Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật II Mùa Chay Năm Chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật II Mùa Chay Năm Chẵn

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa CHÚA NHẬT II MÙA CHAY - Năm A 
(16/03/2014) - ĐỨC GIÊSU BIẾN HÌNH
MÙA CHAY 2014

 



Bài đọc I: Trích sách Sáng Thế (St 12, 1-4a)
Bài đọc II: Trích thư Thánh Phaolô tông đồ gửi Timôthê (Tm 1, 8b-10)
Bài Tin mừng: Tin mừng theo Thánh Matthêu (Mt 17, 1-9).

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao.

Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.

Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Trỗi dậy đi, đừng sợ!" Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.

Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: "Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy."
_________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Ta còn nhớ Bài Tin mừng Chúa nhật I Mùa Chay, Matthêu đã mô tả 03 cơn cám dỗ của Đức Giêsu, Tên cám dỗ lợi dụng sự kiện, sau khi Đức Giêsu ăn chay 40 đêm ngày, Ngài cảm thấy đói, nó bắt đầu lộ diện để tấn công. Nó tấn công bằng 03 cơn cám dỗ, và bao giờ nó cũng nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa...”, có nghĩa nó muốn Ngài lộ chân tướng của một Vị Thiên Chúa trong bối cảnh nó sắp đặt. Nếu Đức Giêsu chiều ý nó, thì Chương trình Cứu chuộc coi như bị phá sản, vì vinh quang của Thiên Chúa không phải để khoe khoang, để biểu diễn như vậy. Cuối cùng Tên cám dỗ đã thất bại hoàn toàn, vì Thiên Chúa là Đấng người ta tôn thờ và chỉ tôn thờ một mình Ngài.

Trong Bài Tin mừng Chúa nhật II Mùa Chay hôm nay, có một sự ngược lại, Đức Giêsu tỏ hiện vinh quang Thiên Chúa cho 03 môn đệ thân tín. Ngài muốn cho các ông thấy phần nào Bản tính Thiên Chúa nơi Ngài mà bấy lâu nay nó được ẩn sâu dưới bản tính nhân loại. Ngài làm vậy với mục đích gì? Muốn biết điều này, ta hãy trở lại Tin mừng Matthêu với những đoạn đi ngay trước đó.

Trước hết là sự kiện Phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (Mt 15, 32-39), dân chúng sau khi chứng kiến quyền năng của Ngài, họ không nghĩ đến một Đấng Cứu Thế đích thực, nhưng chỉ theo đuổi ý nghĩ rất trần tục, họ muốn tôn Ngài làm vua, họ cứ nuôi hoài bão một Đấng Cứu thế cứu họ khỏi ách đô hộ của La Mã. Song song đó là thái độ của những nhà lãnh đạo tôn giáo, họ luôn tìm cách chống phá, gài bẫy, bắt bẻ,... để cố hạ uy tín Ngài dưới mắt người Do Thái. Như vậy, Kế hoạch của Đức Giêsu đã thất bại, Ngài không thể chuyển biến ý nghĩ của dân chúng và Ngài cũng không được các nhà lãnh đạo Do Thái công nhận, ta phải thành thật nói rằng Đức Giêsu đã thất bại hoàn toàn.

Công việc còn lại đối với Ngài bây giờ, là tập trung huấn luyện các môn đệ, vì các ông sẽ là người kế tục Sứ vụ sau khi Ngài về trời. Chính các ông sẽ đem Tin mừng đi khắp thế giới, mà khi còn trong giai đoạn công khai, Đức Giêsu chỉ tập trung cho dân Do Thái, dân của lời hứa.

Chính vì lý do đó, Đức Giêsu đã đưa các môn đệ lánh xa Palestina, sang tận Li- Băng về phía miền Xêdarê Philip, cách ly khỏi dân chúng để tập trung huấn luyện. Và tại miền Xêdarê Philip, Phêrô đã tuyên xưng "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." (Mt 16, 16). Có thể nói đây là bước tiến khá dài trong sự nhận thức của các ông, một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của môn đệ.

Ngay sau đó, Đức Giêsu tiên báo cuộc Thương khó lần thứ nhất, Ngài cho biết: Ngài phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (Mt 16, 21-23). Có lẽ đây là cú sốc mạnh đối với các môn đệ, các ông không thể chịu được cú sốc này, nên Phêrô đã lên tiếng can ngăn và bị Đức Giêsu quở trách.

Đó là tất cả các sự kiện có liên quan đến cuộc biến hình mà Bài Tin mừng hôm nay đề cập. Cuộc biến hình này nhằm MỤC ĐÍCH CỦNG CỐ NIỀM TIN NƠI CÁC MÔN ĐỆ. Ngài cho các ông thấy trước vinh quang Thiên Chúa nơi Ngài để khi Cuộc Thương khó xảy ra, các ông vững niềm tin mà không hề nao núng.
..............................................

“Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao”

“Sáu ngày sau”, tính từ thời điểm Phêrô tuyên tín tại Xêdarê Philip. Đức Giêsu đem 03 môn đệ thân tín là: Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo Ngài. Trong Kinh thánh đã nói nhiều về 03 môn đệ thân tín này, các ông là những người được tham dự các biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Giêsu, ba vị đã từng được chứng kiến việc Đức Giêsu làm cho con gái ông trưởng hội đường sống lại (Mc 5,37). Ba ông cũng sẽ có mặt vào những giờ phút cuối cùng của Đức Giêsu tại vườn Cây Dầu (Mc 14,33). Ta sẽ lướt sơ qua 03 vị tông đồ này:

Trước hết, với Phêrô, người sẽ được trao quyền lãnh đạo Giáo Hội: từ đây, ông phải học ý nghĩa đau khổ theo Thiên Chúa và thay thế tư tưởng nhân loại bằng tư tưởng thần linh. Thứ đến, với Gia-cô-bê, vị tử đạo tiên khởi: ông sẽ hân hoan đổ máu để làm chứng vì ông đã tận mắt nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa. Cuối cùng, với Gio-an, người môn đệ được Đức Giêsu yêu dấu: ông sẽ phải học biết rằng, đau khổ là bằng chứng của một tình yêu vĩ đại.

Như vậy, ba vị cột trụ trong sinh hoạt của Giáo Hội thời đầu, nhờ kinh nghiệm sâu xa về vinh quang Thiên Chúa, sẽ làm chứng một cách sống động về Đức Giêsu, Đấng đã đi qua con đường đau khổ để bày tỏ lòng yêu mến và đem lại ơn cứu độ.

“Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao”. Độc giả có thể tiếc cho Matthêu, vì ông chỉ nói “đi riêng ra một chỗ”, và “một ngọn núi cao”. Người ta không thể xác định đó là nơi nào và núi nào. Truyền thống vẫn cho rằng đây là núi Tabor, mà Tabor thật ra chỉ là một quả đồi. Nhưng hợp lý hơn, có lẽ là núi Cácmen hay Khétmôn. Đặc biệt trong Tin Mừng Matthêu, khi Đức Giêsu sắp làm một việc gì quan trọng, Ngài thường lên núi: cuộc cám dỗ xảy ra trên núi cao (Mt 4, 8); các Mối Phúc được công bố trên núi (Mt 5, 1); bánh được nhân ra nhiều trên núi (Mt 15, 19); và Nhóm Mười Một gặp Đấng Phục Sinh trên một ngọn núi (Mt 28, 16).

Người ta thấy Tin mừng Matthêu rất ưa nói về núi, núi có tính tượng trưng, đó là nơi nhô lên khỏi mặt đất, nó như muốn nối liền giữa trời và đất, đưa Thiên Chúa xuống với con người và đưa con người lên tới Ngài. Khi lên núi, tâm hồn ta cũng đi lên theo, bỏ lại dưới mặt đất những toan tính đời thường và chỉ còn lại ta với Thiên Chúa trong vẻ hùng vĩ của nó. Vì có tính tượng trưng, nên Tin mừng Matthêu ít khi nêu đích danh tên núi cụ thể. Trong mỗi sự kiện xảy ra trên núi, độc giả không nên để ý đó là núi nào cho bằng hướng tâm hồn mình lên để thấy được ý nghĩa của nó.

“Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.”

Cụm từ “biến đổi hình dạng”, phải được hiểu thật chính xác, đây không phải là màn ảo thuật, mà là sự tỏ hiện bản chất sâu xa của Đức Giêsu, mà ngày thường nó được che giấu. Đức Giêsu có 02 bản tính, Bản tính Thiên Chúa và Bản tính nhân loại, cả hai kết hợp sâu xa trong Đức Giêsu. Khi sống với các môn đệ, các ông chỉ thấy bản tính nhân loại của Ngài, nhưng trong đó ẩn chứa Bản tính Thiên Chúa, thì với cuộc biến hình này, Bản tính Thiên Chúa được hé lộ cho các môn đệ thấy. Matthêu nói: “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông”, có nghĩa để các ông tận mắt chứng kiến, chứ không còn nghe kể lại. Ngài muốn các ông chứng kiến để lưu lại trong tâm trí các ông một Thiên Chúa vinh quang ngay trong những đau khổ Ngài sắp chịu. Ngài muốn nói với các ông, con đường Cứu chuộc phải là: Đi qua đau khổ mới đến vinh quang. Không thể có sự đảo chiều ngược lại.

Matthêu mô tả cuộc biến đổi hình dạng như sau: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Bài Tin mừng hôm nay được 03 Thánh sử Nhất lãm thuật lại: Matthêu (Mt 17, 1-9); Marcô (Mc 9, 2-8); và Luca (Lc 9, 28 -36), nhưng Matthêu vượt trội hơn 02 Thánh sử kia ở chỗ ông đã nói về ánh sáng.

+ Matthêu: Y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.
+ Marcô: Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.
+ Luca: Y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa.

Ánh sáng Matthêu nói đến, đó cũng là ánh sáng tại núi Sinai xưa, ông Môsê đã tiếp nhận nó, nhận lấy vinh quang Thiên Chúa và da mặt ông tỏa sáng mà sách Xuất Hành đã nói đến. (Xh 34, 29-35). Sau này trong sách Đanien, ông đã nói về Con Người (Đn 7, 9) được mô tả bằng những hình ảnh có tính khải huyền: tia sáng, màu trắng. ánh sáng, lửa… Vâng vinh quang Thiên Chúa đã tỏ lộ sau một thời gian ẩn trong Đức Giêsu, rồi đây vào Ngày cuối cùng ta sẽ chiêm ngưỡng ánh sáng đó. Nhưng đâu cần phải đến ngày đó, mà ngay tại bây giờ, mỗi khi ta sống yêu thương, dám vượt qua cái vỏ ích kỷ hằng bao bọc lấy ta, người chung quanh cũng nhận ra nơi ta thứ ánh sáng kỳ diệu đó. Vinh quang Thiên Chúa đã tràn ngập khắp vũ trụ này, nhưng để nhìn thấy nó, ta phải dùng con mắt khác, khác với con mắt xác thịt.

Tại sao y phục Đức Giêsu lại trắng tinh như ánh sáng? Xin thưa: vì “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời”. Vâng đúng vậy, vì Đức Giêsu đã tỏa sáng, đã chói lọi, thì y phục của Ngài mới sáng như vậy. Đây là lần đầu 03 môn đệ thân tín đã được chứng kiến. Cái giây phút ngắn ngủi ấy nó sẽ in đậm trong suốt cuộc đời các ông, để sau này các ông dám chết vì thứ Ánh Sáng đó.

Đức Giêsu là mặt trời công chính và là ánh sáng thế gian. Ngài nói với người Do-thái: "Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống."(Ga. 8,12). Thiên Chúa cao cả sáng chói như mặt trời, vậy mà bị con người vô tâm xô đẩy vùi dập, đánh đập tàn nhẫn, máu me dính bết châu thân, nhịn đói nhịn khát, bị đóng đinh chân tay vào thánh giá và bị treo lên lơ lửng cho chết dần. Ngài chính là Thiên Chúa. Con người phàm hèn mà dám giết chết Thiên Chúa trong xác phàm.

Có bao giờ ta bị ấn tượng bởi một sự kiện, một hình ảnh nào chưa? Rất có thể ta đã có 01 sự kiện như vậy. Làm sao nó có thể phai mờ trong tâm trí ta được, ta sẽ nhớ nó suốt đời, vì sự kiện, hình ảnh đó không còn ở ngoài ta nữa mà là một phần của đời ta. Cũng vậy, nhưng ở đây còn ấn tượng hơn nữa, sự kiện Đức Giêsu biến đổi hình dạng, sẽ in đậm trong tâm trí các môn đệ.

Ta hãy dành một ít phút để chiêm ngưỡng, để tôn thờ, Đức Giêsu đã yêu thương ta quá bội khi Ngài tỏ lộ Bản tính Thiên Chúa, ngay khi còn hiện diện trên trần gian này, để củng cố niềm tin của ta, để cho ta xác tín rằng, Ngài là Vị Thiên Chúa cao cả, đồng thời Ngài cũng là một con người như ta. Chỉ có nơi Ngài, con người mới được giao hòa với Thiên Chúa trong Đức Giêsu.

“Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.”

Độc giả có thể thắc mắc: tại sao lại có sự xuất hiện 02 ông: Môsê và Êlia? Hai ông đã đàm đạo gì với Đức Giêsu?

Hai ông là những con người lừng danh trong Cựu Ước. Ông Môsê đại diện cho Luật pháp, còn Êlia đại diện cho các ngôn sứ. Như vậy sự xuất hiện của 02 ông làm sống tại tất cả những gì trong Cựu Ước. Toàn bộ Cựu Ước, lề luật, ngôn sứ đều tiên báo về Đấng Cứu Thế, Đấng Mêsia, thì giờ đây tất cả đều hiện diện nơi đây, để cho các môn đệ và cho cả ta nữa thấy được sự thống nhất của Chương trình Cứu chuộc, nó không là cái gì rời rạc, nhưng là dòng chảy liên tục của sự sống Thần linh mà Thiên Chúa đã ban cho con người.

Môsê và Êlia đàm đạo với Đức Giêsu những gì? Matthêu không mô tả, nhưng Luca có nói đến, ông viết: “Hai ông nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”. Có nghĩa nói về cuộc Khổ nạn Đức Giêsu sắp chịu.

Độc giả có thể thắc mắc, nếu chỉ có vậy thì sự xuất hiện của 02 ông thường quá, chẳng lẽ Đức Giêsu không biết điều này sao? Thưa không phải như vậy, Ngài biết rất rõ những gì Ngài sắp chịu tại Giêrusalem, nhưng sự xuất hiện của Môsê và Êlia có ý nghĩa rất đặc biệt. Nó muốn nói rằng, tất cả Cựu ước đang mong chờ giây phút này, chờ đợi giây phút Đức Giêsu treo trên thập giá cũng trên một ngọn núi, trên sự nhô lên khỏi mặt đất để giao hòa con người với Thiên Chúa. Sự chờ đợi đó quá lâu rồi bây giờ là lúc sắp sửa bắt đầu, ai mà không nôn nóng. Khi Ngài bị treo trên Thập giá Ngài sẽ kéo mọi người lên với Ngài, và sẽ đưa Thiên Chúa xuống với con người. Một cuộc giao hòa vĩ đại.

“Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."

Các môn đệ thân tín thật hạnh phúc, giây phút được chứng kiến Cuộc biến hình, nó sẽ là hồng phúc lớn nhất đối với các ông. Và một tâm lý phổ biến nơi các ông đã xuất hiện. Phêrô hình như muốn thời gian và không gian ngừng lại, trái đất đừng quay nữa, để các ông sống mãi giây phút này. Phêrô thưa với Đức Giêsu: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!” Vâng đúng vậy, hay quá! Sâu sắc quá! Vĩ đại quá! mà trên đời này chẳng còn gì ý nghĩa nữa. Thử hỏi rằng, còn gì vĩ đại hơn nữa không? Thưa, không. Vậy tại sao ta lại muốn cho nó qua đi, tại sao ta lại muốn cho nó thay đổi, vì con người sống trên trần gian này để làm gì? Để đi tìm hạnh phúc cho mình, mà ta đang sống trong hạnh phúc rồi, vậy còn muốn gì nữa chứ. Ta cầu xin cho hạnh phúc đó đừng vuột mất, đừng qua đi, vì họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai. Có nghĩa tai họa sẽ đến dồn dập, nhưng cái phúc không thể đến lần thứ hai, nó không thể đến lần nữa.

Tâm lý phổ biến đã thể hiện trong câu nói của Phêrô: “Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."

Vâng cũng còn may, vì ông đã nói được cụm từ “Nếu Ngài muốn”, nếu Ngài muốn chứ không phải nếu các ông muốn, cho dù Phêrô đang ở trong trạng thái ngây ngất. Ở đây thì hay đấy, nhưng đây đâu phải là chỗ của các ông. Ý thiên Chúa muốn các ông ở chỗ kia, các ông phải xuống núi để vác thập giá theo Đức Giêsu. Các ông cũng sẽ chịu đau khổ với Ngài, vì con đường đích thực các ông phải đi, đó là phải qua đau khổ mới đến vinh quang.

Nhưng ta cứ để cho Phêrô nói hết, để xem ông nói gì, Phêrô nói: “Con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Ủa chỉ có ba cái lều thôi sao, còn lều các ông đâu? Không lẽ các ông không có lều? Vâng đúng vậy, các ông đang ở trong tình trạng ngây ngất, một tâm trạng phấn kích cực độ, các ông không nói bằng lý trí mà bằng sự xuất thần. Các ông không hiểu mình đang nói gì.

Vâng trên đỉnh núi này vinh quang Thiên Chúa chói lọi mà con người đang chìm vào, nó đưa con người vào sự phấn kích cực độ. Khi ta sống trong hạnh phúc, ta cũng như đứa trẻ, nói năng hồn nhiên như đứa trẻ, rất vô tư, lúc này ta sẽ nói bằng con tim chứ không bằng lý trí, ta đang xuất thần như Phêrô hôm nay. Ta đang nói bằng con tim, ta trở nên dễ dãi đến lạ thường mà người đời không thể nào hiểu được. Họ cứ bảo ta điên, vâng ta điên thật sự, vì xét cho cùng chính người điên mới là người hạnh phúc. Ta đau khổ chỉ vì ta tỉnh. Lý trí không giúp gì trong lúc này, vì khi sống trong hạnh phúc, đó là giây phút ta sống bằng con tim. Cứ mỗi lần ta được sống trong hạnh phúc, ta cũng muốn cho thời gian ngừng lại, ta muốn mình sống mãi trong nó, ta muốn cắm những cái lều cố định tại đây. Vâng chỉ khi ta sống trong yêu thương, ta sẽ gặp lại giây phút xuất thần này. Chỉ khi nào cái tính ích kỷ bị loại bỏ hoàn toàn, ta mới sống bằng chính con người thật của mình, y như Đức Giêsu hôm nay cho các môn đệ thân tín được chiêm ngưỡng bản chất sâu xa đích thực của mình.

"Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!”. Câu nói này hình như có cái gì đó mà ta chưa rõ. Đời ta đau khổ quá nhiều rồi, quá nhiều bất hạnh, nhiều lúc ta định chạy trốn nó, nhưng nào có chạy trốn được! Ta vẫn phải chịu đựng, phải đối mặt với nó. Càng chạy trốn, ta càng thấy nó khủng khiếp hơn. Nếu vậy ta đừng chạy trốn nữa, thay vì cứ loay hoay tìm giải pháp này giải pháp nọ, ta hãy thưa với Chúa rằng: "Lạy Chúa, con ở đây quá tốt rồi, nhưng phải có Chúa ở với con”. Vâng chỉ cần Chúa ở với ta trong những lúc đó, thì bất hạnh sẽ trở thành hạnh phúc, và hỏa ngục sẽ trở thành thiên đường. Con người chỉ bất hạnh thực sự khi không có Chúa ở với mình. Ngoài ra sẽ chẳng là gì hết.

“Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!"

Đám mây này, biểu tượng của sự hiện diện Thiên Chúa (Xh 40, 34-35; 1V 8,10-12), cắt ngang lời nói của Phêrô. Không phải Phêrô sẽ xây một ngôi nhà cho Thiên Chúa; mà là chính Thiên Chúa đến xây nhà của Người. Đám mây. Có lẽ chúng ta ngạc nhiên về sự liên kết kỳ lạ này: một đám mây sáng ngời lại tạo ra bóng che, bao phủ các ông. Thiên Chúa xuất hiện y như Ngài đã xuất hiện trên sông Jordan khi Đức Giêsu chịu phép rửa. Một sự thần hiện vĩ đại mà con người chỉ biết chiêm ngưỡng, tán tụng.

Chúa Cha lặp lại lần nữa câu nói Ngài đã nói ở sông Jordan: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”, Chúa Cha lặp lại như một sự khẳng định mạnh mẽ, cho con người biết rằng, Đức Giêsu luôn ở trong trái tim Ngài, vì Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, Ba Ngôi vị nhưng chỉ là Một. Ngài luôn hài lòng với Đức Giêsu, một sự hài lòng từ muôn thuở và cho đến muôn kiếp.

Nhưng ở đây Ngài còn thêm một mệnh đề nữa, mệnh đề này Ngài muốn nói với ta: "Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!". Chúa Cha muốn chúng ta hãy vâng lời Đức Giêsu, mà vì Đức Giêsu là Ngôi Lời, do đó vâng lời Đức Giêsu có nghĩa Chúa Cha muốn ta hãy ở trong Thiên Chúa. Đức Giêsu đã nói: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 34-35). Chúa Cha muốn ta: "Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!", Ngài muốn ta vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu, vì ta cũng phải đi qua đau khổ mới đến vinh quang. Ta hãy nghe lời Đức Giêsu trong suốt cuộc đời này, cả khi vui lẫn khi buồn, cả khi hạnh phúc lẫn khi bất hạnh, ta hãy vâng lời Ngài.

"Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Trỗi dậy đi, đừng sợ!" Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.”

Các môn đệ kinh hãi ngã sấp mặt xuống đất, "ngã", đó là thứ phản xạ tôn giáo. Các ông nhận ra mình đang đối diện trước cuộc thần hiện của Thiên Chúa, thái độ của các ông là sấp mặt xuống đất, một thái độ thờ phượng. Đó là thái độ chân chính của con người khi đối diện với Thiên Chúa. Ngài là Đấng ta phải tôn thờ suốt cuộc đời này. Không phải ta chỉ tôn kính trong nhà thờ, mà còn tôn kính trong mọi nơi mọi lúc, khi ta biết nói không với điều xấu, điều ác. Hãy tránh xa thái độ bất kính của người Pharisêu, trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện, ông ta đứng giữa Đền thờ ưỡn ngực ra kể lể với Thiên Chúa, đó là thái độ hỗn xược!

Nhưng khi các ông đang choáng ngợp trước cuộc thần hiện, các ông phải ngã sấp mặt xuống đất, thì Đức Giêsu lại xuất hiện như một người bạn, lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Trỗi dậy đi, đừng sợ!". Vâng Ngài đã trở về đời thường, một người Thầy vĩ đại và một người bạn của các ông. Thiên Chúa muôn đời vẫn thế, tuy Ngài là Đấng uy nghi cao cả, nhưng Ngài luôn là người bạn của ta trong suốt cuộc đời trần thế này. Lúc nào ta cũng cần Ngài, và Ngài vẫn âu yếm nói với ta: "Trỗi dậy đi, đừng sợ!". Ngài vẫn đứng đó chờ ta, một mình Ngài với ta đủ làm thành đôi bạn rồi.

"Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: "Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy."

Vâng bao giờ cũng thế, khi chữa lành cho người nào, Đức Giêsu đều căn dặn: Đừng nói với ai hết. Bây giờ Ngài cũng dặn các ông đừng nói với ai hết, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy. Chỉ khi nào Ngài chịu tử nạn và phục sinh, các ông mới hiểu hết ý nghĩa của cuộc biến hình hôm nay. Ngược lại, khi mọi sự chưa hoàn tất, người ta không hiểu được ý nghĩa của nó, mà còn hiểu sai nữa. Đức Giêsu Phục sinh, Chúa Thánh Thần hiện xuống, các ông cũng sẽ được phục sinh, phục sinh theo nghĩa trở thành con người mới, các ông mới có một nhãn quan mới khi nhìn về biến cố hôm nay và sẽ hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2221
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  23
 Hôm nay:  2027
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12342032

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn