Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ tư Lễ Tro.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa THỨ TƯ LỄ TRO 
(05/03/2014) – MÙA CHAY 2014

 


Bài đọc 1: Trích sách Tiên tri Giô-en (Ge 2,12-18)
Bài đọc 2: Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Côrintô (2Cr 5, 20–6,2)
Tin Mừng: Theo thánh Matthêu (Mt 6, 1-6.16-18)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.

Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

"Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

"Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh."
________________________

Vì có nhiều bài vở trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên facebook nói về Mùa Chay, Lịch sử thứ Tư Lễ tro, ý nghĩa việc xức tro, ý nghĩa việc ăn chay, thậm chí cả bài nói về Ngày thứ Ba béo, đó là ngày đi trước thứ Tư lễ tro,... nên trong Bài Phân tích và Chia sẻ hôm nay, ta sẽ không đề cập đến những vấn đề này nữa mà đi ngay vào việc Phân tích Bài Tin mừng thứ Tư Lễ Tro.
_________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ và cả chúng ta phải làm các việc đạo đức phù hợp với tinh thần mới của Ngài:

- Đối với tha thân: Phải quảng đại chia sẻ cơm bánh vật chất.
- Đối với Thiên Chúa: Phải chuyên cần cầu nguyện.
- Đối với bản thân: Phải năng ăn chay hãm mình đền tội.

Có một công thức (xin được phép gọi là công thức cho tiện việc phân tích) được lặp đi lặp lại ở đây sau mỗi ý:

“ ............... THẦY BẢO THẬT ANH EM, CHÚNG ĐÃ ĐƯỢC PHẦN THƯỞNG RỒI. CÒN ANH ................ VÀ CHA CỦA ANH, ĐẤNG THẤU SUỐT NHỮNG GÌ KÍN ĐÁO, SẼ TRẢ LẠI CHO ANH.”

Công thức này áp dụng cho cả 03 công việc đạo đức được đề cập trong Bài Tin mừng (tương ứng vị trí chấm chấm). Công thức gồm có 02 vế:

1/. VẾ ĐẦU:

Áp dụng cho việc đạo đức được làm với thái độ PHÔ TRƯƠNG và GIẢ HÌNH, làm với mục đích cho người ta nhìn thấy. Đức Giêsu nói, họ đã được phần thưởng rồi. Nhưng ai sẽ là người thưởng công cho họ? Xin thưa: NGƯỜI ĐỜI.

Cụm từ “đã được phần thưởng rồi” thật mai mỉa, vì thưởng công rồi sẽ không còn thưởng nữa. Người ta chỉ thưởng 01 lần duy nhất cho 01 công việc, không có chuyện thưởng 02 lần, mà phần thưởng ở đây là phần thưởng của người đời, phần thưởng đó cũng mỏng dòn chóng qua, như thân phận của người thưởng nó. Hóa ra, người làm việc đạo đức với thái độ phô trương, giả hình chẳng được gì hết, nó rất xứng với cách làm việc đạo đức như vậy.

Matthêu còn sâu sắc ở chỗ khi ông dùng cụm từ “đã được phần thưởng rồi”, nó giống như một cuộc mua bán, trao đổi. Người làm việc đạo đức với thái độ giả hình, coi như họ đã bán việc đạo đức để lấy phần thưởng, họ không còn việc đạo đức đó vì đã bán, họ sẽ lấy phần thưởng, nhưng đó lại là thứ tiền mau hư nát. Cuối cùng họ chẳng được gì. Và sau khi chấm dứt cuộc đời này, đối diện với tòa Chúa phán xét, họ chẳng có gì hết. Đây mới là sự trừng phạt khủng khiếp cho người làm việc đạo đức với thái độ giả hình.

2/. VẾ SAU:

Áp dụng cho việc đạo đức được làm trong sự KHIÊM TỐN và KÍN ĐÁO, làm chỉ mình Thiên Chúa biết, vì Ngài là Đấng thấu suốt những gì kín đáo. Ở đây Matthêu không nói, Thiên Chúa sẽ thưởng cho người ấy, nhưng ông nói: Ngài sẽ “trả lại” cho họ.

Cụm từ “trả lại” có nghĩa, nó hoàn toàn không phải chuyện mua bán. Người làm việc đạo đức với tinh thần khiêm tốn và kín đáo, khi làm xong, cho dù việc đó có biến mất, không còn nữa, nhưng người ấy sẽ được Thiên Chúa “trả lại” trong ngày sau hết, như vậy việc họ làm sẽ còn mãi. Đây chính là lợi thế rất lớn khi họ ra trước tòa Chúa phán xét.

Và khi nói Thiên Chúa “trả lại”, bao giờ cái trả lại cũng lớn gấp bội so với việc lành phúc đức mà người khiêm tốn đã làm, đó là điều chắc chắn, vì chẳng lẽ lòng quảng đại của Thiên Chúa lại thua con người sao!

“Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng:”

Ngay câu đầu tiên cũng đã có chuyện để nói, ta khẳng định ngay: Kinh thánh nguyên bản KHÔNG CÓ CÂU NÀY. Vì sao?

Vì Bài Tin mừng hôm nay nằm trong BÀI GIẢNG TRÊN NÚI theo Matthêu. Bài giảng trên núi trải dài 03 chương, đi từ Chương 5 đến Chương 7. Đối tượng của Bài giảng trên núi gồm những ai? Xin thưa, đó là đoàn lũ dân chúng đang chăm chú nghe Đức Giêsu giảng dạy. Vậy chẳng lẽ Đức Giêsu đang nói với dân chúng, vì lịch sự Ngài phải xin phép họ cho Ngài 05, 10 phút gì đó để dạy dỗ các môn đệ tại đây sao! Đúng là hàm hồ!

Rõ ràng không có câu này, nhưng vì các nguồn trích thường cho 01 câu đi trước nghe cho nó xuôi, và có vẻ văn chương, điều đó cũng có thể chấp nhận được, nhưng họ không để ý ở chỗ, thay vì viết câu đó, họ nên viết như sau: “Một hôm, Đức Giê-su nói với DÂN CHÚNG rằng:”, nó mới hợp tình hợp lý.

Như vậy ta có thể khẳng định, Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đang nói với dân chúng thời của Ngài, có cả các môn đệ, và điều quan trọng Ngài đang nói với mỗi người chúng ta, nói với con người qua mọi thời đại.

“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.”

Đây là NGUYÊN TẮC CHUNG và TỔNG QUÁT, áp dụng cho tất cả các việc lành phúc đức mà những ai tin và đi theo Đức Giêsu phải tuân theo, đó là “CHỚ CÓ PHÔ TRƯƠNG CHO THIÊN HẠ THẤY”. Độc giả có thể hỏi: Tại sao lại vậy? Xin thưa: Có 02 lý do ta sẽ đề cập sau đây:

1/. Lý do thứ nhất: Như Đức Giêsu nói: “Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng”.

2/. Lý do thứ hai: LÀM BẨN MẮT THIÊN HẠ. Tại sao vậy? Xin thưa, những người làm công tác từ thiện, những mạnh thường quân, những người làm việc lành phúc đức nói chung, khi cố phô trương cho thiên hạ thấy, họ đang làm công việc đánh bóng tên tuổi của mình, muốn cho người khác chú ý đến mình, khoe cho mọi người thấy. Ta tự hỏi: họ đang khoe cái gì? Xin thưa: Họ đang khoe cho mọi người thấy, một con người đầy tham vọng, và ích kỷ.

Khốn nạn nhất, họ muốn dùng những người nghèo kia làm nấc thang cho họ bước lên trên đài danh vọng. Họ đang bước lên nấc thang danh vọng trên chính thân xác của người nghèo. Thật kinh tởm! Quá kinh tởm!

Như vậy ta có thể nói, người làm việc lành phúc đức, cố phô trương cho người khác thấy, không phải họ đang làm việc lành phúc đức, mà làm những trò bẩn.

Còn người làm việc lành phúc đức trong sự khiêm tốn và kín đáo thì sao? Đó là con người tuyệt vời. Mặc dù họ không cho người ta thấy, nhưng người ta lại lưu giữ hình ảnh của họ trong trái tim và gọi họ là Chứng nhân của Đức Giêsu. Điều quan trọng nhất, đó là, chính Thiên Chúa đã thấy. Thiên Chúa đã thấy và đã ghi nhớ. Ngài ghi nhớ trong tâm trí của Ngài, việc lành phúc đó sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Trong Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đề cập đến 03 việc lành phúc đức:

+ Bố thí.
+ Cầu nguyện.
+ Ăn chay.

Bây giờ, ta sẽ đề cập đến từng việc một, và những gì đã phân tích ở phần tổng quát, ta sẽ không nhắc lại để tránh trùng lặp.

A/. BỐ THÍ

“Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”

Việc bố thí đã phổ biến thời Đức Giêsu, đó là công việc chính yếu trong các việc đạo đức tương quan với tha nhân. Tại sao ta phải bố thí? Xin thưa: Vì trong cuộc sống con người, qua mọi thời đại luôn có người giàu, người nghèo. Người lắm bạc nhiều tiền, nhưng bên cạnh đó, là vô số người nghèo, người cơ nhỡ. Sự chênh lệch này thường khác nhau trong mỗi quốc gia, quốc gia nào mà nạn tham nhũng hoành hành, nạn con ông cháu cha trở thành phổ biến, thì chênh lệch đó sẽ càng khủng khiếp. Như vậy, việc bố thí phải hiểu là sự thể hiện mối tương quan với tha nhân, và đối với môn đệ Đức Giêsu, nó còn nâng lên mức cao hơn nữa, vì khi ta giúp đỡ cho người anh em là ta làm cho chính Chúa.

Sách Huấn ca có viết: “Con đừng nhút nhát khi cầu nguyện, và đừng coi thường việc làm phúc bố thí.” (Hc 7, 10). Người Do Thái thời Đức Giêsu “ngây thơ” hiểu lầm lời viết trong sách Huấn Ca, đừng nhút nhát, không có nghĩa phải phô trương, phải làm ầm ĩ.

“Đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen”. Có người nghĩ rằng, Đức Giêsu đang ám chỉ người Pharisêu, vì Ngài đã từng lên án họ giả hình trong suốt chương 23 của Matthêu. Nhưng ở đây không có bằng chứng nào xác nhận như vậy. Còn việc “khua chiêng đánh trống” khi làm các việc đạo đức, đó chỉ là cách nói, ám chỉ về những người làm việc bố thí hay khoe khoang, phô trương cho người ta thấy, chứ không có tài liệu nào xác nhận khua chiêng đánh trống như vậy. Dường như nó có tính chất khuếch đại để nhấn mạnh hơn nữa lời giáo huấn của Đức Giêsu.

“Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo”. Cụm từ “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” là một kiểu nói, có nghĩa phải giữ kín, giữ kín tuyệt đối việc tốt mình đã làm. Tay trái không biết việc tay phải làm, cụm từ thật sâu sắc và ấn tượng, ngay chính mình cũng không biết việc mình làm, huống chi là người khác.

“Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” Câu này đã rõ nghĩa, nó là công thức mà ta đã đề cập ở phần trên.

B/. CẦU NGUYỆN.

“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy.

Cầu nguyện, đó là giây phút ta sống thân mật với Chúa, tâm sự với Chúa. Đó là những giây phút riêng tư. Nó rất cần thiết cho đời sống người môn đệ Đức Giêsu, vì từ giây phút cầu nguyện, ta mới kín múc ân sủng từ Thiên Chúa cho cuộc sống trần gian đầy thử thách cam go này.

Đối với Đức Giêsu, việc cầu nguyện phải có các đặc tính sau:

+ Phải khiêm tốn trước Thiên Chúa và người đời (Lc 18, 10-14; Mt 6, 5-6)
+ Phải chân thành, phát xuất tự đáy lòng (Mt 6, 7).
+ Phải tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa (Mt 6, 8; 7, 7-11)
+ Phải kiên trì nài xin (Lc 11, 5-8; 18,1-8)

Độc giả phải cẩn thận khi đọc đoạn này, vì Đức Giêsu không bao giờ đả phá việc cầu nguyện công khai và cộng đồng. Nhưng Ngài chỉ lên án bọn đạo đức giả, họ dùng việc cầu nguyện để khoe khoang.

Matthêu rất sâu sắc khi dùng cụm từ “chúng thích đứng cầu nguyện”, tư thế “đứng” là tư thế muốn nhô lên, muốn nổi bật, muốn cho mọi người nhìn thấy. Tại sao họ không “quỳ”? Đã vậy họ còn thích đứng trong hội đường, nơi các ngã ba ngã tư. Đã “đứng” rồi, lại còn thích đứng ở nơi ai cũng thấy, thật quá nham nhở! Tại sao họ không về phòng mình, đóng chặt cửa lại, muốn đứng muốn quỳ kiểu gì cũng được? Nhưng ở đây Đức Giêsu nói: chỉ vì muốn cho người ta thấy. Thật quá đúng, và dĩ nhiên khi cầu nguyện với tư thế như vậy, họ chỉ nói chuyện với họ, chứ không có Chúa hiện diện. Vậy đó có được gọi là cầu nguyện không? Xin thưa: KHÔNG, vì không có Chúa hiện diện., nó chẳng khác gì đóng kịch.

“Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” Đoạn này thuộc về công thức ta đã phân tích, nên không cần nhắc lại.

C/. ĂN CHAY

“Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh."

Đã từ rất lâu, dân Is-ra-en có tục ăn chay mỗi khi có tang chế (2 Sm 3,35), khi cầu xin Chúa một ơn đặc biệt (2Sm 12,16). Ăn chay theo luật Mô-sê là nhịn ăn uống vào ban ngày. Trong thời gian ăn chay, người ta không được tắm rửa, phải để râu tóc mọc dài, và mặc một loại quần áo bằng vải thô đặc biệt. Thời Đức Giê-su, dân Do thái chỉ buộc phải ăn chay trong ngày lễ Xá tội (Lv 16, 29-31; Cv 27, 9), và trong ngày kỷ niệm Đền thờ bị tàn phá hoặc trong những lúc gặp thiên tai. Riêng các người Pha-ri-sêu còn tự nguyện ăn chay thêm mỗi tuần hai lần (Lc 18,12). (Trích trongwww.hiephoithanhmau.com – Lm. Đan Vinh)

Bài đọc I hôm nay, Tiên tri Giô-en viết: “Đây là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA: "Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van." Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ.” (Ge 2, 12-13)

Giô-en muốn nói với dân Israen, ăn chay đích thực, chính là cuộc trở về với Thiên Chúa, đừng ở lì trong tình trạng tội lỗi của mình nữa. Ông kêu gọi, cuộc trở về đó phải là cuộc trở về từ chính nội tâm mình, chứ không hệ tại hình thức bên ngoài, “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng”.

Đức Giêsu cũng lên án thói giả hình, đạo đức giả. Họ làm ra bộ rầu rĩ, bộ mặt thểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Ngài dạy, các môn đệ của Ngài và cả chúng ta nữa, không được làm như thế, “khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo”.

Vâng đúng vậy, ăn chay là cuộc trở về với Chúa ngay trong tâm hồn mình, chứ không ở những hình thức bên ngoài. Chỉ mình Chúa và mình ta biết, thế là đủ rồi, đâu cần cho người khác biết, mà người khác biết để làm gì chứ! Nếu cần nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai nghĩ ta ăn chay. Chỉ mình Chúa và ta biết mà thôi.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 3464
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  24
 Hôm nay:  164
 Hôm qua:  3145
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12343314

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn