Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
(24/04/2014) - (Lc 24, 35-48)

 



Bài đọc I: Trích sách Tông đồ Công vụ (Cv 3,11-26)
Bài Tin mừng: Tin mừng theo Thánh Luca (Lc 24,35-48)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Bấy giờ, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm." Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Bấy giờ, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.”

Bài Tin mừng hôm nay được nối tiếp sau sự kiện Emmau. Luca viết: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.” (Lc 24, 33-35)

Trong căn phòng này có khá đông người, gồm có Nhóm Mười Một và các bạn hữu, bây giờ có cả 02 môn đệ từ Emmau trở về. Ta để ý chi tiết: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." Như vậy Đức Giêsu Phục sinh đã hiện ra với Phêrô. Theo Luca, các cuộc hiện ra của Đức Giêsu với số lượng người chứng kiến càng lúc càng tăng lên. Mới đầu là Phêrô (01 người), tiếp đến là 02 môn đệ trên đường Emmau, và tại căn phòng này, trong bài Tin mừng hôm nay tường thuật, Đức Giêsu sẽ hiện ra với họ. Luca muốn chứng minh cho độc giả thấy, Đức Giêsu đã sống lại thật, điều này không còn gì phải bàn cãi. Mỗi người có sự trải nghiệm khác nhau về Đức Giêsu phục sinh, và trong cuộc gặp mặt này, các ông sẽ kể lại cho mọi nghe sự trải nghiệm của mình.

Chi tiết thứ hai ta cũng cần để ý, sau khi Đức Giêsu chết và được mai táng trong mộ, các môn đệ sống trong sự sợ hãi vì họ là môn đệ Đức Giêsu. Các ông sợ người Do Thái tìm bắt, nên co cụm lại trong một căn phòng kín đáo, sự tụ họp này nhằm nâng đỡ tinh thần cho nhau. Vô tình nó đã tạo ra cơ hội cho Đức Giêsu hiện ra với tất cả các ông cùng một lúc.

“Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!"

Quả đúng như vậy, Đức Giêsu đã hiện ra và theo Luca, Ngài đứng giữa các ông. Đứng giữa có nghĩa Ngài sẽ là tâm điểm của mọi sự chú ý, các ông ai cũng thấy, và Đấng ban bình an sẽ ở ngay chính giữa của sự lo lắng và khiếp sợ. Nó có ý nghĩa thật to lớn, giống như một sức mạnh xuất hiện để chống đỡ, để vực dậy tất cả những gì đang muốn đổ xuống. Lời đầu tiên của Đức Giêsu, đó là "Bình an cho anh em!" Sự bình an đích thực của Đức Giêsu rất cần thiết cho các ông trong lúc này. Gioan viết: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27) Bình an của Đức Giêsu không theo kiểu thế gian, đó là thứ bình an đích thực trong tâm hồn.

“Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.”

Sự xuất hiện của Đấng ban bình an và lời ban bình an lại làm các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Đó là điều vô lý nhất trong sự kiện phục sinh của Đức Giêsu. Tại sao Đấng ban bình an lại làm cho các ông sợ hãi, tưởng là ma? Tại sao lời ban bình an không đủ sức trấn an cho các ông? Cái này thuộc về cảm tính, mà khi nói về cảm tính thì nó luôn chủ quan và gạt bỏ lý trí. Trên thực tế có những cái làm ta sợ hãi, mà không hiểu tại sao ta lại sợ nó, cứ y như gặp nó là phải sợ không cần phải suy nghĩ. Vậy ta phải lý giải sự kiện này như thế nào?

Có 02 cách giải thích:

+ Cách giải thích 1:

Vì các môn đệ chưa tin Đức Giêsu đã sống lại. Các ông đã phản ứng như một đêm nào trước kia, đang ở trên thuyền gặp sóng gió ngược ngoài khơi, các ông thấy một bóng ma đi trên mặt nước. Các ông kêu lên "ma kìa", nhưng sau đó các môn đệ đã được Đức Giêsu trấn an: "Thầy đây, đừng sợ!" (Mt 14, 26-27).

+ Cách giải thích 2:

Các ông đã tin Đức Giêsu phục sinh, nhưng chưa quen cách Ngài thể hiện. Có nghĩa sau khi phục sinh, thân xác của Đức Giêsu không còn bị chi phối bởi không gian và thời gian, đã vượt ra ngoài các định luật vật lý. Ngài muốn đến nơi nào tùy ý Ngài, cho dù có cửa đóng then cài. Nếu trong trường hợp này, Đức Giêsu đi từ ngoài vào nó sẽ khác rất nhiều, so với trường hợp Ngài đột ngột xuất hiện giữa các ông. Một cách thể hiện đi ra ngoài mọi quy ước, làm cho các ông sợ hãi.

Trong cả hai cách lý giải đều dẫn đến 01 kết quả, các ông tưởng mình thấy ma, và các ông đã kinh hồn bạt vía. Ta đừng nghĩ: sợ ma là chuyện của trẻ con, nó thực sự là chuyện của người lớn, ai cũng sợ, sợ quyền lực tối tăm luôn ẩn chứa sự dữ. Và nỗi sợ này làm cho con người kinh hãi.

Nói chi đâu xa xôi, ngay như ta, có rất nhiều điểm vô lý khi đặt niềm tin vào Đức Giêsu. Tại sao ta đã đặt trọn niềm tin vào Ngài, mà ta lại sợ hãi khi đối diện với thực tại cuộc đời. Tại sao ta vẫn lo lắng, vẫn bồn chồn, vẫn bối rối,... đó có phải tại ta không có đức tin ư? Hay tại niềm tin của ta yếu ớt? Thưa: Không phải vậy, ta vẫn tin và tin một cách mạnh mẽ nữa là đàng khác, nhưng ta vẫn sợ, và đó là một trong những điểm vô lý của Kitô hữu. Hình như sợ hãi là căn tính cố hữu của con người, nó gắn liền với thân phận làm người. Như vậy nhiều khi sợ hãi không mang ý nghĩa của việc thiếu đức tin, mà ta đang sống rất người trong cuộc sống làm người.

Để tìm hiểu nguyên nhân của sự sợ hãi, ta hãy học bài học nơi các môn đệ hôm nay, đó là do cách thể hiện của Thiên Chúa trong cuộc đời không như ta nghĩ. Ta cứ tưởng khi cầu xin, thì Thiên Chúa là Cha, Ngài sẽ nhậm lời và ban cho ta ngay điều ta xin. Thế nhưng Ngài đã không hành động như vậy, Ngài vẫn im lặng, một sự im lặng thật đáng sợ để ta phải tự mình loay hoay chống chọi, nhiều khi đi đến thất bại. Vậy Thiên Chúa đang ở đâu trong giây phút này, Ngài đang ngủ chăng? Vâng Ngài đang ngủ, nhưng vấn đề ở đây, Ngài đang ngủ trên con thuyền của các môn đệ khi gặp sóng to gió lớn, và Ngài cũng đang ngủ trong chính cuộc đời của ta. Đó mới là điều làm ta phải suy nghĩ, Thiên Chúa vẫn hiện diện trong con người nhỏ bé này chứ không đi đâu hết.

“Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.”

Đức Giêsu trách các môn đệ: sao lại hoảng hốt, sao lại ngờ vực. Độc giả có thể thấy rất vô lý ở điểm này.

Trước đó Luca viết: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." Ngài cũng hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, cả Phêrô và hai môn đệ đều hiện diện ở đây, các ông đã trải nghiệm Đức Giêsu phục sinh, thì ít nhất 03 ông này không được sợ hãi, họ sẽ là nhân tố lấy lại sự can đảm cho các ông còn lại, nhưng đàng này tất cả đều sợ hãi. Như vậy là thế nào?

Hình như ta đã khám phá ra điều gì đó trong sự Phục sinh của Đức Giêsu, không những sau khi phục sinh, thân xác Ngài được biến đổi toàn diện, vượt ra ngoài không gian và thời gian, nó còn một đặc điểm nữa, đó là luôn mới mẻ và sống động. Cho dù như Phêrô, theo Luca, đây là lần thứ hai ông được thấy Ngài, nhưng ông có cảm tưởng chưa được thấy lần nào, vì Ngài quá sống động. Và hai môn đệ trên đường Emmau cũng vậy. Đó là lý do làm các ông sợ hãi, kéo theo các môn đệ khác.

Đức Giêsu ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một, nhưng trong cái một đó là cả sự sinh động và phong phú, mà ta không thể nào nắm bắt. Vâng không ai có thể định nghĩa được Thiên Chúa, vì Ngài luôn sinh động và đổi mới, và trong Thiên Chúa không bao giờ có sự nhàm chán. Ngài vẫn luôn cuốn hút đời ta theo Ngài.

Đối với con người, chính sự nhàm chán đã gây ra biết bao thảm họa. Tại sao vợ chồng ly dị nhau, tại sao người này bỏ rơi người kia để chạy theo người khác,... vì tất cả đã nhàm chán nhau, họ muốn thay đổi khẩu vị, muốn thay người cũ bằng người mới. Nếu mỗi người biết xét mình hằng ngày, họ sẽ tìm ra yếu điểm của họ và làm cuộc thay đổi. Chính trong sự xét mình làm cho họ trở nên phong phú và đổi mới.

“Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem" Trước sự ngờ vực của các môn đệ, Đức Giêsu rất kiên nhẫn, trách thì trách vậy, nhưng Ngài cũng phải chứng minh cho họ thấy, sự sợ hãi của họ rất vô lý. Ngài mời họ kiểm tra, “Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem"

“Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.”

Sau khi Đức Giêsu cho các môn đệ xem chân tay và còn mời họ rờ vào, tức kiểm tra bằng thị giác và xúc giác, Luca viết: “Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng”.

Độc giả thấy có sự vô lý ở đây: Chưa tin, có nghĩa chưa xác nhận Đức Giêsu Phục sinh thì làm sao họ có thể mừng được. Thực ra từ “vì” ở đây muốn cho biết, lý do họ chưa tin, vì sự vui mừng của các ông quá lớn chiếm hết mọi cảm xúc, khiến cho lý trí chưa được thể hiện chứ không phải vì các ông chưa tin.

Đức Giêsu vẫn kiên nhẫn để chứng minh cho các môn đệ thấy: Ngài đã sống lại thật. Ngài hỏi họ: "Ở đây anh em có gì ăn không?" Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.”

Đây là phương pháp phổ biến thời ấy và cả thời nay, xem một đối tượng có phải là người thật không. Khi nói đến ăn, nó đòi hỏi phải có nhiều bộ phận đi kèm theo: Miệng, lưỡi, răng, bao tử, ruột,.... đó là những bộ phận của con người. Nếu là ma, nó không thể ăn vì nó chỉ là bóng chứ không có thân xác như con người. Đức Giêsu đã ăn trước mặt họ, có nghĩa Ngài là một con người bình thường. Một khúc cá nướng không có gì đáng nói, nhưng trong trường hợp này nó trở nên quan trọng, vì Đức Giêsu dùng nó để đánh tan mọi nghi ngờ nơi các ông. Như vậy là quá rõ, không còn ai nghi ngờ về sự kiện phục sinh của Đức Giêsu.

Bài Tin mừng bắt đầu chuyển sang phần hai: Đó là những lời chỉ bảo sau hết của Đức Giêsu dành cho các môn đệ.

“Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm."

Ta để ý cụm từ “tất cả”, có nghĩa Đức Giêsu chính là Đấng Messia mà sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Ngài, vì Đức Giêsu đã làm trọn tất cả không sót một điều nào. Trước khi chịu cuộc Khổ nạn, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12, 49-50) Đức Giêsu sẽ chịu 02 phép rửa. Đó là:

+ PHÉP RỬA BẰNG NƯỚC. Ngài đã thực hiện tại sông Jordan. Trong phép rửa đó, Ngài cũng xếp hàng như bao tội nhân khác để được Gioan làm phép rửa cho mình. Ngài vô tội, nhưng gánh hết tội nhân loại để trở thành thân tội và được nước sông Jordan giũ sạch.

+ PHÉP RỬA BẰNG MÁU. Ngài đã thực hiện khi bước vào cuộc Khổ nạn, Ngài đã chết trên thập giá để đền tội cho con người qua muôn thế hệ.

Như vậy, mọi sự đã hoàn tất. Đức Giêsu đã đưa nhân loại về với Thiên Chúa, giòng chảy lịch sử của con người và vũ trụ đã có hướng đi và đi về với Thiên Chúa. Ngài đã làm ứng nghiệm tất cả mọi lời tiên báo về Ngài trong Cựu Ước.

“Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.”

Trước khi bước vào cuộc Khổ nạn, Đức Giêsu đã tiên báo đến 03 lần: Ngài sẽ bị các Thượng tế, kinh sư giết chết, nhưng sau 03 ngày Ngài sẽ phục sinh. Đó là con đường mà Đấng Cứu Thế phải đi. Nhưng như ta thấy, các môn đệ không thể nào nuốt nổi những lời đó, vì các ông đang mang trong mình quan niệm về một Đấng Cứu Thế vinh quang, dùng quyền năng của mình giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ của La Mã.

Bây giờ lời tiên báo đã được Đức Giêsu thực hiện đầy đủ, Ngài đã bị các Thượng tế giết chết và đã Phục sinh. Có lẽ bây giờ các môn đệ mới có một cái nhìn đứng đắn về Đấng Cứu Thế. Đức Giêsu đã mở trí cho các ông hiểu Kinh thánh.

Sau khi có một cái nhìn đúng đắn về Đấng Cứu Thế, các môn đệ phải làm gì? Đức Giêsu nói: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.” Đây là công việc Đức Giêsu truyền cho các ông, là những người nối tiếp sứ vụ của Ngài. Nó gồm các việc sau đây:

1/. PHẢI NHÂN DANH THẦY. Có nghĩa mọi công việc các môn đệ làm hãy làm vì danh Đức Giêsu, các ông không được nhân danh mình, và càng không nhân danh bất cứ người nào khác, mà phải nhân danh Đức Giêsu.

Thánh Phêrô khi bị điệu ra trước Thượng hội đồng, vì nhân danh Đức Giêsu chữa cho một người què từ khi lọt lòng mẹ, chữa tại cửa Đẹp của Đền thờ. Ông dõng dạc tuyên bố trước Thượng hội đồng: “Xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." (Tđcv 4, 10-12)

2/. KÊU GỌI MỌI NGƯỜI ĂN NĂN SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC ƠN THA TỘI. Lời kêu gọi ăn năn sám hối đã vang lên trong Giáo hội không ngừng suốt hơn 20 thế kỷ nay, và còn tiếp tục cho đến ngày tận thế. Đó là nội dung chính trong sứ điệp Đức Giêsu trao cho các môn đệ. Các ông không rao giảng bất kỳ điều gì ngoài việc kêu gọi mọi người ăn năn sám hối trở về với Thiên Chúa.

3/. BẮT ĐẦU TỪ GIÊRUSALEM. Israen là dân Chúa chọn, và Thiên Chúa đã ký kết với Tổ phụ họ một giao ước vĩnh viễn. Bây giờ Đức Giêsu thực hiện giao ước đó, nhưng Nước Thiên Chúa không thể chỉ đóng khung trong nước Israen, mà nước đó sẽ lan rộng khắp mặt đất. Nhưng phải khởi đi từ Giêrusalem.

“Chính anh em là chứng nhân về những điều này”

Sau khi đã truyền cho các môn đệ những chỉ dụ cuối cùng, Ngài nhấn mạnh, chính các ông chứ không ai khác, các ông phải làm chứng về những điều đó, làm chứng về sự phục sinh của Ngài, vì các ông là những người được diễm phúc chứng kiến từ đầu đến cuối, các ông phải làm chứng cho Ngài. Đức Giêsu đã phục sinh, đó là niềm tin và niềm hy vọng của ta, để nếu ta cùng chết với Ngài ta cũng sẽ sống lại với Ngài.

Thánh Phaolô trong thư gửi Tín hữu Rôma đã viết: “Vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết thì thoát khỏi quyền của tội lỗi” (Rm 6, 5-7).

Amen.
_______________________

Jos. Nguyễn Viết Tâm.
 


Trở lại      In      Số lần xem: 2646
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  17
 Hôm nay:  3147
 Hôm qua:  3093
 Tuần trước:  25660
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12371905

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn