Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật IV Mùa chay năm A

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật IV Mùa Chay năm A

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY - Năm A
(30/03/2014) - MÙA CHAY 2014.
ĐỨC GIÊ-SU CHỮA MỘT NGƯỜI MÙ TỪ THUỞ MỚI SINH

 



Bài đọc I: Trích sách Tiên tri Samuen quyển thứ nhất (1 Sm 16,1b.6-7.10-13a)
Bài đọc II: Trích thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (Ep 5,8-14)
Bài Tin mừng: Trích Tin mừng theo Thánh Gioan (Ga 9,1-41)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?" Đức Giê-su trả lời: "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian."

Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa" (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: "Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?" Có người nói: "Chính hắn đó!" Kẻ khác lại rằng: "Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!" Còn anh ta thì quả quyết: "Chính tôi đây!" Người ta liền hỏi anh: "Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?" Anh ta trả lời: "Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: 'Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa.' Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy." Họ lại hỏi anh: "Ông ấy ở đâu?" Anh ta đáp: "Tôi không biết."

Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: "Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy." Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát"; kẻ thì bảo: "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù: "Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Người là một vị ngôn sứ!"

Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. Họ hỏi: "Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?" Cha mẹ anh đáp: "Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được." Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Vì thế, cha mẹ anh mới nói: "Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó."

Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi." Anh ta đáp: "Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!" Họ mới nói với anh: "Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?" Anh trả lời: "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?" Họ liền mắng nhiếc anh: "Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến." Anh đáp: "Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì." Họ đối lại: "Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?" Rồi họ trục xuất anh.

Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: "Anh có tin vào Con Người không?" Anh đáp: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?" Đức Giê-su trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây." Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin." Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. 

Đức Giê-su nói: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!". Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng : "Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?" Đức Giê-su bảo họ: "Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: 'Chúng tôi thấy', nên tội các ông vẫn còn!"
________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi ấy, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?"

Trong các sách Tin mừng Đức Giêsu đã chữa cho nhiều người bị mù, nhưng chưa có lần nào Ngài chữa cho người mù từ khi mới sinh. Có nghĩa, người này chưa có một ý niệm gì về không gian và thời gian, chưa biết mặt cha mẹ, chưa thấy người xung quanh anh lấy một lần, đối với anh chỉ là bóng tối bao trùm. Cuộc đời anh chỉ có thế. Đây là trường hợp đặc biệt và chỉ có mình Thánh sử Gioan tường thuật. Trong bóng tối mịt mù đó anh không thấy ai, nhưng Đức Giêsu đã nhìn thấy anh, và dừng lại để quan tâm đến trường hợp này. Ta nên nhớ hôm nay là ngày Sabbath, và tất cả đang chuẩn bị một sự kiện đầy kịch tính, một cuộc tranh luận gay gắt.

Người Do Thái vẫn thường có quan niệm, bệnh tật nơi con người gắn liền với tội lỗi. Như vậy, người bệnh thường mang nhiều nỗi đau cùng một lúc, nỗi đau thể lý (trên thân xác) và nỗi đau tinh thần. Với quan niệm sẵn có như vậy, ai cũng có thể nghĩ, sở dĩ anh bị mù là vì tội lỗi, bị mù từ khi mới sinh thì không phải do anh, như vậy sẽ do cha mẹ anh. Ngày nay y học cũng đưa ra nhiều trường hợp, đứa trẻ mới sinh ra mang những bệnh bẩm sinh, do cha mẹ hoặc do môi trường.

Thánh sử Gioan viết rất sâu sắc: “Các môn đệ hỏi người", đây không phải cá nhân hỏi mà là tập thể. Các môn đệ đều nêu lên thắc mắc: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?" Câu hỏi chợt gợi lại cho anh mặc cảm đè nặng bấy lâu nay, anh bị mù do tội của ai đó. Chắc chắn không phải do anh, như vậy chỉ còn do cha mẹ anh, trong tiềm thức anh đang có sẵn sự oán hận từ phía cha mẹ, mặc dù không dám nói ra.

“Đức Giê-su trả lời: "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian."

Trong câu trả lời của Đức Giêsu, đầu tiên Ngài khẳng định mạnh mẽ: "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội". Như vậy, công việc đầu tiên mà Ngài làm, là gỡ bỏ mặc cảm đã đè nặng anh mù bấy lâu nay, để tâm hồn anh được bình an. Anh không được phép để mặc cảm dày vò mình như vậy. Tâm hồn anh phải thật thanh thản.

Có lẽ độc giả khi đọc Tin mừng của Thánh Gioan thường rơi vào tình trạng căng thẳng, vì mới câu đầu tiên mà ta đã gặp ngay vấn đề gai góc. Ta phải thật bình tĩnh mới có thể đi hết Bài Tin mừng này.

Nếu không phải do anh hay cha mẹ anh thì do ai đây, do ai gây nên bệnh mù này? Đức Giêsu trả lời: "Sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh". Công trình của Thiên Chúa là công trình gì? Xin thưa: Trước hết giải thoát anh khỏi sức mạnh mặc cảm đang đè nặng, ghì anh xuống, không cho anh niềm tin vào cuộc sống, vì bấy lâu nay trong lòng anh chỉ là sự oán hận, hận cuộc đời này. Nỗi bất hạnh của anh từ đây phải được hiểu là: Không do lỗi ai hết. Đây chính là công trình của Thiên Chúa, vì biến đổi nội tâm của một người chỉ có Thiên Chúa mới làm được.

"Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian".

Độc giả để ý từ đầu bài Tin mừng đến giờ anh mù chưa nói lời nào, anh chưa xin Đức Giêsu chữa bệnh cho anh, mà chỉ Thầy trò đối thoại với nhau. Mặc dù anh mù chưa xin, nhưng Đức Giêsu đã nói ngay "Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy". Từ "phải", nó vừa nói lên tính bắt buộc như một mệnh lệnh, và cũng nói lên sự gấp rút.

Nó gấp rút qua câu nói "khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được". Thời gian nó không chờ đợi ta, hết ngày đến đêm và qua đêm trở lại ngày, ý muốn nói cuộc khổ nạn của Ngài sắp bắt đầu và bây giờ là lúc phải thực hiện ngay công trình của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài. Nhưng thử hỏi đó là công trình gì? Đức Giêsu nói: "Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian". Đức Giêsu là ánh sáng thế gian, như vậy công trình của Chúa Cha chính là, Đức Giêsu phải đem ánh sáng cho trần gian này, cụ thể là chữa cho anh mù sáng mắt, để anh cảm nhận được ánh sáng.

"Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa" (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được." 

Độc giả để ý từng động tác Đức Giêsu làm: Nhổ nước miếng xuống đất – trộn thành bùn – và xức vào mắt anh. Chỉ có 02 Thánh sử Gioan và Marcô (Mc 7, 33; 8,23) ghi lại Đức Giêsu nhổ nước miếng khi chữa bệnh cho người mù. Người xưa coi nước miếng như là một thứ thuốc chữa mắt và cả những phần khác trên thân thể (Tacite, Historiae IV, 81). Dường như sức chữa bệnh của nước miếng sẽ gia tăng nếu trộn với đất hay đất sét.

"Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa" (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái), đây là một chi tiết hết sức thú vị, Gioan dùng rất ẩn dụ. Đức Giêsu nói anh mù hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa, Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái. Người được sai phái, cũng là danh xưng của Đức Giêsu trong Tin mừng thứ tư, như vậy một cách ẩn dụ Gioan muốn nói, anh mù hãy rửa trong Đức Giêsu. Và khi anh đến hồ Si-lô-ác rửa thì anh đã được khỏi.

"Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: "Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?" Có người nói: "Chính hắn đó!" Kẻ khác lại rằng: "Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!" Còn anh ta thì quả quyết: "Chính tôi đây!" Người ta liền hỏi anh: "Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?" Anh ta trả lời: "Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: 'Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa.' Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy." Họ lại hỏi anh: "Ông ấy ở đâu?" Anh ta đáp: "Tôi không biết."

Độc giả sẽ ngạc nhiên, sau khi Đức Giêsu chữa bệnh cho anh xong, Ngài biến mất. Ngài đi đâu? Ta không rõ và Gioan cũng không đề cập đến. Sự vắng mặt của Ngài chỉ là tạm thời để sau đó Ngài sẽ trở lại, sự vắng mặt của Đức Giêsu sẽ là dịp để anh tự đối diện với cuộc đời và sẽ khám phá ra Ngài. Đức Giêsu cũng hay vắng mặt trong cuộc đời ta như vậy.

Anh mù bây giờ trở về với đời thường, nhưng anh không thể sống bình thường như trước, vì bây giờ anh sẽ là trung tâm chú ý của mọi người. Nhiều luồng dư luận xuất hiện chung quanh anh. Người thì nói, chính là anh. Kẻ khác lại cho không phải anh, một người giống như anh. Anh phải quả quyết để mọi người tin đó là anh. Sau khi xác nhận anh là người mù trước đây, người láng giềng bắt đầu chất vấn.

Ta thấy từ đây anh ta bắt đầu quá trình nhận thức Đức Giêsu. Nó sẽ trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1, ứng với sự chất vấn của láng giềng, người ta hỏi anh: "Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?". Anh trả lời: "Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: 'Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa." Như vậy trong giai đoạn đầu tiên, anh chỉ biết TÊN NGÀI LÀ GIÊSU, còn hình dạng Ngài ra sao thì anh vẫn chưa thấy, Ngài đi đâu, anh cũng không biết.

"Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: "Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy." Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát"; kẻ thì bảo: "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù: "Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Người là một vị ngôn sứ!"

Sau cuộc chất vấn của láng giềng, anh sẽ đối diện cuộc chất vấn khác cam go hơn, đó là cuộc chất vấn của người Pharisêu. Độc giả có thể thắc mắc, tại sao láng giềng lại đưa anh đến với người Pharisêu? Thưa, vì anh đã khai ra người chữa cho anh có tên là Giêsu, mà tại thời điểm đó đang có sự chống đối rất ác liệt của những người lãnh đạo Do Thái giáo đối với Đức Giêsu. Bất cứ ai có liên hệ với Ngài sẽ chịu một hình phạt là bị trục xuất khỏi hội đường. Với người Do Thái việc bị trục xuất ra khỏi hội đường quả là cơn ác mộng.

Gioan nêu bật chi tiết, ngày Đức Giêsu chữa cho anh lại là ngày Sabbath, đây là một chi tiết rất thú vị. Cũng như lần trước, anh ta cũng tường thuật việc Đức Giêsu chữa cho anh thế nào. Chi tiết "Ngày Sabbath", sẽ gây chia rẽ trầm trọng giữa người Pharisêu với nhau, một bên không công nhận Đức Giêsu được Thiên Chúa sai đến vì không giữ ngày Sabbath, bên kia thì cho rằng, làm sao người tội lỗi lại có thể mở mắt cho một người mù. Còn riêng bản thân người bị mù trước đây, đã tiến xa hơn bước nữa trong việc nhận thức về Đức Giêsu: NGƯỜI LÀ MỘT VỊ THIÊN CHÚA.

"Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. Họ hỏi: "Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?" Cha mẹ anh đáp: "Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được." Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Vì thế, cha mẹ anh mới nói: "Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó."

Rốt cuộc việc đưa anh ta đến với người Pharisêu cũng không giải quyết được gì. Độc giả sẽ ngạc nhiên, không biết người ta muốn biết điều gì khi thẩm vấn anh ta. Có lẽ họ muốn chính anh mù nói lý do tại sao anh được khỏi bệnh, lý do nào cũng được hết, ai chữa cũng được hết miễn là không phải cái ông Giêsu làm là được. Nhưng điều họ mong muốn thật vô lý, người bệnh phải biết rõ thầy thuốc nào đã chữa cho mình khỏi bệnh, đó là sự thật người ta không thể nói khác được. Thật kỳ lạ, ai cũng muốn anh mù nói sai sự thật để thỏa mãn ý đồ đen tối của mình, loại Đức Giêsu ra khỏi xã hội Do Thái, nhưng sự thật vẫn là sự thật.

Bây giờ họ quay sang cha mẹ anh mù, hy vọng tìm được câu trả lời như ý mình muốn. Nhưng họ đã thất bại. Độc giả cũng biết, khi khỏi bệnh, anh mù sẽ về kể lại với cha mẹ anh. Nhưng ở đây, Gioan cho thấy cái hình phạt: bị trục xuất ra khỏi hội đường nó ghê gớm thế nào, nó ám ảnh người Do Thái thế nào, và đã có bao trường hợp người ta phải nói dối, nói sai sự thật để tìm sự an thân cho mình và gia đình mình. Một xã hội đã bị vẩn đục bởi chính người lãnh đạo tôn giáo. Cái việc phải nói sai sự thật thì thời nào cũng có, ngay thời hôm nay, trên thế giới này nó nhan nhản, ai cũng biết.

Độc giả sẽ thấy cha mẹ anh mù khôn ngoan thế nào. Hai ông bà đã đẩy trách nhiệm về lại anh mù: "Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được." Như vậy hai ông bà vừa tránh được thảm họa bị trục xuất ra khỏi hội đường, vừa không xúc phạm đến sự thật. Đẩy trách nhiệm về lại anh mù là đúng nhất. Thời nào cũng có câu trả lời khôn ngoan như vậy, Chúa Thánh Thần luôn hoạt động để người ta vẫn bảo vệ được chân lý khi sống trong một quốc gia độc tài tàn ác.

"Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi." Anh ta đáp: "Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!" Họ mới nói với anh: "Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?"

Rốt cuộc vấn đề lại trở về vạch xuất phát, họ quay trở lại thẩm vấn anh mù. Họ lấy cả danh Thiên Chúa để khẳng định, cái ông Giêsu là một người tội lỗi vì không tuân giữ ngày Sabbath. Anh mù cũng có dịp để khẳng định. Nhưng độc giả sẽ thấy anh rất khôn ngoan, anh mù không tranh cãi với họ về Đức Giêsu có phải người tội lỗi hay không, như vậy anh sẽ tránh được cái thảm họa bị trục xuất. Anh không a dua với họ để tìm kiếm sự an toàn, nhưng anh vẫn cương quyết bảo vệ chân lý: "Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!" Vâng đúng vậy, chân lý vẫn là chân lý, khi vấn đề đụng đến chân lý, người ta phải cương quyết bảo vệ đến cùng. Họ đành chịu thua, nhưng họ muốn biết, Đức Giêsu đã chữa cho anh thế nào?

“Anh trả lời: "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?" Họ liền mắng nhiếc anh: "Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến." Anh đáp: "Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì." Họ đối lại: "Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?" Rồi họ trục xuất anh.

Cuộc đối đáp đã đến hồi gay cấn, vì cũng một câu hỏi nhưng cứ hỏi đi hỏi lại sẽ làm cho người được hỏi không còn giữ được sự điềm tĩnh, người ta phải tìm cách bảo vệ mình khỏi những câu hỏi quấy rầy như vậy. Anh mù đã bộc lộ sự bực mình khi nói: "Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?" Câu trả lời thật mạnh bạo, nó như nhát dao kết thúc, đẩy người Pharisêu vào thế phải tỏ rõ thái độ trước sự kiện này. Độc giả sẽ thấy mức độ dấn thân của anh mù càng lúc càng tăng lên trong quá trình nhận thức Đức Giêsu. Người ta không thể sống an nhàn khi tìm kiếm chân lý, mà phải nỗ lực, phải mạo hiểm, phải cương quyết, có khi phải thiệt thân thì mới có thể đạt đến chân lý.

Người Pharisêu cũng phải khẳng định rõ ràng không còn mập mờ đánh lận con đen, "chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến."

Cuối cùng là bước quyết định phải đến, anh khẳng định mạnh mẽ mà không chút sợ hãi: "Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì." Như vậy anh đã công khai tuyên xưng niềm tin của mình, chấp nhận mọi thiệt hại và rủi ro. Anh tuyên xưng: Đức Giêsu bởi Thiên Chúa mà đến, có nghĩa là Đấng Mêsia, Đấng Cứu thế. Và anh đã bị trục xuất ra khỏi hội đường. Đó là phần thưởng dành cho những ai bảo vệ chính đạo, đó là cái giá phải trả. Trục xuất ra khỏi hội đường, theo quan điểm của người Do Thái, là bị mất lời hứa cứu độ của Giao ước Thiên Chúa đã ký kết với tổ phụ họ, là mất sự sống đời sau, nói nôm na là bị sa hỏa ngục.

“Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: "Anh có tin vào Con Người không?" Anh đáp: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?" Đức Giê-su trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây." Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin." Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.”

Cuối cùng, anh bị trục xuất ra khỏi hội đường khi tuyên xưng niềm tin của mình, Đức Giêsu xuất hiện trở lại. Ngài không còn ẩn mặt với anh nữa, Ngài xuất hiện đúng lúc để thỏa mãn cho những ai tìm kiếm chân lý, vì Ngài là Đường, là Sự Thật (Chân lý) và là Sự Sống.

Độc giả để ý một chi tiết, sau khi lấy bùn bôi vào mắt anh, Ngài nói anh ta đến hồ Si-lô-ác để rửa. Như vậy khi anh được khỏi, anh chưa thấy Đức Giêsu lần nào, anh chỉ biết Đức Giêsu đã chữa anh. Thì hôm nay Ngài sẽ cho anh thấy.

"Anh có tin vào Con Người không?" Con Người là danh xưng Đấng Cứu Thế nói về mình, Đức Giêsu có 02 bản tính: Bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại. Danh xưng Con Người sẽ thiên về Bản tính nhân loại. Danh xưng này cũng được dùng nhiều trong Cựu ước, cụ thể trong sách Đanien, Giêrêmia,... nói về Đấng Cứu Thế. Câu hỏi của Đức Giêsu: "Anh có tin vào Con Người không?", nó cho ta thấy, mặc dù Ngài dùng từ Con Người để nói về mình, nhưng anh ta lại nghĩ Con Người là Đấng nào đó. Trước mắt, anh chỉ biết đó là Đức Giêsu, Người đã chữa bệnh cho anh, nhưng anh không biết đó là Con Người. Sự nhận biết Thiên Chúa phải do chính Thiên Chúa mạc khải, con người với ý chí của mình mới chỉ đủ sức đến ngưỡng cửa chứ không thể vào bên trong màu nhiệm.

“Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây." Như vậy Đức Giêsu đã mạc khải cho anh về Ngài, Ngài chính là Con Người. Và đây là sự đáp trả của anh: "Thưa Ngài, tôi tin." Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.” Một sự mạc khải của Thiên Chúa và sự đáp trả trọn vẹn của con người.

Đến đây ta có thể tóm lại quá trình anh mù nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế qua những bước như sau:

QUÁ TRÌNH NGƯỜI MÙ TỪ KHI MỚI SINH TIN NHẬN ĐỨC GIÊSU.

BƯỚC 1: Đức Giêsu đã đi bước trước, Ngài chữa bệnh cho anh, cho dù anh chưa cầu xin, vì Ngài là Ánh Sáng thế gian, không thể để một người sống trong tăm tối như anh. Sau khi anh đi rửa ở hồ Si-lô-ác anh được xem thấy.

BƯỚC 2: Lúc này Đức Giêsu rời xa anh. Trước những chất vấn của người láng giềng và một số người khác, anh đã cho mọi người biết Đấng đã chữa anh, có tên là GIÊSU.

BƯỚC 3: Trước những chất vấn của những người Pharisêu, Anh ta tiến xa hơn một bước khi nói: “NGƯỜI ẤY LÀ MỘT NGÔN SỨ”.

BƯỚC 4: Anh ta bị người Pharisêu chất vấn lần thứ hai, sau khi họ không khai thác được gì ở cha mẹ anh. Lần chất vấn thứ hai rất quyết định, đã đưa anh đến chỗ tuyên xưng: “NGƯỜI BỞI THIÊN CHÚA MÀ ĐẾN”

BƯỚC 5: Khi nghe tin anh mù bị trục xuất khỏi hội đường, Đức Giêsu xuất hiện trở lại để mạc khải cho anh về Ngài. Và anh đã tin, qua câu tuyên xưng: "THƯA NGÀI, TÔI TIN." Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

Độc giả cũng nhận ra niềm tin của mình có dáng dấp giống quá trình của anh mù này, mặc dù không giống hoàn toàn, nhưng có nhiều sự tương đồng:

1/. Ngay khi mới chào đời một thời gian, ta đã được cha mẹ đưa đến nhà thờ để Rửa Tội. Ta được nhấn vào giếng Rửa tội, như anh mù rửa trong hồ Si-lô-ác hôm nay. Ta được Đức Giêsu ngự vào trong tâm hồn vĩnh viễn, cho dù ta chưa nhận biết Ngài.

2/. Rồi ta lớn dần theo thời gian, bắt đầu bước ra ngoài xã hội, ta học hành, ta làm việc, vui chơi giải trí. Ta sẽ trải qua tất cả hỷ nộ ái ố trong cuộc đời, trải qua những thành công và thất bại, được và mất.... Đức Giêsu dần hiện lên trong đời ta, càng lúc ta thấy Ngài rõ nét hơn. Nhưng cũng có thể Ngài bị lu mờ đi.

3/. Rồi đến một lúc quyết định, có thể là một biến cố, một tai nạn, một niềm vui to lớn, một sự mất mát đau thương.... ta gặp được Đức Giêsu trong biến cố đó, trong mất mát đó..... Lúc này ta mới khám phá ra Ngài theo những gì là Ngài.

“Đức Giê-su nói: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!". Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: "Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?" Đức Giê-su bảo họ: "Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: 'Chúng tôi thấy', nên tội các ông vẫn còn!"

Đoạn cuối của Bài Tin mừng tập hợp đông đủ các thành phần đã được Tin mừng đề cập, Gioan nói có cả người Pharisêu và anh mù vừa được Đức Giêsu chữa lành, nó giống như quang cảnh của ngày xét xử. Đức Giêsu nói: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử”, đó tiếng nói của vị thẩm phán. Ngài xét xử điều gì? Xin thưa: “cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!"

Gioan dùng từ rất sâu sắc, độc giả để ý 02 từ: “mù” và “xem thấy”, nó vừa dùng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

+ “Cho người không xem thấy được thấy”. 02 từ: “không xem thấy” = “mù”; “xem thấy” được dùng theo nghĩa đen. Nó ám chỉ anh mù từ khi mới sinh, từ khi sinh ra đến giờ anh đã không thấy, thì bây giờ anh được xem thấy.

+ “Kẻ xem thấy lại nên đui mù!" 02 từ “xem thấy” và “mù” được dùng theo nghĩa bóng. Trước phép lạ hiển nhiên trước mắt, và bao phép lạ khác, người Pharisêu như bị mù, không nhận ra Ngài là Đấng Cứu thế.

Đức Giêsu nói với người Pharisêu: "Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: 'Chúng tôi thấy', nên tội các ông vẫn còn!". 02 từ “mù” và “thấy” ở đây lại hoàn toàn theo nghĩa đen, có nghĩa, Chẳng thà các ông bị mù không thấy gì, thì các ông không có tội vì không ai bắt tội người mù bao giờ.

Amen

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 1923
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  22
 Hôm nay:  2038
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12342043

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn