Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ năm tuần V thường niên năm chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ năm tuần V thường niên năm chẵn

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm tuần V Thường niên năm chẵn
(13/02/2014) - (Mc 7, 24-30)

 


NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Đức Giê-su đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được.

Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.

Người nói với bà: "Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con." Bà ấy đáp: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con." Người nói với bà: "Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi." Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.
___________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ

“Đức Giê-su đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia.”

Trong 03 năm công khai giảng Đạo, ít khi Đức Giêsu đi ra ngoài nước Do Thái, mà chủ yếu đến với con chiên lạc nhà Israen (Do Thái). Khi sai các môn đệ đi thực tập rao giảng Tin mừng, Ngài cũng không sai các ông đến với dân ngoại. Người ta có thể đặt vấn đề về tính phổ quát Sứ mệnh của Đức Giêsu. Sứ mệnh đó có hướng ra ngoài Israen không?

Thực ra Đức Giêsu có một kế hoạch hẳn hoi, Sứ mệnh loan báo Tin mừng cho muôn dân sẽ được bắt đầu khi Ngài về trời và khi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Các môn đệ sẽ đi khắp tứ phương thiên hạ. Đặc biệt 02 Thánh Tông đồ Phaolô và Barnaba được dành riêng cho dân ngoại. Còn trong đời sống công khai rao giảng Tin mừng, Sứ mệnh của Đức Giêsu ưu tiên dành cho người Do Thái, vì đây là dân Chúa chọn, và Ngài sẽ thực hiện Chương trình Cứu thế ngay tại Israen này, như Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ họ.

Nhưng trong thời gian 03 năm công khai, thỉnh thoảng Đức Giêsu vẫn ra ngoài nước Do Thái, đi đến miền dân ngoại, như trong bài Tin mừng hôm nay. Đức Giê-su đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Tia là vùng dân ngoại. Có lẽ đây là cuộc hành trình đầu tiên theo Marcô, Đức Giêsu ra khỏi miền Galilê.

“Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được.”

Marcô không xác định nhà người nào, song tại Tia chắc có người quen. Tại sao Đức Giêsu lại không muốn cho ai biết? Theo các nhà chú giải, có lẽ Ngài muốn đến một nơi không ai nhận ra, để Ngài có thời gian nghỉ ngơi đôi chút. Điều này hợp lý.

Một cách giải thích khác, người ta cho rằng, Đức Giêsu không muốn phô trương thanh thế của mình, để gieo hạt giống đức tin nơi miền dân ngoại. Hạt giống đó phải được người ta đón nhận một cách chân thành chứ không phải vì những phép lạ, và một khi được đón nhận chân thành họ sẽ sống theo niềm tin đó.

Marcô lại nói: “nhưng không thể giấu được”, có nghĩa dân miền này cũng biết Ngài, tưởng rằng có thể được nghỉ ngơi, nhưng Ngài vẫn phải tiếp tục làm việc. Ta có cảm tưởng, đối với Đức Giêsu, nghỉ ngơi và làm việc không khác gì nhau, lúc nào Ngài cũng làm việc.

Như vậy, nếu nói Đức Giêsu ưu tiên cho Israen, ta phải hiểu ưu tiên không có nghĩa chỉ có Israen mà còn cho vùng dân ngoại. Miền Galilê mặc dù dân ngoại sinh sống rất đông, nhưng dù sao cũng thuộc về Do Thái nên không được tính vào miền dân ngoại. Tính phổ quát của Sứ mệnh loan báo Tin mừng sẽ do các môn đệ và những người kế vị các ông thực hiện.

“Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri”.

Marcô mô tả: “đứa con gái nhỏ bị quỷ ám”, một đứa bé lại bị quỷ ám là điều tệ hại thế nào chắc ai cũng biết, ma quỷ đã chiếm đoạt em ngay tuổi mới bước vào đời, như vậy coi như cả cuộc đời em sẽ dành cho ma quỷ. Người mẹ của em đau khổ rất nhiều, mỗi lần nhìn thấy con mình bị quỷ hành hạ, bà đau từng khúc ruột nhưng không thể làm gì được. Chắc bà đã chạy vạy khắp nơi và đã thất bại.

Ngày hôm nay, bà thấy Đức Giêsu đến đây, bà cảm nhận Ngài là hy vọng cuối cùng có thể cứu con gái bà, nên đã thu hết can đảm, bất chấp tất cả, vượt qua hàng rào chủng tộc để đến với Đức Giêsu. Marcô nói: “liền vào sấp mình dưới chân Người”. Sấp mình dưới chân Đức Giêsu là biểu lộ lòng tôn kính, và khẩn khoản nài xin Ngài thương xót. Cử chỉ của bà sẽ đánh động lòng nhân từ của Thiên Chúa.

“Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri”. Marcô cho biết rõ lý lịch của bà, một lý lịch không dính dáng gì đến Do Thái. Người Do Thái có một quan niệm rất hẹp về ơn Cứu độ, họ là dân Chúa chọn, nên họ nghĩ chỉ có người Do Thái mới được cứu độ. Từ đó họ gọi dân ngoại là “LŨ CHÓ TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA”, tiếng Do Thái gọi dân ngoại là KUON. Đây là sự miệt thị.

“Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.”

Đức Giêsu là người Do Thái, còn bà là dân ngoại. Cứ như bình thường bà sẽ không dám đến gần Đức Giêsu, vì cái nhìn của người Do Thái đối với dân ngoại là một rào cản lớn nhất, và là sự khinh miệt nặng nề nhất. Đó là rào cản thuộc về chủng tộc, bà sẽ vượt qua rào cản này.

Nhưng ở đây còn mối tương quan khác làm cho bà có thể đến được với Đức Giêsu, đó là mối tương quan giữa con bệnh và thầy thuốc. Con gái bà không có mặt tại đây, và vì con, bà đã đến gặp Đức Giêsu, xin Ngài trừ quỷ cho con bà.

“Người nói với bà: "Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con."

Có lẽ độc giả khi đọc câu này sẽ cảm thấy bỡ ngỡ. Tại sao Ngài có thể nói như vậy? Ngài lỡ lòng nào từ chối bà sao? Nhưng ta đừng nóng vội, vì trong câu nói của Đức Giêsu sẽ bao hàm rất nhiều ý. 

1/. Ý thứ nhất:

Nhiều nhà chú giải cho rằng Đức Giêsu nói câu này để thử thách niềm tin của bà. Đây là thử thách to lớn mà người ta khó vượt qua, nó giống như một lời từ chối quyết liệt và thẳng thừng, chạm đến đáy tự ái của một con người. Liệu bà có vượt qua không?

2/. Ý thứ hai:

“Phải để cho con cái ăn no trước đã”, Đức Giêsu muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ.

Người Do thái được ưu tiên, ưu tiên chứ không phải là duy nhất được hưởng ơn cứu độ, ơn cứu độ sẽ dành cho mọi người và qua mọi thời đại; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do thái đến đâu, Đức Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Ngài vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác. Chúng ta chấp nhận sự tự do của Thiên Chúa trong việc ban phát ơn huệ và tình thương của Ngài. 

“vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”. Nếu người Do Thái gọi dân ngoại là “Lũ chó trước mặt Thiên Chúa” (KUON), Đức Giêsu lại gọi họ là “chó con” (KUNARION), đó không còn miệt thị mà là sự ưu ái đặc biệt.

“Bà ấy đáp: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.”

Bà cảm nhận được sự ưu ái của Đức Giêsu dành cho bà, Marcô cho thấy, trong câu trả lời, bà đã nhận mình là “chó con” như muốn nói lên niềm hạnh phúc đó. Người ta cũng có thể hiểu, khi nhận mình là chó con, bà đã tỏ thái độ khiêm tốn làm cho Đức Giêsu phải cảm động.

Bà nói: “nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”, Marcô rất sâu sắc khi sử dụng cụm từ: “những mảnh vụn của đám trẻ con”. Mặc dù đây là lời của bà, nhưng khi viết Tin mừng, thuật lại sự kiện này, Marcô đã cân nhắc chọn từ thế nào để diễn tả đúng nét đẹp, nét hay của câu chuyện.

Bà không nói: “chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của người lớn”, khi nói đám trẻ con, bà biểu lộ hạnh phúc khi được Thiên Chúa đoái thương đến, sau khi đã ưu ái tất cả người Do Thái. “Đám trẻ con”, muốn nói đến thành phần cuối cùng của dân Do Thái. Hình như Marcô có sự chơi chữ ở đây, khi cho 02 cụm từ “chó con” và “đám trẻ con” đi với nhau trong cùng một câu.

Nó muốn nói lên niềm tin mạnh mẽ của người đàn bà dân ngoại. Đức Giêsu sẽ phải giật mình trước niềm tin này, có lẽ Ngài chỉ gặp niềm tin mạnh mẽ khác thường nơi dân ngoại. Trước đây, Ngài cũng gặp một niềm tin tương tự ở viên Đại đội trưởng. Thật mỉa mai khi dân Chúa chọn lại không được như vậy, trong khi họ vẫn được ưu tiên hơn trong Chương trình Cứu độ.

Có lẽ khi đọc đến đây ta sẽ đồng cảm với người đàn bà dân ngoại này, vì ta cũng là dân ngoại giống như bà, ta không phải người Do Thái. Ta cũng được đón nhận niềm tin, cũng được mời gọi theo Đức Giêsu và dự Bàn tiệc Nước Trời. Nhưng thử hỏi niềm tin của ta thế nào? Nó đang ở trong tình trạng nào, có lớn dần như hạt cải không? Nhất là trong xã hội hôm nay, với quá nhiều yếu tố làm cho niềm tin bị thui chột, ta có nuôi dưỡng và phát triển nó không?

Trong thư Thánh Giacôbê có viết: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: "Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ.”” (Gc 2, 17-19)

Thánh Giacôbê viết rất sâu sắc, nếu đức tin không có hành động thì nó chẳng nghĩa gì, nó cũng được kể như không có, và ông nhấn mạnh, coi chừng ta cũng chẳng khác gì tên quỷ. Đức tin của ta giống như một cây được trồng, nó phải được chăm sóc, phải được tưới, phải có phân bón,... nó mới có thể lớn nên. Nếu đức tin của ta không được biểu lộ, nó sẽ nằm im như một thây ma trong cõi vô thức, để dần dần biến mất.

Nếu người đàn bà trong Tin mừng hôm nay, đã biểu lộ niềm tin của mình để được Đức Giêsu chữa cho con gái bà, thì ta cũng phải biểu lộ niềm tin của ta trong cuộc sống. Ta tin Đức Giêsu, thì đòi hỏi ta phải sống khác với đời sống ta đã sống, đó là phải biết sống yêu thương, bao dung và độ lượng. Cuộc sống không luôn dễ dàng gì, nó luôn mang đến cho ta sự đau buồn, hiểu lầm, bất hạnh... nhưng người có đức tin phải sống như thế nào. Nếu vì những khiếm khuyết của cuộc đời, đẩy ta lún sâu vào sự căm hận, không thể tha thứ, đó là ta đang giết chết niềm tin của mình vậy.

“Người nói với bà: "Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.”

Marcô viết: “Vì bà nói thế”, có nghĩa bà đã nói lên niềm tin của mình, bà tin rằng Ơn cứu độ không phải chỉ dành riêng cho người Do Thái, mà còn dành cho dân ngoại giống như bà. Bà đã tin vào Ơn Cứu độ có tính phổ quát, tình yêu Thiên Chúa không bị bất kỳ giới hạn nào.

“nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Đức Giêsu nói với bà cứ về đi vì quỷ đã xuất ra rồi. Quyền năng Thiên Chúa trong Đức Giêsu thật vĩ đại, đến như tên quỷ ở phương trời xa xôi nào đó cũng phải tuân lệnh.

Đọc đến đây độc giả sẽ nhớ lại viên Đại đội trưởng, xin Đức Giêsu chữa bệnh cho người hầu của mình. Ông là sĩ quan người Rôma, cũng là dân ngoại và cũng biểu lộ niềm tin của mình như người đàn bà này. Rốt cuộc cả hai phép lạ hoàn toàn giống nhau, có nghĩa phép lạ được thực hiện từ xa chứ không tại chỗ có sự kiện. Hình như trước một niềm tin mạnh mẽ, phép lạ phải xảy ra theo cách khác thường, xứng tầm với niềm tin đó.

Nếu ta có nièm tin mạnh mẽ giống như bà và viên Đại đội trưởng, thì đâu cần Chúa phải hiện ra trước mặt ta để nghe lời ta kêu cầu, đâu cần ta phải đến tận Lavang, Tàpao, Măng Đen,... để xin ơn. Ta cứ ở đây, trong niềm tin tưởng phó thác vào Ngài. Thiên Chúa luôn hiện diện với ta và cùng với ta đi cho hết đường đời này. Nhưng liệu ta có đức tin mạnh như vậy không? 

“Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.” Đó là điều đương nhiên, nhưng Marcô vẫn phải viết ra để cho thấy kết quả của niềm tin đó.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 3287
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  27
 Hôm nay:  1929
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12258083

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn