Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai Tuần Thánh (14/04/2014)

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai Tuần Thánh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai Tuần Thánh
(14/042014) - (Ga 12, 1-11)
XỨC DẦU THƠM TẠI BÊ-TA-NI-A

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.

Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?" Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giê-su nói: "Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu."

Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.
________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.”

Gioan cho chúng ta biết chỉ còn sáu ngày nữa là đến Lễ Vượt Qua, có lẽ đây là lễ Vượt Qua cuối cùng trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu, và thời gian Đức Giêsu và các môn đệ thăm gia đình Matta là buổi tối. Gioan viết: “Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su”. Gia đình Matta ở Bêtania, Bêtania có nghĩa là “Nhà của Người Nghèo Khó”, nó nằm ở bờ sông Jordan và cùng bên với Đền thờ Giêrusalem, không xa Đền thờ bao nhiêu.

Độc giả cũng hiểu, tình trạng giữa Đức Giêsu và những người lãnh đạo Do Thái giáo đang rất căng thẳng. Nhân sự kiện Ladarô được Đức Giêsu cho sống lại, Thượng tế và người Pharisêu đã họp Thượng Hội đồng và đi đến quyết định bắt Ngài, Gioan viết: “Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su” (Ga 11, 53). Sau đó họ đã thông báo đi khắp nơi, Gioan viết: “Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy (Đức Giêsu) ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.” (Ga 11, 57). Từ đó Đức Giêsu không còn công khai đi lại với người Do Thái.

Nhưng buổi thăm viếng gia đình Matta hôm nay, nó muốn nói lên một chân lý: “Tình yêu mạnh hơn sự chết”. Vâng đúng vậy. Cái chết luôn là điều kinh khủng đối với con người, không ai muốn chết và ai cũng muốn sống, nhưng có cái gì đó còn mạnh hơn nó. Vâng đó là tình yêu, với tình yêu người ta bất chấp tất cả, người ta sẵn sàng lao vào tất cả, và cuộc đời đã cho ta chứng kiến nhiều cái chết như vậy, những cái chết hào hùng vì chính Đạo, vì lý tưởng đã chọn và vì tình cảm với người ta yêu. Ngày hôm nay Thầy trò Đức Giêsu đến thăm gia đình Matta là một bằng chứng, tình cảm của Đức Giêsu dành cho gia đình Matta là tình cảm rất người trong thân phận làm người của Con Thiên Chúa. Ngài không thăm vội vàng và chớp nhoáng, nhưng đã ở lại dùng bữa, đủ chứng tỏ Ngài rất thong thả, không để ý gì đến lệnh bắt của người Do Thái.

Gioan giới thiệu từng nhân vật trong nhà:

+ Matta: “Cô Mác-ta lo hầu bàn”, có nghĩa Matta vẫn vậy, cô vẫn tất bật lo cho buổi thăm viếng được đầy đủ, chứng tỏ tình cảm đặc biệt dành cho người mà cô kính trọng.

+ Ladarô: “còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người”, nó chứng tỏ vị trí của người đàn ông trong xã hội Do Thái, người thay mặt gia đình hầu chuyện với khách quý. Anh vừa được Đức Giêsu cho sống lại. Đấng ban sự sống và người được ban sự sống cùng ngồi chung với nhau trong bữa tiệc này.

+ Maria: “Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.” Maria vẫn như cũ, vẫn ngồi ở vị trí dưới chân Đức Giêsu, vì đó là phần tốt nhất. Nhưng hôm nay có cái gì đó rất đặc biệt, cô ta không ngồi nghe mà là lấy dầu thơm nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau.

Việc làm của Maria khiến cho độc giả nhớ lại, có một phụ nữ đã làm cử chỉ này tại nhà ông Simon, người thuộc nhóm Pharisêu. Luca viết:

“Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.” (Lc 7, 36-38)

Người phụ nữ này mặc dù Luca không nêu tên, nhưng người ta cho đó là Maria Madalena. Cử chỉ của cô muốn nói lên lòng ăn năn sám hối vì quá khứ tội lỗi. Luca viết: “Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi."

Hôm nay Maria cũng làm cử chỉ này, nhưng việc làm của Maria mang ý nghĩa cao hơn, nó biểu lộ lòng yêu mến đặc biệt dành cho Đức Giêsu, và là việc mà Maria sẽ làm trong ngày táng xác Đức Giêsu.

“Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?" Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.”

Giu-đa Ít-ca-ri-ốt (từ nay gọi tắt là Giuđa) có mặt trong bữa tiệc này, không những Giuđa mà tất cả 12 môn đệ cũng có mặt, vì đây là giai đoạn căng thẳng nhất trong quan hệ giữa Đức Giêsu và người Do Thái, nên các môn đệ luôn theo sát Đức Giêsu.

Các Thánh sử, đặc biệt là Gioan khi nêu tên Giuđa, luôn kèm theo cụm từ “kẻ sẽ nộp Người”. Độc giả thấy các Thánh sử khi viết Tin mừng, các ngài viết sau khi mọi việc xảy ra khá lâu, cho tất cả tình cảm yêu thương giận ghét lắng xuống, để khi thuật lại biến cố nào, nó sẽ mang tính trung thực cao, đó là đặc tính của nhà viết sử. Nhưng cái tội phản bội, bán Thầy để lấy 30 đồng bạc của Giuđa, ai cũng khắc ghi trong lòng, cho nên khi viết tên Giuđa, các Thánh sử luôn kèm theo cụm từ “kẻ sẽ nộp Người”.

Trước việc làm của Maria, đặc biệt dầu thơm cam tùng nguyên chất mà Gioan nói: “Cả nhà sực mùi thơm”, những người có mặt tại đây chắc có nhiều suy nghĩ khác nhau. Nhưng không thấy ai lên tiếng chỉ trừ Giuđa, ông nói: "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?".

Giuđa chỉ trích cử chỉ của Maria. Ông cho rằng đó là một sự lãng phí, vì trong thực tế, ba trăm đồng là tiền lương của ba trăm ngày làm việc, tiền lương của gần cả một năm được tiêu xài chỉ trong một lần, thật quá vô lý! Giuđa nghĩ số tiền ấy nên đem cho người nghèo thì hay hơn nhiều. Mới thoạt nghe, độc giả có thể cho Giuđa có lý. Nhưng nó có đúng như Giuđa nói không, đó là chuyện khác, chuyện có lý hay vô lý của Giuđa ta sẽ bàn đến sau.

Trên thực tế, người ta thường mang người nghèo làm bức bình phong che đậy tâm địa của mình. Có bao giờ ta đặt câu hỏi, những nhà hảo tâm, những mạnh thương quân, họ làm từ thiện vì lý do gì? Dĩ nhiên nếu chỉ nhìn vào bên ngoài, độc giả không thấy gì hết ngoài tình cảm cao đẹp của họ. Nhưng nếu có điều kiện, độc giả đi sâu vào tìm hiểu mới có thể thấy được cái động lực thúc đẩy họ làm việc đó. Chính cái động lực bên trong, sẽ mang lại cho việc làm của họ có ý nghĩa, có giá trị hay không?

Rất nhiều người làm từ thiện vì mục đích cao cả, họ muốn chia sẻ những gì mình có cho người nghèo, người thiếu thốn khó khăn, họ không tư lợi cho mình dưới mọi hình thức. Họ làm để rồi quên đi chẳng còn muốn nhớ đến nó, họ không bao giờ mong có ai đó mang ơn họ, họ làm vì con người với con người, và cao hơn họ làm vì Chúa. Có thể họ không biết Chúa, nhưng nhân chi sơ tính bản thiện, cái thiện vốn có trong mỗi người, đã thúc đẩy họ nghĩ đến người bất hạnh. Việc làm của họ rất cao đẹp mà ai cũng tỏ lòng ngưỡng mộ. Cho dù họ chưa nhận biết Chúa, họ đã là Kitô hữu trong tiềm thức, Kitô hữu trong thực hành, là Kitô hữu vô danh. Thế giới này cần rất nhiều người như vậy, để thế giới được tốt đẹp hơn.

Nhưng không thiếu những con người làm từ thiện vì một động lực không tốt đẹp. Họ muốn đánh bóng mình, muốn tên tuổi mình được nêu lên các mặt báo, họ thích được ca tụng, thích được mọi người nhớ ơn,.... Dĩ nhiên những việc làm của họ cũng mang lại ích lợi thiết thực cho người nghèo, người nghèo cũng cần những đồng tiền của họ. Nhưng trước mặt Chúa, họ lại chẳng có gì hết.

Matthêu viết: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6, 1-4)

Trở lại trường hợp của Giuđa, Gioan đã lật tẩy thái độ giả hình này, Gioan viết: “Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.”

Có lẽ trong 04 Thánh sử, chỉ có 02 người sống cùng thời với Giuđa và là môn đệ trực tiếp của Đức Giêsu, đó là Matthêu và Gioan. Nhưng Gioan có lợi thế hơn Matthêu, vì Gioan là 01 trong ba môn đệ thân tín (Phêrô, Giacôbê, Gioan), nên theo sát mọi biến cố xảy ra cho Đức Giêsu. Như vậy lời ông nói có một giá trị đặc biệt. Vả lại đây là Kinh thánh, các Thánh sử viết theo sự linh hứng của Chúa Thánh Thần nên không thể sai lầm.

Gioan nói: “Giuđa là một tên ăn cắp”. Là một tên ăn cắp, nó đã xóa hết giá trị câu nói của Giuđa: "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?". Làm sao một tên chuyên ăn cắp lại có tâm địa tốt lo cho người nghèo. Thật khôi hài! Nếu biết lo cho người nghèo hẳn Giuđa đã không làm cái việc thụt két như Gioan nói. Số tiền mà Giuđa bỏ vào túi riêng, còn gấp mấy lần cân hảo hạng kia, sao Giuđa không nhớ. Thật ngụy biện. Đã mang tội ăn cắp, tội ngụy biện, mai mốt đây còn thêm tội bán Thầy. Thật tội chồng lên tội.

“Đức Giê-su nói: "Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu."

“Hãy để cô ấy yên”, Đức Giêsu muốn nhắc cho Giuđa và các môn đệ, không được can thiệp vào việc làm của Maria. Cái lý do mà Đức Giêsu đưa ra: “Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy”. Đức Giêsu muốn ám chỉ, Ngài sắp chịu Khổ nạn và chịu chết cách ô nhục, thì việc làm của Maria, đó là cô đã giữ dầu thơm này đề làm công việc mai táng.

Đâu phải cứ có tiền là chạy đi ngay lo cho người nghèo, đồng tiền sẽ được dùng vào nhiều mục đích tốt đẹp, trong đó có khoản cho người nghèo, lo cho sinh hoạt trong gia đình, và còn nhiều việc tốt đẹp khác. Trường hợp của Maria, cô đang làm công việc mang ý nghĩa cao cả. Như vậy lập luận của Giuđa nó có cái gì giả dối, Đức Giêsu sẽ bóc trần ra: “người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”.

Như vậy so sánh 02 trường hợp: trường hợp lúc nào cũng có, làm lúc nào cũng được và trường hợp chỉ xảy ra một lần và không có lần thứ hai, thì trường hợp nào được ưu tiên hơn. Rõ ràng ta phải ưu tiên trường hợp chỉ xảy ra một lần. Và cô Maria đã làm đúng, còn lập luận của Giuđa chỉ là ngụy biện.

Sự gian dối của Giuđa nó nằm ở chỗ này, Sách Đệ Nhị Luật viết: “Trong đất nước của anh em sẽ không bao giờ thiếu người nghèo. Và đây là lý do tôi truyền cho anh em, hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em!” (Đnl 15,11). Giúp đỡ cho người nghèo nó thành một luật trong lề luật, nhưng vấn đề ở đây, Giuđa muốn bán cân dầu thơm kia để giúp cho người nghèo, có nghĩa ông muốn dùng tiền của người khác làm từ thiện, chứ không phải tiền của ông. Nó chẳng khác gì “lấy phấn của người trét vào mặt mình”.

“Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có”, Đức Giêsu muốn nhắc Giuđa, nhắc các môn đệ, và nhắc nhở chúng ta hôm nay. Nhắc ta một thực tại: sự nghèo đói có mặt ở khắp nơi, ta không bao giờ thiếu cơ hội giúp đỡ người khác. Vấn đề ở đây, ta có biết mở rộng lòng mình hay không, đó mới là điều quan trọng.

Và một bài học đi kèm theo, ta phải xét lại cách sử dụng đồng tiền của mình. Thử hỏi ta đã dùng đồng tiền Chúa ban như thế nào? Ta có vất tiền qua cửa sổ, có vung tay quá trán trong các cuộc vui chơi bất tận không? Đó là điều ta phải suy nghĩ. Khi ta chưa biết sử dụng đồng tiền hợp lý, thì đừng nói gì đến việc giúp đỡ người nghèo, nó chẳng khác gì ngụy biện.

“Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.

Sự kiện Đức Giêsu đến nhà Matta ban tối cũng không tránh khỏi cặp của người Do Thái. Gioan viết: “Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết.” Như vậy có tất cả 02 lý do. Sự kiện Ladarô được Đức Giêsu cho sống lại luôn kích thích người Do Thái, không những ngày hôm nay, mà những ngày không có Đức Giêsu, họ cũng đến đây để nhìn thấy mặt người được sống lại. Nhưng ngày hôm nay vì có sự hiện diện của Đức Giêsu, với đủ 02 lý do thì số người đến đây ắt phải đông gấp bội.

Đó là lý do các Thượng tế quyết định giết luôn Ladarô, theo Gioan: “vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su”, có nghĩa vô tình anh trở thành lý do người ta đến với Đức Giêsu. Họ muốn giết trọn bộ: Đấng ban sự sống và người được ban sự sống.

Đây là thái độ hàm hồ nhất, giận cá chém thớt, vì đâu cần phải giết Ladarô, chỉ cần giết Đức Giêsu là hết chuyện. Nhưng giết Đức Giêsu xong có phải hết chuyện không? Thưa: Không, nó những không hết chuyện mà lịch sử nhân loại sang trang sử mới, đó là trang Cứu Độ.

Amen.
________________________

Jos. Nguyễn Viết Tâm.
 


Trở lại      In      Số lần xem: 2325
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  20
 Hôm nay:  627
 Hôm qua:  3712
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12359454

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn