Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

RƯỚC KIỆU MÌNH THÁNH CHÚA GIÊ-SU

RƯỚC KIỆU MÌNH THÁNH CHÚA GIÊ-SU   

RƯỚC KIỆU MÌNH THÁNH CHÚA GIÊ-SU

 

  

(Lê Đình Bảng - Ở thượng nguồn thi ca công giáo việt nam/ miền thơ trong kinh nguyện trang 502 – 508)

 

1.- Lịch Phụng Vụ Công Giáo dành riêng tháng 06 để mừng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Dân gian nhà đạo quen miệng gọi là “tháng trái tim”. Yêu đương vi vút như các cặp tình nhân, ấy thế mà suốt cả năm trời chỉ có mỗi ngày phù du 14 tháng 2, Valentines Day. Xôn xao, chào chúc những hoa tươi, quà tặng. Hò hẹn những tóc nâu môi trầm. Rồi cũng vèo trôi, để trở lại với đời thường, với gạo tiền cơm áo thôi. Chỉ có tình yêu, tình yêu toàn hiến của một người tự nguyện chết treo trên thập giá như Đức Chúa Giê-su mới có ý nghĩa đến thuyết phục, mới đi vào lịch sử, lịch sử cứu độ trần gian. Trái tim tình yêu đang luôn rộng mở ấy đã trở thành một biểu tượng tuyệt vời. Tôi vẫn cảm thấy xúc động và bồi hồi mỗi khi nhẩm đọc lời dạy của Hội Thánh: “Kính nhớ Thánh Tâm Chúa Giê-su là kính nhớ tình thương của Thiên Chúa. Tình thương cứu độ của Thiên Chúa được tỏ bày ra nơi con người Đức Chúa Giê-su và nhất là trong cái chết trên thập giá vì tội lỗi loài người. Thánh Tâm bị đâm thâu là hình ảnh rõ rệt nhất, là tiếng nói mạnh mẽ nhất về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta và là một bằng chứng không thể chối cãi được của tình thương lạ lùng ấy.”

 

Mà tháng 06, lạ lùng thay, là tháng Phụng Vụ tôn vinh tình thương : Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi – Mình Máu Thánh Chúa Giê-su Ki-tô – Thánh Tâm Chúa Giê-su – Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

 

Nói đến tình thương là nói đến sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và giữa các tín hữu với nhau, thông qua Lời Chúa và các Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể. Do đó, theo thông điệp Bí Tích Thánh Thể của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II ban hành ngày 17/04/2003, “Bí Tích Thánh Thể được xem như  chóp đỉnh của tất cả các Bí Tích, vì Bí Tích Thánh Thể luôn thể hiện một cách hoàn hảo nhất sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, nhờ sự đồng hình dạng với Chúa Con duy nhất bời tác động của Chúa Thánh Thần….. Chính vì thế mà vun trồng trong các tâm hồn niềm ao ước Bí Tích Thánh Thể triền miên là điều rất thích hợp….”

 

2.- Ở đây cũng thế, không phải đến bây giờ, Thánh Thể mới là tâm điểm, tập trung hoặc quy chiếu mọi cử hành Phụng Vụ ở tầng bậc cao nhất. Riêng ở Việt Nam ta, việc thờ lạy – sùng kính Thánh Thể đã hòa nhập rất máu thịt vào đời sống đức tin – lòng đạo của mọi tín hữu, từ lời nói cửa miệng, từ ngôn ngữ trong kinh sách lễ nhạc cho đến những nghi thức thể hiện về lòng chiêm bái, cung nghinh; từ tỏ bày diễn tả riêng tư cho đến những thói quen lành thánh đã trở thành cung cách chung của một cộng đoàn. Đã có lễ lạy, kinh hạt, nguyện ngắm thì cũng có chầu tạ, rước sách, kiệu cờ, chuông khánh, nghi trượng, nhà tạm, bàn thánh, bánh thánh, chén thánh, khăn thánh, phòng thánh, nhà chầu, đèn chầu, mặt nhật, chầu đơn, chầu trọng thể, viếng Mình Thánh, Chịu Mình Thánh, chịu lễ, rước lễ, rước Mình Thánh như của ăn đàng….. Tôi có cảm tưởng trong chừng mực tầm tầm của lòng đạo dân gian, người Việt Nam con Chúa dường như đã được mặc khải, đã ngộ ra phần nào cái ý nghĩa hàm chứa rất sâu xa và tất yếu giữa Phụng Vụ Lời Chúa (lễ) và thờ lạy Thánh Thể (chầu) mỗi khi bước vào nhà thờ. Rõ ràng là làm gì thì làm, lễ và chầu, đi lễ và đi chầu đã trở thành một cặp nghĩa vụ thiêng liêng nhất, quan trọng nhất, không thể tách rời.

 

Đó là chưa nói tới những trường hợp “mở tuần đại phúc”, những “phiên chầu lượt” quy tụ con số đông đảo giáo dân hàng huyện hàng tổng mang đậm tính cộng đoàn hiệp thông của xứ đạo Việt Nam. Người lớn được dịp xá tội, làm lành để thông ơn công thánh lễ, được rước lễ làm của nuôi linh hồn. Còn trẻ con, sau khi trải qua kỳ thi khảo giáo lý khá cam go, được mang quần áo, giày dép mới tinh vào đoàn Thiên Thần khi xưng tội rước lễ lần đầu. Đối với bổn đạo làng quê, đó là một trong những “mối phúc”, một trong những cột mốc đáng ghi nhớ suốt dọc dài đời sống đức tin của mình.

 

Đã có một thời không xa lắm – thời của phụng vụ La-tinh, người ta quen gọi lễ Mình Máu Thánh Đức Chúa Giê-su là “Lễ Săng-ti”. Quen tai, quen miệng, thuật ngữ này đã đi vào kinh sách từ lúc nào không ai hay. Hệt như cái tâm tình dễ thương nơi nhà thờ nhà thánh:

 

Các Thầy đọc tiếng La-tinh

Các cô con gái thưa kinh dịu dàng.

 

Lạ lùng thay, theo sử sách còn ghi lại (Sự ký địa phận Trung, Phú Nhai Đường 1916), riêng ở địa phận Trung (Bùi Chu) ngay từ buổi hừng đông đón nhận Tin Mừng, đã có không ít giáo xứ nhận “Săng-ti” làm quan thầy, đã thành truyền thống và được tổ chức thành lễ hội rất cao sang, trọng vọng. Từ Phú Nhai (Trà Lũ, 1627), Cổ Ra, Hạ Thôn (xứ Trung Lao, 1607), Xương Điền (1708) cho đến những Cổ Việt (1793), Quần Cống (1757), Sa Lung (thuộc xứ Thạch Bi, 1803), Kẻ Hóp (Báo Đáp), Mộc Đức và Phục Lễ (thuộc xứ Quỳnh Lang, 1910)… “Săng-ti” và “Kính Danh” đúng là những hiện tượng rất đặc thù về lòng sùng kính Thánh Thể của người Công Giáo Việt nam.

 

Hèn chi thuở ấy, bà con nhà đạo mình đã rao thành lịch Phụng Vụ rất ví von như thế này:

 

Đốt đèn làm tạm, chầu giờ tháng năm

Tháng sáu, kiệu ảnh Lái Tim…..

 

3.- Hành Hương về Thánh Địa La Vang, nơi hội ngộ Thánh Thể.

 

Ở La Vang cũng như ở mọi đến thánh Đức Mẹ khác, việc cử hành Thánh Thể là trung tâm và là trái tim của toàn bộ cuộc sống của đền thánh, vì đó là một biến cố ân sủng “chứa đựng mọi kho tàng của Giáo Hội”. Nếu Thánh Kinh là sách kim chỉ nam của người hành hương thì Thánh Thể là bánh trợ lực cho họ trong cuộc hành trình, như nó đã là trường hợp đối với Ê-li-a trên đường đi đến núi Ho-reb.

 

Ở La Vang, người ta thường tập trung trong cùng một cuộc cử hành nhiều nhóm người thăm viếng khác nhau để biểu hiện một cách đặc biệt sự hiệp nhất của Bí Tích Thánh Thể. Sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Thánh Thể được thờ lạy chẳng những bởi cá thể mà còn bởi tất cả các nhóm người hành hương, với những hành vi đại đức đặc biệt được chuẩn bị rất kỹ lưỡng (bài hát, vũ điệu thánh, nhạc truyền thống, dâng lễ vật), trong niềm xác tín “Thánh Thể chứa đựng và biểu đạt tất cả mọi hình thức cầu nguyện.”

 

Đức Giám Mục Lamasle đã viết một lá thư về : “Hành Hương Đức Mẹ La Vang” và miêu tả tất cả các cử hành Thánh Thể của Đại Hội năm 1913:

 

Cuối cùng, ngày bắt đầu ló rạng, các nhà truyền giáo bắt đầu cử hành Thánh Lễ và cho nhiều tín hữu rước lễ, và để chứng tỏ lòng yêu mến của họ với Đức Maria, họ đã dọn mình chuẩn bị lãnh nhận người con thần linh của Mẹ […]. Rồi thánh lễ trọng thể bắt đầu. CHính M.Barthelemy, quyền đại diện thứ nhất cử hành, có các Cha My và Dục phụ giúp làm phó tế và phụ phó tế, Đức Cha Allys, 55 nhà truyền giáo và linh mục bản xứ thực hiện các bài hát phụng vụ, khấn xin Đức Chúa Giê-su – Thánh Thể (jesus – Hostie) nhận lấy các kinh nguyện, các lễ vật và các hy tế được dâng lên cho Người qua Mẹ âu yếm dịu dàng, nhân danh đám đông nghiêm trang và trầm lặng này. Trong khi thánh lễ này được hát nghiêm trang ở trong nhà thờ, các thánh lễ khác được đọc dưới lán trại được xây dựng trước cửa chính để làm thỏa mãn lòng sùng mộ của các tín hữu không thể đi vào bên trong Đền Thánh Đức Mẹ được. Ngay sau lễ hát, Đức Cha Allys xuất hiện, mặc phẩm phục Giám Mục và cử hành chầu Thánh Thể.” (Đức Mẹ La Vang – tài liệu thánh mẫu học: lưu hành nội bộ)

 

Được biết, từ đại hội lần thứ 10 (1932), Đức Cha Alexandre Paul Chabanon Giáo, Giám Mục Giáo Phận Huế (1930 – 1936) là người có sáng kiến đưa việc rước kiệu Mình Thánh Chúa vào chương trình đại hội. Từ ấy về sau, đặc biệt ở Đại hội lần thứ 25 – kỷ niệm 200 năm (1798 – 1998) Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, việc thờ lạy – cung nghinh Chúa Giê-su Thánh Thể - Kiệu Mình Thánh đã có một vị trí trung tâm và cố định trong toàn bộ diễn tiến của Đại Hội. Cụ thể, ở ngay buổi chiều ngày đầu tiên (thường là ngày 13/08 hằng năm), sau khi nghi thức và thánh lễ đại triều khai mạc tam nhật là cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa với đầy đủ lễ bộ nghi thức phụng vụ và màu sắc dân tộc rất sốt sắng, trọng thể, do một Đức Giám Mục đặc cách chủ sự.

 

4.- Nói chuyện kinh sách về Mình Thánh Chúa của các giáo phận ở Việt nam ta thì bao la, không thể xiết. từ SÁCH CÁC PHÉP, SÁCH GIẢI NGHĨA BẢY PHÉP BÍ TÍCH, SÁCH CẮT NGHĨA CÁC LỄ PHÉP VÀ CHỮ ĐỎ của các nhà in Ninh Phú Đường (1875), Tân Định (1904), Kẻ Sở (1907), Phú Nhai Đường (1916), Quy Nhơn (1939) , Huế (1941) cho đến những bộ sách kinh của Giáo Phận Hà Nội và sách toàn niên kinh nguyện của Bùi Chu – Thái Bình, Hải Phòng luôn đầy ắp những kinh và kinh về Mình Thánh Chúa, cả bằng Latinh lẫn Quốc Ngữ: Tantum Ergo, Pange Lingua… Riêng sách mục lục thì có hẳn một chương đoạn dài rộng với một số ca vãn, kinh nguyện được biên soạn rất công phu, có giá trị về văn chương thi phú, gọi là “Ca Hát Mình Thánh Chúa” như: Tôi Kính Lạy Chúa Giê-su, Ở Lưỡi Phãi Ngợi Khen, Ở Bánh Thiêng Liêng, Ở Bánh Trường Sinh ……(thư mục công giáo Việt Nam-tài liệu riêng) . Xin trích dẫn vài câu trong ca vãn mang tên “Ở Núi Thánh Xi-on” :

 

Vậy ta phải tin

Bánh ấy nên Mình

Rượu kia nên Máu

Phép cực thiêng, trí xét chẳng thông

Việc cực nhiệm, mắt xem chẳng thấu

Tuy nhìn tỏ, còn hình bánh rượu

Thật là trọng, ẩn phép nhiệm màu

Tuy đoái xem, không thấy tượng hình

Vì hình bánh rượu che như áo…..

 

Cuối cùng, xin mời đọc giả - qua trích đoạn tường thuật của tuần báo Nam Kỳ Địa Phận (1908 – 1945) – sống lại chút ký ức thiêng liêng, rộn ràng của cả phố đạo Tân Định khi đi kiệu Mình Thánh Chúa ngay giữa lòng Sài gòn – Gia Định này hơn 80 năm về trước (14/06/1931)

 

Xưa, họ đạo có thói quen đi kiệu mỗi năm một lần, theo 4 đường xung quanh: Paul Blanchy, Mayer, Pellerin và D’Arfeuilles…. Khách mời gồm Đức Cha Dumond (địa phận Kiangsi, Trung Quốc) và 5 Cha Lazaristes. Đức Cha sài Gòn chủ sự, cầm Mình Chúa bước vô kiệu mới khai trương do các nghệ nhân làng nghề Phát Diệm làm. Cuộc Rước theo thứ tự: Thánh Giá đèn hầu – nhạc tây – Học trò Thầy Dòng Freres des Ecoles Chretiennes – Đồng Nhi Nữ - Con Đức Bà – Các Bà Saint Paul de Chartres – Đồng Nhi Nam – Hội Giúp Lễ - Đội Đồng Nhi vãi bông – Xông Hương – Đội Thiên Thần – Quới Chức Tân Cựu – Kiệu Mình Thánh – Bổn Đạo Nam Nữ - Các Hội Tấn Giáo – Hội Môi Khôi -. Kiệu lần lượt dừng lại ở hai nhà tạm đồ sộ uy nghi: Một ở ngay cổng chính Institut Pasteur và một tại núi Đức Bà Lourdes bên trong khuân viên Nhà Phước các bà Saint Paul. Kiễu sẽ đi qua các ngả đường lớn như Barbier, Foucault, Paul Bert , Dakao , Tân An , Vạn Chài Monceaux , Champagne , Xóm Lách , Lazarotte , Cầu Kiệu , sang Phú Nhuận, rồi về lại nhà thờ Tân Định”.

 

Lê Đình Bảng

Công Giáo với văn hóa Việt Nam

(Một số hình ảnh cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa tại Gx Tân Thái Sơn ngày Lễ Kính Mình Thánh Chúa năm 2013)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 11197
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  18
 Hôm nay:  1001
 Hôm qua:  5802
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12322801

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn