Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu tuần VI thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu tuần VI thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu tuần VI Thường niên năm chẵn
(21/02/2014) - (Mc 8, 34 - 9, 1)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình?

Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người."

Đức Giêsu còn nói với họ: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.
_____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại.”

Bài Tin mừng hôm qua (Mc 8, 27-33) thuật lại cuộc trò chuyện giữa Đức Giêsu với các môn đệ trên đường đến vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Ngài hỏi các ông 02 câu hỏi: 1/. “Người ta nói Thầy là ai?” – 2/. “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô đã thay mặt các môn đệ tuyên xưng: "Thầy là Đấng Ki-tô." Đây là câu trả lời chính xác, nói lên đúng căn tính của Ngài. Đức Giêsu còn tỏ cho các ông biết cuộc thương khó: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.”

Bài Tin mừng hôm nay cho biết, Đức Giêsu đã đến vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê, dân chúng ra gặp Ngài. Không biết số người là bao nhiêu, Marcô chỉ cho biết đó là đám đông. Có lẽ họ còn một khoảng cách nào đó, chưa gần gũi có vẻ còn ngại ngùng, nên Marcô viết: “Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại.” Đức Giêsu đã đi bước trước để mời gọi họ, để từ đó họ có thể sống thân tình với Ngài.

“Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”

Đây là lời nói đầu tiên của Đức Giêsu, Marcô viết: “Ai muốn theo tôi”, trong cách nói của người Do Thái, “theo” có nghĩa muốn làm môn đệ. Như vậy, Ngài nói với dân chúng: Nếu ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải đáp ứng 02 điều kiện sau đây:

+ “Phải từ bỏ chính mình”.
+ “Vác thập giá mình mà theo.”

Lời mời đó còn được hiểu là lời mời tự nguyện, Đức Giêsu không ép buộc ai, ngay cả môn đệ cũng đang có mặt tại đây. Lời mời của Đức Giêsu là sáng kiến của Thiên Chúa, và sự đáp ứng của con người phải dựa trên sự tự do ưng thuận. Vì phải dựa trên nền tảng tự do, họ mới theo Ngài đến cùng. Bây giờ ta hãy xét đến 02 điều kiện Đức Giêsu đưa ra.

Ta phải cảnh giác với Marcô ngay câu đầu tiên này. Ông không dùng cụm từ “Thập giá”, nhưng lại sử dụng “Thập giá mình”, có nghĩa thêm từ “mình” vào ngay sau cụm từ “thập giá”. Nói “Thập giá”, là nói đến Tử đạo. Nhưng nói “Thập giá mình”, là nói về những đau khổ, nghịch cảnh mà mỗi người đang đối diện.

Nếu Marcô viết: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo.” (không có từ “MÌNH”), thì Đức Giêsu yêu cầu ai muốn theo Ngài phải đi đến chỗ Tử đạo, là điều không thích hợp với dân chúng. Ngài không yêu cầu quá quyết liệt như vậy.

Nhưng Marcô đã sử dụng cụm từ “Thập giá mình”, ông nói với những ai muốn theo Đức Giêsu, phải vác những đau khổ và những nghịch cảnh mà theo, đó cũng là một hình thức Tử Đạo, nhưng tử đạo trong tinh thần.

1/. PHẢI TỪ BỎ CHÍNH MÌNH:

Tại sao phải từ bỏ chính mình? Nó có hợp lý không?

+ Xét về TÂM LÝ HỌC, đây là điều không tốt, vì mỗi người phải có nét độc đáo cho riêng mình, ta không thể đánh mất nó vì bất cứ lý do nào. Tôi là tôi, Anh là anh, không thể có chuyện tôi là anh và anh là tôi được. Nét độc đáo đó làm nên “mình” trong con người mình. Như vậy từ bỏ chính mình, có nghĩa tha hoá, vong thân (aliénation), mình không còn là mình nữa.

+ Nhưng xét về mặt THẦN HỌC, đây lại là điều rất tốt. Vì từ thưở ban đầu, Thiên Chúa dựng nên con người vô cùng tốt đẹp, đó là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng vì tội Tổ tông và tội riêng mỗi người, nó đã làm hình ảnh đó bị méo mó, con người đã mang vào người bao sự xấu xa, tham lam, ích kỷ, đam mê, dục vọng,... những thứ xấu xa đó đã làm nên “mình” trong con người mình. Mình đây không còn là mình ban đầu, đó mới là sự tha hóa, vong thân. Như vậy khi từ bỏ chính mình, có nghĩa ta từ bỏ những cái xấu xa đó để trở về tình trạng ban đầu, đó là hình ảnh của Thiên Chúa.

2/. PHẢI VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ THEO

Thập giá mình là gì? Và tại sao ta phải vác thập giá mình mà theo?

Đầu tiên ta phải xác nhận: Thập giá nói ở đây là thập giá của mình, chứ không phải thập giá của người khác. Đức Giêsu không đòi ta phải vác thập giá của người này người nọ, đừng làm chuyện bao đồng, nhưng hãy chú ý đến những vấn đề mình đang đối diện. Với những người chỉ soi mói vào chuyện người khác, coi chừng đó là người giả hình, họ trốn tránh thập giá mình và cứ thích chúi mũi vào chuyện của người khác. Thập giá của mình nhiều lắm, ta không nghe Đức Giêsu nói sao! “Ngày nào có sự khốn khổ của ngày đó”. Suốt đời ta sẽ phải đối diện thập giá khắp nơi, nó đến thật bất ngờ ta không lường trước được, và cứ tuần tự xảy đến, y như nó có mặt ở đó để chờ ta.

Đức Giêsu khẳng định: Phải qua thập giá mới đến vinh quang, đây là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu độ, ngoài ra không còn con đường nào khác. Marcô viết: “Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.” Như vậy Đức Giê-su đã phải chịu đau khổ và bị đóng đinh vào thập giá... thì ai muốn làm môn đệ của Người, cũng phải vác thập giá mình hằng ngày và đi theo Người. Không thể có con đường nhung lụa dành cho ai tin vào Đức Giêsu, chỉ con đường đau khổ mới đưa đến vinh quang.

Nhưng ta thử hỏi Thập giá mình là những gì? Để trả lời câu hỏi này, ta đi tìm từ chính biểu tượng của thập giá. Thập giá gồm có 02 thanh: Thanh ngang và thanh dọc. Thanh dọc biểu thị cho Thánh ý Chúa, còn thanh ngang biểu thị cho ý ta.

+ Nếu ta tuân theo Thánh ý Chúa trong mỗi biến cố, mỗi sự việc, có nghĩa ta đặt ý riêng ta trong ý Chúa, thì 02 thanh gỗ kia sẽ xếp song song nhau, nó sẽ không tạo thành thập giá. Điều này có nghĩa khi ta chấp nhận thánh ý Chúa, ta sẽ tìm thấy niềm vui trong biến cố đó, trong sự việc đó, cho dù đó là nghịch cảnh đi nữa.

+ Ngược lại khi ta chỉ tìm ý riêng mình, và ý riêng đó đi ngược với Thánh ý Chúa, thì giống như 02 thanh gỗ kia được đặt cắt ngang nhau, nó sẽ tạo thành thập giá. Thập giá đời mình xảy ra khi ta không chấp nhận Thánh ý Chúa mà ta chỉ theo ý ta. Hiểu như thế cuộc đời ta sẽ có vô vàn thập giá.

Vác thập giá của mình mà theo Đức Giêsu, đó là ta phải loại bỏ ý riêng mình, chấp nhận thánh ý Chúa gửi đến, cho dù Thánh ý đó có đem đến cho ta đau khổ, mất mát, thua thiệt.

Như vậy lời đầu tiên Đức Giêsu nói với dân chúng, Ngài mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Có lẽ đây là câu không ai muốn nghe, vì cứ nghĩ Ngài đến đây để hứa hẹn với họ điều gì, đáp ứng được khát vọng và mong mỏi của họ, nhưng toàn nghe những chuyện thập giá, đau khổ. Cứ mỗi lần nói đến thập giá, họ nghĩ ngay đến tên tử tội, phải vác cây thập giá ra pháp trường để lãnh án tử hình.

“Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Ở đây ta bắt gặp một nghịch lý ác liệt, các cụm từ đối nghịch lại đi chung với nhau: “Cứu – thì mất”; “Liều mất – thì sẽ cứu được”. Marcô muốn nhấn mạnh: Liều mất mạng sống vì Đức Giêsu và vì Tin mừng, chứ không phải liều mất vì bất cứ thứ gì khác.

Câu nói của Đức Giêsu có thể VÔ LÝ hoặc CÓ LÝ, tùy thuộc vào “Có đời sống bất diệt mai sau hay không?”

Nếu không có đời sau, thì câu nói này sẽ vô lý, vì một khi mất chính mạng sống mình thì sẽ mất tất cả. Nhưng với ai tin vào Đức Giêsu, họ sẽ tin vào một đời sống bất diệt ngay sau khi kết thúc cuộc đời này, thì có sự đảo ngược vĩ đại giữa cái mất và cái được. Đành mất ở đời này sẽ được ở đời sau và ngược lại.

Cụm từ “Mạng sống mình” trong câu nói của Đức Giêsu sẽ mang ý nghĩa khác nhau tùy theo vị trí của nó trong câu. “Mạng sống mình”, có thể mang ý nghĩa: “MẠNG SỐNG THỂ LÝ” tức con người của ta đang hiện diện đây. Nó cũng được hiểu “MẠNG SỐNG THẦN LINH” trong Nước Trời.

Như vậy ta có thể phát biểu lại câu nói của Đức Giêsu như sau: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống THỂ LÝ mình, thì sẽ mất mạng sống THẦN LINH; còn ai liều mất mạng sống THỂ LÝ mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống THẦN LINH.”

Bây giờ ta hãy xét câu nói của Đức Giêsu ngay ở phạm vi đời này.

Cuộc đời này có rất nhiều nghịch lý, nhưng lại là những quy luật tự nhiên mà muốn tồn tại và hạnh phúc thì phải tuân theo: «Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong». Một trong những nghịch lý ấy được Đức Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay: «Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy» (Mc 8,35).

Điều Ngài nói thật lạ thường: muốn cứu mạng thì sẽ mất, có liều mạng mới được sống! Nhưng sự thật là như thế! Người mà lúc nào cũng chỉ nghĩ đến hạnh phúc mình, muốn nắm chắc hạnh phúc trong tay, và bằng mọi giá tránh tất cả mọi đau khổ xảy đến, thì hạnh phúc sẽ vuột khỏi vòng tay và sẽ suốt đời lâm vào tình trạng đau khổ. Ngược lại, người không quan tâm đến hạnh phúc hay đau khổ của mình mà chỉ mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân và tìm cách giúp tha nhân khỏi đau khổ, thì người ấy lại hạnh phúc hơn cả và ít phải đau khổ nhất. Nghe thì thật nghịch tai, nhưng ai có kinh nghiệm trường đời đều nghiệm ra như thế. Nói chung, càng ích kỷ thì càng dễ đau khổ, càng vị tha thì càng dễ hạnh phúc.

“Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình?”

MẠNG SỐNG THẦN LINH vô cùng quý giá, không có gì có thể so sánh với nó, ngay như tất cả vinh quang trần gian này cộng lại. Vì như Đức Giêsu nói: “người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình?”. Vâng nó vô cùng quý giá mà không có gì có thể đánh đổi được.

“Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người."

Marcô dùng cụm từ “thế hệ ngoại tình và tội lỗi” để ám ý chỉ trần gian nói chung, và về dân tộc Do Thái nói riêng. Thiên Chúa đã ký kết với Tổ phụ họ một Giao ước, Ngài luôn trung thành với Giao ước, nhưng họ, họ luôn đánh đu với các thần ngoại bang. Các Ngôn sứ luôn kết án lối sống này, nó được ví như sự ngoại tình.

Marcô khẳng định mạnh mẽ, “ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người”. Đó là điều chắc chắn, và cũng là điều kinh khủng nhất khi mỗi người phải ra tòa Chúa phán xét. Vậy ta phải sống thế nào, để trong giờ phút đó có Đức Giêsu luôn bênh vực ta.

“Đức Giêsu còn nói với họ: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.”

Đây là câu nói gây ra sự hiểu lầm tai hại cho con người qua mọi thời đại. Tại sao lại có sự hiểu lầm này?

Bài Tin mừng hôm nay được cả 03 Thánh sử Nhất lãm tường thuật: Matthêu (Mt 16: 24 -28); Marcô (Mc 8, 34 - 9, 1); Luca (Lc 9, 23 -27 )

Hai Thánh sử Matthêu và Luca đã thiếu sót để xảy ra sự hiểu lầm này. Luca viết như sau: “Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa.” Người ta chỉ căn cứ vào mặt chữ để khẳng định, có người đang có mặt tại đây, sẽ được phúc chứng kiến NGÀY TẬN THẾ. Nhưng điều đó không xảy ra, và mọi người đang có mặt tại đây và vào lúc này đã qua đi. Cho dù có giải thích kiểu gì cũng không đánh tan mối nghi ngờ đó, nó cũng đồng nghĩa hạ thấp giá trị câu nói của Đức Giêsu.

Nhưng riêng Marcô ông viết: “Đức Giêsu còn nói với họ: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.”

Marcô thật sâu sắc khi thêm cụm từ “ĐẦY UY LỰC”. Độc giả có thể hỏi, thời gian Nước Thiên Chúa đến, đầy uy lực là lúc nào? Xin thưa, đó là lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống. Luca trong sách Tông đồ Công vụ viết:

“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Tđcv 2, 1-4)

Vâng đúng vậy, Đức Giêsu khi xuống thế làm người, Ngài đã khai sinh ra Nước Thiên Chúa, Triều đại Thiên Chúa. Nước Trời lúc này như hạt cải gieo vào lòng đất đang âm thầm mọc lên.

Khi Đức Giêsu hoàn tất Công trình Cứu Chuộc, Ngài lên trời, và Chúa Thánh Thần được sai đến, Ngài đến với những biến cố vĩ đại với những sự kiện chấn động trời đất, đó là lúc Triều đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.

Như vậy, những người đang có mặt tại đây, chắc chắn nhiều người còn sống và chứng kiến Bài giảng hùng hồn đầu tiên của Phêrô trước mặt dân Do Thái và những người lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ. Kết quả bài giảng này là 5.000 đã xin gia nhập Đạo. Đó là lúc Triều đại Nước Thiên Chúa, đầy uy lực khai sinh.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2682
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  2663
 Hôm qua:  2555
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12333694

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn