Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Thánh Giu-se, Bạn trăm năm Đức Ma-ri-a (Những bài suy niệm)

Thánh Giu-se, Bạn trăm năm Đức Ma-ri-a (những bài suy niệm)

Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Maria

 

 

Chỉ có Phúc Âm Mátthêu và luca mới nói về thánh Giuse. Theo hai thánh sử, Giuse thuộc chi tộc Đavít: người được xem như dây liên hệ giữa dòng dõi Đavít với Đấng Mêsia.

 

Những chặng đường đời của thánh Giuse cũng được thấy rõ: thánh nhân là con người của niềm tin và phó thác, một người được chia sẻ để hiểu biết Mầu Nhiệm của Thiên Chúa. Thánh nhân là người sống thinh lặng, được Thiên Chúa chọn làm Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria. Người cũng được trao phó việc chăm sóc con Thiên Chúa, như một người cha.

 

Thánh nhân sống bao lâu, chúng ta không rõ. Lần cuối cùng chúng ta thấy người xuất hiện tại Giêrusalem là khi trẻ Giêsu lên 12 tuổi.

 

Giáo Hội Phương Tây chính thức tôn kính thánh Giuse vào thế kỷ XIV, XV. Thánh lễ hôm nay chỉ gặp được trong phụng vụ Rôma vào năm 1621. Đức Thánh Cha Piô XI công bố: Thánh Giuse là quan thầy của Hội Thánh.

 

Xin Chúa vì công nghiệp và lời cầu bầu của thánh Giuse, ban cho chúng con ơn khiêm nhường và lòng tin tưởng vào tình thương và quyền năng Chúa trong cuộc đời của mỗi người chúng con.

 

Suy niệm 1: ĐỨC VÂNG PHỤC CỦA THÁNH CẢ GIUSE

 

Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa truyền dạy. (Mt 1,24a)

 

Suy niệm: Thánh Giuse khong được các thánh sử cho “phát biểu” một câu nào trong cả bốn Tin Mừng, chỉ thấy Ngài làm theo những gì được truyền: nào là bỏ ý định toan tính trốn; nào là dắt Đức Maria và Hài Nhi Giêsu đi “tị nạn” bên Ai-cập… nhất nhất cái gì cũng làm theo lời chỉ dạy của Thiên Chúa. Sự vâng phục của thánh Giuse không phải là thứ vâng lời tối mặt, mù quáng. Để thực hiện sứ mạng, ngài không được Chúa ban cho sự can thiệp đặc biệt nào ngoài những lời báo tin của thiên thần. Thế nên phải thật khôn ngoan mưu lược, thánh Giuse mới hoàn thành sứ mạng đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài thoát khỏi vòng vây trùng điệp của binh lính Hêrôđê để sang tới Ai Cập. Sự khôn ngoan của thánh Giuse càng thể hiện rõ khi hồi hương từ Ai Cập, ngài đã đưa thánh gia về Nadarét thay vì Bêlem. Thánh Giuse vâng phục thánh ý Chúa cách tuyệt đối, không máy móc mà đầy khôn ngoan và sáng tạo.

 

Mời Bạn: Thánh Giuse được Thiên Chúa tuyển chọn làm cha nuôi Đức Giêsu, nhưng cũng vẫn phải trải qua những long đong của cuộc sống thường nhật. Ngài không “nói” lời nào nhưng luôn lắng nghe và vâng phục thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa.

 

Sống Lời Chúa: Bạn đọc lại câu Phúc Âm trên đây cách chậm rãi và suy niệm về việc vâng phục ý Chúa từ những kinh nghiệm sống của mình.

 

Cầu nguyện: Lạy thánh Giuse, Ngài đã lang nghe và thực hành lời Chúa trong sự khiêm nhường tột bậc. Xin giúp chúng con cũng biết lắng nghe và vâng phục ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày. Amen.

 

Suy niệm 2: THÁNH GIUSE NGƯỜI GIA TRƯỞNG TRUNG THÀNH

 

Để đảm bảo hạnh phúc gia đình, hơn lúc nào hết các đôi vợ chồng ngày hôm nay cần phải ý thức và can đảm sống nhân đức trung thành theo mẫu gương của Thánh Giuse.

 

1. Thánh Giuse trung thành bảo trợ gia đình

 

Sau khi nhận được thánh ý Thiên Chúa, Thánh Giuse đã sẵn sàng đứng ra để bảo trợ Thánh gia.

 

Thánh Kinh thuật lại: khi biết được Đức Maria mang thai là do quyền năng Chúa Thánh Thần, Thánh Giuse đã không ngần ngại nhận Đức Maria về nhà mình để chở che và nuôi dưỡng. Nhận lãnh hay bảo lãnh Đức Maria về nhà cũng đồng nghĩa Thánh Giuse giải cứu Đức Maria khỏi búa rìu dư luận và thoát khỏi án tử.

 

Việc bảo trợ Đức Maria cũng có nghĩa là đồng bảo trợ Hài Nhi đang được cưu mang trong cung lòng Đức Maria. Việc nhận Đức Giêsu làm con cũng đồng nghĩa với việc bảo trợ cho Đức Giêsu sinh ra cách hợp pháp và đưa Đức Giêsu vào trong dòng tộc vua Đavít.

 

Không chỉ bảo trợ cho Hài nhi Giêsu sinh ra hợp pháp mà thánh Giuse còn bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu khỏi nanh vuốt của vua Hêrôđê. Để bảo toàn mạng sống của Đức Giêsu, thánh Giuse phải vượt đường xa hiểm trở gần 500 cây số xuyên qua sa mạc dài hơn 200 km không một bóng cây, không một ngọn cỏ, không một giọt nước, rất gian khổ để đến Ai-cập tị nạn.

 

Ngoài việc bảo vệ sự sống, bảo vệ mạng sống, Thánh Giuse còn phải bảo vệ cho Đức Maria và Hài Nhi Giêsu được sống nữa. Ngài đã phải lao động vất vả tại xưởng mộc bé nhỏ tại làng Nazarét để mưu tìm miếng cơm, manh áo, tiền nong để nuôi sống gia đình.

 

Cuộc đời thánh Giuse quả không phải sung sướng, an nhàn, trái lại ngài phải trãi qua trăm chiều thử thách và đau khổ. Ý Chúa quan phòng để ngài nêu gương cho ta khi gặp gian lao, thử thách cũng biết vui lòng hy sinh như ngài để bảo vệ sự sống, mạng sống và tạo điều kiện cho gia đình mình được sống an bình.

 

Là người cha phải hết lòng bảo vệ con cái mình khỏi tay kẻ dữ, khỏi bầu khí hận thù và bất công. Đó là nhiệm vụ vô cùng to lớn của người gia trưởng.

 

Hằng ngày có biết bao hài nhi bị hủy diệt trong bào thai. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến không ít những hài nhi vừa cất tiếng khóc chào đời lại bị chính cha mẹ chúng bỏ rơi, thật đau lòng!

 

Cách bảo vệ hài nhi an toàn nhất là chúng ta phải biết tỉnh thức để nghe tiếng Chúa nói trong lương tri như Thánh Giuse, dù khi ngủ, ngài vẫn thức tỉnh nhận ra tiếng Chúa nói trong giấc mộng.

 

2. Thánh Giuse trung thành trong nhiệm vụ giáo dục con cái

 

Tin mừng thánh Luca đề cao nền giáo dục tuyệt vời của Thánh gia qua câu: “Hài nhi lớn lên càng mạnh khỏe, khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Chúa và người ta” (Lc 2,40-52). Chỉ một lời ngắn ngủi của thánh sử Luca nhưng đã diễn tả hầu như trọn vẹn cách thế giáo dục của thánh Giuse và Đức Maria đối với con mình. Các ngài đã để ý và giáo dục con mình về mọi phương diện: Thể dục, trí dục, đức dục …

 

- Thể dục: Trẻ Giêsu càng lớn lên càng mạnh mẻ, đầy sức lực nhờ vào lao động nơi xưởng mộc Nazarét mà thánh Giuse đã dày công tạo dựng. Lên 12 tuổi trẻ Giêsu đã đi bộ suốt bốn năm ngày đàng lên Giêrusalem dự lễ, vậy mà không thấy Thánh kinh nói trẻ Giêsu mệt mỏi. Sau này giảng đạo, Đức Giêsu đã đi khắp cùng làng mạc, thành phố và cả những vùng lân cận nữa.

 

- Trí dục: Càng tuyệt vời hơn khi mới 12 tuổi, cậu bé Giêsu của làng Nazarét quê mùa, vô danh, ở tít vùng sâu, vùng xa đã đàng hoàng vào đền thờ ở thủ đô Giêrusalem, ngồi giữa các thầy tiến sĩ vừa nghe vừa hỏi. Ai cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp khôn ngoan của cậu. Nếu gia đình Thánh Giuse không quan tâm đến việc hướng dẫn con mình học hỏi và trao dồi Thánh kinh thì làm gì có sự hiểu biết như thế?

 

Mỗi ngày Sabát là dịp tốt để tìm hiểu Thánh kinh và nghiên cứu Luật Chúa. Như trở thành thói quen mà cha mẹ để lại. Sau này khi rao giảng Chúa Giêsu thường xuyên vào Hội Đường đọc Lời Chúa, giảng dạy và chữa bệnh. Có lẽ nhờ việc quan tâm đến giáo dục tri thức cho con mình nên Đức Giêsu đã thuộc lòng các khoản Luật và Lời Chúa.

 

- Đức dục: Ngoài đức công chính gắn liền với tên tuổi Thánh Giuse, chúng ta còn nhận thấy một nhân đức khác nổi bậc nơi ngài nữa đó là đức vâng lời. Vâng lời thánh ý Thiên Chúa, ngài đã bỏ ý riêng mình để đón nhận Đức Maria về nhà mình. Vâng lời Thiên Chúa, ngài đã mau mắn đem Đức Maria và Hài Nhi trốn sang Aicập.

 

Chính nhờ ảnh hưởng của một nền đạo đức như vậy mà Đức Giêsu trở nên người con hằng “đẹp lòng Chúa Cha”. Cuộc đời Chúa Giêsu cũng tiếp nối bằng hai chữ “xin vâng” theo thánh ý Chúa Cha như thánh Giuse và Đức Maria:

 

Vâng lời Chúa Cha từ trời cao Người xuống thế, từ Vị Thiên Chúa trở nên người phàm, từ Đấng Thánh Thiện lại gánh lấy tội nhân. Người vốn là giàu sang lại trở nên nghèo khó…; và Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế nên Người hằng xác quyết: “lương thực của Ta là làm theo Đấng đã sai Ta” (Ga 4,34). Ngoài việc vâng lời Chúa Cha, Đức Giêsu còn luôn vâng lời thánh Giuse và Đức Maria: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51).

 

Vậy những bậc cha mẹ cũng hãy noi gương thánh Giuse, quan tâm giáo dục con mình phát triển toàn diện. Trung thành giáo dục như thế mới hy vọng con chúng ta trở nên tốt.

 

Cùng với Giáo Hội, chúng ta cũng đang sống trong tâm tình của mùa chay thánh. Nếu mùa chay Giáo Hội mời gọi chúng ta trở về, thì trước hết, chúng ta hãy bắt đầu trở về với chính mình, với những bổn phận của người chồng-vợ, người cha-mẹ, người gia trưởng-hiền mẫu trong gia đình mình, bằng việc noi gương thánh Giuse trung thành trong vai trò bảo trợ gia đình, trung thành trong trách nhiệm làm cha-mẹ và nhất là trung thành trong việc giáo dục con mình trở thành người và thành người con Chúa.

 

Vì sự sống và hạnh phúc gia đình, xin cho các gia trưởng-hiền mẫu quyết sống với HAI CHỮ TRUNG THÀNH theo gương thánh Giuse Bổn mạng gia trưởng. Amen.

 

Suy niệm 3: THÁNH GIUSE MẪU GƯƠNG CỦA THINH LẶNG

 

Dẫn nhập

Nếu mùa chay là mùa sám hối, trở về, thì có lẽ việc trở về sâu xa nhất là trở về cõi lòng mình trong thinh lặng để nhận ra Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, nhận ra tha nhân là anh em mình, nhất là nhận ra con người thật của mình. Nhờ đó mà ta có những điều chỉnh cho đúng đắn phù hợp với ý Chúa hơn.

 

Nếu Giáo Hội đặt tháng kính Thánh Giuse vào Mùa Chay, thì mục đích đã rõ, bởi vì ngài là khuôn mẫu của con người nội tâm, thinh lặng.

 

Xin Chúa cho chúng ta biết trân trọng và yêu quý đời sống thinh lặng, nhất là biết học nơi thánh Giuse bài học về “đức thinh lặng”.

 

Chia sẻ

 

Có truyện kể về 3 pho tượng: Xưa một nhà vua Ấn Độ, muốn thử nhân tài của một nước Chư hầu liền gửi tới nước này ba pho tượng vàng, giống hệt nhau. Nhà vua Ấn Độ yêu cầu nhà vua Chư hầu cho biết trong ba pho tượng vàng này, đâu là pho tượng quí giá nhất.

 

Nhà vua nước Chư hầu cho triệu tập các nhà thông thái tới để đánh giá ba pho tượng vàng này, tìm ra xem pho tượng nào quí giá nhất. Các nhà thông thái nghĩ ngay tới giá trị của mỗi pho tượng sẽ căn cứ vào cân nặng nhẹ, hoặc vào tuổi vàng tốt xấu, hoặc căn cứ vào nghệ thuật tìm thấy trên ba pho tượng vàng! Nhưng rồi các nhà thông thái đành phải bó tay, vì ba pho tượng này giống hệt nhau về nghệ thuật, khối lượng và tuổi vàng.

 

Nhà vua nước Chư hầu rất buồn, vì không biết được giá trị hơn kém của ba pho tượng. Vua liền cho loan báo khắp nước: Ai tìm được bí mật giá trị của mỗi pho tượng sẽ được trọng thưởng.

 

Có một người tù, biết chuyện xin được xem ba pho tượng và nếu anh ta tìm ra giá trị hơn kém của ba pho tượng này thì anh chỉ xin một điều kiện là cho anh được tự do. Lập tức nhà vua cho anh xem ba pho tượng. Vừa ngó xong ba pho tượng, anh ta xin một cọng rơm. Chỉ trong ít phút, anh đã khám phá ra giá trị hơn kém của ba pho tượng vàng.

 

Anh lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ nhất, thì thấy cọng rơm xuyên từ lỗ tai này sang lỗ tai kia, anh bảo: “đây là pho tượng ít giá trị nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người nghe điều gì, vừa vào tai nọ, đã ra tai kia, không biết ghi nhớ, không để tâm gì suy nghĩ điều đã nghe”.

 

Anh ta lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ hai, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống miệng pho tượng. Anh bảo: “pho tượng này hơn pho tượng trước là vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ nhưng mắc khuyết điểm là: vừa nghe được gì đã vội nói ngay, không suy nghĩ xem điều mình nghe đúng hay sai, nói ra có lợi hay có hại”.

 

Anh lại lấy cọng rơm chọc vào lỗ tai pho tượng thứ ba, thì thấy cọng rơm đi từ lỗ tai chạy xuống bụng. Anh nói: “pho tượng này quý giá nhất, vì nó tượng trưng cho hạng người biết nghe, biết nhớ, biết để lòng suy nghĩ, biết ghi vào tâm dạ mình”.

 

Vua nước lớn nghe được lời giải đáp của thần dân nước nhỏ thì vô cùng kính nể. Ông về nói với các quan trong triều: “Nước họ có người thông minh tài giỏi như vậy, hẳn nước họ là nước mạnh mẽ, hưng thịnh, ta nên giao hoà với họ chứ không nên giao chiến”.

 

Trong các sách Tin Mừng dù có nhắc tên Thánh Giuse đôi lần, nhưng không hề thuật lại bất cứ lời nào của thánh Giuse. Có lẽ không phải vì vô tình mà Thánh Kinh không ghi nhận một lời nào của Thánh Giuse, nhưng muốn đề cao giá trị của sự thinh lặng.

 

Thinh lặng giúp ta cảm nhận được vẽ đẹp.

 

“…Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu run trong gió

Và để xem trời giải nghĩa yêu…”

 

Trong bài thơ “Đà Lạt Trăng Mờ”, nhà thơ Hàn Mặc Tử kêu mời ta hãy lắng đọng tâm hồn trong cỏi riêng tư để cảm nhận sâu xa vẻ đẹp thiên nhiên mà Thượng Đế yêu thương ban tặng cho. Chỉ có thinh lặng, ta mới chìm sâu vào tận đáy lòng mình để nhận ra đáy nước hồ reo, nghe thấy nhịp rung của liễu tơ và nhận ra tình yêu của đất trời.

 

Chính đời sống thinh lặng, Thánh Giuse mới có khả năng nhìn thấu được phía bên kia của những biến động làm xáo trộn cuộc sống của ngài. Chính trong thinh lặng ngài mới thấu suốt và tin tưởng vào những vẽ đẹp của ơn Chúa ban trước những biến cố đầy sóng gió xảy đến cho gia đình mình.

 

Thinh lặng là chọn cho mình lối sống khôn ngoan

 

Người đời thường nói: “Lời nói là bạc, im lặng là vàng”. Thinh lặng hơn nói, vì nói chỉ là bạc mà im lặng mới là vàng, là vàng thì bao giờ cũng quí hơn bạc. Như thế thinh lặng được ví như một chuẩn mực của đạo đức, một tiêu chí của khôn ngoan thông thái.

 

Ông bà ta vẫn nói “Ngôn giả bất tri, tri giả bất ngôn” (Người không biết thì lại lắm mồm vì tưởng người khác không biết như mình, người biết thì lại không nói vì nghĩ rằng mọi người đều biết”.).

 

Trong thinh lặng đầy khôn ngoan, Thánh Giuse đã âm thầm bảo vệ che chở Đức Maria và nuôi dưỡng Hài Nhi Giêsu trong bầu khí ấm êm của một gia đình hợp pháp. Cho nên Heidegger mới khuyên chúng ta thực tập thinh lặng, bớt nói, bớt phát biểu, bớt bàn tán….không phải để ta nên ngu muội, vô tri, nhưng để cho tâm khảm suy nghĩ hoà quyện với sinh linh vạn vật, và chỉ khi đó chúng ta mới có thể thấu đạt hết mọi ngóc ngách, thông tường mọi thế thái, biến chuyển trong sự biểu đạt khôn cùng của nhân sinh, của nhiên giới.

 

Thinh lặng giúp ta nhận ra giới hạn của mình

 

Thinh lặng để thấu đạt được cái vô thường, cái bất biến, cái trường cửu của đất trời. Thinh lặng để thấu triệt được nội quan cũng như ngoại giới. Thinh lặng đễ thấy ta là nhỏ bé, là mong manh, là hạn hữu trong mênh mông, bao la, vô hạn giới của đất trời, của vũ trụ thường hằng và vô biên. Thinh lặng để chuyển tải nhiều hơn, thinh lặng để nói nhiều hơn, để nghe nhiều hơn, để thấu đạt nhiều hơn, có lẽ cũng đáng giá lắm thay sự thinh lặng ấy!

 

Trong chính sự thinh lặng của đêm vắng, Thánh Giuse đã nhận ra được ý muốn của Chúa, lắng nghe được Lời Chúa nói. Phân biệt được điều gì đúng, điều gì sai và chọn lựa cách thế thực hiện như thế nào đẹp ý Chúa nhất. Vì thế ngài được gọi là “người công chính”: làm theo ý Chúa.

 

Giữa bao triết lý và lắm luồng tư tưởng trong xã hội này, ta phải chọn lựa như thế nào? Giữa những nền văn hóa đa dạng và những nền văn minh phức tạp, ta biết đâu là đúng, đâu là sai? Có lẽ ta hãy học thinh lặng như thánh Giuse, để lắng đọng tâm hồn, bình tĩnh lắng nghe tiếng Chúa nói. Khi nghe được tiếng Chúa, ta phải cương quyết chọn lấy cho mình con đường. Đó là sống cho nền văn minh tình thương và văn hoá của sự sống theo gương Thánh Giuse.

(trích từ trang Lamhong.org)

 


Trở lại      In      Số lần xem: 14106
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  24
 Hôm nay:  2121
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12342126

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn