Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy Tuần III Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy Tuần III Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy Tuần III Mùa Chay
(29/03/2014) - (Lc 18, 9-14) – MÙA CHAY 2014.
DỤ NGÔN NGƯỜI PHA-RI-SÊU & NGƯỜI THU THUẾ

 

 

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Bấy giờ, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:

"Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: 'Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.' Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: 'Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.'

Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Bấy giờ, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác”

“Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây”, độc giả sắp được nghe Đức Giêsu kể thêm dụ ngôn nữa. Dụ ngôn có tên là: NGƯỜI PHARISÊU VÀ NGƯỜI THU THUẾ. Mới nghe tên gọi, ta cũng có thể hình dung nét đặc thù của dụ ngôn này, đó là sự tương phản, tương phản giữa 02 loại người, mà các nhân vật trong dụ ngôn chỉ là tiêu biểu.

Như vậy trong các sách Tin mừng ta có tất cả 50 dụ ngôn, riêng Thánh sử Luca đã kể đến 40, trong đó có 15 của riêng ông, phần còn lại kể chung với các Thánh sử khác. Dụ ngôn hôm nay là của riêng Luca và thường dụ ngôn của riêng Thánh sử nào, nó sẽ có nét đặc trưng của Thánh sử đó, vì thế ta nên chú ý nhiều hơn một chút.

“Với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác”. Nghe đến cụm từ “tự hào cho mình là công chính” cũng đủ cho thấy, đây là loại người tự phụ, vênh váo với đời. Nếu một người được gọi là công chính, thì cụm từ “công chính” phải do người khác nói, chứ không thể tự phong cho mình. Nói theo ngôn ngữ bình dân, đó là loại người rởm đời, lập dị, làm bẩn mắt thiên hạ. Ấy vậy mà loại người này từ xưa đến nay không phải là hiếm, đông vô số. Vì thế Đức Giêsu kể dụ ngôn này để đánh thẳng tính háo danh của con người qua mọi thời đại.

“Công chính”, đó là lý tưởng sống của con người, người ta phải sống thế nào để được gọi là công chính. Công chính, hiểu theo nghĩa đơn giản, đó là công bình. Người công chính không bao giờ nhận về mình cái không phải của mình. Cái gì của mình thì muôn đời vẫn là của mình, còn cái gì không phải của mình thì đừng mơ tưởng và đừng chiếm đoạt cho kỳ cùng, rồi cuối cùng cũng phải trả về cho khổ chủ.

Hiểu theo nghĩa cao hơn, người công chính là người kính sợ Thiên Chúa. Và cao hơn nữa, người công chính là người sống bởi đức tin. Trong Kinh thánh có nhiều mẫu gương công chính như vậy.

+ Tổ phụ Abraham, ông xứng đáng là Tổ phụ dòng dõi người tin Chúa, vì ông dám nghe lời Đức Chúa, bỏ quê cha đất tổ, bỏ tất cả sự đảm bảo và an toàn, để đến một nơi mà chẳng biết mình đi đâu. Ông tin tưởng tuyệt đối và ra đi.

+ Thánh Giuse, Kinh thánh cũng gọi ông là người công chính, vì ông nghe lời Sứ thần truyền tin trong giấc mơ và ông đã thực hiện trong đời thường bằng tất cả sự dũng cảm và tin tưởng của mình. Và còn nhiều mẫu gương khác nữa.

Độc giả sẽ thấy đối tượng mà dụ ngôn muốn nhắm đến hôm nay có 02 đặc điểm: TỰ CHO MÌNH LÀ NGƯỜI CÔNG CHÍNH – KHINH CHÊ KẺ KHÁC. Thật đúng là tội chồng lên tội. Loại người này thời nay rất nhiều, coi chừng ta cũng thuộc loại người này, nếu chịu xét mình kỹ một chút, nhìn kỹ vào mình, thì không nhiều thì ít, ta cũng như họ. Vì thế trong Mùa Chay 2014 này, ta hãy đón nhận lời Chúa để tự chỉnh lại lối sống, để đừng đi vào vết xe của người Pharisêu hôm nay.

“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.”

Đức Giêsu là bậc thầy về dụ ngôn. Ngay phần mở đầu Ngài đã tạo ấn tượng mạnh mẽ cho người nghe, khi đưa ra 02 loại người tương phản nhau như bức tranh sáng tối.

+ Người Pharisêu, ông ta thuộc nhóm Pharisêu, có nghĩa tiêu biểu cho người Pharisêu. Ông ta không thể chê vào đâu được, dưới con mắt dân Do Thái ông là người đạo đức, giữ luật Chúa rất nghiêm ngặt, có thể nói ông là người công chính. Nhưng bên trong thì sao thì chỉ có Thiên Chúa biết, và nó cũng sắp phô diễn ra sau đây.

+ Người thu thuế là một người tội lỗi dưới con mắt người Do Thái. Ông ta tội lỗi vì đã tiếp tay cho người La Mã để bóc lột đồng bào mình. Nước Do Thái đang bị đô hộ bởi La Mã nên bất kỳ hành động cộng tác nào cho đế quốc cũng bị cho là phản bội. Cái đau của người Do Thái là nước bị đô hộ, khi bị nước đô hộ dùng chính người bản xứ thực hiện lệnh của mình. Như vậy, người cộng tác với nước đô hộ một cách nào đó muốn cho sự đô hộ đó tồn tại và ông ta là người phản bội.

Ông ta còn tội lỗi vì nghề thu thuế là một nghề béo bở, cái nghề gắn liền với sự lem nhem, biển thủ. Thử hỏi rằng, có mấy người thu thuế rơi vào cảnh nghèo, đa số họ giàu lên nhanh chóng vì cái tài khéo léo biến hóa của họ. Tóm lại người thu thuế là người bị khinh miệt dưới con mắt người Do Thái.

“Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: 'Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.”

Bây giờ Đức Giêsu sẽ trình bày riêng từng người một. Trước tiên là người Pharisêu. Độc giả sẽ gặp ngay thái độ “đứng thẳng” của người Pharisêu, đó là cái gì khiến ta phải khó chịu. Ông muốn chứng tỏ điều gì? Tại sao trước mặt Đấng Tối Cao ông không cúi lạy mà là đứng thẳng. Cái cử điệu bên ngoài, nó phản ánh nội tâm bên trong, đứng thẳng trước mặt Thiên Chúa là thái độ kiêu ngạo và tự phụ. Ông đến với Thiên Chúa thiếu mất một yếu tố rất quan trọng, đó là sự khiêm tốn.

Độc giả hãy nghe người Pharisêu cầu nguyện điều gì? “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác”. Ông tạ ơn vì ông không như bao kẻ khác, có nghĩa ông đã không sống như những người khác, và ông cho đó là công đức, và ông tạ ơn. Thử hỏi rằng có bao giờ Chúa ban ơn cho ta để ta không sống như kẻ khác chưa? Không bao Chúa ban ơn kiểu như vậy, vì Ngài ban ơn cho ta để ta thêm nghị lực sống trọn vẹn theo Thánh ý Ngài, chứ đâu phải để ta hơn người này người nọ. Khi ta tạ ơn Chúa, ta ở trong mối tương quan với Ngài, chứ đâu phải dùng kẻ khác làm mức so sánh. Người Pharisêu ngầm nói cho Chúa biết, công lao của ông rất lớn, đó là ông đã sống một cuộc đời không như kẻ khác, đó là công trạng của ông.

Trong lời cầu nguyện của người Pharisêu có 02 phần: Phần tiêu cực và phần tích cực.

+ Phần tiêu cực: Không “tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”. Đây là điểm son của ông, nếu không có cụm từ “hoặc như tên thu thuế kia”, có nghĩa ông đã ví người thu thuế như một cái gì tiêu cực, ông khinh bỉ ra mặt, và xem việc không như tên thu thuế là một chuẩn đạo đức. Như vậy chứng tỏ người Pharisêu biết rất rõ, trong Đền thờ này ngoài ông ra còn có người thu thuế, và ông muốn làm cuộc so sánh trước mặt Thiên Chúa, ông muốn người thu thuế làm bệ đỡ để đưa mình lên. Như vậy còn gì là công đức nữa.

+ Phần tích cực: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Đây là một người trung tín và quảng đại. Chúng ta không có lý do gì để nghi ngờ ông ta nói dối. Ông nói điều ông thật sự đã làm. Luật chỉ buộc giữ chay một ngày trong năm vào dịp lễ Yom Kippur: nhưng những người sùng đạo đã tự nguyện thực hành việc sám hối bằng việc ăn chay hai lần trong một tuần lễ. Luật buộc nông dân có nghĩa vụ trích một phần mười hoa màu để chăm lo cho người nghèo và cho việc tế tự ‘trong đền thờ? nhưng những người Pharisêu bởi sự tế nhị của lương tâm đã tự ý nộp thuế thập phân một lần thứ hai về số thực phẩm nhỏ nhất mà họ mua (Mt 23, 23).

(Ghi chú: Lễ Yom Kippur - Trong tiếng Do Thái, Yom nghĩa là "ngày" còn Kippur có gốc từ mang nghĩa "chuộc lỗi". Vì vậy Yom Kippur có nghĩa là "ngày chuộc lỗi". Là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Do Thái, Yom Kippur được nhiều người Do Thái tuân giữ, dù họ bỏ qua nhiều ngày lễ khác.)

“Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: 'Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

Đức Giêsu trình bày người thứ hai: Người thu thuế. Thật là cảnh trái ngược với người Pharisêu. Người Pharisêu đứng thẳng giữa Đền thờ, còn người thu thuế lại đứng ở đàng xa. Luca viết “Thậm chí”, có nghĩa ngay cả việc ngước mắt lên trời, anh ta cũng không dám. Vì sao? Vì anh ta ý thức mình là con người tội lỗi, còn Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tốt lành, sợ rằng khi đến gần sẽ xúc phạm đến sự thánh thiện của Ngài, ngay cả việc nhìn lên Ngài, anh ta cũng sợ cái xấu xa của mình sẽ làm lu mờ vinh quang Thiên Chúa..

Anh ta vừa đấm ngực, đó là thái độ nhìn nhận tội lỗi, ân hận vì những lỗi lầm mình đã xúc phạm. Vừa đấm ngực vừa kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Thiên Chúa yêu thích những con người như vậy, Ngài yêu thích vì họ đã sống khiêm tốn, nhận ra sự yếu đuối của mình và xin Ngài rủ lòng xót thương. Đối với Ngài thì không ai là người công chính, không ai là người thánh thiện, điều đó Ngài không quan tâm, vì nếu Ngài quan tâm thì toàn nhân loại sẽ bị trầm luân vĩnh viễn. Cái Ngài cần, đó là sự khiêm tốn biết nhận ra lỗi lầm của mình và cầu xin lòng thương xót của Ngài.

Giáo hội lặp lại cử chỉ của người thu thuế trước mỗi thánh lễ, trong kinh Cáo mình, người tín hữu vừa đấm ngực vừa kêu lên rằng: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng” và lặp lại cử chỉ đó 03 lần, một mặt khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi, nó hoàn toàn do mình chứ không đổ thừa cho người khác, hay đổ thừa cho hoàn cảnh và mặt khác nài xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Chắc chắn đó là lời cầu xin đẹp lòng Thiên Chúa nhất.

“Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

Sau khi trình bày 02 người, Đức Giêsu đưa ra nhận xét.

“Tôi nói cho các ông biết”, các ông ở đây là ai? Xin thưa: là đối tượng mà dụ ngôn muốn nhắm đến. Ngay câu đầu tiên Bài Tin mừng, Luca viết: “Bấy giờ, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác”. Hình như Luca muốn bỏ ngỏ không xác định cụ thể nhóm người nào, để bất kỳ ai đọc dụ ngôn này, cũng có cảm nghĩ Đức Giêsu đang nói với mình, vì không nhiều thì ít, ta cũng sống như người Pharisêu.

“Người này (người thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (người Pharisêu) thì không.” Người Pharisêu đại diện cho những người tự hào mình là người công chính mà khinh chê người khác, ông ta sẽ không được công chính. Còn người thu thuế thì được nên công chính. “Được nên công chính”, nó khác với “là công chính”, vì công chính không tự con người làm ra cho mình, mà phải được Đấng Công Chính thánh hóa họ, cho họ trở nên công chính.

Đức Giêsu giải thích tại sao nó như vậy, Ngài nói: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Có nghĩa ai tự hạ mình xuống sẽ được Thiên Chúa nhắc lên và ngược lại. Đức Giêsu luôn mời gọi con người phải biết sống khiêm tốn và tự hạ. Và một khi ta sống khiêm tốn và tự hạ, ta đã tiến một bước dài trên đàng nhân đức. Còn ngược lại là đi thụt lùi.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm 


Trở lại      In      Số lần xem: 2481
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  15
 Hôm nay:  2742
 Hôm qua:  3093
 Tuần trước:  25660
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12371500

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn