Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ năm tuần VII thường niên năm chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ năm tuần VI thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm tuần VI Thường niên năm chẵn
(20/02/2014) - (Mc 8, 27-33)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?" Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó."

Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô." Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở.

Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."
_______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê.”

Ngày hôm qua Đức Giêsu và các môn đệ vượt biển đến Betsaida, vừa lên bờ Ngài đã chữa cho người mù được người ta đưa đến. Sau khi chữa xong Thầy trò đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philipphê để tiếp tục Sứ vụ rao giảng Tin mừng.

Vùng Xêdarê Philipphê cách Betsaida khoảng 35 km về phía bắc, thuộc hạt Iturê. Xêdarê Philipphê là trung tâm quyền bính vì Hêrôđê Philipphê cư trú ở đây, đặt tên thành phố là “Xêdarê” để tỏ lòng kính trọng Hoàng đế Rô-ma. Đây cũng là đầu nguồn của sông Gio-đan từ các sườn núi Héc-môn.

“Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?"

Vùng Xêdarê Philipphê cách Betsaida khoảng 35 km về phía bắc, nếu đi bộ nó sẽ mất nhiều thời gian, vì một người đi bộ với vận tốc trung bình 5km/ 01 giờ, thì cũng mất khoảng 07 giờ đồng hồ mới đến nơi. Nhưng vấn đề xa hay gần dường như nó còn tùy thuộc vào yếu tố tâm lý chứ không hoàn toàn do khoảng cách, vì thế để thấy đường ngắn lại, người ta thường trò chuyện, tán ngẫu với nhau trên đường.

Đức Giêsu muốn nhân cơ hội này để biết người ta nghĩ gì về Ngài, “THẦY LÀ AI?” Có lẽ độc giả sẽ thắc mắc, tại sao Đức Giêsu muốn biết điều này?

Ta còn nhớ, cứ mỗi lần Ngài chữa bệnh cho người nào, khi họ muốn tôn vinh Ngài là Đấng Cứu Thế thì Ngài lại nghiêm cấm không cho họ nói. Tại sao vậy? Thưa, vì Ngài biết rất rõ trong dân chúng đang có những quan niệm sai lầm, Đấng Cứu Thế theo quan niệm của họ không phải là Đấng Cứu Thế đích thực. Biết có quan niệm sai lầm nhưng quan niệm đó sai lầm thế nào thì chưa xác định cụ thể.

Marcô viết: “Người hỏi các môn đệ”, để biết được các quan niệm đó, hỏi môn đệ là chắc chắn nhất, vì các ông là những người tiếp xúc trực tiếp với dân chúng.

“Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó."

Ta còn nhớ trước đây Marcô cũng đề cập đến 01 lần. Khi ấy, sau khi Gioan Tẩy Giả bị chém đầu, vua Hêrôđê chú ý đến Đức Giêsu vì Ngài rất nổi tiếng và làm cho ông nhớ về Gioan. Marcô viết: “Vua Hê-rô-đê nghe biết về Đức Giê-su, vì Người đã nổi danh. Có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ." Kẻ khác nói: "Đó là ông Ê-li-a." Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ như một trong các ngôn sứ." Vua Hê-rô-đê nghe thế, liền nói: "Ông Gio-an, ta đã cho chém đầu, chính ông đã trỗi dậy!" (Mc 6, 14-16)

Như vậy, trong dân chúng đã có sẵn những quan niệm như Marcô viết trong Tin mừng hôm nay. Nói chung họ quan niệm về Đức Giêsu rất tốt đẹp.

Trước hết họ cho Ngài là Gioan Tẩy Giả từ cõi chết trỗi dậy. Quan niệm như vậy cũng có cơ sở vì Ngài đã làm nhiều phép lạ, và hình ảnh Gioan vẫn in đậm trong tiềm thức của họ, Gioan là người dân Do Thái ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ đến nỗi khi Đức Giêsu xuất hiện, cho dù không biết đúng về Ngài, với những lời Ngài đã nói và việc Ngài làm, thì họ kết luận ngay, Đức Giêsu là Gioan từ cõi chết sống lại.

Tiếp đến họ quan niệm Ngài là Êlia. Êlia theo Kinh thánh, là vị ngôn sứ cương trực, không sợ bất kỳ quyền lực nào từ vua chúa quan quyền. Ông sẵn sàng đả phá những sai lầm trong Do Thái bấy giờ, nhất là trong hoàng cung, đang có phong trào bỏ Đức Chúa để chạy theo các thần lân bang. Ông bị truy sát đến cùng. Theo Kinh thánh ông đã được Đức Chúa rước về trời bằng cỗ xe lửa, sự kiện này chỉ mình đồ đệ là Êlisê chứng kiến, như sách Các Vua quyển thứ hai thuật lại (2V 2, 7-13). Sự biến mất của Êlia là dấu hỏi lớn cho người đương thời.

Đối với dân Do Thái thời Đức Giêsu, sự xuất hiện của Ngài, làm cho họ nhớ về Êlia. Họ căn cứ vào lời tiên tri Malakhi, là vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước (thực ra vị ngôn sứ cuối cùng mới là Gioan Tẩy Giả, nhưng Malakhi là sách Kinh thánh cuối cùng của Cựu uớc). Malakhi viết như sau: “Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt.” (Ml 3, 23-24). Đây cũng là câu Kinh thánh cuối cùng của Cựu Ước. Như vậy dân Do Thái quan niệm Đức Giêsu chính là Êlia tái thế, hoàn toàn có cơ sở.

Rồi còn một luồng dư luận khác, nó bao gồm tất cả dân Do Thái còn lại không thuộc về 02 quan niệm trên. Họ quan niệm Đức Giêsu là “vị Ngôn sứ nào đó”. Đây là một kiểu nói, nó diễn tả vị Ngôn sứ kinh điển, có nghĩa vị ngôn sứ là người nói lời Thiên Chúa truyền đạt cho dân, can đảm cảnh báo trước những sai lầm mà không sợ bất kỳ quyền lực nào. Thực ra, vị ngôn sứ đó họ muốn ám chỉ Môsê, nhưng không rõ ràng.

Tóm lại, trong dân Do Thái đang có nhiều dư luận rất tốt đẹp về Đức Giêsu, nhưng dù sao những quan niệm đó không diễn tả đúng căn tính của Ngài. Đó là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa.

“Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?"

Bây giờ Đức Giêsu hỏi chính môn đệ, là những người hạnh phúc, luôn ở với Ngài, được nghe Ngài dạy dỗ, và nhất là được Ngài đưa ra khỏi Do Thái sang miền dân ngoại hơn 08 tháng để huấn luyện (như trong hành trình từ Galilê tới miền Tia, rồi từ Tia về Siđôn ngược lên Galilê mà ta đã đề cập). Đức Giêsu muốn các ông trả lời câu hỏi: “THẦY LÀ AI?”. Độc giả cũng có thể đoán được, câu trả lời của các môn đệ phải khác với dân chúng.

“Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô." Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.”

Marcô nhấn mạnh đến cái tên “Phêrô”. Độc giả hơi ngạc nhiên vì cái tên Phêrô đã biến khỏi Tin mừng Marcô từ câu (Mc 5, 37) nhưng nay lại xuất hiện. Marcô muốn cho độc giả biết bắt đầu từ đây, Phêrô sẽ xuất hiện thường xuyên vì ông là người Đức Giêsu chọn làm Tông đồ trưởng, lãnh đạo Giáo hội của Ngài sau này. Marcô muốn nói, chính Phêrô chứ không ai khác phải trả lời câu hỏi: “THẦY LÀ AI?”

Ngày hôm nay, Đức Giêsu cũng hỏi mỗi người chúng ta: “THẦY LÀ AI?”. Chúng ta phải trả lời thế nào, trả lời ra sao là tùy vào đời sống của ta. Trả lời được câu hỏi này không phải dễ dàng, vì nó không thuộc phạm vi lý thuyết, kiến thức, nhưng là NIỀM TIN và CUỘC SỐNG. Trước sau gì ta cũng phải trả lời câu hỏi này. Hy vọng ta sẽ trả lời sớm nhất, đừng để đến giây phút cuối cùng sợ không còn kịp.

Vâng Phêrô đã trả lời vô cùng chính xác: “THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ”. Sau đó Đức Giêsu không nói gì về câu trả lời này, ngay một lời khen hay chê cũng không có. Nhưng Marcô viết: “Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người”. Việc Đức Giêsu cấm, theo Marcô, minh nhiên Đức Giêsu xác nhận Phêrô đã trả lời hoàn toàn chính xác.

Có lẽ độc giả thắc mắc, tại sao Đức Giêsu không nói rõ ràng, câu trả lời đó đúng hay sai?

Bài Tin mừng hôm nay, Lời Tuyên tín của Phêrô, đã được cả 03 Thánh sử Nhất lãm thuật lại: Matthêu (Mt 16, 13-20); Marcô (Mc 8, 27-30); Luca (Lc 9, 18-21). Trong 03 Thánh sử chỉ duy nhất Matthêu đề cập đến.

Mathêu viết: “Đức Giê-su nói với ông (Phêrô): "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”

Có nghĩa Đức Giêsu đã xác nhận rõ ràng, Phêrô đã trả lời hoàn toàn chính xác, nhưng Ngài khẳng định cho ông biết, câu trả lời của ông hoàn toàn không do ông, không do trí suy luận của ông, mà là do Chúa Cha mặc khải. Và đồng thời Ngài cũng xác nhận vai trò thủ lĩnh của Phêrô.

Vâng Thiên Chúa luôn là Đấng mà con người không thể dùng sức riêng của mình khám phá được. Nếu con người dùng lý trí của mình mà suy luận Thiên Chúa, thì cùng lắm họ chỉ đến được ngưỡng cửa của mầu nhiệm. Con người chỉ biết được Thiên Chúa là Thiên Chúa, khi Thiên Chúa tự tỏ mình ra cho họ, nói nôm na là phải do Ngài mạc khải. Như vậy, những ai tự hào do mình cố gắng tìm tòi, và với ai từng công kích Đạo Chúa, vỗ ngực tự hào đã hiểu hết về Thiên Chúa, hiểu hết về Đạo Chúa, đó là những kẻ ngu xuẩn, xấc xược!

Tại sao Marcô không đề cập đến sự xác nhận của Đức Giêsu trước lời tuyên tín của Phêrô, vì Marcô là Marcô chỉ thế thôi!

Ông không đề cập trực tiếp, nhưng đã đề cập gián tiếp, khi nói Đức Giêsu cấm không cho các ông nói điều đó với ai. Như vậy ta phải hiểu Ngài đã xác nhận. Marcô muốn độc giả phải động não một chút, chứ đọc Tin mừng mà cứ như đọc tiểu thuyết thì chẳng ích gì.

Marcô viết: “Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.” Độc giả có thể thắc mắc tại sao Đức Giêsu lại cấm, đáng lý phải cho phổ biến chứ? Trả lời câu hỏi này không dễ dàng gì, vì ta phải chứng minh rõ ràng chứ không được phép nói chung chung. Ta xin nhắc lại lần nữa câu trả lời của Phêrô: “THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ”.

Ta phải trở về Cựu Ước, Danh hiệu Mêsia (Kitô) gợi lên nơi tâm trí đám dân đen cũng như giới lãnh đạo, hình ảnh một vị vua ngự trên đỉnh kim tự tháp xã hội, kinh tế, để điều khiển kim tự tháp này. Để cho triều đại được tồn tại mãi mãi, Đấng Kitô dùng quân đội, thu thuế, và nâng đỡ một đền thờ có giới tư tế phục dịch. Giống như vua Đavít, Đấng Mêsia phải là vị thủ lãnh được xức dầu mang uy quyền thần thánh mà điều hành xã hội, sao cho có công bình về mọi mặt. Như vậy trong Cựu Ước đã có sẵn quan niệm Đấng Kitô là một ông vua đầy uy quyền, lãnh đạo sao cho Do Thái là một quốc gia hùng cường về mọi mặt.

Quan niệm KITÔ của Cựu Ước hoàn toàn khác xa với quan niệm KITÔ của Đức Giêsu. Theo Ngài, Đấng Kitô là Đấng hiến mạng sống mình, chết trên thập giá, để làm của lễ giao hòa Thiên Chúa với con người, giải thoát con người khỏi vòng tội lỗi, đưa con người trở về vị trí con Thiên Chúa, mà họ đã bị đánh mất. Đấng Kitô đó không chỉ dành cho người Do Thái, mà là cho hết nhân loại qua mọi thời đại.

Như vậy Đức Giêsu cấm ngặt các môn đệ, không được nói với bất kỳ người nào, “THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ”, để tránh cho dân chúng sự sai lầm vô cùng tai hại. Marcô dùng từ “cấm ngặt”, epitimaô, có tính chất tuyệt đối.

Phần trả lời cho câu hỏi “THẦY LÀ AI?” đến đây đã kết thúc. Mọi sự đã rõ ràng. Nhưng con đường đến tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê còn khá dài, Đức Giêsu tiếp tục chuyển sang một đề tài khác.

“Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở.”

Khi Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”, nhưng Đấng Kitô là Đấng nào thì chưa được Ngài giải thích. Có thể các ông vẫn quan niệm Đấng Kitô như trong thời Cựu Ước. Marcô nhấn mạnh: “Người nói rõ điều đó, không úp mở”, Marcô vẫn có những kiểu nói gây sốc, ông nhấn mạnh, Đức Giêsu không úp mở gì hết, Ngài sẽ nói đầy đủ và rõ ràng.

Marcô viết: “Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.” Đó là Đấng Kitô đích thực.

Marcô dùng từ “phải”, phải chịu đau khổ nhiều, như vậy Đức Giêsu không tự làm theo ý mình, mà thực hiện theo Thánh ý Chúa Cha khi sai Ngài xuống trần gian này. Từ “phải” ở đây sẽ nói lên sự sâu xé trong tâm hồn Đức Giêsu trong vườn Giêsimani, giữa một bên là Thánh ý Chúa Cha, và một bên là ý riêng mình, đến nỗi Ngài phải thốt lên thật não nề. Luca viết: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.” (Lc 22, 42)

Luca còn viết tiếp: “Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22, 43-44).

Như vậy, cái từ “Phải” Marcô dùng ở đây thật khủng khếp. Đức Giêsu đã bị sâu xé đến cực độ, và các thiên sứ từ trời phải đến nâng đỡ Ngài. Chỉ có những ai trong đời mình phải chấp nhận sự cay đắng, phải chấp nhận một nghịch cảnh mà mình muốn trốn chạy nhưng bị vào thế phải đối diện với nó, những ai phải chấp nhận một cơn bệnh hiểm nghèo, như án tử treo trên đầu, những ai phải đứng nhìn cảnh đổ nát trong gia đình,.... thì họ mới thấm thía cái từ “phải” mà Marcô dùng hôm nay.

“Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. “

Marcô nói, “Phêrô liền kéo riêng Đức Giêsu ra”. Marcô muốn nói gì về sự kiện này? Ông muốn nói, Phêrô không muốn trình bày suy nghĩ của riêng mình giữa cộng đoàn môn đệ, nên kéo riêng Ngài ra. Lúc này Phêrô đang lấy tư cách cá nhân chứ không phải là vị Tông đồ trưởng.

Phêrô nói gì với Đức Giêsu. Marcô viết: “bắt đầu trách Người”. Như vậy, khi với tư cách Tông đồ trưởng, Phêrô đã tuyên xưng chính xác vì có Chúa Cha mặc khải và với sự có mặt Tông đồ đoàn. Nhưng khi lấy tư cách cá nhân, ông đã rơi vào sai lầm kinh khủng. Marcô nhấn mạnh: “trách”, có lẽ lần đầu tiên độc giả được nghe nói đến sự kiện này, Phêrô lại dám trách Đức Giêsu sao! Thật hỗn xược! Lúc này Phêrô đang là con người thế nào? Ta sẽ nghe Đức Giêsu nói.

Ngay nay trong Giáo hội mọi người đều công nhận “Ơn Vô Ngộ” của Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài chỉ vô ngộ khi công bố một tín điều, khi dùng quyền Vô Ngộ (không sai lầm) thì buộc mọi tín hữu phải tin. Nhưng Tín Điều phải là kết quả của một Công Đồng, tức trong Tông đồ đoàn, chứ không phải do tư cách cá nhân của vị Giáo hoàng.

“Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

Phêrô kéo riêng Đức Giêsu ra và trách Ngài dưới tư cách cá nhân, nhưng Marcô viết: “Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô”, Ngài nhìn vào các môn đệ, trách Phêrô trong tập thể. Có nghĩa Ngài muốn các môn đệ khác không được phép suy nghĩ như Phêrô.

Marcô viết rất mạnh và cương quyết, ông nói: “Xa-tan!”. Như vậy khi Phêrô tuyên tín Đức Giêsu là Đấng Kitô, ông đã được Chúa Cha mặc khải, nhưng khi đứng riêng ra, dưới tư cách cá nhân, ông đã bị Satan chế ngự. Có lẽ đây là lời quở trách nặng nhất Đức Giêsu đã dành cho Phêrô.

“Lui lại đàng sau Thầy”, lúc này Phêrô có còn là Phêrô nữa không, ông chỉ là cái xác mà hồn đang bị Satan chế ngự, như vậy có khác gì Satan hiện nguyên hình. Ông phải lui lại đằng sau Ngài. Khi Tông đồ muốn trở thành Tông đồ đích thực, ông phải là người đi theo Đức Giêsu, ngay cả ngang hàng cũng không được phép, huống chi đòi đi trước Đức Giêsu. Sứ giả Tin mừng qua mọi thời đại phải là người đi theo Đức Giêsu. Ai đòi đi trước, đi ngang hàng ắt bị Satan chế ngự.

Marcô cho biết tại sao Đức Giêsu nặng lời với Phêrô như vậy? xin thưa: “Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Vâng đúng vậy, Phêrô chỉ suy nghĩ theo những gì hết sức con người, đối với ông, cuộc khổ nạn của Đức Giêsu là phi lý nhất trong các sự phi lý. Đó là cái nhìn của con người. Nhưng dưới cái nhìn của Thiên Chúa, thì đó mới là Con đường cứu độ. Dùng sự suy nghĩ của con người để can ngăn Đức Giêsu, coi như bao công lao của Ngài huấn luyện các ông đã đổ sông đổ biển.

Nhưng sau này các ông đã được Chúa Thánh Thần biến đổi toàn diện. Ta hãy nghe Thánh Phaolô trong thư thứ I gởi giáo đoàn Cô-rin-tô, ông viết như sau:

“Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,22-23). Ông viết tiếp: “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,1-2).

Vâng, khi Chúa Thánh Thần biến đổi, các môn đệ đã thay đổi hẳn quan niệm của mình, vì bây giờ tư tưởng của các ông là tư tưởng của Thiên Chúa, không là của loài người.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2218
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  25
 Hôm nay:  612
 Hôm qua:  3145
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12343762

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn