Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay
(05/04/2014) - (Ga 7, 40-53) – Mùa Chay 2014.
TRANH LUẬN VỀ NGUỒN GỐC CỦA ĐẤNG KI-TÔ (tiếp theo)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giê-su thì nói: "Ông này thật là vị ngôn sứ." Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?" Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.

Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?" Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!" Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!" Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ: "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?" Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả."

Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.
______________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Hẳn độc giả còn nhớ, có lần Đức Giêsu nói: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.” (Lc 12, 51-52)

Đức Giêsu khẳng định Ngài đến trần gian để đem lại sự chia rẽ, chia rẽ vì Ngài, vì Tin mừng, giữa người chấp nhận và không chấp nhận. Sự chia rẽ ở đây, nó muốn diễn tả một cái gì sâu xa trong nội tâm con người. Sự chia rẽ nảy sinh từ hai lực, hai khuynh hướng đối kháng nhau. Một đàng muốn vươn lên, còn đàng kia lại kéo ghì xuống. Khi Đức Giêsu xuất hiện, từ Ngài phát sinh một lực đẩy, đẩy thế giới và vũ trụ đi về với Thiên Chúa, trong khi Satan và đồng bọn đang kéo nó đi ngược lại, đẩy xa Thiên Chúa.

Đó là sự chia rẽ thánh thiện và ta phải chấp nhận chia rẽ để được sống. Thiên Chúa phải là cùng đích, phải là sự chọn lựa số một của ta, ta phải hy sinh những gì đi ngược lại lý tưởng tưởng này, đó mới là người môn đệ chân chính của Đức Giêsu. Sự chia rẽ ở đây không phải chia rẽ ta với người khác, nhưng là chia rẽ giữa 02 cái ta, ta chia rẽ ta. Một cái ta thánh thiện và một cái ta tội lỗi.

“Chia rẽ” sẽ là đề tài ưa thích trong Tin mừng Gioan, và trong bài Tin mừng hôm nay, độc giả sẽ được chứng kiến sự chia rẽ trầm trọng giữa những người Do Thái với nhau vì Đức Giêsu. Và chia rẽ giữa những người lãnh đạo Do Thái giáo cũng vì Đức Giêsu.

A/. SỰ CHIA RẼ GIỮA NGƯỜI DO THÁI VỚI NHAU VÌ ĐỨC GIÊSU.

“Khi ấy, trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giê-su thì nói”

Độc giả có thể thắc mắc, “các lời của Đức Giêsu” ở đây là những lời nào mà họ chia rẽ nhau? Để trả lời câu hỏi này, ta sẽ liên hệ với đoạn Tin mừng đi ngay trước đó.

Gioan viết: “Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống." Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.” (Ga 7, 38-39).

Hôm nay là ngày bế mạc lễ Lều (Lễ Lều đã được giải thích ở Bài phân tích trước), và ngày bế mạc sẽ là ngày vui nhất buổi lễ, người Do Thái tập trung trong Đền thờ rất đông. Đức Giêsu dựa vào Kinh thánh để khẳng định với họ, Ngài là nước Hằng sống, từ trái tim Ngài sẽ tuôn chảy dòng nước, và ai khát, ai tin hãy đến mà uống. Nhưng để có thể hiểu được những lời này, cần phải có sự soi sáng từ Chúa Thánh Thần, nhưng Thánh Thần chỉ được ban xuống, khi Đức Giêsu Tử nạn, phục sinh và lên trời.

Khi ấy, trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giê-su thì nói: "Ông này thật là vị ngôn sứ." Kẻ khác rằng: "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ lại nói: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?"

Sau khi nghe Đức Giêsu nói trong Đền thờ, xảy ra các luồng dư luận khác nhau về Ngài, ta có thể liệt kê ra đây:

+ Ngài là vị Ngôn sứ.
+ Ngài là Đấng Kitô.
+ Ngài không phải là Đấng Kitô.

1/. ĐỨC GIÊSU LÀ VỊ NGÔN SỨ:

Sở dĩ họ cho Đức Giêsu là vị ngôn sứ, vì họ nhớ lại lời Đức Chúa nói với ông Môsê. Sách Đệ Nhị Luật viết: “Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi: "Chúng nói phải. Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.” (Đnl 18, 17-18) Lời đó đã được ứng nghiệm vào Đức Giêsu, vì Ngài là Ngôi Lời, là Lời của Thiên Chúa.

2/. ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG KITÔ

Một số khác cho Ngài là Đấng Kitô, vì những gì Đức Giêsu đã làm, các phép lạ đã thực hiện, đều ứng nghiệm lời tiên báo trong Cựu ước, cụ thể sách Tiên tri Isaia. Dân Do Thái luôn mong đợi Đấng Cứu Thế, nhất là trong bối cảnh họ bị đế quốc Lamã đô hộ. Họ luôn tin rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi họ, vì kinh nghiệm cho biết, trong quá khứ dù dân Do Thái có phản bội đến đâu, nhưng cuối cùng Thiên Chúa vẫn cứu, vì Ngài đã ký kết với cha ông họ một giao ước vĩnh viễn và Ngài luôn trung thành với Giao ước đó. Đây là cơ sở để họ hy vọng và mong chờ Đấng Kitô. Nay họ bắt gặp Đức Giêsu, với những gì Ngài đã làm, họ tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, cho dù quan niệm về Đấng Kitô của họ rất trần tục, rất chính trị.

3/. ĐỨC GIÊSU KHÔNG PHẢI LÀ ĐẤNG KITÔ.

Số còn lại cũng khá đông, họ không tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, họ dựa vào Kinh thánh: Đấng Ki-tô phải xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít. Bêlem thuộc miền Giuđêa. Nhưng Đức Giêsu, cho dù có xuất thân từ dòng dõi dõi Đavit (vì Ngài là con của Giuse, Giuse thuộc dòng dõi Đavit), nhưng Ngài lại xuất thân từ Nadarét, miền Galilêa.

Gioan viết: "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?”, đó là lời khinh miệt của người Do Thái đối với miền này. Độc giả cũng biết miền Galilê, dân ngoại chiếm hơn phân nửa và tại đây Luật Môsê rất lỏng lẻo. Có lần kinh sư và Pharisêu phải cất công từ Giêrusalem xuống tận miền Galilê để bắt bẻ Đức Giêsu, tại sao môn đệ Ngài không rửa tay trước khi ăn, và còn nhiều luật khác.

Như vậy, phần còn lại của đám đông và có lẽ của cả giới lãnh đạo, họ không công nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô vì Ngài không xuất thân từ Belem (Giuđêa) mà là Nadaret (Galilê).

Thực ra họ đã lầm, lầm ở chỗ Đức Giêsu xuất thân từ Bêlem (Giuđêa) chứ không phải Nadaret (Galilê).

Luca viết: “Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2, 1-7)

Như vậy Đức Giêsu được sinh ra tại Bêlem, và trong tờ khai hộ khẩu của Giuse (mượn kiểu nói ngày nay để diễn tả) đã ghi rõ điều này.

Chỉ đến khi 03 nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giêrusalem, mới xảy ra biến cố vua Hêrôđê Cả tìm giết Hài Nhi Giêsu. Giuse đang đêm phải đem Maria và Hài Nhi trốn sang Ai Cập. Khi Hêrôđê Cả băng hà, Giuse được báo mộng đem Maria và Hài Nhi trở về Do Thái. Ông Giuse không về Bêlem (Giuđê) vì nghe nói người con lên kế vị cũng không thua gì vua cha, nên Giuse đã về Nadarét. Thiên Chúa tôn trọng quyết định của ông, vì Giuse là chủ gia đình.

Matthêu viết: “Người (Đức Giêsu) sẽ được gọi là người Na-da-rét.” (Mt 2, 23). Vì thế người Do Thái và những người lãnh đạo mới cho rằng, Đức Giêsu xuất thân tại Nadaret, thì không thể là Đấng Kitô.

Ngay cả Gioan còn viết: “Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét." Ông Na-tha-na-en liền bảo: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?"

Độc giả có thể hình dung, nơi xuất thân của một người nó quan trọng như thế nào, nói chi đâu xa, ngay bây giờ, nếu hỏi ai đó: Anh ở miền nào? Giả sử anh ta trả lời miền X chẳng hạn, thì coi như xong, miễn bàn, miễn nói chuyện, vì miền X là miền chuyên sản sinh ra những tay đầu trộm đuôi cướp. Họ đâu biết rằng, cho dù 90% dân số của miền ấy là tay trộm cướp, thì đâu phải là tất cả, còn 10% kia thì sao. Như vậy người tốt sẽ bị vạ lây. Vâng chính cái nhìn con người theo địa lý, một cách nào đó đã giết chết con người.

B/. SỰ CHIA RẼ GIỮA NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO VÌ ĐỨC GIÊSU.

“Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: "Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?" Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!" Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!"

Như vậy, trong ngày cuối cùng kết thúc Lễ Lều, một ngày vui nhất trong năm, lại âm thầm diễn ra ý đồ xấu: bắt người. Các Thượng tế và người Pharisêu sai lính đi bắt Đức Giêsu trong chính Đền Thờ, đây là sự xúc phạm đến Thiên Chúa nặng nhất, kinh tởm nhất.

Những người đi bắt Đức Giêsu chỉ là người làm theo lệnh cấp trên, họ là người đơn sơ chân thành, không mưu đồ chính trị, nên khi đến Đền thờ, nghe Đức Giêsu giảng dạy, họ cũng bị cuốn hút vào đám đông để nghe Ngài nói. Với một con người đơn sơ, chất phác, thì họ không thấy có lý do gì để bắt Ngài. Lời Đức Giêsu nói có một sức mạnh lẫn át cả lệnh của cấp trên, nên họ chấp nhận ra về với một hình phạt chờ sẵn. Gioan viết: “Các vệ binh trả lời: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!" Có lẽ đây là lần đầu tiên, các vệ binh được nghe Đức Giêsu giảng dạy. Và họ nghiệm ra rằng, đối tượng mà họ phải bắt là Đấng thánh, nên không thể thi hành lệnh đã ra cho họ.

“Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!"

Độc giả có thể phân biệt, tại sao những người thủ lĩnh và Phrasêu không tin Đức Giêsu, trong khi các vệ binh và “bọn dân đen” thì lại tin? Động cơ nào tạo ra sự khác biệt này?

Nếu cho là do kiến thức và sự hiểu biết làm nên sự khác biệt, nó sẽ không đúng, vì ngay sau đó có ông Ni-cô-đê-mô, người cùng nhóm với họ, ông đã tin Đức Giêsu, và trong các sách Tin mừng còn rất nhiều trường hợp, nơi này nơi kia có người Pharisêu và Luật sĩ tin Đức Giêsu. Sau này Thánh Phaolô, một Pharisêu chính danh đã tin vào Đức Giêsu. Như vậy, sự khác biệt giữa Pharisêu và các vệ binh, “bọn dân đen” không phải do kiến thức. Vậy thì do cái gì?

Đó là do thái độ thành tâm thiện chí tìm kiếm chân lý. Những người lãnh đạo, người Pharisêu đã có sẵn thành kiến với Đức Giêsu, vì Ngài đã nhiều lần vạch trần sự giả hình của họ, vạch trần tính phô trương và đạo đức giả, cộng thêm vào đó sự ghen ghét, vì ngày càng có nhiều người đến với Đức Giêsu, nên họ không tin. Không những không tin mà họ còn bóp méo, xuyên tạc, bắt bẻ, gài bẫy,... Sự chống đối của họ ngày càng tăng lên, cơn tức giận đã lên đến cực điểm, đã đến lúc phải xóa xổ Đức Giêsu khỏi thế giới người sống, để họ được ăn ngon ngủ yên, để họ thống trị cái đám “dân đen” này. Nhưng mỗi lần ra tay bắt Ngài, họ đều bị thất bại vì Giờ Ngài chưa đến, họ càng điên lên, máu càng dồn lên não.

Trong khi đó đám vệ binh, “bọn dân đen” lại tin vào Đức Giêsu, vì khi đến với Ngài, trong lòng họ không mang theo gì hết, không có sẵn thành kiến, không có sẵn sự ghen ghét, họ cứ thả lỏng người ra để đón nhận và thế là họ đã gặp được chân lý.

Vậy bây giờ câu họ nói: “Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa” sẽ dành cho ai đây, ai đáng bị nguyền rủa? Người biết Luật hay người không biết Luật?

“Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ: "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?" Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả."

Độc giả hẳn còn nhớ ông Ni-cô-đê-mô. Gioan viết: “Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái. Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm.” (Ga 3, 1-2) Sở dĩ ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm, vì trong giới Pharisêu đang có sự chống đối Ngài, nên không người Pharisêu nào dám gặp.

Nhưng hôm nay ông Ni-cô-đê-mô can đảm đứng trước Thượng Hội đồng để bênh vực Đức Giêsu. Ông không đồng tình với những người lãnh đạo cho lính đi bắt Ngài. Lý do ông đưa ra: "Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?" Có nghĩa ông phản đối việc bắt người tùy tiện chỉ vì sự ghen ghét.

Lý do ông Ni-cô-đê-mô rất thuyết phục, vì ông dựa trên Luật Môsê. Sách Đệ Nhị Luật viết: “Thời ấy, tôi đã truyền cho các thẩm phán của anh em rằng: "Các ông hãy nghe những điều anh em đồng bào các ông kiện tụng, và hãy xử công minh giữa một người đồng bào với một người đồng bào, hoặc với một ngoại kiều ở với người ấy. Các ông đừng thiên vị ai trong khi xét xử: hãy nghe người nhỏ cũng như người lớn, đừng sợ ai, vì xét xử là việc của Thiên Chúa. Có vụ nào khó quá đối với các ông, thì các ông hãy trình bày với tôi, tôi sẽ nghe vụ đó." (Đnl 1, 16-17)

“Các ông đừng thiên vị ai trong khi xét xử: hãy nghe người nhỏ cũng như người lớn, đừng sợ ai, vì xét xử là việc của Thiên Chúa”, có nghĩa trước khi xét xử phải nghe họ nói, có nghĩa phải tôn trọng quyền được tự biện hộ cho mình.

“Họ đáp: "Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả." Độc giả thấy rõ họ không cần xét đến yêu cầu của ông Ni-cô-đê-mô, chỉ cần Đức Giêsu là người Galilê, cũng đủ để họ không công nhận Ngài là ngôn sứ, và đi đến việc bắt giữ. Rồi còn đi xa hơn nữa, họ muốn răn đe những ai muốn bênh vực Đức Giêsu, người ấy cũng sẽ bị kết án là người Galilê. Như vậy họ đã bịt miệng tất cả những ai bênh vực lẽ phải, những ai có thái độ khách quan, buộc người ấy phải đứng về phe họ.

“Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.”

Như vậy âm mưu bắt Đức Giêsu của Thượng tế và người Pharisêu đã thất bại, họ không thể đồng tình với nhau về Đức Giêsu, nên họ đành giải tán. Cả dân chúng cũng vậy, họ chia rẽ nhau sâu sắc về Ngài. Mặc dù thất bại, nhưng độc giả cũng thấy được, trong giới lãnh đạo Do Thái đã hình thành quan điểm rõ ràng về Đức Giêsu, Ngài không phải là Đấng Kitô, chỉ vì Ngài xuất thân từ Galilê.

Bác bỏ quan niệm, cũng đồng nghĩa với việc lên án tử, vì Đức Giêsu không phải Đấng Kitô mà lại dám ngang nhiên chống lại lề luật, cụ thể là Luật Sabbath. Không phải Đấng Kitô mà dám ngang nhiên gọi Thiên Chúa là Cha. Ông Giêsu phải chết. Một bản án đã hình thành sẵn.

Đức Giêsu muôn đời vẫn thế, không những từ thời của Ngài, mà còn cho đến tận thế, Ngài luôn là cái cớ cho người ta chống đối, vì Ngài đến trần gian đem lại sự chia rẽ. Những ai sống trong sự thật, những ai tìm kiếm chân lý, không bao giờ bằng lòng với những gì thấp hèn, không bao giờ ru ngủ mình trong những thú vui nhục dục, họ luôn biết đứng dậy, vươn tới sự cao cả, Nhưng bị đát thay, họ luôn bị người đời chống đối, vì như người Phrisêu, họ muốn mọi người phải về phe mình, ai không thuộc về phe mình, đều là người “Galilê”.

Amen.
______________________

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2570
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  18
 Hôm nay:  1619
 Hôm qua:  3093
 Tuần trước:  25660
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12370377

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn