Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần VIII thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần VIII thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai tuần VIII Thường niên năm chẵn 
(03/03/2014) - (Mc 10, 17-27)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Đức Giê-su đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ." Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ."

Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa."

Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: "Thế thì ai có thể được cứu? " Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được."
___________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Bài Tin mừng hôm nay có 02 nội dung chính:

+ Người giàu có muốn theo Đức Giêsu.
+ Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa.

Hình như có cái gì đó trong cụm từ “giàu có” ở đây, vì cứ mỗi lần nói đến giàu có, ta lại hình dung ra một người lắm tiền nhiều bạc, nhà cao cửa rộng, ăn sung mặc sướng, có quyền lực sai khiến người khác,... cuối cùng còn phải kể đến một yếu tố nữa, đó là nghèo về đời sống tinh thần.

Không phải tất cả người giàu có đều là kẻ nghèo về tinh thần, nhưng nghèo về tinh thần thường nằm trong số người giàu có. Tại sao vậy? Vì tiền bạc nó thường tạo cho ta cái ảo giác về một sự đảm bảo, tạo cho ta cái cảm giác không còn phải lo lắng, vì có tiền là có tất cả. Đây chính là cái tử huyệt cho người giàu có, nó sẽ giết chết họ vì họ không còn cần đến Thiên Chúa, có nghĩa không còn chú ý đến những giá trị tinh thần nữa. Bài Tin mừng hôm nay sẽ là một minh chứng hùng hồn nhất.

PHẦN I: NGƯỜI GIÀU CÓ MUỐN THEO ĐỨC GIÊSU

“Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi”

Bài Tin mừng hôm nay nối tiếp ngay sau sự kiện Đức Giêsu chúc lành cho các em nhỏ, Ngài nói: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10, 15). Nói xong lời đó, Đức Giêsu lên đường đi đến miền khác để rao giảng Tin mừng.

Marcô nói “vừa lên đường”, có nghĩa chưa đi được xa thì có một người chạy đến. Người này là ai, Marcô không xác định. Chỉ đến phần cuối ta mới biết đây là một người giàu có. Tại sao anh ta lại phải chạy? Có lẽ sợ không bắp kịp Đức Giêsu, ắt hẳn anh có điều gì đó quan trọng muốn thưa với Ngài. Cuối cùng anh cũng bắt kịp Ngài vì giữa một người đi bình thường, và một người chạy, người chạy sẽ có ưu thế hơn. Hình như Thiên Chúa bao giờ cũng tỏ ra chậm chạp để chờ ta, có khi Ngài đứng yên chứ không đi, như vậy nếu ai đó quyết tâm đến với Chúa, ắt hẳn họ sẽ gặp.

Sau khi đã bắt kịp, anh ta trong bộ dạng hổn hển, Marcô nói, “quỳ xuống trước mặt Người”. Đây là thái độ tỏ lòng tôn kính hiếm có đối với Đức Giêsu. Ta cũng bắt gặp thái độ này nơi người phong hủi trong Tin mừng Marcô (Mc 1, 40) “Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng”, và quỳ xuống cũng là thái độ của con người qua mọi thời đại khi đối diện với Thiên Chúa. “Quỳ xuống” đó sẽ là tư thế hay gặp nhất trong các nghi thức phụng vụ, tại sao ta lại phải quỳ? Thưa vì trước mặt ta là vị Thiên Chúa cao cả, một Người Cha đầy yêu thương, chỉ bằng ấy thôi cũng đủ cho ta quỳ rồi.

"Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Đức Giê-su đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.

Độc giả có thể nhận ra có cái gì đó trong lời đối đáp này. Theo lẽ thường, người này chỉ cần gọi Đức Giêsu là “Thầy” đủ rồi, đâu cần phải thêm cụm từ “nhân lành”. Nhưng anh ta quen với cách giao tiếp giới thượng lưu, nên đã gọi Đức Giêsu là “Thầy nhân lành” với ẩn ý tâng bốc. Tại sao ta dám khẳng định điều đó? Xin thưa vì dựa vào câu nói đi liền sau của Đức Giêsu.

Đức Giêsu không thích kiểu tâng bốc này, nên Ngài nói: “Sao anh nói tôi là nhân lành?” Câu nói của Đức Giêsu lại gây cho người ta sự hiểu lầm, vậy hóa ra Ngài không nhân lành sao? Thưa, không phải vậy, vì ngay sau đó Ngài nói: “Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.” Có nghĩa Đức Giêsu luôn hướng về Thiên Chúa, từ trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Ngài đang nói đến niềm tin của dân Do Thái luôn tin rằng, chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng nhân lành. Hình như ở đây Ngài quên mình là Thiên Chúa rồi.

Ta cũng có thể hiểu theo cách khác. Anh nhà giàu gọi Đức Giêsu là “Thầy nhân lành”, nhưng Đức Giêsu khẳng định: “Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”, như vậy theo lập luận, Ngài ngầm cho anh ta biết Ngài là Thiên Chúa.

“Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đây là khát vọng rất chính đáng, khát vọng về một cuộc sống bất diệt khi ta đang sống ở đời này. Cuộc sống trần gian này, cho dù có tốt đến mấy, có lôi cuốn đến mấy, nó vẫn chỉ là tương đối, và mọi sự rồi sẽ qua đi để lại cho ta sự nuối tiếc. Trong thâm tâm, ta luôn hướng đến cái vĩnh cửu và xây dựng mình trong đó. Nhưng vấn đề làm sao có được sự sống đời đời, đó mới là điều quan trọng, vì khát vọng là một chuyện, còn đạt được nó hay không lại là chuyện khác.

Trong thế giới hôm nay, khi những giá trị tuyệt đối và vĩnh cửu bị coi thường, khi nấc thang giá trị bị đảo ngược, nhưng vẫn không đủ sức xóa đi trong con người niềm khao khát hướng về Thiên Chúa, vì con người được Thiên Chúa dựng nên, “tự nhiên”, vâng tự nhiên phải hướng về Ngài. Nhưng có 02 vấn đề đặt ra:

+ Thiên Chúa là Đấng nào?
+ Làm sao đạt đến Ngài?

Chính những suy tư này làm phát sinh nhiều tôn giáo trên thế giới, mỗi tôn giáo cảm nhận Thiên Chúa khác nhau, nhưng chỉ có Một Thiên Chúa, đó mới là vấn đề. Dù gì đi nữa, con người luôn hỏi mình: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Một câu hỏi trong lúc đêm khuya tĩnh lặng, khi mọi tham vọng và dục vọng đã ngủ yên, không còn quấy rầy ta nữa. Câu hỏi sẽ còn kéo dài cho đến tận thế. Tiền bạc, danh vọng, tham vọng, dục vọng,... không thể dập tắt câu hỏi: “Tôi phải làm gì”, “Tôi phải làm gì”, và “Tôi phải làm gì”.

Có lẽ anh nhà giàu cũng nhận ra một điều, tiền bạc nó không là tất cả, nó không đáp ứng được khát vọng cháy bỏng, nó không được dùng để mua sự sống đời đời. Không phải người giàu có không nghĩ đến điều này, trái lại họ nghĩ đến nó nhiều nhất, vì họ đã sống trong sự giàu sang, sống trên nhung lụa, họ đã nhận ra bộ mặt thật của nó, hóa ra nó không phải là cái ta tìm kiếm. Còn anh nhà nghèo, coi chừng lại đang mơ đến nó, coi nó là cái đích phải nhắm đến. 

“Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ." Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”

Với câu hỏi: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” đã hướng sự chú ý của Đức Giêsu vào anh ta. Ngài tỏ ra có thiện cảm vì biết hỏi như vậy là biết bắt đầu sống tốt rồi, bây giờ Ngài sẽ nói cho anh ta biết phải làm gì?

Độc giả đọc đoạn này không biết có nghĩ gì không? Đọc thoáng qua chắc ai cũng nghĩ Đức Giêsu đưa ra cho anh ta Bảng Thập Giới hay Mười Điều Răn. Vâng đúng vậy, nhưng nó không phải vậy vì:

+ Không có 03 Điều răn về Thiên Chúa.
+ Đức Giêsu đã thêm 01 điều không có trong Mười Điều răn, đó là: “chớ làm hại ai”
+ “Thờ kính cha mẹ” được Đức Giêsu đặt xuống cuối cùng.

Đức Giêsu dựa vào Mười Điều Răn để đưa ra cho anh ta phương cách sống để được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Và dựa vào nhận xét trên, ta có thể nói:

1/. Đức Giêsu không chú trọng các điều răn về Thiên Chúa, mà chỉ chú trọng đến những điều về con người, như muốn nói rằng, một khi đã chu toàn các điều này, cũng đã hàm chứa bổn phận đối với Thiên Chúa rồi. Thánh Gioan trong Thư thứ nhất đã viết: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em họ trông thấy, thì không thể yêu mến Đấng Thiên Chúa mà họ không thấy” (1Ga 4, 20). Như vậy, nếu ta đã chu toàn các giới răn về con người, ta đã biểu lộ tình yêu của ta đối với Thiên Chúa cách sâu xa nhất.

2/. “Chớ làm hại ai”, Đức Giêsu thêm vào điều này như là sự tóm lại các điều trên. Không làm hại ai, không chỉ là làm hại về vật chất mà còn xét đến khía cạnh tinh thần.

3/. “Thờ kính cha mẹ” được đặt cuối cùng, vì tuy là giới răn quan trọng nhất, nhưng khi xét đến dời sống, thì yêu thương người khác, nhất là yêu thương người mà mình có ác cảm mới là điều khó nhất, còn thờ kính cha mẹ lại hóa ra là điều dễ nhất, nên được đặt sau cùng.

“Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ."

Ồ một con người tuyệt vời! Hay đấy, nhưng hãy coi chừng, vì Marcô không cho ta biết gì về con người này, liệu anh ta có cường điệu quá không? Nhưng có lẽ anh ta đã nói đúng. Tại sao vậy?

Nếu độc giả đọc kỹ lại các điều Đức Giêsu nói: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ." Toàn những điều có từ “CHỚ” đi phía trước, chúng là những điều tiêu cực, ngay như ta cũng có thể làm được, cả đời ta chưa một lần cầm dao giết ai, cũng chẳng dám ngoại tình (ngoại tình có mà ốm đòn à!), chưa một lần trộm cắp..... Như vậy thì có kể gì. Cái khó nằm ở những điều tích cực, đó là những điều có cụm từ “HÃY LÀM” đi phía trước.

Nhưng dù sao anh ta đã được Đức Giêsu chú ý và đem lòng quý mến, nó như mảnh đất được dọn sẵn, cho 01 yêu cầu cuối cùng và dứt khoát mà Ngài sắp nói đến.

“Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.”

“Anh chỉ thiếu có một điều”, có nghĩa nếu thiếu điều này thì những điều kia sẽ không trọn vẹn. Đức Giêsu muốn nói rằng, “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” đó là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ, sự hoàn thiện của con người không được quyết định bởi những điều “chớ làm”, nhưng phụ thuộc vào điều “hãy làm”. Đức Giêsu sẽ đưa ra điều bắt đầu bằng từ “Hãy” ngay sau đây.

Marcô viết: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Bây giờ mới gọi là cuộc “thử lửa” thật sự. Đó là 01 đòi hỏi quá sốc!

“Bán những gì anh có”, có nghĩa bán tất cả, vì khi anh bán, anh sẽ bán những gì của anh, chứ không ai đi bán cái của người người khác. Như vậy anh phải bán hết, không chừa thứ gì. “Cho người nghèo”, bán xong lại lấy hết số tiền đó cho người nghèo. Vậy là thế nào? Anh ta còn lại gì? Xin thưa, không còn gì hết, vậy là công lao bao nhiêu năm tích cóp, bao nhiêu năm dành dụm, bao nhiêu năm phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được, giờ tự nhiên mất hết. Một đòi hỏi quá vô lý!

Nhưng xin độc giả cứ từ từ đừng nóng vội, phân tích lời Chúa mà cứ phản ứng theo lẽ tự nhiên của con người là hỏng hết. Cứ từ từ.

Ta xin khẳng định ngay, ĐÒI HỎI CỦA ĐỨC GIÊSU RẤT HỢP LÝ. Vì sao?

Vì anh nhà giàu đã thưa với Đức Giêsu: “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”, ta để ý cụm từ “làm gia nghiệp”. Đức Giêsu trả lời anh: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời”. Vâng chính cái “kho tàng trên trời” là cái gia nghiệp của anh. Vì không có bất cứ thứ gì trên trần gian này là gia nghiệp đời đời cho anh được. Kho tàng dưới đất luôn bị mục ruỗng hư nát, chỉ có việc lành phúc đức của ta sẽ còn lại mãi và theo ta vào cõi vĩnh hằng.

Độc giả có thể hỏi, tại sao Đức Giêsu lại đưa ra yêu cầu này? Xin thưa, vì Đức Giêsu đã nhìn thấu suốt con người này, đó là một người tốt, một con người đạo đức, nhưng con người đạo đức đó đang bị trói chặt vào của cải vật chất đời này. Ở đây ta cứ giả thiết của cải của anh, tiền bạc của anh là hợp pháp, do công lao anh gầy dựng mà có, nhưng chúng đang trói chặt anh, không cho anh thoát ra khỏi nó. Tại sao ta biết được điều này? Vì tất cả con người của anh nằm trong sự trăn trở về sự sống đời đời, mà tiền bạc đang có đây không giúp gì cho anh, nhưng nó không bao giờ rời xa anh.

“Rồi hãy đến theo tôi”. Nếu anh đủ dũng khí, đủ can đảm làm theo lời Đức Giêsu dạy, anh sẽ thoát ra ngoài vòng cương tỏa của vật chất, sự giam hãm vật chất, anh sẽ thành con người tự do, thanh thản, nhẹ nhõm, anh mới có thể theo Đức Giêsu toàn tâm toàn ý.

“Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.”

Nghe những lời Đức Giêsu nói, không những anh nhà giàu này, mà bất kỳ người nào cũng thấy bị sốc. Marcô nói, anh ta sa sầm nét mặt, buồn rầu bỏ đi. Nhưng đây mới là điều Marcô muốn nhấn mạnh, “vì anh ta có nhiều của cải.”

Của cải đã là một ngục tù trần gian rồi, phương chi có nhiều của cải, cái ngục tù đó còn khủng khiếp hơn nữa. Dứt được cái gì quyến luyến, nó đều tạo cho ta nỗi đau đớn, nhất là cái từng gắn bó với ta mà dứt ra được nó, đòi ta phải có sức mạnh phi thường, một sự dứt khoát quyết liệt, kèm theo sự đau đớn không có gì diễn tả được. Ai đã từng phải từ bỏ một cái gì trong đời, mới thấm thía được đòi hỏi của Đức Giêsu, nó ghê gớm đến mức độ nào.

Tuy nhiên, ta phải nhớ rằng lời kêu gọi của Đức Giêsu đang ngỏ với một trường hợp riêng biệt, tức ngỏ với người đàn ông đang đứng trước mặt Ngài. Ngài yêu cầu anh ta bỏ tất cả mọi sự để theo Ngài.

ĐÂY LÀ LỜI YÊU CẦU KHÔNG PHẢI ĐƯỢC NÓI VỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI.

Với mọi người, Đức Giêsu không đòi hỏi phải quyết liệt như vậy, nhưng Ngài đòi họ 01 yêu cầu cũng không kém phần gai góc, đó là: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Mc 8, 34-35) Yêu cầu đó cũng quyết liệt không kém.

Ta cũng không được phép trách cứ anh thanh niên này, vì phản ứng của anh cũng sẽ là phản ứng của ta mỗi ngày. Ta không dễ gì bỏ được cái mà ta phải bỏ, không dễ gì bỏ được cái thói quen đã ăn sâu vào con người của ta.

PHẦN II: NGƯỜI GIÀU CÓ KHÓ VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA.

“Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: "Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa."

Lời từ chối vừa rồi của anh thanh niên giàu có, là dịp để Đức Giêsu giúp các môn đệ hiểu biết thêm. Giữa Nước Thiên Chúa và của cải có sự tương hợp nào chăng? Một lần nữa Đức Giêsu đảo mắt nhìn các môn đệ, điều này dự báo Ngài sắp sửa đưa ra một lời dạy quan trọng. Và đây là lời dạy đó: “Những người có của mà vào được trong Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!”.

“Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ.” Phản ứng các môn đệ cho thấy rõ, tâm trí họ phản đối không muốn tiếp nhận một sứ điệp như thế. Đức Giêsu buộc phải nhấn mạnh lần nữa lời cảnh giác của Ngài. Và để minh họa rõ sự khó khăn này, Ngài đã sử dụng một hình ảnh mà sau này đã trở nên phổ biến: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Ở đây rõ ràng Đức Giêsu sử dụng phép khuyếch đại. Người Đông phương rất thích dùng những kiểu nói khoa trương như thế để kích thích sự chú ý. Và vào thời đó, hình ảnh con lạc đà chở nặng trên mình, diễn đạt tuyệt hảo hình ảnh người giàu bị vướng tay vướng chân vì của cải.

“Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: "Thế thì ai có thể được cứu?" Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được."

Đức Giêsu rất rành nghệ thuật kích thích cho kẻ khác phải suy nghĩ. Các môn đệ cực kỳ chưng hửng đã đặt ra cho Ngài câu hỏi sau: “Thế thì ai có thể được cứu?”. Ai cũng biết Marcô thường có thói quen nêu bật “sự ngu muội” của các môn đệ, trước lời giảng dạy khó hiểu của Thầy mình. Lần này, họ cũng ráng hỏi xem cho biết có kẻ nào, ở vào những điều kiện giàu có này, được cơ may cứu độ chăng.

Đức Giêsu nhìn họ, một lần nữa Ngài muốn khắc ghi vào đầu óc họ tư tưởng của Ngài, và trả lời: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”. Lời quả quyết này rất rõ ràng. Ơn cứu độ hoàn toàn vượt qua khả năng của loài người. Đó là một ơn nhưng không của Thiên Chúa vì chỉ mình Thiên Chúa mới “có thể” cứu độ loài người.

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2461
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  18
 Hôm nay:  1558
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12341563

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn