Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa CHÚA NHẬT PHỤC SINH
(20/04/2014) - NGÔI MỘ TRỐNG

 



Bài đọc 1: Trích sách Tông đồ Công vụ (Cv 10,34a. 37-43)
Bài đọc 2: Trích Thư Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Côlôsê (Cl 3,1-4)
Bài Tin mừng: Tin Mừng theo Thánh Gioan (Ga 20,1-9)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."

Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.
________________________

Trong Thánh Lễ Đêm Canh thức Phục Sinh và Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh có rất nhiều Bài đọc, nhưng Nguyễn Viết Tâm xin chọn Bài Tin mừng theo Thánh Gioan về NGÔI MỘ TRỐNG để phân tích, vì đây là sự kiện có sự chứng kiến của Phêrô, Vị tông đồ trưởng.
__________________________

LỜI MỞ ĐẦU:

Trước khi nói về Sự kiện NGÔI MỘ TRỐNG, thiết tưởng độc giả cũng cần biết các sự kiện xảy ra trước đó:

1/. LÍNH CANH MỘ

Matthêu viết: “Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các thượng tế và những người Pha-ri-sêu kéo nhau đến ông Phi-la-tô, và nói: "Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: "Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy." Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm xác rồi phao trong dân là hắn đã từ cõi chết trỗi dậy. Và như thế, chuyện bịp cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước."

Ông Phi-la-tô bảo họ: "Thì có sẵn lính đó, các ngươi hãy đi mà canh giữ theo cách các ngươi biết!" Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ.” (Mt 27, 62 – 66)

Các Thượng tế và người Pharisêu rất quan tâm những lời Đức Giêsu nói, và một trong những lời Ngài nói, sau khi chết 03 ngày Ngài sẽ Phục sinh. Như trong sự kiện Đức Giêsu thanh tảy Đền thờ, Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?" Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại." (Ga 2, 18-19). Nếu việc Phục sinh của Đức Giêsu là có thật, thì đây quả là điều tệ hại đối với họ, chắc họ điên mất, vì khi Ngài còn sống, các Thượng tế và người Pharisêu đã phải mất ăn mất ngủ, họ không thể làm được gì mà suốt ngày cứ lo cách đối phó.

Như vậy vấn đề đặt ra bây giờ: Phải cho lính canh mộ thật kỹ. Ngăn không cho ai lai vãng khu vực mộ. Các Thượng tế và người Pharisêu đang ở trong tình trạng bán tín bán nghi, không dám chắc Đức Giêsu sẽ Phục sinh, nhưng sợ nhất có kẻ đến lấy cắp thi hài rồi tung tin đồn thất thiệt, vô tình làm cho việc Phục sinh có thật.

Vừa rồi họ đã dồn Philatô vào thế phải xử Đức Giêsu thì bây giờ để cho công bằng, họ muốn nhờ Philatô cho lính của ông canh mộ. Nhưng họ đã lầm, việc Philatô cho ghi tấm bảng treo trên thập giá, nội dung theo ý ông, mà gạt tất cả ý kiến phản đối của người Do Thái bắt ông sửa lại, chứng tỏ ông đã cay cú với người Do Thái như thế nào, thì trước việc họ đến xin ông cho lính canh, Philatô từ chối thẳng thừng. Các Thượng tế đành phải cho lính của mình canh giữ. Như vậy, họ sẽ chịu trách nhiệm về việc Đức Giêsu Phục sinh, không còn đổ lỗi cho ai tung tin đồn nhảm được nữa.

Chính người của Thượng tế canh giữ. Sự canh giữ đó rất nghiêm ngặt, mọi sự đã chuẩn bị kỹ càng chờ ngày thứ ba sắp tới.

2/. LỜI NÓI DỐI KINH TỞM NHẤT TRONG LỊCH SỬ

Matthêu viết: “Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi.” (Mt 28, 1-4)

Matthêu mô tả rất chi tiết, hôm nay là ngày thứ ba, tính từ lúc Đức Giêsu tắt thở, có một cơn động đất cực mạnh, có tính chất cục bộ, xảy ra tại khu vực chung quanh mộ Đức Giêsu, có Thiên thần Chúa từ trời xuống đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Các lính canh của Thượng tế chứng kiến tận mắt, họ run sợ và chết ngất đi.

Matthêu viết tiếp: “Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: "Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự." Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.” (Mt 28, 11-15)

“Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”, một lời nói dối trơ trẽn và vô lý nhất trong lịch sử. Một đội ngũ lính canh mộ đông và lúc nào cũng cảnh giác cao như vậy, mà lại đồng loạt ngủ gật để cho môn đệ của Đức Giêsu lấy trộm xác. Có ai tin được lời nói dối này không? Thế tại sao, nó lại phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay, tính theo thời điểm viết Sách Tin mừng? Đó là do quyền lực các thượng tế chi phối, quyền lực đó mạnh đến nỗi ai cũng biết đó là lời nói dối, nhưng họ nghe để đó, không dám phê bình, không dám phản đối, chính vì thế nó mới tồn tại cho đến ngày nay.

Sự kiện Thiên thần Chúa từ trời xuống đến lăn tảng đá là sự kiện có thật, không thể chối cãi. Tất cả các sự kiện này đi trước để chuẩn bị cho một NGÔI MỘ TRỐNG sau đó.
________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."

Gioan đề cập đến thời gian, ông nói: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”, như vậy có 02 sự khởi đầu: Khởi đầu một tuần lễ mới và một ngày mới. Hôm nay là ngày thứ ba tính từ lúc Đức Giêsu tắt thở. Cụm từ “sáng sớm”, nó cho biết khi Đức Giêsu tắt thở là lúc Ánh sáng thế gian đã vụt tắt, vì Ngài là Ánh sáng thế gian, để cho bóng tối của sự chết trổi lên, thì “sáng sớm” có nghĩa Ánh sáng của thế gian đã xuất hiện trở lại để đẩy lùi bóng tối của sự chết.

"Lúc trời còn tối”, Gioan muốn xác định rõ hơn chút nữa, trời chưa sáng hẳn nó giống như còn trong đêm tối. Gioan muốn diễn tả sự phục sinh của Đức Giêsu còn ở xa xa, Ánh sáng thế gian, mới bắt đầu ló dạng chưa xua tan được bóng tối. 

“Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ”. Ngay câu đầu tiên, độc giả sẽ có nhiều thắc mắc: Tại sao một phụ nữ như bà Maria Madanela lại dám đi đến mộ một mình? Bà đến mộ để làm gì? Có lẽ trình thuật của Gioan không sát thực tế cho bằng trình thuật của các Thánh sử nhất lãm. Ta có thể dẫn chứng sau đây.

Matthêu viết: “Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ." (Mt 28, 1) Matthêu nêu tên 02 bà và chỉ nói đi viếng mộ, vì các bà biết mộ có lính canh nên không thể vào trong, do đó không nghĩ đến chuyện mang dầu thơm để ướp xác.

Marcô viết: “Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su” (Mc 16, 1) Ở Marcô nêu tên đến 03 bà, và có mang dầu thơm để ướp xác.

Tại sao các bà lại mua dầu thơm để ướp xác? Thưa: Có lẽ lúc tháo đanh Đức Giêsu và táng trong mồ, theo Gioan, 02 ông đảm nhận việc này là: ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê và ông Nicôđêmô, ông Nicôđêmô có đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương, và các ông phải làm mau lẹ vì gần đến đại lễ của người Do Thái. (Ga 19, 38-42) Cho nên việc táng xác như vậy còn rất sơ sài, nên hôm nay các bà sẽ mua dầu thơm để ướp lại. Vậy các bà có biết có lính canh mộ không? Xin thưa: Các bà biết, vì đây là chuyện công khai, nhưng các bà mua dầu thơm, chứ không có sẵn dầu thơm, có nghĩa các bà biết lính đã bỏ vào thành nên mới mua dầu thơm để ướp lại xác.

Luca viết: “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn” (Lc 24, 1). Ở Luca nêu ra có nhiều bà đi ra mộ.

Như vậy, ngay chi tiết đầu tiên, ta thấy Gioan không sát thực tế cho bằng các Thánh sử Nhất Lãm. Không phải Gioan thiếu sót mà ta thấy Tin mừng thứ tư luôn có tính biểu tượng, có nghĩa không nên chú ý vào hình thức mà phải quan tâm đến ý nghĩa của nó. Gioan muốn cho độc giả biết về sự kiện Ngôi mộ trống.

Bà Maria Madalena đến mộ đã thấy gì? Bà thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Gioan hoàn toàn không đả động gì đến việc Thiên thần Chúa từ trời xuống đến lăn tảng đá như ở Matthêu (Mt 28, 1-3). Có lẽ đây lại là điểm thiếu sót nữa của Gioan. Và Tin mừng theo Gioan cũng không đả động đến việc niêm phong hòn đá hoặc ngôi mộ được niêm phong bằng 01 tảng đá, trong khi đó ở Matthêu nói rất rõ việc này. Matthêu viết: “Ông Phi-la-tô bảo họ (các Thượng tế): "Thì có sẵn lính đó, các ngươi hãy đi mà canh giữ theo cách các ngươi biết!" Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ.” (Mt 27, 65-66)

Có lẽ việc thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ gây sửng sốt và kinh hãi cho Maria Madanela. Đó là một cảm giác trực quan và trong hoàn cảnh như vậy, bà chỉ còn một việc duy nhất để làm, đó là chạy về báo tin cho Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến.

Ông phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến hiện đang ở đâu? Gioan không đề cập đến, có lẽ những lúc như vậy không nên tiết lộ nơi ở của các ông vì Đức Giêsu mới bị giết. “Người môn đệ Đức Giê-su thương mến” là ai? Có lẽ đây là điểm gây thắc mắc cho độc giả, và ta thấy khi Gioan trình bày bất kỳ sự kiện nào của Đức Giêsu có sự hiện diện người môn đệ này, Gioan luôn dùng cụm từ: “Người môn đệ Đức Giê-su thương mến”. Đã có nhiều cách giải thích về người môn đệ này:

+ Theo J.A. Grassi trong tác phẩm The Secret Identity, ông chứng minh:

(1) Dựa vào Tin mừng Gioan, người môn đệ này là một người có thật, nhưng không phải là Gioan, con ông Dêbêđê và một trong Nhóm Mười Hai.
(2) Đây là một dung mạo vừa có những nét giống với Giacóp vừa có những điểm giống với Giuse con yêu quý của Giacóp.
(3) Đây là người môn đệ trẻ vô danh đã cùng với Anrê đến với Đức Giêsu bên bờ sông Giođan.
(4) Người môn đệ này xuất thân từ miền Giuđê, có lẽ thuộc một gia đình tư tế ở Giêrusalem.
(5) Người môn đệ này là “em bé” đã tặng năm chiếc bánh và hai con cá.
(6) Người môn đệ này có vị trí ưu tiên trong bữa tối cuối cùng, biết trước bí mật thâm sâu của Đức Giêsu về chuyện bị phản bội và phải chết, vì ông là người kế thừa thầm kín có sứ mạng giúp cho thế gian hiểu thật sâu cuộc sống và đặc biệt cái chết của Người.
(7) Bản văn trọng yếu là vào lúc đứng dưới chân thập giá, người môn đệ này chứng kiến và hiểu ý nghĩa của cái chết của Đức Giêsu. Dù thế nào, có thể nói người môn đệ này là người thừa kế đích thực của Đức Giêsu.

+ Theo Học viện Đa minh dịch từ: The Complete Biblical Library. Missouri: Springfield, 1982

Trong Tin Mừng Gio-an, tác giả thường tránh nêu tên mình, mà hay dùng kiểu nói “một môn đệ khác, môn đệ Đức Giêsu yêu mến”, như vậy “Người môn đệ Đức Giê-su thương mến” là Gioan, cũng là tác giả Sách Tin mừng thứ tư. Cách giải thích này được nhiều Nhà Thần học và Nhà chú giải chấp nhận.

Hai ông Phêrô và Gio-an là cặp bài trùng và đã cùng nhau trải qua nhiều kinh nghiệm tuyệt vời. Tương quan của họ với Đức Giêsu chính là điểm nối kết họ với nhau. Phêrô với tính tình hấp tấp, bốc đồng và năng nổ, trong khi Gio-an lại chậm rãi, âm thầm và cẩn trọng, nhưng chính những khác biệt là điểm kết nối họ lại với nhau trong ân sủng của Đức Giêsu Kitô.

Bà Maria Madalena đã nói gì với Phêrô và Gioan? Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."

Độc giả sẽ thấy trong lời nói của bà đã bộc lộ sự thiếu sót của Gioan. Tại sao từ đầu bài Tin mừng, Gioan nói có mình bà Maria Madalena đến mộ, sao bây giờ bà lại dùng cụm từ “chúng tôi". Như vậy chứng tỏ ngoài bà Maria Madalena còn có người phụ nữ khác cũng ra mộ với bà như các Thánh sử Nhất lãm tường thuật.

Và một điểm vô lý nữa trong lời nói của bà, tại sao bà chỉ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mồ, trong mồ còn xác của Đức Giêsu không, sao bà dám quả quyết, người ta người ta đã đem Chúa ra khỏi mộ và không biết họ để Ngài ở đâu? Còn cụm từ "Người ta" ở đây ám chỉ người nào? Có thể dùng để nói trống, không biết là người nào.

Tất cả những sự vô lý này vẫn được chấp nhận, vì khi thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ sẽ gây cho người ta sự kinh ngạc tột độ, và theo phản ứng trực quan, nhất là đối với phụ nữ, họ thường bị hoảng loạn trong câu nói của mình. Và chính trong sự vô lý này đã chứng minh một điều rất có lý, đó là sự kiện Đức Giêsu phục sinh không phải là sự kiện áp đặt trước. Bà Maria Madalena đang phản ứng rất người, bà chỉ căn cứ vào điều mắt thấy tai nghe mà bộc lộ phản ứng.

Vấn đề ở đây: NGÔI MỘ CÓ TRỐNG KHÔNG? Có nghĩa còn xác Đức Giêsu trong đó không? Tất cả những điều này sẽ được giải đáp ở phần sau của Bài Tin mừng.

"Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào."

Sau khi nghe bà Maria Madalena báo tin, cả Phêrô và môn đệ kia cấp tốc đi ra mộ, cả 02 ông cũng trong tâm trạng bàng hoàng, kinh ngạc và muốn đến xem sự gì đã xảy ra. Gioan nói: "Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước". Môn đệ kia chạy mau hơn không có nghĩa ông yêu mến Đức Giêsu nhiều hơn, nhưng nó thể hiện tình trạng về thể lý, vì người môn đệ kia trẻ hơn.

"Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào". Các thuật ngữ “cúi xuống” và “nhìn vào trong mộ” cho thấy đó là một lối đi thấp. Khi thấy những khăn liệm ở đó, có lẽ môn đệ kia nghĩ rằng: “Nếu ai đó đã lấy cắp xác Đức Giêsu, tại sao họ còn để lại các khăn liệm ở đó?”.

Độc giả sẽ thắc mắc tại sao môn đệ kia không vào? Có nhiều cách giải thích cho sự kiện này:

1/. Môn đệ kia rất tế nhị, ông tôn trọng chức vị Tông đồ trưởng của Phêrô, nên mặc dù đã đến trước nhưng ông không vào. Người chứng kiến đầu tiên tất cả sự kiện phải là Phêrô chứ không phải ông. Đây là ưu điểm của môn đệ kia và là bài học cho các phẩm trật trong Giáo hội: Tôn trọng và vâng lời.

2/. Có thể là do tính cách của ông luôn cẩn trọng suy xét những gì đã xảy ra.

3/. Cũng có thể ông do dự không vào trong mộ là do lối vào mộ đã ra ô uế trong 7 ngày.

“Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.”

Cuối cùng Phêrô cũng đến nơi, mặc dù ông là người đến sau, nhưng lại là người vào trước tiên. Gioan nói: Phêrô vào thẳng trong mộ. Chứng tỏ Phêrô rất am tường mộ của người Do Thái thời ấy, mặc dù ông không có mặt trong lúc táng xác.

Theo Lm. PX Vũ Phan Long, ofm

Ngành khảo cổ xứ Paléstina cho thấy là có những ngôi mộ nằm ngang và cửa vào các ngôi mộ này nhỏ hẹp, có khi cao chỉ gần một thước, nên người lớn thì phải trườn mà vào. Người ta có thể niêm mộ bằng một tảng đá chắn ngay cửa vào.

Nhưng cũng có những ngôi mộ rộng hơn thì cửa được chắn bằng một tảng đá có thể lăn tròn theo một cái rãnh ở ngang cửa vào, giống như một cánh cửa lùa. Ngôi mộ rộng bên trong có thể có một gian ngoài; gian trong mới dành để mai táng người quá cố. Có nhiều cách mai táng: có khi người ta khoét những cái hầm đục vào sâu trong vách đá và đẩy thi hài vào trong đó, đầu đi trước; có khi người ta lại đẽo vào đá để làm thành những tầng có những cái ổ bán cung (như một cái kệ) cách mặt đất chừng nửa thước để đặt thi hài vào; có khi người ta đặt một băng bằng đá sát vách và đặt thi hài lên. Dường như Đức Giêsu được mai táng trong một ngôi mộ rộng và theo cách cuối cùng.

(Hết trích)

Ông vào trong mộ một mình rất tự tin và không hề sợ hãi, ông quan sát rất kỹ, ông thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.” Như vậy ông đã quan sát kỹ hơn môn kia khi chỉ đứng ở ngoài nhìn vào.

Sự kiện những băng vải và khăn che đầu được xếp ngay ngắn, không để lẫn lộn nhưng cuốn lại, chứng tỏ không có gì vội vàng và hấp tấp trong việc dời xác. Rất thong thả và tỉ mỉ, điều này đã đánh tan nghi ngờ của Phêrô: có tên trộm nào đó đã vào lấy trộm xác, hoặc do lính của các Thượng tế hay của Rôma đến để di dời xác. Không thể có bàn tay con người nhúng vào việc này. Vậy sự kiện các băng và khăn để ngay ngắn đã nói cho Phêrô điều gì? Ông có tin Đức Giêsu sống lại không? Gioan không nói gì về điều này. Gioan chỉ nói, Phêrô đã quan sát rất kỹ các dải băng và khăn liệm để đánh tan mối nghi ngờ do Maria Madalena nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."

“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà.”

Cuối cùng người môn đệ kia cũng vào, Gioan nói, ông đã thấy và đã tin. Ta cũng có thể hiểu ông tin vì đã thấy. Nhưng ông đã thấy gì? Gioan lại không đề cập. Chắc ai cũng nghĩ, người môn đệ kia cũng thấy như Phêrô đã thấy: thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Ông tin Đức Giêsu đã sống lại. Thân xác của Đức Giêsu sau Phục sinh không còn bị giới hạn về không gian và thời gian, Ngài như ánh sáng đi ra ngoài những vải băng đang quấn chung quanh mình, cũng như sau này Đức Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi căn nhà cửa đóng then cài. Vâng đúng vậy, Thân xác của Đức Giêsu đã được biến đổi mà trên núi Thabor các ông đã được chứng kiến trong giây lát.

Tại sao Gioan nói, người môn đệ kia tin, còn với Phêrô thì không nói gì?

Như vậy chứng tỏ sự kiện Ngôi mộ trống và các khăn và băng vải gọn gàng chưa phải là cơ sở để đưa đến đức tin. Nếu nói rằng Ngôi mộ trống và các băng vải để gọn gàng là cơ sở đưa đến niềm tin, thì thật là hàm hồ. Phêrô chỉ thấy, và sự thanh sát đã đưa ông đến chỗ thận trọng khi đưa ra một phán quyết. Vâng ông đúng là Tông đồ trưởng, ông chỉ công bố một điều gì đó buộc phải tin, khi nó dựa trên những chứng cứ chắc chắn, và đây cũng là cách các Đức Giáo hoàng đã theo khi công bố một Tín điều. Phải có những lần Đức Giêsu hiện ra với các ông sau này, mới làm cho sự kiện Ngôi mộ trống trở nên có ý nghĩa.

Gioan nói: “Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”. Có nghĩa Kinh Thánh đã tiên báo nhiều lần sự kiện Đức Giêsu phục sinh. Nói chi đâu xa, chính Đức Giêsu đã tiên báo đến 03 lần, Ngài sẽ bị các thượng tế, kỳ mục, kinh sư giết chết và sau 03 ngày Ngài sẽ sống lại. Thế mà đứng trước cuộc Khổ nạn các ông chẳng hiểu gì hết, vì những gì đang xảy ra trước mắt các ông, một con người bị đánh đòn bầm dập, bị si nhục không còn ra hình tượng người ta nữa, và nhất là bị đóng đinh trên thập giá, cuộc khổ nạn đó đã tra tấn niềm tin yếu ớt của các ông, đến nỗi Gioan nói: “trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.

Nhưng bây giờ sự kiện Ngôi mộ trống, đã đưa môn đệ kia tin Đức Giêsu đã phục sinh.

“Sau đó, các môn đệ lại trở về nhà”, các ông có thể bình thản ra về được không? Xin thưa: Không. Các ông vẫn phải về vì ngôi mộ không phải là nơi các ông sống và làm việc, các ông phải trở về nhà của mình. Nhưng sự kiện Ngôi Mộ Trống vẫn ở lại trong tâm trí 02 ông, nó sẽ ở mãi với 02 ông, các ông vẫn phải băn khoăn về nó, vì Ngôi mộ trống nó đã để lại cho 02 ông các câu hỏi, và chỉ sau khi Đức Giêsu hiện ra, nó mới cho các ông một xác quyết: NGÔI MỘ TRỐNG ĐÃ CHỨNG MINH ĐỨC GIÊSU SỐNG LẠI.

Sự kiện Ngôi mộ trống nó có ý nghĩa gì đối với ta? Thưa: nó cho ta biết, con người của ta hiểu theo nghĩa nào đó, nó cũng là ngôi mộ, một ngôi mộ đầy ắp mọi thứ trong đó. Nó nặng nề quá, chật chội quá, không còn một chỗ trống nào hết. Thiên Chúa có thể ngự vào trong ta, khi lòng ta không còn chỗ trống nào để Ngài có thể ngự vào không? Chắc chắn không. Vậy ta phải làm gì để cho Chúa có thể ngự vào? Xin thưa: Phải làm trống lòng mình, tống khứ hết tất cả những thứ làm cho mình trở nên chật chội, để có chỗ cho Đức Giêsu phục sinh ngự vào.

Tâm hồn ta phải là một Ngôi mộ trống.

Amen.
__________________________

Jos. Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2344
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  22
 Hôm nay:  2482
 Hôm qua:  3093
 Tuần trước:  25660
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12371240

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn