Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

TỪ KINH MÂN CÔI ĐẾN PHÉP NGẮM RÔ-SA, VÀ…

TỪ KINH MÂN CÔI ĐẾN PHÉP NGẮM RÔ-SA, VÀ…

TỪ KINH MÂN CÔI ĐẾN PHÉP NGẮM RÔ-SA, VÀ…

 

 

Lễ rồi, Con lạc, Mẹ tìm Con

Lòng Mẹ ba ngày rất héo hon

Đoạn trở vào đền, tìm lại thấy

Con về, giữ vẹn đạo thần hôn

Lạy ơn Đức Mẹ nhân thay

Xin vỉ sự nhiệm mầu này, xuống ơn

Cho con lòng thật ăn năn

Soi gương phúc đức, siêng năng, vâng lời.

 

1.- Trên đây là trích đoạn )câu 73-80) từ tác phẩm Văn Côi Thánh Nguyện Tán Tụng Thi Ca – một chuyển thể từ KINH MÂN CÔI (văn xuôi) sang ca vãn (thi ca) về ngắm thứ năm mùa vui – Đức Bà tìm được Đức Chúa Giê-su trong đền thánh, ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn – mà dân gian nhà đạo mình xưa nay quen miệng gọi là Phép Ngắm Đức Bà Ro-sa.

 

Bản kinh văn này từ khởi thủy (giữa thế kỷ XIX) đến nay vẫn được ca xướng suốt tháng 10 dương lịch để dâng kình Đức Mẹ Mân Côi, nơi các cộng đoàn dân Chúa ở đồng bằng Bắc Bộ. Đọc lại và ngâm ngợi những câu thơ trên theo đúng cung giọng ca vãn xưa, tự dưng có liên tưởng, muốn dung hợp những tác phẩm thuộc thể loại “Từ, Khúc, Hành, Vãn, Ca Ngâm, và Hát Nói” trong dòng văn học cổ điển Việt Nam với Nhã Ca, Gióp, Cách Ngôn, Huấn Ca hoặc thánh vịnh của Đa-vít trong kho tàng Cựu Ước, ít nữa là về mặt hình thức diễn cảm. Một gặp gỡ diệu ký giữa đức tin và văn hóa, giữa cung bậc hàn lâm với hình hài, gọng điệu của văn chương nghệ thuật, giữa kinh sách trang nghiêm với thi ca hào phóng. Thật lạ đời, tại sao người ta không đọc buông, không đọc trơn tuột ngang bằng như lời nói (Recto Tono) cửa miệng, mà phải nhấn nhá theo vần điệu, phải vận động liền mạch liền hơi và chuyển lưu bằng chính nguồn năng lượng đặc thù của thi pháp? Có nghịa là phải “Thi Ca Hóa” để ngân nga luyến láy, để hát xướng bổng trầm, khoan nhặt và để chắp cánh cho dòng cảm xúc trào dâng theo cung bậc ai bi hoặc rộn rã. Như thế, rõ ràng không phải là một cuộc phiêu lưu của ngôn ngữ ngẫu hứng, lãng mạn. Nhưng bằng ngôn ngữ và hình tượng của riêng mình, thi ca đã bắt chuyện làm quen được, đã gắn bó đồng cảm đã nối mạng được với những thần thiêng, những phi vật thể ở một tầng bậc khác, ở bên ngoài và trên thế giới phàm tục. Hệt như khi người vũ công Ballet phải lướt đi trên mười đầu ngón chân thì chính họ đang muốn nói với ta về một thể hiện bay bổng lên khỏi mặt đất, một ước mơ đến cháy lòng. Hình thức có nội dung của nó là vậy. Độc đáo của sự tồn tại nằm ở chỗ, nó là sự thể hiện của cái vô hạn trong cái hữu hạn, của dư âm quá khứ còn vang bóng trong hiện tại và của mênh mông tinh thần trong vật chất phù du , dễ vỡ. Hóa ra, sự xuất hiện hàng loạt những Côn Sơn ca, Quỳnh Uyển Cửu Ca, Gia Huấn Ca (đời Hồng Đức 1470 – 1497) và những Ngọa Long Cương Vãn, Tư Dung Vãn, Sơ Kính Tân Trang, Chinh Phụ Ngâm Khúc, Cung Oán Ngâm Khúc, Ai Tư Vãn, Tự Tình Khúc, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca (từ thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX) đã được các nhà viết văn học sử quan niệm như là một hiện tượng đột biến về văn học, một chuỗi nổ lực hoài hủy của thi nhân Việt Nam muốn vượt thoát ra khỏi cái vòng kiềm tỏa, ức chế về vần – luật – niêm – đối vốn vay mượn của cổ thi, Đường Luật. Để phóng khoáng. Để Tự Do. Và để thăng hoa được những tình ý thác ngụ. Tường hợp những Sấm Truyền Ca (1670) của Thầy Cả Lữ Y Đoan, I-nê Tử Đạo Vãn (1700) Nước Trời Ca (1842) của Phi lip phê Phan Văn Minh, Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca, có lẽ cũng không đứng bên lề dòng chảy vồn vã hoan ca ấy.

 

2.- Cũng vậy, nếu kinh sách nhà đạo mình chỉ thuần là một mớ từ ngữ lắp ghép lại thành câu cú giáo khoa mà không kết dính thỏa hiệp với vần điệu, không hài hòa theo cung sắc cung bậc và không được xướng ca, tụng đọc, diễn nguyện rộng ra một công chúng thuần thành trong khung cảnh lễ nhạc và cảm xúc của địa phương hóa thì việc cử hành phụng tự kia ắt sẽ không tránh khỏi những miếng mãng khô khan, xa lạ, đơn điệu và nhàm chán. Cũng may, người Việt mình, từ bẩm sinh ưa ca hát, thích ví von, sành ngâm vịnh. Và tiếng Việt của mình, quý hóa thay, lại là một ngôn ngữ giáu âm nhạc, giàu hình tượng trong biểu cảm, trong diễn đạt. Cho nên, có để tâm nghiền ngẫm lời lẽ trong kinh sách cũ, mới thấy cái dụng công của cha ông ta xưa trong việc chuyển dịch-biên soạn và tập tành – từ chữ Hán, chữ Nôm đến Quốc Ngữ - đã thật sự khơi mạch bắt nguồn từ vốn liếng được chắt lọc rất kỹ từ kho tàng quý báu trời cho ấy. Từ đọc kinh, xướng kinh, nguyện kinh đến tụng kinh, vãn kinh và hát kinh. Từ cung sách đến cung kinh là cả một trường đoạn công phu và nghiêm túc, có bài bản, có chương khúc, có vần điệu và ngữ nghĩa. Nói khác đi, kinh văn nhà đạo mình vừa thấm đẫm nhạc điệu, vừa dìu dặt hồn thơ về mặt hình thức, lại vừa chuyển tải được nội dung là những mầu nhiệm, những tín điều, cùng những cãm nghiệm thiêng liêng của người đọc – người vãn dựa trên cơ sở một tâm tình đạo hạnh Việt Nam. Dường như cái cảm xúc từ cơm gạo đồng đất của đời thường tự nhiên đã đượuc tắm rửa thanh thoát bằng mưa móc của thi ca, xực nức trầm hương gỗ quý bạch đàn, trắc bá và đã thấm nhuần đầy ơn phúc của Chúa Trời. Thơ đã là kinh trong thần vụ, đẫm vào căn cốt máu thịt trần gian.

 

Sử sách còn để lại khá rõ ràng những chứng cứ về cái buổi hừng đông mà Tin Mừng đã linh ứng ấy. “năm 1662, bà chị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã xin chịu phép rửa. Bà thường nghe những bản hát đạo và truyện các thánh, do một con hát ở Đàng Ngoài diễn”. Ở phủ chúa Trịnh Tráng, theo lời kể của giáo sĩ Đắc Lộ: “Có bà Catarina, em gái chúa Trịnh Tráng đã đặt thành thơ vãn tất cả lịch sử đạo Công Giáo… Bà làm rất hay. Đến sau, vẫn còn được tất cả người có đạo truyền tụng cho nhau. Họ ngâm lên lúc làm việc ở nhà, lúc làm việc ngoài đồng hay lúc đi đường. Người biết ca nhạc còn họa nhạc vào. Rồi chẳng những người có đạo mà cả những người không có đạo cũng thích ngâm vịnh. Nhờ những thơ văn đó mà nhiều người đã trở lại đạo. Như vậy, phải chăng ngay từ buổi đầu đời bên giếng thánh, cha ông ta đã biết vận dụng một cách sáng tạo lễ nhạc thi phú vào kinh sách, nguyện cầu, đã biết đưa phụng tự và việc giáo dục đức tin hội nhập vào nề nếp phong tục tập quán, vào đời sống thời vụ của làng quê xứ đạo Việt Nam: “Người Việt Nam có thói quen vừa học vừa hát… Năm 1626 ở Cacham (Thành Chiêm): 1634 ở Hội An; 1648 có 4000 giáo dân đã tụ họp tại Kẻ Bố (Thanh Hóa) để xem diễn lại sự cải giáo của Josaphat. Trong buổi lễ, có những cuộc đối thoại và âm nhạc bản xứ…”

 

3.- Riêng những việc thiêng liêng bày tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ Maria lại càng được thể hiện phong phú đa dạng hơn, cả về đức tin lòng đạo, lẫn hình thức sinh hoạt. Nhiều ngày, tháng trong năm đã biến thành những dịp lễ hội, cung hiến, hành hương, tôn vương, phạt tạ được cử hành sốt sắng, trang nghiêm, đầy màu sắc và thu hút đông đảo quần chúng. Đến nỗi đã nghe rung chuông cảnh báo về một trà lưu “thờ mẫu” nặng nề cảm tính ướt át thùy mị, xa rời ý nghĩa tín lý thần học !

 

Chỉ tính nguyên một việc lần hạt mân côi vào tháng 10 dương lịch hằng năm, đã có không biết bao nhiêu lễ nghi, bài bản mang tính tu de9u7c1 hoặc kinh kệ, trong đó xuất hiện khá nhiều tác phẩm ca vãn mang giá trị cao về nghệ thuật, có khả năng đóng góp vào dòng văn học Ki-tô giáo ở Việt Nam: Mai Côi Nguyệt, Tháng Mân Côi, Tháng Rosario, Sách tháng Rosario Đức Bà, Sổ Các Phép Indu Họ Rosari, Tháng Rosa, Đức Chúa Bà Tự Tích Vãn, Vãn Đức Bà Chúa Môi Khôi… Ở Bài Giảng Chúa Nhật số ra tháng 10/2003, chúng tôi đã giới thiệu khát quát một trong những bản kinh Mân Côi được biên soạn theo thể ca vãn – Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng Thi Ca do cử nhân Phạm Trạch Thiện, gồm 252 câu thơ phức hợp (thất ngôn liên vận, lục bát và biến thể lục bát), một áng kinh văn đã thực sự đi vào lòng người và tồn tại đến nay ở nhiều cộng đoàn dân Chúa. Sở dĩ bản văn này còn sống mãi trong dòng chảy của lễ nhạc phụng tự, vì nó hội đủ những nhân tố làm nên một tác phẩm văn học nghệ thuật: Lời hay, ý đẹp, kết cấu chặt chẽ, lại có cả cung giọng như dân ca dân nhạc Việt Nam. Khi thì khấp khởi reo vui như điệu xuân nữ, lưu thủy, hành vân: lúc lại bi ai sầu tình, ủ dột như điệu lâm khốc, biệt hành. Kể cả điều kiện thuận lợi để dàn dựng nên một kịch bản ca vũ nhạc để diễn nguyện mang cảm xúc nghệ thuật tôn giáo, như nhận định của linh mục L.Cadiere: “Việc lần hạt Mân Côi (ở các giáo đoàn Bắc Bộ) được chia ra từng hồi, từng lớp, có điểm bằng những bài gẫm và từng giai thoại về cuộc đời Chúa Cứu Thế, để gợi cho mọi người những tình cảm thích hợp”.

 

4.- Càng đi sâu vào ngõ ngách địa sở quần cư và tiếp cận với sinh hoạt phụng tự, thời vụ của cộng đoàn dân Chúa là xứ đạo-dòng tu ở khắp các giáo phận trên cả nước, tôi càng cảm nhận được một thực tế là sức sống đức tin – văn hóa vẫn tiềm tàng và thể hiện rõ nét thông qua ảnh hưởng của kinh sách đạo, mà trong đó không thể không kể tới những việc thiêng liêng trong lễ hội, đặc biệt mảng ca vãn mừng kính Đức Mẹ. Riêng kinh Mân Côi, từ lâu đã hòa nhịp vui thương mừng với những nẻo đời nắng mưa của người tín hữu Việt Nam; nay lại nảy ngành sanh ngọn, đơm thêm sắc màu rực rỡ “5 sự Sáng”, kết thành một tràng chuỗi tinh tú lung linh. Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm hoa. Phải chăng đây là một thừa tiếp và cộng sinh rất đỗi thiêng liêng, để cùng Đức Mẹ suy gẫm thật sâu, thật trọn vẹn những mầu nhiệm Cứu độ của Đức Ki-tô.

 

Bởi vì, Kinh Mân Côi, trong thực tế, vừa là một trong những phương thế cầu nguyện tuyệt hảo được linh ứng; đồng thời còn là mach4 nguồn tư duy sáng tạo bất tận đối với những nhà thần học và cả những người làm văn hóa nghệ thuật Ki-tô giáo nữa. Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo Việt Nam, người ta đã sớm thấy một bước khởi động:

 

Vườn thiêng Thánh Mẫu mở mang

Cây phúc rủ ngành vàng quý hóa

Ta hãy cố hái hoa tìm quả

Quả cùng hoa rất lạ, rất nhiều

(VCTNTTTC, 27-30)

 

Nhiều lần, trong những khoảnh khắc chảy máu rướm đau bên bờ sinh tử, bằng đức cậy trông phó thác và Mẹ Maria Đồng Trinh, Hàn Mạc Tử đã thốt lên:

Bằng tràng hạt, bằng sao mai chiếu rạng

Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh

Là nguồn đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh

Cho tôi chắp hai hàng cây bạch lạp

 

Còn nhớ mới đây (những ngày 20,21 và 22/04/2004) tại trung tâm mục vụ giáo phận Huế, trong cuộc tọa đàm mang chủ đề Sống Đạo Theo Cung Cách Việt Nam – do Ủy ban giám mục về Giáo dân và Tòa tổng giám mục Huế phối hợp tổ chức – cả hội trường hàng nghìn người như đã phơi phới được sống những cảm xúc nôn nao dạt dào nguồn đạo, khi nghe Đức Cha phụ trách Văn Hóa của HĐGMVN ngẫu hứng cất lên ca khúc “Sao Em Không Lần Chuỗi?” bằng một phong thái trẻ trung và một chất giọng mượt mà hiếm thấy. Đêm cuối cùng ở lại, đi nghe ca Huế trên sông Hương, hai ông bạn ngoại đạo ở Hà Nội vào, ngồi bên tôi cứ là tấm tắc khen lấy khen để cái khung cảnh đầy ắp thơ nhạc nhà đạo ấy.

 

Và Kinh Mân Côi, đối với bản thân màn mạy phàm hèn của kẻ viết bài này, lại là kỷ niệm đánh dấu một chia phôi đã bằn bặt dặm dài:

Này đây, tràng chuỗi Mân Côi

Gửi về em, nhớ khi tôi xa nhà

Hỏi vườn khuya lúc canh ba

Nụ tầm xuân đã phôi pha mấy mùa?

Có còn vang tiếng kinh xưa

Trong sân phụ nữ đền thờ sớm mai?

Trời làm mưa bụi heo may

Ngọn trong hiu hắt, ngọn ngoài hắt hiu

Gửi về em thoáng yêu thương

Tôi, xa xôi lắm, những chiều nhớ nhung.

(Hương Trầm)

 

Tôi tin, từ khơi gợi đầu mùa là kinh Mân Côi ấy, đã có và sẽ còn có nhiều, thật nhiều suy nghĩ, cảm nghiệm hòa nhịp vào bản trường thiên để ca ngợi Mẹ Mân Côi, và cùng Mẹ tôn vinh Thiên Chúa, nhờ Mẹ chuyển cầu cho con cái Mẹ còn long đong ở bến trẩn gian này.

 

Còn gì xác tín và thuyết phục hơn sự kiện ngày 16/10/2002, khi công bố “Tông thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria – Rosarium Virginis Mariae”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, (nay là Thánh Giáo Hoàng JP II) vị Giáo Hoàng của Đức Mẹ đã không quên gửi chúng ta lời dặn dò dấu ái này: “Hãy cùng với Đức Maria mà chiêm ngắm, bước theo và sinh Chúa Giê-su cho những người đồng thời với mình.”

 

Lê Đình Bảng

(Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo Việt Nam-Miền Thơ Trong Kinh Nguyện trang 493 – 501)


Trở lại      In      Số lần xem: 11534
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  22
 Hôm nay:  5829
 Hôm qua:  4804
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12254923

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn