Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần IV thường niên năm chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần IV thường niên năm chẵn.

 

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai tuần IV Thường niên năm chẵn
(03/02/2014) - (Mc 5, 1-20)
MÙNG BỐN TẾT GIÁP NGỌ - 2014

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người.

Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trên đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình.

Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!” Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?” Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.” Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo – chừng hai ngàn con - từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó.

Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo – chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bày heo. Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người. Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.” Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.
___________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa”

Để có thể hiểu hết ý nghĩa của Bài Tin mừng hôm nay, chúng ta phải liên hệ với đoạn Tin mừng cũng của Marcô đi liền phía trước (Mc 4, 35-41)

Đoạn Tin mừng (Mc 4, 35-41), thuật lại một quyết định, có thể nói là một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu, đó là tạm bỏ Galilê để đến miền Ghê-ra-sa, miền đất hoàn toàn dân ngoại, đối diện với Galilê qua Biển Hồ.

Chiều hôm đó, Đức Giêsu đang giảng dạy dân chúng ở Biển Hồ, thuộc Galilê. Ngài nói với các môn đệ: "Chúng ta sang bờ bên kia đi!", tức sang miền Ghê-ra-sa. Có một số thuyền cùng đi với Ngài. Trên đường đi bỗng nổi lên trận cuồng phong dữ dội, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Đây là sự kiện khác thường. Cuồng phong, sóng, gió, theo Kinh Thánh là thế lực của Satan, chúng cố cản bước tiến của Đức Giêsu, không cho Ngài sang miền dân ngoại. Lúc ấy, Đức Giêsu ở đàng lái, Ngài đang ngủ, hình như Ngài không quan tâm đến chuyện này. Các môn đệ hoảng sợ đến đánh thức Ngài dậy và nói với Ngài: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?". Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: "Im đi! Câm đi!" Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. “Im đi! Câm đi!”, Ngài muốn nói với các thế lực tối tăm là, không gì có thể cản trở vì bây giờ chính là lúc Ánh sáng chiếu vào vùng âm u sự chết, Ngài là Ánh sáng, và Ánh sáng của Ngài sẽ xua tan bóng tối.

Bắt đầu Bài Tin mừng hôm nay, Marcô viết: Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa, một vùng hoàn toàn dân ngoại.

“Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người.”

Cuộc đón tiếp Đức Giêsu và môn đệ thật ly kỳ, đại diện cho vùng Ghê-ra-sa đón tiếp Ngài lại là một kẻ bị thần ô uế ám. Ta để ý cụm từ “liền ra đón Người”, hình như thần ô uế cũng tiên liệu sự xuất hiện của Đức Giêsu, vì mới vừa rồi Ngài đã quát tháo cho sóng biển phải im đi, câm đi, sự kiện đó đã gây chấn động các thế lực tối tăm, chúng báo động với nhau để tìm cách đối phó. Đàng nào cũng phải giáp mặt không thể lẩn tránh, và kẻ bị thần ô uế ám sẽ đại diện cho các thế lực tối tăm đón tiếp Ngài.

Marcô diễn tả rất sâu sắc khi nói: “từ đám mồ mả”, có nghĩa đây là vùng đất dành cho người chết. Dân Ghê-ra-sa vẫn còn sống đó, nhưng họ khác gì những người đã chết, vì trong họ không có sự sống Thiên Chúa. Thì ngày hôm nay Đức Giêsu sẽ đem sự sống Thiên Chúa đến với họ.

“Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trên đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình.”

Marcô mô tả người bị thần ô uế ám, có thể nói thần ô uế đã chế ngự hoàn toàn người này, do đó y rất mạnh, không gì có thể khống chế được. Có thể nói đây là thần ô uế, chứ không gọi người bị thần ô uế ám. Y bẻ gãy xiềng xích và đập tan gông cùm. Nơi ở của y là mồ mả. Marcô nói: “hắn tru tréo và lấy đá đập vào mình.”

Tại sao phải lấy đá đập vào mình? Có lẽ cái thân xác của người bị nó ám quá chật chội, hắn phải ở trong một ngôi nhà chật chội như vậy lúc nào cũng thấy khó chịu, phải phá vỡ cái vỏ bọc này. Nhưng hắn cũng thừa hiều, nếu phá vỡ cái vỏ bọc, hắn sẽ hại mình, vì ma quỷ phải dùng xác người để tồn tại, để tác oai tác quái. Đây là mâu thuẫn lớn nhất của thần ô uế, một đàng phải phá vỡ cái vỏ bọc, nhưng mặt khác bắt buộc phải có nó, chính mâu thuẫn này đã đưa y đến chỗ “tru tréo và lấy đá đập vào mình”.

“Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!”

Ta để ý cụm từ “chạy đến bái lạy Người”, người bị thần ô uế ám không đi bình thường nhưng chạy đến với vẻ rất khẩn trương. Hình như hắn biết có chuyện gì đó sắp xảy ra với hắn, khi có sự xuất hiện của Đức Giêsu ở vùng đất mà bao năm nay hắn vẫn cát cứ. Đến nơi hắn bái lạy, và hắn gặp phải Con Thiên Chúa.

Ta hãy chú ý đến lời thần ô uế nói:

+ Thứ nhất: Hắn tự mâu thuẫn với chính mình.

Hắn tuyên xưng Đức Giêsu bằng những từ, diễn tả đúng căn tính của Ngài: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao”, nhưng ngay sau đó, hắn nói: “chuyện tôi can gì đến ông?” Như vậy hóa ra hắn chẳng hiểu gì. Chuyện hắn ám người ra nông nỗi này mà lại không liên quan đến Con Thiên Chúa sao? Vậy Con Thiên Chúa xuống thế để làm gì! Nếu không phải để cứu chuộc con người, giải phóng con người khỏi xiềng xích tội lỗi, khỏi sự trói buộc của Satan và xác thịt.

Như vậy câu “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao” là câu dối trá, nói để lấy lòng, hòng xin xỏ điều gì. Trong Kinh Thánh thuật lại nhiều lần Đức Giêsu trục xuất quỷ khỏi người bị ám, và lần nào thần ô uế cũng nói câu này, Đức Giêsu luôn ra lệnh cấm không cho chúng nói, vì danh xưng Con Thiên Chúa không được phép nói ra bởi miệng lưỡi của kẻ dối trá.

+ Thứ hai: Hắn yêu cầu một điều lố bịch.

Hắn nói: “Nhân danh Thiên Chúa”, hắn có thể nhân danh Thiên Chúa sao! Một kẻ luôn đối nghịch lại Thiên Chúa mà dám nhân danh Ngài sao! Thật vô lý và hỗn xược! Mà nhân danh Thiên Chúa để làm gì? Xin thưa: để Đức Giêsu phải làm theo lời hắn yêu cầu.

“Tôi van ông đừng hành hạ tôi”. Câu này thật lố bịch, hắn đang hành hạ người mà hắn ám, hành hạ như thế nào ai cũng rõ, mà bây giờ hắn nghĩ Đức Giêsu sẽ hành hạ hắn như kiểu trả đũa. Thật hàm hồ! Làm sao Đức Giêsu hành hạ hắn, Ngài không hành hạ nhưng sẽ trục xuất hắn mới đúng. Ngài phải trục xuất hắn, để cho người kia trở về lại con người bình thường, con cái Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa.

“Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!”

“Xuất khỏi người này!”, đây là câu ra lệnh. Đức Giêsu gọi đích danh hắn: “Thần ô uế kia” và hắn phải nghe theo. Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài có quyền trên ma quỷ, trên thiên nhiên, trên bệnh tật, và trên con người... Ngài có uy quyền trên ma quỷ không giới hạn, vì không những Ngài ra lệnh cho một thần ô uế, mà ra lệnh cho cả đạo binh thần ô uế đang trú ngụ trong người bị ám (phần sau sẽ rõ).

“Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?” Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.”

Có lẽ độc giả sẽ thấy lạ lẫm câu này của Marcô, lần đầu tiên ta thấy Đức Giêsu hỏi tên ma quỷ, vậy hóa ra ma quỷ cũng có tên sao? Để giải thích câu này, ta sẽ tham khảo thêm các Thánh sử khác.

Bài Tin mừng hôm nay được cả 03 Thánh sử Nhất lãm thuật lại: Matthêu (Mt 8, 28-34); Marcô (Mc 5, 1-20); Luca (Lc 8, 26-39)

+ Ở Matthêu: Không có việc Đức Giêsu hỏi tên Thần ô uế.

+ Ở Marcô: “Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?” Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” __ (Ta để ý, thần ô uế trả lời “tên tôi là đạo binh” 02 từ “đạo binh” không viết hoa)

+ Ở Luca: “Đức Giê-su hỏi anh: "Tên anh là gì? " Anh thưa: "Đạo Binh", vì rất nhiều quỷ nhập vào anh.” ____ (Ở Luca, Đức Giêsu hỏi tên của người bị ám, chứ không phải tên của thần ô uế. Như vậy, 02 từ “Đạo Binh” được viết hoa)

Như vậy, ở Marcô ta có thể hiểu như sau, vì thần ô uế nhập vào người này không chỉ có một mà là rất đông, một đạo binh, nên giữa người bị ám và thần ô uế ám dường như là đồng nhất, tức là không còn phân biệt giữa người bị ám và thần ô uế nữa. Theo Luca, Đức Giêsu có ý hỏi tên người bị ám, nhưng vì đồng nhất, nên Marcô đã dùng từ “nó” ____ “Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?”.

“Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” Một đạo binh, con số kinh khủng, vì chỉ cần một tên ám đã đủ làm cho người bị ám rơi vào tình trạng nguy hiểm rồi, huống chi đây là một đạo binh. Không biết Marcô có phóng đại không? Một đạo binh, cũng đủ cho thấy miền Ghê-ra-sa là lãnh địa của ma quỷ.

“Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.” Người cho phép.”

Sự kiện Đức Giêsu cho phép chúng nhập vào đàn heo, là sự kiện khó hiểu nhất trong Bài Tin mừng hôm nay. Tại sao Ngài không trục xuất chúng như đã từng làm trước đây? Cứ từ từ ta sẽ rõ.

Ta để ý cụm từ “khẩn khoản nài xin”, có nghĩa chúng rất sợ, sợ bị trục xuất ra khỏi miền này. Đây là miền chúng có thể tự tung tự tác dễ dàng, có thể nói đó là miền đất màu mỡ, vì mọi người chưa được nghe lời Thiên Chúa. Nhưng chúng cũng thừa hiểu, khi bị trục xuất chúng không thể nhập vào người được nữa, coi như Đức Giêsu đã đặt dấu chấm hết trên chúng, vậy phải có một nơi cho chúng cư ngụ. Vì thế, chúng xin Ngài cho phép chúng nhập vào đàn heo. Con heo, theo quan niệm của người Do Thái, là con vật ô uế, vì thế rất thích hợp với chúng.

Đức Giêsu đã cho phép. Đây là chi tiết khó hiểu nhất của bài Tin mừng, nhưng ta đừng nóng vội, vì đây chính là cái bẫy tự chúng hại mình.

“Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo – chừng hai ngàn con - từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó.”

Đám thần ô uế tuân lệnh, xuất ra khỏi người này và nhập vào bầy heo. Marcô cho biết, đám thần ô uế này chừng 2.000 tên, vì bầy heo có khoảng 2.000 con, cứ mỗi thần ô uế nhập vào một con. Hai Thánh sử kia (Matthêu và Luca) không nói đến con số này, chỉ cho biết đám thần ô uế khá đông. Vâng ta đã quá quen kiểu diễn tả của Marcô, ông hay dùng những kiểu nói ấn tượng, gây sốc và có vẻ cường điệu một chút. Vậy người bị ám sẽ như thế nào với 2.000 tên này, đó phải là tình trạng vô cùng bi đát. Nhưng điều Marcô muốn nói đến, không phải con số 2.000 mà cho biết miền Ghê-ra-sa đã nằm sự khống chế hoàn toàn của ma quỷ, ám khí rất nặng.

“Cả bầy heo – chừng hai ngàn con - từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó”, chi tiết này thật thú vị. Đây mới là lý do tại sao Đức Giêsu cho phép đám thần ô uế nhập vào bầy heo.

Lúc đầu chúng khẩn khoản nài xin Đức Giêsu đừng trục xuất chúng ra khỏi vùng này, mà xin nhập vào bầy heo, Ngài cho phép chúng. Bây giờ cả bầy heo sau khi bị thần ô uế nhập đã hoảng loạn, có lẽ thần ô uế không điều khiển được chúng, chúng từ trên núi tự lao xuống biển, tất cả đều bị chết ngộp, điều này cũng đồng nghĩa cả đám thần ô uế, khoảng chừng 2.000 tên phải trở lại âm phủ, là nơi cư ngụ dành cho chúng. Có lẽ bây giờ ở dưới âm phủ chúng đang chửi mình là ngốc. Vâng đúng là ngốc, tự mình hại mình. 1.999 tên có lẽ đang nguyền rủa thậm tệ cái tên nói ra câu đó. Ở dưới đó chửi nhau cũng phải thôi, không có gì là khó hiểu!

“Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra.”

Các kẻ chăn heo bỏ chạy là phải, vì họ chỉ là kẻ chăn thuê, bây giờ cả bầy heo đã chết, họ biết ăn nói làm sao với chủ đây, ai sẽ tin lời họ, và việc gì sẽ xảy đến với họ. Trước mắt là sự đền bù, kế đó là bị đuổi việc. Như vậy chỉ còn cách “loan tin trong thành và thôn xóm” hòng bảo vệ mình.

Có lẽ trong Kinh thánh chưa xảy ra phép lạ nào làm hại đến người thứ ba, đây là trường hợp duy nhất.

“Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra”, vâng đó là sự kiện gây chấn động mạnh với ai nghe lời kẻ chăn heo kể. Họ phải ra chứng kiến tận mắt. Đức Giêsu đã ra mắt với dân ngoại bằng sự kiện gây chấn động, bằng một phép lạ cả thể, không những trục xuất 01 tên quỷ ô uế mà là 2.000 tên với 01 chỉ lời ra lệnh. Vâng người ta mới thấy được lời của Ngài có quyền năng thế nào.

“Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo – chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bày heo.”

Dân chúng đã đến và chứng kiến tận mắt. Họ thấy gì? Đầu tiên họ thấy Đức Giêsu, có lẽ họ chưa biết Ngài là ai. Nhưng người thứ hai mà họ thấy, đó là người bị quỷ ám trước đây, giờ đã ăn mặc đàng hoàng và rất tỉnh táo, một sự kiện lạ, chính người thứ hai đang ngồi cạnh Đức Giêsu, đã chứng minh Đức Giêsu là một Đấng có uy quyền đang xuất hiện trước mắt họ.

Nhưng có điều chua xót, họ chỉ thấy anh ta với một tình trạng hoàn toàn mới, có thể nói đảo ngược 180 độ, nhưng không để ý Đức Giêsu cho lắm. Họ không thể tưởng tượng, nên họ phát sợ vì đã quá quen với sự hung dữ của người này trước đây. Bây giờ nét hung dữ hoàn toàn biến mất, anh đã trở lại một con người bình thường. nên ai cũng kinh sợ. Không phải kinh sợ vì nét hung dữ, nhưng kinh sợ vì sự thay đổi quá đột ngột.

Câu chuyện về người bị quỷ ám và bầy heo còn văng vẳng bên tai, và trong lúc chưa biết phải đối xử với Đức Giêsu thế nào, họ đã đi đến một quyết định bốc đồng, đầy cảm tính nhất thời. Quyết định đó như sau:

“Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.”

Họ chỉ nhìn thấy 2.000 con heo bị chết, và họ tưởng tượng không biết còn điều gì xảy ra nữa nếu Đức Giêsu còn ở đây, vì đây là miền dân ngoại, là nơi ma quỷ tung hoành ngang dọc, còn khối việc Ngài phải làm. Họ đi đến quyết định: “nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ”, để tránh những thiệt hại kế tiếp.

Thật là một quyết định vội vàng, thiếu khôn ngoan. Đồng ý trước mắt họ đã bị thiệt mất 2.000 con heo, nếu quy ra tiền, nó không phải nhỏ, nhưng họ không thấy được có một mối lợi to lớn dành cho họ và con cháu họ, đó là họ sẽ được nghe lời Thiên Chúa, họ sẽ được ân sủng Thiên Chúa. Với mối lợi to lớn này thì 2.000 con heo có đáng là gì! Thật là dại, khi vì cái nhỏ mà đành bỏ mất cái lớn.

Có lẽ đọc bài Tin mừng đến đây, ta có vẻ hơi thẫn thờ. Một phép lạ cả thể như vậy mà được đón nhận như vậy sao! Ta có thể trách họ không có con mắt nhìn xa trông rộng. Nhưng ta đừng trách họ vội, còn ta thì sao? Có bao giờ vì một mối lợi nhỏ mà ta nhắm mắt làm ngơ trước luật Chúa chưa? Đây là câu hỏi khó trả lời, vì không nhiều thì ít ta đã rơi vào tình trạng đó. 

“Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người. Nhưng Người không cho phép”

Đức Giêsu đành phải lên thuyền trở về Galilê, cuộc loan báo Tin mừng coi như đã thất bại. Đức Giêsu vẫn gặp những thất bại như thế, khi Ngài luôn là mục tiêu công kích, không phải từ dân ngoại, mà từ chính kẻ có đạo, từ giới lãnh đạo Do Thái Giáo. Không phải lúc nào Ngài cũng thành công. Nhưng ta cũng phải công tâm mà nhận rằng, Ngài đã gieo một hạt giống xuống miền Ghê-ra-sa, và sau này người Ghê-ra-sa sẽ là thành phần đáng kể trong Giáo Hội Sơ Khai, đó là việc của Chúa Thánh Thần sau khi Ngài về trời.

Còn người bị quỷ ám trước đây thì sao? Anh ta muốn thay đổi cuộc đời, xin đi theo Đức Giêsu cũng đồng nghĩa với việc đoạn tuyệt dĩ vãng để bắt đầu cuộc đời mới bên cạnh Đấng đã cứu mình. Nhung Đức Giêsu không cho phép. Vì sao?

“Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.”

Đức Giêsu muốn anh là chứng nhân của Ngài ở miền Ghê-ra-sa. Anh cứ về với thân nhân, có nghĩa không phải đi đâu cả, mà trở về nhà của mình, một ngôi nhà bao lâu nay anh chưa trở lại, vì chỗ của anh trước đây là nơi mồ mả. Anh còn có cha mẹ, có người thân là những người luôn yêu thương anh. Chắc họ hạnh phúc lắm khi thấy anh trở về, không phải trong bộ dạng hung dữ, nhưng là một con người bình thường. Đó là cả sự lạ lùng.

Anh trở về ngoài chuyện xum họp, anh còn có nghĩa vụ thuật lại việc Chúa đã thương yêu anh thế nào, Ngài đã làm gì cho anh, như vậy Đức Giêsu đang đòi hỏi anh phải làm chứng cho Ngài. Đó là hạt giống đức tin mà Đức Giêsu để lại miền Ghê-ra-sa.

Ta cũng thế, ta cũng có nghĩa vụ làm chứng cho Chúa, làm chứng về những gì Chúa đã làm cho ta, yêu thương ta thế nào. Ta hãy ca tụng những hồng ân Chúa đã ban xuống cho ta bằng chính đời sống của mình. Ta đang đau khổ ư? Đang thất vọng ư! Có thể là thế, vì cuộc đời vô cùng phức tạp. Nhưng ta đừng sống nhỏ nhen khi quên mất bao ơn lành Chúa đã ban cho ta. Vậy hãy quên tất cả những uẩn khúc đó đi, nó không đáng gì hết so với những điều to lớn. Ta hãy hăng hái trở lại, lấy lại niềm tin để bắt đầu cuộc sống mới, trong năm mới Giáp Ngọ 2014 này.

“Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc”

Anh ta vâng lời Đức Giêsu, nhưng anh đã làm hơn cả điều Đức Giêsu mong đợi. Ngài chỉ yêu cầu anh về nhà và thuật lại cho người thân của mình thôi. Nhưng anh chưa về nhà, mà đi khắp miền Thập Tỉnh, là miền của 10 thành phố dân ngoại, rao truyền việc Đức Giêsu đã làm cho anh. Lời nói của anh có sức thu hút đặc biệt, vì mọi người đã biết anh trước đây thế nào, họ kinh hãi không dám đến gần, mà giờ đây đã hoàn toàn khác.

Marcô chỉ diển tả một câu thật ngắn gọn kết thúc Bài Tin mừng hôm nay: “Ai nấy đều kinh ngạc”. Cụm từ “ai nấy” có nghĩa tất cả mọi người.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2927
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  26
 Hôm nay:  2002
 Hôm qua:  2017
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12350064

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn