Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ tư tuần VI thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ tư tuần VI thường niên năm chẵn.

 

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Tư tuần VI Thường niên năm chẵn
(19/02/2014) - (Mc 8, 22-26)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Đức Giê-su và các môn đệ đến Bết-xai-đa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta.

Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: "Anh có thấy gì không?" Anh ngước mắt lên và thưa: "Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại."

Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. Người cho anh về nhà và dặn: "Anh đừng có vào làng."
___________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Đức Giê-su và các môn đệ đến Bết-xai-đa”.

Bài Tin mừng hôm qua thuật lại sự kiện: Thầy trò Đức Giêsu đang trên biển hướng về Bết-xai-đa. Ngài quở trách các môn đệ kém lòng lòng tin trước 02 phép lạ hóa bánh ra nhiều. Nguyên nhân sự việc do các ông quên đem bánh lên thuyền, và trên thuyền chỉ có 01 chiếc bánh duy nhất có sẵn ở đó. Các ông nhận được bài học nặng nề và có lẽ không bao giờ quên được.

Cuối cùng Đức Giêsu và các môn đệ cũng đến được Betsaida, là quê nhà của Phêrô, Anrê và Philip. Bài Tin mừng hôm nay chỉ duy nhất Thánh sử Marcô thuật lại. Ta có thể nói Bài Tin mừng này là đặc trưng của riêng Marcô, ông là Thánh sử có lối diễn tả đầy ấn tượng và luôn mang tính bất ngờ.

“Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta.”

Vừa đặt chân lên Betsaida, Đức Giêsu có ngay việc làm, Marcô nói “Người ta dẫn một người mù đến”. Như vậy Ngài không có giây phút nghỉ ngơi, thư giãn, sau cuộc hành trình dài, lúc nào cũng làm việc và làm việc. Chào đón Con Thiên Chúa, không phải là vua chúa quan quyền, nhưng lại là người bệnh. Matthêu viết: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9, 12). Đức Giêsu đã ví mình là Thầy thuốc, thì chào đón Ngài tại đây phải là một con bệnh mới hợp tình hợp lý.

Cũng tại Betsaida này Đức Giêsu đã chữa cho một người mù từ khi mới sinh, sự kiện này chỉ duy nhất Thánh sử Gioan thuật lại, nó chiếm toàn bộ Chương 9 với đầy kịch tính (Ga 9, 1-40). Hai sự kiện này giống nhau ở chỗ, chỉ duy nhất một thánh sử thuật lại, có thể nói tại Betsaiđa này, 02 thánh sử đã thi triển hết nét độc đáo của mình.

Ở đây Marcô không xác định người này bị mù từ khi nào, không như Gioan. Nhưng bị mù từ khi nào không quan trọng cho bằng bị mù luôn là sự đau khổ cho con người. Anh ta không thấy được ánh sáng mặt trời, không thấy được người chung quanh, không thấy được cảnh vật, trước mặt anh luôn là màu đen, cuộc đời anh bị nhấn chìm trong đêm tối.

Marcô viết: “nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta”. Hình như ở đây có sự nghịch lý, anh mù không xin, nhưng người nài xin lại là người đã dắt anh đến. Họ thấu hiểu nỗi khổ của anh và nói thay cho anh. Đó là nét nhân ái cao độ làm Đức Giêsu phải cảm động. Họ không thể làm gì cho anh, nhưng ít ra họ cũng làm được việc, đó là xin Đức Giêsu chữa bệnh. Thời nào cũng có những người bất hạnh như vậy, và là dịp để cho người bình thường mở rộng cánh tay ra, đừng khép lại như những con người vô cảm.

Họ xin Đức Giêsu điều gì? Marcô nói, họ xin Ngài “sờ vào” anh ta. Họ tin như vậy sao? Chỉ cần một cú chạm thôi sao? Vâng đúng vậy, họ tin Đức Giêsu khi sờ vào, con bệnh ắt được chữa lành. Một niềm tin quá đơn sơ chân thành nhưng thật mãnh liệt. Nhiều khi đâu cần Ngài sờ vào, mà con bệnh tìm cách sờ vào Ngài cũng đã được chữa lành rồi.

“Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh”

Độc giả có thể thắc mắc, tại sao Đức Giêsu làm nhiều cử chỉ như vậy? Đưa ra khỏi làng – nhổ nước miếng vào mắt – đặt tay. Hình như có cái gì đó lạ lẫm, khó hiểu ở đây.

Nhưng nếu ta nhớ lại sự kiện khác, cũng chỉ Marcô thuật lại, Đức Giêsu chữa cho người vừa bị điếc lại vừa bị ngọng mà ta có dịp phân tích (Mc 7, 31-37). Ngài cũng làm những cử chỉ như vậy: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.” (Mc 7, 33).

“Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng”, đó là nét đặc trưng của Tin mừng Marcô, cần phải tách người bệnh ra khỏi đám đông, lúc này chỉ còn Đức Giêsu với người bệnh, không có sự hiện diện của người khác, tránh tất cả cái nhìn tò mò không ích gì cho việc chữa bệnh. Đây là sự riêng tư giữa con người với Thiên Chúa.

“Rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh”. Có lẽ độc giả sẽ thắc mắc tại sao Đức Giêsu làm như vậy? Không ai có thể trả lời câu hỏi này, ngay cả Marcô, ông chỉ biết mô tả sự kiện chứ không giải thích.

Ta còn nhớ trong phép lạ Đức Giêsu chữa cho người mù từ khi mới sinh do Thánh sử Gioan tường thuật, Ngài cũng làm những cử chỉ khó hiểu, Gioan viết: “Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Ga 9, 6-7) Hai cử chỉ ở hai Thánh sử mặc dù có lạ lẫm nhưng chúng lại khác nhau hoàn toàn. Độc giả có thể thắc mắc, vậy chúng muốn nói lên điều gì?

Nếu không giải thích được, ít ra ta có thể nói như vầy: Khi chữa bệnh, Đức Giêsu không theo phương pháp nào, cách thức nào, vì cùng là bệnh như nhau nhưng cách chữa lại hoàn toàn khác nhau. Rõ ràng đây là phép lạ chứ không phải chữa bệnh theo phương pháp của con người. Nếu trong mọi trường hợp Ngài làm những cử chỉ giống nhau, thì độc giả có thể đặt dấu hỏi nghi ngờ, nhưng ở đây thì không.

“Và hỏi: "Anh có thấy gì không?"

Lại một sự lạ nữa. Vâng đúng vậy, dưới ngòi bút của Marcô luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ. Độc giả có thể hỏi: có bao giờ Đức Giêsu chữa cho người nào Ngài hỏi như vậy chưa? Hoàn toàn chưa, chưa bao giờ Ngài hỏi vậy. Hỏi như vậy hóa ra Ngài không tin vào mình sao?

Lạ thật, một Thiên Chúa lại không tin vào mình thì quả là khôi hài! Có lẽ từ khai thiên lập địa cho đến tận thế, không có chuyện Thiên Chúa không tin vào mình. Nhưng ta cứ từ từ, đừng nóng vội, vì nguyên tắc khi phân tích Tin mừng Marcô phải thật bình tĩnh, thật bình tĩnh vì nóng vội là rơi vào sai lầm ngay tức khắc. Cứ để đấy!

“Anh ngước mắt lên và thưa: "Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.”

Lại sự lạ nữa, Đức Giêsu “nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh”, Ngài chữa cho anh, nhưng anh lại nói “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối”, có nghĩa chưa thấy rõ. Độc giả đang ngơ ngác phải không, vì đọc hết 04 sách Tin mừng, chưa bao giờ Đức Giêsu chữa cho người bệnh lại dở dở ương ương như vậy, trường hợp nào ta cũng gặp những từ như: “Lập tức” – “ngay tức khắc”, có nghĩa hiệu quả tức thì. Nhưng ở đây Marcô cho biết, anh ta chưa sáng mắt hoàn toàn, như vậy có nghĩa gì?

“Người nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: "Anh có thấy gì không?" Anh ngước mắt lên và thưa: "Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.”

Để hiểu được ẩn ý của Marcô, ta hãy tự đặt mình vào anh mù (có thể anh bị mù từ khi mới sinh?). Anh bị mù cũng khá lâu, có nghĩa anh không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nếu Đức Giêsu chữa cho anh sáng mắt ngay, khi mở mắt ra chắc anh sẽ reo hò vui sướng, nhưng đó cũng là lúc kết liễu đôi mắt của anh. Bao giờ cũng vậy, khi một người mù được chữa cho được sáng, thì thời gian đầu họ không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như người bình thường, mà phải ở trong nhà cho ánh sáng dịu bớt. Sau một thời gian làm quen, họ mới được ra ngoài bình thường.

Nhưng trong Bài Tin mừng, anh mù không ở trong nhà mà ở ngoài trời, Marcô muốn cho ta biết:

ĐỨC GIÊSU CHỮA CHO ANH MÙ QUA 02 GIAI ĐOẠN.

Giai đoạn thứ nhất ta đã phân tích, Ngài muốn cho anh làm quen với ánh sáng mặt trời. Như vậy đã quá rõ điều Marcô muốn diễn tả, độc giả chắc không còn thắc mắc nữa.

“Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự.”

Đức Giêsu bắt đầu giai đoạn thứ hai. Ở giai đoạn thứ nhất, Đức Giêsu “nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh”, nó được ví như sự khởi động chuẩn bị cho quyền năng Thiên Chúa đổ xuống. Ở giai đoạn thứ hai, Đức Giêsu đặt tay lên chính mắt anh, nó cho biết quyền năng Thiên Chúa bắt đầu đổ vào mắt của anh, để như Marcô trong những trường hợp khác, ông nói “Lập tức” – “Ngay tức khắc”.

Kết quả: “anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự.” Marcô diễn tả: Trông rõ – Khỏi hẳn – Thấy tỏ tường, độc giả có thể hỏi, 03 cụm từ này ý nghĩa có giống nhau? Xin thưa: giống nhau, nhưng Marcô muốn viết ra cả ba như để khẳng định, quyền năng của Thiên Chúa thật tuyệt vời.

“Người cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.”

Đến cuối Bài Tin mừng rồi vẫn chưa hết cái lạ. Tại sao Đức Giêsu lại dặn: “Anh đừng có vào làng”? Marcô viết vậy có ý gì?

Ngay đầu bài Tin mừng, Marcô viết: “Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng”, bây giờ Ngài lại dặn “Anh đừng có vào làng.” Thử hỏi: Nhà anh mù ở đâu? Marcô không xác định. Nếu nhà anh ở trong làng thì sao? Vì Đức Giêsu cho anh về nhà, nếu nhà anh ở trong làng, độc giả không hiểu anh mù mới được chữa lành phải đi đâu bây giờ! Việc này chỉ có Đức Chúa Trời mới biết được.

Thưc ra câu: “Người cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.” Có thể hiểu như những câu kết ở những phép lạ khác.

+ “Về nhà”: có nghĩa về chỗ riêng tư của mình, ý nói về sự kín đáo. “Anh đừng nói cho ai biết”. Câu này đã giải thích nhiều lần, thiết tưởng không cần nhắc lại.

+ “Đừng có vào làng”: có nghĩa đừng trở lại tình trạng cũ của mình. Trước đây anh sống thế nào không ai biết, Marcô cũng không nói, nhưng chắc chắn đã là con người ai cũng có tội, đó là một sự thật, nó thật hơn cả thật. Như vậy, Đức Giêsu muốn anh ta phải sống một cuộc sống mới, cuộc sống trong sự biết ơn Thiên Chúa, và cuộc đời anh phải là lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban xuống trên anh.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 3115
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  22
 Hôm nay:  2491
 Hôm qua:  3165
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12339367

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn