Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu Tuần III Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu Tuần III Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu Tuần III Mùa Chay
(28/03/2014) - (Mc 12, 28b-34) - MÙA CHAY 2014.
GIỚI RĂN QUAN TRỌNG NHẤT

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Hôm ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?" Đức Giê-su trả lời "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.

Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."

Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ."

Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!" Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
____________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Hôm ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi”

Nếu độc giả để ý một chút sẽ thấy Tin mừng theo Thánh Marcô là sách Tin mừng ngắn nhất, chỉ vỏn vẹn có 16 chương. Bài Tin mừng hôm nay thuộc về Chương 12, có nghĩa nó ở vị trí đang đi dần về biến cố Khổ nạn và phục sinh. Nó nằm trong khoảng thời gian Đức Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem và bị nộp cho quân dữ. Ðây là thời gian mà người chống đối Đức Giêsu tìm mọi cơ hội bắt Ngài. Họ thay phiên nhau đến gài bẫy, nào là các Thượng tế đến các Biệt phái, rồi phe cánh Hêrôđê và những người thuộc bè Sađóc.

Hôm nay có một kinh sư đến gặp Đức Giêsu, độc giả có thể đặt câu hỏi, vậy người này có ý đồ gì khi đến với Ngài? Có gài bẫy Ngài không? Để trả lời cho câu hỏi này ta tiếp tục theo dõi Bài Tin mừng.

"Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?"

Như ta biết Thiên Chúa đã ban cho dân Do Thái Mười Điều Răn qua trung gian Môsê, quen gọi là Bảng Thập Giới. Nhưng qua các thế hệ, các nhà làm luật đã chú giải, thêm thắt thành 613 điều, như vậy từ con số 10 đã biến thành 613, một sự thêm thắt kinh khủng. Người ta có thể đưa ra lý do để biện minh, Mười Điều răn chỉ có tính cách chung chung, không thể quy định cho mọi sinh hoạt, nên phải có những luật chi tiết và cụ thể.

Trong số 613 luật, họ chia thành 248 luật khuyên làm và 365 luật cấm làm. Với con số 365, nó cho phép ta liên tưởng 365 ngày trong một năm. Như vậy mỗi ngày trong năm như có một luật cấm cho dễ nhớ! 613 luật sẽ phân thành những khoản nặng và nhẹ, trọng và tùy. Và sự sắp xếp nhiều khi có thể rõ ràng và dứt khoát. Đúng là một rừng luật, một gánh nặng cho dân chúng. Làm sao một người bình thường, một người dân dã có thể nhớ tất cả luật này. Thậm chí ngay đến kinh sư,... cũng bị rối tung lên. Lắm cây thì rậm rừng. Ðặt ra quá nhiều lề luật, để rồi cuối cùng không biết lề luật nào quan trọng hơn cả!

Bây giờ ta trở lại câu hỏi: vị kinh sư này có gài bẫy Đức Giêsu không, khi hỏi Ngài: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?". Xin thưa: cái bẫy nằm trong chính câu đó.

Bài Tin mừng hôm nay được 03 Thánh sử Nhất lãm thuật lại: Matthêu (Mt 22, 34 -40); Marcô (Mc 12, 28b-34) và Luca (Lc 10, 25-28). Chỉ có Matthêu và Marcô có sự khác biệt trong câu hỏi của kinh sư.

+ Matthêu: "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? "
+ Marcô: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?".

Theo Marcô, tại sao kinh sư không hỏi “điều răn nào là điều răn trọng nhất?" mà lại hỏi: “trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?". Giữa “trọng nhất” và “đứng đầu” có sự khác biệt gì không? Thưa: có, có sự khác biệt rất lớn. Vì khi hỏi “Điều nào trọng nhất”, có nghĩa trong 613 điều, đó có thể là điều 136, 421, 235,... không nhất thiết phải là Điều 1, điều đầu tiên. Nhưng khi hỏi “Điều nào đứng đầu?” thì nó luôn là Điều 1, Điều đầu tiên.

Độc giả có thể thắc mắc thêm, trong bộ luật, người Do Thái nào cũng biết điều đầu tiên là điều nào, cớ gì phải hỏi như vậy, có gì là bẫy ở đây?

Xin thưa: những người lãnh đạo Do Thái Giáo đã theo dõi Đức Giêsu nói nhiều về luật, trong một loạt kiện toàn, Đức Giêsu nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng......, còn Thầy, Thầy nói cho anh em .....”. Như vậy theo họ, có thể ông Giêsu không theo truyền thống Do Thái, tức không “chính thống”, ông có thể cho một điều nào đó là điều đứng đầu, có nghĩa đảo lộn thứ tự đang có sẵn, ví dụ điều 342,... có thể trở thành điều đứng đầu. Nếu Ngài trả lời khác với điều đầu tiên trong bộ luật, họ sẽ có cớ tố cáo Ngài. Cái bẫy nằm ở chỗ đó.

“Đức Giê-su trả lời "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.”

Đức Giêsu đã lấy ngay điều đầu tiên trong bộ luật để trả lời. Sách Đệ Nhị Luật viết: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em).” (Đnl 6, 4-5)

Giữa câu trả lời của Đức Giêsu và điều ghi trong sách Đệ Nhị Luật giống nhau về ý, nhưng trong câu trả lời của Ngài có khác biệt chút ít, hình như Ngài muốn nhấn mạnh hơn nữa, khi thêm 02 ý: “hết linh hồn”; “hết trí khôn”.

Độc giả thật ấn tượng khi Đức Giêsu và sách Luật lặp đi lặp lại điệp ngữ “HẾT”. “Hết” có nghĩa trọn vẹn, không còn thiếu gì trong phạm trù được đề cập, nó là sự đầy đủ. Thiên Chúa là Tình yêu, một Tình yêu tuyệt đối. Chính vì Tình yêu tuyệt đối nên không bao giờ đóng kín, nó luôn trào ra và sự trào ra đó phát sinh muôn loài muôn vật. Chương trình Sáng tạo Thiên Chúa không bao giờ dừng lại, mỗi một tích tắc lại có một sự sống phát sinh trong vũ trụ này. Nhưng Tình yêu đó không phải là cái gì hỗn độn, dòng chảy ngẫu nhiên. Thiên Chúa sáng tạo muôn loài, Ngài luôn quan tâm từng cái nhỏ nhất trong cái tổng thể. Một Tình yêu quá cao vời mà con người chỉ biết chiêm ngưỡng và tán tụng. Ta luôn có chỗ đứng trong trái tim Ngài, cho dù có thấp kém đến đâu, hèn hạ đến đâu, tội lỗi nhiều thế nào, ta vẫn có chỗ đứng trong Trái Tim Ngài. Chính Tình Yêu Ngài mà ta hiện hữu và ta sống.

Như vậy thật có lý khi Đức Giêsu nói: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” Trọn vẹn con người ta phải thuộc về Ngài, vì tất cả những gì ta đang có là của Ngài. Nó phải thuộc về Ngài là điều hợp tình hợp lý.

“Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.”

Điều mới mẻ ở đây là Đức Giêsu đem chắp nối với một câu khác trích ở Sách Lêvi (19,18), dạy rằng "ngươi không báo oán, không cưu thù với con cái dân ngươi, nhưng ngươi sẽ yêu mến đồng loại ngươi như chính mình".

Đức Giêsu đã cách mạng hóa Luật Bác Ái yêu thương. Xưa nay, trước Ngài, chưa ai đặt ngang hàng mến Chúa và yêu người. Ngài đã hợp nhất lại thành một lề luật duy nhất và đó là lề luật mới, là đặc điểm của Phúc Âm: mến Chúa và yêu người; yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em.

Nhưng Thiên Chúa, Ngài chỉ có một, là Ðấng duy nhất, còn anh em tôi là ai? Phải chăng chỉ quan niệm như người Do thái? Anh em tôi là người thân, là người đồng bào, là người đồng hương. Anh em tôi, theo quan niệm của Chúa, là tất cả: là người ngoại bang Samaritanô, là người đàn bà ngoại tình, là mụ đàn bà chua ngoa bên bờ giếng Giacóp, là người đất Cananeen, là tất cả mọi người.

“Yêu người thân cận như chính mình”, quan niệm về “người thân cận” nó cho ta sự gần gũi, thân mật, cụ thể, và không rơi vào tình trạng chung chung. Nhưng độc giả sẽ đặt ra câu hỏi, nếu vậy những người không thân cận, đang ở cách ta hàng chục cây số thì sao, ta có yêu họ không? Xin thưa, nó vẫn nằm trong quan niệm thân cận này, vì sao? Bây giờ ta ở cách xa họ, họ là người KHÔNG THÂN CẬN, nhưng khi ta đến gần, thì họ sẽ trở thành THÂN CẬN. Như vậy với quan niệm “người thân cận”, nó đã đưa luật Bác ái yêu thương trở thành sống động và cụ thể. Đức Giêsu đòi hỏi ta phải: “yêu người thân cận như chính mình”.

Đức Giêsu đã liên kết: Mến Chúa và Yêu người với nhau, thành luật MẾN CHÚA – YÊU NGƯỜI. Hai tình yêu này liên kết chặt chẽ đến nỗi, nếu không chu toàn vế này thì cũng không chu toàn vế kia.

Thánh Gioan Tông đồ đã xác quyết: “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là một kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Ðấng mà họ không thấy" (1Ga 4,20); “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn ở trong bóng tối”(1 Ga 2, 9).

Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Đức Giêsu đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. (Mt 25, 40). Thành ra hai giới răn chỉ là một.

“Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ."

“Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng”, như vậy cái bẫy của vị kinh sư đã bị bẻ gãy dễ dàng, thay vì tìm sơ hở trong câu trả lời của Đức Giêsu, ông đã tâm phục và khẩu phục trước câu trả lời của Ngài. Ông tâm đắc ở 02 điểm:

+ Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Đó là niềm xác tín của người môn đệ Đức Giêsu. Thiên Chúa là Đấng duy nhất. Nhưng trong thực hành, ta đã sống được như vậy chưa? Hay ta còn có nhiều Chúa khác, ta còn theo đuổi danh lợi thú ở đời này, còn tôn sùng vật chất,.... Như vậy giữa lý thuyết và thực hành có một khoảng cách xa vời vợi. Cố gắng của ta trong cuộc đời này, phải gỡ bỏ khoảng cách đó, có nghĩa Thiên Chúa phải là Chúa duy nhất trong cuộc đời ta, ngoài Ngài ra chỉ là phương tiện.

+ Đức Giêsu đã đặt Mến Chúa và Yêu người làm một, mà trước đây chưa có ai dạy như vậy. Đồng thời ông cũng xác nhận, thực thi luật Mến Chúa – Yêu Người sẽ quý hơn mọi lễ vật.

Lời nói của vị kinh sư sẽ cảnh tỉnh con người qua mọi thời đại. Người ta nghĩ rằng, cứ cử hành lễ lạt rình rang, tổ chức các buổi rước long trọng, đọc kinh cho nhiều, ..... là biểu lộ lòng mến Chúa và yêu người, trong khi ở cuộc sống người ta không hề quan tâm đến việc thực thi bác ái, người ta cứ xúc phạm đến nhau. Thử hỏi rằng khi lòng ta còn để tâm thù ghét anh em, thì những việc đạo đức kia sẽ còn ý nghĩa gì nữa.

“Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!" Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.”

"Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!" có nghĩa ông đã đặt một chân vào Nước Thiên Chúa rồi, chân còn lại ông sẽ bước vào khi chấm dứt cuộc đời trần thế này.

Amen.

Jos Nguyễn Viết tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 3260
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  15
 Hôm nay:  1894
 Hôm qua:  5802
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12323694

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn