Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Thường Niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ bảy tuần II thường niên năm chẵn.

Kính Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại.

 

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Thường Niên năm chẵn
(25/01/2014) - (Mc 16, 15-18)
Thánh Phao-lô, Tông đồ, trở lại.
(Kết thúc tuần lễ cầu cho các kitô hữu hợp nhất)

 


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.

Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe.”
__________________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”

Chương 16 là chương cuối cùng của Tin mừng Marcô, thuật lại biến cố Đức Giêsu phục sinh. Với phong cách của mình, Marcô trình bày Chương này rất ngắn gọn và cô đọng, ông không trình bày các lần Đức Giêsu hiện ra như Tin mừng của các Thánh sử khác, mà Chương 16 này chỉ là bảng liệt kê các sự kiện. Nhưng bù lại, ông mô tả rất chi tiết lệnh truyền của Đức Giêsu cho các môn đệ, đó là: đi loan báo Tin mừng.

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ”. Việc đầu tiên các môn đệ phải làm, đó là “đi”.

Vâng, các ông phải đi, đi ra khỏi cái nôi mấy năm nay các ông đã ở, đó là sống bên cạnh và gần gũi với Đức Giêsu để được Ngài dạy dỗ và hướng dẫn. Các ông được Ngài dạy dỗ nhiều điều, được nhìn thấy việc Ngài làm, được nghe bao điều tâm huyết. Bây giờ đã đến lúc các ông phải ra đi, vì Đức Giêsu không còn ở với các ông một cách hữu hình nữa. Các ông phải bắt đầu lao vào cánh đồng Truyền giáo.

“Đi khắp tứ phương thiên hạ”, Đức Giêsu không nói các ông đến miền nào, mà là đi khắp nơi. Cụm từ “Tứ phương thiên hạ”, có nghĩa chỗ nào có con người hiện diện, đó là nơi các ông phải tới, nói cụ thể hơn đi đến tận cùng thế giới. Vì Nước Thiên Chúa không được phép đóng khung trong nước Do Thái, ơn Cứu Chuộc không dành riêng cho người Do Thái mà nó sẽ dành cho tất cả mọi người và qua mọi thời đại.

Nhưng “tứ phương thiên hạ” không thể là điểm khởi đầu của Giáo hội, vì làm vậy chẳng khác gì phân tán, là phân mỏng và cuối cùng đi đến chỗ tiêu diệt. Khởi đầu bao giờ cũng xuất phát từ một điểm cụ thể, đó là Giêrusalem. Từ bài giảng đầu tiên của Phêrô, sách Tông đồ Công vụ viết: “Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.” (Cv 2, 41) “Đã có thêm”, có nghĩa trước đó đã có người tin theo, con số là bao nhiêu, ta không được rõ, bây giờ có thêm ba ngàn người gia nhập, Giáo hội đã trở thành tập thể đáng kể và có tầm ảnh hưởng.

Nhưng Giáo hội chỉ tồn tại và phát triển khi nó trở thành một cộng đoàn, cộng đoàn yêu thương và đoàn kết, có luật lệ hẳn hòi để duy trì sự đoàn kết đó. Sách Công vụ Tông đồ viết: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.” (Cv 2, 42-45)

Sự lớn mạnh của Giáo hội bắt đầu bị các nhà lãnh đạo Do Thái giáo chú ý và tìm mọi cách chống phá. Các vua chúa quan quyền ra tay bách hại. Giáo hội chịu cuộc bách hại liên tục gần 300 năm, cuộc bách hại thảm khốc nhất xảy ra dưới thời bạo chúa Nero.

Ai cũng nghĩ Giáo hội sẽ bị tiêu diệt, vì nó chỉ là nhóm nhỏ so với toàn thể, nhưng không ngờ trong cuộc bách hại này, vô tình làm cho lệnh truyền của Đức Giêsu được thực hiện: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ”. Các Tông đồ phải dạt sang các miền khác, và đi đến đâu Tin mừng lại được loan truyền đến đó.

Thánh Phaolô mà chúng ta mừng kính sự trở lại hôm nay, ông đã thực hiện 03 cuộc truyền giáo vào các năm: (45-49); (50-52); (53-58) và chuyến cuối cùng bị giải từ Giêrusalem về Rôma để thụ án do chính quyền tố cáo. Công cuộc truyền giáo của Phaolô đã đưa rất nhiều dân ngoại vào với Giáo hội.

Các môn đệ đi tứ phương thiên hạ để làm gì? Xin thưa: Để loan báo Tin mừng, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Ngài đã chịu khổ nạn, đã chết và đã phục sinh. Các ông loan truyền cho ai? Xin thưa: cho mọi loài thụ tạo.

“Mọi loại thụ tạo”, ở đây Marcô muốn nói đến không những Tin mừng được loan báo cho loài người, mà còn cho mọi loài được Thiên Chúa tạo dựng, vì cụm từ “mọi loại thụ tạo” ám chỉ tất cả vũ trụ này. Vậy thử hỏi, ngoài con người có linh hồn ra, thì không có loài nào có linh hồn nữa, chẳng lẽ Tin mừng cũng phải được loan báo cho loài không có linh hồn sao? Chẳng hạn như: con chó con mèo, con gà con vịt, con trâu con bò,... sao? Chúng biết gì mà loan báo cho chúng.

Để hiểu được lời Đức Giêsu, ta phải trở về thời ban đầu. Sau khi tạo dựng vũ trụ và con người, Thiên Chúa đã đặt con người làm chủ, cai quản vũ trụ. Như vậy bao lâu con người còn sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, muôn loài được Thiên Chúa chúc phúc. Nhưng thực tế con người đã phạm tội, bị chúc dữ và bị trục xuất ra khỏi vườn Địa đàng, như vậy cả vũ trụ này cũng bị chúc dữ theo. Đây là sự liên đới giữa con người với vũ trụ.

Một khi con người được cứu độ, và cũng vì liên đới, cả vũ trụ này cũng được cứu độ. Như vậy lời Đức Giêsu nói: “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”, có nghĩa loan báo cho con người, và vũ trụ được cứu độ qua sự cứu độ của con người.

“Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.”

“AI TIN VÀ CHỊU PHÉP RỬA, SẼ ĐƯỢC CỨU ĐỘ” Ta chú ý đến 02 hành vi: Tin – Chịu phép rửa, ta không được bỏ bớt hành vi nào. Phải tin vào Đức Giêsu và chịu phép Rửa thì mới được cứu độ. 

“CÒN AI KHÔNG TIN, THÌ SẼ BỊ KẾT ÁN”, câu này dễ làm cho nhiều người hiểu lầm vì nghĩ rằng, nó mang tích chất đe dọa, hóa ra con người đang bị áp lực, và khi một khi bị áp lực thì sự cứu độ sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Sự thực không phải như vậy.

“Bị kết án”, vậy ai sẽ là người kết án kẻ không tin? Thánh sử Gioan viết: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.” (Ga 3, 17-19)

Điều khẳng định thứ nhất, đó là: Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian. Như vậy sự kết án đó không do Thiên Chúa.

Điều khẳng định thứ hai: Kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.

Như vậy với kẻ không tin, chính họ đã vạch ra cho mình một bản án, tự họ trốn chạy ánh sáng, trốn chạy sự sống để lao vào bóng tối và sự chết. Họ đã tự kết án mình. Như vậy câu nói của Đức Giêsu: “còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” là sự thật chứ không được phép hiểu là lời đe dọa.

“Còn ai không tin”, cụm từ này phải được giải thích rõ hơn, khi nói “không tin”, ta phải hiểu người đó đã được nghe nói đến Tin mừng, nhưng cố chấp không chịu tin. Như vậy với người chưa được nghe đến Tin mừng, nhưng vẫn ăn ngay ở lành theo lương tâm mình, thì không được kể vào số những người bị kết án Marcô đã nói.

“Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin”

Đức Giêsu đưa ra một bảo chứng cho những ai tin. Ngài từng nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em.” (Lc 17, 6) Như vậy, tự bản thân đức tin đã ban cho người tin một sức mạnh mãnh liệt, người đó chỉ cần dùng lời nói của mình mà có thể thay đổi cái gì vững chắc, như bật rễ một cây cao lớn,... Một đức tin nhỏ bé bằng hạt cải lại có sức mạnh như vậy sao! Như vậy, những lời Đức Giêsu sắp nói, là một bảo chứng cho những ai tin Ngài.

“Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe.”

“Nhân danh Thầy”

Sau khi Phêrô chữa một người què tại Cửa Đẹp Đền thờ Giêrusalem, ông bị bắt và giải ra Thượng hội đồng Do Thái. Tại Thương hội đồng, Phêrô tự biện minh cho mình: “Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." (Tđcv 4, 10-12)

“không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” Như vậy Phêrô đã khẳng định: không còn danh nào khác ngoài Danh Đức Giêsu được ban cho con người.

Vấn đề là, ta phải nhân danh ai khi làm những việc có tính chất cứu nhân độ thế? Ta có được phép nhân danh ta không? Xin thưa: Không, vì sức mạnh giúp ta làm được việc này việc nọ, nó không phải tự nơi ta mà từ phía khác. Có phải do con người không? Xin thưa: Không, vì họ cũng yếu ớt như ta. Vậy ta phải nhân danh ai? Trong bài Tin mừng hôm nay, Marcô muốn nhấn mạnh rằng, những người đã tin vào Đức Giêsu, họ chỉ có thể trừ được quỷ, nói được tiếng mới lạ,... chỉ khi nào họ nhân danh Đức Giêsu. Như vậy, ngoài danh Đức Giêsu, chỉ còn là dối gạt và hư danh.

Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ:

(1) Khai trừ quỷ: Phaolô truyền cho quỉ xuất khỏi người đầy tớ tại Philippi (Tđcv 16, 18).

(2) Nói được những tiếng mới lạ: Các Tông-đồ nói các thứ tiếng của thổ dân trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Tđcv 2,1-11).

(3) Tránh được nguy hiểm: Phaolô đã vượt qua rất nhiều nguy hiểm trong 3 chuyến truyền giáo như: ra khỏi tù do thiên thần hướng dẫn, bị ném đá tưởng chết mà vẫn chỗi dậy để tiếp tục rao giảng, vượt qua bao nhiêu những ghen tị và xúi giục của những đối phương Do-thái.

(4) Chữa lành: Điều này đã được làm bởi Phêrô, Phaolô, và rất nhiều môn đệ.

Ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao ngày xưa các tông đồ làm được những phép lạ cả thể, mà ngày nay ta không thấy điều đó nơi các môn đệ, những chứng nhân của Đức Giêsu?

Xin thưa: Thế hệ đầu tiên đã được ơn đặc biệt như thế để khai sinh ra Giáo Hội. Như ta biết sự khai sinh cái gì đó luôn kéo theo những sự kiện trọng đại, huống chi là khai sinh Giáo hội, nó là sự bùng nổ, sự chấn động đối với người đương thời.

Còn chúng ta, những ơn này bây giờ vẫn được ban, nhưng dưới những hình thức khác, tuy không ngoạn mục, nhưng sâu xa và bền vững hơn.

Chẳng hạn, ngày nay ta được hiểu biết Kinh thánh nhiều hơn và sâu sắc hơn, sự hiểu biết đó đa dạng và phong phú, vì nó là những kết quả suy tư thần học của rất nhiều người. Hoặc ngày nay, ta có nhiều điều kiện thi thố lòng quảng đại của mình đối với người nghèo, người bất hạnh, dưới hình thức cá nhân hay tập thể. Và nhất là ta đang được thừa hưởng những thành quả khoa học, như mạng truyền thông để đem lời Chúa đi nhanh hơn và rộng lớn hơn.

Amen.

Jos. Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2064
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  21
 Hôm nay:  1503
 Hôm qua:  2895
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12347548

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn