Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu tuần I Mùa Chay năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu tuần I Mùa Chay năm chẵn. 

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu sau Tuần I Mùa Chay
(14/03/2014 ) - (Mt 5, 20-26) – MÙA CHAY 2014

 

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

"Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.

Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.

Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng."
________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Bài Tin mừng hôm nay là một phần của Bài giảng trên núi theo Thánh Matthêu. Bài Giảng trên núi trải dài 03 chương: Chương 5, 6, 7, Đức Giêsu đưa ra cho dân Do Thái và các môn đệ những cách thức nên trọn lành. Ngày hôm nay, Ngài kêu gọi chúng ta hãy trở nên công chính, vì đó là nền tảng của người Kitô hữu, có nghĩa Ngài kêu gọi ta phải thay đổi lối sống, thay đổi cái nhìn sao cho phù hợp với Tin mừng, nhất là trong Mùa Chay này. Nhưng công chính phải như thế nào, đó mới là điều quan trọng, ta phải hiểu cho đúng, vì quan niệm về sự công chính đã bị bóp méo rất nhiều qua các thời đại.

“Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”

Ngay câu đầu tiên, độc giả thấy Đức Giêsu xác nhận 02 điều: 1/. Người Pharisêu và kinh sư là những người công chính. Nhưng thứ công chính đó không phải điều mà Ngài mong muốn. ___ 2/. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ và chúng ta phải công chính hơn kinh sư và Pharisêu, thì mới được vào Nước Trời.

“Phải công chính hơn”, có nghĩa có một loại công chính khác, không như sự công chính của Pharisêu và kinh sư, đây mới là loại công chính Đức Giêsu muốn nhắm đến. Trước hết ta sẽ đặt câu hỏi: Công chính của Pharisêu và Kinh sư là loại công chính nào?

Trong câu chuyện Sứ thần truyền tin cho ông Dacaria, Luca viết: “Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì” (Lc 1, 5-6)

Như vậy thời Đức Giêsu, người ta có quan niệm về sự công chính, đó là “Sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa”, có nghĩa sống theo lề luật. Nhưng sống theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa theo tinh thần nào mới là điều quan trọng. Ông bà Dacaria đã sống công chính mà Luca mô tả: “không ai chê trách được điều gì”, có nghĩa cả hai ông bà đã được nhận xét tốt đối với người chung quanh. Còn người Pharisêu và Kinh sư thì hoàn toàn khác. Từ đây ta sẽ có nhiều loại công chính.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói đến 02 loại người, đó là Kinh sư và Pharisêu (Biệt phái), nhưng thực ra chỉ nhắm đến Pharisêu, vì Kinh sư là nhóm xã hội, người Pharisêu đã tham gia vào nhóm đó, họ là thành phần đa số, như vậy nói Kinh sư cũng đồng nghĩa nói về người Pharisêu. Người Pharisêu giữ luật rất chu đáo, tỉ mỉ và không bỏ sót một điều luật nào trong các khoản luật đã được đề ra, nhưng đáng tiếc là họ giữ luật một cách máy móc và hình thức, giữ luật chỉ vì luật mà không đi vào chiều kích nội tâm.

Đã vậy họ là những con người giả hình, Matthêu viết: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (Mt 23, 2-3) Đức Giêsu đã vạch trần sự giả hình này mà vì uy thế của họ quá lớn nên không ai dám lên tiếng.

Như vậy Kinh sư và người Pharisêu giữ luật rất tỉ mỉ nhưng lại theo hình thức, máy móc, họ cho đó là sự công chính. Sự công chính này chẳng giúp gì cho họ, không thể làm cho họ trở nên tốt hơn, trái lại càng đưa họ lún sâu vào con đường đi ngược với đường lối Thiên Chúa, thì thử hỏi làm sao nó có thể đưa họ vào Nước Trời.

“Công chính hơn các kinh sư và Pharisêu” là loại công chính gì? Xin thưa: Đó là công chính dựa trên tình yêu và lòng bác ái. Đức Giêsu muốn chúng ta giữ luật yêu thương và bác ái. Đó là thứ luật vì con người, không phải con người vì luật. Muốn đạo đức hơn người Pharisêu, chúng ta cần phải sống luật mới của Ngài. Loại công chính này mới đưa con người vào Nước Trời.

Đức Giêsu từng lên án thái độ vụ luật của Kinh sư và Pharisêu, vô tình Ngài tạo ra mối công kích mạnh mẽ nơi những người nắm giữ luật pháp thời bấy giờ. Họ phản ứng mạnh mẽ, vì có người dám vạch trần lối sống giả hình, nó cũng đồng nghĩa hạ thấp uy tín của họ mà bấy lâu nay họ sống nhờ vào nó. Từ luật yêu thương, Đức Giêsu sẽ kiện toàn tất cả lề luật, thổi vào đó một cái hồn, một sức sống mới, để luật Chúa trở thành con đường đưa ta đến với Chúa.

Trên Bài giảng trên núi, Đức Giêsu sẽ kiện toàn rất nhiều luật nằm trong Mười Điều răn, cụ thể Bài Tin mừng hôm nay, Ngài sẽ kiện toàn Điều răn thứ năm, đó là: “CẤM GIẾT NGƯỜI”

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa.”

ĐẶT VẤN ĐỀ:

1/. Trước khi đi vào việc phân tích, độc giả có thể đặt 01 câu hỏi như sau: Tại sao Luật cũ cũng là Luật Thiên Chúa truyền cho dân qua trung gian Môsê mà lại phải kiện toàn? Chẳng lẽ Luật Chúa không hoàn chỉnh, còn thiếu sót và không có giá trị sao?

Xin thưa: Vì Luật cũ chỉ nắm vai trò dẫn đường, chuẩn bị, khai mở mà thôi, cho dù đó là Luật tiến bộ nhất thời bấy giờ. Mặt khác, nó đã bị những người nắm giữ vai trò giải thích Luật lạm dụng và làm cho nó trở nên nặng nề như cái gông, cái ách nặng nề đè lên vai con người, mặc dù những người đó không đủ sức mang vác.

Khi Đức Chúa Giêsu đến, Ngài cần phải kiện toàn và bổ sung cho hoàn chỉnh; đồng thời cũng giúp cho các môn đệ hiểu và sống cho đúng tinh thần Luật chứ không chỉ hiểu theo nghĩa đen, nghĩa thuần tuý của chữ.

2/. Nhưng độc giả sẽ đặt vấn đề khác, theo nguyên tắc, chỉ ai ra luật mới có quyền sửa đổi hay bổ sung luật cho phù hợp. Đây là tính chính danh của luật pháp. Như vậy, ngay cả Môsê, mặc dù luật mang tên ông, ông vẫn không có quyền thay đổi luật Thiên Chúa đã trao cho ông. Và dưới con mắt những nhà lãnh đạo thời bấy giờ, Đức Giêsu không có quyền sửa, kiện toàn luật. Đấy là nói theo nguyên tắc.

Nhưng trên thực tế, Đức Giêsu có đủ tư cách để kiện toàn, vì Ngài là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa. Chỉ có Ngài mới kiện toàn Luật mà Thiên Chúa đã trao cho Môsê. Và khi kiện toàn luật, Ngài sẽ đưa lề luật đến chỗ hoàn thiện nhất, vì Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nên Ngài hiểu rõ ý Chúa Cha mong muốn. Bây giờ ta sẽ xét Ngài thay đổi Điều răn thứ năm: “Cấm giết người” như thế nào?

ĐIỀU RĂN THỨ NĂM: “CẤM GIẾT NGƯỜI”

Cả sách Xuất hành và sách Đệ Nhị Luật viết: “Ngươi không được giết người” (Xh 20, 13), (Đnl 5, 17).

Trong Luật cũ có những quy định mà người ngày nay không thể chấp nhận. Ta đan cử ví dụ trong sách Dân Số: “Ai dùng đồ sắt mà đánh người khác chết, thì là kẻ sát nhân. Kẻ sát nhân sẽ phải bị xử tử. Ai cầm trong tay một hòn đá chết người mà đánh người khác chết, thì là kẻ sát nhân. Kẻ sát nhân sẽ phải bị xử tử. Ai cầm trong tay đồ vật bằng gỗ có thể giết người mà đánh người khác chết, thì là kẻ sát nhân. Kẻ sát nhân sẽ phải bị xử tử. Chính người đòi nợ máu sẽ giết kẻ sát nhân; khi gặp tên sát nhân, người đó sẽ giết nó.

Nếu ai vì căm hờn mà xô ngã người khác, hay cố tình ném vật gì trúng người ấy, làm cho người ấy chết, hoặc ai vì thù ghét mà giơ tay đánh người ấy chết, kẻ đã đánh sẽ bị xử tử: đó là một kẻ sát nhân. Người đòi nợ máu sẽ giết kẻ sát nhân, khi gặp nó.” (Ds 35, 16-21) Có nghĩa người đòi nợ máu (thân nhân của người bị giết) có quyền giết kẻ sát nhân, điều này sẽ dẫn đến bạo lực gia tăng và đôi khi đi đến lạm dụng.

Một ví dụ khác luật áp dụng trong chiến tranh, Sách Đệ Nhị Luật viết: “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ trao thành ấy vào tay anh (em), và anh (em) sẽ dùng lưỡi gươm giết tất cả đàn ông con trai trong thành. Chỉ có đàn bà con trẻ, gia súc và tất cả những gì ở trong thành, tất cả những gì chiếm được trong thành, thì anh (em) mới được giữ lấy làm chiến lợi phẩm; anh (em) sẽ được ăn những gì đã chiếm của quân thù, những thứ mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em).” (Đnl 20, 13-14) Như vậy luật này đã đi ngược luật chiến tranh thời nay. Thời nay quy định, khi tàn cuộc chiến, người ta không được phép trả thù.

Như vậy Mười Điều răn Đức Chúa đã ban cho dân Do Thái qua trung gian Môsê rất ngắn gọn, nhưng khi triển khai đi vào đời sống, giới làm luật đã tạo ra những khoản luật hết sức vô lý, không phản ảnh một Thiên Chúa yêu thương và nhân ái. Ở đây ta chỉ nói về Điều răn thứ năm: “Cấm giết người”. Còn vô số điều khác nữa không tiện trưng ra ở đây. Rõ ràng kiện toàn Luật, đó là công việc thiết thực Đức Giêsu sẽ làm để Luật Thiên Chúa được hoàn thiện.

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.”

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”, Đức Giêsu muốn nói cho môn đệ và chúng ta biết quan điểm của Ngài, và đó là điều Đức Giêsu muốn kiện toàn. “Thầy bảo cho anh em biết”, Ngài muốn chứng tỏ cho mọi người biết, Ngài có quyền kiện toàn luật.

Ngài kiện toàn như sau: Đâu phải cứ giết người mới là phạm tội, Ngài nói chỉ cần “giận dữ”, “la mắng”, “chửi rủa” anh em đã phạm tội rồi.

Quan điểm của Đức Giêsu rất rõ ràng: Bởi vì, Luật cũ dạy “chớ giết người”, còn Ngài dạy “ai giận anh em mình” thì như đã phạm tội giết người. Vì thù oán anh em là đã tiêu diệt họ ngay trong lòng mình, tuy chưa giết họ thực sự, nhưng đã giết chết họ trong trái tim mình rồi.

Thánh sử Gioan trong thư thứ nhất đã viết: “Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó.” (1Ga 3, 15)

Độc giả để ý trong câu nói của Đức Giêsu: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.” Ngài liệt kê ra một số trường hợp cụ thể theo mức độ tăng dần, và hình phạt đi kèm theo cũng tăng theo. Cụ thể: “Giận” __ “Mắng” ___ “Chửi”, hình phạt tương ứng: “ra tòa” ___ “ra trước Thượng Hội đồng”__ “Hỏa ngục”, như vậy có sự gia trọng, có nghĩa tăng dần theo lòng thù ghét của con người, mà đỉnh điểm của nó là giết người, kết thúc sự sống của người khác. Như vậy ngay mức độ nhẹ nhất là “giận” đã bị xem là phạm tội rồi.

Có lẽ đọc đến đây độc giả phải giật mình kinh hãi, vã mồ hôi. Vậy mình quá tội lỗi, vì trong cuộc đời đã bao lần ta giận, mắng, chửi người chung quanh, từ người trong nhà ra đến ngoài xã hội. Ta không còn nhớ ta đã vi phạm bao lần nữa. Rất nhiều khi ta làm vì thói quen mà không ý thức, hoặc ta bị áp lực đè nặng, ví dụ áp lực vì công việc, khó kiềm chế trước sự trái ý, cho dù đó là sự trái ý nhỏ nhất.

Lời dạy của Đức Giêsu luôn là lời mời gọi ta nên trọn lành, Ngài muốn ta thay đổi cái nhìn, thay đổi lối sống, biết mở rộng lòng mình ra, tập sống bao dung và tha thứ. Có thể ta còn nhiều va vấp, điều đó không quan trọng, nhưng sau mỗi lần va vấp, ta mới trưởng thành hơn, ta biết sống yêu thương hơn.

“Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”

Đức Giêsu muốn dạy ta biết, của lễ ta sắp dâng lên bàn thờ, nó có phải là vật chất không? Xin thưa, Không. Vì nếu là vật chất, ví dụ một bó hoa, một chai rượu, một giỏ trái cây,... những thứ đó Thiên Chúa cần gì chứ, vì Ngài là Đấng dựng nên vũ trụ muôn vật, thì mấy thứ đó sẽ là gì. Vậy của lễ ta dâng lên Chúa sẽ là gì đây? Xin thưa: Nó biểu hiện tấm lòng của ta, là tình yêu của ta đối với Ngài. Nhưng tình yêu nó là cái gì trừu tượng, ngay như định nghĩa nó còn không được, huống chi sờ mó được nó. Chính vì nó trừu tượng, nên nó được ẩn trong lễ vật, đó mới là của lễ Thiên Chúa cần. Như vậy, của lễ chỉ giá trị khi nó là tình yêu của ta đối với Ngài.

Nhưng Đức Giêsu dạy, cứ để của lễ lại đó, về làm hòa với người anh em trước đã, sau đó trở lại dâng của lễ vẫn chưa muộn. Lúc đó của lễ vừa mang giá trị tình yêu của ta đối với Chúa mà còn mang giá trị tình yêu của ta đối với anh em, đó mới là của lễ hoàn hảo nhất.

Độc giả chú ý trong lời Đức Giêsu dạy: “sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh”, có nghĩa người anh em đang có lỗi với ta, chứ Ngài không dạy, ta đang có lỗi với anh em. Trong trường hợp này, ta mới là con người quảng đại, biết bao dung và tha thứ. Nếu làm được điều này, ta mới xứng đáng là môn đệ Đức Giêsu khi tha thứ cho kẻ đóng đinh Ngài. Ta phải thú nhận, đó là sự dũng cảm thực sự, vì ta phải xé lòng mình ra, xé cái vỏ ích kỷ ra ta mới có thể đến với người có lỗi với mình. Đây là điều đi ngược với lối xử thế thông thường.

Tại sao Đức Giêsu muốn chúng ta làm hòa trước khi dâng lễ vật cho Chúa? Thưa, bởi vì Chúa cần tấm lòng của chúng ta hơn lễ vật: "Ta muốn lòng nhân hơn là của lễ". Theo sách Huấn ca lễ vật dâng cho Chúa mà không thành tâm thì Chúa sẽ không đón nhận: "Lễ vật kẻ gian ác dâng lên chẳng được Đấng Tối Cao chấp nhận" (Hc 34, 19). Hơn nữa, tiên tri Isaia nói: "Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sabát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạt linh đình" (Is 1,13).

“Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng."

Phần cuối của Bài Tin mừng, Đức Giêsu dạy ta phải sống hòa thuận với anh em, không những hòa thuận để tâm hồn được thanh thản khi làm các công việc đạo đức, như tham dự thánh lễ, dự các buổi cầu kinh,... ta còn làm hòa trong mọi nơi mọi lúc, đừng để lòng mình nặng trỉu vì oán hận và ghen ghét.

Matthêu dùng cụm từ “mau mau” rất ấn tượng, có cái gì thật vội vã. Vâng đúng vậy, phải thật khẩn trương không được phép chậm trễ. Tại sao ta phải khẩn trương? Đức Giêsu dùng 01 hình ảnh minh họa, ta phải khẩn trương đừng để lôi nhau ra tòa, phải dàn xếp ngay tại đây. Nếu ta cứ dùng dằng trong việc làm hòa với anh em, thì thời gian Thiên Chúa dành cho ta sẽ chấm dứt, lúc đó ta phải ra trước tòa Chúa phán xét, và phải đong đủ các hình phạt ta phải chịu.

Số phận của ta khi không chịu tha thứ cho anh em, đó là: “Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng”.

Mùa chay 2014, đó là dịp ta trở về với Chúa, với anh em và với chính ta. Nhân sự kiện hoàn thiện luật cũ: “Chớ giết người” bằng Luật mới: “Sống yêu thương”, Đức Giêsu kêu gọi ta ý thức lại mối tương quan của ta với tha nhân, hãy thực hành đức bác ái, lòng bao dung, sự tha thứ trong suốt Mùa Chay thánh này.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2974
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  23
 Hôm nay:  1194
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12341199

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn