Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy sau Lễ Tro.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy sau Lễ Tro

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Bảy sau Lễ Tro
(Lc 5, 27-32) – MÙA CHAY 2014

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.

Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Đức Giê-su đáp lại họ rằng: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”
_____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Bài Tin mừng hôm nay có 02 nội dung chính sau đây:

+ Đức Giêsu kêu gọi Lêvi.
+ Cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với Pharisêu vì Ngài dùng bữa với người thu thuế và tội lỗi.

I/. KÊU GỌI LÊ VI

“Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế”

Luca dùng cụm từ “Sau đó”, để cho biết sự kiện Đức Giêsu kêu gọi Lêvi được nối tiếp ngay sau phép lạ Ngài chữa cho người bất toại, được thòng xuống từ mái nhà. Tại đây xảy ra cuộc tranh luận gay gắt giữa Đức Giêsu và người Pharisêu về quyền tha tội của Ngài. Đức Giêsu khẳng định mạnh mẽ và rõ ràng, Ngài có quyền tha tội (Lc 5, 17-26)

Bài Tin mừng hôm nay được cả 03 Thánh sử Nhất lãm thuật lại: Matthêu (Mt 9, 9-13); Marcô (Mc 2, 13-17) và Luca (Lc 5, 27-32). Trong đó có vài chi tiết khác biệt nằm ở câu đầu tiên:

+ Matthêu: “Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm”

+ Marcô: “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó”

+ Luca: “Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế”

Qua 03 trích dẫn trên cho phép ta khẳng định:

- Lêvi, nhân viên thu thuế, sau khi được Đức Giêsu kêu gọi làm môn đệ, ông chính là Matthêu, tác giả Sách Tin mừng thứ nhất. Đây là sách Tin mừng đầu tiên bằng tiếng Do Thái viết vào khoảng năm 50. Vì viết cho người Do Thái nên Matthêu nhấn mạnh đến kiểu nói và quan niệm riêng của họ.

- Riêng Marcô còn cho biết thêm một chi tiết, Lêvi là con ông Anphê. Ông thêm chi tiết này để làm gì? Marcô muốn cho biết Lêvi là anh em với ông Giacôbê cũng con ông Anphê. Giacôbê là tông đồ trong nhóm Mười Hai (không phải Giacôbê anh em với Gioan)

“Trạm thu thuế”, nơi Lêvi làm việc. Trạm này thuộc Carphacnaum, nằm ngay biên giới Galilêa. Trạm này thu thuế những phương tiện giao thông giữa thành Đamát và những vùng ven biển xứ Palestine, sát với vùng đất của hai ông Hêrôđê Antipas và Hêrôđê Philipphê.

Như vậy, qua đối chiếu với 03 Thánh sử nhất lãm, độc giả biết được một vài chi tiết về Lêvi, người sẽ được Đức Giêsu kêu gọi làm môn đệ.

Người thu thuế dưới cái nhìn của người Do Thái, họ là những người tội lỗi bởi 02 lẽ: 1/. Đối với quốc gia đang bị đô hộ như Do Thái, người thu thuế sẽ bị người Do Thái miệt thị vì đã tiếp tay cho bọn đế quốc bóc lột. 2/. Nghề thu thuế cũng bị xem có vấn đề về tiền bạc, là nghề giàu lên nhanh chóng bằng những thủ đoạn, và sự gian lận.

“Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.”

Độc giả hình như đã bắt gặp ơn gọi này trước đây rồi. Vâng đúng vậy, ta có thể nói, ơn gọi của Lêvi là bản sao ơn gọi của 04 môn đệ đầu tiên: Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, đó là ơn gọi theo tiến trình: GỌI – ĐÁP TRẢ NGAY LẬP TỨC. Nhưng ơn gọi của Lêvi ngắn gọn, dứt khoát và quyết liệt hơn.

- ĐỨC GIÊSU GỌI LÊVI TRONG LÚC ÔNG ĐANG LÀM VIỆC. Ngụ ý cho biết, trước và sau khi được kêu gọi, Lêvi vẫn trong tư thế làm việc, chỉ có công việc là thay đổi. Trước khi được gọi, ông là nhân viên thu thuế, một công việc không mấy tốt đẹp dưới con mắt người Do Thái, nhưng sau khi được gọi, ông trở thành môn đệ Đức Giêsu, hăng say rao giảng Tin mừng.

- Lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho Lêvi chỉ vỏn vẹn có 04 từ: “ANH HÃY THEO TÔI!”, nhưng lại là lời mời gọi dứt khoát, mạnh mẽ. Chỉ có 04 từ đã làm thay đổi con người và cuộc đời ông. Đây là lời mời gọi ngắn nhất trong Tin mừng, không có lời mời gọi nào ngắn hơn nữa, nó tuân theo quy luật: CÀNG NGẮN SỨC MẠNH CỦA NÓ CÀNG TĂNG LÊN. Giống như đầu nhọn trên mũi dao xuyên thấu mọi vỏ bọc bên ngoài, đi sâu vào trái tim con người để biến đổi họ.

- “Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người”. Sự đáp trả của Lêvi cũng làm ta ngạc nhiên không kém. Ông không nói câu nào bày tỏ suy nghĩ hay thắc mắc của mình, cứ y như ông mong giây phút này từ lâu rồi, bây giờ chỉ cần Đức Giêsu lên tiếng ông đáp lại ngay. Luca mô tả, ông bỏ tất cả, bỏ tất cả có nghĩa không mang theo bất cứ thứ gì, vì không còn gì hữu dụng cho ông khi chuyển sang cuộc đời mới. Luca viết “đứng dậy đi theo Người”, một sự bật dậy mạnh mẽ, cú đứng dậy dứt khoát này đã thay đổi hẳn con người ông.

Mỗi lần đọc lại sự kiện Đức Giêsu kêu gọi Lêvi, có lẽ ta phải dừng lại một chút để suy nghĩ, có cái gì đó ta vẫn chưa hiểu, vâng chưa hiểu hết mọi khía cạnh của ơn gọi này. Ta cứ hỏi tại sao, tại sao lại có sự mau mắn và nhanh chóng như vậy. Thánh sử Gioan viết: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.” (Ga 15, 16)

Bí ẩn ơn gọi này nằm trong cụm từ “chính Thầy đã chọn anh em”. Vâng khi Thiên Chúa chọn ai, Ngài đã nhìn thấu suốt người đó, nhìn thấy hết mọi yếu đuối và tội lỗi của người đó, nhìn thấy lòng quảng đại, sự đáp trả và sự dấn thân của người đó. Như vậy một khi Ngài lên tiếng, vấn đề sẽ được giải quyết ngay lập tức, không chậm trễ cho dù 01 phút. Ơn gọi của Lêvi là một điển hình cho trường hợp này.

Độc giả có thể tự hỏi mình: “Chúa có chọn tôi không?”, chắc không rồi, vì nếu có thì tôi không sống như tôi đã sống. Nhưng tại sao ta lại dám khẳng định Chúa không chọn, nếu chỉ căn cứ vào tình trạng tội lỗi của mình để suy nghĩ như vậy thật thiển cận. Cứ nhìn vào gương Lêvi đi ta sẽ rõ. Suy nghĩ như vậy là không có cơ sở! Vậy chỉ còn 01 khẳng định duy nhất, CHÚA ĐÃ CHỌN TA, đã giao cho ta một sứ mệnh. Sứ mệnh đó là sứ mệnh gì? Ta phải chú ý, phải lắng thật sâu tâm hồn mình mới có thể tìm được lời giải đáp. Ta phải chắc chắn một điều, ta được dựng nên không dành cho những dục vọng thấp hèn, không dành cho những tham vọng vô lối, mà là cho mục đích cao cả.

II/. CUỘC TRANH LUẬN GIỮA ĐỨC GIÊSU và PHARISÊU.

“Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”

Luca cho biết, sau khi được kêu gọi, Lêvi quá hạnh phúc, ông đã biểu lộ niềm vui đó bằng bữa tiệc, mà Luca gọi là “tiệc lớn” ngay tại nhà ông. Tại sao gọi là tiệc lớn? Vì đối với ông không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui đó. Niềm vui từ phía con người được Thiên Chúa kêu gọi. Nhưng ta đã bắt gặp một niềm vui còn lớn hơn niềm vui của Lêvi, đó là niềm vui của người cha khi thấy đứa con hoang đàng của mình trở về. Đó là niềm vui của Thiên Chúa. Trong Mùa Chay ta gặp được cả 02 niềm vui này, niềm vui của Thiên Chúa và niềm vui của con người.

Vậy độc giả có thể hỏi: Không lẽ Mùa Chay không là Mùa u buồn, sầu não như ta vẫn thường nghe nói sao? Không, không phải như vậy. Ai có quan niệm như vậy về Mùa Chay thì nên xét lại. Thiên Chúa luôn là Nguồn hạnh phúc cho đời ta, khi ta trở về, ta sẽ được sống trong Nguồn hạnh phúc đó, thì cớ gì ta phải buồn chứ! Nếu sống trong Mùa Chay ta cứ u buồn sầu não, ta nên coi lại: TA ĐÃ TRỞ VỀ THẬT SỰ CHƯA?

Có một chi tiết Luca muốn nói đến, đó là: “Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài”. Như vậy, trong bữa tiệc này, không phải chỉ có Lêvi với Đức Giêsu cùng các môn đệ của Ngài, mà còn có “đông đảo” người thu thuế. “Đông đảo” như thế nào, Luca không mô tả, nhưng đó hẳn là con số đông. Vậy liệu Lêvi có đủ khả năng để thiết đãi không? Điều này không quan trọng, vì bao giờ cũng vậy người ta đi dự tiệc không nhằm mục đích ăn uống, nhưng để muốn chia vui với chủ nhà. Niềm vui của Lêvi cũng là niềm vui của người thu thuế, vì họ đã được Thiên Chúa đoái thương, được Ngài nhìn đến. Từ nay họ sẽ ngẩng cao đầu để sống, vì họ đã được Thiên Chúa xót thương, họ sẽ sống làm sao để biểu lộ niềm vui này. Vâng ở đây ta lại bắt gặp một niềm vui khác, đó là niềm vui tập thể, nó là hình ảnh cho nhân loại bước vào Bàn tiệc Nước Trời trong ngày Cánh chung.

Nhưng bữa tiệc này đã bị làm bẩn bởi người Pharisêu. Luca viết: “Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”

“Người Pharisêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ”, thực sự ở đây chỉ toàn người Pharisêu, nhưng có một số người đã gia nhập nhóm Kinh sư. Kinh sư là nhóm xã hội thời Đức Giêsu, gia nhập nhóm này sẽ gồm nhiều thành phần, ví dụ người Pharisêu đang có mặt hôm nay, bên cạnh người Pharisêu khác không thuộc nhóm Kinh sư. Họ rất khó chịu với Đức Giêsu khi Ngài ngồi chung bàn với “quân tội lỗi”.

Nhưng họ không nói với Đức Giêsu mà nói với các môn đệ. Khi độc giả đọc đến đây ắt hẳn phải cười “vỡ bụng” vì phép dụng binh “Dương Đông Kích Tây” của họ, cụ thể như sau:

+ Khi trách các môn đệ, người Pharisêu lại nói với Đức Giêsu.
+ Khi trách Đức Giêsu, họ lại nói với các môn đệ.

Có nghĩa không bao giờ dám nói thẳng, mà là nói sau lưng, bắn tiếng, dùng 01 mũi tên trúng 02 mục đích,.... Nói nôm na, đó là thái độ của kẻ tiểu nhân với ý đồ xấu.

“Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Luca dùng cụm từ “Sao các ông”, có nghĩa bao gồm tất cả, Đức Giêsu và các môn đệ. Đối với người Pharisêu trong bữa tiệc này chỉ có 02 loại người: Người đạo đức và quân tội lỗi, như một tờ giấy được chia làm hai, bên trắng bên đen, nó không phải là bức tranh sống động. Họ cũng ngầm muốn nói, Đức Giêsu ngồi cùng bàn với người thu thuế và tội lỗi, ắt hẳn Ngài có vấn đề vì đã đi ra ngoài quan niệm xã hội đương thời.

Luca sâu sắc ở chỗ, người Pharisêu đề cập đến 02 loại người: Bọn thu thuế - Quân tội lỗi. Đối với người thu thuế thì dùng “bọn”, với người tội lỗi thì dùng “quân”. Dùng “bọn” để chỉ số ít, còn dùng “quân” để chỉ số nhiều. Nếu phân tích kỹ ra, đối với Pharisêu, “người thu thuế” bị kể là người tội lỗi rồi, tội công khai, nhưng ở đây họ tách riêng ra, như vậy “người tội lỗi” trong câu nói trên, phải kể là những người không phải người thu thuế, mà là thành phần khác, chẳng hạn như trộm cướp, đĩ điễm, cờ bạc, trai gái, hút sách,.... Như vậy, vô tình mà người Pharisêu đã phác họa bữa tiệc hôm nay là bữa tiệc của nhân loại qua mọi thời đại, vì ai cũng có tội, ai cũng là người tội lỗi.

Nếu người Pharisêu nghĩ sâu hơn một chút, họ sẽ thấy ai cũng được mời vào dự bữa tiệc này qua mọi thời đại, chỉ có họ không được mời, đó mới là điều trớ trêu nhất, vì trong bữa tiệc này không có chỗ cho “người công chính” như họ.

“Đức Giê-su đáp lại họ rằng: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”

Vâng quá đúng, lời Đức Giêsu luôn đúng cho mọi thời đại, hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” Nếu người Pharisêu động não một chút sẽ thấy rất đau, rất cay cú. “Người đau ốm” ở đây là ai? Đó là những người thu thuế và người tội lỗi trong bữa tiệc hôm nay, và ám chỉ toàn nhân loại qua mọi thời đại. “Người khỏe mạnh” ở đây là ai? Đó là người Pharisêu và kinh sư. Còn thầy thuốc chính là Đức Giêsu. Chỉ có người thu thuế và tội lỗi mới cần đến thầy thuốc là Đức Giêsu, và ngược lại Sứ mạng của Ngài cũng chỉ dành cho họ, chứ không dành cho “người công chính” như người Pharisêu. Nhưng nếu người Pharisêu biết thành thật với chính mình, biết nhìn ra tội của mình, thì họ sẽ đứng chung hàng với người tội lỗi, tức cũng được hưởng ơn cứu độ.

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”

Câu cuối cùng của Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu trả lời cho người Pharisêu rất cương quyết, rõ ràng và mạnh mẽ. Ngài đến trần gian này để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn, chứ không đến để kêu gọi người công chính.

Vậy ta đang là loại người nào? Dĩ nhiên ta là người tội lỗi rồi, vì ai dám vỗ ngực tự xưng mình là người không có tội, họa may chỉ là người bất thường mới dám làm như vậy. Nhưng đây không phải là điều đáng nói, điều đáng nói ở đây nằm trong câu trả lời của Đức Giêsu, nó có 02 phần:

KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI ----- SÁM HỐI ĂN NĂN.

Ta phải sám hối ăn năn, đó mới là điều đáng nói. Nhất là trong Mùa Chay 2014 này ta phải thực hành ngay việc đó, đừng để Mùa Chay qua đi một cách vô ích như đã có bao Mùa Chay đã qua đi trong đời ta.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 3293
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  16
 Hôm nay:  1684
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12341689

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn