Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu Tuần V Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu Tuần V Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu Tuần V Mùa Chay
(11/04/2014) - (Ga 10, 31-42)
ĐỨC GIÊSU XƯNG MÌNH LÀ CON THIÊN CHÚA

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, người Do-thái lại lấy đá để ném đá Đức Giê-su. Người bảo họ: "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?" Người Do-thái đáp: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa."

Đức Giê-su bảo họ: "Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: "Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh'"? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: 'Ông nói phạm thượng!' vì tôi đã nói: 'Tôi là Con Thiên Chúa'? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng : Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha." Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.

Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: "Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng." Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.
____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi ấy, người Do-thái lại lấy đá để ném đá Đức Giê-su. Người bảo họ: "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?" Người Do-thái đáp: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.”

Độc giả chú ý cụm từ “lại lấy đá để ném”. Như vậy trước đó đã có cuộc ném đá. Vâng đúng vậy, độc giả hẳn còn nhớ kết thúc Bài Tin mừng hôm qua (Ga 8, 51-59), Gioan viết: “Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.” (Ga 8, 59), đó cũng là câu kết thúc chương 8.

Bài Tin mừng hôm nay (Ga 10, 31-42) cho biết bối cảnh là Lễ Cung Hiến Đền thờ, và thời gian đó là mùa đông. Gioan viết: “Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn.” (Ga 10, 22-23) cũng xảy ra cuộc tranh luận và người Do Thái lại lấy đá ném lần nữa. Nhưng Đức Giêsu vẫn ở lại chất vấn họ mà không lánh đi.

Người bảo họ: "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?" Một câu hỏi khó trả lời, vì ném đá thì phải có lý do và đó phải là một trọng tội chiếu theo luật Môsê. Nhưng các việc Đức Giêsu đã làm đều là việc người Do Thái thán phục và ngưỡng mộ, đó là những phép lạ mà Ngài đã thực hiện: cho người điếc được nghe, người mù được thấy, què được đi, bất toại được chữa lành, phong hủi được sạch, quỷ ám được khỏi, chết sống lại,..... Việc nào cũng tốt đẹp, không việc nào đáng để ném đá.

Như vậy cũng con người ngày hôm qua ngưỡng mộ và ca tụng, sang đến ngày hôm nay lại đòi ném đá. Thật chua xót cho tình cảm người đời, nó luôn là cái gì mà ta phải đề phòng, không nên dựa vào, vì nó luôn thay đổi, thay đổi rất bất ngờ và nhanh chóng.

“Người Do-thái đáp: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Như vậy họ đã trả lời cho Đức Giêsu, họ ném đá không phải vì việc Ngài làm nhưng vì một lời nói lộng ngôn. Nhưng câu họ trưng ra lại đầy mâu thuẫn: “Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.”

Mâu thuẫn ở chỗ: Nếu Đức Giêsu là người phàm mà tự cho mình là Thiên Chúa, thì họ ném đá là đúng. Nhưng Ngài có phải người phàm không? Người phàm là người thế nào? Đó là người như chúng ta, đầy tội lỗi. Còn Đức Giêsu, người mù từ khi mới sinh sau khi được chữa lành đã tuyên xưng: “Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9, 31-33)

Rõ ràng Đức Giêsu không phải người phàm, theo như anh mù, Ngài đã làm những việc chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Như vậy câu người Do Thái cho Đức Giêsu nói lộng ngôn: “Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” đầy mâu thuẫn, theo lý mà nói: họ không có quyền ném đá Đức Giêsu.

“Đức Giê-su bảo họ: "Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: "Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh"? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: 'Ông nói phạm thượng!' vì tôi đã nói: 'Tôi là Con Thiên Chúa'?

Đức Giêsu sẽ chứng minh cho người Do Thái thấy: “Tôi là Con Thiên Chúa”, đó không phải là câu nói phạm thượng. Ngài nói: "Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: "Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh'. Có nghĩa lề luật đã quy định thế này, những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh. Tại sao? Vì Thiên Chúa là Đấng Thánh, khi Ngài chọn ai và trao cho người đó một sứ mệnh, có nghĩa người đó đã thông phần vào sự thánh thiện của Ngài, họ sẽ là bậc thần thánh. Không phải vì người đó thánh thiện, nhưng từ nơi người đó, lời Thiên Chúa được tỏ bày.

"Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh' là câu Kinh thánh, do đó không bao giờ được hủy bỏ. Như vậy, trong mọi trường hợp, khi Thiên Chúa ngỏ lời với ai, người đó là bậc thần thánh.

Ta có thể dẫn chứng trường hợp ông Môsê. Khi ấy dân Do Thái đang bị nô lệ bên Ai Cập, họ sống kiếp lầm than, tiếng kêu cứu của họ đã vang tới Thiên Chúa và Ngài đã chọn Môsê đi gặp Vua Pharaô.

Ông Mô-sê thưa trước nhan ĐỨC CHÚA: "Chúa coi: con là người ăn nói không được dễ dàng, làm sao vua Pha-ra-ô nghe con?" (Xuất Hành 6, 30). ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Coi này, Ta làm cho ngươi nên một vị thần đối với Pha-ra-ô, còn A-ha-ron, anh ngươi, sẽ là ngôn sứ của ngươi. Chính ngươi sẽ nói tất cả những gì Ta truyền cho ngươi, và A-ha-ron, anh ngươi, sẽ nói lại với Pha-ra-ô để vua ấy thả con cái Ít-ra-en ra khỏi nước của vua.” (Xuất Hành 7, 1-2) Như vậy Khi Đức Chúa ngỏ lời với Môsê, Ngài đã làm cho Môsê nên một vị thần đối với Pharaô, và Aharon nói thay cho Môsê sẽ gọi là ngôn sứ.

“Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: 'Ông nói phạm thượng!' vì tôi đã nói: 'Tôi là Con Thiên Chúa'?

Những người được Thiên Chúa ngỏ lời đều là người trần gian, Ngài đã làm cho họ trở thành Thần Thánh, thì huống chi Đức Giêsu, từ nơi cung lòng Chúa Cha, Ngài được Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian thì còn cao trọng hơn gấp bội, thì làm sao khi Ngài nói: “Tôi là Con Thiên Chúa”, mà họ cho Ngài nói phạm thượng được. Như vậy Đức Giêsu chỉ vì nói sự thật mà người Do Thái cho Ngài nói lộng ngôn.

“Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha."

Đức Giêsu đặt cho người Do Thái 02 trường hợp:

1/. Nếu Ngài không làm công việc của Chúa Cha, thì Đức Giêsu khuyên họ đừng tin Ngài, vì Ngài đã phản bội Chúa Cha, và câu nói Ta và Cha Ta là Một bị mất hết ý nghĩa.

2/. Ngược lại, nếu Đức Giêsu làm công việc của Chúa Cha, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.

Độc giả có thể thắc mắc: Công việc của Chúa Cha mà Đức Giêsu thực hiện là những việc gì? Gioan viết: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.” (Ga 5, 19) ..... “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý. Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha.” (Ga 5, 21-23).

Như vậy, Đức Giêsu đã được Chúa Cha ban cho 02 quyền: QUYỀN TRÊN SỰ SỐNG – QUYỀN XÉT XỬ.

Quyến trên sự sống cũng bao hàm quyền trên sự chết, có nghĩa Đức Giêsu có quyền trên cả sự sống và sự chết. “Người ban sự sống cho kẻ đã chết: "Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống!” Từ quyền này, Đức Giêsu đã thực hiện bao phép lạ chữa bệnh trong dân.

Quyền xét xử, cũng bao hàm quyền luận phạt và quyền tha tội. Đức Giêsu đã sử dụng quyền tha tội trong một số trường hợp làm phép lạ. Việc tha tội lẽ ra làm ở Đền thờ Giêrusalem với lễ "hiến dâng để tha tội" (Lv 6, 17-23): cách người Do thái vẫn làm để cầu ơn tha tội. Đức Giêsu vừa là Đấng tha tội, vừa là Đền thờ. Người có thể tha tội ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào Người muốn.

“Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha."

Như vậy từ việc người Do Thái kết án Đức Giêsu phạm thượng vì Ngài tự cho là Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đưa ra một số lập luận, bao gồm từ sử dụng Kinh Thánh, đến các công việc Ngài làm, Ngài muốn khẳng định với họ: Ngài là Con Thiên Chúa.

Gioan sử dụng cụm từ: “các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng”, có nghĩa một khi tin vào Đức Giêsu thì với niềm tin đó, họ ngày càng khám phá ra đời sống nội tại Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha ở trong Ngài và Ngài ở trong Chúa Cha, đó chính là nên Một trong 03 Ngôi vị.

Đức Tin của ta cũng thế, khởi đi từ một hạt giống nhỏ nhất trong các hạt, nhưng với niềm tin nhỏ bé, nếu biết đào sâu thêm sẽ làm cho đức tin lớn mạnh, để cuối cùng nó trở thành cây cao lớn mà chim trời có thể làm tổ. Cuộc sống đang diễn ra trước mắt ta với biết bao thử thách, ta đang đối diện với bao vấn đề. Nhiều lúc ta rơi vào tình trạng hoang mang lo sợ. Vâng đúng vậy, ta không hoang mang lo sợ sao được, khi ta chỉ là một con người nhỏ bé và yếu ớt, nhưng vấn đề xảy đến ngày càng phức tạp, vượt quá khả năng của ta. Tất cả dường như muốn nhận chìm đức tin còn non nớt mà ta mới đón nhận, để đi đến chỗ mất niềm tin, mất định hướng cho cuộc đời. Hình như khi sinh ra trong cuộc đời, ta chưa kịp chuẩn bị cho nó, ta chưa học cách sống ở đời, ta học trong lúc ta sống. Chính vì thế đã xảy ra nhiều va vấp, và mỗi lần ngã xuống ta lại có thêm kinh nghiệm, thêm bài học cho mình.

Lời Chúa hôm nay: “Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha", sẽ dạy cho ta bài học, nếu biết tin tưởng vào Đức Giêsu, ta ngày càng khám phá ra gương mặt đích thực của Ngài. Lúc đầu tuy nó còn mờ nhạt, còn bị che khuất bởi danh lợi thú, bị che khuất bởi vô số cái hấp dẫn, nhưng dần dần ta thấy những cái hấp dẫn đó bộc lộ ra sự giả dối. Ta từng bị lầm về chúng, nhưng chúng không thể đánh lừa ta suốt cuộc đời, vì thế khuôn mặt Đức Giêsu ngày càng hiện rõ lên.

“Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.”

Người Do Thái vẫn không chấp nhận Đức Giêsu, và một khi họ đã có thành kiến và ghen ghét, sự chống đối ngày càng khốc liệt. Kết quả của những lời mặc khải của Đức Giêsu, họ tìm cách bắt Ngài. Nhưng Gioan nói: “Người đã thoát khỏi tay họ”. Độc giả sẽ ngạc nhiên, tại sao họ là số đông, Đức Giêsu có thể thoát khỏi họ dễ dàng? Xin thưa: Vì Giờ Ngài chưa đến, khi Giờ Ngài chưa đến, thì nó vẫn chưa đến, cho dù thế gian có toa rập nhau vẫn chưa thể làm gì được. Quyền năng Thiên Chúa điều khiển cái Giờ đó.

“Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: "Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng." Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

Hai bờ sông Gio-đan là 02 vùng trong tình trạng ngược nhau, bên bờ có Đền thờ luôn sôi động và chứa nhiều sự chống đối, còn bờ bên kia, nơi Gioan làm phép rửa có cuộc sống thanh bình, yên tĩnh. Đức Giêsu thường lui về bên này để tránh người Do Thái và nghỉ ngơi. Đức Giêsu lưu lại đó, và nhiều người đã đến gặp Ngài. Họ xác nhận Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Ngài, mọi lời chứng của ông đều chính xác, vì thế nhiều người đã tin vào Đức Giêsu. Thật mâu thuẫn khi miền đất có Đền thờ Thiên Chúa lại không đón nhận Đức Giêsu, trong khi miền Gioan làm chứng thì lại đón nhận.

Amen.
________________________
Jos. Nguyễn Viết Tâm.
 


Trở lại      In      Số lần xem: 2643
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  16
 Hôm nay:  296
 Hôm qua:  3145
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12343446

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn