Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay
(04/04/2014) - (Ga 7,1-2.10.25-30)
ĐỨC GIÊ-SU LÊN GIÊ-RU-SA-LEM DỰ LỄ
DÂN CHÚNG TRANH LUẬN VỀ NGUỒN GỐC CỦA ĐẤNG KITÔ

 

 

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.

Có một số người ở Giêrusalem nói: "Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu".

Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: "Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta".

Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.
___________________________

CÁC NGÀY LỄ TRỌNG CỦA NGƯỜI DO THÁI.

Để có thể giúp độc giả hiểu được ý nghĩa của Bài Tin mừng hôm nay, cũng như các Bài Tin mừng khác, thiết tưởng cũng nêu ra đây một số ngày lễ quan trọng của người Do Thái.

(Nguồn trích: http://www.xuanha.net/KINHTHANH/22ngayle-tinhgio.htm)

Người Do thái có 3 đại lễ : Lễ VƯỢT QUA, Lễ NĂM MƯƠI, và Lễ TRẠI.

Gọi là đại lễ, vì vào những ngày đó, các tín đồ nam giới từ 15 tuổi trở lên buộc phải đi dự ở Giêrusulem. Tục lệ cũng miễn cho những người ở tỉnh xa, vì hành trình vất vả đắt tiền, chỉ phải đi mừng một trong ba lễ ở Giêrusalem.

1/. LỄ VƯỢT QUA:

Người Do Thái mừng lễ Vượt qua để kỷ niệm việc Thiên Chúa cứu họ khỏi ách nô lệ Ai cập. Khi dân Do thái đang phải sống lầm than khổ sở dưới ách nô lệ tại nước Ai Cập, thì Thiên Chúa sai ông Moise đến yêu cầu nhà vua Ai Cập thả cho dân đi tế lễ Chúa trên núi Sinai, nhưng vua không cho, nên Thiên Chúa đã làm những phép lạ lẫy lừng để bắt vua phải thả dân đi. Cuối cùng, qua phép lạ thứ 10 (giết con đầu lòng), vua Pharaon Ai Cập thúc giục dân ra đi, sau 430 năm nô lệ.

Thiên Chúa truyền cho người Do thái phải mừng lễ này để ghi nhớ việc Thiên thần "vượt qua" nhà người Do thái, không giết con họ.

2/. LỄ NĂM MƯƠI

Gọi là lễ Năm mươi vì mừng sau lễ Vượt Qua 50 ngày. Mục đích để nhớ việc Thiên Chúa ban hai bia đá có khắc 10 Điều răn trên núi Sinai. Người dân cũng có ý tạ ơn Chúa đã ban mùa màng hoa quả. Hôm đó, mỗi gia đình phải xay bột mới, làm 2 tấm bánh để dâng Thiên Chúa .

3/. LỄ LỀU (TRẠI)

Lễ cử hành vào tháng 7 hàng năm vào mùa thu cũng là mùa hái nho, lễ này vui nhất, để nhớ 40 năm lang thang sau khi rời đất Aicập. Người ta làm lều rồi ra ở lều để ghi nhớ cha ông xưa, trong đủ 7 ngày. Ngày đầu và cuối càng tưng bừng rộn rã.

Trong dịp lễ này, người Do Thái thường cầu mưa cho mùa màng sắp tới, nên trong 7 ngày họ rước nước từ hồ Siloê về tới Đền thờ, rồi tưới lên bàn thờ; còn dân chúng tay cầm nhành lá và rước theo sau.
_______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người.”

Bài Tin mừng hôm nay được trích từ đoạn (Ga 7, 1-30), có một số chi tiết mà Phụng vụ bỏ qua để làm cho Bài Tin mừng được cô đọng hơn. Phần bỏ qua đó chủ yếu nói về thái độ của người thân (anh em của Người) đối với Đức Giêsu. Chính vì bỏ qua những chi tiết trên, nên độc giả khó nắm bắt được diễn biến của câu chuyện. Khi phân tích nếu gặp chi tiết nào khó hiểu, ta sẽ trích lại phần đã bỏ qua đế độc giả có thể hiểu về nó.

Sau khi Đức Giêsu chữa cho người bất toại ở hồ Bết-da-tha vào một ngày Sabbath, đã nổ ra cuộc tranh luận gay gắt giữa Đức Giêsu và người Do Thái trong chính Đền thờ Giêrusalem (miền Giuđêa). Họ lên án Ngài vì đã chữa bệnh trong ngày Sabbath. Còn Đức Giêsu, Ngài bày tỏ quan niệm rõ ràng và dứt khoát về ngày này, nó phải là ngày như bao ngày khác khi người ta muốn thể hiện tình yêu đối với anh em, người ta có thể phô diễn lòng quảng đại, lòng thương xót đối với người bất hạnh, mà không bị hạn chế. Mà đáng lý ngày Sabbath cần phải đẩy mạnh hơn nữa những cử chỉ và việc làm bác ái đó, người ta có thể thực hiện nhiều hơn so với ngày thường, và đó là cách thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa nhất.

Lý do Đức Giêsu đưa ra: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5, 17) Vâng Thiên Chúa luôn làm việc và Đức Giêsu cũng làm việc không ngừng, tình yêu của Ngài không lúc nào ngừng lại. Người Do Thái muốn dùng luật Sabbath, để bắt Đức Giêsu không được bày tỏ tình yêu, đó là thái độ hỗn xược và bất kính.

Nhân sự kiện này, Đức Giêsu đã mặc khải cho người Do Thái biết Thiên Chúa là Cha Ngài, và Ngài là Con. Chúa Cha yêu Chúa Con đến nỗi đã tỏ cho Chúa Con tất cả mọi việc Chúa Cha làm, vì Chúa Cha và Chúa Con là Một..... Đức Giêsu còn đưa ra tất cả các lời chứng xác thực để chứng minh, Ngài là Con Thiên Chúa.

Tất cả các sự kiện này đã đẩy sự chống đối của người Do Thái lên đến cực điểm, vì Đức Giêsu không những vi phạm ngày Sabbath mà còn gọi Thiên Chúa là Cha, đòi ngang hàng với Thiên Chúa. Họ định bắt Ngài để giết, nhưng họ không thể làm gì được vì GIỜ NGÀI CHƯA ĐẾN.

Sau đó Đức Giêsu bỏ Giuđêa (nơi có Đền thờ) mà về lại Galilêa, là nơi Ngài hoạt động công khai rao giảng tin mừng, và tại đó có Carphacnaum, “Thành của Ngài”.

“Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người.” Có người cho rằng Đức Giêsu sợ người Do Thái, sợ bị bắt và bị giết. Suy nghĩ đó quá thô thiển khi đánh giá thấp Đấng Cứu Thế. Như vừa phân tích, độc giả phải hiểu: Đức Giêsu đã trực diện với người Do Thái trong Đền thờ Giêrusalem, dõng dạc tuyên bố diễn từ của Ngài về Chúa Cha, cho người Do Thái biết Ngài là Con Thiên Chúa. Việc trực diện với người Do Thái để nói lên quan điểm của mình, chứng tỏ Đức Giêsu đã sẵn sàng cái “Giờ sẽ đến”, tức cuộc Khổ nạn sắp diễn ra.

“Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.”

Bối cảnh là gần đến Lễ Trại của người Do Thái. Ở đây Gioan có nói đến “anh em của Người”, đó là họ hàng thân thích. Anh em của Đức Giêsu, các môn đệ và Ngài cũng sẽ lên Giêrusalem để mừng lễ này.

Có một chi tiết ta cần để ý: “Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi”, có nghĩa Đức Giêsu không cùng đi với họ. Độc giả có thể thắc mắc, tại sao tất cả không cùng đi chung với nhau, mà người trước người sau như vậy?

Gioan viết: “Lễ Lều của người Do-thái gần tới, anh em Đức Giê-su nói với Người: "Ông bỏ đây mà sang miền Giu-đê đi, để cả môn đệ của ông cũng được nhìn thấy những việc ông làm, vì không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu ông làm những việc ấy, thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết." Thật thế, anh em Người không tin vào Người. Đức Giê-su nói với họ: "Thời của tôi chưa đến, nhưng thời của các anh lúc nào cũng thuận tiện. Thế gian không thể ghét các anh, nhưng tôi thì nó ghét, vì tôi làm chứng rằng các việc nó làm thì xấu xa. Các anh cứ lên dự lễ đi; còn tôi, tôi không lên dự lễ này, vì thời của tôi chưa chín muồi." Nói thế rồi, Người ở lại miền Ga-li-lê.” (Ga 7, 2-10)

Gioan trình bày thái độ của anh em Đức Giêsu, họ là những người háo danh. Háo danh ở chỗ, họ muốn Đức Giêsu sang miền Giuđêa để mọi người nhận biết, họ nghĩ không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm như vậy, nhưng nghĩ cho Đức Giêsu thì ít mà nghĩ về mình thì nhiều, khi Đức Giêsu được nổi danh, thì họ cũng được thơm lây. Họ có thể hãnh diện khoe với mọi người, mình là anh em họ hàng với Đức Giêsu. Họ khích Ngài: “Nếu ông làm những việc ấy, thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết”.

Đức Giêsu nói: “Thời của tôi chưa đến, nhưng thời của các anh lúc nào cũng thuận tiện. Thế gian không thể ghét các anh, nhưng tôi thì nó ghét, vì tôi làm chứng rằng các việc nó làm thì xấu xa.” Hai chữ “thời” được dùng trong đoạn này rất chua cay. Thời của Đức Giêsu, đó là cuộc khổ nạn, là cái chết nhục nhã trên thập giá. Còn thời của họ, đó là danh thơm tiếng tốt, là sự thành đạt, sự nổi tiếng. Thời của Đức Giêsu chưa đến, còn thời của anh em Ngài lúc nào cũng có sẵn, họ muốn nổi tiếng lúc nào mà không được.

Anh em Đức Giêsu muốn Ngài đi cùng với họ. Đức Giêsu trả lời dứt khoát: “Các anh cứ lên dự lễ đi; còn tôi, tôi không lên dự lễ này, vì thời của tôi chưa chín muồi." Nói thế rồi, Người ở lại miền Ga-li-lê.”

Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.” Như vậy Đức Giêsu không cùng đi với họ, mà là đi sau đó, nhưng đi cách kín đáo. Tại sao phải đi cách kín đáo? Vì đây là lễ vui nhất trong năm của người Do Thái, sự hiện diện của Ngài sẽ gây ra sự náo động, phá đi niềm vui của ngày lễ. Náo động bởi 02 loại người: Người ái mộ và người chống đối.

“Có một số người ở Giêrusalem nói: "Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu".

Gioan viết: “Vào giữa kỳ lễ, Đức Giê-su lên Đền Thờ và giảng dạy” (Ga 7, 14). Lễ Trại diễn ra 07 ngày, như vậy vào ngày thứ tư, Đức Giêsu mới xuất hiện trong Đền thờ và giảng dạy.

Sự vắng mặt Đức Giêsu trong thời gian đầu buổi lễ đã gây sự xôn xao cho người Do Thái. Gioan viết: “Người Do-thái tìm kiếm Người trong dịp lễ và nói: "Ông ấy đâu rồi?" Dân chúng bàn tán nhiều về Người. Kẻ thì bảo: "Đó là một người tốt." Kẻ thì nói: "Không, ông ta mê hoặc dân chúng." Nhưng không ai dám công khai nói về Người, vì sợ người Do-thái.” (Ga 7, 11-13)

Gioan dùng từ rất chua cay: “Người Do Thái ........ sợ người Do Thái”, ông có sở trường, dùng một từ nhưng lại chỉ đến 02 loại người trái ngược nhau. “Người Do Thái” ở vế đầu ám chỉ dân chúng, còn “người Do Thái” ở vế sau ám chỉ người lãnh đạo Do Thái giáo.

“Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô?” Việc Đức Giêsu công khai xuất hiện trong Đền thờ giảng dạy, nhằm thời điểm cao trào của buổi lễ, và nhất là người Do Thái đang tìm cách bắt và giết Ngài là sự kiện gây chấn động mạnh.

Độc giả có thể thắc mắc: Tại sao Ngài lại công khai như vậy? Thưa: vì Ngài đến trần gian là để thi hành Thánh ý Cha, lương thực của Thầy là thi hành Thánh ý Cha Ngài. Tại sao những người có quyền không bắt Ngài? Vì Giờ Ngài chưa đến. Như vậy Chương trình Cứu độ vẫn cứ diễn ra theo như nó phải thế, trong ý định của Thiên Chúa, và không có bất cứ thế lực chặn nó được.

“Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu".

Người Do Thái biết rất rõ gốc tích Đức Giêsu, biết rõ Ngài sinh ở đâu, con ông bà nào, làm nghề gì. Anh em với Ngài là ai. Từ những cái biết đó họ kết luận, Đức Giêsu không phải là Đấng Kitô. Vì Đấng Kitô theo họ, phải là Đấng thật huyền bí, từ trời xuống, không ai biết Ngài, Ngài phải xuất thân từ trời. Nếu còn một người biết Ngài thì vẫn chưa phải Đấng Kitô.

Bây giờ độc giả có thể mỉm cười người Do Thái, sao họ lại có những ý nghĩ ngây ngô thế. Nhưng xin chớ cười họ, vì độc giả đang sống trong thế kỷ 21, đã được học hỏi Thánh kinh, học hỏi lời Chúa, ai cũng biết: Đức Giêsu có 02 bản tính, Bản tính Thiên Chúa và Bản tính nhân loại. Nhưng người Do Thái ngày xưa đâu có biết điều này, họ chỉ nhìn Đức Giêsu dưới Bản tính nhân loại, nên họ suy nghĩ như vậy cũng không có gì đáng trách. Điều đáng trách nơi họ, họ đã được Đức Giêsu mặc khải nhưng họ không tin.

Ta còn nhớ lời tiên tri của cụ Simêon, nhân sự kiện Đức Mẹ dâng Con trong Đền thánh, cụ nói: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2, 34-35).

Vâng quá nhiều người đã “ngã xuống” vì Đức Giêsu, đó là những kinh sư, Pharisêu, Thượng tế, Kỳ mục,.... họ vấp phải tảng đá của thành kiến, của ghen ghét và đã ngã xuống. Cũng có nhiều người “đứng lên” vì Đức Giêsu, đó là những người thành tâm thiện chí tìm kiếm chân lý, trong đó có chúng ta. Nhiều cuộc chống đối đã nổ ra, ngày càng kịch tính, để cuối cùng dẫn đến cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra, vì đứng trước Đức Giêsu, không ai được giữ kín thái độ của mình mà phải tỏ lộ, một là theo hai là chống lại.

“Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: "Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta".

Gioan dùng cụm từ “Người lớn tiếng”, biểu lộ một sự tức giận của Đức Giêsu. Thiên Chúa cũng tức giận ư? Có chứ sao không, vì Đức Giêsu đã làm bao nhiêu phép lạ, đã mạc khải rất nhiều về Ngài, nhưng tại sao họ không biết mở mắt để nhìn đến những thực tại cao hơn, mà cứ quanh quẩn đến mấy cái chuyện, Ngài xuất thân ở đâu, cha mẹ Ngài là ai, làm nghề gì.... Họ đâu biết rằng trong chính cái tầm thường ấy biểu lộ Tình yêu cao vời của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô trong thư Philipphê đã viết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Trong chính sự tự hạ, mà người Do Thái khinh miệt, cho là tầm thường, Đức Giêsu đã trở nên Ơn Cứu Chuộc cho con người. Đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà loài người không thể nào hiểu được.

“Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta".

Người Do Thái đã nói: “Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu", họ cho rằng Đấng Cứu Thế phải là Đấng huyền bí, phát xuất từ trời cao. Đức Giêsu nói lớn tiếng cho họ biết, Ngài từ Thiên Chúa mà đến. Ngài không tự mình mà đến, nhưng có Đấng đã sai Ngài. Như vậy, phát xuất của Đức Giêsu là từ trời cao, Ngài đến từ trời cao, như vậy Ngài là Đấng Messia.

Người Do Thái không thể nào biết Đấng đó, muốn biết Đấng đó, thì phải là người sống trong đời sống nội tại của Ba Ngôi. Đức Giêsu sống trong đời sống nội tại của Ba Ngôi, Ngài là Thiên Chúa, như vậy chỉ có Ngài biết Chúa Cha. Nhưng Ngài không đóng đóng kín sự biết của mình, mà mặc khải cho con người, để ai tin vào Ngài sẽ được cứu độ.

Tình yêu Thiên Chúa luôn tự mở ra cho con người, như lời mời gọi mọi người bước vào và sống trong tình yêu đó. Trong thời đại hôm nay, con người đang giãy giụa, đang đau khổ vì chính thành quả mình làm ra. Họ ca tụng hiệu năng, chú trọng thành quả, họ đang gạt Thiên Chúa ra một bên để nắm quyền điều khiển chính mình. Ngày càng xuất hiện nhiều chuyện đau lòng như: phá thai, giết người, trộm cướp, tham nhũng, ăn chơi trác táng,.... đó là kết quả của một lối sống gạt Thiên Chúa sang một bên. Đức Giêsu muốn nói với con người qua mọi thời đại, chỉ khi nào con người biết nhìn nhận Thiên Chúa, biết đặt Thiên Chúa là cùng đích cuộc đời thì họ mới được cứu độ. Thiên Chúa thì ta không thể hiểu, không thể nào nắm bắt, nhưng khi tin vào Đức Giêsu và sống theo lời Ngài, ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

“Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.”

Vâng cái điệp khúc “Giờ Ngài chưa tới” cứ vang mãi, và khi giờ Ngài chưa tới thì thế lực của Satan và của sự dữ vẫn phải án binh bất động. Nhưng Giờ của Ngài đã đến cách đây hơn 2.000 năm, và nó sắp đến trong Mùa Chay thánh này. Nó cũng sắp đến trong cuộc đời của ta, và đó là giờ cứu độ.

Amen.
________________________
Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2667
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  20
 Hôm nay:  2000
 Hôm qua:  3093
 Tuần trước:  25660
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12370758

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn