Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Ba trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
(22/04/2014)

Bài đọc I: Trích sách Tông đồ Công vụ (Cv 2,36-41)
Bài Tin Mừng: Tin mừng theo Thánh Gioan (Ga 20, 11-18)


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!"

Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về." Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a!" Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni!" (nghĩa là 'Lạy Thầy'). Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: 'Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em'." Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
_________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi ấy, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!"

Các Thánh sử đều nhất trí, bà Ma-ri-a Mác-đa-la là một trong những phụ nữ đầu tiên thăm mộ. Riêng Gioan, ông còn nhấn mạnh đến điều này, khi mô tả chỉ có mình bà đến mộ. Matthêu còn nói bà là người chứng kiến Thiên Thần từ trời xuống lăn tảng đá che cửa mộ. Nói chung Ma-ri-a Mác-đa-la là người nổi bật nhất trong sự kiện phục sinh của Đức Kitô, Bà được cả bốn Tin Mừng nêu đích danh trong các trình thuật phục sinh (Mt 28, 1; Mc 16, 1; Lc 24, 10).

Độc giả có thể đặt câu hỏi: Bà là ai? Và tại sao lại được nhiều vinh dự như vậy?

Luca viết: “Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.” (Lc 8, 1-3)

Như vậy bà Ma-ri-a Mác-đa-la là người được Đức Giêsu chữa cho khỏi bảy quỷ, bà cùng với một số phụ nữ khác luôn đi theo Đức Giêsu, để giúp đỡ Ngài và các môn đệ. Chính nhờ có sự giúp đỡ này, Đức Giêsu có nhiều thuận tiện hơn trong việc loan báo Tin mừng. Tất cả những việc bà làm, muốn nói lên tình cảm đặc biệt của bà dành cho Ngài.

Không những bà theo Đức Giêsu trên con đường rao giảng Tin mừng, mà con theo Ngài trên con đường Khổ nạn. Gioan viết: “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la” (Ga 19, 25).

Như vậy, ta có thể nói, trước khi Đức Giêsu đi vào cuộc khổ nạn, vai trò của các phụ nữ, nhất là bà Ma-ri-a Mác-đa-la ít được nói đến, các thánh sử dành nhiều thời gian để nói về Đức Giêsu và các môn đệ. Nhưng khi Đức Giêsu đi vào cuộc khổ nạn, vai trò của bà được nổi bật lên, vì lúc này các môn đệ rút vào trong bóng tối sau khi Đức Giêsu bị giết.

Theo Gioan, sau khi bà Ma-ri-a Mác-đa-la về báo tin cho Phêrô và “người môn đệ kia”, hai ông đã ra mộ, vào trong để chứng kiến ngôi mộ trống, và đã trở về. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la có lẽ cũng theo sau, bà đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Chỉ một mình bà ở bên mộ, bà đứng ngoài, đó là điều dễ hiểu, nhưng gần bên mộ, nó muốn diễn tả tình cảm của bà gắn bó với Đức Giêsu. Gioan nói: “bà đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc”, có lẽ đó là tiếng khóc hiếm hoi trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Biết bao người đã được Ngài chữa lành, bao người chịu ơn Ngài, thế mà có mấy ai nhỏ giọt lệ khi thấy Ngài chịu cực hình và chịu chết. Con Thiên Chúa khi sinh ra đã thua hẳn người đời và khi chết còn thua xa hơn nữa.

Tình yêu thôi thúc bà nhìn vào trong mộ, và bà đã thấy gì? Bà thấy: có hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Hai vị ngồi ở đầu và cuối, còn xác của Đức Giêsu lại không thấy. Vậy Ngài đang ở đâu? Thực chất đây là ngôi mộ trống, vì ngôi mộ của Đức Giêsu mà lại không có Ngài, nhưng nó lại không trống vì đang có 02 thiên thần hiện diện.

Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc?" Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!" Vâng cũng vẫn câu nói của Ma-ri-a Mác-đa-la nói với Phêrô khi bà chạy về báo tin, thì bây giờ bà lại nói với Thiên thần. Bây giờ bà dùng từ rất chính xác, bà nói: “tôi”, chứ không còn nói “chúng tôi” như khi nói với Phêrô. Nhưng cái nhìn của bà về Đức Giêsu vẫn không có gì thay đổi, Ngài đã chết, bà không nghĩ đến Đức Giêsu sẽ sống lại vì một người đã chết là đã an phận, nếu có sống lại thì phải đợi đến ngày sau hết. Do đó khi không thấy xác Đức Giêsu, bà đã thưa với Thiên thần: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!" Người ta ở đây là ai? Bà không biết, đó là từ chỉ trống.

“Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?" Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về."

Gioan không đề cập đến câu trả lời của Thiên thần, Thiên thần không trả lời, vì trước sau gì bà cũng biết, hãy để cho bà sống với những cảm xúc của mình, không nên thay đổi quá đột ngột. Ta thấy bà nhìn vào trong để tìm câu trả lời, nhưng không có ai trả lời thì bà quay ra, và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su.

Gioan nói: “bà thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng không biết đó là Đức Giêsu”. Đây là chi tiết Gioan muốn nhấn mạnh, Đức Giêsu đối với bà là người quá quen thuộc, không thể nào nhầm lẫn, nhưng bà vẫn không nhận ra, có 02 cách giải thích sự kiện này:

1/. Chứng tỏ sau khi phục sinh, thân xác của Đức Giêsu đã biến đổi.

2/. Cách giải thích khác, cũng như Hai môn đệ trên đường Emmaus, hai ông không thể nhận ra Đức Giêsu, cho đến khi nhận ra Ngài qua cử chỉ bẻ bánh. Như vậy, việc có nhận ra Đức Giêsu phục sinh hay không, không thể do người ấy nhận biết, mà chỉ do Ngài tỏ cho biết.

Đức Giêsu hỏi bà với những câu hỏi rất tự nhiên, rất con người: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?". Ngài muốn bà nói ra hết ý nghĩ của mình, và cho bà cơ hội gần gũi và tự nhiên hơn. Gioan cho biết, bà tưởng Đức Giêsu là người làm vườn, vâng đúng như vậy, vì Ngài chưa tỏ cho bà biết. Bà hỏi Đức Giêsu: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về."

Ta để ý, khi trả lời cho Thiên thần, bà nói: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!". Cụm từ “người ta” không xác định người nào. Nhưng khi trả lời cho Đức Giêsu, thì cụm từ “người ta” đã được bà gán cho Đức Giêsu, vì bà tưởng Đức Giêsu là người làm vườn. Có lẽ chung quanh ngôi mộ là khung cảnh của một khu vườn, và Đức Giêsu trong bộ dạng của người làm vườn, tất cả những điều đó, đã tạo cho bà một cảm giác thanh bình và gần gũi. Độc giả có thể thắc mắc, sao bà Ma-ri-a Mác-đa-la lại có thể ngộ nhận như vậy? Xin thưa: Vì Đức Giêsu đã đi vào sự sống mới, cách thế hiện hữu mới, phi không gian và thời gian.

Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a!" Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni!" (nghĩa là 'Lạy Thầy'). Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: 'Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em'."

Đức Giêsu đã tỏ cho bà biết Ngài, bằng cách gọi tên của bà: “Maria”. Khi Thiên Chúa gọi tên ai, Ngài gọi cả con người đó, tất cả con người của Ma-ri-a Mác-đa-la đã được Thiên Chúa gọi. Gioan nói: “Bà quay lại”, như vậy trước đó bà không nhìn về Đức Giêsu, bà đang nhìn về một khoảng không nào đó. Chính vì không nhìn thẳng vào Đức Giêsu, nên bà đã bị ngộ nhận, bây giờ cả con người bà quay lại khi được gọi. Bà đã nhận ra Đức Giêsu nhờ quay lại, "Ráp-bu-ni!" (nghĩa là 'Lạy Thầy')

Gioan viết: “Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha.” Đức Giêsu trước khi đi vào cuộc Khổ nạn, Ngài từng nói với người Do Thái: Ta và Cha Ta là Một, ai thấy Thầy là thấy Cha, như vậy sau khi Phục Sinh, Ngài muốn thân xác phục sinh của Ngài cũng phải là Một với Cha như vậy. “Thôi, đừng giữ Thầy lại”, có nghĩa bà không được phép giữ Ngài cho riêng mình mà bà phải có bổn phận loan báo cho các môn đệ.

“Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”. Tin Mừng này chất chứa lòng ước ao bừng cháy của Đức Giêsu: thông truyền cho anh chị em của Ngài tất cả những gì ngài là: “Cha của Thầy cũng là Cha của anh chị em, Thiên Chúa của thầy cũng là Thiên Chúa của anh chị em.” Như thế, trong và qua Đức Kitô Phục Sinh, một tương quan mới được khai mở cho chúng ta: Chúng ta là anh em với nhau trong Đức Kitô Phục Sinh.

Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.”

Bà Ma-ri-a Mác-đa-la là người đầu tiên được Đức Giêsu hiện ra, đó là diễm phúc của người phụ nữ, nhưng diễm phúc đó bà không giữ cho riêng mình, bà muốn chia sẻ cho các môn đệ. Để rồi các môn đệ cũng chia sẻ cho người khác. Đó là ý nghĩa của việc loan báo Tin Mừng.

Amen.
________________________

Jos. Nguyễn Viết Tâm.v


Trở lại      In      Số lần xem: 1984
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  18
 Hôm nay:  2458
 Hôm qua:  3093
 Tuần trước:  25660
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12371216

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn