Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ tư tuần VII thường niên năm chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ tư tuần VII thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Tư tuần VII Thường niên năm chẵn
(26/02/2014) - (Mc 9, 38-40)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.”

Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
__________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Ông Gio-an nói với Đức Giê-su “

Gioan ở đây là Gioan Tông đồ, ông được tặng biệt danh “Con của sấm sét”, một biệt danh làm cho ta gợi nhớ đến sự nóng nảy của ông. Độc giả có thể thắc mắc: Tại sao ông lại có biệt danh này?

Luca có thuật lại sự kiện, Thầy trò Đức Giêsu đi đến làng người Samari. “Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?" Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.” (Lc 9, 51-56) Trong khi Đức Giêsu và các môn đệ khác không tỏ bất kỳ phản ứng nào, thì 02 anh em ông Giacôbê và Gioan, vì quá tức giận người Samaria nên đã xin Đức Giêsu cho phép 02 ông, khiến lửa từ trời xuống thiêu sống dân làng. Các ông quá nóng nảy y như sấm sét.

"Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.”

Bài Tin mừng hôm nay đã cho thấy một Gioan nóng nảy, nhưng còn thêm khuyết điểm nữa, đó là hẹp hòi và bè phái.

Gioan nói: “chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ”, có nghĩa chính ông đã chứng kiến tận mắt chứ không ai nói. Chính mắt nhìn thấy đã đủ tính xác thực của sự kiện này, không có gì phải bàn cãi. Nhưng trong câu nói của ông có một sự kiện mà ta phải chú ý, đó là Danh Đức Giêsu khiến cho ma quỷ phải khiếp sợ.

Quả đúng như vậy, Thánh Phaolô trong thư Philiphê đã viết: “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã tự hủy mình ra không, đem thân đội lốt người phàm, Ngài đã vâng phục Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá. Cuối cùng được Chúa Cha siêu tôn, Danh Ngài vượt trên mọi danh hiệu, hầu khi nghe Danh Thánh Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ phải quỳ gối bài thờ” (Pl 2,6-11).

“Hầu khi nghe Danh Thánh Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ phải quỳ gối bài thờ”. Như vậy khi ai đó kêu đến Danh thánh Giêsu, ma quỷ phải khiếp sợ mà xuất ra khỏi người nó đang làm hại. Người ta có thể kêu đến Danh Giêsu trong những trường hợp nào? Một trường hợp phổ biến nhất, đó là Phó linh hồn cho người sắp qua đời. Ta sẽ làm gì khi phó linh hồn cho một ai đó? Xin thưa: Kêu đến Danh Đức Giêsu. Kêu đến Danh này Satan sẽ không dám đến quấy rầy, cản trở người sắp về với Chúa.

Gioan lại nói tiếp: “Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.”

Như vậy Marcô cho ta biết, các môn đệ không chỉ chứng kiến người lấy Danh Đức Giêsu mà trừ quỷ, mà còn ngăn cản người đó. Marcô dùng từ “đã cố” rất mạnh mẽ, có nghĩa cương quyết không cho người ấy lấy Danh Đức Giêsu, vì Gioan nói: “Chúng con đã cố ngăn cản”.

Độc giả có thể thắc mắc, tại sao các môn đệ lại quyết ngăn cản như vậy? Marcô nói rõ, vì người ấy không theo chúng ta. Cụm từ “chúng ta” Marcô dùng để ám chỉ về ai? Rõ ràng để chỉ nhóm Mười Hai và Đức Giêsu. Ngài cũng được bao hàm trong cụm từ chúng ta mà Gioan đã dùng.

Nếu độc giả để ý một chút sẽ thấy sự vô lý, lấy Danh Đức Giêsu để trừ quỷ mà không thuộc về Đức Giêsu! Đó là sự vô lý. Vì theo truyền thống Kinh thánh, nại đến Danh ai, nó đã có sự liên hệ rồi, không thể dửng dưng như người xa lạ được.

Nếu người ấy lấy Danh Ngài để trừ quỷ và anh ta đã thành công, chứng tỏ cho ta thấy 02 điều:

1/. Người đó có niềm tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu, nếu họ nại đến Danh Giêsu mà không tin vào Danh ấy, thì lời họ nói sẽ rỗng tuếch, chỉ tổ làm trò cười cho ma quỷ. Matthêu đã viết: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia!" nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17, 20) Như vậy, khi người này dùng Danh Đức Giêsu mà trừ quỷ thành công, chứng tỏ anh ta đã có một đức tin mạnh mẽ.

2/. Người này dùng Danh Giêsu trừ quỷ và đã thành công, chứng tỏ Thiên Chúa đã chứng nhận, vì đó phải là ơn Chúa ban chứ không tự sức anh làm được.

Cụm từ “chúng ta”, ngoài Đức Giêsu ra, nó còn ám chỉ nhóm Mười Hai. Như vậy, theo Gioan, các môn đệ cố ngăn cản vì người ấy không thuộc nhóm Mười Hai. Marcô muốn tố cáo các môn đệ mang nặng óc bè phái, chỉ những ai thuộc nhóm Tông đồ mới được quyền nại đến Danh Giêsu mà thôi. Đây là một sai lầm rất lớn vì nó đi ngược tính phổ quát của Tin mừng.

Trong cuộc đời công khai, Đức Giêsu chỉ chú ý đến con chiên lạc Israen, và khi sai các môn đi rao giảng, Ngài cũng yêu cầu các ông chú ý đến dân Chúa chọn. Tạm thời là như vậy, phải ưu tiên cho Dân Chúa trước, vì Thiên Chúa đã ký với Tổ phụ họ một Giao ước. Nhưng sau khi về trời, với lệnh truyền của Đức Giêsu, các môn đệ đã vươn ra ngoài Israen cho đến tận bờ cõi trái đất.

Như vậy, ơn Thiên Chúa sẽ đổ tràn cho toàn thể nhân loại. Còn trong bài Tin mừng hôm nay, Gioan chỉ muốn những ai thuộc nhóm Mười Hai mới được quyền làm điều đó, tức chỉ có môn đệ của Đức Giêsu mới có quyền nại đến Danh Ngài để trừ quỷ.

Óc bè phái thủ cựu, không phải chỉ nơi các tông đồ mới có, mà nó tồn tại trong thế giới qua mọi thời đại. Ai cũng muốn nhóm mình, tập thể của mình là nhất, không cho phép ai qua mặt. Thử hỏi các đoàn thể, các ca đoàn, các Gia đình cầu nguyện.... trong một giáo xứ có được bình yên không? Có được vui vẻ thật tình với nhau không? Mà đây đó xuất hiện những lời ra tiếng vào, nói sau lưng, nói lén, đâm sau lưng chiến sĩ... Phải công tâm mà nói, tinh thần bè phái của Gioan đã ăn sâu vào từng người chúng ta.

Óc bè phái chẳng qua là sự ghen tức trá hình. Ghen tức vì thấy có kẻ hơn mình, hơn tập thể mình, nhóm mình. Và nó có bóng dáng của sự Kiêu ngạo

“Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”

Marcô nói rất rõ: "Đừng ngăn cản người ta”, đây phải được hiểu mệnh lệnh của Đức Giêsu cho các môn đệ, các ông không được sống như vậy. Làm môn đệ của Ngài, các ông phải noi theo Ngài, phải thấm nhuần tinh thần phục vụ, lòng bao dung, và tình yêu với anh em.

Đức Giêsu nói rõ, tại sao không được ngăn cản người ta, vì “không ai lấy danh nghĩa Thầy làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy”. Đấy là lý do rất đơn giản, dễ hiểu nhưng đầy đúng đắn. Nó đúng đắn bởi những lý do sau đây:

- Marcô dùng cụm từ “không ai”, nó cũng đồng nghĩa với “không bao giờ”, “chưa bao giờ”. Không bao giờ có chuyện ấy.

- “Lấy danh nghĩa Thầy” có nghĩa thuộc về Đức Giêsu. Sự thuộc về ở đây có thể công khai như các môn đệ, cũng có thể thuộc về cách âm thầm và kín đáo vì một lý do gì đó. “Nói xấu về Thầy”, có nghĩa chống lại Đức Giêsu. Như vậy thử hỏi, có trường hợp nào, vừa ở trong Đức Giêsu lại vừa chống lại Ngài chưa! Xin thưa: Chưa, vì đó là sự vô lý.

Chỉ có người ngoài mới có thể chống lại Đức Giêsu, không thể là người ở trong. Vậy thử hỏi: những ai nói xấu, chống lại Đức Giêsu? Xin thưa: đó là những thành phần lãnh đạo Do Thái giáo, họ là Kinh sư, Pharisêu, Tư thế, Thượng tế,... Vì sao họ chống lại Ngài? Vì họ ở ngoài Đức Giêsu. Họ cố ở ngoài khi từ chối bao nhiêu lần Ngài mời gọi họ.

Ngoài kinh sư, Pharisêu ..... ra, còn ai nữa? thưa: còn có ta. Vì mỗi lần ta phạm tội, ta không biết sống bao dung, không biết tha thứ,... đó là lúc ta đi ngược lại với giáo huấn của Ngài, có khác gì ta đang chống lại Ngài. Nếu như vậy, thì còn biết bao người nữa. TẠI SAO TA KHÔNG BIẾT BAO DUNG, KHÔNG BIẾT THA THỨ? Xin thưa vì tâm hồn ta đang bị Satan chế ngự. Nó đưa ra rất nhiều lý do như: Lòng tự ái, danh dự bị xúc phạm để không cho phép ta tha thứ. Mà đụng đến lòng tự ái, đụng tới danh dự, ta đã đi đến đáy bản năng của con người, lúc đó ta đang sống như không có trí khôn, không còn biết suy nghĩ đến những điều tốt đẹp hơn.

“Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”

Có lẽ độc giả sẽ ngạc nhiên khi đọc đến câu cuối cùng của Bài Tin mừng, nó có cái gì đó khó hiểu, vì đứng trước Đức Giêsu, người ta sẽ ở một trong 04 trường hợp sau đây:

1/. Đi theo Đức Giêsu.
2/. Không theo cũng không chống.
3/. Không nghe nói đến.
4/. Chống lại Đức Giêsu.

Marcô viết rất rõ: “Không chống” là ủng hộ rồi. Như vậy, Đức Giêsu nhấn mạnh khi Ngài nói, ai không ở trong trường hợp thứ tư (chống lại Đức Giêsu), là ủng hộ Ngài rồi. Chủ trương đó làm sáng lên tính phổ quát của Tin mừng, chỉ có ai chống lại quyết liệt, rõ ràng mới bị loại vào nơi tối tăm, ở đó chỉ có “khóc lóc và nghiền răng”.

Còn quan điểm của Gioan và các môn đệ thế nào? Đó là: “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”. Đó là quan điểm hết sức hẹp hòi, ích kỷ và bè phái, nó bắt buộc người ta phải theo, không theo tức chống lại.

Trong khi quan điểm của Đức Giêsu rất bao dung, rộng mở và phổ quát: “AI KHÔNG CHỐNG LẠI CHÚNG TA LÀ ỦNG HỘ CHÚNG TA”.

Độc giả có thể thắc mắc, tại sao Gioan lại có quan niệm như vậy? Ông có thay đổi không?

Ta có thể nói như thế này, không những Gioan mà các môn đệ khác không nhiều thì ít đều có quan niệm như vậy, vì các ông đang sống trong hào quang thành công của Đức Giêsu. Ngài được dân chúng ca ngợi, tôn vinh và được làm môn đệ của một Đấng như vậy thì quả là vinh dự tột bực. Vinh dự đó dành cho số người càng ít càng tốt, vinh dự đó mới được tăng lên. Có Nhóm Mười Hai là đủ rồi. Các ông chưa thể lãnh hội tính PHỔ QUÁT của Tin mừng.

Chỉ sau khi Đức Giêsu về trời, Chúa Thánh Thần được sai xuống, các ông mới được biến đổi toàn diện, các ông đi ra khắp nơi bên ngoài lãnh thổ Israen để loan báo Tin mừng, làm cho Giáo hội của Đức Giêsu trở thành GIÁO HỘI CÔNG GIÁO, một Giáo hội mang tính phổ quát.

Còn bản thân Gioan thế nào? Ông đã thay đổi đến kỳ diệu, ông không còn mang biệt danh “Con của sấm sét” nữa, mà là “Tông đồ của Tình yêu”

Chính ông chứ không ai khác đã định nghĩa Thiên Chúa, Gioan viết như sau: “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU. AI Ở TRONG TÌNH YÊU THÌ Ở TRONG THIÊN CHÚA VÀ THIÊN CHÚA Ở TRONG NGƯỜI ẤY”.

Sử sách còn ghi:

Về già, không đi được nữa, Gioan được mang tới nhà thờ. Ông thường lặp lại: "CÁC CON HÃY YÊU THƯƠNG NHAU". Thấy ông nói mãi một điều, người ta kêu ca và Gioan chỉ trả lời: "Đó là lệnh truyền của Chúa, và như vậy là đủ".

Vâng chỉ cần như vậy thôi đủ rồi, đó mới là điểm đặc biệt của Gioan. Ai sống trong tình yêu, người đó mới ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2243
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  21
 Hôm nay:  997
 Hôm qua:  3129
 Tuần trước:  24007
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12341002

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn