Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu tuần V thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu tuần V thương niên năm chẵn.

 

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu tuần V Thường niên năm chẵn
(14/02/2014) - (Mc 7, 31-37)
Thánh Cyrillô, Đan sĩ và Thánh Mêthôđiô, Giám mục.

 


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.

Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại.

Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."
___________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ

“Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.”

Độc giả khi đọc câu này sẽ thấy đây là cuộc hành trình kỳ lạ và khó hiểu của Đức Giêsu. Trước hết xin được phép giải thích một số địa danh trong Bài Tin mừng hôm nay:

Theo Lm. Đan Vinh, trong trang Web Giáo phận Long Xuyên

- TIA: là một thành thuộc nước Phê-ni-xi-a, phía Bắc nước Do thái, đã có bang giao với nước Do Thái ngay từ thời vua Đa-vít và Sa-lo-mon (1 V 9, 11-12). Khi Đức Giêsu ra giảng đạo, một số người từ vùng Tia cũng đã tìm đến gặp Người (Mc 3, 8).

- Thành XI-ĐON: nằm bên bờ Địa Trung Hải giữa Tia và Bây-rút. Thời xưa thành này là thủ đô của dân Xi-đon và đã bị các ngôn sứ lên án (Ed 32, 30). Thời Tân Ước, Đức Giê-su tỏ ra khoan dung với các thành thuộc dân ngoại này (Mt 11, 21-22).

- BIỂN HỒ GALILÊ: Còn được gọi là Giê-nê-sa-rét hay Ti-bê-ri-át. Đây là biển hồ hình quả trám, có chiều dài 21 cây số và chiều ngang 12 cây số, mực nước thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải, và có chỗ sâu tới 40 mét. Biển hồ này thường có nhiều sóng to gió lớn, và có khá nhiều cá.

- MIỀN THẬP TỈNH (gọi là Đê-ca-bô-lơ): Là vùng đất phía Đông biển hồ Galilê, gồm mười thành chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hy-lạp. Đó là các thành; Sy-thô-pô-li, Pen-la, Ga-da-ra, Đi-on, Híp-pô, Phi-la-đen-phi-a, Ghê-ra-sa, Ka-na-tha, Đa-mát và A-bi-la. Tin mừng Nhất Lãm thường hay nhắc tới miền Thập Tỉnh này (Mt 4,25; Mc 1,28; 5,20).

(Hết trích)

Cuộc hành trình kỳ lạ ở chỗ: Mục đích của Đức Giêsu từ Tia ở phía Bắc đi xuống xứ Galilê ở phía Nam, rồi vào miền Thập Tỉnh. Ngài có thể đi thẳng mà không cần qua ngả Xi-đon.

Nhưng ở đây Đức Giêsu đi như sau: Ngài đang từ Tia ở phía Bắc bắt đầu đến Xi-đon, rồi từ Xi-đon đi ngược lên phía Bắc để đến Galilê rồi vào miền Thập Tỉnh.

Chính vì chỗ khó hiểu này mà nhiều học giả cho rằng bản văn này đã chép sai, vì Xi-đon chẳng dính dáng gì đến chuyện này, nhưng chúng ta có thể chắc chắn bản văn đúng như hiện có. Vậy ta có thể đặt câu hỏi: Đức Giêsu qua ngả Xi-đon để làm gì?

Ta nên nhớ cuộc hành trình này kéo dài không dưới 08 tháng, một thời gian khá dài trong 03 năm giảng đạo. Như vậy người ta có thể nghĩ đến một sự hoang phí vô ích. Nhưng không, thời gian này vô cùng quan trọng, đây chính là THỜI GIAN ĐÀO TẠO và HUẤN LUYỆN CÁC MÔN ĐỆ.

Đức Giêsu cần đưa các môn đệ ra ngoài lãnh thổ Do Thái để việc huấn luyện được thoải mái hơn, không bị dân chúng quấy rầy. Đó là thời gian cần thiết để các môn đệ sống thân tình và khám phá ra Ngài là Con Thiên Chúa.

Nếu có dịp đọc tiếp Tin mừng của Marcô, ta sẽ thấy các môn đệ đã hiểu biết về Đức Giêsu hơn, bằng chứng Phêrô đã tuyên xưng Ngài là ĐẤNG KI-TÔ khi được Đức Giêsu hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô." (Mc 8, 29) Mặc dù đây là mạc khải của Chúa Cha, nhưng Thiên Chúa chỉ mạc khải khi Phêrô đã có một cảm nghiệm về Thầy của mình.

Như vậy, “Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.” Đó là một hành trình hợp lý, tuy mất nhiều thời gian nhưng nó lại cần thiết, vì là thời gian huấn luyện các môn đệ.

“Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.”

Danh tiếng của Đức Giêsu được nhiều người biết đến, khi Ngài trở lại miền Thập Tỉnh, người ta đã đem đến cho Ngài một người vừa điếc lại vừa ngọng. Rõ ràng đây là 02 bệnh khác nhau: Câm – Điếc. Nhưng trên thực tế ta có 02 trường hợp:

+ Người bị câm, thường bị luôn điếc.
+ Nhưng người bị điếc, không nhất thiết bị câm.

Ta chỉ xét trên phương diện tâm lý: Nếu bị câm mà không bị điếc, thì người đó vô cùng đau khổ, khi được nghe người khác nói mà không thể đối đáp. Giống như bị nghe chửi mà cứ phải nín thinh, tức không chịu được!

Trong bài Tin mừng này, Marcô nói, anh ta bị điếc (rõ ràng), nhưng chỉ bị ngọng, có nghĩa chưa bị câm hoàn toàn. Nhưng dù sao cả 02 căn bệnh này đã hạn chế rất nhiều khả năng giao tiếp của anh với xã hội, anh không thể hòa mình vào sinh hoạt như người bình thường. Như vậy anh sẽ mắc thêm chứng bệnh thứ ba, đó là bệnh Trầm cảm, khép kín.

“Và xin Người đặt tay trên anh”, có lẽ người ta quá quen cách chữa bệnh của Đức Giêsu, đó là đặt tay trên người bệnh. Nhưng theo Marcô, cử chỉ này còn một ý nghĩa khác, đó là họ xin Đức Giêsu chúc lành. Như vậy việc đặt tay có thể hiểu theo 02 nghĩa: Chúc lành, như Đức Giêsu chúc lành cho trẻ em (Mc 10,16) __ Đặt tay chữa bệnh (Mc 6,5; 8,25).

“Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.”

Marcô nói: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông”, có nghĩa Đức Giêsu muốn tách biệt người này ra khỏi đám đông, tránh những cặp mắt tò mò. Ngài muốn tránh cho người bệnh khỏi sự ngượng ngùng khi phải đối diện với đám đông như vậy. Ngài không phải là nhà ảo thuật Hy Lạp, nhưng là một vị Thiên Chúa luôn ẩn kín, trước mặt Ngài là anh ta và trước mặt anh ta là Ngài, vì đây là thế giới riêng giữa Thiên Chúa và người bệnh.

Việc can thiệp của Thiên Chúa được thực hiện cách kín đáo như Samuen được Đức Chúa sai đến nhà ông Giê-sê ở Bêlem để bí mật xức dầu phong một người con ông này làm vua, thay thế vua Sa-un (1 Sm 16, 1-13); Ông Giê-hu cũng được xức dầu phong vương cách kín đáo như vậy (2V 9, 2-6).

“Đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.”

Ngài: “đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh". Chúng ta thấy Đức Giêsu cũng dùng nước miếng để chữa người mù ở Bétsaiđa (Mc 8, 23) và chữa người mù từ mới sinh (Ga 9, 6)

Đặt ngón tay vào lỗ tai, nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi, đó là những cử chỉ về thân xác, nhưng ta có thể hỏi: nó có ý nghĩa gì? Ta hãy nhìn vào các nghi thức ban các Bí tích, cũng có những cử chỉ về thân xác, như đặt tay trên đầu các đối nhân, xức Dầu thánh, những dấu chỉ bên ngoài đó biểu lộ ghi Dấu thánh thiêng liêng vĩnh viễn và thông truyền ơn Thiên Chúa ở bên trong.

Ở đây ta cũng nên nhắc lại trước thời Canh tân Phụng vụ, trong lễ nghi Rửa tội, có cử chỉ vừa lấy nước miếng xức vào lỗ tai và miệng của đứa trẻ vừa đọc lại lời của Đức Giêsu. Như vậy cử chỉ “đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh", như để cho anh sinh ra thành con người mới trong Đức Giêsu.

“Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại.”

Marcô mô tả rất chi tiết các cử chỉ của Đức Giêsu, ông viết: “Rồi Người ngước mắt lên trời”, cử chỉ này cho thấy việc chữa bệnh đây, không phải của y khoa thông thường mà là bằng quyền năng Thiên Chúa. Ngước mắt lên trời để nhìn về Chúa Cha, đây là lúc Ngài kết hợp với Chúa Cha, Đấng sai Ngài xuống trần gian để thực hiện Chương trình Cứu chuộc, mà người này nằm trong Chương trình đó.

“Rên một tiếng”, không những biểu lộ xúc động mãnh liệt, nó còn là sự vận chuyển quyền năng Thiên Chúa nơi Đức Giêsu trước một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với con người.

“và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra!” Đức Giêsu nói tiếng mẹ đẻ của mình, đó là tiếng Aramên, nhưng Marcô lại viết Tin mừng bằng tiếng Hy Lạp, dành cho độc giả là người Rôma. Như vậy, đối với người Rôma, họ sẽ không hiểu "Ép-pha-tha" là gì, nên Marcô phải giải thích thêm, “nghĩa là: hãy mở ra”

“Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại”, Marcô nói “Lập tức”, có nghĩa quyền năng Thiên Chúa tác động ngay tức khắc. Tai được mở ra, lưỡi hết bị buộc, nó cũng đồng nghĩa Đức Giêsu mở cánh cửa cho anh bước vào thế giới con người, cho anh hòa mình một cách trọn vẹn với mọi người. Anh có thể hiểu lời người khác, anh có thể nói tiếng yêu thương với người thân của mình và mọi người. Anh có thể biểu lộ xúc cảm khi đứng trước đau khổ của tha nhân,... và quan trọng hơn, để anh có thể ca tụng Thiên Chúa.

Nó cũng nói lên hiệu năng của Bí tích Rửa tội. Vì tội Nguyên tổ, con người bị giam cầm bởi tội lỗi, bởi Satan. Khi họ lãnh Bí tích Rửa tội, thì tiếng "Ép-pha-tha" lại được vang lên, họ đã thành con người mới trong Đức Ki-tô, Ngài đã cởi hết mọi trói buộc, mở hết mọi khả năng, để họ hiên ngang bước vào thế giới trong tư cách con Thiên Chúa.

Tóm lại: Đức Giêsu chữa bệnh cho người vừa điếc vừa ngọng này qua 06 bước:

1. Đưa ng ấy ra khỏi đám Đông.
2. Đặt ngón tay vào tai người câm điếc.
3. Dùng nước bọt bôi vào lưỡi.
4. Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn trời.
5. Đức Giêsu thở dài
6. Đức Giêsu phán “Ephata” – Hãy mở ra.

“Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.”

Marcô viết: “Anh ta nói được rõ ràng”, đây là điều đương nhiên, nhưng Marcô vẫn phải viết ra để cho người La – Hy, là dân ngoại hiểu sâu sắc quyền năng của Đức Giêsu, hiểu được tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa dành cho con người. Muôn đời vẫn không ngớt lời ca tụng Thiên Chúa.

Thật “kỳ cục”, bao giờ cũng thế, mỗi khi thực hiện phép lạ, Marcô lại viết: “Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả”. Tại sao Ngài làm cái việc “quá nhàm chán” này, liệu có ai vâng lời Ngài không? Đang giữa đám đông như vậy, ai cũng thấy, ai cũng chứng kiến, mà lại bảo họ đừng nói với ai là sao!

Marcô viết như vậy hẳn có lý do. Đức Giêsu muốn dân chúng có một quan niệm đúng đắn về Đấng Cứu Thế, nếu chưa có quan niệm đúng đắn thì ít ra cũng không được quan niệm sai lầm. Đấng Cứu Thế đích thực sẽ là Đấng hiến tế mạng sống mình, làm của lễ giao hòa Thiên Chúa với con người. Ngài sẽ chịu khổ nạn, chịu chết trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại. Đấng sẽ đến trong vinh quang nhưng qua con đường khổ nạn và thập giá.

Như vậy mọi quan niệm Đấng Cứu Thế là Đấng oai nghi lẫm liệt, với quyền năng cao cả, giải phóng dân Do Thái khỏi ách thống trị của Rôma, đưa Do Thái trở lại vinh quang thời vua Đavít, hoặc hơn nữa, đều sai lầm và ngộ nhận. Quan niệm này tuyệt đối phải loại bỏ.

Trước mỗi phép lạ Đức Giêsu thực hiện, đều khơi lại cho con người quan niệm đó, vì thế Ngài cứ nhắc đi nhắc lại. Bây giờ chưa thể giải thích cho họ hiểu thì ít nhất cũng không cho phép họ truyền bá quan niệm sai lầm. Ngay cả các môn đệ cũng có quan niệm này huống chi là dân chúng, nên Đức Giêsu nói lời này không những cho dân chúng mà còn nhắm vào các môn đệ.

Marcô viết: “Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.” Ta để ý từ “càng”, càng cấm họ càng làm ngược lại, vì rõ ràng trước sự kiện họ chứng kiến, thấy rõ mười mươi thì cấm làm sao đây! Làm sao con người có thể im lặng trước kỳ công của Thiên Chúa, càng cấm họ càng la to, họ muốn hét thật lớn cho thế giới biết: Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta. Nếu họ không nói thì hòn đất sẽ lên tiếng, cây cỏ sẽ lên tiếng, cho dù chúng không nói thành lời, chúng sẽ biểu lộ theo cách của mình. Cả vũ trụ này luôn lên tiếng ca tụng Thiên Chúa cho đến muôn đời.

“Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."

Marcô ghi lại cảm xúc của dân chúng: họ hết sức kinh ngạc. Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả, làm cho kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói được. Rồi đây họ còn chứng kiến bao phép lạ nữa, làm cho kẻ chết sống lại, trục xuất ma quỷ. Ta phải nói thế này mới đúng: Đức Giêsu có quyền năng tuyệt đối trên con người, trên ma quỷ và trên sức mạnh thiên nhiên, vì Ngài là Ngôi Lời, đã tác thành tất cả, muôn loài muôn vật.

Thánh Gioan viết: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành” (Ga 1, 3)

Còn ta xét về mặt nào đó đang là người bị câm điếc, khi ta dửng dưng trước cuộc sống, dửng dưng trước nỗi thống khổ của kẻ khác. Ta không nghe, không thấy bao thao thức của người chung quanh, ta cứ chìm vào suy nghĩ, sự ham muốn của mình. Vì thế ta là kẻ sống khép kín, đóng chặt lòng mình với anh em. Ngày hôm nay, ta hãy xin Đức Giêsu nói với ta, "Ép-pha-tha", để Ngài mở rộng lòng ta, mở mọi khả năng của ta, để ta đi vào lòng đời như một Chứng nhân của Đức Kitô.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2186
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  25
 Hôm nay:  5212
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12261366

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn