hội cũng như xã hội. Một người mang chức vị quan trọng đạo đời không phải để hưởng thụ cá nhân, mà là để phục vụ người khác. Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình để tôn vinh Thiên Chúa và vì hạnh phúc của con người. Như Đức Giêsu đến đến để phục vụ con người, Giáo Hội không được quên sứ mạng quan trọng mà Chúa đã trao phó là phục vụ và đem cho con người mọi thời đại ánh sáng Tin Mừng. Lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ cũng nhắc nhớ chúng ta, mỗi người cũng được mời gọi tham gia vào công cuộc xây dựng Giáo Hội, vì nhờ bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được Chúa ban ba sứ mạng quan trọng: làm ngôn sứ, làm tư tế và làm “vua” để cộng tác phần mình làm cho cộng đoàn Giáo Hội địa phương lớn mạnh.

Người tín hữu sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Họ là công dân của một vương quốc vĩnh cửu. Vương quốc ấy đang hiện diện trên thế gian như “vương quốc của Tình yêu, vương quốc của Sự thật”. Vương quốc ấy sẽ tỏ hiện hoàn toàn khi mọi sự được đặt dưới chân Chúa Giêsu là Vua muôn loài (Bài đọc II). Đó là lý tưởng và đích điểm cuộc sống của chúng ta. Đó cũng là Thiên Đàng, là hạnh phúc vĩnh cửu Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài.

[Mục Lục]

Bài 21. ĐỂ SUY TÔN VƯƠNG QUYỀN CỦA CHÚA GIÊ-SU
Lm. Đan Vinh

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 25,31-46.

2. Ý CHÍNH:

Vào ngày tận thế, sau khi các thiên thần tập họp mọi người đã chết được sống lại, Vua Giê-su sẽ ngự đến lần thứ hai trong uy quyền và vinh quang. Người sẽ trở thành thẩm phán để phán xét chung mọi người (31), dựa trên cách họ đã ứng xử với Người đang hiện thân nơi những người nghèo đói, bệnh tật và đau khổ cả về thể xác cũng như tâm hồn (40.45).

3. CHÚ THÍCH:

- C 31: + Khi Con Người đến trong vinh quang của Người: Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian 2 lần: Lần thứ nhất cách đây hơn 2000 năm tại nước Do thái để thiết lập Nước Trời. Người mở ra con đường lên trời là đường mến Chúa yêu người (x Mc 8,34). Người truyền cho các môn đệ loan báo Tin Mừng khắp thế gian. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được gia nhập vào Nước Trời là Hội Thánh ở trần gian và là Thiên Đàng đời sau. Người cũng hứa sẽ đến lần thứ hai để làm Vua Thẩm Phán (x Mt 16,27), thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ (x Mt 25,31-32).

- C 32-33: + Người sẽ tách biệt họ với nhau như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái: Bấy giờ Đức Giê-su như người Mục Tử sẽ phân chia muôn dân thành hai lọai người là “chiên và dê”. Chiên và dê là hai lòai vật giống nhau. Nhưng đặc tính của con chiên là hiền lành, còn đặc tính của con dê là hay phá phách chuồng trại. Về amawtj kinh tế, chiên có giá trị hơn dê nhờ có bộ lông dầy được thợ cắt xén từng thời kỳ. Lông chiên được dùng làm len, được đan thành áo ấm.

- C 34: + Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha ta chúc phúc…: Những người được xếp bên phải là những tín hữu sống theo “Tám Mối Phúc thật” (x. Mt 5,1-12), thực hành bác ái phục vụ Chúa hiện thân trong những người đau khổ bất hạnh (x Mt 25,35-36). Còn những người bên trái tượng trưng những kẻ vô tín, thể hiện qua thái độ làm ngơ trước những người đau khổ bất hạnh của tha nhân (x Mt 25,41-45).

4. CÂU HỎI: 1) Theo Tân Ước, Đức Giê-su đến trần gian mấy lần? Mục đích đến mỗi lần là gì? 2) Trong ngày tận thế khi đến lần thứ hai, Đức Giê-su sẽ phân chia lòai người thành hai lọai là những lọai nào? Số phận những người loại “chiên” khác với những kẻ loại “dê” thế nào?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Ta bảo thật các ngươi: Mỗi lần các ngươi đã không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45).

2. CÂU CHUYỆN:

1) NẾU TÔI BIẾT LÀ NGÀI…

NEN-SÂN MÊN-ĐƠ-LA (Nelson Mandela) là Tổng thông da đen đầu tiên tại một đất nước nổi tiếng về tệ nạn “phân biệt chủng tộc” là Nam Phi. Khi còn là một thanh niên, Men-đơ-la đã là lãnh tụ của đảng có tên “Quốc hội Châu Phi” (ANC) đã bị nhà cầm quyền cấm họat động. Vì đang ở trong thời kỳ đấu tranh giành quyền lực với đảng cầm quyền, nên NEN-SÂN buộc phải cải trang để hoạt động bằng cách ăn mặc và hóa trang thành nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Ông tin rằng khi hóa trang như thế, người ta sẽ không nhận ra ông, để ông có thể đi nhiều nơi trong nước.

Lần kia, khi đi dự một cuộc họp kín tại một vùng quê nghèo là GIO-HAN-NÉT-BỚC (Johannesberg), do một linh mục sắp xếp để NEN-SÂN nói chuyện về cách mạng với một số thanh niên Công giáo. Khi ông đến nơi, người phụ nữ giữ cửa thấy cách ăn mặc lôi thôi đã không nhận ra và từ chối mở cửa với lý do: “Ở đây không có chỗ cho lọai người như ông”. Nói xong chị ta đóng sầm cửa lại trước mặt ông. Nhưng sau khi được biết người mới đến kia là ai, chị ta đã vội quay lại nói với ông: ”Xin lỗi ngài về sự thất kính của tôi khi nãy, vì tôi đã không nhận ra ngài. Nếu như tôi biết đó là ngài, thì tôi đã mở rộng cửa ra đón và phục vụ ngài chu đáo rồi”.

Tuy nhiên, dù ông đã cố giả dạng trở thành nhiều người khác, nhưng vẫn có người nhận ra ông. Một hôm, khi ông giả dạng làm một người tài xế ở Gio-han-nét-bớc dừng xe đón khách ở một góc phố, ông mặc áo khoác bụi bặm và đội một chiếc mũ nhàu nát, thì bỗng thấy một viên cảnh sát xuất hiện. Ông nhìn quanh để tìm cách thoát thân. Nhưng rất may khi viên cảnh sát kia lại mỉm cười và lén đưa tay lên chào theo kiểu ANC, rồi bước theo một hướng khác. Những chuyện như vậy xảy ra nhiều lần, và NEN-SÂN cũng tạm yên tâm vì biết rằng có nhiều người Châu Phi đang ủng hộ con đường đấu tranh chống tệ nạn phân biệt chủng tộc của ông. Cuối cùng sau khi bị bắt ở tù nhiều năm, MÊN-ĐƠ-LA đã được trả tự do và đã chiến thắng trong một cuộc bầu cử công bằng để trở thành vị Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi.

Hôm nay Chúa Giê-su cũng đang ẩn mình dưới nhiều hạng người đau khổ bất hạnh. Vậy bạn có nhận ra Chúa và ân cần phục vụ Người cách chu đáo không?

2) SUY TÔN VƯƠNG QUYỀN CỦA CHÚA GIÊ-SU:

Giữa công trường Thánh Phêrô ở La Mã có một ngọn tháp cao chót vót mang một cây Thánh giá vươn lên giữa trời xanh. Ngọn tháp có từ đời Hoàng đế Ca-li-gu-la, được đưa về dựng giữa công trường năm 1586. Trên ngọn tháp có khắc ba câu như sau:

Christus vincit: Chúa Kitô toàn thắng.

Christus regnat: Chúa Kitô hiển trị.

Christus imperat: Chúa Kitô thống quản.

Ngày nay, trong Chúa Nhật cuối năm phụng vụ, Hội thánh tôn vinh Chúa Giê-su Con Thiên Chúa chính là Vua của toàn thể vũ trụ. Người cũng là Vua lòng của mỗi tín hữu chúng ta.

3. SUY NIỆM:

Hôm nay là Chúa nhật cuối năm Phụng vụ, Hội thánh mừng lề Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ để nhắc nhở cho mọi người hãy suy tôn, phục vụ và đi theo Người, đồng thời phải chuẩn bị đón Chúa sẽ đến trong ngày tận thế với tư cách là vị Vua Thẩm phán xét xử kẻ sống và kẻ chết. Đức Giáo hòang Piô XI đã thiết lập lễ Ki-tô Vua vào ngày 11.12.1925 trong bầu khí tạ ơn và hân hoan mừng Năm thánh 1925. Sở dĩ Đức Thánh Cha thiết lập lễ này vì vào thập niên đầu thế kỷ 20, thế giới phải đối diện với trào lưu tục hóa và các chủ thuyết vô thần. Về phía Giáo hội, qua việc mừng kính tước hiệu Vua của Chúa Giê-su, Hội thánh tuyên xưng vương quyền của Người trên mọi người, mọi gia đình, mọi xã hội và dân tộc trên thế giới.

1) ĐỨC GIÊ-SU LÀ VUA:

- Sau phép lạ bánh ra nhiều, dân chúng phấn khởi muốn tôn Đức Giê-su lên làm vua Thiên Sai. Nhưng Người đã lẩn tránh vì Người không đến để làm ông vua thế tục như dân Do thái đang mong đợi. Người chỉ nhận mình là Vua khi đứng trước toà án của quan Tổng Trấn Phi-la-tô. Ông ta hỏi Đức Giê-su: “Ông là vua dân Do thái sao?” Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu, không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này” Ông Phi-la-tô liền hỏi: Vậy ông là vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: Đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,33-36).

- Ngoài ra, Phi-la-tô khi tuyên án tử hình thập giá cho Đức Giê-su, ông còn truyền viết tấm bảng gắn phía trên đầu Người hàng chữ I.N.R.I. viết tắt của câu tiếng La tinh nghĩa là “Giê-su Na-da-rét Vua dân Do thái”. Qua đó ông ta công nhận Đức Giê-su là Vua, mà ngai vàng của Người là cây thập giá. Từ trên cao, Người giang hai tay ra như để ôm lấy dân Người. Người công bố quyết định miễn xá tội cho các tù nhân qua lời cầu xin với Chúa Cha: ”Lạy Cha, xin tha cho họ, Vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đức Giê-su đã tha thứ cho người gian phi có lòng sám hối: “Tôi bảo thật anh: hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

2) VƯƠNG QUỐC CỦA VUA GIÊ-SU:

- Vương quốc của Đức Giê-su thiêng liêng:

Nghĩa là không thuộc về thế gian vì không có lãnh thổ, không có quân đội, không biên giới và tồn tại mãi mãi như trong kinh tin kính: ”Nuớc Người sẽ không bao giờ cùng”.

- Vương quốc ấy là Hội Thánh hôm nay và Thiên Đáng mai sau:

Mỗi tín hữu chúng ta có bổn phận gia nhập làm thần dân của Vương quốc Nước Trời và có bổn phận làm cho Vương quốc ấy ngày một lan rộng, như kinh Lạy Cha: “Chúng con nguyên Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”.

- Bồn phận của các tín hữu:

Mỗi người phải làm thế nào để mời Chúa Giê-su đến làm chủ tâm hồn mình, bằng việc năng cầu nguyện với Chúa, tham gia sinh hoạt trong các hội đoàn công giáo tiên hành, để nhờ suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện xin ơn Thánh Thần giúp thánh hóa bản thân, tích cực góp phần cải thiện môi trường xã hội mình đang sống và thực hành các công tác tông đồ bác ái, để Vương quyền của Chúa Giê-su cũng được nhiều người tin nhận.

3) ĐỨC GIÊSU LÀ VUA MỤC TỬ:

- Đức Giêsu là Vua Mục Tử:

nhưng không giống như các ông vua trần gian, mà là ông Vua Mục tử nhân lành như sấm ngôn của ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trên đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất Ta sẽ đi tìm, con nào đi lạc Ta sẽ đưa về. Con nào bị thương Ta sẽ băng bó, Con nào bệnh tật Ta sẽ làm cho mạnh. Con nào béo mập, con nào khỏe mạnh. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm, con nào đi lạc Ta sẽ đưa về, con nào mạnh con nào béo mập Ta se canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34,15-16).

- Đức Giêsu là Vua Thiên Sai:

Người tuy là Thiên Chúa, nhưng đã khiên hạ vâng phục ý Chúa Cha để sẵn sàng hiến thân chịu chết trên cây thập giá hầu cứu chuộc muôn dân, đưa họ về làm con Thiên Chúa trong nước Trời hằng sống. Thánh Phao-lô đã ca tụng Đức Giê-su Vua như sau: ” Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đát, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2,10-12).

- Vương quốc là Vương quốc tình thương:

Đặc điểm của công dân trong nước Trời là đón nhận mọi hạng người, đặc biệt là những người nghèo đói, bất hạnh, bệnh tật, tội lỗi… Chính Đức Kitô Vua Mục tử, cũng tự đồng hóa mình với những kẻ bé mọn này và mời gọi các thần dân của Người phải thể hiện đức Tin bằng việc thực thi đức Cậy và đức Mến như sau:”Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Tiêu chuẩn để xác định một người thuộc Vương quốc của Người là những hành động yêu thương khiêm nhường phục vụ như: quan tâm để chía sẻ tinh thần vật chất, thăm viếng để an ủi và chia sẻ với những người nghèo hèn và bị bỏ rơi.

4) CHUẦN BỊ ĐÓN CHÚA ĐẾN THẾ NÀO?:

- Sẵn sàng đón Chúa đến cách bất ngờ:

Mối ngày luôn ý thức Chúa sẽ đến với mỗi người chúng ta vào giờ chết cách bất ngờ. Do đó chúng ta cần ở trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng đón Chúa đến như người đầy tớ canh thức chờ chủ đi ăn cưới về lúc đêm khuya. Cần chuẩn bị cây đèn đức tin chứa sẵn dầu ân sủng nhờ việc năng cầu nguyện suy niệm Lời Chúa và lãnh nhận các phép bí tích như xưng tội và rước lễ mỗi ngày. Nhờ đó chúng ta sẽ có một cái nhìn đức tin để thấy Chúa Giê-su đang hiện thân nơi những người đau khổ bất hạnh, rồi tận tình phục vụ họ như phục vụ chính Chúa Giê-su.

- Sống yêu thương noi gương Mẹ Tê-rê-sa:

Khi còn sống, nữ tu Tê-rê-sa Can-quýt-ta (Therese Cancutta) rất tâm đắc với đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay về việc Chúa Giê-su sẽ đến làm Vua Thẩm Phán để ban thưởng kẻ lành và phạt kẻ gian ác. Mẹ luôn bị những người đau khổ và bất hạnh lôi cuốn sự quan tâm. Dưới mắt mẹ Tê-rê-sa, những người này không những đáng thương, mà còn là hiện thân của Đức Giê-su đang chịu đau khổ và bị bỏ rơi trên cây thập giá. Nơi mẹ, tình yêu Đức Giê-su và tình thương đối với những người bất hạnh luôn hòa quyện vào nhau. Càng yêu Chúa nhiều bao nhiêu thì mẹ lại càng yêu thương các người bệnh tật và đau khổ bấy nhiêu. Mẹ thường khuyên các chị em nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái như sau: “Chị em cần tập nhìn thấy Đức Giê-su trong mỗi con người bất hạnh mà chị em đang phục vụ, dù họ có đáng kinh tởm đến đâu đi nữa”.

4. THẢO LUẬN: Một giáo sư đại học ở Chi-ca-gô Hoa Kỳ đã đặt cho các sinh viên câu hỏi sau đây: “Bạn hãy cho biết: Gần đây nhất, bạn đã giúp đỡ cụ thể cho một người nào đang cần trợ giúp không?” Đây là một câu hỏi quan trọng mà mỗi buổi tối chúng ta cần phải tự hỏi mình, rồi ăn năn sám hối và quyết tâm sống tình bác ái yêu thương là điều kiện để sau này chúng ta sẽ được hạnh phúc đời đời trong Nước Chúa.

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU, Vua vũ trụ. Nếu Chúa thật sự là Vua của hơn một tỉ người Công giáo, thì thế giới chúng con đang sống đã biến thành thiên đàng từ lâu rồi. Chúng con chưa làm dậy men cho khối bột xã hội không phải vì số lượng men còn ít, cho bằng vì men Tin Yêu nơi chúng con đã bị quá “đát”, bị chai lì và mất phẩm chất rồi. Chúng con phải gánh chịu trách nhiệm về tình trạng sự dữ đang tràn lan khắp nơi, mà trong đó một phần là do lỗi của chúng con. Chúng con chỉ biết khoanh tay kêu cầu cho Nước Chúa mau đến, nhưng lại không tích cực làm cho Nước ấy sớm hình thành và phát triển từ nơi bản thân ra đến môi trường sống chung quanh.

- LẠY CHÚA. Nhiều lần con đã tự biện hộ về những thiếu sót bổn phận khi nói rằng: “Lực bất tòng tâm: Làm sao tôi có thể vào trong tù để thăm nuôi tù nhân? Làm sao tôi dám chứa chấp những khách lỡ đường không giấy tờ tùy thân vào ở trọ trong nhà? Tôi lấy đâu ra tiền để có thể chăm sóc những bệnh nhân bị AIDS hay phong cùi? …” Lạy Chúa, nếu con cứ lý luận như thế thì chắc con sẽ không làm gì hết. Nhưng có biết bao công việc đang trong tầm tay của chúng con như: giúp đỡ tiền bạc cho một người cơ nhỡ, làm biển báo nguy bị sụt cống trên đường, giới thiệu Chúa cho một người lương đang tìm kiếm Chúa… Và còn biết bao những việc khác tương tự… Xin cho con biết luôn quan tâm tới người bên cạnh, và sẵn sàng chia sẻ tình thương với họ, hầu xứng đáng trở nên môn đệ thực sự của Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.
Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

[Mục Lục]

Bài 22. SUY TÔN VUA GIÊSU KHẢI HOÀN
P. Trần Đình Phan Tiến

Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu-Kitô Vua vũ trụ năm A hôm nay, là một đoạn Tin Mừng được thánh Matthuê ghi lại về chính Lời của Chúa Giêsu về ngày phán xét chung. Vâng, kính thưa quý vị, thưa các bạn. Đoạn Tin Mừng hôm nay, có thể nói là đoạn Tin Mừng mặc khải về ngày phán xét. Đây có thể nói là đoạn Tin Mừng mà Chúa Giêsu mặc khải rõ nhất về VƯƠNG QUYỀN của Người. Điều nầy cũng có thể hiểu về “THIÊN ĐÀNG”. Theo đó, chúng ta có thể hiểu “thiên đàng” chính là “VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU”. Nơi, mà ”ĐƯỜNG LỐI“ HAY “KẾ HOẠCH“ của Thiên Chúa được thể hiện , hay hoàn tất.

Vì như chúng ta biết, Vương Quốc Siêu Nhiên là vô biên, không có địa lý vùng miền. Vì vậy, sự thưởng phạt từ Thiên Chúa không lệ thuộc vào quy tắc trần thế. Nên chi, Thiên Đàng không phải là một lãnh thổ, lãnh địa, mà là nơi thể hiện “TÌNH YÊU“ thương của Thiên Chúa một cách rõ ràng, thỏa mãn sự “khao khát” yêu thương mà chỉ có nơi Thiên Chúa mới thỏa mãn được. Chính vì điều nầy mà các thánh hướng đến một cách tích cực nhất. Vì thước đo tình yêu không gì khác hơn là “TÌNH YÊU“. Vì sau cùng chỉ còn lại hai chữ “TÌNH YÊU“ . Tình yêu mà chính Chúa Cứu Thế đã hạ mình làm Người, để ở với con người và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Tất cả những điều đó đều phát xuất từ tinh yêu của Thiên Chúa. Điều ấy có nghĩa là “ tình yêu “ được bắt nguồn từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa lại muốn cho chính phàm nhân được hưởng tình yêu ấy. Bời thế, chính Đức Vua Giêsu đã đồng hóa với những người bị đau khổ, những người bất hạnh, và Người muốn chúng ta tiếp rước họ, như tiếp rước Người. Rõ ràng người giàu, kẻ sang đâu cần chúng ta tiếp rước. Vì họ có kẻ hầu người hạ, Chúng ta đừng tưởng rằng Thiên Chúa chủ trương sự nghèo hèn. Không Thiên Chúa không chủ trương sự nghèo hèn, nhưng Thiên Chúa biết nhu cầu của người nghèo và Thiên Chúa là Đấng yêu thương muốn vỗ về họ. Thiên Chúa không loại bỏ người giàu, không “ghét” người giàu. Nhưng người giàu họ thường tự phụ , vì tài sản , của cải của họ , và không biết tôn thờ Thiên Chúa là nguồn tình yêu và sự sống. Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đứng trên tất cả, tài sản, tiền bạc. Xét cho cùng ra, tiền bạc cho dù nhiều cách mấy đi nữa, thì nó cũng chỉ là giấy, được ghi chữ số để chứng nhận giá trị và số lượng để lưu hành. Nhưng cái chính là công sức và trí tuệ của con người. Vậy, công sức và trí tuệ là do ai ban cho chúng ta ? Há chẳng phải là do Thiên Chúa sao ?

Khởi đi từ bài đọc I ( Ed 34 , 11 -12 ; 15- 17) cho chúng ta thấy hình ảnh của một Vị Mục Tử nhân lành, đó là Thiên Chúa qua hình bóng Đấng Cứu Thế Giêsu. Điều nầy phú hợp với Thánh Vịnh 22 hôm nay. Hình ảnh Đấng chăn chiên lành cũng là hình ảnh một vị Mục Tử hy sinh hết mình vì đoàn chiên. Chiên tượng trưng cho người lành, người lành là người biết lắng nghe và thực thi ý Chủ. Vì chính Chúa Giêsu nói : “Chiên của tôi, thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi”.( Ga 10, 27). Và vì vậy, ngày sau cùng Chúa Giêsu sẽ tách chiên với dê ( Mt 25 , 32), chính là tách người lành và kẻ dữ riêng ra và chịu sự phán xét sau cùng.

Bài đọc II , ( 1Cr 15, 20- 26 ; 28) thánh Phao-lô cho chúng ta biết : “Đức Kitô đã trổi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.” ( c 20). Vì Thiên Chúa đặt mọi sự thù địch dưới chân Đức Kitô, Người phải nắm mọi vương quyền, cho đến khi Thiên Chúa tiêu diệt địch thù sau cùng, đó là sự chết. ( c 25- 26).

Như vậy, Đức Kitô là Vua vừa theo nghĩa tự nhiên và siêu nhiên là một sự phù hợp. Bởi vì ,Người đã chiến thắng thần chết. Tử thần là thần độc ác nhất, vì nó “cướp “đi mạng sống của nhân loại. Mà sự sống là do bởi Thiên Chúa, vì mọi mưu mô , xảo trá, tội ác đều do tử thần gây ra. Mà Đấng duy nhất tiêu diệt sự chết, đó là Thiên Chúa, qua Thánh Tử Giêsu.

Như chúng ta biết, ngày 14/09, Giáo Hội suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu, là suy tôn mầu nhiệm tử nạn để cứu chuộc nhân loại. Suy tôn tình yêu trên Thập Gía. Suy tôn tình yêu trên Thập giá là suy tôn vương quyền của sự tha thứ nơi Thánh Gía. Chứ không đơn thuần là suy tôn cái chết về phần nhân tính của Đức Kit ô. Vì nơi Người ơn cứu độ chan chứa, hữu nhiên, cái chết không thể làm chủ được Người. Bởi vì Người là Nguồn Sống từ Thiên Chúa.

Như vậy, Giáo Hội chọn ngày Chúa Nhật sau cùng của năm phụng vụ để SUY TÔN ĐỨC KITÔ VUA VŨ TRỤ là hoàn toàn hợp lý. Vì Đức Kitô không chỉ là Vua theo nghĩa trần thế, mà còn là Vua theo nghĩa “đứng trên sự chết “ nữa. Vâng, chính vì điểm nầy, mà chúng ta tôn thờ và bước theo Người một cách vinh dự và hoàn toàn tin cậy một cách chắc chắn cho chúng ta.

Từ đó, hôm nay Giáo Hội hân hoan suy tôn Đức Giêsu – Kitô là Vua vũ trụ, bởi vì thế gian không thể thắng nổi tử thần, thế gian bị tử thần đè bẹp. Nhưng ,Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô đánh bại từ thần qua cái chết của Người trên Thập Gía. Và hôm nay, giáo hội suy tôn một nhiệm cục tột đỉnh , đó là SUY TÔN SỰ KHẢI HOÀN, SỰ TOÀN THẮNG, đúng với thiên Tính của Đức Kitô. Vì vậy, có thể suy luận rằng : Mầu nhiệm Thập Gía nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian là mầu nhiệm khởi đi từ mầu nhiệm vinh thắng của Đức Kitô. Và như vậy, có thế nói Mầu Nhiệm thập Giá là AL-PHA còn Mầu Nhiệm Đức Kitô Vua Vũ Trụ là Ô-MÊ-GA. Nghĩa là Đức Kitô chính là sự khời nguyên và cùng tận. ( Kh 22, 13). Vâng, điều nầy chính Đức Kitô đã mặc khải cho thánh Gioan tông đồ qua sách Khải Huyền.

Lạy Chúa Giêsu- Kitô, Chúa chính là Sự Khởi Nguyên và Cùng Tận là AL-PHA và Ô-MÊ –GA, là sự mở đầu và kết thúc. Xin cho con người thế trần biết lắng nghe và đáp lại một cách chân thật, hầu đến được cùng Chúa là ĐƯỜNG là SỰ THẬT và là SỰ SỐNG. Amen./.

[Mục Lục]

Bài 23. NƯỚC CỦA ĐỨC GIÊSU Ở CHỐN NÀO?
Jos. Vinc. Ngọc Biển

Ngày nay trên thế giới, rất ít nước còn chế độ quân chủ, vì thế, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Ấy vậy mà đạo Công Giáo hằng năm lại mừng lễ Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ vào Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ! Tại sao vậy? Và, Đức Giêsu làm Vua như thế nào? Chúng ta có thuộc về dân trong đất nước của Ngài không?

1. Vị Vua Lạ Lùng

Mỗi khi mừng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về Đức Giêsu như là điểm quy chiếu, như cái tâm trong vòng tròn; như cùng đích của con người. Bởi vì Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa. Ngài là khởi đầu và cùng đích, là Anpha và Ômêga. Là Chủ Vũ Trụ; là Vua các vua, Chúa các chúa. Ngài làm Vua trong sự toàn thiện, hoàn mỹ.

Tuy nhiên, khi nói đến Đức Giêsu là Vua, chúng ta thấy Ngài là một vị Vua không như các vua chúa trần gian! Ngài là Vua, nhưng là một vị lạ lùng!

Lạ lùng lúc sinh ra trong cảnh nghèo nàn. Rong ruổi bôn ba khắp ngả đường. Đến nỗi: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20). Không thành quách, cung điện ngọc ngà.

Khi tổ chức vương triều thì lại không binh lính, cũng chẳng có kẻ hầu người hạ, lại càng không dùng vũ khí, sử dụng quyền lực, binh đao.

Ngược lại, cung điện lại được đặt trong lòng mỗi con dân. Thành quách là sự liên đới. Lãnh đạo bằng tình yêu và tha thứ. Luôn phục vụ người khác thay vì được người khác phục vụ mình.

Nhưng có lẽ điều làm cho người ta chú ý nhất đến vị vua hy hữu có một không hai này chính là: khi được mọi người tôn vinh làm vua thì không muốn, nên tìm cách trốn tránh. Đến khi mọi người thù ghét, bôi nhọ, bêu dếu, chẳng ai bênh vực, đỡ nâng và không ai muốn trao Vương Quốc cho mình thì lại khẳng khái tuyên bố mình là Vua và đến thế gian này chỉ vì một mục đích là làm chứng cho sự thật (x. Ga 18, 36).

Tuy nhiên, ngược đời ở chỗ: Nước của Vị Vua ấy lại “không bao giờ cùng” “vô biên cương”, “không ranh giới” và “không thuộc thế gian này”.

Trong nước ấy, chỉ có sự thật, công lý, bình an và tình yêu ngự trị. Thần dân là tất cả những ai thuộc về đặc tính trên (x. Ga 18, 36).

Tất cả những điều lạ lùng đó, Đức Giêsu muốn mặc khải cho chúng ta biết: Ngài là Vua sự thật; đồng thời, Ngài mời gọi chúng ta đứng về phía sự thật để được gia nhập đoàn dân của những người yêu mến công lý.

2. Vua Sự Thật

Sự thật mà Đức Giêsu mang đến và mời gọi là gì? Thưa, đó là: mặc khải cho nhân loại biết sự thật, một sự thật được xây dựng trên tình yêu. Vì thế, Ngài đã chấp nhận đánh đổi ngay cả mạng sống của mình để biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.

Thật vậy: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Khi Ngài đến, Ngài đã yêu thương họ đến cùng và chấp nhận đánh đổi chính cái chết trên thập giá để làm chứng cho nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi, nghèo khó, bị áp bức, bóc lột… Vì tình yêu không giới hạn và vô biên, nên Đức Giêsu đã gọi những người đó là bạn hữu và chấp nhận chết cho bạn hữu của mình được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,7-10; 15, 9-15). Quả thật: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”(Ga 15, 13)

Sự thật ấy nhằm diễn tả đặc tính của tình yêu trong một Vương Quốc khác chứ không phải nơi trần gian.

Điều này đã được Đức Giêsu đã nói trước quan toàn quyền Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Dothái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18, 36).

Vì thế, vinh hoa, phú quý, sung túc, sang giàu, quyền lực và ngay cả sự sống trần gian này chẳng đáng gì đối với sự sống vĩnh cửu trong Nước của Chúa.

Và, như một sự tất yếu, muốn vào được vương quốc của Chúa, phải biết từ bỏ tất cả, kể cả mạng sống nữa.

3. Sống sứ điệp Lời Chúa

Trong thời đại hôm nay, việc sống chứng nhân cho sự thật không phải là chuyện dễ! Lại càng khó hơn nữa khi trong một xã hội tình yêu luôn bị đánh cắp, nghi ngờ và bị lợi dụng!

Bởi vì:người ngay thẳng, trung thực thì thường thua thiệt, và bị coi là ngu dốt, còn kẻ gian dối lại được coi là khôn ngoan… Sống man trá mà thành công thì thì được tưởng thưởng, còn vì sự thật mà bị thất bại thì bị khiển trách…

Đứng trước một xã hội như thế, hẳn sống đời chứng nhân cho Chúa quả là khó! Tuy nhiên, dù khó, chúng ta vẫn phải thi hành vì đây là hành vi mang tính quyết định thuộc về hay khước từ… Khi sống như thế, ấy là lúc chúng ta chấp nhận lội ngược dòng để làm chứng cho sự thật và tình yêu của Thiên Chúa trong bối cảnh hiện nay.

Thật vậy, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người được trở thành thần dân của Đức Giêsu và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, đồng thời được mời gọi sống đặc tính của Nước ấy trong cuộc sống đời thường của mình. Vì thế, hẳn chúng ta phải mặc lấy Ngài và những tâm tình của Ngài như: từ bi, nhân hậu, hiền lành, nhẫn nại, bao dung, chết đi cho tính xác thịt, ý riêng và ra khỏi chính mình, từ bỏ tính kiêu ngạo, hóng hách để cúi xuống rửa chân cho cả kẻ thù. Sẵn sàng yêu thương, làm phúc cho kẻ đói ăn, khát uống. Nâng đỡ những người thấp cổ bé họng, chân yếu tay mềm, nhân phẩm bị trà đạp…

Quyết tâm đứng lên để bảo vệ những người không có tiếng nói… Chấp nhận vì sự thật mà bị bách hại, vu khống đủ điều xấu xa.

Nếu thế gian chống đối lại sự thật, vì sự thật làm cho họ thua thiệt, thì chúng ta, không bao giờ được thỏa hiệp với bất công dù dưới bất kỳ hình thức hay nhãn giới nào…

Khi làm chứng cho Đức Giêsu trong sự thật như thế, hẳn chúng ta sẽ không thể thoát được số phận phải chết như Thầy của mình, tuy nhiên: “… can đảm lênThầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Thật thế, chỉ trong sự thật, chúng ta mới được vào Nước Trời và được Đức Giêsu tuyên bố nhận chúng ta trước mặt Chúa Cha và Triều Thần Thiên Quốc: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta” (Mt 25, 34-37).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Vua Vũ Trụ, xin cho con được yêu mến và ham thích đường lối sự thật và tình yêu của Chúa, đồng thời biết chia cơm sẻ bánh cho người nghèo khổ.

Ước gì khi làm những điều đó trong lòng mến, chúng con sẽ được vào Vương Quốc của tình yêu và sự thật để được sống đời đời. Amen.

[Mục Lục]

Bài 24. Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói ?
Fx. Đỗ Công Minh

Bài Tin Mừng hôm nay quen gọi là Tin Mừng Matthêu 25 mà nhiều người, nhiều nơi vẫn nói đến khi có một chương trình bác ái từ thiện của Giới Công Giáo đựơc đề xuất . Điều này cũng dễ hiểu khi tòan bộ đọan văn từ câu 31 đến câu 46 Thánh Matthêu thuật lại bài nói của Đức Giêsu với các môn đệ về ngày Cánh chung, khi Con Người ngự đến trong vinh quang. Có thể hình dung được quang cảnh ngày ấy : “Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái…”.

Với những người tín hữu nói chung, khi đọc tiếp đọan văn này hẳn không ít ngạc nhiên khi Chúa, Đức Vua xét xử dân Người không yêu cầu từng người báo cáo thành tích, nhân đức đã giữ, những việc đạo đức thường ngày như đọc kinh cầu nguyện có nhiều? đã đi nhà thờ, dâng lễ bao nhiêu lần? hành hương tới những nơi nào ? dâng cúng nơi này nơi kia bao nhiêu tiền của, tài sản…? Đức Vua chỉ nhắc đến những chuyện vụn vặt hằng ngày mà thưởng công cho những người đứng bên phải :”Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc , hãy đến thừa hưởng Vương quốc đã dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thưở tạo thiên lập địa. Vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han”.

Những người ở bên phải bất ngờ, và chúng con hôm nay cũng bất ngờ. Những người ở bên phải được Chúa thưởng công thật chính đáng. Thế còn không ít những người bên trái, sao Chúa không đề cập đến công lao giữ đạo của họ? Những người ấy không làm những việc như thế cho những người bé mọn, họ có tội gì? Có chăng là họ chỉ vô tâm, vô cảm. Họ muốn nên tốt một mình, muốn giữ đạo một mình cũng không được ? Sao Người không cho họ cũng vào hưởng vinh quang trong vương quốc của Người. Phía bên kia, biết bao người đạo đức, giữ lề luật Chúa suốt cả cuộc đời của họ; biết bao người trong số đó từng được tôn vinh trong cuộc sống ở đời, được tặng nhiều bằng ân nhân, giấy chứng nhận vì từng tham gia hội này, hội khác. Họ đâu có làm gì xúc phạm đến Chúa, đến Giáo hội. Họ cũng không chè chén say sưa, cờ bạc, hút sách, trộm cắp; không làm bậy. Họ chỉ không thấy Chúa trong cuộc đời nên không có dịp cho Chúa uống khi Người khát. Có thấy Chúa đói đâu mà cho ăn? Hay có thấy Chúa bệnh tật đâu mà thăm viếng?

Con cũng vậy thôi! Ngạc nhiên và còn tỏ ra bất bình. Sao Chúa không hiện diện trong cuộc đời và lên tiếng : “Tôi là Giêsu đây” để con và mọi người được biết? Chúa mà hiện ra trong cuộc đời này thì con sẽ bỏ hết mọi sự con có được, để đến với Người. Con đã từng biếu xén, trao tặng biết bao người thân quen của con quà cáp, tiền bạc. Kính biếu những ân nhân của con, những người có chức có quyền là bề trên, con không tiếc. Nếu Chúa hiện ra hữu hình trong cuộc đời để con thấy, Chúa cần gì con sẽ đáp ứng đầy đủ. Vây mà Chúa lại ẩn thân trong những người nghèo hèn, đói khổ, bệnh tật, tù tội… Làm sao con nhận ra ? Con có lỗi ?

Lạy Chúa,

Ngày hôm nay, nghe được Lời Chúa, nhận ra được giáo lý Chúa truyền : “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy”, con xin hứa sẽ sửa đổi cách sống của mình, sẽ ngày càng cố gắng thực thi Lời Người, đến với những người nghèo hèn, bất hạnh; làm những việc bác ái thiết thực cụ thể cho những người đang cần đến con, những người con gặp gỡ mỗi ngày. Xin Chúa cho con nhận ra rằng :

“Giữa chợ đời, người bé nhỏ không tên; bên lề đường người ăn mày van xin, Người ở đó và ở đó có Người” (Đi tìm Chúa) hay : “Biết những lúc chúng ta đi trong cuộc sống mỗi ngày, đã gặp Người nhưng chẳng biết Người. Ấy những lúc chúng ta vô tâm không để ý Người, người phu xe nghèo đói…” (Trên đường Emmaus).

 

[Mục Lục]


Trở lại      In      Số lần xem: 4144
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  27
 Hôm nay:  3142
 Hôm qua:  4117
 Tuần trước:  21266
 Tháng trước:  87836
 Tất cả:  12407115

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn