Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ tư tuần III Mùa Chay

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ tư tuần III Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Tư Tuần III Mùa Chay
(26/03/2014) - (Mt 5, 17-19) - MÙA CHAY 2014
KIỆN TOÀN LỀ LUẬT.

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Một hôm Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phếttrong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 

Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Một hôm Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ”.

Độc giả xét cụm từ: “Anh em đừng tưởng”, nó cho ta biết, giữa các môn đệ Đức Giêsu đang có ý nghĩ, họ cho rằng: Đức Giêsu muốn làm cuộc cách mạng vĩ đại, đó là bãi bỏ toàn bộ luật cũ bằng luật mới của Ngài. Ngài là nhà cấp tiến. Sở dĩ ta có thể nói như vậy vì những lý do sau đây:

1/. Các môn đệ đã chứng kiến nhiều cuộc tranh luận nảy lửa, giữa Đức Giêsu và những người lãnh đạo tôn giáo, tranh luận các vấn đề về luật. Điển hình nhất là LUẬT NGÀY SABBATH. Theo Ngài ngày Sabbath được dựng nên vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabbath, do đó ngày Sabbath Đức Giêsu hay chữa bệnh.

Có lần ông Trưởng hội đường phải than phiền về việc này, ông nghĩ trong một tuần lễ có 07 ngày, thế tại sao Ngài không chữa bệnh trong các ngày khác mà chỉ nhắm vào ngày Sabbth. Đức Giêsu đưa ra lập luận đanh thép khiến họ phải im lặng, không thể nói được gì: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?" (Lc 14, 5). Mặt khác, đối với người Do Thái, người ta chỉ tập trung trong hội đường để nghe lời Chúa trong ngày Sabbth, còn ngày khác thì không. Rõ ràng ngày Sabbth rất thuận tiện cho người bệnh khi nghe biết có Đức Giêsu hiện diện..

Rồi luật RỬA TAY TRƯỚC KHI ĂN. Kinh sư và người Pharisêu luôn chú ý đến luật này và quan sát các môn đệ Đức Giêsu, lần nào cũng thế, họ đều thấy các môn đệ vi phạm, họ đến trách Đức Giêsu vì đó là hệ thống tập tục của tiền nhân. Cứ nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ bị dồn vào chỗ bí, ai ngờ mỗi lần như thế họ lại bị mang nhục, Ngài kết án họ: Đồ Giả hình. Các ông chỉ chú ý đến cái bên ngoài mà bỏ qua cái bên trong, các ông chỉ tuân giữ luật con người mà bỏ luật Thiên Chúa. ............. Đó chỉ là vài cuộc tranh luận được dẫn chứng, còn vô số cuộc tranh luận khác.

2/. Về lĩnh vực Giáo thuyết, Đức Giêsu đưa ra một chuỗi cải tổ. Độc giả còn nhớ như in điệp khúc: “Anh em đã nghe người xưa dạy...... còn Thầy, Thầy bảo anh em.....” Các môn đệ không thể nào không nghĩ, Đức Giêsu muốn làm cuộc cách mạng triệt để về luật.

3/. Nói chi đâu xa, Bài Tin mừng hôm nay được đặt kế ngay Bài Tin mừng Đức Giêsu công bố Tám mối phúc. Trong luật Môsê đã có Mười Giới răn, không đủ đưa người ta vào Nước Thiên Chúa hay sao, mà Ngài còn đưa ra Tám Mối phúc, và cứ mỗi Mối Phúc, Đức Giêsu nói rõ: Phúc cho ..... vì Nước Trời là của họ. Vậy Mười Giới răn kia vô nghĩa sao? Trong khi các Giới răn này do chính Thiên Chúa ban cho Môsê.

Bằng ấy các dẫn chứng, độc giả có thể thấy trong các môn đệ, họ cho rằng Đức Giêsu muốn làm cuộc cách mạng, hất tung các lề luật sẵn có và thay thế bằng luật mới.

Nhưng Đức Giêsu rất cương quyết khi nói với các ông, "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ”, Ngài nhấn mạnh: đừng tưởng như vậy.

Ta để ý, Đức Giêsu muốn nói đến phạm vi rộng lớn hơn, chứ không chỉ lĩnh vực lề luật. “Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ”, có nghĩa bao gồm luật và lời các ngôn sứ, có nghĩa TOÀN BỘ CỰU ƯỚC. Ngài khẳng định, Ngài đến trần gian không bãi bỏ gì hết, vì Luật là lời Thiên Chúa nói với dân; “Lời ngôn sứ” cũng là lời Thiên Chúa, ngôn sứ là người nói thay cho Ngài. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, không lẽ Ngài tự mâu thuẫn với mình và phản bội lại Cha Ngài. Thật quá vô lý!

“Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.”

Bây giờ Đức Giêsu mới cho các môn đệ hiểu, tại sao có những cuộc tranh luận gay gắt như vậy, tại sao có những khẳng định mạnh mẽ như vậy, vì lề luật đã bị người ta bóp méo, bị người ta nhào nặn, vẽ rắn thêm chân,... làm cho nó trở thành gánh nặng, vô hồn và mất sức sống.

Thiên Chúa đã ban luật cho dân Ngài để dẫn dắt họ đi trên chính lộ, nhưng qua nhiều thời, những nhà làm luật đã bóp méo và thêm thắt. Chỉ riêng luật về ngày Sabbth thôi cũng đủ làm ta chóng mặt, nào là không được làm điều này, không được làm điều kia. Thôi ngày Sabbth cứ ở yên trong nhà cho nó lành, gặp người bị nạn cứ nhắm mắt làm ngơ cho xong, khỏi phải nghĩ ngợi.

Tại sao Đức Giêsu nói: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ...”? Vì xét theo nguyên tắc, chỉ có ai ra luật mới có quyền hủy luật. Luật Môsê do chính Thiên Chúa ban, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền bãi bỏ. Ngay cả Môsê, mặc dù luật mang tên ông, ông cũng không có quyền hủy luật. Đức Giêsu cũng không có quyền hủy luật vì 02 lẽ:

+ Dưới con mắt người lãnh đạo tôn giáo thời đó, Ngài chỉ là một con người, cho dù Ngài có làm những phép lạ cả thể, nhưng họ vẫn không tin Ngài là Con Thiên Chúa.

+ Đức Giêsu cũng không bãi bỏ, vì đây là luật Cha Ngài ban cho dân. Không thể có sự kiện Thiên Chúa tự mâu thuẫn với chính mình.

Nhưng độc giả thử xét xem, Đức Giêsu có được phép kiện toàn không? Xin thưa: Có, Ngài có quyền làm điều đó, kiện toàn luật, vì Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài hiểu ý Cha Ngài hơn ai hết và Ngài xuống trần gian là để thi hành Thánh ý Cha. Cha Ngài và Ngài là Một.

Vậy Đức Giêsu kiện toàn luật thế nào? Ngài sẽ đưa luật tới ý nghĩa toàn hảo, ý nghĩa đích thực của nó. Đức Giêsu sẽ kiện toàn trên 02 phương diện sau đây:

+ Kiện toàn nôi dung luật.
+ Kiện toàn hình thức luật.

1/ KIỆN TOÀN NỘI DUNG LUẬT:

Độc giả hẳn còn nhớ câu chuyện: “Có một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." (Mt 22, 35-40)

Trong câu chuyện này, Đức Giêsu muốn ta chú ý 02 điểm:

1/. Giới răn quan trọng nhất, đó là GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG, bao gồm mến Chúa, yêu người.
2/. “Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy."

Cụm từ “đều tùy thuộc” có nghĩa tất cả lề luật phải lấy TÌNH YÊU làm trọng tâm. Nói cách khác, mọi lề luật phải được xây dựng trên tình yêu. Tình yêu nó là cái hồn của mọi lề luật, làm cho luật có sức sống và xứng đáng tồn tại. Nếu luật nào không dựa trên tình yêu thì luật đó không xứng đáng hiện hữu.

Ta đan cử một ví dụ Đức Giêsu kiện toàn luật.

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” (Mt 5, 21-22).

Luật dạy, chỉ khi giết người mới bị luận phạt. Luật xưa dựa trên sự công bằng, ác giả ác báo. Đức Giêsu kiện toàn luật đó, Ngài nói: Đâu cần phải giết người mới có tội, mà ngay khi giận, la mắng, chửi rủa anh em đã có tội rồi, vì xét một cách sâu xa, khi làm những cử chỉ đó, người ta đã giết anh em trong lòng mình. Như vậy Ngài kiện toàn bằng cách xây dựng luật Chớ giết người trên căn bản Tình yêu. Tất cả hành động đi ngược với yêu thương là vi phạm luật.

Rồi còn nhiều kiện toàn khác mà ta không thể trích dẫn ở đây.

2/. KIỆN TOÀN HÌNH THỨC LUẬT.

Đức Giêsu thường lên án Kinh sư và Pharisêu về lối sống giả hình, thích phô trương. Họ làm mọi sự cốt để thiên hạ trông thấy và khen. Họ sống theo lối sống vụ hình thức. Còn người môn đệ của Ngài thì không được như thế.

Đã đến lúc ta phải tự hỏi lòng mình rằng, ta giữ luật Chúa vì lẽ gì? Chính cái động cơ giữ luật đó, mới đem lại việc làm của ta có ý nghĩa.

Có phải ta làm việc này việc nọ cốt để cho người ta trông thấy không? Nếu như vậy thì ta có khác gì người Pharisêu, cũng giả hình không kém họ. Có phải ta giữ luật Chúa vì muốn có sự an tâm không? Để lương tâm của ta không áy náy. Nếu thế, ta đang đặt điều kiện với Chúa, đòi Ngài phải thưởng công cho ta .... tất cả những cách giữ luật đó không giúp ích gì cho ta tiến trên đường nhân đức. Thiên Chúa vẫn ở bên ngoài cuộc đời ta. Vậy ta phải giữ luật Chúa như thế nào mới đúng?

Xin thưa: Phải giữ luật Chúa trên tinh thần: Ngài là Cha và ta là con. Ta giữ luật Chúa vì ta yêu mến Cha và lúc nào cũng muốn làm theo ý Cha mình. Như vậy khi ta giữ luật Chúa, có nghĩa ta đang sống trong tình Phụ tử và Chúa luôn ở trong đời ta.

“Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.”

Đức Giêsu còn khẳng định mạnh mẽ, không những Ngài không bãi bỏ lề luật, mà sự tồn tại của nó còn mãi mãi. Độc giả để ý cụm từ: “một chấm một phết trong Lề Luật”

Độc giả nên nhớ, chấm phết ở đây không được hiểu như các ký tự ngắt câu như trong tiếng Việt chúng ta, mà là những nét chấm, phết trong mẫu tự Do Thái. Đó là những nét nhỏ để phân biệt chữ này với chữ khác. Đức Giêsu muốn nói rằng, ngay cái nhỏ nhất trong luật còn không được bãi bỏ trước khi trời đất qua đi, huống chi một điều luật. Luật sẽ tồn tại cho đến ngày tận thế, nó có tính bền vững. Nhưng từ nay người ta phải hiểu luật trên tinh thần mới, đó là phải có đức yêu thương, vì chỉ có yêu thương ta mới chu toàn lề luật. Ta luôn nhớ rằng, cái nhỏ nhất trong Thiên Chúa (chấm, phết) đều mang lại cuộc đời ta đầy ý, đem lại cho ta sức mạnh và sự khôn ngoan.

“Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

Độc giả để ý cụm từ “ai bãi bỏ”, không được hiểu là “không giữ”, vì giữa không giữ và bãi bỏ hoàn toàn khác nhau. Có thể vì yếu đuối, vì ươn lười, vì dễ dãi, vì vô kỷ luật,... ta đã không giữ một luật nào đó, nhưng ta vẫn ý thức có luật đó.

Đức Giêsu đã khẳng định, Ngài không bãi bỏ luật nào và Ngài còn khẳng định mọi chấm phết trong luật sẽ không qua đi cho đến ngày tận thế, như vậy Ngài đã khóa chốt trên lề luật, có nghĩa luật không được bãi bỏ.

Trong lề luật, sẽ có luật lớn nhất và nhỏ nhất, Ngài lấy trường hợp luật nhỏ nhất, “Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời”. “Là kẻ nhỏ nhất” đó là kiểu nói ám chỉ không xứng đáng dự hạnh phúc mai sau trong Nước Trời. Ngược lại, “Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”, ý muốn nói họ xứng đáng dự hạnh phúc mai sau trong Nước Trời.

Luật Chúa, đó là Thánh ý Chúa, mà Thánh ý Chúa sao còn phân biệt lớn nhỏ, mỗi Thánh ý đều là lời Ngài mời gọi ta: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành”. Trong trái tim của Ngài không có chỗ lớn chỗ nhỏ, khi ta sống trong Trái tim Ngài, ta luôn thấy mình được hạnh phúc tràn đầy.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2101
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  14
 Hôm nay:  192
 Hôm qua:  2680
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12333903

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn