Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm Tuần V Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm Tuần V Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm Tuần V Mùa Chay
(10/04/2014) - (Ga 8, 51-59)
ĐỨC GIÊSU & ÔNG ABRAHAM (tiếp theo)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG“

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái: "Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết."

Người Do-thái liền nói: "Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.' Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai?"

Đức Giê-su đáp: "Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ."

Người Do-thái nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham!" Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!" Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.
________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Càng đến gần Tuần Thánh, Phụng vụ lời Chúa cho ta thấy sự xung đột, mâu thuẫn giữa Đức Giêsu và người Do Thái càng gay gắt. Mâu thuẫn đó tập trung vào các mặc khải về Ngài, về Chúa Cha, tương quan giữa Cha và Con, và Ngài được Thiên Chúa sai đến.

Độc giả có thể đặt câu hỏi: tại sao Đức Giêsu đã thực hiện bao phép lạ cả thể, không người trần gian nào có thể làm được ngoại trừ Thiên Chúa, như: Mù được thấy, què được đi, điếc được nghe, bất toại được lành lặn, quỷ ám bị trục xuất, chết được sống lại,.... mà vẫn chưa làm cho người Do Thái tin Ngài được Thiên Chúa sai đến? Nếu những việc đó xảy ra ngày hôm nay, ắt hẳn nó phải tạo cơn chấn động mạnh lan đi khắp thế giới. Hình như có cái gì đó mà người Do Thái không thể lãnh hội được các mặc khải của Đức Giêsu.

Gioan viết: “Người bảo họ: "Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga 8, 23).

Cái nguyên nhân sâu xa, đó là người Do Thái thuộc về thế gian này, còn Đức Giêsu thì không. Chính trong 02 cảnh giới khác nhau đó, không thể nào có điểm chung trong sự suy nghĩ và nhận thức. Chỉ khi nào người Do Thái biết vượt ra khỏi thế gian này, nó hằng chôn chặt suy nghĩ và nhận thức của họ, có nghĩa họ biết mở lòng mình ra đón nhận chân lý, mắt của họ biết nhìn lên cao họ mới có thể đón nhận sự mặc khải của Đức Giêsu.

Ngày hôm qua, bài Tin mừng (Ga 8, 31-42) cho thấy người Do Thái đã bắt hụt ý nghĩa của 02 khái niệm: TỰ DO – NÔ LỆ. Họ không thể hiểu thế nào là Tự do và thế nào là Nô lệ đích thực. Họ cho rằng là con cháu Abraham, họ là những người tự do. Nhưng Đức Giêsu lại nói: Họ là người bị nô lệ, vì ai phạm tội, thì nô lệ cho tội.

Còn hôm nay, người Do Thái sẽ bắt hụt tiếp ý nghĩa của 02 khái niệm: SỐNG – CHẾT.

“Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái: "Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết."

Độc giả sẽ thấy cái động lực làm cho con người không bao giờ phải chết nằm trong cụm từ: “Nếu ai tuân giữ lời tôi”, Đức Giêsu khẳng định, ai tuân giữ lời Ngài sẽ không bao giờ bị chết, vì lời Ngài là lời Hằng sống, có nghĩa “Lời luôn sống”. Nhưng để có thể lãnh hội được ý nghĩa câu đó, ta phải hiểu “chết” là gì trước đã. Thế nào là sống, thế nào là chết.

Có 02 cái chết: Chết thể lý và Chết vĩnh viễn.

CHẾT THỂ LÝ:

Chết thể lý là tình trạng của người nào đó tim ngừng đập, tất cả các chi thể trong người không còn hoạt động. Đó là cái chết của mỗi người khi chấm dứt cuộc đời này, nó là định mệnh con người mà không gì có thể cưỡng lại được. Ai cũng phải chết.

Nhưng Đức Giêsu lại nói, chết là một giấc ngủ và ngôi mộ kia là nơi người ta an nghỉ chờ ngày được đánh thức, có nghĩa chết không phải là hết, nhưng là giấc ngủ chờ đánh thức dậy để bước sang đời sống mới.

Độc giả còn nhớ trong câu chuyện Ladarô, Gioan viết: “Nói những lời này xong, Người bảo họ: "La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây." Các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại." Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. Bấy giờ Người mới nói rõ: "La-da-rô đã chết.” (Ga 11, 11-14)

Đây là trường hợp Đức Giêsu đánh thức Ladarô để anh ta thức dậy, nhưng thức dậy vẫn còn trong bình diện cuộc sống này. Trong mọi trường hợp, như lời Matta tuyên xưng, Gioan viết: “Cô Mác-ta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 11, 24) Đó là sự đánh thức dậy để bước vào cuộc sống thần linh, ở đó người ta không còn phải chết nữa.

CHẾT VĨNH VIỄN:

Trong ngày sau hết, mọi người sẽ được đánh thức dậy. Mỗi người sẽ phải ra trước Tòa Chúa phán xét, người lành sẽ được thưởng, còn kẻ dữ sẽ bị phạt. Thưởng và phạt có tính cách vĩnh viễn, nó là SỐNG/ CHẾT vĩnh viễn.

Như vậy theo Gioan: “Đức Giê-su phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 11, 25-26) Ai sống và tin vào Đức Giêsu, người ấy không bao giờ chết. Nó làm sáng tỏ câu Đức Giêsu nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Tuân giữ lời Đức Giêsu cũng đồng nghĩa với việc tin vào Ngài. Đây là mặc khải nữa của Đức Giêsu cho người Do Thái. Nhưng họ có lãnh hội được không, độc giả hãy chờ xem.

“Người Do-thái liền nói: "Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.' Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai?"

Gioan viết: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám“, có nghĩa từ trước đến giờ người Do Thái nghe những lời Đức Giêsu mặc khải, họ không thể nghe lọt lỗ tai, họ hoang mang không biết cái ông Giêsu này có bị quỷ ám không. Bây giờ nghe xong câu này: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Họ không còn hồ nghi nữa, đúng ông này bị quỷ ám 100%.

Họ không thể chấp nhận câu nói này, vì họ thuộc về thế gian, thuộc về hạ giới, họ không thể vượt ra những định kiến, vượt ra các khuôn mẫu quy ước về sự chết nên không thể hiểu lời Đức Giêsu. Họ lý luận như sau:

Tất cả mọi người đều phải chết, ngay cả Tổ phụ Abraham, các ngôn sứ, đó là người của Thiên Chúa,... đều phải chết, thế mà Đức Giêsu lại nói: "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết." Họ hỏi Ngài có quyền gì mà nói như vậy, Ngài chỉ thuộc hàng con cháu Abraham không lẽ lại cao trọng hơn Tổ phụ Abraham. Bất chợt họ nói: Ông tự coi mình là ai chứ. Một lời nói đầy miệt thị. Thôi không cần tính đến thời Abraham làm gì, vì Đức Giêsu mới xuất hiện đây thôi, thì làm gì các Tổ phụ có thể nghe được lời Ngài, chỉ tính ngay thời Đức Giêsu trở đi thì có ai không phải chết, có ai được sống mãi. Ai cũng phải chết. Vậy câu nói của Đức Giêsu còn ý nghĩa gì nữa. Sự mâu thuẫn này nằm trong cái nhìn của người thuộc về thế gian đứng trước câu nói của Đấng không thuộc về thế gian. Không thể nào có điểm chung, điểm tương đồng giữa 02 cảnh giới khác nhau.

Độc giả cũng phải thông cảm cho người Do Thái, vì bây giờ ta được nghe Lời Chúa, được giải thích cặn kẽ, ta mới hiểu Đức Giêsu nói: "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết." là hoàn toàn chính xác, là chân lý. Vì Lời Đức Giêsu là lời Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu, vậy ai tuân giữ lời Đức Giêsu có nghĩa người đó ở trong Thiên Chúa Hằng Hữu thì làm sao họ có thể chết, họ không bao giờ chết, họ sẽ sống mãi. Còn cái chết thể lý chỉ là một giấc ngủ, không được gọi là chết đúng nghĩa, càng không được hiểu là sự kết thúc vĩnh viễn.

“Đức Giê-su đáp: "Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ."

Người Do Thái nói: “Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao?" Thật đúng như vậy, vì Đức Giêsu là Thiên Chúa, còn mọi người cho dù là Abraham cũng chỉ là con người, làm sao có thể so sánh được. Nhưng Đức Giêsu muốn chứng minh cho họ thấy điều đó, Ngài nói: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông.”

Dưới con mắt người Do Thái, họ chưa tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, họ chỉ có thể tôn vinh và ca tụng Ngài như một vị Ngôn sứ, vì thế nếu Đức Giêsu tự tôn vinh mình, chẳng khác gì Ngài là người kiêu ngạo, tự mãn. Là một người kiêu ngạo thì chẳng còn gì nữa, ai cũng khinh bỉ, mặc dù người Pharsêu luôn sống trong thái độ kiêu ngạo và tự mãn. Như vậy Đức Giêsu không tự tôn vinh mình, “Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông”. Vâng chính Đấng đã sai Ngài, chính Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài, đó cũng là Thiên Chúa của họ. Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Giêsu khi Ngài thực hiện các phép lạ bằng chính quyền năng Thiên Chúa.

Người mù từ khi mới sinh được chữa lành đã tuyên xưng Đức Giêsu, Gioan viết: “Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì." (Ga 9, 31-33).

Nói tóm lại khi Đức Giêsu dùng quyền năng Thiên Chúa thực hiệc các phép lạ, Ngài chứng tỏ cho người Do Thái biết, Ngài được Thiên Chúa sai đến, Ngài bởi Thiên Chúa mà đến, và Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Giêsu trước mắt người Do Thái qua các phép lạ Ngài đã thực hiện.

“Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ."

Đức Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, nơi Ngài không có sự dối trá. Như vậy Ngài từ Thiên Chúa mà đến, thì hẳn nhiên Ngài phải biết Thiên Chúa, và chỉ có ai ở trong đời sống nội tại của Ba Ngôi mới biết Chúa Cha, điều đặc biệt hơn, Ngài với Cha là Một. Đức Giêsu khẳng định với người Do Thái, Ngài luôn nói sự thật. Nếu Ngài nói không biết Thiên Chúa thì Ngài là kẻ dối trá, cũng như người Do Thái.

“Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người”, Ngài mời gọi người Do Thái và mời gọi chúng ta: "Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết." Đức Giêsu muốn mặc khải cho con người qua mọi thời đại, một khi tuân giữ lời Thiên Chúa thì mọi người được sống. Tất cả được sống trong sự sống của Thiên Chúa, vì Lời Thiên Chúa là lời Hằng Sống, lời Thiên Chúa là chính Thiên Chúa.

“Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ." Đức Giêsu muốn nói, tất cả đang sống, và ông Abraham cũng đang sống, vì ông đã tuân giữ lời Thiên Chúa khi từ bỏ tất cả, bỏ quê cha đất tổ để đi đến nơi Thiên Chúa chỉ định. Ông đi mà không biết mình đi đâu, nhưng đi trong niềm tin vào Thiên Chúa. Chính vì thế ông đang sống. Vì ông đang sống nên ông đã thấy ngày của Đức Giêsu, tức ngày toàn nhân loại được cứu độ. Ông mừng rỡ, vì từ cái chết của Con Thiên Chúa, Ngài đã giao hòa con người với Thiên Chúa, đã trả lại cho con người sự sống mà nó bị đánh mất bởi Tội Nguyên tổ. Sự sống đó chỉ được trả lại cho con người sau cái chết đời này. Nói khác đi, cái chết thể lý chỉ là một giấc ngủ, và sau giấc ngủ đó con người bước vào cõi vĩnh hằng.

Đó là niềm tin của ta, ta cũng vui mừng và hớn hở như Tổ phụ Abraham, vì cái chết không còn là điều vô nghĩa và vô lý nữa. Cuộc đời của ta không còn bế tắc, không còn bị lầm vào ngõ cụt, vì ta đã được đặt vào con đường đi về với Thiên Chúa. Nhưng vấn đề: Ta có được sống không, hay là bị chết? Điều đó hoàn toàn nằm trong câu nói của Đức Giêsu: "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết."

Thỉnh thoảng ta bắt gặp câu hỏi: Vậy ta sống ở đời này để làm gì? Sau cái chết ta sẽ đi về đâu? Đối với người không có niềm tin vào Đức Giêsu, thì những câu hỏi liên quan đến định mệnh như vậy, sẽ gây cho ta sự sợ hãi để cuối cùng đi đến chỗ tuyệt vọng. Ta sẽ tha hồ hưởng thụ, tha hồ ăn chơi trác táng, tha hồ lao vào những thú vui nhục dục,... tội gì phải kiêng cữ, vì không biết tận dụng thì thật uổng phí vì chết là hết. Bế tắc.

Nhưng hôm nay Đức Giêsu cho ta biết, cái chết thể lý chỉ là một giấc ngủ, không có gì mà ta phải lo sợ, sau giấc ngủ đó ta sẽ được đánh thức để bước vào cõi vĩnh hằng. Nhưng muốn được như vậy, ta phải "tuân giữ Lời Ngài." Đức Giêsu đã khẳng định: "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết." Ngài là Đấng Chân Thiện Mỹ, nên Lời Ngài là lời chân thật. Tin tưởng vào Đức Giêsu, ta hân hoan phấn khởi đứng dậy, không được phép ngồi đó để than thân trách phận, đứng dậy để đi vào cuộc đời này trong niềm tin tưởng vào Đức Giêsu. Những đau khổ đời này còn đáng gì nữa, nó chẳng là gì hết mà ta phải bận tâm, vì bây giờ ta đã được đặt vào con đường và chỉ còn biết tiến lên phía trước.

Người Do-thái nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham!" Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!" Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

Người Do Thái không còn chịu nổi lời Đức Giêsu, vì Ngài nói quá thật, một sự thật mà người Do Thái không thể chấp nhận. Bây giờ họ không còn cho Ngài bị quỷ ám nữa mà là biểu lộ bằng hành động: NÉM ĐÁ, Hành động ném đá chẳng khác gì họ cho Đức Giêsu đã phạm một trọng tội theo luật Môsê, cách xử lý chỉ còn là ném đá. Họ đầy căm tức và phẫn nộ, theo họ Ngài chưa được năm mươi tuổi, mà Ngài cho mình đã thấy Abraham. Tất cả cũng chỉ vì họ không công nhận Ngài là Con Thiên Chúa. Nếu công nhận, thì họ sẽ chấp nhận Ngài là Đấng Hằng Hữu.

Thánh sử Gioan viết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành” (Ga 1, 1-3)

Đức Giêsu mặc khải cho người Do Thái biết, Ngài là Đấng Hằng Hữu, Đấng Luôn Có, Đấng đã có ngay từ thưở ban đầu. Thật là chính xác khi nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!". Đó là một sự thật, nhưng một sự thật mà người Do Thái không thể nào nuốt được.

Hành động của người Do Thái hôm nay là ném đá, nhưng Đức Giêsu đã lánh đi, và ra khỏi Đền Thờ, báo hiệu cho biết Đền thờ không còn sự hiện diện của Con Thiên Chúa nữa. Thật đúng như lời Đức Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật." (Ga 4, 21-24)

Amen.
_________________________

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2133
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  16
 Hôm nay:  1501
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12341506

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn