Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Tới Phiên Chầu Lượt nhớ về Thông công (Lê Đình Bảng)

Tới Phiên Chầu Lượt nhớ về Thông công .

Nhân dịp Giáo xứ Tân Thái Sơn Tổ chức ngày Chầu Lượt thay mặt Giáo phận, trang tin giaodantanthaison.com Xin gửi đến quý vị bài viết (dạng biên khảo) được trích trong tập sách Ở Thượng nguồn thi ca công giáo việt nam – Miền thơ trong kinh nguyện từ trang 509 – 521, của Nhà thơ Lê Đình Bảng với nhan đề: Tới Phiên Chầu Lượt Nhớ Về Thông Công.

 

 

TỚI PHIÊN CHẦU LƯỢT

NHỚ VỀ THÔNG CÔNG

 

1.- Trên đây là câu thơ kết thúc bài VÃN ngắn , rất phổ biến trong dân gian nhà đạo mình, nói về cái quang cảnh sầm uất đông vui mà thiêng liêng sùng mộ của người tứ xứ thập phương, mỗi năm đến hẹn lại cơm nắm cơm gói rủ nhau về “thông công chầu lượt” ở xứ này xứ nọ.

 

Dù ai xuôi ngược đâu đâu,

Nhớ phiên chầu lượt, rủ nhau mà về.

Dù ai buôn bán trăm nghề,

Tới phiên chầu lượt, nhớ về thông công.

 

Mới hay, lễ lạy, kinh hạt bên đạo, đâu đâu cũng thấy đầy ắp những văn chương thi phú, quanh năm suốt tháng cứ là vồn vã xôn xao những hội hè. Cuối tháng năm vừa rồi, về Giáo xứ tân Lập bên kia đó thủ thiêm, tôi được sống lại khoảnh khắc lễ hội dâng hoa Đức Mẹ của một cộng đoàn đầy sinh động, biết giữ gìn và phát huy truyền thống. Từ rước kiệu, Dâng hoa, tiến hoa đến Tế hoa đủ nét vẻ, sắc màu, cung điệu. Ai dám bảo người Công giáo Viết Nam khô khan hững hờ, đứng bên lề dòng chảy văn hóa của dân tộc? Trăm nghe không bằng một thấy. Có ai ngờ, từ xửa xưa, nơi những xóm thôn vây quanh bóng tháp giáo đường kia, ngày đêm vẫn vang lên những câu hát vừa đạo hạnh vừa huê tình. Tác giả mảng văn học dân gian truyền khẩu đậm đặc mùi đạo ấy là ai, nếu không phải là các linh mục quản xứ hay chữ; các thầy đồ-sĩ tử vì một lẽ nào đó phải bao phen lận đận trường thi, thăng trầm hoạn lộ và cả cái đám đông chức việc ẩn danh chìm khuất giữa mùa vụ lam lũ nắng mưa bám đất bám đồng kia? Đấy là công trình của một tập thể, là gia tài tinh thần văn hóa chung của mọi người, y như trường hợp văn học dân gian của toàn xã hội. Vậng, người Công giáo Việt Nam thuộc nằm lòng ca dao tục ngữ, mê Kiều, thích ngâm ngợi hát hò Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa, Nhị Độ Mai, Hoa Tiên, Bích Câu Kỳ Ngộ…. Và người ta cũng đã phải sững sờ khi nghe thấy từ cửa miệng của lứa đôi trong xóm đạo hát rằng:

 

Chẳng nệ em xấu, em vụng, em ươn,

Thương em, vì em là cái xương sườn của anh.

  

Họ vẫn không quên bài Giáo lý vỡ lòng tuổi đồng ấu tung tăng trong sân nhà thờ:

 

Người ta sống ở trên đời,

Đạo tự nhiên sẵn, tính Giời đã sinh.

Cảm ơn tạo hóa công trình,

Sinh ta, sinh cả tính tình cho ta.

Biết đường chính, biết nẻo tà,

Suy cùng các đạo để mà tầm nguyên.

 

Rõ ràng là, bằng tâm hồn thi ca, người Công giáo Việt Nam đã giữ đạo, sống đạo và truyền đạo vậy.

 

2.- Qua bài “Rước Kiệu Mình Thánh Chúa Giêsu” trong số báo trước- tôi có dịp phác thảo đôi nét về “Chầu Thánh Thể”, như một cử hành phụng vụ trung tâm của Giáo Hội. nay, xin được phép viết về “Chầu Lượt”, một sáng kiến rất đặc thù của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Nói thế, bởi một phần tôi ít được đi ra nước ngoài, lại thiếu sách vở tài liệu nghiên cứu chuyên sâu về Phụng vụ Thánh Thể, nên nhận xét bước đầu trên đây có thể vội vàng, nông cạn chăng? Dù sao, vấn đề là vấn đề, vẫn phải truy tìm cho ra tấm ra món rõ ràng.

 

Hỏi chứ, tại sao gọi là ‘Chầu lượt’ và ‘Chầu lượt’ có nguồn gốc xuất xứ từ đâu? Hình thức và nội dung ‘Chầu lượt’ như thế nào? Trở lại vấn đề đã thành nề nấp này, tươ3ng như không thừa. Bởi trộm nghĩ, ‘Vô tri’ thì ‘bất mộ’ và xưa nay việc ‘ôn cổ tri tân’ là lẽ thường tình kia mà. Chẳng rõ, ‘Chầu lượt’, một thuật ngữ nhà đạo, một cử hành phụng vụ đã xuất hiện tự bao giờ, ở đâu và tại sao nó đã sớm trở thành một việc đạo đức thiêng liêng, một sinh hoạt luân phiên đều đặn và nghiêm túc, đã đi vào lịch phụng vụ mang tính lễ hội mùa vụ ở các cộng đoàn xứ đạo Việt nam? Lâu, lâu lắm rồi thì phải?

 

Theo chỗ tôi biết và cũng dựa vào vốn sống ký ức có được từ những năm tháng giữ đạo-sống đạo ở làng quê thì ‘Chầu Lượt’ hình như chỉ phổ biến rộng rãi ở các Giáo Phận Bắc bộ. Nhà thờ nào cũng vậy, trước thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần, thường dành ra dăm ba phút để cộng đoàn nghe rao lịch Công Giáo. Lời rao được thâu tóm vào một số mục cần thiết, như: Thư Chung (Thư luân lưu – Lời Chủ chăn – Thư mục vụ…); Các ngày lễ Kính, lễ nhớ, kèm theo phần giáo huấn (Ý cầu nguyện trong tháng) và xướng danh các đôi hốn phối. Đặc biệt, người phụ trách còn lớn tiếng “rao cho mọi người biết” ‘Chầu lượt’ tuần này ở xứ nào. Toàn bộ những nội dung trên, cùng với bài giảng lễ Chúa nhật của cha chủ tế- theo cung cách truyền khẩu và tình làng nghĩa xóm của người mình -  lại được chuyển tải đến từng khu vực của dân cư,  đến tận các đoàn thể, từng ngành nghề, thậm chí nhà nhà và người người. Thế là, cứ răm rắp thẳng mực tàu. Đã có nhiều bạn bè ngoài công giáo hỏi tôi, sao bên đạo các anh thống nhất và toàn tâm  toàn ý thế? Nói năng, ăn mặc, kinh sách, hát hỏng, làm lụng, chợ búa, ma chay, giỗ chạp, hội hè, cơm cỗ, nghĩa là tất tần tật toát ra mùi đạo thuần nhất, toàn tòng. Nhẹ nhàng, thông thoáng mà hiệu quả vốn được đánh giá là những nội lực tiềm tàng, truyền thống trong việc chuyển tải và tiếp nhận thông tin nhà đạo bấy lâu nay.

 

Rõ rệt hơn, sách “Lịch công giáo”, “Những ngày lễ Công Giáo”, “Phụng vụ năm A,B,C”, nói chung là sách lịch về những ngày lễ của các Giáo phận Bắc và Trung Bộ đều có ghi rõ lịch “Chầu lượt” của từng Giáo xứ, Họ đạo, để ai nấy chuẩn bị sắp xếp việc nhà việc mình cho tươm tất, đặng dốc sức dốc lòng lên đường “Chầu Lượt”. Gọi là “Chầu lượt” hay “Phiên Chầu” từ một khẩu ngữ rất nhà quê đến một thuật ngữ rất nhà đạo – có nghĩa; xứ đạo này, hoặc họ đạo kia đến lượt mình, phiên mình thay mặt cho toàn thể Giáo Phận để cử hành trọng thể (cả về hình thức là tổ chức và nội dung là ý nghĩa Phụng Vụ) việc Chầu Mình Thánh Chúa. Việc Chầu Mình Thánh Chúa, Chầu Lượt thường rơi vào các ngày Chúa Nhật. Thành thừ, 52 ngày Chúa Nhật quanh năm đều có Chầu Lượt (Một xứ đạo riêng rẽ hoặc liên kết 3,4 xứ họ lại với nhau) hình thành một xâu chuỗi thời gian thiêng liêng, một vòng tròn lễ nghi phụng vụ quy chiếu về tâm điểm là Thánh Thể. Sức sống thường hằng và miên viễn của Giáo Hội là thế.

 

3.- Qua tài liệu thư tịch cũ đặc biệt là thư chung của Đấng bản quyền các giáo phận, có thể lần ra manh mối, ngọn nguồn của vấn đề. Từ Thư Chung của Giáo Phận tây Đàng Ngoài (Hà Nội), với các Gm. P.A Retord Liêu 1840 – 1858; Gm G.H.Jeantet Khiêm 1858 – 1861; Gm J.S.theuret Chiêu 1866 – 1868; Gm P.F.Puginier Phước 1868 – 1892; và đặc biệt của Gm Pierre Marie Gendreau Đông 1892 – 1935) do nhà in kẻ sở ấn hành năm 1924.

 

Cụ thể là, trong thư chung làm tại Hà nội ngày 08/9/1902, Đức Cha Pierre Marie Gendreau Đông viết: “…. Từ sang năm mà đi, sẽ chỉ mỗi giáo xứ một hay là hai ngày lễ cả (Chúa nhật) cho được Chầu Mình Thánh trọng thể lót ngày, thay mặt cả và địa phận. Có ý liệu cho các xứ sỉ lượt nhau mà chầu làm vậy cho khắp các ngày lễ cả quanh năm. Sau này sẽ có thư riêng chỉ xứ nào chầu ngày nào và  phải làm thế nào. Nhưng mà từ rày về sau, cho đến cuối năm nay, xứ nào nhà thờ trị sở chưa có phép để Mình Thánh, thì phải liệu dọn dẹp sắm sửa mọi sự và xin cho kịp. Vả lại, xứ nào đã được phép rồi, song chưa có nhà chầu tiện cho được để mặt nhật lên trốc, thì phải liệu ngay.”

 

Năm sau, vào tháng Juin (tháng 6), 1903, việc “Chầu lượt” đã được Đức Cha Pierre Marie Gendreau Đông quy định cụ thể: “….. Vậy trong thư chung về phép Mình Thánh gửi cho các đấng tháng trước thì đã dạy rằng: Từ sang năm mà đi, sẽ liệu cho các xứ sỉ lượt chầu lót một ngày lễ cả quanh năm thay mặt cả địa phận. Đây, gửi sổ chầu để các đấng biết xứ mình phải chầu lượt ngày nào. Việc chầu lượt thể ấy vốn tòa thánh lấy làm quý, cùng hay dục các đấng Vit-vồ lập trong địa phận mình coi sóc, vì sinh nhiều ơn ích cả thể cho mọi người được ăn mày phần hồn phần xác kể chẳng xiết…..”

 

4.- Như vậy, tính từ 1903 đến nay, việc cử hành “Chầu lượt” ở các cộng đoàn xứ đạo Việt nam đã có một chặng đường lịch sử hằng trăm năm.

 

Nay, tôi lại xin phép được trình bày tiếp về ý nghĩa, nội dung cùng hình thức tổ chức của việc đạo đức thiêng liêng đã thành truyền thống đáng trân trọng lưu giữ này. Một truyền thống đức tin và văn hóa thuộc phạm trù tín điều bất biến, chứ không đơn giản là một thói quen, một tập tục, một phong trào nhuốm mùi thị hiếu thường tình của xã hội.

 

Phải đặt mình vào bối cảnh lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX – trong tình hình và đặc điểm các xứ đạo – nhà thờ vừa gượng dậy sau những phen bão táp bách hại vô cùng nghiệt ngã, lâu dài từ 1848 đến 1886 – để thấy “Chầu Lượt” chỉ là một trong những gợi ý ban đầu về Phụng Vụ Thánh Thể vừa mới mẻ, lại, vừa phức tạp khó khăn  dường nào trong quá trình đưa vào đời sống giáo dân. Một phần vì bổn đạo đang phân sáp, trốn chạy; chủ chăn thiếu vắng, cách ly. Đang vắng cha xa Chúa, chưa quy tập đông đủ thì làm sao kịp hoàn hồn để bắt nhịp trở lại được với đạo với đời? Phần khác, sau cái thưở trời đất nổi cơn gió bụi ấy, hầu hết các nhà thờ, các cơ sở và mọi sinh hoạt tôn giáo đã như khựng lại hoặc bị triệt phá nặng nề, nếu không muốn nói là cạn kiệt, tiêu điều, vườn không nhà trống. Từ nhà thờ, bàn thánh, nhà chầu đến chuông khánh, chén lễ, mặt nhật, sàn hát, nghi thức và kinh sách lễ nhạc thảy đều tứ tán, trôi giạt, hư hao. Nói chi đến cái tâm thế chênh chao, ủ dột chán chường của lòng người đã bị săn đuổi đến cùng đường. Diểm nóng là ở Trung và Bắc bộ, cơn bão rốt của phong trào Văn Thân – Bình Tây Sát Tả (đạo) xem ra còn âm ỉ, dây dưa kéo dài mãi. Đến như cái chòi lá – nhà thờ Đức Mẹ La Vang 1885 (một trong ba họ nhánh thuộc giáo xứ Cổ Vưu – Trí Bưu, Huế) nằm giữa thâm sơn cùng cốc bạt ngàn ở Tỉnh Quảng Trị mà cũng không thoát khỏi tai họa. Thành thử, chuyện đạo gốc, đạo dòng, chuyện đạo chồng đạo vợ, chuyện theo đạo bỏ đạo và chuyện kế tục chuyển giao đứt nối giữa các thế hệ của nhiều họ Tọc Công giáo ở các làng bên đạo mình đã là một thực tế, một tồn tại mang tính lịch sử khách quan, một kinh nghiệm để suy nghĩ về mục vụ truyền giáo.

 

Nhắc lại một chút lịch sử nhiễu nhương trên, để thấy rằng mỗi cử hành Phụng Vụ của Giáo Hội đều xuất phát từ một cội rễ rất sâu xa của Tín lý-thần học, đồng thời phải kinh qua một quá trình tiệm tiến để dừng bước vận dụng, thích nghi, hội nhập, chứ không phải là một ngẫu hứng của cảm tính, một vẽ vời để áp đặt đâu.

 

5.- Để thấy rõ hơn ý nghĩa –nội dung trọng vọng của “Chầu Lượt” ở buổi ban đầu ấy, xin mời đọc lại trích đoạn sau đây trong Sổ Chầu của Đức giám mục giáo phận Tây Đàng Ngoài: “Xưa Đức Thầy Liêu đã ước ao lập trong địa phận này hết sức, mà vì đời ấy không có thể liệu được, thì người đã lập sự đọc kinh trong ba ngày Tết vì lý do ấy. Rầy Đức Mẹ thương trong địa phận ta được bằng yên, số các xứ các thầy cả đã nở thêm nhiều, mà bây giờ hầu hết các xứ giữ Mình Thánh, ấy là ơn rất châu báu dường nào, cùng dễ liệu “Chầu Lượt” làm sáng danh phép Mình Thánh thì ta phải vui lòng khuyên giúp con chiên được sầm uất làm việc ấy cho xứng đáng.”. Tôi nói Sổ Chầu cũng là để người đời sau chúng ta học tập cung cách làm việc cẩn trọng và khoa học của các đấng bậc tiền nhiệm. Bởi vì Tòa giám mục nào, nhà thờ xứ đạo nào cũng có nhiều thứ sổ sách ghi chép đàng hoàng về tất cả mọi sự kiện có liên quan đến sinh hoạt Phụng vụ và đời sống của dân Chúa. Từ Sổ Rửa Tội, Thêm Sức, Sổ Hôn Phối, Sổ Nhân Khẩu Công giáo (Sổ gia đình Công Giáo) Sổ Địa Bạ (Rộng đất, quy hoạch, Thóc Lúa, Giống Má, Tài Sản), Sổ Công Đức – Bìa Hậu v.v… Có thể coi đây là những trang nhật ký và sử ký biên niên của dân Chúa ở mỗi địa phương, có giá trị rất căn cơ về mặt Phụng Vụ, văn hóa và xã hội. Ngoài ra các đấng bậc còn có Sổ Lễ và Sổ Chầu để bám sát Lịch Phụng Vụ quanh năm. Một ví dụ gần đây nhất là Lời chủ chăn của Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn-Tổng giám mục Giáo phận Tp HCM quy định về sổ lễ, Bổng lễ và Lễ hậu, ký ngày 8/04/2004, cũng là một văn kiện mang ý nghĩa trên.

 

Qua thư chung 1903, người ta còn đọc được lời căn dặn chi ly từng việc, từng cộng đoàn phải làm trước và trong “Chầu Lượt” : “Vì vậy điều định như sau này; đến ngày “Chầu Lượt”, phải dọn nhà thờ, nhất là bàn thờ cho trọng thể hết sức, có thiếu đồ chầu mặt nhật thì mượn xứ lân cận. Ngày ấy sẽ liệu làm lễ trọng, đoạn sẽ để Mình Thánh vào mặt nhật để trên trốc nhà chầu cùng sẽ cho đến tối. Phải cắt bổn đạo từng lớp đến chầu Mình Thánh, xứ nào đã chỉ hai ba nơi mà chầu, thì sẽ chia việc ấy từng phần, mà trong giờ chầu trước hết sẽ ngắm đàng câu rút, rồi lần hạt một tràng năm chục, và sau hết sẽ đọc Kinh Cầu lái Tim Đức Chúa Giêsu hay là kinh Dâng Mình  và kinh vật hèn, Phải sức cho hàng xứ hay là hàng phiên tùy nơi biết ngày chầu hai tuần trước, cùng phải giục bổn đạo dọn mình chịu lễ ngày ấy vì được ăn mày inđu (Ân xá) đầy, mà thầy cả sẽ lấy mấy điều trong Thư Chung về Phép Mình Thánh cho được giảng hay là đọc cho con chiên thêm lòng sốt sắng kính mến phép Mình Thánh. Những việc ấy ta sẽ có ý dâng cho Lái Tim Cực Trọng Đức Chúa Giêsu ngự trong phép Mình Thánh rủ lòng che chở Thánh Yghêrêgia cho khỏi các sự khốn khó hiểm nghèo đang chịu trong thì bây giờ.”

 

Theo chỗ tôi biết, ở những vùng quê bên đạo xưa, “Chầu Lượt” cũng là dịp mở Tuần Đại Phúc ban phép lành toàn xá mà nhiều người cả đời mới được một lần, nên chẳng ai dám đơn sai. Nhưng ngày nay, tôi có cảm tưởng – vì nhiều quá hóa nhàm, vì vật chất ê hề và chạy theo nhịp sống hối hả của đô thị - công nghiệp hóa – người ta đã xem thường tất cả, chẳng còn gì linh thiêng nữa chăng? Mấy chục năm trước đây, đối với người giáo dân chúng tôi, món quà quý hóa nhất đơn giản chỉ là một mẫu ảnh, cỗ tràng hạt, bộ áo Đức Bà Carmelô (được làm phép), sợi dây cước đễ đeo tượng Chúa chịu nạn hoặc quyển sách Gương Phúc, Gương Tội. Còn nhớ, hồi tôi mới có trí khôn, mưa bão ở đâu cường tập về, thổi trốc mái nhà. Tượng Đức Mẹ Sầu Bi trên bàn thờ nhà tôi rớt xuống đất, vỡ tan tinh. Tôi nom rõ thầy mẹ tôi vừa khóc rưng rức, vừa thu gon từng mãnh vụn, bọc vào trong một mảnh vải sạch, rồi thả xuống lòng giếng. Các cụ bảo, tượng đã làm phép, thiêng lắm, không được bỏ phí, phạm sự thánh, Chúa phạt lòi con mắt ra cho mà coi. Nhờ ơn Đức Mẹ thương, những gàu nước từ cái giếng riêng-mà-chung ấy đã chữa lành bao đứa trẻ trong cơn dịch đậu mùa cấp tính.

 

6.- Không biết ở đâu thế nào, chứ ở những xứ đạo làng quê tôi – suốt từ Ninh Cù, Cao Mộc, Thượng Phúc, Vân Am, Vạn Đồn (Thái Thụy) đến Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải – “Chầu Lượt” bao giờ cũng diễn ra lớn lắm, thiêng liêng lắm. Không chỉ Giáo dân trong xứ họ, mà lam rộng ra cả Hạt, cả tổng huyện quanh vùng. Nhiều bà con bên lương , nhiều nhà Chùa cũng hoan hỷ phát cây tỉa cành, dọn dẹp đường sá, dựng cổng chào, hái hoa cúng dường mừng lễ. Ở những chỗ giao lộ đã được phân định cho mỗi xứ họ, mỗi khu giáo, là các nhà tạm được dựng lên theo nhiều kiểu dáng, được trang hoàng cờ xí, đèn hoa lộng lẫy, nơi mà Kiệu Mình Thánh sẽ dừng lại để mọi người quỳ lạy tôn thờ và cuối cùng trở về nhà thờ để làm giờ chầu Tạ chung rất trọng thể. Mọi ngả đường nườm nượp người đổ về nhà thờ. Từ đàng xa, đã thấy cây nêu (cột cờ) bằng tre bương vút lên ngang tầm ngọn thu lôi ở đỉnh tháp. Gió đồng thổi về từng chặp, nghe rất rõ tiếng lanh canh va chạ của năm chiếc bánh và hai con cá bằng sắt treo ở lưng chừng cây nêu. Mãi sau này lớn khôn, tôi hiểu đấy là biểu tượng của mầu nhiệm Thánh Thể.

 

Đối với bọn trẻ ngây ngô chúng tôi, “Chầu Lượt” là những ngày nhớ đời. Sau khi lĩnh thưởng hội thi kinh, tùy theo lứa tuổi và gái trai, chúng tôi được xưng tội rước lễ lần đầu, được chịu phép Thêm Sức, được mặc quần áo, mang giày dép mới, vào đoàn Nghĩa Binh Thánh Thể. Đứa thì được giúp lễ, giúp chầu, đứa thì được làm thiên thần, được vào đội tung hoa hoặc được cầm cờ theo kiệu, được múa trắc đi đúng thành hàng lối bên cạnh những phường kèn, phường trống, phường bát âm vang rền nền nảy của đoàn hội chức việc người lớn trong lễ phục uy nghi ngày hội.

 

7.- Mùa này mưa ướt ssập sùi cả ngày. Thế mà người ở đâu về, vòng trong vòng ngoài, chật cứng bốn phía bờ ao Đức Bà. Còn cái sân nhà thờ mông mênh vẫn phơi thóc lúa kia thì ngập tràn những đèn hoa, áo quần muôn sắc. Dưới chân mình, ở chỗ đường chỉ những hàng gạch nứt nẻ, khe đá, bờ tường, tôi thấy đã lên xanh mơn mởn nhiều lớp mạ non từ những hạt lúa vương vãi đầu mùa. Dông vui sầm uất hơn cả, phải nói đến những vuông chiếu hàng bồ, một loại hình chợ phiên lưu động rất đặc thù của người Công giáo Việt Nam thường diễn ra những dịp lễ trọng và đặc biệt là phiên “Chầu Lượt” ở các xứ đạo. Hình như họ đã thuộc nằm lòng cái chu kỳ của những ngày chầu lễ quanh năm Phụng Vụ, phải đến đâu, cung cấp những mặt hàng nào. Và hình như họ cũng đã dọn mình để vừa thông công chầu lượt, vừa buôn bán để mưu sinh. Chẳng rõ hai bồ chữ của ông Cao Thu Thần ngày xưa nặng nhẹ thế nào, chất chứa bao nhiêu chữ nghĩa của thánh hiền; chứ chở được trọn vẹn cả đạo lẫn đời như đôi gánh của những người hàng bồ, tôi trộm nghĩ, họ đã xứng đáng được ông thánh Phêrô cấp hộ chiếu vào Nước Thiên Đàng rồi. Bởi vì, trên diện tích áng chừng hơn 2mmặt chiếu trải ra phía trước, người đi chầu lễ về, có thể thà thiên ngắm nghía hoặc mua sắm những thứ lỉnh khỉnh đủ dùng trong nhà, biết đâu lại còn phong lưu nữa là đàng khác. Từ chiếc quạt giấy hoa châm kim còn tươi nguyên mùi nan tre mới từ dưới nước cất lên, hộp đá lửa hiệu, xe tăng hộp diêm con vẹt, cái ổ khóa, cái nhíp nhổ râu, bộ cúc áo bằng xương cá, cỗ bài tam cúc, lưỡi dao cạo râu, cái hộp kẹo ngậm ho hiệu Pastille Valda dùng làm sáp đựng thuốc lào, chiếc đồng hồ quả quýt, lọ brilliantine hiệu shanghai của cánh đàn ông con trai cho đến bộ đồ nghề bất ly thân của quý bà quý cô, gồm: cái gương soi của trám, cái lược thưa, lược dày, mấy vỉ kim khâu đít vàng, cúc bấm, xâu kim băng, mấy cặp kim đan, vài búi len đủ màu, cuộn chỉ mỏ neo, hộp long não, xấp lá lơ Vũ Tạo, cục xà bông thơm Cô Ba Sài Gòn, xấp kẹp gỗ phơi quần áo, hộp ngòi bút lá răm-lá tre và ngòi bầu, gói hột mực tím, lại có cả nắm bồ kết phơi khô để nấu nước gội đầu… Từ những thứ thuốc chữa bệnh thường thức gia đình như gói thuốc tễ nhào mật ông do các nữ tu nhà dòng vừa bán vừa cho làm phước, mấy viên ký ninh vàng trị sốt rét, lọ thuốc nhỏ mắt lông quặm-viền điều chính hiệu mặt trời mọc, cho đến những đồ dùng thờ tự: Tranh đạo, ảnh tượng thánh, bình hoa, tràng hạt, chân nến, khung ảnh, khăn thêu, hoa giấy, đèn xếp, đèn chầu, vụn bánh lễ…. Chỉ tội cho người con chiên nhà quê suốt đời đói chữ nghĩa – khát Lời Chúa, hễ thấy kinh sách là sáng mắt ra, y như bắt được của, vớ được vàng.  Vâng, ở cái thuở bên kia bờ Cựu Ước, khi thầy cả còn đọc Evan – chầu Thánh Thể và cử hành các bí tích thuần bằng tiếng Latinh thì mãng kinh truyện vè vãn chữ Nôm-Quốc Ngữ của gánh hàng bồ (Ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu, Tuần cửu nhật, Toàn Niên Kinh Nguyện, Sấm Truyền cũ, Sách Lâm Mệnh, Truyện Ông Tôbia, Truyện Alêxù, Hạnh các Thánh, Ca vè cụ Sáu v.v…) đúng là món ăn hợp khẩu vị, hấp dẫn vô cùng, không thể bỏ qua.

 

Trời tháng 9 lất phất mưa rơi. Rảo quanh những hàng bồ bày la liệt còn đỏ đèn đợi khách, bỗng thèm mùi thơm lọ dầu con hổ, muốn cắn miếng quế cay, tìm hơi ấm.

 

Dù ai buôn bán trăm nghề,

Tới Phiên Chầu Lượt nhớ về thông công.

 

Chiều tối, chầu lễ về, cơm nước xong, chúng tôi lại lũ lượt đến sân nhà thờ, chen vào hội quán để nghe ca vãn và xem tuồng tích đạo: Abraham sát tế con, Ca-in và a-bel, bà Judith sang dinh quân giặc, Gioan Tiền Hô bị chém đầu, 10 cô trinh nữ, Đức Mẹ truyền Tin, các thánh Tử Đạo Việt Nam……

 

Ngày nay, bức tranh toàn cảnh khắc họa đậm nét đức tin – văn hóa làng quê Công Giáo Việt Nam đã nhạt nhòa và đang rơi rốt đến sạch trơn. Mấy ai còn muốn hé mở cánh cửa quá khứ để nhìn lại và đi lại một đỗi đường dài mấy trăm năm Tổ Tiên ta đã đi qua? Hình như khi đồng quê đã phố hóa thì hình ảnh chợ phiên với mấy cô hàng xén và “Chầu Lượt” ở nhà thờ với với những người quày hàng bồ cũng chịu chung số phận hoa trôi bèo dạt. Mấy lần ra Bắc về quê, lòng bỗng xót xa đâu đâu. Cảnh, chuyện, và người giờ đã khác, đã tàn phai, đã khâm liệm một đời. Tiếc là tiếc không gặp lại đôi cánh bồ câu đưa tin, những trạm trung chuyển đã một thời nối kết gần lại những vùng miền xa lắc những thế hệ trước sau, nhưng cùng uống chung một dòng sông phát tích từ nguồn mạch là Đức Tin và lòng đạo trong veo, thuần hạnh. Cho nên, đến với “Chầu Lượt” là trở về miền đất còn tươi nguyên những cảm xúc thánh thiêng, dạt dào.

 

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn.

(Chế Lan Viên)

 

Lê Đình Bảng

(Nguyệt san Công Giáo và Dân tộc 7/2005 

 

Xin xem bảng phân chia các giờ Chầu trong ngày ở mục Thông Báo.


Trở lại      In      Số lần xem: 6874
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  22
 Hôm nay:  6449
 Hôm qua:  4804
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12255543

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn