Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần VII thường niên năm chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần VII thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba tuần VII Thường niên năm chẵn
(25/02/2014) - (Mc 9, 30-37)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."
______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ.

Đức Giêsu và các môn đệ đang trong cuộc hành trình tiến về Giêrusalem, nơi Ngài sẽ bước vào cuộc thương khó. Phát xuất từ vùng miền Bắc đi về Cêsarê Philipphê, Đức Giêsu tiền gần về Giêrusalem. Ngài băng qua xứ Galilê. Marcô nói Ngài chỉ băng qua Galilê, nơi Ngài rất thành công trong Sứ vụ loan báo Tin mừng. Băng qua có nghĩa không dừng lại, Đức Giêsu muốn tránh gặp gỡ dân chúng mà lo tập trung dạy dỗ các môn đệ.

Điều mà Đức Giêsu quan tâm bây giờ chính là các môn đệ, vì các ông sẽ là người nối tiếp Sứ vụ của Ngài, các ông sẽ chứng kiến cuộc thương khó, và cuộc thương khó này sẽ thật sự gây sốc cho các ông. Trong khi Ngài đang toàn tâm toàn ý cho đại cuộc, hoàn tất Chương trình Cứu độ, thì các ông lại lo cho bản thân mình, lo lắng những gì rất trần tục.

“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.”

Đây là lời tiên báo cuộc thương khó lần thứ II. Trong các sách Tin mừng, nhất là của Marcô, ta thấy có tất cả 03 lần Đức Giêsu tiên báo về cuộc thương khó này, và mỗi lần tiên báo đều có kèm theo phản ứng của các môn đệ, ta có thể tóm tắt như sau:

1/. Mc 8:27-38: LOAN BÁO LẦN THỨ NHẤT VỀ CUỘC THƯƠNG KHÓ

“Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.” (Mc 8, 31)

Phản ứng của môn đệ: Phêrô không muốn thập giá và trách cứ Đức Giêsu (Mc 8, 32)

2/. Mc 9:30-37: LOAN BÁO LẦN THỨ HAI VỀ CUỘC THƯƠNG KHÓ

“Người dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." (Mc 9, 31)

Trong lần thứ hai, các môn đệ không hiểu Đức Giêsu, các ông sợ hãi và muốn được làm người lớn hơn cả (Mc 9:32-34)

3/. Mc 10:32-45: LOAN BÁO LẦN THỨ BA VỀ CUỘC THƯƠNG KHÓ

“Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại." (Mc 10, 33-34)

Trong lần thứ ba, Marcô nói: các ông sợ hãi, họ kinh hoàng (Mc 10:32), và các ông tìm kiếm sự đề bạt (Mc 10:35-37).

Ta viết lại lời tiên báo cuộc thương khó lần thứ hai.

“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.”

Marcô dùng từ Con Người nói về Đức Giêsu, ông nhấn mạnh về bản tính nhân loại. “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời. Đặc biệt trong lời tiên báo lần thứ hai này, Marcô dùng từ “người đời”, nó có một ẩn ý sâu xa. Trước hết, Ngài sẽ bị Giuđa nộp cho Thượng tế (Mc 14,10), các vị này nộp Ngài cho Philatô (Mc 15,1.10), ông này lại nộp Ngài cho lính (Mc15,15). Đức Giêsu liên tiếp bị chuyển cho quyền hành của mọi lực lượng gian ác.

Nhưng cụm từ “người đời” còn muốn mang tính phổ quát hơn, khi nói rằng người ta còn đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá cho đến tận thế, vì mỗi khi ta phạm tội, ta lại đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá một lần nữa. Như vậy, cuộc thương khó hiểu theo nghĩa sâu xa nó vẫn còn tiếp diễn. Và người đóng đinh Đức Giêsu là con người qua mọi thời đại mà Marcô nói, đó là “người đời”.

“Họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”, các thành phần của người đời đó đã tham gia vào việc giết chết Ngài. Cái chết của Ngài không phải là sự thất bại, nhưng nó đã nói lên một tình yêu vĩ đại, Ngài đã trở thành Hy lễ dâng lên Chúa Cha để hòa giải con người với Thiên Chúa. Cái chết đó sẽ cứu chuộc con người qua mọi thời đại, từ khởi nguyên lập địa cho đến tận thế. Bất cứ ai tin vào Ngài, theo Ngài sẽ được bước vào Bàn tiệc Nước Trời.

Nhưng Chương trình Cứu chuộc không kết thúc bằng cái chết của Đức Giêsu, nếu chấm dứt ở đây thì nó chẳng ích gì. Thánh Phaolô đã nhiều lần khẳng định, ông viết: ”Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh chị em thật hão huyền, và anh chị em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh chị em”. Lòng tin trống rỗng và hão huyền khi nó không giải thoát con người khỏi tội lỗi. Và không có gì thay đổi trong cuộc sống của các tín hữu. Cuộc sống hiện tại của họ lập lại quá khứ nô lệ tội lỗi.

Trong mỗi lần tiên báo, câu kết thúc luôn là: “Người sẽ sống lại”. Ngài đã chiến thắng sự chết, chiến thắng tội lỗi. Khi tạo dựng con người, Đức Chúa thấy nó tốt đẹp, vì đó là hình ảnh của Ngài. Nhưng con người đã sa ngã và phạm tội, họ đã bị Satan khống chế, mà hậu quả là, con người sẽ phải chết. Sự chết đã xâm nhập vào thế gian.

Khi Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Ngài đã mang thêm Bản tính nhân loại, Ngài là Thiên Chúa thật, và là người thật. Nếu Đức Giêsu không sống lại, Ngài đã không chiến thắng tội lỗi vì hậu quả của tội lỗi là sự chết, như vậy con người vẫn nằm trong sự kiềm tỏa của Satan. Nhưng Đức Giêsu đã sống lại, Ngài đã chiến thắng, để rồi tất cả ai tin vào Ngài cũng sẽ sống.

Độc giả có thể hỏi, nếu vậy tại sao chúng ta vẫn phải chết? Xin thưa: Sự sống đó sẽ được trả lại cho ta sau khi chấm dứt cuộc sống này. Đó là niềm tin của Kitô hữu chúng ta.

“Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.”

Marcô nói, các môn đệ không hiểu, tại sao các ông lại không hiểu? Vì tất các ông đang nuôi hoài bão, Đức Kitô phải là Đấng uy lực, sẽ giải phóng Israen khỏi ách đô hộ của La Mã và đưa Israen đến chỗ cực thịnh. Họ không thể hình dung nổi Đấng Cứu Thế lại phải chết ô nhục như vậy. Thật là mâu thuẫn gay gắt, trong khi Đức Giêsu đang toàn tâm toàn ý lo cho đại cục, Chương trình Cứu độ, thì các môn đệ chỉ suy nghĩ những gì rất con người. Mặc dù được ở bên Ngài, được nghe các lời dạy dỗ, các ông vẫn không hiểu con đường thập giá đó, tại sao phải qua thập giá mới đến vinh quang, có cần thiết phải như vậy không! Cứ mỗi lần Đức Giêsu được dân chúng tôn vinh, càng củng cố cho những suy nghĩ của các ông, càng đẩy các ông vào tham vọng trần tục. Như vậy, lời tiên báo về cuộc thương khó của Đức Giêsu dành cho các ông hóa ra trống rỗng, vì thế Ngài mới phải tiên báo đến 03 lần, quá tam ba bận, nhưng cũng không loại bỏ nơi các ông những suy nghĩ này.

Marcô còn nêu một chi tiết, đó là “các ông sợ không dám hỏi lại Người”. Tại sao các ông sợ và không dám hỏi? Vì suy nghĩ của các ông hoàn toàn trái ngược quan niệm của Đức Giêsu, nó trái ngược đến nỗi nếu nói ra chắc chắn sẽ bị Ngài quở trách.

“Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.

Nếu ai theo dõi Tin mừng Marcô, sẽ thấy ông nhắc nhiều đến cụm từ “ngôi nhà”, nhưng không xác định nhà ở đâu. Marcô cho biết “nhà” là nơi Thầy trò Đức Giêsu sống thân tình với nhau, tách biệt với dân chúng. Đó là nơi Ngài giải thích ý nghĩa các dụ ngôn, dạy thêm cho các ông ngoài những điều đã nói với dân chúng, để thầy trò tâm sự,.... Hôm nay Marcô xác định nhà ở Cacpharnaum, đó là hình ảnh của Giáo hội toàn cầu với Tòa thánh Vatican sau này.

Khi đã về đến nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" Marcô nói, các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Các ông là môn đệ Đức Giêsu, các ông phải cãi nhau để tranh giành sao! Tranh giành cả cái chưa có. Marcô nói, các môn đệ lại làm thinh, làm thinh và làm thinh.... ta đã và sẽ gặp cụm từ này rất nhiều lần. Các ông làm thinh, sự làm thinh này đã tố cáo những ý nghĩ trần tục trong đầu các ông. Phải làm thinh vì nếu nói ra các ông sẽ bị Đức Giêsu quở trách, tâm địa xấu xa, tham lam, trần tục của các ông sẽ bị phơi bày trước Con Thiên Chúa. Nhưng liệu các ông có thể giấu được Đức Giêsu không?

“Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”

Ngài “ngồi xuống”, đó là tư thế của một vị thầy, Marcô ẩn ý muốn nói đến bài học quan trọng mà Đức Giêsu sắp dạy, Ngài muốn các ông phải chú ý đến.

Đức Giêsu nói: "Ai muốn làm người đứng đầu,....” có nghĩa Ngài không bác bỏ quan niệm “người đứng đầu”, một quan niệm vốn có trong thế gian qua mọi thời đại. Nhưng “người đứng đầu” theo Ngài mang một ý nghĩa khác với quan niệm thế gian. Người đời mang sẵn quan niệm, người đứng đầu là người có quyền hành, bắt người khác phục vụ mình, hưởng một cuộc sống hưởng thụ và sai khiến kẻ khác. Còn quan niệm của Đức Giêsu, "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Đó là người đứng đầu đích thực, ông phải mang nỗi lo, nỗi ưu tư của tập thể là nỗi lo, nỗi ưu tư của ông, trách nhiệm luôn đi trước còn quyền lợi thì đi sau. Muốn được vậy ông phải là người phục vụ mọi người.

Đức Giêsu đã sống với điều Ngài dạy dỗ các môn đệ, Ngài đã nêu cho các ông tấm gương cao cả. Thánh Phaolô trong Thư Philiphê đã viết: Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. (Pl. 2,6-7)

So sánh hai hình ảnh: “Mặc lấy thân phận nô lệ” và “người rốt hết”, hình ảnh nào diễn tả sâu sắc hơn? Xin thưa, đó là hình ảnh người nô lệ, vì người nô lệ không được kể vào những người đang xếp hàng, như vậy người đứng cuối cùng của hàng đó, người rốt hết, vẫn cao cả hơn người nô lệ. Từ Thiên Chúa bị đảo ngược thành người nô lệ, đã diễn tả tình yêu quá cao vời của Thiên Chúa. Không ai được phép dửng dưng với Tình yêu này, và hãy đến với Đức Giêsu.

“Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."

Marcô thật sâu sắc khi nói, Đức Giêsu đem một em nhỏ đặt vào giữa các môn đệ, rồi ôm lấy nó. Hình ảnh một em nhỏ đã đánh tan mọi ảo vọng của các ông. Các ông mải lo ôm hoài bão, hoài bão đó lớn quá, rồi sẽ đến ngày Thầy mình ngồi trên cao chín tầng, còn mình dù gì cũng chiếm được một chiếc ghế nào đó. Các ông sẽ trở thành “người đứng đầu”. Nhưng hình ảnh em bé đang ở giữa sẽ lật nhào chiếc ghế đó, đưa các ông trở về với thực tại, là người môn đệ của Đức Giêsu, đó là người rốt hết, người phục vụ.

"Ai tiếp đón một em nhỏ ..... là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, .... là tiếp đón Đấng đã sai Thầy." Đức Giêsu muốn nhắn nhủ các môn đệ, các ông không thể vào Nước Thiên Chúa bằng sức riêng của mình, nhưng bước vào Nước Thiên Chúa trong tinh thần một em nhỏ.

Cũng như em bé, các ông phải cảm thấy mình được tình yêu của Thiên Chúa che chở, bảo vệ, và phải để cho mình được Thiên Chúa lấp đầy bằng những ân huệ. Chính Đức Giêsu vẫn quay về với Thiên Chúa như về với Người Cha đầy tình yêu thương (Abba) (Mc 14, 36) và biết rằng Ngài được Cha che chở bằng tình yêu của Cha.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2229
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  24
 Hôm nay:  336
 Hôm qua:  3442
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12362605

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn