Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa CHÚA NHẬT V MÙA CHAY - Năm A

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa CHÚA NHẬT V MÙA CHAY - Năm A

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa CHÚA NHẬT V MÙA CHAY - Năm A
(06/04/2014) - (Ga 11,1-45)
LADARÔ SỐNG LẠI

Bài đọc I: Trích sách Êdekien (Ed 37,12-14)
Bài Đọc II: Trích Thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma (Rm 8,8-11)
Bài Tin mừng: Trích Tin mừng theo Thánh Gioan (Ga 11,1-45)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Hồi đó, có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a. Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô. Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng." Nghe vậy, Đức Giê-su bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh." Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô.

Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê!" Các môn đệ nói: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?" Đức Giê-su trả lời: "Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!"

Nói những lời này xong, Người bảo họ: "La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây." Các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại." Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. Bấy giờ Người mới nói rõ: "La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy." Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!"

Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." Đức Giê-su nói: "Em chị sẽ sống lại!" Cô Mác-ta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." Đức Giê-su liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?" Cô Mác-ta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian."

Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ: "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!" Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su. Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người. Những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.

Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: "Các người để xác anh ấy ở đâu?" Họ trả lời: "Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem." Đức Giê-su liền khóc. Người Do-thái mới nói: "Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!" Có vài người trong nhóm họ nói: "Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?" Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. Đức Giê-su nói: "Đem phiến đá này đi." Cô Mác-ta là chị người chết liền nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày." Đức Giê-su bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con." Nói xong, Người kêu lớn tiếng: "Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!" Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo: "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi."

Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.
__________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Hồi đó, có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a. Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô. "

Nhân vật đầu tiên mà Gioan muốn giới thiệu, đó là Ladarô, em út trong gia đình có 03 người gồm: Matta, Maria, và Ladarô. Ladarô –có nghĩa là “Éléazar” Thiên Chúa đoái thương. Gioan cho biết anh đang đau nặng. Còn cô Maria, Gioan chỉ giới thiệu vắn tắt: “là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người". (Ga 12, 1-3) Cả 03 chị em ở Bêtania.

Bêtania, trong tiếng Do Thái “Beithaneiah" có nghĩa là "nhà của người nghèo". Bêtania! ở triền phía Đông của núi Ô-liu, ở 3 km phía Đông Giêrusalem, đó là phía mặt trời mọc trên Giêrusalem.

Độc giả cũng nên biết, có 02 làng Bêtania, 02 làng này nằm ở 02 bên con sông Jordan. Nơi này cách xa nơi kia trước tiên không phải về địa lý: có một Bêtania tĩnh lặng, đầy sức sống và lòng tin và một Bêtania náo loạn, đầy chết chóc. Bêtania, gần Giêrusalem, là nơi cư ngụ của Lagiarô, Matta và Maria. Còn Bêtania bên kia là nơi Gioan làm phép rửa (Xem Ga 1, 28)

“Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng." Nghe vậy, Đức Giê-su bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh." Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô. "

Hai chị em Matta và Maria cho người đến nói với Đức Giêsu, lúc này theo Gioan, Đức Giêsu đang ở làng cũng có tên là Bêtania bên kia sông Jordan. Gioan viết: "Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó" (Ga 10, 40)

Độc giả có thể thắc mắc: Tại sao Đức Giêsu không ở làng Betania bên kia, có Đền thờ và có gia đình Matta, mà sang làng Bêtania bên này?

Vì ngay trước đó, Gioan tường thuật sự kiện Đức Giêsu lên Đền thờ nhân dịp Lễ Cung Hiến. Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: "Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết." Đức Giêsu mặc khải cho người Do Thái biết: Ngài là Con Thiên Chúa, và tất cả những việc Ngài làm là nhân danh Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là Một. Người Do Thái ném đá Đức Giêsu, họ nói: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa." Vì thế, Thầy trò Đức Giêsu phải qua sông Jordan để sang bên này. (Ga 10, 22-39)

Như vậy, việc hai chị em Matta và Maria cho người đến báo tin cho Đức Giêsu, Ladarô đang đau nặng, có ý muốn mời Đức Giêsu trở về làng Bêtania nơi gai đình Matta cư ngụ, nó cũng đồng nghĩa việc Đức Giêsu phải bỏ vùng đất sống mà bước sang vùng đất chết. Mà đúng như vậy, vì phép lạ cho Ladarô sống lại, là dấu lạ cuối cùng để rồi Ngài bước vào cuộc Khổ nạn.

Người được sai đến thưa với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng." Câu này đã diễn tả tình cảm của Đức Giêsu dành cho gia đình Matta nó sâu đậm thế nào. Quả thực nhà của chị em Matta là nơi Đức Giêsu và các môn đệ dừng chân mỗi khi đi Sứ vụ. Câu chuyện trong Tin mừng nói về thái độ đón tiếp của chị em Matta và Maria là một ví dụ điển hình. Ta để ý cụm từ "đau nặng", cho biết đó là tình trạng nguy cấp.

Nhưng Đức Giêsu lại nói: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh."

Có lẽ độc giả sẽ thắc mắc trước câu nói của Đức Giêsu: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu", nhưng sau đó ta thấy Ladarô chết thật sự. Như vậy không lẽ câu nói của Đức Giêsu bị sai sao? Để lý giải sự kiện này, ta phải để ý mệnh đề đi phía sau: "nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa". Mệnh đề này ngầm cho biết, vinh quang Thiên Chúa chỉ được bày tỏ khi tình trạng của Ladarô phải bị đẩy đến cùng, có nghĩa Ladarô phải đi đến tình trạng chết thật sự. Đó là cái chết tự nhiên của con người. Không những Ladarô chết mà còn chết quá thời gian ấn định để kết luận một người chết thật (chết được 04 ngày). Đức Giêsu còn nói: "đó là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh." Có nghĩa Chúa Con sẽ được tôn vinh, được mọi người nhận biết.

Như vậy "Bệnh này không đến nỗi chết đâu", ta phải hiểu bệnh này không dẫn đến sự kết thúc, nó không phải là dấu chấm hết, mà là cánh cửa mở ra một sự kiện khác, đó là vinh quang Thiên Chúa được bày tỏ.

"Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê!" Các môn đệ nói: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?" Đức Giê-su trả lời: "Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!"

Độc giả có thể thắc mắc, tại sao được tin Ladarô lâm bệnh, Đức Giêsu không đi ngay mà còn lưu lại 02 ngày? Như đã nói, sự kiện Ladarô là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh. Có nghĩa tình trạng của Ladarô phải bị đẩy đến cùng, có nghĩa Ladarô phải chết thật sự. Đức Giêsu không can thiệp vào quy trình tự nhiên, cái chết thể lý đến với con người như một quy luật, nhưng chết không phải là hết, đối với Thiên Chúa đó là cánh cửa mở ra đời sống mới. Mặc dù Đức Giêsu có tình cảm gắn bó với gia đình Matta, nhưng Ngài không để mình bị chi phối bởi tình cảm con người, ý Chúa Cha phải trên hết, vì đây là dịp bày tỏ vinh quang Thiên Chúa.

Sau khi biết Ladarô chết thật sự, Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê!" Việc trở lại Giuđêa đối với các môn đệ là điều kinh hoàng, vì các ông vừa chứng kiến cảnh thầy trò bị người Do Thái ném đá, phải chuyển sang bên này. Bây giờ trở lại Giuđêa cũng đồng nghĩa đi vào cõi chết. Có lẽ đây là giai đoạn căng thẳng nhất trong cuộc đời công khai của Đức Giêsu, Ngài sắp bước vào cuộc Khổ nạn. Ngài đã từng nói với các ông: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16, 24-25). Bây giờ là lúc các ông sống lời mời gọi đó, có nghĩa các ông cũng sẽ bước vào con đường đau khổ với Ngài. Cuộc sống nó có quy luật của nó, và quy luật của Thiên Chúa đó là: Phải qua đau khổ mới đến vinh quang. Đau khổ, là con đường ai cũng phải bước qua đế đi đến hạnh phúc và vinh quang nó nằm ở cuối con đường.

“Đức Giê-su trả lời: "Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!" Đức Giêsu trấn an các môn đệ, chớ nên lo lắng thái quá, vì một ngày có 24 giờ, ban ngày 12 giờ, không có giờ nào giống giờ nào. Ai đi ban ngày sẽ không bị vấp ngã vì nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Đức Giêsu muốn nhắc cho các ông nhớ, Ngài là Ánh sáng thế gian, mà ánh sáng mặt trời kia chỉ là hình bóng, như vậy khi ở với Đức Giêsu các ông còn lo lắng gì nữa. Chỉ khi nào các ông không ở với Ngài, các ông sẽ rơi vào bóng tối của sự chết, của sự vấp ngã, vì các ông không có ánh sáng nơi mình.

"Nói những lời này xong, Người bảo họ: "La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây." Các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại." Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. Bấy giờ Người mới nói rõ: "La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy." Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!"

Độc giả hẳn còn nhớ sự kiện Đức Giêsu phục sinh cho con gái ông Giairô, Trưởng hội đường. Khi Ngài và 03 môn đệ thân tín đến nhà thì cô bé đã chết, người ta đang tất bật lo hậu sự. Ngài bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" (Mc 5, 39) Hôm nay cũng vậy, Đức Giêsu nói: "La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây." Đối với người không có niềm tin thì chết là hết, một sự chấm dứt thật vô nghĩa và kinh hoàng. Nhưng đối với Đức Giêsu, cái chết thể lý chẳng qua là một giấc ngủ tạm bợ, và nấm mồ kia chẳng qua là nơi người ta nghỉ ngơi chờ ngày thức dậy. Ta là người tin vào Đức Giêsu, ta tin sau cái chết thể lý này, ta sẽ bước vào đời sống mới, niềm tin đó đã đem lại cuộc đời này đầy ý nghĩa và ta là con người hạnh phúc. Thánh Phaolô trong thư gửi Tín hữu Êphêsô đã viết: "Hỡi người đang ngủ, hãy tỉnh giấc, ngày đã sáng rồi. Từ trong kẻ chết, người hãy trỗi dậy, và được sáng ngời" (Ep 5,14).

Các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại." Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. Quan niệm: Chết là một giấc ngủ, không phải ai cũng hiểu, vì người ta phải vượt lên trên bình diện tự nhiên, tới bình diện siêu nhiên mới có thể lãnh hội được. Ngay như các môn đệ, các ông cũng chỉ hiểu lời Thầy nói trên bình diện tự nhiên, và còn một lý do nữa khiến các ông nghĩ như vậy, vì các ông không muốn sang làng Bêtania bên kia.

"Bấy giờ Người mới nói rõ: "La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy." Các môn đệ không hiểu hay không muốn hiểu? Đức Giêsu không muốn các ông ở trong tình trạng mập mờ, Ngài nói rõ cho các ông: "La-da-rô đã chết". Cái tin Ladarô chết gây không ít xúc động nơi các ông, vì các ông cũng thường theo Ngài đến nhà chị em Matta. "Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin", vâng đúng như vậy, vì nếu Đức Giêsu có mặt ở đó, chắc chắn Ladarô đã không chết, vì Đức Giêsu là con người thật, Ngài cũng mang trong mình bao tình cảm ràng buộc của con người, Ngài sẽ ra tay chữa cho Ladarô, và như vậy sẽ không có dấu lạ cuối cùng, đó là cho Ladarô sống lại. Tại sao Đức Giêsu mừng cho các môn đệ? Thưa: sự kiện Ladarô sống lại sẽ củng cố niềm tin các ông, nó vô cùng cần thiết trong giai đoạn căng thẳng như hiện nay.

"Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy." Nó vừa là lời mời gọi vừa là lời ra lệnh. Ta phải lên đường bất chấp sự nguy hiểm đang ở phía trước. Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!" Các môn đệ bị đặt vào thế phải lên đường, các ông không còn đường lùi. Câu nói này được phát ra từ miệng của Tôma, môn đệ được mệnh danh là cứng lòng tin. Khi một người cứng lòng tin phát biểu, câu nói của ông sẽ là lời động viên các môn đệ khác, tất cả đều trong tư thế tiến lên phía trước, không được phép chậm trễ vì đây là dịp bày tỏ vinh quang Thiên Chúa.

"Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." Đức Giê-su nói: "Em chị sẽ sống lại!" Cô Mác-ta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." Đức Giê-su liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?" Cô Mác-ta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian."

Gioan viết rất sâu sắc, với khoảng cách giữa 02 làng Bêtania không đáng kể, mà từ lúc Đức Giêsu được tin Ladarô đau nặng, cho đến khi chết được 04 ngày, thầy trò mới tới. Một sự chậm trễ không thể nào hiểu được, và dưới con mắt người đời, đó là sự dửng dưng, vô tình. Người ta thường nói: Nghĩa tử là nghĩa tận, có gì đi nữa ta cũng phải có mặt lúc liệm xác, mọi thù oán phải được hóa giải vì chết là hết, chấm dứt tất cả buồn vui giận ghét, không ai được phép nghĩ đến nó, đó là đạo lý làm người. Ngay cả luật pháp cũng phải khép lại. Nhưng ở đây thì không, Thiên Chúa vẫn vô tình với ta như vậy, Ngài thường chậm chạp trong cách ứng xử, làm ta hoang mang và niềm tin bị dao động. Vô tình, vô tình, và vô tình, Thiên Chúa vẫn hành xử như vậy trong thế giới hôm nay. Nhưng có một điều lạ, sau khi tất cả mọi sự qua đi, ai cũng nghiệm ra: Thiên Chúa luôn đến kịp lúc. Đó là điều ta phải nhớ.

Gioan viết: "Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời." Gia đình Matta ắt hẳn có thiện cảm với nhiều người, không những ở hàng xóm láng giềng mà còn ở Giêrusalem. Cái lý do dễ hiểu vì Đức Giêsu thường lui tới đây, và nơi đâu có Ngài hiện diện, dân chúng không thể bỏ qua, nên việc Ladarô chết, họ biết chắc sẽ có sự kiện chấn động xảy ra, có nghĩa họ đang chờ một phép lạ. Theo Gioan, ông không dùng từ Phép lạ mà thích sử dụng từ "dấu lạ"

"Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy."

Vẫn là cô chị Matta, cô vẫn lanh lẹ như ngày nào. Gioan viết: "cô Mác-ta liền ra đón Người". Lúc đó đang có nhiều người Do Thái hiện diện trong nhà, nhưng khi hay tin Đức Giêsu đến, Matta đành bỏ lại tất cả để ra đón Ngài. Câu nói của Matta vừa pha lẫn sự trách móc, vừa biều lộ niềm tin vững vàng. "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." Quả đúng như vậy, chính vì Đức Giêsu không có mặt nên Ladarô mới chết, thánh ý Chúa Cha mới được thực hiện. Nhưng bây giờ Đức Giêsu đã hiện diện, Ladarô sẽ được sống. Gioan viết: "Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại." (Ga 1, 4). Làm sao ta có thể chết khi đang ở với Đấng ban sự sống. Ta chỉ chết khi tách ra khỏi Ngài, vì khi tách ra khỏi Đức Giêsu, đời ta chỉ còn lại bóng tối của sự chết.

"Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." Đó là niềm tin kiên định của Matta. Cô tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài là Con Chí Ái của Chúa Cha, Ngài xin điều gì Chúa Cha cũng sẽ ban cho Ngài. Ta tin Chúa Cha và Chúa Con là Một, trong Một đó ta được sống và hiện hữu.

Gioan viết: "Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý. Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.” (Ga 5, 21-23) Như vậy khi ta tin vào Đức Giêsu ta sẽ có sự sống trong người, đó là niềm tin chắc chắn.

“Đức Giê-su nói: "Em chị sẽ sống lại!" Cô Mác-ta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." Đức Giêsu khẳng định với Matta, Ladarô sẽ sống lại, nhưng Gioan không viết cụ thể sống lại bây giờ hay sống lại trong ngày sau hết. Một sự bỏ ngỏ có chủ ý, để Matta biểu lộ niềm tin. Matta đã biểu lộ niềm tin mà sau này Giáo hội đã tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: "Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần; tôi tin có hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các Thánh thông công; tôi tin phép tha tội; tôi tin xác loài người ngày sau sống lại; tôi tin hằng sống vậy, Amen.”

“Đức Giê-su liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?" Cô Mác-ta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian."

Đức Giêsu khẳng định, Ngài là sự sống và là sự sống lại. Là sự sống, Gioan viết: "Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” (Ga 1, 3-4) Là sự sống lại, có nghĩa Ngài đã chiến thắng sự chết, nó không có quyền gì trên Ngài. Từ thưở ban đầu, Thiên Chúa dựng nên vũ trụ muôn loài, trong đó có con người, tất cả đều ở trong tình trạng tốt đẹp. Nhưng vì Ông bà Nguyên tổ đã phạm tội, làm cho nhân loại phải chết. Sự dữ và sự ác đã tràn ngập thế gian và nhân loại chìm ngập trong bóng tối. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc, trả lại con người quyền làm con Thiên Chúa, có nghĩa trả lại sự sống cho con người. Như vậy Đức Giêsu chính là sự sống lại.

Điều Đức Giêsu khẳng định kế tiếp, nếu ai tin vào Ngài thì dù đã chết cũng sẽ được sống, vì Ngài là sự sống lại. Và ai sống và tin vào Ngài sẽ không bao giờ phải chết, vì Ngài là sự sống. Trong tất cả khẳng định trên, có một từ quan trọng mà ta phải chú ý, đó là TIN VÀO NGÀI. Phải có niềm tin vào Đức Giêsu ta mới có sự sống và sự sống lại. Nếu không có niềm tin, tất cả chỉ là sự chết. Một cái chết trầm luân vĩnh viễn.

Sau khi khẳng định các điều trên Đức Giêsu hỏi Matta: “Chị có tin thế không?" Ngài cũng đang hỏi mỗi người chúng ta, có tin Ngài là sự sống và sự sống lại không? Ta đã kinh nghiệm sự sống và sự sống lại trong cuộc đời mình, mỗi khi ta quyết tâm định đứng lên để làm lại từ đổ vỡ và thất bại, ta đang sống trong sự sống lại, vì trong sự sống lại đó, ta được hồi sinh để trở thành con người mới. Niềm vui sống lại, đó cũng là niềm vui khi ta bước ra từ Tòa Cáo giải, vì ta đã rũ bỏ tất cả những gì làm con người ta bị nhấn chìm trong sự chết. Tất cả đã bỏ lại phía sau, để trước mặt là một tương lai sáng sủa. Rũ bỏ tội lỗi, có nghĩa ta đã gỡ bỏ cái ách nặng nề đè nặng lên con người mình, làm cho ta không nhấc chân lên nổi, ta sống mà y như đã chết.

Cô Mác-ta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian." Đó cũng là niềm tin của chúng ta.

"Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ: "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!" Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su. Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người. Những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em. Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: "Các người để xác anh ấy ở đâu?" Họ trả lời: "Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem." Đức Giê-su liền khóc. Người Do-thái mới nói: "Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!" Có vài người trong nhóm họ nói: "Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?" Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại.”

Gioan cho biết, chỗ Matta gặp Đức Giêsu ở ngoài làng, Ngài chưa vào trong, Ngài không đến nhà Matta và Maria, không phải Ngài không biết, trái lại Ngài còn biết rất rõ, nhưng Đấng ban sự sống đến đây mục đích tìm nơi an nghỉ của người chết để đánh thức người chết dậy.

Matta nói xong những lời này, liền đi về nhà gọi em là Maria ra gặp Đức Giêsu. Độc giả có thể thắc mắc, tại sao trong cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và Matta, ta không thấy nhắc gì cô Maria, mà Matta lại nói: "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!" Có lẽ Matta chợt nhớ lại sự kiện, trong lần Đức Giêsu đến thăm 02 chị em, cô Maria luôn ngồi dưới chân Đức Giêsu để nghe Ngài nói, còn Matta thì lo tất bật. Ngài đã khen Maria, cô đã chọn phần tốt nhất. Matta còn nhớ như in sự kiện này và bây giờ Matta muốn Maria ra tiếp Đức Giêsu.

Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." Vâng Maria vẫn chọn phần tốt nhất, đó là phủ phục dưới chân Đức Giêsu. Cô cũng nói như Matta, nếu Thầy ở đây, em con đã không chết. Cô ngầm nói cho Đức Giêsu, chính vì Thầy không có ở đây nên em con đã chết. Một lời trách nhẹ nhàng và kín đáo. Cô nói trong tiếng khóc nghẹn ngào, mọi người khóc theo cô và cả Đức Giêsu cũng khóc khi được dẫn đến mộ Ladarô. Thật lạ lùng, lần đầu tiên ta thấy Thiên Chúa khóc, đây là sự kiện độc nhất vô nhị, vì trong bao lần khác, ta chỉ bắt gặp Đức Giêsu động lòng thương, động lòng trắc ẩn chứ chưa thấy Thiên Chúa khóc bao giờ. Sự kiện này gây ngỡ ngàng người Do Thái, họ nói: "Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!" Có vài người trong nhóm họ nói: "Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?" Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại.”

Đức Giê-su nói: "Đem phiến đá này đi." Cô Mác-ta là chị người chết liền nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày." Đức Giê-su bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con."

Độc giả còn nhớ lời Đức Giêsu đã nói: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh." Vâng đúng vậy, đây là dịp bày tỏ vinh quang Thiên Chúa, có nghĩa sự thức dậy của Ladarô không phải mục đích chính, vì bệnh này không đến nỗi chết. Mục đích của đoạn này không phải là sự "tỉnh dậy" của cái chết thể lý của Ladarô, nhưng chính là sự tiến bộ trong đức tin của tất cả những người bao quanh Đức Giêsu. Và hành vi cảm tạ của Đức Giêsu, ta hãy chú ý điều này, không nhắm đến phép lạ mà Ngài sắp làm, nhưng đến sự kiện là phép lạ này sẽ giúp cho những người không tin hay những người yếu lòng tin "tin tưởng", đó là:

- Những môn đệ đã chống, không lên lại Giêrusalem, họ nghi ngờ, họ sợ.
- Matta không muốn mở ngôi mộ, chị hoài nghi, tử thi đã để quá trễ ngày.
- Những người Do Thái, có thiện cảm với ba chị em, họ cũng sẽ có được niềm tin.

Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con." Đức Giêsu muốn cầu nguyện cho tất cả mọi người, cho những người khó lòng tin tưởng, và cho cả chúng ta.

“Nói xong, Người kêu lớn tiếng: "Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!" Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo: "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi." Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.

"Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!" Đó là lời ra lệnh đầy uy quyền mà tử thần phải chạy trốn, người chết phải tuân theo. Ra lệnh cho người chết ư? Vâng đúng vậy, vì Đức Giêsu có quyền trên cả người sống lẫn người chết. "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi", để anh ta hòa nhập lại thế giới người sống, không còn bị giải dây băng trói buộc nữa.

"Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh." Con Thiên Chúa đã được người Do Thái nhận biết và tin theo.

Ngày hôm nay, Đức Giêsu cũng nói với ta: "Con hãy ra khỏi mồ!" một ngôi mồ chôn chặt ta bao năm nay, một ngôi mồ giam cầm ta trong bóng tối sự chết. Cuộc đời ta không những một ngôi mồ, mà có biết bao ngôi mồ như vậy. Khi ta sống vô kỷ luật, để thả người theo những dục vọng thấp hèn, khi ta chạy theo danh lợi thú cuộc đời,... nó đã hình thành những ngôi mộ, cuộc đời ta như một bãi tha ma của sự chết. Ngày hôm nay ta phải quyết tâm đứng dậy ra khỏi mồ, đập vỡ cái ngôi mồ đó đi và đừng bao giờ chui vào đó nữa.

Amen.
_______________________
Jos. Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2478
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  18
 Hôm nay:  265
 Hôm qua:  3145
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12343415

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn