Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa Mồng Ba tết Giáp Ngọ 2014

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa Mồng Ba tết Giáp Ngọ 2014

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa Chúa Nhật IV Thường Niên Năm A. 
MÙNG BA TẾT GIÁP NGỌ - THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM. 
(02/02/2014) - (Mt 25, 14-30)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

“Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi.

Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hường niềm vui của chủ anh!’ Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!’

Ông chủ đáp: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có thì cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
________________________________

Ý NGHĨA LAO ĐỘNG – THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM:

Sách Sáng Thế Ký viết: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.” (Stk 2, 15). Như vậy ngay từ thưở ban đầu con người sau khi được Thiên Chúa tạo dựng, đã được Ngài đặt vào vườn Ê-den để lao động, cộng tác với Công trình sáng tạo của Ngài. Đó là vinh dự lớn lao mà một tạo vật đã được Đấng Tạo Hóa mời gọi.

Có nhiều người ngây ngô khi đọc những dòng đầu tiên của sách Sáng Thế Ký. Họ cho rằng Thiên Chúa đã dựng nên trời đất muôn vật, trong đó có con người trong vòng 06 ngày, còn ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi và “Ngày” được hiểu theo quan niệm bây giờ. Thực ra đây là lối nói của Kinh Thánh để diễn tả chân lý tôn giáo, chứ không phải trình bày sự thực theo khoa học. Kinh thánh chỉ muốn xác quyết, tất cả vũ trụ, thiên nhiên và con người đã được Thiên Chúa tạo dựng. Tạo dựng trong bao lâu và tạo dựng bằng cách nào, Kinh thánh chỉ dùng những hình ảnh dễ hiểu để diễn tả.

Ta có thể nói, Công trình Sáng tạo vẫn đang được tiếp tục cho đến ngày hôm nay, vì mỗi ngày sự thay đổi của vũ trụ đang diễn ra, cái mới vẫn đang xuất hiện. Như vậy lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho con người, tiếp tục cộng tác tác vào Công trình sáng tạo của Ngài vẫn có giá trị. Ngài v6ãn mời gọi chúng ta qua cuộc sống lao động. Như vậy, ta có thể nêu được ý nghĩa của 02 từ “lao động” như sau:

+ Lao động mang ý nghĩa là sự cộng tác của con người vào Công trình sáng tạo.
+ Lao động là phương cách thánh hóa bản thân mình, vì chỉ có trong lao động, tài năng con người mới phát triển
+ Làm ra của cải vật chất nuôi sống bản thân mình, và góp phần vào sự tiến bộ văn minh nhân loại.

Như vậy, với những ai lười biếng, không chịu lao động họ sẽ là những kẻ ăn bám, và quan trọng hơn họ đã phản bội lời mời gọi của Thiên Chúa.

Thánh Gioan viết: “Đức Giê-su nói: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc." (Ga 5, 17) Có nghĩa Công trình Sáng tạo vẫn đang tiếp tục, và Đức Giêsu là mẫu gương lao động cho chúng ta. Ngài làm việc không ngừng.

Thánh Phaolô nêu gương và khuyên nhủ các tín hữu về giá trị của lao động. Trong sách Tông đồ Công vụ, thánh Phaolô nói: "Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." (Cv 20, 34-35).

Trong thư thứ hai gửi tín hữu Thêxalônica, thánh Phaolô khẳng định: "Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em"(2Tx 3,8) hay ngài chỉ thị "ai không chịu làm thì cũng đừng ăn" (2Tx 3,10).

Như vậy với những ai lười biếng không chịu lao động, Thánh Phaolô gọi họ là những kẻ ăn bám.

Giáo Hội đã dành ngày Mùng Ba Tết Âm lịch để thánh hóa công ăn việc làm. Công ăn việc làm bây giờ không đơn thuần là nuôi sống bản thân, mà nó còn mang ý nghĩa cộng tác với Thiên Chúa vào Công trình Sáng tạo, đồng thời thánh hóa bản thân mình. Chính vì thế nó phải được thánh hóa.
______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.”

“Quả thế”, nó diễn tả sự liên quan Bài Tin mừng hôm nay với dụ ngôn Mười cô trinh nữa”, có nghĩa Đức Giêsu muốn chúng ta phải tỉnh thức và khôn ngoan đón chờ ngày Chúa đến riêng mình, và đón chờ ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang, để phán xét toàn thể nhân loại.

“Có người kia sắp đi xa”, người kia ám chỉ Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Ngài sắp đi xa, có nghĩa Ngài không hiện diện hữu hình bên cạnh các môn đệ và chúng ta. Sự vắng mặt này tạo cơ hội cho môn đệ sống trưởng thành hơn.

“Liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.” Đầy tớ ở đây ám chỉ chúng ta. Ông chủ sắp sửa đi xa, và ông đang đi một bước liều, đó là giao phó của cải mình cho đầy tớ. Khi chọn phương án này ông đang đánh một canh bạc lớn, có thể của cải ông sẽ bị mất, coi như ông thất bại. Nhưng nếu đầy tớ trung thành với ông thì đây sẽ là dịp họ bày tỏ lòng trung thành của mình.

“Ông cho người này năm yến, người kia hai yến người khác nữa một yến, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi.”

Theo các nhà chú giải, mỗi một yến ở đây tương đương với giá trị 10.000 ngày công lao động của công nhân bậc trung. Như vậy số tiền được giao cho mỗi người là một con số khá lớn. Họ có thể gầy dựng cho mình một cuộc sống riêng nếu họ muốn bỏ trốn. Số tiền khá lớn này nói lên Tình yêu của Thiên Chúa khi ban ân sủng dồi dào xuống trên mỗi người, Ngài luôn ban cách dư dật.

Cách giao của ông chủ cũng khác thường, ông không giao đồng đều nhưng có sự chênh lệch khá lớn, người 05 yến, người 02 yến và người 01 yến. Matthêu nói rõ lý do, là vì “tùy khả năng riêng mỗi người”. Ông chủ giao như vậy là hợp tình hợp lý, và Matthêu không cho thấy có phản ứng nào của các đầy tớ. Họ không nêu thắc mắc tại sao tôi được giao nhiều, hoặc tôi được giao ít. Họ chỉ biết nhận phần của mình và bắt đầu lao động để sinh lời.

Thiên Chúa cũng trao cho mỗi người các khả năng, giao nhiều hay ít là do Ngài muốn, và ta không thể phản ứng, vì Ngài giao cho ta vào lúc ta không ngờ. Vấn đề ta phải làm hết sức mình với số yến bạc được giao.

“Rồi ông ra đi”, có nghĩa Thiên Chúa sẽ ẩn vào bóng tối để ta thi triển hết khả năng của mình. Ngài để ta toàn quyền quyết định với khả năng ta đã lãnh nhận. Như vậy ta phải là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc đời mình.

“Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.”

Cụm từ “lập tức”, nói lên sự đáp trả mau mắn của con người trước hồng ân Thiên Chúa. Phải hành động ngay tức khắc không được trì hoãn.

“Đi làm ăn buôn bán”, nhấn mạnh đến làm việc có hiệu quả. Ông bà ta có câu “Phi thương bất phú”, có nghĩa thương mại, đó là nghề sinh lợi nhanh nhất. Ở đây ý muốn nói người lãnh 05 yến đã chọn cách thức, đường lối, phương án,... để làm sinh lợi nhanh nhất và hiệu quả nhất. Người lãnh 02 yến cũng vậy, chọn cho mình cách làm việc hiệu quả nhất.

Ngày nay người ta đề cao hiệu năng, có nghĩa bỏ sức ít hơn nhưng kết quả nhiều hơn, đó mới là cách làm việc hiệu quả nhất. Chính vì thế ta phải luôn kết hợp giữa lao động chân tay và lao động trí óc. Do chịu khó suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi mà ngày nay, sức lao động bỏ ra càng ít hơn nhưng sản phẩm càng nhiều hơn. Thiên Chúa, mặc dù “đã đi xa” như trong dụ ngôn đề cập, nhưng Ngài vẫn hiện diện với con người và chúc phúc cho những nỗ lực của họ.

Giao 05 yến, làm lợi 05 yến; giao 02 yến làm lợi 02 yến. Nó muốn nói lên điều gì? Vấn đề ở đây không phải ở con số 5 hoặc 2, mà là sinh lợi 100%. Con số 100%, chứng tỏ họ đã làm việc hết khả năng của mình, thể hiện tình yêu của người đầy tớ đối với chủ, thể hiện hết lòng trung thành của ta với Thiên Chúa. Đây mới là điều đáng nói, đáng tuyên dương.

“Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.”

Người lãnh 01 yến đã chọn phương án tiêu cực, vô trách nhiệm. Anh ta chỉ muốn hoàn lại cho chủ tròn số mà chủ đã giao, không làm thiệt hại cho ông. Như vậy, những ai không sử dụng các phương tiện Chúa ban là tài năng, tiền bạc, danh dự... để làm lợi cho Chúa, chính là kẻ đã chôn giấu nén bạc của Chúa giao cho mình.

Nhưng thử hỏi người đầy tớ lười biếng kia không làm thiệt hại cho chủ sao? Y cứ nghĩ rằng chôn yến bạc, sau đó hoàn lại cho chủ như vậy là công bằng, nhưng anh ta đã quên mất một điều, đồng tiền không đưa vào lưu thông là đồng tiền chết, có nghĩa nó bị mất giá. Người không chịu phát triển khả năng Chúa ban cũng thế, khả năng sẽ bị mai một nếu không lao động. Vì chỉ trong lao động, khả năng của ta mới có cơ hội phát triển.

“Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.”

“Sau một thời gian lâu dài”, Matthêu cho biết, thời gian Chúa ban cho mỗi người quá đủ, không ai được quyền trách Chúa, tôi không có thời gian, Giờ Chúa gọi mỗi người, tuy là điều bất ngờ, nhưng thật không bất ngờ với những ai đã có sự chuẩn bị và đã sống hết mình. Thời gian ông chủ về, có thể hiểu là ngày tận thế và cũng có thể hiểu là thời điểm chấm dứt cuộc đời trần thế của mỗi người. Bây giờ là lúc phải trình diện trước tòa Chúa phán xét.

“Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’ Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hường niềm vui của chủ anh!”

Hai người, người lãnh 05 yến và người lãnh 02 yến, đều trình bày phần lời đã sinh ra, cả hai đã được ông chủ khen ngợi, nó giống như ta đã dùng khả năng Chúa ban để làm vinh quang Chúa và mưu ích cho người khác. Hình như phần của 02 người này giống nhau, giống nhau từ phần trình bày đến lời khen của ông chủ, ta chỉ cần phân tích 01 người. Trong phần trả lời của ông chủ, ta để ý:

+ “Được giao ít mà anh đã trung thành”. Mặc dù 05 yến hay 02 yến là số tiền lớn (01 yến = 10.000 lương ngày công), nhưng khi so với thực tại Nước Trời, nó không là gì hết, vì đó chỉ là giá trị trần thế. Vì thế ông chủ mới nói “Được giao ít mà anh đã trung thành”.

+ “thì tôi sẽ giao nhiều cho anh”, ông chủ sẽ giao nhiều, ông sẽ giao những gì mang giá trị Nước Trời.

+ “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”, đây chính là phần thưuởng cho 02 đầy tớ trung thành. Vào hưởng niềm vui, đó là được vào sống trong đời sống nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa.

“Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!”

“cũng tiến lại gần”, có nghĩa dù sang hèn, dù giàu nghèo, ai cũng phải lần lượt ra trước Tòa Chúa phán xét.

“tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”, đây là câu nói ngụy biện của người đầy tớ lười biếng, nó chứa đựng thành kiến (tôi biết ông) và sự bất trung. Cho dù ông chủ có đúng như vậy đi nữa, thì đó cũng không phải lý do mà người này nại ra, vì anh ta ăn lương của chủ thì phải làm theo ý chủ.

“Vì thế, tôi đâm sợ”, chứng tỏ người đầy tớ này không có lòng yêu mến chủ, nên anh ta không muốn làm lợi cho chủ. Anh ta đã đem chôn giấu nén bạc của chủ giao và nghĩ rằng: "Ta chỉ cần giữ sao cho nén bạc ấy khỏi bị kẻ trộm lấy mất, để tránh bị trừng phạt là đủ".... Cũng vậy, những ai không chịu sinh lời các tài năng Chúa ban, là dấu chỉ họ không có lòng mến Chúa.

“Của ông đây, ông cầm lấy”, kiểu nói của con người sống sòng phẳng theo lý mà không có chút tình trong đó, nó không biểu lộ lòng trung thành. “Của ông đây, ông cầm lấy”, đây là câu nói ngụy biện, của ông chủ không phải như vậy, mà còn hơn thế nữa, vì yến bạc của người này đã bị trượt giá.

Với những ai lười biếng, không chịu làm việc, họ đã làm mai một tất cả các khả năng Chúa đã ban cho, nếu không muốn nói làm thui chột những khả năng đó.

“Ông chủ đáp: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!”

“Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác”, đây là câu đầu tiên ông chủ dành cho đầy tớ lười biếng, tương phản hoàn toàn 02 người đầy tờ siêng năng chăm chỉ kia. Thiên Chúa cũng phán câu đầu tiên với người biếng nhác như thế, trước khi bắt đầu luận phạt trong ngày phán xét. Hy vọng đó không là câu Chúa nói dành cho ta. Muốn được như vậy, ta hãy bắt chước 02 người đầy tớ kia, sống hết mình với những ân huệ chúa ban cho ta trong cuộc đời này.

“Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!”. Cứ cho là ngươi đã nói đúng đi, thì nhất thiết ngươi cũng không để đồng tiền chết. Nếu ngươi có lười biếng, thì cũng phải gửi vào ngân hàng, để chủ ngân hàng sinh lợi thay cho ngươi.

“để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!”. Đồng tiền bắt buộc phải sinh lợi. Như vậy người đầy tớ lười biếng không có gì để trình diện với chủ, ngoài phần của chủ giao. Anh ta hoàn toàn “trần trụi” trước mặt ông.

Không biết khi ta trình diện trước tòa Chúa phán xét, ta có gì trình lên Ngài không? Nếu muốn có gì, thì ta đừng bắt chước người đầy tớ này, mà hãy lao động hết mình, phát huy hết các ân huệ Chúa đã giao.

“Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có thì cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.”

Với những ai không phát huy khả năng của mình, sẽ bị Chúa lấy lại. Thực ra không phải Chúa lấy, mà họ đã làm mất, làm mai một ân huệ Chúa ban, làm khả năng Chúa ban cho mình bị thui chột.

Tại sao ông chủ lại lấy phần của đầy tớ làm biếng mà trao cho người có mười yến? Ta hãy nghe tiên tri Isaia giải thích: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Is 55, 10-11).

Lời Chúa được ví như Ân huệ Thiên Chúa. Ân huệ của Thiên Chúa như mưa tuyết sa xuống, và Chúa đã phán: “một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó”. Ân huệ đó phải sinh kết quả, nếu người này vì biếng nhác đã làm mai một nó, thì Ngài sẽ giao cho người siêng năng chăm chỉ, biết phát huy.

Khi Thiên Chúa lấy lại, Ngài sẽ lấy hết những gì người lười biếng đang có, vì để cho họ sở hữu cũng uổng phí, chẳng ích gì nữa, không sinh lợi thêm và tương tự Ngài sẽ giao cho người có 10 yến, cho dù họ đã có, Ngài sẽ giao cho họ, vì giao cho những người này, ân huệ của Chúa sẽ trở lên phong phú.

“Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Số phận của tên đầy tớ vô dụng đã được định đoạt. Chỗ dành cho y đó là nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Đây là kiểu nói của Kinh thánh, ám chỉ HỎA NGỤC.

Đức Giêsu đã hé mở cho ta biết phần nào đời sống trong Hỏa ngục, đó là nơi chỉ có đau khổ, đau khổ nhiều đến nỗi phải khóc, không phải khóc giây lát nhưng là khóc vĩnh viễn. Đó cũng là nơi chỉ có căm hận, căm hận nhiều đến nỗi phải nghiến răng, cũng không phải chỉ nghiến răng giây lát nhưng là nghiến răng vĩnh viễn. Đó cũng là nơi tối tăm, tối tăm tuyệt đối.

Sự mạc khải của Đức Giêsu phần nào về Hỏa ngục, không phải để hù dọa những người nhát đảm, nó không làm cho ta yêu Chúa vì sợ Hỏa Ngục, nếu như vậy thì Tình yêu của ta đối với Chúa sẽ là gì? Xin thưa, rất vị kỷ, ta yêu Chúa chỉ vì ta không muốn mình bị sa Hỏa ngục, ta yêu Chúa là vì ta.

Tình yêu nó phải vô vị lợi, nó không vì cái gì hết, không phải vì ta. Nhưng ta yêu Chúa, do Chúa đã yêu ta trước và ta muốn sống trong nguồn hạnh phúc đó. Chúa dựng nên ta, và đã trao cho ta rất nhiều nén bạc, đó là những tài năng còn ươm mầm, là khả năng yêu thương, để ta làm sinh lời trong cuộc đời này, đó là nhận biết Ngài và biết Ngài trong những anh em khó nghèo chung quanh. Ta phải lảm việc, phải lao động để tất cả các khả năng Chúa ban được phát triển rực rỡ, để cộng tác vào Công trình Sáng tạo của Thiên Chúa, để thánh hóa bản thân mình, để nuôi sống mình, gia đình mình, và có điều kiện giúp đỡ người khác.

Đó là ý nghĩa của ngày Mùng Ba Tết – “Thánh hóa công ăn việc làm” hôm nay.

Amen. Jos. Nguyễn Viết tâm 


Trở lại      In      Số lần xem: 2075
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  21
 Hôm nay:  1750
 Hôm qua:  2017
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12349812

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn