Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
(25/04/2014) – (Ga 21, 1-14)

 



Bài đọc I: Sách Tông đồ công vụ (Cv 4,1-12)
Bài Tin mừng: Tin mừng theo Thánh Gioan (Ga 21, 1-14)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Bấy giờ, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không." Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây!" Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: "Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Nếu độc giả chú ý, ngay trước Bài Tin mừng hôm nay Gioan viết: “Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.” (Ga 20, 30-31)

Rõ ràng Đoạn (Ga 20, 30-31) là phần kết của Sách Tin mừng thứ tư của Thánh Gioan. Vậy toàn bộ Chương 21, trong đó được bắt đầu bằng Bài tin mừng hôm nay (Ga 21, 1-14) được viết thêm sau này. Nó như phần Phụ chương cho Sách Tin mừng thứ tư. Vấn đề đặt ra: Ai viết phần Phụ chương này, Gioan hay đồ đệ của ông? 

Nếu đọc toàn bộ Chương 21, ta thấy cách viết và cách diễn tả vẫn theo phong cách của Gioan, như vậy người ta dễ nghiêng về giả thiết: Chính Gioan đã viết thêm phần Phụ chương này. Nội dung Chương 21 nói về: Quyền tối thượng của thánh Phê-rô, lãnh đạo của Giáo Hội truyền giáo (Ga 21, 1-14) và Mục tử của Giáo Hội được thiết lập trên tình yêu (Ga 21, 15-19).

“Bấy giờ, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.”

Không gian được giới thiệu ở đây là Biển Hồ Ti-bê-ri-a, miền Galilê. Gioan nói: “Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a” và phần cuối Bài tin mừng Gioan xác định: “Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết”. Như vậy đây là cuộc tỏ mình của Đức Giêsu lần thứ ba theo Gioan.

Các nhân vật trong câu chuyện hôm nay gồm: “Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa”, như vậy tổng cộng có tất cả 07 người. “Hai môn đệ khác nữa” không được Gioan nêu tên.

“Tất cả đang ở với nhau”, có nghĩa theo Matthêu, ngay ngày thứ nhất trong tuần, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. Đức Giêsu hiện ra với các bà, Ngài nói: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó." (Mt 28, 10). Hai bà đã về báo cho các môn đệ.

Các môn đệ theo lời các bà đã đến Galilê để chờ gặp Đức Giêsu. Nhưng không phải tất cả các ông cùng về mà chỉ có 07 người. Vậy còn những người kia tại sao không về, Gioan không nói đến. Nhưng theo Kinh thánh, con số 7 chỉ sự viên mãn, không biết đó có phải là cố ý hay chỉ là sự vô tình?

“Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.”

Độc giả để ý, Đức Giêsu chỉ nói, Ngài sẽ gặp các môn đệ ở Galilê, chứ không xác định địa chỉ cụ thể nào. Galilê là miền rất rộng và nơi nào cũng in dấu chân Thầy trò, vì trước đây Ngài đã chọn Galilê là miền loan báo Tin mừng. Nhưng ta sẽ chú ý đến Biển hồ Ti-bê-ri-a, vì nơi đây Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng nhiều nhất và cũng từ Biển hồ này Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Trước mắt họ tập trung tại ngôi nhà Thầy trò hay ở. Các ông đa số là các ngư phủ lành nghề, chẳng hạn ông Phêrô, hai người con của ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan, còn các ông khác ta không dám chắc. Trong thời gian chờ Đức Giêsu, rảnh rỗi không biết làm gì, máu nghề nghiệp của Phêrô lại trổi lên. Ông nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây." Các ông còn lại liền hưởng ứng ngay.

Độc giả thấy có điều lạ, không biết Thiên Chúa muốn cho nó xảy ra như vậy không, ta không biết, nhưng sự kiện “đêm ấy họ không bắt được gì cả”, làm cho ta phải suy nghĩ. Ở đây tất cả mọi điều kiện đã có sẵn: Họ là những ngư phủ lành nghề - Biển hồ rất nhiều cá – Cá thường xuất hiện vào ban đêm – Biển yên sóng lặng,.... thật là lý tưởng cho việc đánh cá. Nhưng họ vẫn bị thất bại.

Như vậy, đây là lần thứ hai các ông đã thất bại. Lần thứ nhất cũng xảy ra tại biển hồ này, Luca viết: “Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." Ông Si-môn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.” (Lc 5, 3-7).

Như vậy lịch sử đã lặp lại như muốn chứng minh một chân lý: Với những ai ỷ vào tài năng, ỷ vào sự khôn ngoan thông thái của mình mà không biết cậy trông vào Chúa, họ sẽ bị thất bại nặng nề. Bạn có thể hỏi những người đã thành công ở đời, họ sẽ cho bạn những trải nghiệm hết sức thú vị. Sở dĩ họ thành công vì họ luôn sống trong tinh thần phó thác và cậy trông vào Chúa, cho dù đó là việc nhỏ nhất. Có ai ở đời dám vỗ ngực tự hào, vì khi làm như vậy, họ là những con người kiêu ngạo, mà Kinh thánh nói: Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên. Khiêm tốn chính là nhìn ra con người thật của mình, nhìn ra con người yếu đuối của mình để luôn cậy trông vào ân sủng của Thiên Chúa.

Ta thử nghiệm lại cuộc đời mình xem, trong những lần thất bại, cái lý do thất bại nó nằm ở đâu? Có thể có rất nhiều lý do, có thể do không có khả năng, do không biết tính toán, do không biết lường trước, do không có tiền,... nhưng cái lý do lớn nhất, đó là ta không biết cậy trông vào Chúa. Cuộc đời luôn biến hóa khôn lường, biến cố xảy đến nó muôn hình muôn vẻ, không có biến cố nào giống biến cố nào. Kinh nghiệm ta có ở lần trước, không thể áp dụng cho lần sau,... Như vậy sống ở đời ai dám vỗ ngực tự hào chứ! Thật là ngốc.

“Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không." Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá."

Như vậy đêm tối đã qua đi, thời gian của sự dữ, sự ác, sự thất bại đã bị đầy lùi để nhường bước cho một ngày mới. Gioan viết: “Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển”. Gioan rất thích chủ đề Ánh sáng và Bóng tối. Trời đã sáng, thứ ánh sáng tự nhiên theo quy luật trời đất, nhưng nó lại nằm trong Ánh sáng của Đức Giêsu, vì Gioan gọi Ngài là Ánh sáng thế gian.

Đức Giêsu đóng vai người khách bộ hành vui miệng hỏi thăm, nhưng điều muốn nói ở đây, các môn đệ không nhận ra Ngài. Như vậy trong tất cả các lần Đức Giêsu hiện ra, không ai nhận ra Ngài ngay lúc gặp mặt. Đó là đặc điểm của Đức Giêsu Phục sinh. Tại sao họ không nhận ra? vì Đức Giêsu đã Phục sinh, thân xác Ngài được biến đổi. Một thân xác hiển linh, không còn bị ảnh hưởng bởi không gian và thời gian. Ta không biết thân xác của Ngài biến đổi thế nào, nhưng chỉ khi Ngài tỏ cho ai thì người ấy mới nhận biết.

“Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời: "Thưa không." Một câu hỏi với cách xưng hô rất bình dân, và câu trả lời cũng rất thật tình, một lời thú nhận thất bại.

Độc giả chú ý, Đức Giêsu không hỏi: “các chú có bắt được gì không?” nhưng Ngài hỏi: “Không có gì ăn ư?” có nghĩa Ngài muốn hỏi đến lượng cá nhỏ nhất, đủ để ăn. Các môn đệ trả lời: “Thưa không”, như vậy chứng tỏ họ không bắt được gì, cho dù một con. Sở dĩ phải nhấn mạnh điểm này để muốn nói, họ bị thất bại hoàn toàn cho dù là các tay ngư phủ lành nghề. Thật đáng xấu hổ.

“Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Lần này khác với lần trước. Ở lần trước Đức Giêsu nói với Simon: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." Nhưng lần này Ngài lại nói: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi”. Độc giả thấy lời Đức Giêsu có đáng tin không? Thưa: không đáng tin. Vì sao? Thưa vì các lý do sau đây:

1/. Đức Giêsu chỉ là khách bộ hành đang thăm biển vào buổi sáng, Ngài không phải là ngư phủ chứ chưa nói đến ngư phủ lành nghề, với lại đang đứng trên bờ, làm sao Ngài có thể phóng mắt để biết bên phải mạn thuyền có cá.

2/. Trời đã sáng, ở Biển hồ này cá thường xuất hiện vào ban đêm, đến sáng chúng di chuyển về chỗ ở của chúng, thì làm gì còn cá để mà bắt.

3/. Đức Giêsu không nói các ông thả lưới ở một nơi khác, mà thả ngay nơi các ông đã thất bại, thì làm gì có cá. Các ông đã thả lưới tại chỗ đó và đã không bắt được gì.

Như vậy, với những lý do trên, lời của Đức Giêsu không đáng tin.

“Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.”

Độc giả rất ngạc nhiên, tại sao các môn đệ lại dễ nghe như vậy? Hình như lịch sử đã lặp lại chăng? Trong thất bại lần trước, Luca viết: “Ông Si-môn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." (Lc 5, 5). Lần này mặc dù không nói ra, nhưng các ông đã hành động y như vậy.

Gioan viết: “Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.” Thật là một sự trùng hợp khó hiểu. Trong mẻ cá lần thứ nhất, Luca viết: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp” (Lc 5, 6-7)

Như vậy 02 mẻ cá giống nhau hoàn toàn, chỉ khác 01 điểm duy nhất. Ở mẻ cá theo Luca, Đức Giêsu đã ở trong thuyền. Còn ở mẻ cá theo Gioan, Đức Giêsu lại ở tách biệt với các môn đệ, Ngài ở trên bờ còn các ông ở trong Biển hồ. Chính sự khác nhau và giống nhau ở 02 mẻ cá đã cho ta nhiều điều để suy nghĩ.

1/. SỰ KHÁC NHAU:

Mẻ cá của Gioan xảy ra sau khi Đức Giêsu phục sinh, Ngài ở trên bờ, còn các môn đệ ở trong thuyền và ở trong Biển hồ. Biển hồ là hình ảnh của thế gian, là nơi ẩn chứa bao sự dữ, ẩn chứa bao thử thách, nó luôn là chiến trường mà người môn đệ phải dốc hết sức ra chiến đấu.

Ngài không ở trong thuyền, có nghĩa Ngài không còn hiện diện với các ông bằng xương bằng thịt, nhưng Ngài vẫn hiện diện, vẫn quan tâm và dõi mắt theo Giáo Hội, và làm cho nỗ lực của môn đệ được đơm hoa kết trái. Giáo hội vẫn được mẻ cá đầy, đó là làm cho nhiều người nhận biết Đức Kitô.

2/. SỰ GIỐNG NHAU:

Sau khi thất bại suốt đêm không bắt được gì, các môn đệ trong 02 mẻ cá đã vâng lời Đức Giêsu mà thả lưới, họ đều thu được mẻ cá đầy, nhiều đến nỗi các ông không sao kéo lên được. Ở cả hai trường hợp, dấu lạ đã xảy ra. Chính điểm giống nhau này, người môn đệ được Đức Giê-su thương mến đã nhận ra Thầy mình. Vâng đúng vậy, sau khi Đức Giêsu phục sinh, không ai có thể nhận ra Ngài, trừ khi Ngài tỏ mình cho họ thấy. Hôm nay Đức Giêsu đã tỏ mình cho các ông qua mẻ cá đầy, và người môn đệ kia là người đã nhận ra trước nhất.

Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: "Chúa đó!" Vừa nghe nói "Chúa đó!", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Cũng vẫn là Phêrô, ông xứng đáng là Tông đồ trưởng, luôn là người đi đầu trong tất cả mọi trường hợp. Ông “vội khoác áo vào vì đang ở trần”, đó là thái độ tôn kính đặc biệt đối với Đức Giêsu. Ông không thể gặp Ngài với mình trần như vậy, cho dù đang lúc làm việc. Ông nhảy xuống biển vì muốn gặp Thầy ngay tức khắc mà không chờ cùng với các ông khác chèo thuyền vào. Thái độ mau mắn này luôn là đặc tính con người của ông, nó nói lên sự nhiệt tình và lòng yêu mến Thầy một cách đặc biệt. Quả thực Đức Giêsu không bao giờ lầm khi chọn Phêrô, cho dù vì giây phút yếu đuối, ông đã chối Thầy đến 03 lần.

“Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.” Các môn đệ khác cũng chèo thuyền theo Phêrô để gặp Đức Giêsu.

Chương 21 sẽ nêu bật con người của Phêrô, vì trong lần hiện ra với các môn đệ ở Biền hồ, Đức Giêsu mới xác định vai trò Thủ lĩnh của Phêrô trong lòng Giáo hội. Nhưng trong Bài Tin mừng hôm nay chưa đề cập đến.

“Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây!" Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.”

Khi vẫn còn ở Biển hồ, các môn đệ thấy Đức Giêsu như người khách bộ hành thăm biển lúc sáng sớm, nhưng khi lên bờ, các ông mới thấy Ngài là người Thầy vĩ đại, quan tâm lo lắng cho học trò mình rất chu đáo. Gioan viết: “Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.” Đó là tất cả những gì Đức Giêsu đã chuẩn bị cho các môn đệ bữa sáng.

Nhưng Đức Giêsu không muốn dùng thức ăn có sẵn này, Ngài muốn dùng cá mà các ông vừa bắt được, Ngài nói: "Đem ít cá mới bắt được tới đây!". Người thực hiện điều này cũng vẫn là Phêrô. Một mình ông lên thuyền kéo lưới vào bờ, công việc quá sức một người, Phêrô vẫn làm được, ông làm được vì ông yêu mến Thầy cách đặc biệt. Gioan nói, “Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách”.

Con số 153 ở đây có nghĩa gì?

Có nhiều cách giải thích con số này, và tất cả các lối giải giải thích đều đi đến một kết luận duy nhất. Có lẽ ta thiên về lối giải thích của Thánh Giê-rô-ni-mô, theo ngài, thời ấy các Nhà Động vật học đã liệt kê được 153 loài cá. Như vậy con số 153 mà Gioan đưa ra rất phù hợp với khoa học thời đó. 153 con, tượng trưng cho 153 loài cá, nó muốn nói lên ý nghĩa của việc truyền giáo, mà các môn đệ và những người kế thừa các ông sẽ thực hiện, đó là làm cho muôn dân nhận biết Thiên Chúa, đưa mọi dân mọi nước về với Chúa.

“Đức Giê-su nói: "Anh em đến mà ăn!" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai?", vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.”

Đức Giêsu mời các môn đệ đến ăn: "Anh em đến mà ăn!". Các môn đệ đã biết rõ là Thầy mình, nên trong bữa ăn không ai dám hỏi Ngài là ai. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.

Độc giả thấy rõ, trong bữa ăn này chỉ có bánh và cá, không có rượu. Hai yếu tố “bánh” và “cá” xem ra không phù hợp với bữa ăn cuối cùng trong buổi Tiệc ly, bữa tiệc Thánh Thể. Nhưng “cầm lấy bánh trao cho các ông”, nó lại là cử chỉ của bữa tiệc Thánh thể. Hơn thế nữa “bánh” và “cá” là những biểu tượng trong Giáo hội sơ khai nói về Thánh Thể. Vậy bữa tiệc này có ý nghĩa gì?

“Mẻ cá lạ lùng” và "bữa ăn của Chúa” diễn tả hai khía cạnh bất khả phân của thực tại Giáo Hội: hoạt động truyền giáo và bàn tiệc Thánh Thể. Giáo Hội được mời gọi nối tiếp sứ mạng của Đức Giê-su, loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.

Câu cuối cùng của Bài Tin mừng hôm nay: “Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết”. Như vậy Gioan xác định đây là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình cho các môn đệ.

Ngài vẫn tỏ mình cho thế giới hôm nay. Ta có nhận biết Đức Giêsu trong cuộc đời mình không? Đó là câu hỏi mà ta phải trả lời, còn Ngài, Ngài vẫn tỏ mình cho những ai tìm kiếm Ngài, vẫn tỏ mình cho những ai yêu mến và tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ trong cuộc đời này.

Amen.
____________________________

Jos. Nguyễn Viết Tâm.
 


Trở lại      In      Số lần xem: 2916
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  20
 Hôm nay:  2963
 Hôm qua:  3093
 Tuần trước:  25660
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12371721

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn