Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm Tuần IV Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm Tuần IV Mùa Chay

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm Tuần IV Mùa Chay
(03/04/2014) - (Ga 5, 31-47)
DIỄN TỪ VỀ CÔNG VIỆC CỦA CHÚA CON (tiếp theo)

 

 

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái: "Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật.

Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.

Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến. Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.

Tôi không cần người đời tôn vinh. Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận. Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?

Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy. Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?"
_______________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ

“Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái: "Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật.”

Nhân việc Đức Giêsu chữa cho người bất toại ở hồ Bết-da-tha trong ngày Sabbath, đã nổ ra cuộc tranh luận giữa Ngài và người Do Thái trong Đền thờ. Họ tố cáo Ngài vi phạm ngày Sabbath, vì Ngài đã chữa bệnh trong ngày đó. Theo họ, ngày Sabbath chỉ dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa và phải kiêng các việc khác, ngay cả việc chữa bệnh. Nhưng Đức Giêsu nói cho họ biết: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5, 17) có nghĩa đối với Thiên Chúa, Ngài làm việc không ngừng, lúc nào Ngài cũng làm việc, vì Tình yêu của Thiên Chúa làm cho vũ trụ và con người được tồn tại. Nếu Ngài ngưng làm việc, cho dù chỉ trong chốc lát, vũ trụ và con người sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, đi đến chỗ diệt vong. Ngài luôn làm việc, có nghĩa Tình yêu Thiên Chúa luôn hiện diện trong vũ trụ này và trong chúng ta. Như vậy không thể chấp nhận luật nào, quy định người ta phải yêu thương ngày này, và không được yêu thương ngày kia. Cần phải hủy bỏ cái luật vô lý đó, hoặc phải chấn chỉnh lại. Luật ta đang nói, đó là luật Sabbath.

Đức Giêsu còn mặc khải cho người Do Thái biết Thiên Chúa là Cha, Ngài là Con. Chúa Cha yêu Chúa Con và đã tỏ cho Chúa Con mọi việc Chúa Cha làm, lại còn cho Chúa Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến người Do Thái cũng phải kinh ngạc. Chúa Cha ban cho Chúa Con quyền ban phát sự sống và Quyền xét xử, để mọi người tin vào Chúa Con hầu được cứu rỗi.

Nhưng độc giả có thể hỏi, tất cả những điều trên, Đức Giêsu mặc khải trong Đền thờ trước mặt người Do Thái, nhưng cần phải có gì làm chứng cho những lời nói đó, thì họ mới tin?

Bài Tin mừng hôm nay sẽ tiếp tục với những lời chứng mà Đức Giêsu đưa ra, để cho người Do Thái không còn lý do để biện minh cho mình. Đầu tiên Đức Giêsu nói: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật”. Vâng đúng vậy, đây là nguyên tắc bất di bất dịch: Không ai đi làm chứng cho mình, sự làm chứng phải đến từ nơi khác, người làm chứng phải là một người khác thì lời chứng mới có giá trị. Nhưng mình vẫn có quyền biện hộ cho mình trước tòa án, có quyền trình bày về mình. Người ta gọi đó là biện hộ, chứ không phải làm chứng.

Tự mình làm chứng cho mình thì phần chủ quan sẽ là 100%, còn khách quan = 0%, theo Đức Giêsu, lời chứng đó không thật. “Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật,” Đức Giêsu muốn nói đến 02 điều:

+ Có một Đấng làm chứng cho Ngài.
+ Lời chứng của Đấng đó là chân thật.

Vậy đó là Đấng nào? Đức Giêsu chưa muốn đề cập ngay, Ngài muốn cho họ biết, trước khi xác định Đấng ấy, thì đã có nhiều lời chứng từ phía khác, và những lời chứng đó cũng đủ tính xác thực.

1/. LỜI CHỨNG CỦA GIOAN TẨY GIẢ.

“Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.”

Thánh sử Gioan viết: “Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: "Ông là ai?" Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” Họ lại hỏi ông: "Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? " Ông nói: "Không phải." - "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? " Ông đáp: "Không." (Ga 1, 19-21)

Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 1, 29-30)

Gioan Tẩy Giả lúc này đang có uy tín rất lớn đối với người Do Thái. Nghe lời ông, người ta từng hàng lớp lớp đến nghe ông giảng và chịu phép rửa. Uy tín của ông lớn đến nỗi, người Do Thái lầm tưởng: Ông là Đấng Cứu Thế. Như vậy với lợi thế này, khi Gioan làm chứng cho ai, người ta sẽ tin, vì chính đời sống của ông và việc ông làm đảm bảo cho lời ông nói. Gioan đã làm chứng: Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian.

Gioan Tẩy Giả làm chứng cho sự thật và đã chết cho sự thật. Ông dũng cảm ngăn vua Hêrôđê không được cướp vợ anh mình, và việc này dẫn đến cái chết cho ông. Cái chết của ông làm tăng uy tín ông trước mặt người Do Thái, họ vô cùng ngưỡng mộ, và một hệ quả kéo theo, lời ông nói sẽ được họ ghi vào trong lòng. Trong các lời ông nói, có một lời chứng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” Và ngày nay Giáo hội đã nhắc lại lời này trong mỗi thánh lễ để tôn vinh Đức Giêsu.

“Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.”

Cho dù lời chứng của Gioan có tốt đẹp đến đâu, có xác thực đến đâu, thì nó vẫn là lời chứng của con người bằng xương bằng thịt. Đức Giêsu không cần lời chứng như vậy. Vì rõ ràng muốn làm chứng về đời sống nội tại của Ba Ngôi, muốn làm chứng Thiên Chúa là Cha còn Đức Giêsu là Con, thì người làm chứng phải sống trong đời sống nội tại đó. Khi sống như vậy, người ấy mới hiểu và mới có thể làm chứng. Thử hỏi rằng có ai được như vậy, nếu không phải là Thiên Chúa.

Cho dù Đức Giêsu không cần lời chứng của Gioan, nhưng Ngài vẫn nói ra để người Do Thái được cứu độ, vì “Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng”. Thánh sử Gioan đã viết về ông như sau: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.” (Ga 1, 6-8). Như vậy ông cũng được sáng trong ánh sáng ông làm chứng, Đức Giêsu mới nói: “Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng”.

Đức Giêsu đã xác nhận sự cao cả của Gioan khi nói: “Trong những người do người nữ sinh ra không ai cao trọng bằng Gioan Tẩy Giả, nhưng kẻ nhỏ hơn trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11,11). Ngài khẳng định Gioan là một con con người cao cả, là ngọn đèn cháy sáng, như vậy người Do Thái không cần đi tìm bằng chứng ở đâu khác ngoài Gioan, họ cũng đã được cứu rỗi rồi.

Nhưng những người lãnh đạo Do Thái giáo đã bỏ qua lời chứng của Gioan, họ không tin Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, đó là mâu thuẫn lớn nhất của họ. Đức Giêsu nói: “Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian”, có nghĩa họ tin vào Gioan, nhưng lại không tin lời ông nói. Đây là một mâu thuẫn.

2/. LỜI CHỨNG TỪ NHỮNG VIỆC ĐỨC GIÊSU LÀM.

“Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.”

Trong lần về thăm quê hương Nadarét, Đức Giêsu vào hội đường, người ta mời Ngài đọc và diễn giải lời Chúa. Đức Giêsu mở sách thánh và đọc đúng đoạn tiên tri Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18-19)

Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. (Lc 4, 20-22).

Như vậy ngay thời Cựu ước đã tiên báo về Đức Giêsu, và Ngài đã thực hiện các phép lạ trong suốt thời gian rao giảng tin mừng. Ngài cho người què được đi, điếc được nghe, mù được sáng, câm được nói ...... đặc biệt kẻ chết được sống lại. Mỗi một phép lạ Đức Giêsu thực hiện đều gây chấn động, dân chúng chỉ còn biết thán phục và tôn vinh. Người ta chỉ cần thành tâm thành ý, không mang sẵn mặc cảm, không mang sẵn thành kiến đều công nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Chỉ có như vậy Ngài mới làm được các phép lạ cả thể, còn với con người thì không thể làm được.

Như vậy, chính các việc Đức Giêsu làm, cũng đủ chứng minh Ngài được Chúa Cha sai đến chứ không thể khác đi được. Nhưng người Do Thái vẫn không công nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, các phép lạ Ngài thực hiện đã bị họ bóp méo, xuyên tạc, có khi còn cho Đức Giêsu dựa vào thế quỷ vương để làm.

3/. LỜI CHỨNG TỪ CHÚA CHA & KINH THÁNH

“Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến. Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.”

Độc giả còn nhớ sự kiện Đức Giêsu chịu phép rửa, Matthêu viết: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." (Mt 3, 16-17)

"Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." Đó là lời chứng rõ ràng nhất từ Chúa Cha, Ngài đã làm chứng cho Đức Giêsu là Con của Ngài. Sự kiện này được bày tỏ công khai cho mọi người thấy. Ta còn thấy lời chứng tương tự trên núi Thabor, Chúa Cha cũng nói lời tương tự, nhưng ta không xét đến trường hợp này, vì sự kiện biến hình không được người Do Thái chứng kiến.

“Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.”

Đức Giêsu trách người Do Thái, sở dĩ họ không thấy được Chúa Cha, không để lời Ngài trong lòng họ, chỉ vì họ không chịu tin vào Đấng Chúa Cha sai đến. Chỉ khi nào họ tin vào Đấng được Chúa Cha sai đến họ mới có thể nhận biết Chúa Cha.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là Mầu nhiệm vĩ đại nhất trong Đạo, Một Thiên Chúa có Ba Ngôi, nhưng Ba Ngôi chỉ có Một Chúa. Đức Giêsu từng khẳng định: Ta và Cha Ta là Một. Ta phải nói, đây là Mầu nhiệm gai góc nhất, gai góc ở chỗ, ta là con người tương đối, chịu lệ thuộc vào nhiều định luật vật lý, ta khó có thể hình dung được sự hiệp nhất Chúa Cha và Chúa Con thế nào. Ta không thể hình dung Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha ra sao. Chính vì thế Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, trước hết phải được mặc khải từ phía Thiên Chúa, thứ hai ta phải có thái độ chân thành, không thành kiến, thứ ba ta phải có ơn Chúa mới có thể lãnh hội được. Lãnh hội, có nghĩa là tin, chứ không phải biến Mầu nhiệm thành cái gì để có thể nghiên cứu.

Độc giả hẳn còn nhớ sự kiện ông Philipphê. Gioan viết: “Ông Phi-líp-phê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện." Đức Giê-su trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?” (Ga 14, 8-10).

Ngay như môn đệ, là người ở với Đức Giêsu thường xuyên, được Ngài dạy dỗ đến nơi đến chốn, mà các ông còn chưa xác tín được Chúa Cha ở trong Chúa Con thế nào, đối với các ông, Chúa Cha và Chúa Con vẫn làn 02 thực thể tách biệt.

Đức Giêsu cũng hiểu nỗi khó khăn của người Do Thái, họ khó mà nuốt nổi lời Ngài nói. Nhưng Ngài muốn nói với họ, việc nhìn thấy Chúa Cha không gì khó hết, miễn là họ tin vào Ngài thì họ sẽ hiểu. Không cần phải đi tìm chứng cứ đâu xa, cứ nhìn vào việc Ngài đã làm cũng đủ cho họ tin rồi, với những phép lạ Đức Giêsu đã làm, thì chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Muốn vậy, họ phải có thái độ chân thành. Cái thái độ chân thành, đó mới là vấn đề, vì chân thành đâu phải là cái gì ta có thể sờ được, thấy được, mà là một thái độ nội tâm bên trong.

“Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống”

Người Do Thái, nhất là giới luật sĩ, Pharisêu,... họ rất am hiểu Kinh thánh, họ am hiểu Kinh thánh không những cho họ mà còn cho người khác, vì họ sẽ là người dạy dỗ dân chúng. Họ đi tìm sự sống đời đời, có nghĩa họ đi tìm thời gian Đấng Cứu Thế xuất hiện và tìm hiểu về thời Thiên Sai. Họ thuộc lòng sách Tiên tri Isaia và nắm bắt thời Thiên Sai thế nào. Cái thời mà Isaia mô tả giống thời Đức Giêsu, một cách mặc nhiên Kinh thánh cũng làm chứng về Ngài. Rồi còn bao ngôn sứ khác cũng tiên báo về Ngài, đến phiên Đức Giêsu, Ngài đã thực hiện những lời tiên báo đó, để mọi lời tiên báo được ứng nghiệm.

Nhưng độc giả sẽ thấy có một điều vô lý: Họ rất am tường Kinh thánh, thế mà họ lại không nhận ra Đức Giêsu. Hình như có cái gì che mắt họ. Vâng, có cái gì đã che mắt họ, đó là thành kiến, sự ghen ghét,....

“Tôi không cần người đời tôn vinh. Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận. Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?”

Đức Giêsu khẳng định, Ngài đến trần gian là để thi hành Thánh ý Cha. Ngài đã từng nói: Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy. Ý Chúa Cha cần cho Ngài giống như lương thức cần cho con người. Như vậy, Ngài không cần người đời tôn vinh, vì Ngài không đến để làm theo ý Ngài. Đấng mà con người phải tôn vinh, đó là Chúa Cha. Nhưng nếu người đời tôn vinh Ngài cũng là vì tôn vinh Chúa Cha, vì Ngài và Cha là Một.

Nhưng con người qua mọi thời đại, có mấy khi họ biết nhìn vào những kỳ công của Thiên Chúa, có mấy khi họ nhận ra ơn lành của Thiên Chúa ban xuống cho họ. Trong tất cả các sự kiện, họ chỉ nhìn thấy mình trong đó, nhìn thấy mình để vênh vang tự đắc, để tự cao tự đại, và rốt cuộc họ tôn vinh lẫn nhau mà gạt Thiên Chúa sang một bên. Chính vì thế Đức Giêsu nói: “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?”. Khi ta không biết tôn vinh Thiên Chúa trong đời ta, thì làm sao ta có thể thấy Thiên Chúa.

“Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy. Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?"

Thánh sử Gioan viết: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3, 17)

Ngài không lên án ai hết, và ai tin vào Ngài sẽ được cứu độ. Bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu khẳng định mạnh mẽ hơn nữa, Ngài không tố cáo họ với Chúa Cha, vì đây không phải là việc của Ngài. Vậy người tố cáo họ với Chúa Cha là ai? Đức Giêsu chỉ đích danh, đó là Môsê người mà họ tin cậy. Người Do Thái luôn dựa vào những gì Môsê đã thiết lập làm tôn chỉ cho đời sống tôn giáo. Luật Môsê chi phối và điều khiển toàn bộ xã hội Do Thái.

“Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi”, thực vậy Môsê đã tiên báo về Đức Giêsu, sách Tông đồ công vụ viết: “ông Mô-sê đã nói: Từ giữa đồng bào của anh em, Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho trỗi dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy nghe. Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân.” (Tđcv 3, 22-23). Đức Giêsu nói, nếu người Do Thái không tin vào những gì ông Môsê thì họ làm sao tin được Đức Giêsu.

Tóm lại Bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu đã đưa ra lời chứng từ mọi phía, làm chứng cho Ngài là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến. Ngài đã liệt kê các lời chứng từ con người cho đến lời chứng của Chúa Cha. Với bằng ấy chứng cứ, đủ cho con người qua mọi thời đại tin chắc rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Niềm tin đó có cơ sở vững chắc, không mông lung, không ảo tưởng và hàm hồ.

Nhưng vấn đề đặt ra cho ta: ta có tin không? Vì niềm tin nó là cái gì sâu xa, nó có liên quan đến toàn bộ cuộc đời ta. Đây không chỉ là lời nói mà có được, nó còn đòi thể hiện trong cuộc sống. Vậy cuộc sống của ta thế nào đây? Nó có phải là cuộc sống của một người tin vào Đức Giêsu không?

Amen.
_____________________
Jos. Nguyễn Viết Tâm.


Trở lại      In      Số lần xem: 2094
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  20
 Hôm nay:  1435
 Hôm qua:  2555
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12332466

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn