Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Tư trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Tư trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Tư trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
(23/04/2014) - (Lc 24, 13-35)

 



Bài đọc I: Trích sách Tông đồ Công vụ (Cv 3, 1-10)
Bài Tin mừng: Tin mừng theo Thánh Luca (Lc 24, 13-35)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy?" Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."

Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?"

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.”

Luca giới thiệu thời gian, đó là ngày thứ nhất trong tuần, có nghĩa bắt đầu một tuần lễ mới, đó cũng là hình ảnh cho một trời mới đất mới đã bắt đầu. Và ông giới thiệu 02 nhân vật chính trong câu chuyện hôm nay, hiện tại Luca chưa cho biết tên mà chỉ xác định họ trong nhóm môn đệ.

Trong nhóm môn đệ, có nghĩa họ không thuộc nhóm Tông đồ. Như ta biết, Đức Giêsu đã lập thành 02 nhóm tách biệt: Nhóm 72 và Nhóm 12. Nhóm 72 gồm những người theo Đức Giêsu nhưng không ở cùng Ngài và không được Ngài dạy dỗ thường xuyên, họ được gọi là các môn đệ. Trong khi đó Nhóm 12, gồm 12 Tông đồ, là những người luôn ở với Đức Giêsu. Hiện tại Nhóm 12 chỉ còn lại 11 người (Giuđa đã chết do thắt cổ tự tử), nên có đôi chỗ trong Kinh thánh gọi là Nhóm 11.

Hai người này đang làm gì? Họ đang từ Giêrusalem trở về Emmaus, quê nhà của mình, Luca cho biết Emmaus cách Giêrusalem 11 cây số. Độc giả cũng biết, khi Đức Giêsu chịu khổ hình và chịu chết trên thập giá, đó là một cú sốc lớn đối với các môn đệ. Họ thất vọng, chán nản đến cực độ, hoài bão họ đang ôm ấp đã vỡ thành mảnh vụn. Đó là tâm trạng chung của các môn đệ và của các Tông đồ. Tại sao lại có sự kiện này?

Vì từ trước đến giờ họ theo Đức Giêsu với niềm hy vọng, Ngài sẽ giải phóng Israen khỏi ách đô hộ của La Mã, mặc dù chính Ngài đã cảnh báo các ông, Đấng Cứu Thế đích thực là Đấng giải thoát con người khỏi xiềng xích tội lỗi, Ngài sẽ chịu chết ô nhục, bị các Thượng tế, Kinh sư giết và 03 ngày sau sẽ sống lại. Không những Ngài tiên báo một lần mà đến tất cả 03 lần. Nhưng vẫn không ăn thua gì, vẫn không gột rửa suy nghĩ của các ông. Như vậy, Đức Giêsu đã chết, coi như không còn gì nữa, nên họ phải về quê để tính đến tương lai cho mình.

Hai môn đệ không đi trong im lặng, mà trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Những việc mới xảy ra ở đây là những việc gì?

Theo Luca, cũng trong ngày hôm nay, từ lúc sáng sớm bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê và các bà khác. Các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại." (Lc 24, 1-7)

Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin. Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra. (Lc 24, 8-12)

Đó là toàn bộ những gì đã xảy ra trước khi hai môn đệ lên đường về Emmaus.

“Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.”

Độc giả để ý cụm từ “tiến đến gần và cùng đi với họ”. Đức Giêsu đang tiến gần và muốn trở thành bạn đồng hành với họ. Tự Ngài đến chứ họ không mời. Ngài muốn đi trên con đường mà họ đang đi. Thiên Chúa cũng tiến đến đời ta và trở thành bạn đồng hành với ta giống vậy. Ngài đồng hành với ta trong suốt cuộc đời này, cho dù ta không mời Ngài. Ta đi đâu Ngài sẽ đi đó và luôn đi bên cạnh để trên mặt đất này luôn có dấu chân Ngài bên cạnh dấu chân ta.

Luca cho biết khi hai ông đang bàn tán, bàn tán ắt phải có tranh luận, thì chính Đức Giêsu xuất hiện. Điều quan trọng Luca muốn nói, họ không nhận ra Ngài. Tại sao họ không nhận ra? Mặc dù là môn đệ chứ không phải tông đồ, họ không thể không biết Đức Giêsu. Con người của Ngài thế nào họ quá quen thuộc. Nhưng ở đây Luca giải thích tại sao họ không nhận ra Ngài, ông nói: “mắt họ còn bị ngăn cản”. Nó giống như có gì đó chặn phía trước, chặn không có nghĩa không cho thấy, họ vẫn thấy nhưng thấy với một con người khác, không phải là Thầy mình. Và ngay sự kiện Đức Giêsu từ đâu đến không biết, xuất hiện rất bất ngờ, giống như từ trời rơi xuống. Tất cả những điều này cho ta một suy nghĩ:

Đức Giêsu sau khi phục sinh, Ngài đã biến đổi toàn diện, biến đổi theo nghĩa, Ngài hiện diện dưới một cách thế mới, phi thời gian và không gian, có nghĩa thân xác của Ngài không còn bị chi phối bởi các định luật vật lý. Ngài có thể hiện diện ở bất kỳ nơi nào Ngài muốn và không có gì có thể ngăn cản, cho dù là cửa kín then cài.

Một hình ảnh có thể đưa ra để minh họa cho điều này, đó là hạt giống. Khi hạt giống được gieo xuống lòng đất, nó phải chịu sự mục nát, phải chết đi, để từ đó phát sinh sự sống mới, thành một cây to lớn. Như vậy, cũng từ hạt giống nhưng sau khi mục nát, nó được biến đổi toàn diện từ sức sống nội tại của mình. Đức Giêsu cũng thế, sau khi chết, Ngài đã Phục sinh, Ngài đã biến đổi toàn diện để không ai nhận ra Ngài. Hai môn đệ không thể dùng con mắt xác thịt của mình để nhận biết, vì con mắt đó đã bị che. Họ chỉ nhận biết Ngài khi Ngài tỏ cho họ.

"Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" một câu nói để làm quen và cũng khởi đầu câu chuyện.

Thiên Chúa đến với cuộc đời ta cũng vậy, rất âm thầm và cũng rất bất ngờ. Đâu phải cứ kèn trống inh ỏi, đâu phải cứ chúc cứ tụng để báo hiệu Ngài đến, Ngài không đến với ta theo kiểu rẻ tiền như vậy. Ngài đến rất âm thầm, vâng rất âm thầm mà ta không thể nhận biết. Có thể Ngài đến với ta với dáng vẻ của một người xa lạ, vô tình bắt gặp trên một chuyến xe bus. Có thể Ngài hiện diện trong ánh mắt, trong nụ cười của một ai đó đang đứng trước mặt ta. Có thể Ngài là người ăn xin đang ngửa tay xin ta bố thí,... Tại sao ta không thấy, vì như Luca nói: “mắt ta còn bị ngăn cản”. Như vậy bài học đầu tiên ta nhận được ở đây, phải thật cẩn thận để nhận ra Ngài trong cuộc đời, đừng phản ứng vội vàng và hấp tấp trước mỗi sự kiện, mỗi biến cố xảy đến, đừng sống như người không có niềm tin. Phải thật cẩn thận, rất cẩn thận để nhận ra Ngài.

“Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.” Từ đầu bài Tin mừng cho đến giờ toàn là đi, toàn là vận động: “đi đến một làng kia”; “tiến đến gấn”; “cùng đi với họ”; “vừa đi vừa trao đổi”, bây giờ là lúc phải dừng lại. Sự vận động phải được dừng lại để ý thức về mình rõ hơn, ý thức rõ: họ đang buồn rầu. Cuộc đời ta cũng có lúc phải dừng lại như vậy, dừng lại để tự hỏi mình. Hỏi mình điều gì? Ta chưa biết, nhưng phải dừng lại. STOP.

“Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy?"

Bây giờ Luca mới giới thiệu tên của một trong hai người, Cơ-lê-ô-pát. Đây là đặc điểm của ông, cứ kể sự kiện trước đã, giới thiệu tên tuổi sau cũng chưa muộn, nó gây cho độc giả một sự tò mò, phấn kích. Tại sao chỉ giới thiệu tên một người, còn người kia tên gì. Hoặc ông không biết, hoặc không cần thiết vì chỉ cần tên một người đã đủ gắn với sự kiện Emmaus.

"Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." Cụm từ “duy nhất” muốn nói lên điều gì? Xin thưa: Dưới con mắt của hai môn đệ, Đức Giêsu đúng là người vô tâm, một sự kiện chấn động như vậy mà ông ta không hay biết, chắc trong toàn Giêrusalem còn sót lại người này. Độc giả cũng nên biết, mỗi khi đại lễ Vượt Qua đến, số lượng người tại Giêrusalem đông gấp ba so với bình thường, vì toàn đất nước Do Thái chỉ có một đền thờ duy nhất, Đền thờ Giêrusalem, còn hội đường có ở khắp nơi. Hội đường là nơi để nghe và giải thích Kinh thánh vào mỗi ngày Sabbath, hát Thánh vịnh, chứ không phải là nơi thờ phượng.

“Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy?" Ngài thừa biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng vẫn phải hỏi để các ông có cơ hội bộc bạch suy nghĩ của mình, bộc bạch nỗi lòng của mình. Các ông cứ nói hết ra, vì Đức Giêsu đang muốn nghe. Thiên Chúa cũng hay hỏi ta như vậy, mỗi khi ta bộc bạch trước tượng Chịu nạn, ta đang kể cho Ngài nghe về ta. Ta đừng nghĩ ngợi gì hết, cứ kể cho Ngài nghe, “ném” hết vui buồn của đời ta cho Ngài. Thiên Chúa đúng là “cái sọt” để ta xả tất cả vào trong đó. Điều quan trọng là Ngài đang muốn nghe.

“Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."

Hai môn đệ bắt đầu thuật lại toàn bộ sự kiện mới xảy ra, họ kể rất mạch lạc, có trước có sau. Nội dung họ kể gồm những ý sau đây:

1/. Nhân vật chính là ông Giêsu Nadarét. Từ “Nadarét” luôn đi kèm với tên Giêsu, đây là đặc điểm cách gọi tên của người Do Thái, vì tên Giêsu, không phải chỉ mình Đức Giêsu có, mà còn nhiều người mang tên ấy. Như vậy để có sự phân biệt, người Do Thái thường kèm theo địa danh nơi sinh sống vào tên. Ông Giêsu Nadarét là một vị Ngôn sứ có uy quyền trong lời nói cũng như trong việc làm. Đây là kiểu nói muốn ám chỉ Giêsu Nadarét là một Ngôn sứ vĩ đại.

2/. Ngài đã bị các thượng tế và thủ lãnh giết chết. Thế là lời Đức Giêsu nói đã ứng nghiệm: Cha ông họ chuyên đi giết các ngôn sứ còn họ lại xây mồ mả, nhưng ở đây họ đã giết chết chính Con Thiên Chúa. Đức Giêsu đã bị giết và hôm nay bước sang ngày thứ ba.

3/. Họ nói rõ hoài bão của mình mà không cần úp mở: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en”. Như vậy họ luôn nhìn Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng theo nghĩa giải phóng Israen khỏi ách đô hộ La mã.

4/. Họ nói về các dư luận đang gây xôn xao, phấn kích trong các môn đệ về sự kiện Đức Giêsu phục sinh. Các phụ nữ ra mộ, thấy ngôi mộ trống và được Thiên thần báo cho biết Ngài đã phục sinh. Một số môn đệ cũng ra xem và cũng thấy như vậy. Nhưng Đức Giêsu phục sinh thì họ không thấy.

Như vậy theo quan điểm của Luca, hai môn đệ trên đường Emmaus là người đầu tiên được Đức Giêsu phục sinh hiện ra. Trong khi đó theo Thánh sử khác, người đầu tiên là bà Maria Madalena. Sự khác biệt này không quan trọng vì tùy theo cái nhìn của mỗi thánh sử và tùy theo sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Vấn đề ở đây là: Đức Giêsu đã phục sinh, và ngay ngày thứ nhất trong tuần Ngài đã hiện ra cho một ai đó, chứng tỏ sự kiện phục sinh là điều có thật chứ không phải bịa đặt. Chính sự khác biệt này đã chứng minh sự chân thật của Kinh thánh, nó không phải kết quả của sự toa rập giữa các thánh sử khi viết sách Tin mừng.

“Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.”

Sau khi nghe hai môn đệ kể lại sự kiện gây chấn động Giêrusalem, sự băn khoăn lo lắng của các ông trước sự kiện phục sinh, nó đang gây hoang mang. Đức Giêsu mới bắt tham gia vào câu chuyện. Câu nói đầu tiên của Ngài là một lời trách. Vâng đúng là một lời trách.

"Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”

Đức Giêu trách các ông chậm tin vào các lời ngôn sứ. Ngài khẳng định dứt khoát: Đấng Kitô phải chịu khổ hình như vậy rồi mới bước vào vinh quang, không còn con đường nào khác. Đó mới là Đấng Kitô đích thực được các ngôn sứ tiên báo, chứ không Đấng Kitô theo quan niệm trần tục của các ông. Sau đó Ngài rảo qua toàn bộ Cựu Ước, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ. Nói đến đâu, Ngài giải thích đến đó, giải thích tất cả những gì liên quan tới Ngài.

Thái độ và tâm trạng của 02 ông thế nào khi nghe Đức Giêsu nói? Ở đoạn này Luca không đả động đến, ông muốn cho câu chuyện được tiếp tục như một dòng chảy liên tục mà không bị dừng lại. Nhưng ở đoạn sau, ta mới thấy Luca diễn tả tâm trạng của hai ông. Luca viết: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" Vâng quả đúng như vậy, lòng các ông đang nóng dần lên qua từng câu nói của Đức Giêsu. Trước khi gặp Ngài, lòng các ông đã nguội hẳn không còn chút sinh khí, bầu nhiệt huyết môn đệ không còn vì tất cả các hoài bão đã tiêu tan. Bây giờ các ông được chính Thầy mình làm nóng lên, khơi lại tất cả niềm niền tin và bầu nhiệt huyết.

“Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?"

Con đường từ Giêrusalem đến Emmaus khoảng 11 cây số, nó mất khoảng gần 02 giờ đối với người đi bộ, nhưng dài hay ngắn còn tùy vào tâm lý của người bộ hành, cũng vẫn con đường đó nhưng nó có thể dài hay ngắn tùy theo ta vui hay buồn. Ta không biết Đức Giêsu gặp 02 ông ở chặng nào, nhưng việc Ngài rảo qua toàn bộ Cựu ước cũng đủ cho 02 ông tới làng của mình.

Luca viết: “Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa”. Có nghĩa Ngài muốn chứng tỏ cho hai ông, Ngài chỉ là khách bộ hành tình cờ, và cùng đi trên một con đường nên kết bạn với nhau để trò chuyện, chứ nơi đến của Ngài còn xa hơn nữa. Đức Giêsu quả là nhà tâm lý, Ngài đốt nóng lòng họ lên, rồi bây giờ “giả vờ” tạm biệt họ. Nói theo ngôn ngữ bình dân, hai ông đã “bị gài vào đúng thế” làm sao có thể để Ngài đi được. Giá nào cũng phải mời Ngài ở lại

Luca viết: “Họ nài ép Người”. Vâng quả đúng như vậy, lúc bắt đầu gặp, Đức Giêsu muốn họ cho Ngài cùng đi để trò chuyện cho vui, còn bây giờ họ phải nài ép Ngài ở lại. Hình như không gian và thời gian đang ủng hộ họ, vì thế lý do họ đưa ra mời Ngài ở lại rất chính đáng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Theo quan niệm người Do Thái, khi khách bộ hành phải đi một con đường dài, nếu khi tối trời họ chưa đến nơi thì phải tìm quán trọ để nghỉ qua đêm, người ta tránh đi ban đêm, vì đó là thời gian của bóng tối và của sự dữ. Đức Giêsu “phải” chiều theo ý họ, và đó là điều Ngài muốn, vì phần giải thích Kinh thánh đã xong, bây giờ là lúc Ngài sẽ tỏ cho họ biết, Ngài là Đấng Kitô phục sinh.

“Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.”

Trong bữa ăn, Đức Giêsu đã xử sự như người chủ tọa. Ngài đã làm bốn hành động: Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho. Ta không thể không thấy Ngài xử sự y như trong Bữa Tối cuối cùng. Đức Giêsu tỏ mình ra cho họ qua việc bẻ bánh.

Đến đây độc giả có thể đặt câu hỏi, tại sao 02 ông có thể nhận ra Đức Giêsu qua việc bẻ bánh này?

Rất vô lý, vì 02 ông chỉ là môn đệ chứ không phải tông đồ, nên 02 ông không có mặt trong bữa Tiệc ly, 02 ông không chứng kiến sự kiện Đức Giêsu lập Phép Thánh Thể. Vả lại, ở đây không có việc trao chén rượu.

Vậy tại sao 02 ông lại nhận ra Đức Giêsu qua cử chỉ bẻ bánh? Xin thưa: hai ông nhận ra Ngài qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, chứ không phải ở bữa ăn cuối cùng trong chiều Tiệc ly. Trong phép lạ đó, Đức Giêsu sau khi cầm lấy bánh, Ngài ngước mắt lên trời cầu nguyện, sau đó bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát cho dân chúng. Hai ông nhớ như in hình ảnh này nên đã nhận ra Ngài.

Luca viết: “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.” Ngay từ đầu bài Tin mừng, Luca viết: “mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người”, thì bây giờ chính việc Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ, đã mở mắt họ để họ nhận ra Ngài. Như vậy ta đã chứng minh một điều: Việc người ta có thể nhận ra Đức Giêsu phục sinh hay không, không do bản thân người ấy, nhưng do chính Ngài tỏ cho họ biết. Thân xác của Đức Giêsu đã biến đổi, vượt qua tất cả mọi sự giới hạn không gian và thời gian, vượt ra ngoài tất cả các định luật vật lý. Ngài đã biến mất theo cách Ngài tự xuất hiện đến với các ông.

Tâm trạng của 02 ông, như ta đã phân tích, Luca viết: “Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?"

“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Luca viết: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem”. Vâng không còn lý do nào để ở đây, cũng như người con hoang đàng, đứng phắt dậy và trở về. Ở đây hai ông cũng đứng lên và trở về, cho dù lúc đó trời đã tối, để tiếp tục sứ mệnh mà Đức Giêsu đã kêu gọi các ông làm môn đệ. Ta cũng phải đứng lên khi nhận ra thánh ý Chúa trong cuộc đời mình, không được phép ù lì cho dù chỉ một phút. Phải đứng lên và phải đứng lên ngay tức khắc. Không còn gì giam hãm ta nữa, cho dù đó là thất bại nặng nề, ta cũng phải đứng phắt dậy.

Hai ông trở về Giêrusalem, con đường trở về không còn gì để Luca tường thuật, làm sao trở về càng nhanh càng tốt. Lúc đi thì thong thả, không có gì phải vội, nhưng lúc trở về phải thật mau mắn, vì lòng các ông đang bị đốt nóng lên vì tình yêu Đức Giêsu phục sinh.

Hai ông gặp Nhóm Mười Một và các các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Amen.
_____________________

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2910
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  18
 Hôm nay:  2384
 Hôm qua:  3093
 Tuần trước:  25660
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12371142

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn