Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần IV thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ ba tuần IV thường niên năm chẵn.

 

 

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ ba tuần IV thường niên năm chẵn
(04/02/2014) - (Mc 5, 21-43)
MÙNG NĂM TẾT GIÁP NGỌ - 2014

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ vào được áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.

Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?” Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những người cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
_______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người.”

Bài Tin mừng hôm qua thuật lại việc Đức Giêsu tạm bỏ Galilê, sang bờ bên kia Biển Hổ để rao giảng Tin mừng cho miền hoàn toàn dân ngoại, đó là miền Ghê-ra-sa. Tại đó xảy sự kiện Đức Giêsu chữa người bị cả đạo binh thần ô uế ám. Trong quá trình trục xuất thần ô uế, Ngài đã cho phép chúng được nhập vào bầy heo khoảng 2.000 con, khiến cả bầy heo lao xuống biển và bị ngộp chết. Việc này đã gây chấn động dân thành, nên họ xin Đức Giêsu rời khỏi vùng đất của họ. Đức Giêsu đành trở sang bờ bên kia, có nghĩa trở về lại Galilê.

Nếu ai tinh ý sẽ thấy, lượt đi và lượt về hoàn toàn trái ngược nhau. Ở lượt đi, có nghĩa từ Galilê sang Ghê-ra-sa, có trận cuồng phong nổi lên, gió lớn và sóng đánh vào thuyền sắp chìm, các quyền lực tối tăm đang cố cản trở Ngài, không cho Ngài sang Ghê-ra-sa, vùng đất của chúng.

Còn lượt về, từ Ghê-ra-sa về Galilê không có chuyện gì xảy ra, bình an vô sự, hình như các quyền lực tối tăm còn muốn ủng hộ Ngài nữa.

Khi về đến Galilê, theo Marcô, “có một đám rất đông tụ lại quanh Người.” Độc giả nào đã từng đọc Tin mừng Marcô, có thể phát hiện ra kiểu viết của ông, ông luôn dùng kiểu nói ấn tượng. Marcô không nói “có một đám đông”, nhưng viết “có một đám rất đông”, chỉ cần thêm từ “rất” vào, ông đã làm cho người ta hình dung ra một biển người.

Nhưng ta không hiểu, có đám rất đông người ở đây, họ có thể biết trước Đức Giêsu trở về hay không mà đứng ở đây chờ sẵn Ngài? Như thế đủ cho biết dân chúng hâm mộ Đức Giêsu đến mức nào. Họ sẵn sàng đứng đây để chờ Ngài trở về.

“Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới”.

“Ông Trưởng hội đường”, là người có trách nhiệm lên chương trình, điều khiển các buổi đọc và giảng giải Kinh thánh trong hội đường vào ngày Sabbath. Cái tên Gai-ia, theo tiếng Hêbdrơ có nghĩa là "người soi sáng" hay là "người đánh thức". Ông Gia-ia không lạ gì Đức Giêsu và Ngài cũng không lạ gì ông, vì mỗi ngày Sabbath, Đức Giêsu vào hội đường để giảng giải Kinh thánh và chữa bệnh cho dân chúng.

“Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.”

Ông Gia-ia là trưởng hội đường, đương nhiên ông là đồng minh của các kinh sư và Phararisêu, nhưng không hiểu sao khi con gái ông lâm bệnh nặng, người đầu tiên ông nghĩ đến, đó là Đức Giêsu.

Marcô viết “ông ta sụp xuống dưới chân Người”. Ông tin chắc, Đức Giêsu sẽ cứu con mình, vì ông đã mục kích bao phép lạ Ngài đã làm trong hội đường. Thái độ quỳ xuống dưới chân Đức Giêsu đã nói lên lòng tin và sự khẩn thiết của ông.

Ông nói: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu”. “Gần chết rồi”, có nghĩa nó đang ở ranh giới giữa sống và chết. “Đến đặt tay” có nghĩa giật nó ra khỏi tay thần chết để trả về cha mẹ nó.

“Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.”

Đức Giêsu không nói lời nào, nhưng Ngài đã hành động. Hành động trong nhiều trường hợp nó còn mạnh gấp ngàn lần lời nói. Người ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao Đức Giêsu không phán một lời chữa bệnh tại đây mà phải đi theo ông Gia-ia đến nhà? Vì trong nhiều trường hợp Ngài đã làm thế, ví dụ trong trường hợp chữa người đầy tớ của viên đại đội trưởng.

Một câu hỏi khá hay. Ta chỉ có thể nói rằng, Tình yêu nó không phải là một kịch bản. Tình yêu Thiên Chúa phải được bộc lộ cách tự nhiên, có nghĩa trường hợp này không phải là bản sao của trường hợp kia. Trường hợp Viên Đại đội trưởng, Đức Giêsu chữa bệnh từ xa; còn trong trường hợp này, Đức Giêsu đến tận nhà. Ngài cư xử sự một cách tự nhiên như vậy. Không có gì đòi buộc 02 trường hợp này phải giống nhau.

“Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người”, họ đi theo muốn mục kích tận mắt việc Đức Giêsu sắp làm. “Một đám rất đông” tụ lại quanh Ngài ở bờ hồ; bây giờ cũng “một đám rất đông” đi theo Ngài, có nghĩa Ngài đã trở thành trung tâm của mọi sự chú ý, và từ Ngài có sức thu hút mãnh liệt.
____________________________

“Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.”

Câu chuyện con gái ông Gia-ia tạm gác lại, để độc giả bước sang câu thuyện thứ hai. Có lẽ đây là trường hợp duy nhất trong Kinh thánh xảy ra 02 phép lạ xen kẽ nhau.

Marcô giới thiệu cho độc giả nhân vật thứ hai, là một phụ nữ bị băng huyết đã 12 năm. Đây là căn bệnh rất thông thường nhưng khó chữa trị. Chính kinh Talmud đã đề ra không dưới mười một cách chữa trị bệnh ấy. Có vài phương pháp là tốt nhưng phần lớn hoàn toàn do mê tín. Hình như Marcô đang châm biếm các y sĩ thời đó, vì trình độ kém hay vì cố ý nuôi bệnh. Ông viết cách mỉa mai: “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.”

Điều đáng nói ở căn bệnh này, chứng bệnh đó chẳng những làm hại sức khoẻ, mà còn khiến bà luôn luôn bị ô uế, ngăn trở việc thờ phượng Thiên Chúa, và giao thiệp với bè bạn của bà nữa (Lv 15, 25-27).

“Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ vào được áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.

Marcô cho biết, bà chưa lần nào chứng kiến Đức Giêsu làm phép lạ chữa bệnh, có lẽ vì bị ô uế nên bà không tiện xuất hiện ở đám đông. Những thông tin về Ngài là do người ta đồn thổi, và cho dù là đồn thổi bà cũng mạnh dạn đi đến đám đông để tìm cách gặp Ngài, vì đây là hy vọng cuối cùng. Ngày hôm nay bà đã bị dồn đến chân tường, bây giờ bà đã tán gia bại sản, không còn hy vọng gì nữa. Khi Marcô nói có một đám rất đông đi theo Đức Giêsu, hình như đó là cơ hội trời cho, đám đông vừa bảo vệ, che chắn cho bà, cũng đồng thời cản trở bà, nhưng bà đang cần nó để che giấu thân phận mình. Bà cố lách qua đám đông để tiến đến phía sau Đức Giêsu.

Bà nghĩ: “Tôi mà sờ vào được áo Người thôi, là sẽ được cứu.”, sờ vào áo Đức Giêsu từ phía sau. Tại sao bà có suy nghĩ này? Xin thưa, vì ở phương Đông thời xưa, y phục là biểu tượng của nhân cách. Chạm vào y phục ai tức là đụng vào chính kẻ ấy. Nhưng bà cũng hiểu luật Môsê không cho phép bà đụng vào Đức Giêsu, nên bà quyết định chạm vào áo Ngài từ phía sau, chạm chớp nhoáng. Và bà đã thực hiện.

Phép lạ đã xảy ra, Marcô nói: “Tức khắc”, có nghĩa sự cầm máu xảy ra ngay sau cú chạm đó. Có lẽ đây là lần duy nhất, phép lạ xảy ra không do Đức Giêsu chủ động.

“Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?”

Ta để ý các diễn tiến đồng thời như sau: Người phụ nữ bị bệnh băng huyết chạm vào áo Đức Giêsu ____ Tức khắc máu cầm lại _____ ngay sau đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra. Có thể nói 03 sự kiện trên xảy ra đồng thời, như vậy Đức Giêsu chỉ cần quay lại là biết ngay ai đã sờ áo Ngài. Tại sao Ngài còn hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?”. Đức Giêsu hỏi vậy nhắm mục đích gì?

“Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?”

Khi Đức Giêsu hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” thì chỉ có Ngài và người đàn bà kia hiểu câu hỏi đó muốn nói gì. Còn các môn đệ hoàn toàn không hiểu và dường như các ông đã bực mình với Thầy của mình. Sự bực mình đó biểu lộ trong câu nói của các ông: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?”.

Đức Giêsu hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?”, trong khi các môn đệ vì bực mình nên lặp lại câu đó thiếu một từ, “Ai đã sờ vào tôi”. “Sờ vào áo tôi” và “Sờ vào tôi”, là 02 câu hoàn toàn khác nhau. Nếu “sờ vào tôi” thì Đức Giêsu đã bị ô uế theo luật Môsê.

“Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người.”

Khi Đức Giêsu hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?”, ta không hiểu tại sao Ngài lại hỏi như vậy, vì Ngài chỉ cần quay lại thì biết là ai. Nhưng bây giờ ta mới hiểu, sở dĩ Ngài hỏi như vậy vì muốn người phụ nữ này tự mình nói ra.

Cử chỉ ngó quanh của Đức Giêsu là lời mời gọi và động viên bà nói ra việc mình làm. Và bà đã phủ phục và thú nhận với Ngài.

Ta có thể đặt câu hỏi như sau: Tại sao Đức Giêsu lại yêu cầu bà ta phải nói ra? Trong khi phép lạ đã xảy ra và bà đã khỏi bệnh?

“Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

Ta nên nhớ trước khi bà thú nhận việc mình đã làm, cho dù bà có sờ vào áo của Đức Giêsu, máu đã cầm lại, nhưng bà chưa khỏi bệnh hoàn toàn, vì Marcô viết: “.... Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ vào được áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.”

Ta chú ý cụm từ “bà cảm thấy trong mình...”, ở đây chỉ là cảm thấy, cảm thấy là một trạng thái chủ quan của chủ thể, chứ chưa thực sự khách quan.

Chỉ khi Đức Giêsu nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” Marcô mới khẳng định bà đã khỏi bệnh. Marcô muốn nói cho độc giả biết, chính lòng tin của bà đã cứu chữa bà. Lòng tin là điều kiện Đức Giêsu yêu cầu trước khi Ngài thực hiện phép lạ.

Đến đây ta sực nhớ lại câu nói của Thánh Augustinô: “Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng Chúa không thể thánh hóa con nếu không có sự cộng tác của con”.

Khi Thiên Chúa dựng nên ta thì chưa có ta, do đó Ngài không cần có sự công tác của ta khi dựng nên ta. Nhưng một khi ta đã hiện hữu rồi, khi Chúa muốn thánh hóa ta, chữa lành cho ta thì Ngài luôn tôn trọng tự do của ta, Ngài muốn ta phải cộng tác thì ân sủng Thiên Chúa mới đổ xuống được.

Khi Đức Giêsu nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”, không phải lòng tin của ta cứu ta, vì ta đang bị xiềng xích, xiềng xích bởi tội lỗi, bởi sự bất toàn trên thân xác, nhưng chính Đức Giêsu đã cứu ta qua lòng tin đó. Rất phù hợp với câu nói của thánh Augustinô: “Chúa không thể thánh hóa con nếu không có sự cộng tác của con”.

Như vậy, để Đức Giêsu cứu chữa một ai, thì Ngài đòi hỏi người đó phải tin. Câu chuyện về người phụ nữ bị băng huyết 12 năm được Đức Giêsu chữa lành, đến đây đã kết thúc. Ta trở về câu chuyện đã bị bỏ dở, câu chuyện về con gái ông Gia-ia ốm gần chết.
___________________________

“Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?”

Người nhà của ông trưởng hội đường đang nói với ai? Họ nói với ông Trưởng hội đường, tên là Gia-ia. Như vậy ông Gia-ia đã chứng kiến phép lạ Đức Giêsu chữa cho người phụ nữ bị băng huyết 12 năm. Marcô viết: “Đức Giê-su còn đang nói”, Ngài nói gì? Ngài nói: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”, thì trùng hợp sự kiện con gái ông Gia-ia đã mất.

“Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?”, câu nói bộc lộ suy nghĩ của họ về Đức Giêsu. Theo họ, Ngài có thể chữa bệnh bằng quyền năng Thiên Chúa và điều này không ai phủ nhận, nhưng không bao giờ họ nghĩ Ngài có thể làm cho kẻ chết sống lại. Chuyện sống chết là do Thiên Chúa quyết định, không ai có thể cưỡng lại, như vậy khi một người đã chết, cũng là lúc kết thúc mọi nỗ lực cứu sống, “làm phiền Thầy chi nữa”. Đây là một thách thức về đức tin.

“Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”

Vẫn chỉ là đức tin, Đức Giêsu đang đòi hỏi ông Gia-ia, chỉ cần tin thôi, ông không cần phải làm gì hết. Nhưng đức tin Ngài đòi hỏi ở đây sẽ cao hơn đức tin của người phụ nữ bị băng huyết. Tin Ngài có thể làm cho kẻ chết sống lại.

02 sự kiện xảy ra trong cùng Bài Tin mừng, nó cho thấy đức tin phải được trưởng thành, phải được nâng tới đỉnh, nó đi từ tin Ngài chữa mọi bệnh tật, bây giờ tin Ngài làm cho kẻ chết sống lại.

“Đức Giê-su nghe được câu nói đó”, có nghĩa Ngài đã chứng kiến họ nói chuyện với nhau, Ngài đã chứng kiến bộ mặt thẫn thờ và tuyệt vọng của ông Gia-ia, coi như mọi nỗ lực của ông đã kết thúc trong vô vọng. Ông không dám trách ai hết, ông chỉ buồn vì con ông còn bé đã phải chịu cảnh này. Nếu có thể chết thay cho con, ông cũng sẵn sàng.

Bây giờ ông nghe chính Đức Giêsu nói: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.” Không phải Ngài muốn an ủi ông, nhưng Ngài muốn khẳng định với ông cách mạnh mẽ, đừng sợ, chỉ cần ông tin thôi.

Đã bao lần ta đã nghe Đức Giêsu nói: “Con đừng sợ”. Tai sao ta đừng sợ? Xin thưa: Vì cuộc đời ta luôn có Chúa. Và đứng trước năm mới Giáp Ngọ 2014 này, với biết bao thách đố còn nằm ẩn chưa được tỏ lộ, ta run sợ vì không biết điều gì sẽ xảy đến cho mình. Chính cái bí mật và bất ngờ này làm ta run sợ, ta có phải là thần thánh đâu, ta chỉ là một con người mỏng giòn yếu đuối, sợ là phải. Nhưng hôm nay ta lại nghe Đức Giêsu nhắc lại một lần nữa: “Con đừng sợ”. Vâng ta xin phó thác cho Chúa năm mới này và an tâm bước đi, vì bên cạnh dấu chân ta, luôn có dấu chân Chúa, đó là lý do ta không được sợ.

“Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường.”

Ta có thể đặt câu hỏi: tại sao chỉ có ông Phêrô, Giacôbê và Gioan? Còn những môn đệ khác đâu? Ba môn đệ này được Kinh thánh gọi là 03 Môn đệ thân tín. Trong toàn bộ cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu, những môn đệ thân tín này luôn theo sát Thầy mình trong mọi biến cố.

Việc Đức Giêsu chỉ cho 03 người này đi theo là việc của Chúa. Trong muôn người, Chúa chọn lấy 72 người làm môn đệ, rồi trong 72 đó, Ngài chọn 12 ông làm Tông đồ, rồi trong 12 Tông đồ, Ngài chọn lấy 03 làm Môn đệ thân tín. Việc Đức Giêsu chọn ai là việc của Ngài, ta không nên tìm hiểu. Ta chỉ biết rằng Đức Giêsu kêu gọi tất cả mọi người vác thập giá mình hằng ngày đi theo Ngài. Và ta có đáp lại tiếng mời gọi của Ngài không, đó mới là vấn đề mình phải quan tâm.

Có lẽ Đức Giêsu chỉ cho 03 người theo để đi nhanh hơn, bây giờ là lúc khẩn trương, không thể chậm trễ. Có thể là như vậy. Họ tiến về nhà ông trưởng hội đường.

“Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”

Một cảnh tượng náo động và khóc lóc đang diễn ra, đó là những tình cảm cao quý và đầy xúc động của con người. Vì đứng trước cái chết của một em bé, ai lại không mủi lòng, cho dù có quen biết với chủ nhà hay không, người ta cũng có thể khóc được. Em bé ngây thơ quá, hồn nhiên quá và trong trắng quá y như một thiên thần, thế mà Chúa gọi về. Tội nghiệp quá và bất chợt ta rơm rớm nước mắt lúc nào mình cũng không biết. Tại sao ta lại khóc chứ? Em bé có liên hệ ruột thịt với ta không? Để trả lời câu hỏi này, ta hãy trả lời một câu hỏi khác: Tại sao ta lại không khóc?

Ai cũng lấy làm lạ, tại sao Đức Giêsu lại nói: “Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” ta không hiểu Đức Giêsu muốn nói gì! Nhưng khi nghĩ kỹ lại, ta thấy Ngài nói đúng. Thử hỏi, giữa một người đang ngủ, và một người mới chết có gì khác nhau không? Xin thưa:

Nhìn vào vẻ bên ngoài không có gì khác nhau, cũng là thân xác bất động.


Trở lại      In      Số lần xem: 2179
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  24
 Hôm nay:  2943
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12342948

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn