Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu tuần II Mùa Chay Năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ sáu tuần II Mùa Chay năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Sáu Tuần II Mùa Chay 
(21/03/2014) - (Mt 21,33-43.45-46) - MÙA CHAY 2014.

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và các kỳ mục trong dân rằng: Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác:

"Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.

Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta." Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!" Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.

Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?" Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông." Đức Giê-su bảo họ: "Kinh Thánh có câu: ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.’ Các ông chưa bao giờ đọc câu ấy sao?” Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.

Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ. Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.
___________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và các kỳ mục trong dân rằng: Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác:”

Với cụm từ: “Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác”, có nghĩa trước đó Đức Giêsu đã kể cho các Thượng tế và các kỳ mục nghe một dụ ngôn, vậy đó là dụ ngôn gì? Xin thưa: Dụ ngôn Hai người con (Mt 21, 28-32). Đại ý dụ ngôn này như sau:

Người cha có 02 người con trai. Ông đến nói với người con thứ nhất, yêu cầu anh đi làm vườn cho cho ông, nhưng anh ta trả lời: Không đi. Sau đó anh hối hận và đi. Người cha đến với người con thứ hai cũng với yêu cầu đó, anh ta mau mắn trả lời sẵn sàng đi, nhưng lại không đi.

Người con thứ nhất, đại diện cho người thu thuế, tội lỗi, gái điếm,... tuy họ sống trong tội lỗi, nhưng họ đã sám hối và trở về với Chúa, họ sẽ vào Nước Thiên Chúa. Còn người con thứ hai, đại diện cho những người tự xưng mình là công chính, những người lãnh đạo, họ tự hào mình là người tuân giữ lề luật, nhưng họ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa.

Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu kể tiếp cho họ một dụ ngôn nữa, dụ ngôn NHỮNG TÁ ĐIỀN SÁT NHÂN..

“Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.” 

Có lẽ hình ảnh vườn nho là hình ảnh phổ biến trong Kinh thánh, Đức Giêsu rất thích hình ảnh này, nó ám chỉ dân Do Thái. Gia chủ là hình ảnh ám chỉ Thiên Chúa. Như vậy cụm từ đầu tiên: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho”, Đức Giêsu đã khẳng định ông chủ có toàn quyền, trên vườn nho ông đã gầy dựng. Thiên Chúa cũng có toàn quyền trên dân Ngài đã tuyển chọn, đó là dân Do Thái.

Ông chủ đã chăm sóc vườn nho của mình. Xây rào giậu để bảo vệ vườn nho khỏi bị thú hoang và trộm phá hoại. Khoét bồn đạp nho. Bồn đạp nho thường được đục khoét vào đá, gồm có hai chậu, một chậu chứa các chùm nho để nghiền, chậu kia hứng nước cốt nho chảy ra. Xây tháp canh là để đuổi chim và trộm cướp. Chủ vườn nho đã làm tất cả những gì cần cho vườn nho của ông.

Ý nghĩa đoạn Tin mừng trên, muốn diễn tả Thiên Chúa yêu thương dân Ngài, ban cho họ giao ước, ban lề luật trên núi Sinai qua trung gian Môsê. Tất cả đều nhắm vào việc bảo vệ dân Ngài, để không bị những xu hướng, những quan niệm của các nước lân bang xâm nhập, và giúp họ đi theo đường lối Ngài. Dân Do Thái được lề luật che chở bảo vệ để họ không bị sai lạc. 

Ông chủ giao cho tá điền canh tác rồi trẩy đi phương xa, có nghĩa Thiên Chúa đã giao dân Ngài cho những người lãnh đạo. Họ có trách nhiệm dẫn dắt dân đi theo đường lối Ngài như tá điền canh tác vườn nho của ông. Tá điền ở đây là những người lãnh đạo tôn giáo, họ là các thượng tế, kỳ mục đang nghe Ngài nói. “Trẩy đi phương xa”, ý nói thời gian kéo dài cho đến khi mọi sự kết thúc.

“Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy.”

“MÙA HÁI NHO”, ý ám chỉ thời của Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu. Matthêu viết: “Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông (Gioan Tẩy Giả) nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.” (Mt 3, 7-8).

Đức Giêsu nói “Mùa hái nho”, đó là lúc ông chủ sai người gặt hái hoa lợi và cũng là lúc tính sổ với các tá điền, Gioan Tẩy Giả nói với Pharisêu và người Xa-đóc, của thịnh nộ Thiên Chúa sắp giáng xuống, và hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Như vậy ta có thể nói rằng, mùa háo nho, ứng với thời Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu.

“GẦN ĐẾN MÙA HÁI NHO”, Đức Giêsu ám chỉ đó là thời Cựu Ước, cụ thể đó là thời Tiên tri và Ngôn sứ, vì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Chương trình Cứu độ từ ngàn đời, Ngài tuyển chọn một dân tộc, đó là dân Do Thái và ban cho họ Lề luật và giao ước, họ bước đi dưới ánh sáng lời Ngài. Thiên Chúa đã phái các Tiên tri và Ngôn sứ đến truyền đạt những ý định của Ngài.

Truyền thống Do Thái thường chia thời ngôn sứ thành 02 giai đoạn: Giai đoạn Ngôn sứ trước và giai đoạn Ngôn sứ sau. Giai đoạn ngôn sứ sau có nhiều ngôn sứ hơn hẳn giai đoạn ngôn sứ trước.

“Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ”, Đức Giêsu muốn ám chỉ giai đoạn ngôn sứ trước. Thiên Chúa sai các tiên tri và ngôn sứ đến với dân Do Thái, họ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để truyền đạt ý định của Ngài. Nhưng những người lãnh đạo tôn giáo (= tá điền) đối xử với họ tàn nhẫn, đánh đập, giết và ném đá. Tại sao? Vì những người lãnh đạo tự cho mình cái quyền làm chủ đất nước, lãnh đạo dân tộc, và trong thâm tâm họ không cần Thiên Chúa nữa, như vậy người được Thiên Chúa sai đến cũng không cần phải tiếp đón. Có lẽ họ được ưu đãi, nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt vườn nho, có nghĩa muốn làm chủ dân Chúa.

“Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy”. Ông chủ lại sai đầy tớ đến lần thứ hai, số người đông hơn trước. Đức Giêsu muốn ám chỉ giai đoạn ngôn sứ sau. Kết quả các ngôn sứ cũng bị đối xử như vậy. Rõ ràng cái ý định cướp vườn nho đã hình thành. Họ đã loại Thiên Chúa ra khỏi dân Chúa chọn, để dân Do Thái quay ra thờ các thần minh do họ dựng nên.

Độc giả có thể thấy lịch sử dân Do Thái là lịch sử của sự bất trung, nhưng qua đó bộc lộ mãnh liệt Tình yêu Thiên Chúa, Ngài vẫn kiên nhẫn chờ đợi và không ngần ngại sai các ngôn sứ đến với họ, mặc dù biết các ngôn sứ sẽ bị đối xử thậm tệ. Thiên Chúa luôn kiên trì, vì Tình yêu của Ngài là tình yêu tuyệt đối, kiên trì đến mức ai cũng phải ngỡ ngàng, chỉ biết thinh lặng và chiêm ngưỡng.

“Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta." Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!" Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.”

Matthêu dùng cụm từ “sau cùng”, có nghĩa đã đến thời điểm cuối, vì giai đoạn ông chủ sai người ngoài đến với họ đã kết thúc, ông không làm vậy nữa vì không muốn thấy máu phải đổ ra vô ích. Ông quyết định sai chính con trai của mình, với hy vọng bọn tá điền sẽ đối xử tốt, nếu họ vẫn coi ông là người chủ vườn nho. Nhưng ông đã lầm, khi bọn tá điền thấy con ông xuất hiện, đứa con thừa tự, sau này sẽ là chủ vườn nho, cái ý định cướp vườn nho đã hình thành rõ nét, và họ đã quyết định giết người con này.

Đức Giêsu muốn ám chỉ Ngài là Con Một Thiên Chúa, đã được Chúa Cha sai đến trần gian để cứu chuộc nhân loại, đây là thời điểm sau cùng, vì đã kết thúc thời Cựu Ước để chuyển sang thời Tân Ước. Thời Tân Ước là thời sau cùng trong Chương trình cứu chuộc vì không còn thời nào nữa. Thời Tân Ước sẽ được kết thúc vào Ngày Cánh Chung (Tận thế). Ngài sẽ bị đối xử như người con thừa tự của ông chủ vườn nho. Nếu đứa con thừa tự bị quăng ra ngoài vườn nho và giết đi, thì Đức Giêsu sẽ bị đóng đinh vào thập giá trên đồi Golgotha, bên ngoài tường thành Giêrusalem.

Đến đây dụ ngôn đã kết thúc.

“Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?" Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông."

Sau khi kể xong dụ ngôn, Đức Giêsu đặt cho các Thượng tế và Kỳ mục câu hỏi: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?" Một câu hỏi quá dễ ai cũng có thể trả lời được, vì thế họ trả lời ngay: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông."

Tại sao họ trả lời nhanh như vậy? Thưa, vì câu chuyện quá rõ ràng, bọn tá điền tham lam và tàn nhẫn quá, chỉ vì muốn cướp vườn nho mà đã giết bao nhiêu người, rồi còn giết luôn đứa con thừa tự của ông chủ. Ai nghe dụ ngôn này, cũng có thể đưa ra giải pháp như vậy. “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho”, đầu tiên là phải giết bọn tá điền đó, vì họ không còn là con người nữa, thứ hai lấy lại vườn nho giao cho người khác canh tác.

Họ trả lời xuôi chảy, vì họ nghĩ đây chỉ là câu chuyện cổ tích mà Đức Giêsu rảnh rỗi kể cho họ nghe. Nhưng khi Ngài nói câu sau đây họ mới chưng hửng, không ngờ Ngài kể câu chuyện đó nhắm vào họ.

“Đức Giê-su bảo họ: "Kinh Thánh có câu: ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.’ Các ông chưa bao giờ đọc câu ấy sao?” Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.” Tảng đá đó chính là Đức Giêsu, bị người thợ xây loại bỏ, thợ xây đây là những người lãnh đạo tôn giáo. Họ nghĩ rằng đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, giết chết Ngài là xong chuyện, để không ai còn cản trở họ nữa, họ sẽ có toàn quyển trên lịch sử Do Thái. Đức Giêsu coi như bị loại bỏ, nếu còn ai nhắc đến Ngài, đó chẳng qua hoài niệm về cái gì trong quá khứ. Nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết, đó là kỳ công của Thiên Chúa. Sự Phục sinh của Đức Giêsu là điều kỳ diệu cho con người qua mọi thời đại. Từ đây Đức Giêsu sẽ trở thành đá góc tường, một viên đá quan trọng giữ vững ngôi nhà Hội Thánh.

Nhiều lần trong Cựu Ước đã gọi Thiên Chúa là Đá Tảng. St 49,24; Đnl 32,18; 1Sm 2,2; 2Sm 22,3.47; 23,3; Tv 18,3.32.47; 19,15; 31,3-4; Is 62,3.8. Những đoạn văn ấy còn áp dụng cho chính Đức Giê-su. Thánh Phao-lô đã khẳng định trong thư thứ nhất gửi Cô-rin-tô: “Không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giê-su Ki-tô” (1Cr 3,11). Thánh Phê-rô chỉ là Tảng Đá này vì ông đã nhận lấy vai trò của Đức Giêsu khi Ngài đã về trời.

“Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

Từ vườn nho, ám chỉ dân Do Thái, Đức Giêsu chuyển sang Nước Thiên Chúa, có nghĩa ơn Cứu độ không còn là ưu tiên cho người Do Thái nữa, mà là cho tất cả những ai tin vào Ngài và sống theo lời Ngài. Đức Giêsu cũng nói thẳng luôn, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. Thiên Chúa ban cho một dân, đó là dân nào? Thưa: Đó là GIÁO HỘI. Giáo hội sẽ là dân Chúa, Giáo sẽ triển nở lớn mạnh, như sự lớn mạnh của hạt cải, Nước ấy cũng mạnh mẽ như men trong thúng bột,....

Tất cả chúng ta là dân trong nước đó, ta là tín hữu trong Giáo hội của Chúa Giêsu, Nước Thiên Chúa có phát triển rực rỡ hay không, có lớn mạnh hay không, nó còn tùy vào sự đóng góp của ta trong Nước ấy.

“Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ. Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.”

Bây giờ các thượng tế và người Pharisêu mới hiểu, Đức Giêsu kể dụ ngôn này ám chỉ về họ, chứ không còn đơn sơ như trước. Họ cay cú lời Ngài nói: “Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa”, có nghĩa Thiên Chúa sẽ loại bỏ họ, họ sẽ không còn vị trí độc tôn nữa và coi chừng họ cũng không có mặt trong Nước Thiên Chúa.

Phản ứng của Thượng tế, Pharisêu ai cũng có thể hiểu, họ tỏ ra giận dữ và tìm cách bắt Đức Giêsu, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Ngài là một ngôn sứ.”

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2890
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  27
 Hôm nay:  7444
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12263598

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn