Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba TUẦN THÁNH, năm A

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba TUẦN THÁNH, năm A

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba TUẦN THÁNH, năm A
(15/04/2014) - (Ga 13, 21-33.36-38)
ĐỨC GIÊ-SU LOAN BÁO GIU-ĐA SẼ PHẢN BỘI
PHÊRÔ CHỐI THẦY
& NHỮNG LỜI CÁO BIỆT

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, đang lúc Đức Giê-su dùng bữa với các môn đệ, Người cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy." Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai.

Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo: "Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?" Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi: "Thưa Thầy, ai vậy?" Đức Giê-su trả lời: "Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy." Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Đức Giê-su bảo y: "Anh làm gì thì làm mau đi!" Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y: "Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ", hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.

Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: "Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: 'Nơi tôi đi, các người không thể đến được', bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. 

Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?" Đức Giê-su trả lời: "Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo." Ông Phê-rô thưa: "Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!" Đức Giê-su đáp: "Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.
__________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi ấy, đang lúc Đức Giê-su dùng bữa với các môn đệ, Người cảm thấy tâm thần xao xuyến.”

Độc giả có thể hiểu được tâm trạng của Đức Giêsu trong lúc này. Gioan viết: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13, 1)

Gioan nói, Đức Giêsu biết những gì sẽ đến với mình, biết rõ cái “Giờ” mà Ngài hay nói: nó chưa đến, thì bây giờ nó đã đến, một cuộc chia ly sắp diễn ra. Và Gioan đã lột tả sâu sắc Tình yêu Đức Giêsu dành cho những kẻ thuộc về Ngài, đó là các môn đệ, trong đó có cả Giuđa Iscariốt. Xa hơn nữa, Gioan muốn nói đến chúng ta. Vì sao? Vì ta cũng thuộc về Đức Giêsu. Vậy Gioan đã diễn tả thế nào? Ông nói: “Người yêu thương họ đến cùng”. Cụm từ “đến cùng”, tuy ngắn gọn, nhưng đã diễn tả thật sâu sắc. nó đã chạm đến đáy của thứ tình yêu đó, yêu hết rồi không còn gì nữa mà chưa yêu.

Đức Giêsu đã dạy cho các ông bài học cuối cùng, bài học mà các môn đệ phải nhớ không được quên, đó là “Yêu thương và phục vụ”. Ngài không muốn nói lý thuyết, nhưng là bằng thực hành.

Gioan viết: “Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” (Ga 13, 3-4)

Đó là thực hành, còn bây giờ là lý thuyết. Gioan viết: “Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 12-15)

“Anh em cũng phải rửa chân cho nhau”, đó là bài học cuối cùng mà Đức Giêsu muốn dạy các môn đệ, nó sẽ là bài học cho ta hôm nay, vì ta cũng thuộc về Đức Giêsu. Đó là yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Nếu ai không biết sống yêu thương và phục vụ, người đó không thể là môn đệ Đức Giêsu. Nhưng thế nào là yêu thương, là phục vụ? Điều này ai cũng hiểu không cần phải diễn giải, ta chỉ cần biết thế nào là không yêu thương thì ta sẽ hiểu thế nào là yêu thương. Câu nói: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”, bây giờ đã trở thành lỗi thời, ta chỉ cần biết, không yêu nó như thế nào, ta sẽ hiểu yêu là gì.

Rửa chân xong, Đức Giêsu trở lại bàn ăn cùng với các môn đệ. Gioan nói, Ngài cảm thấy tâm thần xao xuyến. Đức Giêsu được cảm kích cách sâu xa. Và đó không phải là điều đáng ngạc nhiên. Ngài đã thực hiện cử chỉ phục vụ và dâng hiến trọn vẹn chính thân mình, trong khi ở bên cạnh Ngài, một kẻ trong số các môn đệ đang toan tính tìm cách để phản bội Người cũng trong đêm ấy.

“Người tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy." Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai.”

Đức Giêsu không muốn giấu các môn đệ, có một người trong các ông sẽ nộp Ngài. Đó là tin động trời, các ông không thể tưởng tượng có sự kiện này, chẳng lẽ bao nhiêu năm theo Thầy lại có một người như vậy sao? Các ông hoang mang và muốn biết người đó là ai? Độc giả có thể hiểu Đức Giêsu muốn nhắm đến điều gì khi nói như vậy. Ngài muốn cảnh tỉnh Giuđa, vì Giuđa biết rõ Thầy đang nói về mình. Đức Giêsu không muốn Giuđa mang vết nhơ ngàn đời khi đang tâm phản bội. Gioan đã nói, Đức Giêsu yêu các môn đệ và Ngài đã yêu đến cùng, có nghĩa Ngài muốn cứu Giuđa khỏi sự lôi cuốn của Satan, đành rằng Ngài phải ra đi để ứng nghiệm mọi lời tiên tri nói về Ngài, nhưng Giuđa đừng dại dột làm việc đó. Điểm đặc biệt ta phải chú ý ở đây, Ngài muốn bảo toàn danh dự cho Giuđa, nói ra sự kiện nhưng không nêu đích danh tên ông, đó là bảo toàn danh dự cho ông. Nhưng ta sẽ thấy Giuđa vẫn cố chấp.

“Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo: "Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?" Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi: "Thưa Thầy, ai vậy?" Đức Giê-su trả lời: "Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy." Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt.”

Độc giả chưa thể hiểu hết Đức Giêsu đã ưu ái Giuđa thế nào trong bữa ăn hôm nay. Như ta biết tại bàn ăn, người Do thái không ngồi thẳng mà họ nằm nghiêng. Bàn ăn giống bộ ván thấp chắc chắn, có ghế dựa chung quanh, theo hình chữ U, chỗ ngồi của chủ nhà ở chính giữa. Mọi người dựa nghiêng tì xuống bên trái, khuỷu tay trái chống xuống băng ghế, tay mặt được tự do lấy thức ăn. Ngồi cách đó thì đầu của một người sẽ nằm đúng vào ngực của người bên trái.

Cách sắp xếp chỗ ngồi hình như không phải vô tình, mà là có chủ ý: Đức Giêsu ở vị trí chính giữa, vị trí chủ nhà, bên trái là người môn đệ được Đức Giê-su thương mến. Phêrô, chắc ở xa, còn bên phải Đức Giêsu là ai? Xin thưa: BÊN PHẢI ĐỨC GIÊSU LÀ GIUĐA. Đó là sự ưu tiên mà Đức Giêsu muốn dành cho ông trong giờ phút này, vì Ngài đã yêu ông đến cùng. Nhưng độc giả có thể hỏi: dựa vào đâu ta có thể nói như vậy?

Sau khi nghe Đức Giêsu nói, sẽ có một người trong nhóm môn đệ phản bội Ngài, ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho người môn đệ Đức Giêsu yêu (đang ở bên trái Đức Giêsu) và bảo: "Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?" Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi: "Thưa Thầy, ai vậy?" Đức Giê-su trả lời: "Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy." Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt.”

Đức Giêsu chắc chắn cầm miếng bánh bằng tay phải, Ngài chỉ có thể đưa cho người ở bên cạnh chứ không thể đưa xa hơn, mà bên trái là môn đệ Đức Giêsu yêu, thì vị trí còn lại và thuận tiện nhất, đó là bên phải Ngài. Đây chính là vị trí của Giuđa. Như vậy Giuđa có lý do ngồi ở bên tay phải Đức Giêsu, vì ông là thủ quỹ và quản lý, bữa tiệc nào cũng do ông tính toán và sắp đặt, có thể nói ông là người số 2 sau Phêrô, Tông đồ trưởng.

Người môn đệ Đức Giêsu yêu và cả Giuđa đều biết rõ, Đức Giêsu đã chỉ đích danh Giuđa là kẻ phản bội, có thể các môn đệ kia không biết điều này, vì Người môn đệ Đức Giêsu yêu chỉ hỏi nhỏ và Đức Giêsu cũng trả lời nhỏ tiếng, Giuđa đã nghe được lời đối thoại đó. Việc Đức Giêsu cầm miếng bánh trao cho Giuđa, đối với các môn đệ là điều hết sức bình thường, không ai thắc mắc.

“Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Đức Giê-su bảo y: "Anh làm gì thì làm mau đi!" Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y: "Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ", hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.”

Gioan viết: “Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y”, có nghĩa mặc dù đã phản bội, đã hợp đồng với các Thượng tế, nhưng Giuđa vẫn có thể đứng dậy, vẫn có thể thay đổi nếu ông muốn. Satan vẫn chưa thể làm gì được ông. Đức Giêsu đã làm mọi cách để cảnh tỉnh Giuđa, nhưng ông vẫn chấp mê bất ngộ, không chịu thức tỉnh, vẫn cố chấp trong việc xấu. Miếng bánh Đức Giêsu trao sẽ là án tử cho ông. Ông có thể trả lại miếng bánh đó cho Đức Giêsu nếu ông muốn. Nhưng ông không làm như vậy, để rồi khi ăn xong miếng bánh, ông đã mở cửa lòng mình đón Satan ngự vào.

Thái độ của Giuđa cũng là thái độ của ta, ta hãy học nơi ông bài học. Đã bao lần ta được lời nhắc bảo, được nhiều sự kiện xảy ra, như muốn ngăn chặn ta đừng làm điều xấu. Nhưng thử hỏi trong những lần như vậy, ta có đủ can đảm dứt khoát với nó chưa, hay vẫn bỏ ngoài tai tất cả lời cảnh báo đó. Thiên Chúa luôn yêu thương ta, Ngài vẫn cho ta nhiều dấu chỉ, để nếu thành tâm thiện chí, biết đón nhận thánh ý Thiên Chúa, thì ta sẽ hạn chế rất nhiều sai lầm trong đời mình. Gương của Giuđa hôm nay, sẽ mãi mãi là bài học cho ta, đừng khinh thường những sự nhắc bảo mà Thiên Chúa gửi đến.

Đức Giê-su bảo y: "Anh làm gì thì làm mau đi!". Coi như mọi sự đã chấm dứt, và tại đây, trước mặt Đức Giêsu, Satan không được phép hiện diện. Giuđa phải ra khỏi phòng để đem Satan đang trong người ông ra khỏi đó. Bây giờ không còn là lúc có thể thức tỉnh Giuđa, Đức Giêsu còn hối ông, thúc ông làm mau đi cái việc bẩn thỉu đó.

Các môn đệ không hiểu được những ẩn ý của Đức Giêsu dành cho Giuđa, vì đây là sự riêng tư, và Ngài muốn bảo toàn danh dự cho ông đến giờ phút cuối, để đến giờ đã định, tự ông dẫn quân lính tới bắt Ngài, đó là lúc tự ông phơi bầy ra ánh sáng trước mặt các môn đệ còn lại, tự ông nói ra điều đó. Còn Đức Giêsu, Ngài đã yêu Giuđa đến cùng.

“Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.” Gioan mô tả rất rõ, khi Giuđa bước ra khỏi phòng thì trời đã tối. Một bóng tối bao trùm lên tất cả, và đó là giờ của sự tối tăm, của sự dữ. Ngoài trời đã tối, nhưng trong phòng vẫn sáng, ánh sáng của Đức Giêsu. Gioan rất thích chủ đề Ánh sáng và bóng tối trong Tin mừng của ông. Gioan viết: “Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1, 4-5) Bây giờ là sự thắng thế của bóng tối, nhưng khi Đức Giêsu Tử nạn và Phục sinh, Ngài sẽ trở thành Ánh sáng cho muôn dân. Bóng tối sẽ bị đẩy lùi về vùng âm u sự chết.

“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: 'Nơi tôi đi, các người không thể đến được', bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.”

Sau khi Giuđa ra đi, những người còn lại sẽ là những môn đệ yêu dấu của Đức Giêsu, Ngài gọi họ bằng danh xưng thân mật hơn: “những người con bé nhỏ của Thầy”. Là “người con”, Đức Giêsu muốn diễn tả sự thân mật sâu sa giữa Ngài và các môn đệ. Họ ở trong trái tim yêu thương của Ngài, vì không còn quan hệ nào thân mật hơn quan hệ: Cha – Con. Đức Giêsu cũng dùng cụm từ “bé nhỏ”, để muốn nói đến sự che chở của Ngài, bé nhỏ trước bao sóng gió sắp ập đến. Đức Giêsu đã từng nói với người Do Thái: 'Nơi tôi đi, các người không thể đến được', bây giờ Ngài cũng các môn đệ biết Ngài sắp sửa ra đi, nơi Ngài đi các ông không thể đến được, nhưng sau này các ông sẽ đến.

“Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?" Đức Giê-su trả lời: "Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo." Ông Phê-rô thưa: "Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!" Đức Giê-su đáp: "Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”

Trước những câu nói khó hiểu và nó đang báo trước điều gì không hay sắp xảy ra, các môn đệ hoang mang cực độ. Cũng vẫn Phêrô, người Tông đồ trưởng thay mặt anh em để an ủi Thầy: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?". Các ông chưa thể hình dung có ngày Đức Giêsu sẽ rời xa các ông, vì trong suốt 03 năm nay Thầy trò luôn ở bên nhau, gắn bó với nhau mật thiết, nếu phải đi xa như vậy, ắt hẳn phải là điều kinh khủng. Ông thực tình muốn biết Ngài sẽ đi đâu.

"Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo." Đức Giêsu muốn nói đến cái chết, cái chết là định mệnh của mỗi người, chỉ cho người đó mà chưa dành cho người khác. Cho dù có yêu nhau thế nào, dù có gắn bó nhau bao nhiêu, khi cái chết đến, nó sẽ chia lìa tất cả. Đó là sự chia lìa tạm thời mà sau này người ta sẽ xum họp vĩnh viễn không còn chia cắt nữa.

Nhưng “nơi Thầy đi” nó mang ý nghĩa sâu sa hơn nhiều, nó vừa nói đến cái chết, và cũng nói đến cuộc khổ nạn. Bây giờ Phêrô chưa thể theo được, sau này ông sẽ đi theo. Sau này ông sẽ bị bách hại tại Rôme, và cũng bị đóng đinh vào thập giá như Đức Giêsu, chỉ có điều, ông thấy mình bất xứng nên xin đóng đinh ngược đầu.

“Ông Phê-rô thưa: "Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!" Cũng vẫn Phêrô, một con người khẳng khái và mạnh mẽ. Ông can đảm lắm, khi khẳng định dám chết vì Thầy. Có lẽ ông đang nói trong sự chân thành không giả dối, ông đang nói thật. Nhưng vấn đề ở đây, ông đang sống trong thành thật khi cuộc Thương khó chưa xảy ra. Vấn đề nằm ở chỗ đó, cuộc thương khó chưa xảy ra.

Ta hay dùng những kiểu nói đao to búa lớn như vậy, trước khi sự việc xảy đến. Nhưng khi sự việc xảy đến, thì nó còn bao nhiên phần trăm. Người ta cứ ngỡ mình sẽ đứng vững trong thử thách, trong gian nan, cứ nghĩ mình sẽ kiên định trong mọi tình huống, nhưng đó chỉ là sự kiên định dỏm. Và bất kỳ ai chỉ dựa vào sức mình, người đó sẽ vấp ngã nhanh nhất, vì người đó đã gạt sức mạnh Thiên Chúa sang một bên và dùng sức mạnh của mình để đối chọi. Phêrô đã gục ngã và bài học của Phêrô sẽ là bài học cho chúng ta.

Đức Giêsu cho Phêrô bài học: "Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” Một bài học thấm thía mà Phêrô nhớ suốt đời: “gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần”. Không thể nào tin được, một con người mạnh mẽ, nói những lời khẳng khái có thể gục ngã nhanh như vậy, con gà còn chưa kịp gáy mà ông đã gục ngã rồi, mà đâu phải ngã 01 lần, mà ngã tới 03 lần. Một Phêrô kiêu hãnh đã chết vì chính sự kiêu hãnh đó.

Sau này mỗi lần nghe tiếng gà gáy, nó lại nhắc ông bài học chua xót, nó nhắc nhở không có nghĩa làm ông tuyệt vọng, nhưng nó muốn nói cho Phêrô biết, ông phải cậy trông vào Chúa trong cuộc đời này. Đừng bao giờ nghĩ mình sẽ đứng vững không bao giờ bị té, vì khi nghĩ như vậy, nó cho biết ta chuẩn bị một cú vấp ngã tai hại sắp đến.

Nhiều nhà thờ ngày nay, cho dựng hình con gà trên tháp cao nhất, có khi còn mang tên Nhà thờ Con Gà để lưu truyền lại câu chuyện Phêrô chối Thầy. Còn ta, ta vẫn có tiếng gà gáy trong lòng mình, thỉnh thoảng ngồi nhớ lại những gì đã xảy ra, lòng ta cảm thấy đầy hối tiếc. Tại sao ta lại sống như vậy, ta sống như người không có niềm tin, mà cứ ỷ vào sức mình khi đứng trước sóng gió. Tiếng gà gáy sẽ nhắc cho ta nhớ, cuộc đời của ta lúc nào cũng cần có Chúa, Chúa mới là sức mạnh của ta, để trong sự yếu ớt, nhỏ bé của mình, ta vững tâm bước vào cuộc đời đầy chông gai khốn khó này.

Cuối cùng, ta xin cảm ơn ông Phêrô, vì nhờ có ông bị gục ngã mà ta mới ý thức được chính mình, để ta không được phép sống kiêu ngạo mà là trong sự khiêm tốn chân thành. Vâng xin cám ơn ông Phêrô.

Amen. 
________________________

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2745
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  22
 Hôm nay:  3556
 Hôm qua:  3945
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12358671

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn