Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân Tích và chia sẻ Lời Chúa-Chúa Nhật 1 Mùa Chay năm A

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa -Chúa Nhật 1 Mùa Chay năm A

Phân tích và Chia sẻ - CHÚA NHẬT I MÙA CHAY - Năm A
(09/03/2014) – Mùa Chay 2014

 



Bài đọc I: Trích sách Sáng Thế ký (St 2,7-9; 3,1-7)
Bài đọc II: Trích Thư thánh Phaolô Tông đồ gửi Tín hữu Rôma (Rm 5,12.17-19)
Bài Tin mừng: Trích Tin mừng theo Thánh Matthêu (Mt 4, 1-11)

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói.

Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!" Nhưng Người đáp: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra."

Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá." Đức Giê-su đáp: "Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."

Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi." Đức Giê-su liền nói: "Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."

Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
_________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Bài Tin mừng Chúa nhật I Mùa Chay năm 2014 hôm nay, thuật lại việc Đức Giêsu được Thần Khí Thiên Chúa dẫn vào hoang địa ăn chay 40 ngày đêm và chịu quỷ cám dỗ. Giáo hội cũng mời gọi con cái mình, bước vào hoang địa của lòng mình để thông phần với Đức Giêsu.

“Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. ”

Khởi đầu cuộc đời công khai, Đức Giêsu chịu phép Rửa tại sông Jordan. Ngài là Đấng vô tội nhưng tự biến mình thành thân tội, gánh hết tội lỗi nhân loại và cũng xếp hàng để được Gioan làm phép rửa cho mình. Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người."

Hôm nay chính Thần Khí Thiên Chúa đã ngự xuống trên Đức Giêsu tại sông Jordan, dẫn Ngài vào hoang địa để chịu cám dỗ. Ta có thể nói Đức Giêsu đã thực hiện cuộc tĩnh tâm quan trọng trước khi thi hành Sứ vụ loan báo Tin mừng, và hoang địa chính là nơi để thực hiện cuộc tĩnh tâm này. Cụm từ “Hoang địa” muốn nói đến sự thanh vắng thật sự trong tâm hồn, vì không còn nghe thấy tiếng nói của con người, không còn phải bận tâm đến những nhu cầu vụn vặt đời thường, đó cũng là môi trường ta có thể nhìn vào chính mình, nhìn vào nơi thâm sâu nhất của mình, để biết được nỗi khát vọng mình hằng ấp ủ. Đó cũng là nơi lý tưởng để ta gặp gỡ Thiên Chúa.

Nhưng Đức Giêsu vào hoang địa làm gì? Matthêu nói, để chịu cám dỗ, hay nói đúng hơn là để thử thách. Mặc dù đã có tiếng nói xác nhận từ Chúa Cha: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người" nhưng Đức Giêsu cũng không được loại trừ. Tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha, nó phải được thử thách, tôi luyện để nó được lớn lên.

Độc giả có thể thắc mắc, tại sao Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa mà cũng chịu cám dỗ, cũng chịu thử thách sao? Vâng đúng vậy, vì Ngài cũng là một con người thật sự, có nghĩa Ngài vừa là Thiên Chúa và vừa là con người. Đó là một mầu nhiệm, ta không thể hình dung 02 Bản tính đó kết hợp thế nào trong Đức Giêsu. Vì thế phải rất cẩn thận khi nói vấn đề gì đó của con người áp dụng cho Ngài, chẳng hạn khi nói, Đức Giêsu chịu thử thách để tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha được lớn dần lên.

Dân Do Thái ngày xưa cũng được Thiên Chúa dẫn vào hoang địa 40 năm trời với cuộc Xuất hành, và tại đây Thiên Chúa đã thử thách họ. Sách Đệ Nhị luật viết: “Thiên Chúa của anh em đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực; như vậy người thử thách anh em để biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của người hay không? (Đnl 8,2).

“Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói.” Đức Giêsu thực hiện một cuộc chay tịnh nghiêm ngặt trong khoảng thời gian rất dài. Ở đây Matthêu diễn tả thật sâu sắc, ông dùng cụm từ “bốn mươi đêm ngày” có nghĩa tính cả đêm, trong khi ở 02 Thánh sử Marcô và Luca chỉ đề cập đến 40 ngày (Mc 1:12-13; Lc 4:1-13). Như vậy theo Matthêu, Đức Giêsu đã chay tịnh 40 kể cả ngày lẫn đêm, để ám chỉ thời gian Đức Giêsu ở trong hoang địa tương đương với thời gian Môsê ăn chay trên núi cao để rồi sau đó được Đức Chúa ban cho các điều khoản của Giao ước (Xh 34,28; Xh 25,18). Nhưng cũng có thể Matthêu muốn ám chỉ đến Êlia nữa (1V 19,8: ăn chay trong hành trình tiến về núi Khôrép, cũng mất 40 ngày đêm).

Như vậy trong khoảng thời gian đầu tiên của cuộc đời công khai, Đức Giêsu đã dành trọn cho Thiên Chúa một thời gian đầy ý nghĩa, Ngài sống trọn vẹn cho Chúa Cha.

“Và sau đó, Người thấy đói.” Một cái đói rất tự nhiên đến với Đức Giêsu. Nó sẽ là minh chứng hùng hồn khi muốn nói rằng, Ngài là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Cái đói đã nói lên sự rã rời trong con người, và đây chính là lúc thuận tiện cho tên cám dỗ. Hình như môi trường khách quan đang ủng hộ nó.

“Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người“.

Kẻ đối nghịch với Thiên Chúa đã xuất hiện, nó tận dụng cơ hội bằng vàng này để đánh hỏng Chương trình Cứu chuộc. Ngày xưa nó đã đánh hỏng Chương trình Sáng tạo để nhân loại thuộc về nó, nay Thiên Chúa thực hiện Chương trình Cứu độ, nó sẽ không để cho Chương trình này thành hiện thực.

Matthêu dùng cụm từ “đến gần”, làm ta có cảm tưởng tên cám dỗ ở đâu đó gần Đức Giêsu trong thời gian 40 đêm ngày vừa qua, để chỉ chờ Ngài cảm thấy đói, chúng bắt đầu ra tay đánh gục ý chí của Ngài. Nó có đến gần theo cách hiểu thông thường không? Nhiều nhà chú giải cho rằng, đây là cuộc “đến gần” trong tâm trí hơn là biểu hiện trong không gian và thời gian. Có nghĩa tên cám dỗ bắt đầu xuất hiện trong tâm trí Ngài, đây chính là cám dỗ và cuộc chiến xảy ra trong tâm trí Đức Giêsu. Cuộc chiến nội tâm rất ác liệt.

Bài Tin mừng hôm nay sẽ thuật lại 03 cuộc cám dỗ, 02 cơn cám dỗ đầu xuất hiện một điệp khúc: Nếu ông là Con Thiên Chúa thì ............, có nghĩa tên cám dỗ chưa dám khẳng định Đức Giêsu là Đấng được nói đến trong vườn địa dàng, và là Đấng được các Tiên tri và Ngôn sứ tiên báo. Đúng vậy, nó còn theo dõi Đức Giêsu cho đến giây phút Ngài trút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Cho đến khi Viên Đại đội trưởng phụ trách việc hành hình phải thốt lên. Matthêu viết: “Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: "Quả thật ông này là Con Thiên Chúa." (Mt 27, 54). Tên cám dỗ mới chịu nhận thất bại.

Cuộc cám dỗ này chỉ là khúc dạo đầu, cơn cám dỗ đáng sợ hơn xuất hiện tại vườn Giệtsimani, nó đáng sợ đến nỗi Ngài phải đổ mồ hôi máu. Luca viết: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha." (Lc 22, 42) Đức Giêsu muốn thối lui trước cuộc Khổ nạn, vì thấy nó khủng khiếp quá, nhưng Thánh ý Chúa Cha vẫn là quyết định cuối cùng, vì Ngài đến trần gian này để thực hiện Thánh ý Chúa Cha, chứ không theo ý Ngài. 

03 cơn cám dỗ được liệt kê theo thứ tự như sau:

+ Cám dỗ cơm bánh hay vật chất.
+ Cám dỗ về sự thử thách quyền năng Thiên Chúa.
+ Cám dỗ hạ mình thờ lạy ma quỷ.

03 cơn cám dỗ sẽ giống nhau về bố cục, đầu tiên sẽ là lời của quỷ, chúng rất khôn ngoan và xảo quyệt khi dùng chính Lời Chúa để tấn công. Vế sau là sự chống trả quyết liệt không khoan nhượng của Đức Giêsu, Ngài cũng dùng Lời Chúa để bẻ gãy âm mưu của chúng. Như vậy, Lời Chúa sẽ được vận dụng tối đa, đó mới là gay cấn nhất trong cuộc chiến này.

Độc giả không hiểu tại sao quỷ lại dùng Lời Chúa, vì lời Chúa là lời hằng sống, là lời chân thật, sao có thể dùng để cám dỗ được? Nếu ta có dịp chứng kiến các cuộc tranh cãi nảy lửa giữa những người tin Đức Giêsu với nhau, giữa các hội đoàn trong một giáo xứ với nhau,....... ta sẽ hiểu được cục diện hôm nay. Lúc nào lời Chúa lại biến thành vũ khí của ma quỷ, lúc nào lời Chúa ban cho ta sự sống thiêng liêng, nó nằm trong người sử dụng Lời Chúa, họ dùng lời Chúa với mục đích gì!

03 cơn cám dỗ này cũng là cám dỗ của chúng ta, ta sẽ bắt gặp các cơn cám dỗ này trong đời mình, vì ai đi theo Đức Giêsu cũng sẽ trải qua những thử thách như vậy, không thể khác hơn được.

1/. CƠN CÁM DỖ THỨ NHẤT: Cám dỗ cơm bánh hay vật chất.

“Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!" Nhưng Người đáp: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra."

Từ “Nếu” xuất hiện đầu tiên, tên cám dỗ muốn gieo rắc vào tâm trí Đức Giêsu một sự hoang mang khi bắt đầu cuộc chiến. Từ “nếu” cũng sẽ xuất hiện bởi miệng lưỡi của tên gian phi cùng đóng đinh với Ngài trên Núi Sọ, Luca viết: “Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Nếu Ông là Đấng Kitô, Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!" (Lc 23, 39). Trong tình huống này, quỷ muốn Ngài sử dụng quyền năng Thiên Chúa để hóa giải tình hình nguy cập, cơn cám dỗ đầy kịch tính. Nếu Đức Giêsu làm vậy, Chương trình Cứu Độ sẽ bị phá sản hoàn toàn.

Trong Bài Tin mừng hôm nay, tên cám dỗ thách thức Đức Giêsu làm lại cử chỉ của Môsê xưa. Trong sách Đệ Nhị luật có viết, Thiên Chúa đã để cho Israel đi qua thử thách là cái đói, để kiểm chứng lòng tín thác của họ (Đnl 8,2-3). Họ đã lẩm bẩm kêu ca, tiếc nuối Ai Cập. Thì hôm nay Đức Giêsu cũng trải qua cái đói thật khủng khiếp, hai sự kiện hoàn toàn giống nhau.

Đối với dân Do Thái, Thiên Chúa đã ban mưa manna từ trời để nuôi họ, nhưng ở đây tên cám dỗ muốn Đức Giêsu dùng quyền năng Thiên Chúa để làm bánh từ hòn đá. “Nếu ông là Con Thiên Chúa”, giả sử đúng như vậy thì việc này có khó gì, nó hoàn toàn trong tầm tay. Chúng nói thật có lý và dễ nghe vô cùng.

Nhưng Đức Giêsu đã nói “không” một cách dứt khoát, không thể chấp nhận một giải pháp dễ dàng như vậy, vì ngoài cơm bánh ra, người ta còn một thứ lương thực khác, đó là lời Chúa. Ngài nói: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." Lời Chúa luôn trở nên lương thực nuôi sống con người trên đường tiến về quê trời. Cơm bánh chỉ là lương thực duy trì sự sống thể lý, còn Lời Chúa mới là lương thực ban cho con người sự sống siêu nhiên.

Vậy là Tên cám dỗ đã đuối lý, nó đành thất bại trong màn thứ nhất.

2/. CƠN CÁM DỖ THỨ HAI: Cám dỗ về sự thử thách quyền năng Thiên Chúa.

“Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá." Đức Giê-su đáp: "Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."

Ngày xưa dân Do Thái được loan báo Đấng Mêsia sẽ xuất hiện trên núi Sion, nó được đồng hóa với Đền thờ trong cơn cám dỗ này. Tên cám dỗ muốn Đức Giêsu gieo mình xuống từ Đền thờ để đáp ứng nguyện vọng của dân Do Thái, họ sẽ tin Ngài là Đấng Mêsia. Nó nói với Ngài, không phải lo gì hết, đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.

Sau này tên cám dỗ cũng xuất hiện trong các đối thủ của Ngài, khi họ muốn Ngài ban cho họ những dấu lạ từ trời, hoặc đề nghị Ngài xuống khỏi thập giá .... Tất cả những thách thức đó muốn đẩy Đức Giêsu vào tình huống sử dụng quyền năng Thiên Chúa.

Đức Giêsu vẫn dứt khoát trả lời “không”, bằng câu trong sách Đệ nhị Luật (Đnl 6, 16): “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Thiên Chúa phải là Đấng con người tôn thờ, chứ không phải là Đấng làm các trò ảo thuật, cướp hồn người ta bằng những màn biểu diễn kinh thiên động địa. Người ta sẽ tôn thờ Ngài trong tinh thần và chân lý, thì làm sao con người dám hỗn xược thách thức Thiên Chúa được, vì một khi tôn thờ trong tinh thần và chân lý, họ phải ý thức Thiên Chúa là một người Cha, Ngài luôn yêu thương con cái Ngài, đó là một chân lý. Cho dù ta có gặp nghịch cảnh trong cuộc đời, ta phải hiểu Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện với ta, Ngài luôn yêu thương ta và Ngài sẽ hành động theo cách của Ngài, chứ không hành động theo cách ta muốn. Khi con người bắt ép Thiên Chúa phải làm thế này thế nọ, họ đã xúc phạm đến Ngài, họ đã đi vào vết xe của tên cám dỗ xưa.

Vậy là Tên cám dỗ đã đuối lý, nó đành thất bại trong màn thứ hai. Nó bắt đầu chuyển sang màn ba quyết liệt hơn. Với màn ba này nó không giấu giếm nữa, 02 cơn cám dỗ trước chỉ là để thăm dò, màn cuối cùng nó nói thẳng, nó đề nghị Đức Giêsu thờ phượng nó.

3/. CƠN CÁM DỖ THỨ BA: Cám dỗ hạ mình thờ lạy ma quỷ.

“Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi." Đức Giê-su liền nói: "Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."

“Quỷ lại đem Người lên một núi cao”, như xưa kia Môsê đứng trên đỉnh Nơvô mà nhìn vào Đất Hứa (Đnl 31,1-4), quỷ đã đưa tâm trí Đức Giêsu lên núi cao cho Ngài thấy hết vinh quang các nước thế gian, nó mạnh dạn đề nghị với Ngài 01 giải pháp. "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi." Thật hàm hồ và xảo trá, nó dám lấy cái không phải của nó để cho người khác, vậy hóa ra nó là quân ăn cướp, mà đúng vậy, vì nó là quỷ rồi cái gì nó cũng dám làm. Tất cả mọi sự thuộc về Chúa, cho dù Chương trình Sáng tạo đã sụp đổ, nhưng tất cả vẫn do Ngài dựng nên. Quỷ không có gì trong đó, sao nó lại dám lấy cái không phải của mình mà ban tặng Con Thiên Chúa, để đánh đổi lại sự thờ phượng nó.

Quỷ chỉ có thể lừa dối con người, chứ không thể lừa dối Thiên Chúa. Đức Giêsu biết rõ nó, thế mà nó dám làm cuộc trao đổi với Ngài. Thật hỗn xược! Quỷ luôn là quỷ, không hề có chuyện cải tạo, vì nếu có thể cải tạo thì nó chẳng là quỷ. Cơn cám dỗ này đã chạm đến đáy, Đức Giêsu giận dữ quát nó: "Xa-tan kia, xéo đi!”. Sau này còn vô số trường hợp Ngài cũng nói như vậy khi trục xuất quỷ ám, cút đi, xéo đi. Với ma quỷ ta phải có sự quyết liệt, dứt khoát rõ ràng, vì nhân nhượng với nó cho dù là một điều rất nhỏ, vô thưởng vô phạt, nó sẽ dẫn ta đi vòng vo để cuối cùng thờ lạy nó.

Đức Giêsu vẫn dứt khoát nói “không”, bằng câu Đnl 6,13: Thiên Chúa không phải là Đấng mà người ta có thể mặc cả với Ngài; Ngài đòi hỏi tin tưởng và vâng phục vô điều kiện. “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Dĩ nhiên, Đức Giêsu, Tôi Trung của Thiên Chúa, không từ bỏ kế hoạch chinh phục thế giới, nhưng chinh phục bằng thập giá. Đất Hứa là lãnh địa bao la mà Người sẽ nhận khi sống lại.

Như vậy Tên cám dỗ lần này không được phép hiện diện ở đó nữa, vì đã bị Đức Giêsu đuổi thẳng: "Xa-tan kia, xéo đi!”.

Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

Cuộc đời của ta, người tin theo Đức Giêsu và tiến bước theo Ngài, cũng sẽ theo Ngài qua mọi chặng đường Ngài đã đi, có nghĩa đời ta cũng phải trải qua các cơn cám dỗ. Cám dỗ tự nó không xấu, vì Thiên Chúa cho phép nó hiện diện với một mức độ nào đó không vượt quá sức chịu đựng của ta. Nó chính là dịp để đức tin của ta, lòng yêu mến của ta với Thiên Chúa được trưởng thành hơn, đó cũng là dịp để ta lập công đức trước mặt Ngài.

Nếu ta nói, Thiên Chúa cho phép cơn cám đỗ xuất hiện, có nghĩa chấp nhận ma quỷ cám dỗ con người, trong mức độ không vượt quá sự chịu đựng, vậy tại sao ta bị gục ngã trước các cơn cám dỗ? Lý giải vấn đề này thế nào? Thánh Phaolô nói: “Ơn Ta luôn đủ cho con”.

Như vậy, một đàng cơn cám dỗ không vượt quá sức chịu đựng, một đàng Ơn Chúa luôn đù cho ta, vậy nếu ta gục ngã trước các cơn cám dỗ thì lỗi này do ai đây? Ta không thể đổ lỗi cho ai hết mà là do mình, do mình muốn ngả theo cơn cám dỗ, vì cám dỗ luôn là cái gì hấp dẫn đối với con người, nó phải thật hấp dẫn, nó là Danh, Lợi, Thú ở đời này, nó mới có sức quyến rũ ta theo nó được.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 3592
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  30
 Hôm nay:  6580
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12262734

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn