Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Tư Tuần V Mùa Chay Năm A

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Tư Tuần V Mùa Chay Năm A

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Tư Tuần V Mùa Chay Năm A
(09/04/2014) - (Ga 8, 31-42)
ĐỨC GIÊSU và ÔNG ÁP-RA-HAM

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do-thái đã tin Ngài rằng: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”.

Họ thưa lại Người: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói “Các ngươi sẽ được tự do”?”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Họ đáp lại: “Cha chúng tôi chính là Abraham!” Chúa Giêsu nói: “Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Ðiều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!”

Họ lại nói: “Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến”.
__________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do-thái đã tin Ngài rằng: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”.

Kết thúc Bài Tin mừng hôm qua (Ga 8, 21-30), Thánh sử Gioan viết: “Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.” (Ga 8, 30) Có nghĩa trước những mặc khải về Đức Giêsu, xuất phát từ Thiên Chúa, có nhiều người không tin, đó là các kinh sư, Pharisêu và người Do Thái cố chấp, họ vì thành kiến, vì lòng ghen ghét nên không thể chấp nhận điều Ngài nói. Nhưng bên cạnh đó có nhiều người tin, đó là những con người thành tâm thiện chí, mở rộng lòng mình đón nhận chân lý. Họ tin vì nơi họ đơn sơ, không có sẵn thành kiến và ghen ghét, họ là những con người khao khát chân lý. Nhưng niềm tin của họ chưa có gì làm đảm bảo và nó rất mong manh, niềm tin đó có thể bị cuốn hút bởi số đông, bị đe dọa bởi những trào lưu và tập quán.

Ngày hôm nay, Đức Giêsu muốn nói riêng với những kẻ đã tin vào Ngài như để khích lệ và củng cố niềm tin của họ. Ngài nói: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta”.

Độc giả sẽ thắc mắc: Làm sao họ có thể ở trong lời Đức Giêsu được? Thử hỏi từ trước đến giờ có ai ở trong lời người khác chưa, vì lời là một âm thanh ngay khi vừa phát ra nó đã tan biến ngay vào không gian, thì làm sao ta có thể ở trong đó?

Ngay mệnh đề đầu tiên của Bài Tin mừng: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta”, nó đã vén mở cho ta một chân lý cao siêu. Chân lý đó là: Lời Ta = Lời Đức Giêsu = Lời Thiên Chúa. Mà Lời Thiên Chúa là chính Thiên Chúa, hay Ngôi Lời.

Như vậy, “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta” có nghĩa “Nếu các ngươi cứ ở trong Ta”, các ngươi sẽ thật sự là môn đệ Ta. Đức Giêsu muốn nói với con người qua mọi thời đại biết, nếu muốn trở thành môn đệ, thì điều kiện tiên quyết, họ phải liên kết mật thiết với Ngài, liên kết mật thiết đến độ ở trong Ngài. Độc giả sẽ thấy nực cười khi Sứ giả loan báo Tin mừng lại không có Đức Giêsu trong mình, vậy thử hỏi họ đi loan báo cái gì? Chẳng loan báo gì hết, ngoại trừ loan báo về con người của họ. 

“Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”.

Độc giả có thể đặt câu hỏi, “sự thật” nói đến ở đây là sự thật nào? Xin thưa, đó là Sự thật về Thiên Chúa và về con người, nó nằm trong câu nói của Đức Giêsu, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Nó diễn tả Tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa và sự đáp trả của con người.

Như vậy, chỉ có ai là môn đệ Đức Giêsu mới biết được sự thật này, vì khi là môn đệ, ta đã ở trong Đức Giêsu, ta mới hiểu được Lời Ngài nói. Còn kẻ không là môn đệ, sẽ không ở trong Ngài, không thể nhận ra sự thật đó.

“Và sự thật giải thoát các ngươi”. Sự thật sẽ giải thoát ta chỗ nào? Gioan viết: “ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Chính niềm tin vào Con Thiên Chúa, nó đem lại cho ta sức mạnh, giải thoát ta khỏi sự chết, khỏi sự gian dối, khỏi mọi ràng buộc. Như vậy, khi ở trong Đức Giêsu, ta là con người có tự do đích thực.

“Họ thưa lại Người: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói “Các ngươi sẽ được tự do”?”.

Khi Đức Giêsu nói: “sự thật giải thoát các ngươi”, họ nghĩ ngay Ngài muốn ám chỉ họ là kẻ nô lệ. Dường như họ bị chạm tự ái nên phản ứng: “Tại sao ông lại nói “Các ngươi sẽ được tự do”?”. Họ tự hào là con cháu Abraham và chưa bao giờ làm nô lệ cho ai cả.

Có đúng họ chưa bao giờ làm nô lệ cho ai không? Họ nói thật không? Xin thưa: Không. Đấy chẳng qua vì tự ái nên nói càn, nói bừa. Trong lịch sử Israen ta được biết họ đã từng làm nô lệ cho các đế quốc, ví dụ: Ai-cập, Assyria, Babylon, và Rome. Ý của Đức Giêsu hoàn toàn khác, Ngài muốn nói đến thứ nô lệ sâu xa hơn, đó là ta nô lệ cho ta, nô lệ cho tội lỗi của ta khi ở lì trong tội. Thứ nô lệ đó mới nguy hiểm, mới đưa đến sự chết. Nhưng họ không hiểu.

Độc giả sẽ thắc mắc: Tại sao họ tự hào là con cháu Abraham và chưa bao giờ làm nô lệ cho ai? Cơ sở nào cho phép họ nghĩ như vậy?

Nếu lần mở lại Cựu ước, sách Sáng Thế Ký thuật lại: hồi ấy Abraham được 86 tuổi (cách tính của người Do Thái), Bà Xa-rai, vợ ông, đã không sinh được cho ông một người con nào. Bà có một người nữ tỳ Ai-cập, tên là Ha-ga. Bà Xa-rai nói với ông Áp-ram: "Ông coi: ĐỨC CHÚA đã không cho phép tôi sinh con. Vậy xin ông đi lại với nữ tỳ của tôi; may ra nhờ nó mà tôi sẽ có con." Ông Áp-ram nghe lời bà Xa-rai. (Stk 16, 1-2)

Nhưng khi Ha-ga biết mình có thai liền coi khinh bà chủ. Bà Xa-rai đem chuyện này nói với Abraham, ông cho phép bà muốn làm gì tùy ý. Bà hành hạ Ha-ga đến nỗi nàng phải trốn bà. Cuối cùng Ha-ga cũng sinh cho Abraham một người con và đặt tên là It-ma-ên, đứa con của người nô lệ.

Khi Abraham được chín mươi chín tuổi, ĐỨC CHÚA hiện ra với ông và phán: "Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo. Ta sẽ đặt giao ước của Ta giữa Ta với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi trở nên đông, thật đông." Ông Abraham cúi rạp xuống. (Stk 17, 1-3). Sau đó Đức Chúa ban cho bà Xa-rai có thai và sinh cho Abraham một người con, ông đặt tên là Isaac. Đây mới là đứa con của giao ước, đứa con của người vợ chính thức, ta còn gọi là đứa con của tự do. Từ Isaac sẽ nảy sinh dân tộc Israen sau này, còn gọi là dân Do Thái.

Như vậy, khi người Do Thái nói: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả”, họ có ý muốn nói, họ là con của người tự do chứ không phải con của người nô lệ.

Nhưng thật hàm hồ, vì con của người tự do và chưa bao giờ làm nô lệ cho ai là 02 khái niệm hoàn toàn khác nhau, dường như không liên hệ đến nhau, và trong thực tế dân Do Thái từng làm nô lệ cho nhiều đế quốc mà ta đã mô tả. Đó là hậu quả của những giai đoạn người Do Thái phản bội lại Giao ước, mà Tổ phụ họ đã ký kết với Đức Chúa, nên họ bị Đức Chúa phạt. Và lịch sử cũng chứng minh một chân lý: Đức Chúa luôn trung thành với Giao ước, và cứ mỗi lần làm nô lệ, Đức Chúa lại cứu họ khi họ biết tỏ lòng sám hối ăn năn.

Ta có thể nói: Lịch sử của Israen (Do Thái) là một điệp khúc lặp đi lặp lại: Bất trung – Nô lệ - Sám hối – Được cứu – Bất trung,....

“Chúa Giêsu trả lời rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự.”

Đức Giêsu muốn nói cho người Do Thái biết, thứ nô lệ mà Ngài muốn nhắm đến đó là NÔ LỆ CHO TỘI, chứ không phải theo huyết thống. Nếu theo huyết thống, họ là con cháu của bà Xa-rai, một người tự do, vợ ông Abraham, họ xứng đáng ở trong dân tộc Israen, vì chỉ có người con mới được ở trong nhà.

Nhưng thứ nô lệ cho tội mới là thứ nô lệ đáng sợ. Lúc nào ta là kẻ nô lệ cho tội? Gioan viết: “Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội”. Vâng đúng vậy, khi ta phạm tội, ta không còn là con người tự do, ta bị các khuynh hướng xấu, bị dục vọng điều khiển và chi phối. Nó khuynh đảo và lôi kéo ta về mọi phía. Nó không cho phép ta được làm theo những suy nghĩ tốt đẹp, thánh thiện mà luôn kéo ta về đàng xấu. Nó không như thứ nô lệ hiểu theo nghĩa thông thường, khi kẻ đô hộ luôn ở ngoài ta. Trong nô lệ cho tội, kẻ làm chủ ta ở trong chính ta. Ta làm nô lệ cho ta, thử hỏi làm sao ta thoát ra khỏi nó.

“Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà.” Cũng như người Do Thái là con của người tự do, nên họ được ở trong dân tộc của Giao ước, còn It-ma-ên, con của nô lệ Ha-ga, và con cháu của It-ma-ên, không được ở trong dân tộc Giao ước. Đức Giêsu cũng muốn nói đến, khi ta nô lệ cho tội, ta không được ở trong “Nhà” của Thiên Chúa, có nghĩa không được ở trong Nước Thiên Chúa, chỉ có người tự do mà thôi.

“Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự.” Có một thực tế chua xót và cay đắng, nếu Con Thiên Chúa không thực hiện Chương trình cứu độ, ta sẽ bị trầm luân vĩnh viễn, ta sẽ nô lệ cho tội vĩnh viễn và bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa. Đó là một chân lý, vì làm sao ta có thể giải thoát mình khỏi tội. Khi ta đang bị trói chặt bởi tội, chỉ có Đấng không có tội, Đấng ở ngoài vòng kiềm tỏa của tội mới cứu ta khỏi tội. Chính vì thế Đức Giêsu mới nói: “Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự”, lúc đó ta mới là con cái trong nhà, có nghĩa được ở trong nước Thiên Chúa.

Là con cháu Abraham thì có gì đáng tự hào, Thiên Chúa có thể biến những hòn đá này thành con cái Abraham nếu Ngài muốn. Đức Giêsu từng nhắc cho người Do Thái biết, trong Bàn tiệc Nước Trời, có một thảm kịch xảy ra, đó là người khắp tứ phương thiên hạ trảy đến còn người trong nhà lại bị loại ra ngoài. Người trong nhà, đó là con cháu của Giao ước, là những người Do Thái ngoan cố. Không phải cứ là người Do Thái mới được cứu độ, mà ơn Cứu độ sẽ dành cho tất cả mọi người.

“Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Họ đáp lại: “Cha chúng tôi chính là Abraham!” Chúa Giêsu nói: “Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Ðiều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!”

Độc giả bất ngờ khi Đức Giêsu đưa ra một số khái niệm: “Abraham” – “Cha các người”. Cha các người là ai? Gioan không xác định, nhưng chỉ cho biết khi họ nói, họ là con cháu Abraham, điều đó không chính xác, vì sao?

Đức Giêsu nói: “Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta” ..... “Ðiều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!”

Lần mở lại Cựu ước, sách Sáng Thế ký viết: “ĐỨC CHÚA hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói: "Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây!" Khách trả lời: "Xin cứ làm như ông vừa nói!" Ông Áp-ra-ham vội vã vào lều tìm bà Xa-ra mà bảo: "Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh." Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt. Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa. (Stk 18, 1-8)

Ông Abraham đón tiếp người Thiên Chúa sai đến rất nồng nhiệt. Ông quá chu đáo, không những ông và cả nhà ông, từ vợ cho đến đầy tớ trong nhà cũng nhiệt tình như vậy. Nếu người Do Thái tự hào là con cháu của Abraham, thì họ phải đón tiếp nồng nhiệt người Thiên Chúa sai đến như vậy, Người Thiên Chúa sai đến ở đây ám chỉ Đức Giêsu. Nhưng họ đã làm điều ngược lại, thay vì đón tiếp họ lại tìm cách giết, Gioan viết: “thế mà các ngươi lại tìm giết Ta”. Như vậy họ có phải là con cháu Abraham không? Chắc chắn không vì “con nhà tông, không giống lông cũng phải giống cánh”.

“vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Cha các người là ai? Đó là những kẻ chuyên tìm giết ngôn sứ.

Trong một loạt lời kết án Kinh sư và Pharisêu ở chương 23 của Matthêu, Đức Giêsu đã chỉ đích danh “Cha của họ” là ai. Matthêu viết: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. Các người nói: "Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ." Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!” (Mt 23, 29-32)

Như vậy Đức Giêsu muốn nói, lời của Ngài không thấm nhập vào họ, nói theo kiểu dân dã, “nước đổ lá môn”, chính vì lời của Đức Giêsu không đi vào được trong con người họ, nên không biến đổi những con người chai đá như vậy.

“Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Đó là lời kết án quyết liệt, họ không thể là con cái Thiên Chúa mà chỉ là con cái của kẻ giết ngôn sứ.

Tóm lại: Họ không phải con cháu Abraham, không phải con cái Thiên Chúa, họ là con của kẻ giết ngôn sứ, điều này dẫn đến hệ quả tất yếu: Họ là con cháu của Satan và đồng bọn.

Nếu ta là con cái Thiên Chúa, ta phải đón tiếp Ngài vào trong nhà linh hồn mình và sống thực thi thánh ý Ngài trong cuộc đời. Nhưng khổ nỗi Thiên Chúa thì ta không thấy, ta có thấy Ngài ở đâu đâu Mặc dù Đức tin dạy cho ta biết Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng Ngài lại là Đấng vô hình nên ta không thấy. May mắn thay Đức Giêsu nói: “Ai thấy Ta là thấy Cha”. Như vậy cứ nhìn vào Đức Giêsu ta sẽ thấy Thiên Chúa, vì Ngài là Thiên Chúa. Nhưng ta gặp Đức Giêsu ở đâu bây giờ? Ta sẽ gặp Ngài trong mỗi thánh lễ, trong những buổi đọc và chia sẻ lời Chúa, gặp Ngài trong các giờ kinh nguyện... Đó là những lúc ta gặp Ngài trực tiếp nhờ vào ảnh tượng, nhờ vào Kinh Thánh. Nhưng có một nơi ta sẽ gặp Đức Giêsu rõ nhất, sâu sa nhất, đó là lúc ta ở một mình trong đêm hôm khuya khoắt, không còn ai bên ta và chỉ còn lại ta với Chúa, lúc đó ta sẽ nghe thấy tiếng Chúa rõ nhất, vì nó không bị pha tạp bởi các âm thanh huyên náo, không còn bị khuya động bởi những lo toan, không còn bị chi phối bởi các ham muốn, vì đó là phút dành riêng ta. Ta còn gặp Đức Giêsu trong chính biến cố vừa xảy đến, cứ bình tĩnh, đừng vội vã để cho mọi cảm giác qua đi, ta sẽ nghe thấy tiếng Chúa nói với ta. Như vậy, nếu nói ta không có giờ gặp Chúa là quá vô lý, vì ta có vô số cơ hội, bất cứ lúc nào. Vấn đề là ta có muốn tìm gặp Ngài không? Tìm gặp Đức Giêsu để ta nghe Ngài nói và để lời Ngài biến đổi cuộc đời ta.

“Họ lại nói: “Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến”.

Khi người Do Thái tự hào mình là con cháu Abraham, Đức Giêsu đã đánh mạnh vào niềm kiêu hãnh này. Ý Ngài muốn nói, nếu là con cháu Abraham thì phải làm công việc của Abraham, đó là đón tiếp Đấng mà Thiên Chúa sai đến, Đấng đó là Ngài, vì ngày xưa Abraham đã làm như vậy. Nhưng ở đây họ đã làm điều ngược lại, như vậy họ không phải là con cháu Abraham trong Giao ước. Vậy họ sẽ là con ai? Chẳng lẽ là con hoang.

Người Do Thái phản ứng lại: “Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!”. Họ cố biện hộ cho mình không phải là con hoang, đồng thời muốn ngoi lên cao hơn, họ cho mình là con Thiên Chúa.

Nhưng lập luận này cũng bị Đức Giêsu bẻ gãy, vì nếu họ là con cái Thiên Chúa thì họ phải yêu mến Đấng Thiên Chúa sai đến, Đấng đó là Ngài, “vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến”.

Vậy thì họ sẽ là con ai?

Đây chính là điều đã đẩy sự chống đối lên đến cực điểm, vì không gì cay cú cho bằng, khi mình có cha có mẹ hẳn hòi mà bị người ta nói là con hoang. Vâng chính cuộc sống của họ đã tự đưa họ vào chỗ đó, chứ không ai muốn. Đức Giêsu muốn mời gọi họ và mời cả chúng ta, nếu ta muốn là con cái Thiên Chúa thì hãy tin vào Đức Giêsu, vì Ngài đã được Thiên Chúa sai đến.

Amen.
__________________________

Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2539
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  27
 Hôm nay:  7081
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12263235

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn