Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai Tuần V Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai Tuần V Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai Tuần V Mùa Chay
(07/04/2014) - (Ga 8,1-11)
NGƯỜI PHỤ NỮ NGOẠI TÌNH

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu.

Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.

Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?" Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.

Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?" Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!"
___________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu.” (Ga 8,1)

Độc giả sẽ nghĩ gì khi bắt đầu một chương, Gioan lại dùng một câu thế này. Từ “Còn” .... “thì” hình như Gioan muốn người đọc phải chú ý đến những gì nằm trong chương trước đó (chương 7). Vâng đó là phong cách của Gioan, thực ra câu này có thể đặt làm câu cuối của chương 7, không cần phải làm câu đầu tiên của chương 8.

Như ta đã biết: Phần cuối của chương 7 (Ga 7, 40-53), nói về sự chia rẽ giữa người Do Thái với nhau vì Đức Giêsu. Người thì nói Ngài là Đấng Kitô vì tất cả những gì Ngài nói và việc Ngài làm; người khác lại cho Ngài không phải Đấng Kitô vì Ngài xuất thân ở Nadaret (Galilê), mà không ở Bêlem (Giuđêa) quê hương của vua Đavit.

Dân chúng chia rẽ đã đành, những người lãnh đạo Do Thái giáo, họ cũng chia rẽ vì Đức Giêsu, do đó kế hoạch bắt Ngài trong Đền thờ hôm ấy phải thất bại, vì đám vệ binh không thực hiện lệnh đó. Toán vệ binh đã đến Đền thờ nhưng thay vì bắt, họ lại chăm chú, say mê nghe Ngài giảng. Rồi trong nội bộ Thượng hội đồng Do Thái cũng không đồng nhất quan điểm với nhau. Gioan nói cuối cùng họ giải tán và ai nấy trở về nhà của mình. Hôm ấy là ngày bế mạc Lễ Lều của người Do Thái, Đức Giêsu giảng dạy trong Đền thờ.

Ta có thể liệt kê câu cuối cùng của chương 7, và câu đầu của chương 8 như sau:

+ “Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.” (Ga 7, 40)
+ “Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu.” (Ga 8,1)

Rõ ràng câu (Ga 8,1) có thể đưa vào cuối chương 7 sẽ không có vấn đề gì. Nhưng tại sao ở đây Gioan lại cho nó là câu đầu của chương 8, đó mới là dụng ý của ông.

Gioan muốn nói đến 02 cảnh trái ngược nhau: những người có ý đồ xấu xa trở về nhà mình, là vùng đất thấp, nơi dung túng và nảy sinh những toan tính thấp hèn, họ kết bè với nhau và lên kế hoạch hại người công chính. Còn Đức Giêsu lên núi, là vùng đất cao, tâm hồn Ngài sẽ được đưa lên và ở đó Ngài gặp gỡ Thiên Chúa. Hai cảnh này trái ngược nhau hoàn toàn nên không thể đặt trong cùng một chương.

Độc giả khi đọc Tin mừng của Gioan nên cẩn thận, với một câu tưởng chừng không có gì, nhưng khi phân tích ra ta sẽ thấy nó có gì, không đơn giản như ta nghĩ.

“Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.”

Thời gian này Đức Giêsu đã ở miền Giuđêa, một ngày làm việc của Ngài gồm cầu nguyện, giảng dạy, chữa lành. Gioan nói: “Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ”, hình như có cái gì đó thật gấp gáp, không được thong thả cho lắm, phải tranh thủ, phải tận dụng vì cuộc Khổ nạn dành cho Ngài sắp bắt đầu. Đức Giêsu tận dụng mọi thời gian còn lại trên trần thế để loan báo Tin mừng, mặc khải Chúa Cha cho con người. Dân chúng đến với Đức Giêsu. Gioan dùng cụm từ “toàn dân”, nó cho thấy người Do Thái nô nức đến nghe người giảng dạy rất đông. Đó sẽ là hình ảnh Giáo hội Chúa sau này, con người luôn khao khát nghe lời chân lý.

Ta đừng tưởng, ngày nay với sự phát triển vượt bực về khoa học, của cải dồi dào, cuộc sống đầy tiện nghi, người ta không cần đến Thiên Chúa nữa. Nghĩ như vậy sai lầm hoàn toàn, vì sự khao khát chân thiện mỹ, khao khát lời Chúa vẫn luôn là khao khát thầm kín nhất của con người. Có người nhìn bề ngoài tưởng chừng như bất cần nhu cầu tinh thần, không thèm quan tâm đến giá trị đạo đức, nhưng trong thâm tâm họ, mỗi khi đêm về, mỗi khi cô đơn ngồi đối diện với lòng mình, thì tiếng mời gọi của Chúa từ tận đáy lòng lại hiện lên. Không có gì lấn át được tiếng nói đó. Vì con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, thì giữa họ với Thiên Chúa phải có mối liên hệ sâu xa, không có thế lực nào bẻ gãy được mối liên hệ đó. Cho dù nhìn bề ngoài, ở một đất nước, người ta dùng bạo lực để không còn bóng dáng cây Thánh giá, nhưng họ không thể diệt được cây thánh giá trong tâm hồn những người tin Chúa.

“Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình”. Người trong Đền thờ sẽ chú ý đến sự kiện này và người ta không hiểu có chuyện gì sắp xảy ra.

Gioan dùng từ rất sâu sắc, ông viết: “đang ngoại tình”, nhóm từ này nhấn mạnh đến sai lầm chết người của kinh sư và Pharisêu. Không ngờ họ lại hại chính họ. “đang ngoại tình”, có nghĩa 02 người đang phạm tội chứ không phải một và khi bắt thì phải bắt cả hai. Đối với tội ngoại tình, muốn cấu thành tội nó phải từ 02 người. Còn người đàn ông kia đâu, sao không thấy họ dẫn tới mà chỉ dẫn người phụ nữ này. Như vậy nghĩa là gì?

Có sự bất công trong xã hội Do Thái: Trọng nam, khinh nữ. Nhưng sai lầm của Kinh sư và Pharisêu ở đây, người ta có thể trọng nam khinh nữ trong quyền lợi, trong nghĩa vụ, chứ không trọng nam khi nữ trong vấn đề tội. Ngoại tình là một tội trọng, cho dù ở xã hội nào, chế độ nào, từ man di đến văn minh đều ngăn cấm, vì nó phá hỏng xã hội, làm sụp đổ nền tảng đạo đức của cả dân tộc, làm đổ vỡ tất cả và người gánh chịu hậu quả, không ai khác hơn đó là những trẻ thơ. Như vậy dù nam hay nữ cũng phải bị xử lý như nhau. Nhưng ở đây chỉ có người nữ bị kết án, còn người nam thì không.

Độc giả cũng có thể hỏi, tại sao khi bắt người phụ nữ ngoại tình, kinh sư và Pharisêu không dẫn chị ta đến tòa án hay Thượng hội đồng, mà dẫn đến Đền thờ và đến với Đức Giêsu? Tại sao? Hóa ra họ muốn biến Đền thờ Giêrusalem là nơi xử án sao? Và muốn biến Đức Giêsu thành quan tòa sao? Vô tình những người lãnh đạo Do Thái giáo lại xúc phạm đến Đền thờ của Chúa ghê tởm hơn ai hết. Có lẽ vì quá háu thắng, muốn hạ bệ ông Giêsu cho bằng được, họ đã phạm vào cái tội: xúc phạm đến Đền thờ Thiên Chúa.

Nhưng họ đã bất chấp tất cả, không cần lý lẽ và đưa người phụ nữ ngoại tình đến đây hẳn có dụng ý. Dụng ý gì? Xin thưa: Đó là GÀI BẪY, và muốn Đức Giêsu bị sập bẫy trước sự chứng kiến của người Do Thái, để triệt hạ uy tín Ngài trước mặt người Do Thái. Nếu Gioan nói “Toàn dân đến với Ngài”, giả sử kinh sư và Pharisêu thành công, thì toàn dân sẽ lên án Ngài. Đó là mưu sâu kế độc của họ. Nhưng ta hãy chờ xem sự việc diễn biến thế nào.

“Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?" Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.”

“Họ để chị ta đứng ở giữa”, có nghĩa mọi người dù đứng ở phía nào cũng nhìn thấy chị ta. Tội của chị đang bị phơi bày ra ánh sáng và con người chị cũng thế, cũng đang bị phơi bày trước toàn dân thiên hạ. Bao cặp mắt khinh miệt đang hướng về chị, và cả những con mắt lạ lẫm đang nhìn vào chị. Đó cũng là hình ảnh của Đức Giêsu trong phiên tòa xử Ngài sau này, Ngài cũng bị đặt ở giữa, bị nhiều người nhạo cười.

“Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?"

Họ giới thiệu với Đức Giêsu, đây là người đàn bà bị bắt quả tang đang ngoại tình. Đó là sự thật chứ không phải bịa đặt. Họ trưng ra luật Môsê, người đàn bà này phải bị ném đá. Lề Luật tuyên bố minh nhiên, sách Lêvi viết: “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10; x. thêm Đnl 13,7-10; 17,2tt).

“Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Đúng là cái bẫy được giăng ra. Lề luật dạy như vậy quá rõ, còn Đức Giêsu nghĩ thế nào? Gioan viết: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.” Kinh sư và Pharisêu đặt ra cho Đức Giêsu bài toán mà Ngài phải chọn một trong hai, mà chọn đường nào cũng chết. Ta gọi là cái bẫy bịt hai đầu, người bị giăng bẫy sẽ ở chính giữa, không còn đường thoát.

Cái bẫy đó như sau:

1/. NẾU ĐỒNG Ý NÉM ĐÁ THEO LUẬT MÔSÊ

Đức Giêsu sẽ bị người Do Thái lên án, mà số người Do Thái đang hiện diện ở đây rất đông. Ngài đã từng nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” (Mt 9, 12) Mà người đau ốm ở đây là ai, đó là người thu thuế, tội lỗi và gái điếm,... còn người thầy thuốc chính là Ngài. Đức Giêsu nói mạnh mẽ và dứt khoát: “Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”(Mt 9, 13). Đức Giêsu đến trần gian thực hiện sứ mạng cứu chuộc nhân loại, thì không lý do gì để Ngài đồng ý ném đá người phụ nữ này. Như vậy, nếu đồng ý ném đá, Ngài tự mân thuẫn với chính mình, và tất cả lời Ngài nói đều là giả dối.

2/. NẾU KHÔNG ĐỒNG Ý NÉM ĐÁ.

Nếu không đồng ý ném đá, Đức Giêsu sẽ ngang nhiên chống lại lề luật. Việc này sẽ bị người Do Thái lên án. Không những người Do Thái lên án, mà chính Ngài sẽ lên án cho mình. Vì sao? Vì Ngài đã từng khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5, 17-18).

Như vậy, bài toán sẽ không có lời giải: Ném đá không được – không ném đá cũng không xong. Đúng ý đồ của kinh sư và Pharisêu, chắc chắn lần này Đức Giêsu sẽ bị lâm vào ngõ cụt.

Nếu độc giả có dịp đọc hết các sách Tin mừng sẽ hiểu, đây không phải lần đầu cái bẫy bịt hai đầu được giăng ra, mà đã có nhiều cái bẫy như vậy. Ví dụ: “Có nên nộp thuế cho Cesar không?” Bài toán cũng không có câu trả lời. Nộp cũng chết và không nộp cũng chết. Nhưng độc giả đã thấy cách giải quyết của Đức Giêsu rất gọn nhẹ, đối thủ của Ngài phải sững người. Với cái bẫy cỏn con như vậy, kinh sư và Pharisêu tưởng rằng sẽ bắt bí được Đức Giêsu sao?

QUAN NIỆM CỦA ĐỨC GIÊSU VỀ HÀNH VI NGOẠI TÌNH

Trước khi đi tiếp Bài Tin mừng, độc giả cũng cần biết quan niệm của Đức Giêsu về tính bất khả phân ly trong hôn nhân. Đức Giêsu tỏ rõ quan niệm dứt khoát của mình về tội ngoại tình. “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5,28). Như vậy từ trong suy nghĩ, từ trong thèm muốn, ngoại tình là điều không thể chấp nhận, chứ đừng nói chi đến hành động bên ngoài. Người ta phải gạt bỏ ngay ngoại tình từ trong suy nghĩ, và đó là cách triệt tiêu ngoại tình hữu hiệu nhất.

Đành rằng trong đời sống hôn nhân luôn có nhiều sóng gió và gặp nhiều thử thách, có thể đến một lúc nào đó, người mà ta từng yêu thương, từng âu yếm bỗng trở thành cái gì đó không thể chấp nhận, không muốn nhìn thấy mặt, và cuộc sống đã trở thành hỏa ngục, nhưng đó không bao giờ là lý do đi đến chỗ ngoại tình. Khi nói đến ngoại tình, nó không phải là tình trạng ly dị, vì người ta chưa đi đến chỗ hủy bỏ mối giây hôn phối. Ngoại tình là hành vi lén lút với người khác, đó luôn là mối đe dọa cho đời sống hôn nhân, vì ngoại tình đó là bước ngắn nhất đi đến ly đị. Làm sụp đổ bao giá trị đạo đức, gây thảm họa cho bao người mà không có gì hàn gắn được. Cả luật đời, luật đạo đều lên án hành vi ngoại tình này. Người ta phải cương quyết bảo vệ đời sống gia đình, vì gia đình là tế bào của xã hội lẫn Giáo hội. Gia đình có được hòa thuận thương yêu nhau thì xã hội và Giáo hội mới tốt đẹp.

Như vậy, với những thử thách người sống đời hôn nhân gặp phải, người ta phải biết chạy đến với Chúa để xin Ngài nâng đỡ. Chỉ gia đình nào có Chúa hiện diện thật sự, thì gia đình đó mới có hạnh phúc.

GIẢI PHÁP CỦA ĐỨC GIÊSU TRƯỚC CÁI BẪY CỦA PHARISÊU

“Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.”

Trước câu hỏi của Kinh sư và Pharisêu: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?" Đó là câu hỏi không có câu trả, thì CÂU TRẢ LỜI HAY NHẤT ĐÓ LÀ KHÔNG TRẢ LỜI.

Nhưng im lặng không làm gì, đó không phải là giải pháp tối ưu. Gioan mô tả rất sâu sắc: “Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Kinh sư, người Pharisêu và cả người Do Thái hiện diện tại đó chắc chắn sẽ quan sát Đức Giêsu đang viết gì. Họ muốn tìm ở đó câu trả lời chăng?

Độc giả có thể cũng muốn biết Đức Giêsu đã viết gì?

Theo Lm PX Vũ Phan Long, ofm – Người ta đưa ra các giải thích như sau:

1) Thánh Giêrônimô cho rằng Đức Giêsu đã viết tội của những người tố cáo người phụ nữ. Ngài nghĩ như thế vì dựa trên Gr 17,13; “Ai tráo trở với Người sẽ có tên viết mặt đất, vì chúng đã bỏ Yavê, mạch nước hằng sống” (Bd NTT).

2) Theo J.D.M. Derrett, người chồng đã lập mưu với các người chứng để bắt quả tang vợ phạm tội; do đó dựa theo c. 6, Đức Giêsu đã viết lên đất câu Xh 23,1b: “(để làm chứng gian)”, và dựa theo c. 8, Người đã viết Xh 23,7a. Với lại sách Đn đã quy chiếu về câu Xh này trong truyện bà Susanna (Đn 13,53);

3) T.W. Manson lưu ý rằng trong cách thực hành của Luật Rôma, trước tiên vị thẩm phán viết bản án ra, rồi mới đọc to lên. Như thế, hẳn là c. 6 cho thấy Đức Giêsu đã viết bản án ra, rồi công bố ở c. 7; rồi ở c. 8, Người lại viết những gì sẽ công bố ở c. 11.

(Hết trích)

Các giải thích trên đều không đứng vững, vì hành động viết trên mặt đất của Đức Giêsu sẽ được kinh sư, Pharisêu và người Do Thái xăm soi rất kỹ. Chính nhờ câu hỏi dồn sau đó, nó cho ta biết: Đức Giêsu chỉ vẽ những đường nguệch ngoặc vô hồn trên mặt đất, họ không biết Đức Giêsu viết gì. Chính những đường ngang dọc vô hồn này đã làm thất bại âm mưu của người Pharisêu. 

“Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.

Tính háu thắng của người Pharisêu không còn kiên trì được nữa, buộc họ hỏi dồn để tìm câu trả lời. Ngài cũng chiều theo ý họ, nhưng không trả lời CÓ hay KHÔNG, mà là câu trả lời vô thưởng vô phạt. "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Có nghĩa NGÀI ĐỒNG Ý NÉM ĐÁ, NHƯNG CHỈ CÓ AI SẠCH TỘI MỚI ĐƯỢC NÉM.

Thật không ngờ có một câu trả lời như vậy, chỉ có Thiên Chúa mới nghĩ ra, đó là câu trả lời của Thiên Chúa chứ không phải của người phàm. Câu chuyện của người phụ nữ ngoại tình đã chuyển sang một hướng khác. Trọng tâm bây giờ đã chuyển sang những người đang hiện diện ở đây, chứ không còn là người phụ nữ. Đức Giêsu muốn họ, thay vì quá chú ý, quá quy kết vào người phụ nữ này, Ngài mời gọi họ, hãy quay về chính mình. Họ phải làm cuộc xét mình trước khi lên án người khác. Tội của họ đầy ra đấy, chỉ vì những tội đó “không bị bắt quả tang” nên không ai biết, người ta cứ nghĩ Kinh sư và Pharisêu là những người đạo đức. Nhưng họ không thể đánh lừa được lương tâm của mình và không đánh lừa được Thiên Chúa. 

Ai cũng có tội, tội của ta nhiều vô kể, thế mà ta cứ soi mói anh em. Tại sao Thiên Chúa không phạt ta nhãn tiền xứng với tội ta đã làm? Đó chỉ vì Ngài yêu thương ta, Ngài đủ kiên nhẫn chờ ta sám hối ăn năn. Thế mà ta không có chút sự kiên nhẫn với anh em. Thật quá vô lý.

Đức Giêsu lại cúi xuống viết trên đất, Ngài không quan tâm gì đến sự việc chung quanh, vì bây giờ lương tâm họ đang tra vấn họ. Ngài không nhìn ai hết, để không ai thấy Ngài đang nhìn họ, để họ dễ rút lui hơn. Ngài muốn tránh cho mọi người cái mặc cảm và xấu hổ về tội của mình. Tự thâm tâm ta phải nhìn thấy ta, nhìn thấy sự yếu đuối của ta.

“Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.” Độc giả có thể đoán trước được kết quả này, vì có ai sạch tội đâu, như vậy theo Gioan: “họ bỏ đi hết”. Thật quá đúng. Nhưng cái thứ tự rút lui trước sau mới làm ta chú ý. Gioan nhấn mạnh: “bắt đầu từ những người lớn tuổi”. Điều này hoàn toàn hợp lý, vì càng sống càng chồng chất thêm tội cho mình. Cuộc rút lui có trật tự, có thứ tự trước sau, vẽ nên một bức tranh sinh động về kết quả kiểm điểm lương tâm. Không biết nếu ta có mặt ở đấy, ta sẽ là người thứ mấy rút lui. Cho dù là người thứ mấy đi nữa, ta cũng phải rút lui, vì ta cũng là kẻ có tội.

“Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?" Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!"

Khi mọi người đã về hết, chỉ còn lại Đức Giêsu với người phụ nữ. Như vậy người có thể kết án hay ném đá chị bây giờ chỉ còn lại Ngài. Đức Giêsu đã nói lên quan điểm của mình cho chị nghe: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi”. Đó là lời nói nhân từ và tha thứ. Đức Giêsu không kết án, Ngài tỏ ra thương cảm và muốn người phụ nữ này bắt đầu một cuộc sống mới. Ngài không kết án, nhưng không bao giờ đồng tình với chị, Ngài nói: “và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Amen.
_____________________

Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 1938
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  15
 Hôm nay:  1847
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12341852

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn