Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ năm tuần IV thường niên năm chẵn.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ năm tuần IV thường niên năm chẵn

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm tuần IV Thường niên năm chẵn
(06/02/2014) - Thứ năm đầu tháng - (Mc 6, 7-13)
Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo.
MÙNG BẢY TẾT GIÁP NGỌ - 2014

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Người gọi nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một, Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.

Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.

Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”

Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Người gọi nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một”

Ở câu đầu tiên của Bài Tin mừng ta bắt gặp 02 cụm từ: “Gọi” – “Sai đi”. Đó là ơn gọi dành cho người môn đệ. Hai cụm từ này diễn tả một kế hoạch lâu dài của Đức Giêsu, đó là rao giảng Tin mừng cho đến ngày tận thế. Đầu tiên là gọi – Kế đến huấn luyện - Cuối cùng là sai đi.

“Người gọi nhóm Mười Hai”, nhóm Mười Hai này không được gọi một lúc mà xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau. Đầu tiên Đức Giêsu gọi 04 môn đệ ở Biển Hồ Galilê, đó là các ông: Phêrô – Anrê; Giacôbê – Gioan. Đó là 02 cặp anh em (Mc 1, 16-20). Kế tiếp bổ sung thêm Matthêu (Lêvi) (Mc 2, 13-14), các môn đệ còn lại của nhóm được gọi Đức Giêsu gọi dần mà Kinh thánh không mô tả.

Tại sao Đức Giêsu lại chỉ chọn 12 ông, không hơn không kém? Vì con số 12 tượng trưng cho 12 chi tộc Israen, Marcô hẳn muốn nói, có một nước Israen được hình thành trên 12 chi tộc, đó là nước Israen của giao ước cũ. Đức Giêsu sẽ thiết lập một nước Israen mới, nước đó cũng được xây dựng trên con số 12, đó là 12 tông đồ. Nước Israen mới đó chính là Nước Thiên Chúa.

Kế tiếp Đức Giêsu huấn luyện các ông. Ta thử xem Ngài sẽ huấn luyện các ông theo phương pháp nào? Xin thưa: Không có phương pháp nào hết. Marcô viết: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3, 14). Phương pháp Đức Giêsu dùng để huấn luyện các môn đệ, nó không có tên gọi, nhưng lại diễn tả sự kết hợp sâu xa, đó là: “để các ông ở với Người”.

Vâng chỉ cần các ông ở với Đức Giêsu là đủ rồi. “Ở với”, đó là sự kết hợp giữa thầy và trò. Khi các môn đệ ở với Đức Giêsu, các ông sẽ được nghe Ngài nói, thấy được việc Ngài làm. Từng lời nói, cử chỉ của Đức Giêsu đang thấm nhập vào các ông, sau đó sẽ biến đổi các ông. Đó chính là phương pháp huấn luyện hữu hiệu nhất, vì nó là sáng kiến của Thiên Chúa.

“Và bắt đầu sai đi từng hai người một”. Đây là bước cuối cùng của ơn gọi Tông đồ, họ phải được sai đi.

Có một nghịch lý xảy ra. Trong bài Tin mừng hôm qua, Đức Giêsu đã phải thất bại khi Ngài về quê hương mình là Nadaret. Nhưng trong Bài Tin mừng hôm nay, Ngài lại sai các môn đệ. Như vậy có hợp lý không? Xin thưa: Không có gì xảy ra hết, vì đây là cuộc sai đi đầu tiên có tính trắc nghiệm. Các ông sẽ được sai đi thực sự sau khi Đức Giêsu về trời và Chúa Thánh Thần hiện xuống. Với lại khoảng cách của 02 Bài Tin mừng này không liền nhau như ngày hôm qua và hôm nay. Chúng cách nhau một quãng thời gian nào đó.

Tại sao lại sai đi từng hai người một? Xin thưa, có 02 lý do:

1/. Theo luật Môsê, cần hai nhân chứng mới xác nhận được một lời khai (Đnl 19, 15). Tuy nhiên con số hai cũng là biểu tượng của cộng đoàn, nghĩa là các thừa sai không làm việc đơn lẻ mà làm việc theo từng nhóm.

2/. Đó là tập tục các kinh sư vẫn thi hành đối với các môn sinh của họ. Hai người có chứng từ phù hợp nhau, chứng tỏ rằng họ cùng được sai đi từ một người. Thực vậy, sứ điệp họ mang đi không phải là của riêng các ông, mà là của Đức Giêsu. Nhóm Mười Hai không được "tính toán cho mình". Sứ mệnh của các ông bắt nguồn từ Đức Giêsu; đây là công việc của nhóm, là hành đông mang tính cộng đoàn .

Và thực tế như vậy, trong Công vụ Tông đồ, ta sẽ thấy các nhà truyền giáo ấy thường lên đường với nhau "từng hai người một". Phêrô đi với Gioan (Cv 3,1; 4,13); Phaolô với Banabê (Cv 1 3,2); Giuđa và Sila (Cv 15,22).

“Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.”

Khi Đức Giêsu ban cho các môn đệ quyền trừ quỷ, nó cũng đồng nghĩa với việc nước Thiên Chúa đã hình thành và đang lớn dần. Trước khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, thế gian này nằm trong sự khống chế của ma quỷ, nay Đức Giêsu trục xuất chúng để đánh dấu khai sinh nước Thiên Chúa, và Ngài ban cho các môn đệ quyền trừ quỷ để mở rộng nước đó. Quyền lực tối tăm đang bị đầy lùi.

“Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.”

Ở Tin mừng Marcô ta thấy có điều rất lạ, Đức Giêsu không trao cho các môn đệ sứ điệp nào, không truyền cho các ông phải nói gì, ngoài chuyện căn dặn các ông phải sống khó nghèo. Độc giả sẽ thắc mắc, các ông đi rao giảng mà không nói gì hết, Vậy thì đi làm gì! Lạ thật. Không biết Marcô có nhầm không? Dĩ nhiên là không rồi, Marcô ắt có dụng ý, ta cứ từ từ đừng nóng vội.

Sự kiện Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai được cả 03 Thánh sử Nhất lãm thuật lại: Matthêu (Mt 10, 1.5-14); Marcô (Mc 6, 7-13); Luca (Lc 9, 1-6).

Ngoài ra còn có sự kiện Đức Giêsu sai 72 môn đệ, được 02 Thánh sử thuật lại (không có Marcô): Matthêu (Mt 11, 20 -24 ); Luca (Lc 10, 1-12)

Trong các trình thuật vừa nêu, đi song song với lời dặn phải sống khó nghèo, là Sứ điệp các ông phải rao giảng, đó là: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”. Nhưng đối với Marcô, ta không thấy ông nói gì về Sứ điệp. Không biết Marcô nghĩ gì? Nhưng ta phải rất cẩn thận khi phân tích Tin mừng theo Marcô, vì ông luôn có những suy nghĩ mới mẻ và sâu sắc.

Theo Marcô, Đức Giêsu ra chỉ thị cho các kẻ Ngài gọi và sai đi như vậy, họ phải có tinh thần khó nghèo và từ bỏ:

+ Khó nghèo xét về hành trang đi đường: "Một cây gậy, một đôi dép" là những gì Ngài cho phép. Ngài cũng không đồng ý cho mang hai áo". Những kẻ được Ngài sai đi sẽ là những con người thanh thoát, không cồng kềnh, mà rong ruổi như Ngài và luôn sẵn sàng lên đường đi loan báo Tin Mừng.

+ Khó nghèo xét về những phương tiên sinh sống: “không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng". Hành trình như vậy đặt các người được sai đi trong tư thế tùy thuộc. Họ sẽ nhận lương thực và tiền túi từ tay những ai sẽ tiếp rước họ.

Đọc qua những gì ông viết, ta mới thấy Marcô có lý và sâu sắc. Có lẽ ông cũng như ta, đã chán ngấy những lối sống giả hình của một số Sứ giả Tin mừng xưa cũng như nay, không phải là tất cả, nhưng cũng không phải là số ít.

MARCÔ LUÔN CHÚ TRỌNG ĐẾN NHÂN CHỨNG SỐNG và KHÔNG QUAN TÂM MẤY ĐẾN NHÂN CHỨNG RAO GIẢNG, nghĩa là người môn đệ phải là người sống tinh thần khó nghèo và thanh thoát, chính trong tinh thần khó nghèo đó, họ mới thoát ra khỏi những ràng buộc trần tục, tránh được các lời mời quyến rũ của ma quỷ, thế gian và xác thịt, nhưng bù lại họ sống hoàn toàn phó thác trong Bàn tay Thiên Chúa.

Ta thử xem Gioan Tẩy Giả cuốn hút dân Do Thái vì lẽ gì? Xin thưa: Vì lối sống khó nghèo lạ lẫm của ông. Matthêu viết: “Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.” (Mt 3, 4). Sau khi người ta đã đến với ông, Gioan mới rao giảng Sứ điệp được Thiên Chúa trao cho. Thánh sử Matthêu viết: “Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3, 1-2)

Như vậy, ta phải khẳng định: chính tinh thần khó nghèo mới cuốn hút người khác đến với Chúa. Ai không sống tinh thần khó nghèo, người đó sẽ đẩy người ta xa Chúa.

Có phải cứ giảng hay là đưa người ta đến với Chúa đâu, trong khi bản thân của vị Sứ giả chất đầy ngọc ngà châu báu, cao lương mỹ vị trong “cứ địa” của mình. Tại sao cứ mở miệng ra khuyên người ta phải coi mọi sự là “phân bón”, đừng tích trữ chúng, nhưng trong tủ của những vị đó lại đầy phân bón. Thật giả hình! Những lối rao giảng đó sẽ phản tác dụng, có thể người ta vẫn đến rất đông để nghe những ngôn từ mỹ miều, văn hoa bay bổng, nhưng trong thâm tâm người ta dành cho những vị đó một sự khinh bỉ. Đồ giả hình!

Ngược lại, có những sứ giả Tin mừng đã đưa rất nhiều người đến với Chúa thực sự, các ngài đưa người ta đến với Chúa không phải ở những bài giảng hay, trái lại là đàng khác, đó là những bài giảng như bài ru, ru người ta vào giấc ngủ, dễ làm cho thính giả ngủ gật. Nhưng nó lại cuốn hút người ta đến với Chúa rất đông, đó là vì lối sống của các vị đó, tình yêu của các vị đó đối với Đức Giêsu. Người ta đã khám phá ra Đức Kitô thật sự qua những vị đó. Do đó các nhà Thần học mới nói: “LINH MỤC, ĐỨC KITÔ THỨ HAI” (ALTER CHRISTUS)

Đây mới là ẩn ý của Marcô khi ông không có dòng nào, nói về Sứ điệp các tông đồ phải rao giảng, mà chú trọng đến lối sống theo tinh thần khó nghèo.

Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu Corintô đã viết: “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời nói hùng hồn hoặc triết lý cao siêu... nhưng tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy... có vậy đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa" (l Cr 2,1-5).

“Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”

Đức Giêsu còn căn dặn các ông 02 điều:

1/. Khi được người ta đón tiếp, các ông không được phép đi hết nhà này sang nhà kia, vì các ông đến đây chỉ một mục đích duy nhất, đó là giới thiệu Đức Giêsu, chứ không phải để quấy rầy người khác, để tranh thủ tình cảm của người khác, để tìm kiếm sự thoải mái cho mình.

2/. Đức Giêsu cũng cảnh báo cho các ông biết, đứng trước lời mời gọi của Tin mừng không phải ai cũng đón nhận. Sẽ có người từ chối và chống đối. Vì sao?

Thánh sử Gioan viết: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.” (Ga 15, 18-21)

Như vậy, cái lý do duy nhất mà người ta không chấp nhận các ông, không phải vì các ông mà là vì Đức Giêsu và sứ điệp của Ngài. Các ông phải biết trước điều này và không được phép sống ảo tưởng.

Đức Giêsu sẽ dạy các ông biết phải làm gì trong những lúc như vậy. Marcô viết: “Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.”

Việc đầu tiên các ông phải làm khi không được đón tiếp và nghe lời, đó là ra khỏi nơi đó. Ta để ý Đức Giêsu nói đến 02 điều chứ không phải một: Không đón tiếp – Không nghe lời anh em.

Điều này quá hợp lý, vì các ông còn ở đấy làm gì nữa! Họ không đón tiếp các ông, không phải vì các ông mà vì họ muốn chối bỏ Tin mừng. Vì một khi chấp nhận Tin mừng, nó không cho phép họ được sống như họ đã sống. mà phải thay đổi. Họ phải đi qua cửa hẹp, có nghĩa phải giũ bỏ mọi tham vọng bất chính, từ bỏ những dục vọng vô lối để làm con người mình nhỏ lại mới qua được cửa hẹp.

Việc thứ hai Đức Giêsu dạy các ông: “khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Tại sao phải giũ bụi chân? Đó là thói quen, dường như là tập tục mà bất cứ người Do Thái nào, khi đi từ miền dân ngoại về, ví dụ qua miền Samari, họ đều giũ bụi chân trước khi vào nhà, để phủi sạch sự ô uế mắc phải khi đi vào miền đó.

Ý nghĩa “giũ bụi chân” mà Đức Giêsu nói ở đây mang một ý nghĩa cao hơn, đó là khi người ta không đón tiếp và nghe lời các ông, họ bị liệt vào thành phần dân ngoại, cho dù họ là người Do Thái. Ta nên nhớ, đây là cuộc rao giảng Tin mừng có tính trắc nghiệm, như vậy những nơi các môn đệ đến là nơi cư ngụ của “con cái Israen”, tức miền của người Do Thái.

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galat đã viết: “sự hợp nhất của Thân Thể Đức Kitô chiến thắng mọi chia rẽ nhân loại: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô; không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,27-28).

Như vậy, trong Nước Thiên Chúa sẽ không còn sự phân biệt về chủng tộc, về màu da, về ngôn ngữ và giới tính. Chỉ có một phân biệt duy nhất, đó là có đón nhận Tin mừng hay không. Khi không đón nhận, Đức Giêsu nói với các ông: “hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ”, đây không còn là việc tránh ô uế mà là tỏ ý phản đối.

“Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.”

Sau khi Đức Gêsu căn dặn các điều đó xong, các ông lên đường đi rao giảng. Cho dù ở phần trên không đề cập đến Sứ điệp Đức Giêsu trao cho các ông, các ông cũng biết mình phải nói gì, vì sám hối là đề tài muôn thưở, nó phải được rao giảng cho đến ngày tận thế.

Người ta phải sám hối, không phải chỉ lúc này mà phải sám hối trong suốt cuộc đời, vì cuộc đời mỗi người là một chuỗi liên tục lặp đi lặp lại giữa hai trạng thái: ĐỨNG LÊN – NGÃ XUỐNG – ĐỨNG LÊN – NGÃ XUỐNG.... Vấn đề đáng nói ở đây là, trong cái tích tắc cuối đời, ta “đứng” hay “ngã”, đó mới là điều quan trọng, quyết định vận mệnh mỗi người. Ai cũng hy vọng rằng, trong lúc đó ta đang đứng.

Sự “xuất quân” của các tông đồ thuộc nhóm Mười Hai đã tạo nên cơn chấn động mạnh. Ma quỷ hoảng sợ vì biết rằng Nước Thiên Chúa đã xuất hiện. Chúng sẽ bị trục xuất ra khỏi những nơi chúng từng cát cứ bấy lâu nay. Nhưng các ông và cả chúng ta đừng mừng vội, vì cuộc chiến vẫn còn ở phía trước, nó chỉ kết thúc trong ngày tận thế, Ngày mà Đức Giêsu sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang.

Nhưng dù sao mọi người phải vui mừng, vì sự xuất hiện của các tông đồ, đã mang lại hạnh phúc cho con người, vì các ông đã “xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh”.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm 


Trở lại      In      Số lần xem: 2316
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  24
 Hôm nay:  1411
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12257565

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn