Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu tuần VII thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu tuần VII thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu tuần VII Thường niên năm chẵn
(28/02/2014) - (Mc 10, 1-12)

 


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người.

Người đáp: "Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?" Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." Đức Giê-su nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."

Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."
____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ.”

Marcô viết: “Đức Giê-su bỏ nơi đó”, ta không biết nơi đó là nơi nào. Marcô ít khi xác định vị trí cụ thể. Ta cũng hay bắt gặp ông viết “trở về nhà”, ông cũng không nói rõ nhà ở đâu. Muốn xác định vị trí tại nơi đang xét, ta phải liên hệ với đoạn đi trước gần nhất, có xác định vị trí để từ đó xác định điều Marcô nói. Ở đây, căn cứ vào câu: “Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà...” (Mc 9, 33) Như vậy, “Đức Giê-su bỏ nơi đó”, có nghĩa Ngài bỏ thành Cacphanaum, miền Galilê.

“Đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan”, đó là lãnh địa của vua Hêrôđê, và cũng là miền có Thành và Đền thờ Giêrusalem. Có nghĩa Đức Giêsu đang đi dần đến cuộc Khổ nạn, Ngài đang mạnh dạn đi tới mà không hề sợ hãi và Ngài sẽ thực hiện Thánh ý Chúa Cha sai Ngài xuống trần gian này.

Độc giả nên nhớ, vua Hêrôđê vừa ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả, lý do Gioan đã lên tiếng can vua không được lấy vợ anh mình. Chi tiết này sẽ được nói đến ở phần sau, nhóm người Pharisêu sẽ tận dụng nó để gài bẫy Đức Giêsu, đúng là trò bẩn, không có gì bẩn hơn nữa!

“Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ.” Marcô dùng từ “lại” rất khéo, từ “lại” được lặp lại đến 02 lần trong cùng một câu. Có nghĩa trước đây, Đức Giêsu đã giảng dạy tại đây, khi Ngài chịu phép Rửa tại sông Jordan, nó cũng chiếm mất một thời gian, dân chúng tuôn đến với Ngài rất đông, đông đến nỗi môn đệ của Gioan Tẩy Giả phải ghen tị.

Thánh sử Gioan viết: “Họ đến gặp ông Gio-an và nói: "Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông." (Ga 3, 26), Chỉ khi Gioan Tẩy Giả bị bắt, Đức Giêsu mới rời Giuđêa về Galilê, chọn Carphacnaum làm “Thành của Ngài”.

Hôm nay Ngài trở lại Giuđêa, dân chúng lại tuôn đến với Ngài và Ngài lại giảng dạy như xưa. Nhưng cũng từ đây nổ ra các vụ tranh luận gay gắt và quyết liệt, nó báo hiệu cho biết Giờ khổ nạn đã gần đến.

“Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?" Họ hỏi thế là để thử Người.”

Vấn đề tranh luận đầu tiên đó là: CHỒNG CÓ ĐƯỢC PHÉP RẪY VỢ KHÔNG? Đây là câu hỏi mà nhóm Pharisêu đến chất vấn Ngài. Marcô nhấn mạnh: “Họ hỏi thế là để thử Người”, có nghĩa họ đã chuẩn bị đưa Đức Giêsu vào chỗ hiểm. Trong câu hỏi này, có một số vấn đề mà ta phải chú ý:

1/. Vấn đề 1: PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ.

Tại sao họ không hỏi một cách chung chung, tức phải hỏi: “Người ta có được phép rẫy vợ không?” mà nói rõ ràng “Chồng có được phép rẫy vợ không?”. Như vậy ngay trong câu hỏi đã phản ánh quan niệm của người Do Thái về người đàn ông và đàn bà, 02 phái được đối xử khác nhau, có sự phân biệt đối xử.

Vào thời Đức Giêsu, việc rẫy vợ thường được chấp nhận nơi người Do Thái. Người chồng có quyền rẫy vợ và điều này bao giờ cũng cho phép người chồng được tái giá. Người vợ không có quyền này. Những cuộc tranh cãi thường liên quan đến những lý do khiến người chồng sử dùng quyền rẫy vợ: tùy theo trường phái đó có thể là vì người vợ xấu nết hoặc làm cháy món ăn...

Bài Tin mừng hôm nay được cả 03 Thánh sử Nhất lãm thuật lại: Matthêu (Mt 19: 1-9); Marcô (Mc 10, 1-12) và Luca (Lc 16, 18 ).

Ở Thánh Matthêu, câu hỏi của người Pharisêu còn não lòng hơn, Matthêu viết: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?", có nghĩa người Do Thái thời đó cho phép chồng được rẫy vợ không cần lý do gì hết. Không phải cứ đợi cơm khét cơm khê mới rẫy vợ, mà chồng muốn rẫy vợ bất cứ lúc nào cũng được, vui thì ở, buồn thì bỏ.

2/. Vấn đề 2: TRÒ BẨN

Marcô viết: “Họ hỏi thế là để thử Người”. Như đã nói, Giuđêa là lãnh địa của vua Hêrôđê, ông mới cho chém đầu Gioan Tẩy Giả vì đã cản ngăn ông không được cướp vợ của anh mình. Sau khi Gioan chết rồi, cả vùng Giuđêa im phăng phắt, không ai dám bàn ra tán vào chuyện Hêrôđê cướp bà Hêrôđia, vợ anh vua. Kể cả lúc trà dư tửu hậu, kể cả lúc các “bà Tám” ngồi lại với nhau cũng không dám động đến. Vùng Giuđêa không phải là nơi dễ dàng để nói sự thật.

Như vậy, nhóm người Pharisêu đem vấn đề này để hỏi Đức Giêsu, họ đã đặt Ngài vào thế đối đầu với Hêrôđê, vì họ biết Ngài không thể đồng ý chuyện đó, nhưng Ngài phải lên tiếng. Họ chỉ chờ có thế để có thể tố cáo Ngài, và chung quanh đây, trà trộn trong dân chúng chắc chắn sẽ có mật thám của Hêrôđê. Như vậy ta có thể nói: Đúng là trò bẩn! Chính trị nó là vậy, bẩn thỉu!

3/. Vấn đề 3: PHẢN ỨNG CỦA DÂN CHÚNG.

Độc giả có thể hình dung phản ứng của dân chúng thế nào trước câu hỏi này và câu trả lời của Đức Giêsu sắp sửa nói ra. Chắc chắn đám thính giả đang nghe Ngài nói đây, số đàn ông không phải là ít, họ đang hưởng những đặc quyền của một xã hội trọng nam khinh nữ. Nhóm Pharisêu đưa câu hỏi này, họ muốn dùng chính dân chúng đang theo Đức Giêsu chống lại Ngài. Đây là mưu sâu kế độc.

4/. Vấn đề 4: CÂU HỎI GÀI BẪY: CÓ – KHÔNG.

Trước câu hỏi: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?”, người Pharisêu chỉ muốn Đức Giêsu trả lời một trong 02 từ: CÓ – KHÔNG. Nếu trả lời “Không”, có nghĩa không cho phép rẫy vợ (li dị) thì Ngài chống lại luật Môsê vì Môsê đã cho phép. Nếu trả lời “Có”, thì Ngài đồng tình với việc làm của Hêrôđê.

“Người đáp: "Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?" Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." Đức Giê-su nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông.”

Trước thái độ gài bẫy của những người có ác tâm, thường Đức Giêsu không trả lời thẳng vào vấn đề, Ngài sẽ đưa đối thủ vào thế phải trả lời câu hỏi mà họ đưa ra.

Độc giả còn nhớ chuyện nộp thuế cho Xêda, cũng người Pharisêu đã hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?" (Mt 22, 16-17) Họ hỏi cũng mục đích là để gài bẫy, câu trả lời chỉ nằm một 02 từ: CÓ - KHÔNG

Nếu Đức Giêsu trả lời: “Có”, họ sẽ kết án Ngài là người phản quốc. Nếu trả lời “không”, thì Ngài chống lại hoàng đế La Mã. Câu trả lời của Ngài luôn là: Chẳng có và cũng chẳng không, câu trả lời đó là: "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa."

Marcô viết: "Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?", Đức Giêsu bắt họ phải trả lời trước, Ngài muốn dùng luật Môsê là luật Thiên Chúa đã ban cho dân Ngài qua trung gian Môsê, xem những người lãnh đạo Do Thái giáo qua mọi thời đại bóp méo luật Chúa thế nào?

Họ trả lời: "Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ." Đây là cái hớ lớn nhất của họ. Marcô nhấn mạnh “Ông Môsê đã cho phép” chứ không phải “Thiên Chúa cho phép”. Con người không có quyền sửa luật Chúa, vì luật Chúa là luật đưa con người vào đời sống vĩnh hằng, nó vạch ra con đường, hướng dẫn con người đường đi đến với Ngài.

Nhưng Đức Giêsu cũng nhìn thấy khó khăn của Môsê, nỗi khổ tâm của ông khi lãnh đạo dân Chúa chọn, một dân mà các ngôn sứ và tiên tri gọi là “dân cứng đầu cứng cổ”. Marcô viết: “Đức Giê-su nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông.” Đây chỉ là sự nhượng bộ linh hoạt trong khi lãnh đạo.

“Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."

Đứng trước câu hỏi gài bẫy: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?”, Đức Giêsu cũng chẳng trả lời “Có”, chẳng trả lời “Không”, nhưng Ngài dẫn họ về lại thưở ban đầu, lúc Thiên Chúa dựng nên con người, ngay chính lúc ấy Thiên Chúa đã thiết lập một định chế để duy trì nòi giống con người

Trước hết, từ sách Sáng Thế Ký, độc giả có thể thấy: Con người, trong bàn tay tạo dựng của Thiên Chúa, không phải chỉ là nam hay nữ, mà là nam và nữ. Người nữ được dựng nên từ xương thịt của người nam. Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa đã dựng nên người nữ, không phải bằng bụi đất, mà bằng chính xương thịt của người nam. Và trong quan niệm của người Do Thái, thì lồng ngực được cấu tạo bởi bộ xương sườn, đó chính là trung tâm của sự sống con người. Như thế, giữa người nam và người nữ, giữa người vợ và người chồng, có một mối quan hệ mật thiết với nhau, quan hệ xương máu, quan hệ cuộc sống. Và trong ý định của Thiên Chúa, nam và nữ, vợ và chồng được tạo dựng để trở nên một huyết nhục. Do đó điều gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly.

Cả hai cùng có một bản chất, cùng mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Đồng thời, sự kết hợp giữa người nam và người nữ, hay nói một cách cụ thể hơn, cuộc sống lứa đôi, cuộc sống hôn nhân, cuộc sống gia đình không phải là một sự chúc dữ, không phải một chuyện chẳng đặng đừng, mà là một sự thật xuất phát từ Thiên Chúa. Cuộc sống ấy là khởi điểm cho sự hiện diện của con người trên mặt đất này: Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình và cả hai trở nên một thân thể. Đây là một sự kết hợp có tính cách thánh thiện và thiêng liêng, bởi vì từ sự kết hợp này mà nảy sinh những con người mới, có tự do, có hiểu biết, có yêu thương và cũng mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Như vậy hôn nhân chính là hành động cộng tác và tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

Đức Giêsu trả lời dứt khoát và quyết liệt: “VẬY, SỰ GÌ THIÊN CHÚA ĐÃ PHỐI HỢP, LOÀI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY."

Vấn đề đến đây đã được giải quyết xong, những người Pharisêu quyết tâm gài bẫy Đức Giêsu chẳng còn biết làm gì nữa, đứng đơ người, vì câu trả lời của Đức Giêsu rất đúng đắn. Họ chỉ còn biết lắng nghe.

“Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: "Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."

“Khi về đến nhà”, Marcô cũng không định nhà ở đâu, thôi ta cứ cho là về nhà, Marcô viết: “các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy”. Độc giả có thể thắc mắc, các môn đệ đã hỏi Đức Giêsu điều gì? Ở đây Marcô không xác định.

Nhưng trong Tin mừng Matthêu, có nói rõ: “Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn” (Mt 19, 10), có nghĩa nếu không cho phép rẫy vợ thì thôi đừng lấy vợ hay hơn.

Suy nghĩ của các ông cũng như suy nghĩ của con người qua mọi thời đại: Khi phải sống chung với một người mà mình không còn yêu thương thì đời sống đó chẳng khác gì hỏa ngục. Mà luật Chúa không cho phép li dị thì nó còn hơn hỏa ngục nữa.

Nhưng cũng trong Tin mừng Matthêu, Đức Giêsu nói: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.” (Mt 10, 11) Có nghĩa đời sống hôn nhân, sự chung thủy không phải tự sức con người làm được, mà là do Ơn Chúa ban. Thiên Chúa là Đấng chứng kiến lời thề của 02 người, thì chính Ngài sẽ là Đấng bảo trợ cho dây hôn phối đó. Nhưng vấn đề đặt ra là trong ngôi nhà của họ phải có Ngài hiện diện. Chỉ có ngôi nhà nào mời Thiên Chúa ngự trị, thì Ngài sẽ che chở, bảo vệ và soi sáng cho họ hiểu thế nào là tình yêu đích thực.

Câu cuối cùng của bài Tin mừng hôm nay:

“Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình."

Amen.
______________________
Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2512
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  2195
 Hôm qua:  2555
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12333226

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn