Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ năm tuần II Mùa Chay năm chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ năm tuần II Mùa Chay năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm Tuần II Mùa Chay
(20/03/2014) - (Lc 16, 19-31) - MÙA CHAY 2014

 

 

NGUYÊN VĂN BÀI TIN MÙNG:

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây:

"Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

"Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên : 'Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!' Ông Áp-ra-ham đáp: 'Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.'

"Ông nhà giàu nói: 'Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!' Ông Áp-ra-ham đáp: 'Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.' Ông nhà giàu nói: 'Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.' Ông Áp-ra-ham đáp: 'Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.'"
__________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây:”

Luca cho biết Đức Giêsu sắp kể dụ ngôn và đối tượng nghe Ngài là người Pharisêu. Lẽ dĩ nhiên dụ ngôn là câu chuyện có tính ẩn dụ, không có thật, nhưng lại diễn tả điều gì đó sâu xa, một bài học hay một chân lý. Dụ ngôn có tên là: Người phú hộ và Ladarô.

Độc giả đã nghe Bài tin mừng này nhiều lần, và cứ mỗi lần nghe lại, ta có cảm tưởng mới nghe lần đầu và chú ý cho đến khi nó kết thúc. Câu chuyện Đức Giêsu kể rất vắn, nhưng nó lại diễn ra trong thời gian rất dài, chưa có dụ ngôn nào trong Tin mừng lại dài như vậy, vì nó diễn ra từ đời này đến đời sau. Dụ ngôn cuốn hút ở chỗ: Có một sự đảo ngược đầy kịch tính giữa đời này, có tính tạm thời chóng qua và đời sau có tính vĩnh viễn. Ở đời này người giàu có ăn sung mặc sướng, còn người nghèo thì bất hạnh. Nhưng sang đến đời sau, sự đảo ngược thật thảm hại.

Độc giả sẽ bất ngờ trước sự đảo ngược này và tự hỏi, chẳng lẽ giàu có ở đời này là một cái tội và sẽ bị phạt ở đời sau? Còn người nghèo ở đời này, lại được thưởng ở đời sau, trong khi dụ ngôn không nói gì về công đức của họ đã thực hiện. Thật vô lý, và chính sự vô lý này, nó cuốn hút ta phải tìm cho ra điều Đức Giêsu muốn nhắm đến.

Tại sao Đức Giêsu lại kể dụ ngôn này cho người Pharisêu? Họ có liên quan gì đến chuyện này? Thưa có, vì ngay trước đó, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. (Lc 16, 9) .... “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được." (Lc 16, 13)

Luca viết: “Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su” (Lc 16, 14). Thái độ cười nhạo của người Pharisêu, họ muốn nói Ngài là con người dở hơi, không biết gì. Sống như người từ hành tinh khác đến. Như vậy Đức Giêsu kể câu chuyện này cho người Pharisêu nghe, Ngài muốn đánh thẳng vào sự ham hố của họ.

“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.”

Dụ ngôn bắt đầu bằng màn giới thiệu, có tất cả 02 nhân vật, hai người này có cuộc sống tương phản nhau, tương phản đến mức gay gắt như bức tranh 02 màu: Trắng và đen, giàu và nghèo, sung sướng và bất hạnh, yến tiệc linh đình và đói rách...

1/. ÔNG PHÚ HỘ:

Ông là người giàu có, sự giàu có của ông không đến từ sự gian xảo lừa lọc, Luca không viết gì về chuyện này, ta cứ coi sự giàu có do mồ hôi nước mắt ông làm ra. Ông không làm bất cứ điều gì thất nhân thất đức, Luca cũng không nói gì, như vậy ta coi ông là người chẳng xấu và cũng chẳng tốt. Ông và người nghèo khó kia, nhân vật thứ hai, không có mối liên hệ với nhau, và sự giàu có của ông không là nguyên nhân dẫn đến cái nghèo của người này.

Luca mô tả sự giàu có của ông như sau: mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Như vậy ông phú hộ phải là người giao thiệp rộng, quen biết nhiều và dĩ nhiên với quan hệ rộng như vậy, ông ngày càng giàu thêm, vì cổ nhân đã nói: “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Nó sẽ kéo theo tiệc tùng liên miên, Luca dùng cụm từ “ngày ngày”, có nghĩa không ngày nào không có tiệc. Ông ăn mặc toàn lụa là gấm vóc là chuyện đương nhiên, vì cái thế của ông phải như vậy. Hình như có một định luật kéo theo như sau:

“Giàu có” sẽ kéo theo nhiều “bạn bè”, nhiều “bạn bè” sẽ kéo theo nhiều tiệc tùng, nhiều tiệc tùng sẽ kéo theo nhiều tiền bạc vì nhiều hợp đồng béo bở sẽ xuất hiện, cuối cùng càng giàu hơn. Định luật đó sẽ đưa ông phú hộ giàu tới mức không thể giàu hơn nữa, không thể sung sướng hơn nữa. Đó là con đường đi lên của người giàu có.

Nhưng có hai chi tiết làm cho ông trở thành người nghèo, không thể nghèo hơn nữa, đó là:

+ Ông không có tên gọi.

Độc giả sẽ cho đó là điều vô lý vì trong các dụ ngôn Đức Giêsu kể, có bao giờ Ngài đặt tên nhân vật, vì nhân vật của Ngài có tính chung chung không phải là cá biệt. Vâng rất đúng, như vậy làm sao nói ông phú hộ nghèo được. Nhưng nếu độc giả để ý một chút sẽ thấy: Nhân vật thứ hai lại có tên gọi, Ladarô. Tại sao Luca lại có sự phân biệt này? Tại sao Đức Giêsu không đặt cho ông phú hộ một cái tên, tên gì cũng được? Xin thưa vì Luca muốn nói ông phú hộ là một người rất nghèo, và vì không có tên, nên ông sẽ đại diện cho tất cả người giàu có trên thế gian này.

+ Ông nghèo vì đã đóng rất chặt lòng mình đối với người nghèo.

Luca cho biết luôn có một người nghèo nằm ở trước cổng nhà ông. Hẳn ông và bạn bè ông biết rõ điều này, vì ngày ngày họ phải đi qua cái cổng và phải qua cổng mới vào được trong nhà, nhưng không có lấy một người biết dừng lại hỏi thăm và bố thí. Hình như có cái gì đó nói lên đặc tính của người giàu, có lẽ người ta càng giàu về của cải vật chất, họ càng nghèo về tinh thần.

Cái cổng kia vô tình trở thành một ranh giới phân thế giới này ra làm hai, một bên là người giàu có, sang trọng còn bên kia là thế giới của người nghèo, bị xã hội bỏ rơi. Một thế giới phân biệt đầy kịch tính, phân làm hai: sáng và tối, giàu và nghèo, sung sướng và bất hạnh.

Người nghèo không thể vượt qua cái cổng này để đến với người giàu, vì dù gì họ vẫn là con người, vẫn còn lòng tự trọng và danh dự của mình. Còn người giàu không thể vượt qua cái cổng này vì họ đã đóng chặt lòng mình lại, sự giàu có của họ quá lớn, đã che mắt không cho họ nhìn thấy ai hết ngoại trừ thấy họ.

Độc giả sẽ thắc mắc: vậy ai sẽ đi qua cái cổng này? Thưa: không có ai hết ngoại trừ CON CHÓ. Vì con chó không có trí khôn nên nó mới qua cổng này dễ dàng. Người ta nói: “Con người hơn con vật vì có trí khôn”. Nhưng hình như vì không có trí khôn nên con chó mới hơn người giàu có trong dụ ngôn hôm nay. Do không có trí khôn, nó không biết so đo tính toán, không biết cân nhắc hơn thiệt, chỉ có con người có trí khôn nên mới biết tính toán, biết cân nhắc, biết lợi hại và biết hơn thiệt. Khi biết như vậy, họ mới biết ai là người cần tiếp xúc, ai là người cần gần gũi và ai là người phải lánh xa. Thật mỉa mai cho con người, là hình ảnh của Thiên Chúa. Thưở ban đầu Thiên Chúa đâu có dựng con người như vậy, nhưng chính món quà quý giá mà Ngài ban tặng, trí khôn, mà con người mới đi ngược lại ý hướng của Đấng Sáng tạo.

2/. LADARÔ:

Nhân vật thứ hai trong dụ ngôn, đó là một người nghèo và bất hạnh. Luca mô tả: “Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.”

Ladarô nghèo khó lại mụn nhọt đầy mình. Phải chăng Thiên Chúa sẽ giúp đỡ Ladarô qua trung gian ông nhà giàu? Anh không thể đi lang thang đây đó mà xin ăn. Ladarô cần có bạn bè để giúp anh tìm được thức ăn. Họ đã bỏ anh nằm trước cổng ông nhà giàu, một vị trí mà một người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù, người không được mời, có thể ở gần chủ nhà nhất.

Không có lấy một người chú ý đến anh, có lẽ trong cảnh nghèo hèn này, anh không thể mơ ước cao xa, vì giấc mơ cao xa chỉ dành cho người giàu có, nó không dành cho anh, ngay cả trong giấc mơ mà người ta nói, mọi sự đều có thể xảy ra, nhưng anh vẫn không có quyền này, anh chỉ có niềm mơ ước: “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”. Đó là tất cả những gì anh có thể thêu dệt trong giấc mơ của mình. Khi người ta bị đẩy xuống đáy vực thẳm, người ta sẽ mơ một giấc mơ vĩ đại nhất, đó là mẫu bánh mì lót dạ. Một giấc mơ quá tầm thường nó không phải của con người.

Nhưng có một nghịch lý ở đây, anh ta lại có tên gọi: LADARÔ. Ladarô có nghĩa “Thiên Chúa giúp đỡ”. Đức Giêsu đặt cho anh cái tên, như thể Ngài muốn nhắn với thế giới con người là, cái cảnh giàu nghèo, sự phân biệt đối xử là do con người tạo ra chứ không do Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa sẽ hành động để cứu vớt người nghèo khó, không ở đời này cũng có sự đền bù ở đời sau, vì Ngài đã khắc tên từng người trong tâm trí Ngài, vì họ có tên gọi, đó là Ladarô, “Thiên Chúa giúp đỡ”.

Hình như độc giả cảm thấy bực bội khi Đức Giêsu vẽ nên bức tranh như vậy, độc giả khó chịu khi đọc dụ ngôn này, vì Ngài đã đặt ra 02 thái cực mà không có gì ở giữa, một bên quá sung sướng và quá bất hạnh, cứ y như chúng đối nhau chan chát. Nhưng độc giả cứ nhìn vào cuộc sống hôm nay, độc giả sẽ hết sức bỡ ngỡ trước hố sâu ngăn cách giàu nghèo mà nó đang tồn tại. Vâng đó là điều có thật.

Phần mở màn của dụ ngôn được kết thúc bằng cái chết của cả hai người. Hai người được đưa sang thế giới bên kia. Có gì thay đổi ở thế giới bên kia không? Chắc chắn phải có, Thánh sử Luca mô tả sự thay đổi bằng cuộc lật ngược ngoạn mục và khốc liệt.

Luca mô tả rất sâu sắc ở chỗ: Người nghèo (Ladarô) chết, được thiên thần đem vào lòng Abraham, tức ở trên thiên đàng, đó là sự đi lên, đi lên mãi cho tới đỉnh hạnh phúc. Còn ông nhà giàu chết thì bị đem chôn. Đem chôn, có nghĩa vùi ông xuống lòng đất, ý muốn nói, ông sẽ bị hạ sâu xuống, sâu nữa, sâu cho đến tận đáy âm phủ.

Nguyên nhân nào tạo lên cuộc lật ngược ngoạn mục này, anh nhà nghèo có làm gì phúc đức đâu mà được hưởng hạnh phúc? Còn ông phú hộ có làm gì độc ác đâu mà bị đày xuống đáy địa ngục? Đoạn Tin mừng tiếp theo sẽ giải đáp cho vấn đề trên.

"Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.

Phần giữa của Dụ ngôn, Đức Giêsu giới thiệu thêm một nhân vật, đó là Tổ phụ Abraham. Kinh thánh mô tả Abraham là cha của những người tin vào Thiên Chúa.

“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta (ông phú hộ) ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.”

Đức Giêsu dùng hình ảnh này không phải để nói về cuộc sống đời sau, ta không nên căn cứ vào đó để nói đời sau nó sẽ như vậy. Ở đây ta phải hiểu đó là biểu tượng mà Ngài muốn diễn tả các điều sau đây:

+ Hỏa ngục, Luyện ngục, Thiên đàng là những thực tại, có nghĩa chúng là những điều có thật chứ không phải tưởng tượng. Đó là niềm tin của người Công giáo chúng ta. Chỉ khi nào kết thúc cuộc đời, ta mới bước vào thực tại đó. Nhưng hiểu theo nghĩa sâu xa, không phải chỉ khi kết thúc cuộc đời này ta mới biết nó, nhưng ta đã được cảm nghiệm ngay cuộc đời này rồi. Khi ta sống trong yêu thương, tha thứ, bao dung, ta đã nếm được hạnh phúc Nước Trời, còn ngược lại cuộc sống của ta như hỏa ngục vậy.

+ Hỏa ngục là nơi dành cho những người khi sống ở đời này đã từ chối Thiên Chúa một cách quyết liệt, từ chối cho đến chết. Đó là nơi chỉ có khóc lóc và nghiến răng. Còn Thiên đàng là nơi dành cho những ai biết đón nhận Thiên Chúa và anh em mình khi còn sống ở đời này. Đó là nơi chỉ có hạnh phúc và hạnh phúc đó không bao giờ biết nhàm chán, vì hạnh phúc của họ chính là Thiên Chúa. Còn Luyện ngục cũng là nơi dành cho những ai biết đón nhận Thiên Chúa và anh em khi còn sống ở đời này, nhưng họ cần một thời gian để thanh luyện trước khi bước vào hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Ông phú hộ đã bị đày xuống âm phủ (hỏa ngục), còn Ladarô được đưa vào lòng Tổ phụ Abraham (Thiên đàng). Kinh thánh dùng từ “ở tận đàng xa” để mô tả có một khoảng cách giữa Thiên đàng và hỏa ngục. Vâng ở đây vẫn có một vách ngăn, vách ngăn này khốc liệt hơn nhiều so với cái cổng nhà ông phú hộ. Một khoảng cách thăm thẳm, ngăn cách vĩnh viễn giữa Thiên đàng và hỏa ngục. Khi còn sống, cái cổng của nhà ông mặc dù nó mong manh, nhưng đã không cho ông thấy Ladarô, còn bây giờ với khoảng cách thăm thẳm ông vẫn thấy Ladarô rõ ràng. Tại sao bây giờ ông mới thấy Ladarô? Vì bây giờ ông mới là người cần đến Ladarô để xin giúp đỡ. Giá lúc còn sống, ông biết nhìn đến Ladarô thì ông đâu chịu cảnh này, cũng chỉ vì ông quá vô tâm, quá lãnh đạm với người nghèo nên ông mới phải ở đây.

“Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”

Kinh thánh mô tả đôi nét về hỏa ngục, ông phú hộ bị lửa thiêu đốt vô cùng khổ sở. Người ta có thể nói gì về lửa trong hỏa ngục? Ta không biết phải nói gì nữa vì ta chưa cảm nghiệm về nó khi còn sống ở đời này, lửa đó như thế nào? Có giống lửa ở trần gian không? Xin thưa: KHÔNG. Các nhà đạo đức đã đưa ra một hình ảnh để so sánh giữa lửa trần gian và lửa hỏa ngục, lửa trần gian được ví như ngọn lửa vẽ trong tờ giấy, còn lửa hỏa ngục mới là lửa thật. Ai cũng biết lửa trần gian nó nóng như thế nào, thế mà chỉ coi như lửa vẽ trong tờ giấy còn lửa trong hỏa ngục mới là lửa thật. Một so sánh phiếm diện như vậy cũng cho ta thấy hỏa ngục khủng khiếp như thế nào.

Ông phú hộ xin Tổ phụ Abraham thương ông, sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con mát. Chỉ cần xin giọt nước nhỏ xuống cho mát thôi, một giọt nước có nghĩa gì, thế mà trong cảnh khốn cùng này đó là điều ông ao ước. Lúc còn sống ông đã uống bao nhiêu rượu, bao nhiêu bia, toàn bia rượu ngoại hảo hạng, uống rượu như uống nước, uống như suối, thế mà bây giờ lại đi xin một giọt nước, thật quá vô lý! Nếu ông đừng tiệc tùng linh đình bên cạnh nỗi khổ của người nghèo thì ông đâu phải chịu như vậy. Bây giờ đã trễ rồi, khi ngộ ra chân lý cuộc đời thì mọi sự đã kết thúc, không còn cơ hội nữa. Ladarô khi còn sống, ao ước được ăn những mảnh vụn dư thừa trên bàn tiệc, cũng không ai cho, thế mà bây giờ ông phú hộ lại đi xin mình một giọt nước. Thật không ngờ cuộc đảo ngược lại khốc liệt đến vậy.

“Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.

Chúng ta ghi nhận không phải Ladarô đã lập luận để trả lời cho ông nhà giàu, mà là Tổ phụ Abraham, tức Nguồn Mạch của Do Thái giáo. Rất hợp lý là cha của tất cả mọi con dân Israel giải thích cho hiểu vì sao Ladarô không thể giúp gì cho ông nhà giàu.

Abraham không nói: ông phú hộ phải đau khổ vì ông quá giàu, còn Ladarô được hạnh phúc vì quá nghèo. Giàu nghèo không phải là lý do đưa đến tình trạng này. Abraham muốn nhấn mạnh, khi người phú hộ còn sống, ông đã nhận biết bao phước lành, được biết bao tiền bạc và của cải, nhưng ông vô cùng dửng dưng, vô cảm trước nỗi thống khổ của người khác, cụ thể là Ladarô. Cho nên của cải, tiền bạc nó không theo ông vào đời sau, bây giờ ông sẽ không có gì hết. Còn Ladarô thì ngược lại, Như vậy, có một cuộc đảo ngược so với cuộc sống trên trần gian.

“Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.”

Tổ phụ Abraham cũng xác nhận có một vực thẳm ngăn cách vĩnh viễn giữa hai nơi. Vực thẳm này do Thiên Chúa dựng nên, ngay cả Abraham cũng chẳng làm gì được. Kinh thánh mô tả cuộc đối thoại này, làm cho người ta nghĩ rằng vẫn có sự liên lạc giữa hai bên, tức có vấn đề hiệp thông thì làm gì có sự ngăn cách vĩnh viễn. Sự thật không phải như vậy, khi Abraham xác nhận có một vực thẳm lớn đến nỗi bên này có sang bên kia cũng không được, người ta mới hiểu mọi sự đã được an bài, không thể làm gì được, chấm dứt mọi cuộc tranh luận. Còn cuộc nói chuyện chỉ là cách diễn tả tượng trưng để cho thấy hỏa ngục đau đớn như thế nào, người ta khao khát điều gì mà thôi.

"Ông nhà giàu nói: 'Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!”

Khi ông nhà giàu thưa Abraham điều này, người ta nghĩ, ông nhà giàu vẫn quan tâm, vẫn yêu thương những người thân của mình, như vậy trong hỏa ngục vẫn còn tình yêu sao? Nếu hỏa ngục có tình yêu thì sao gọi là hỏa ngục, vì như ta biết: hỏa ngục là nơi chỉ có khóc lóc và nghiến răng, họ căm hờn chính mình và căm hờn Thiên Chúa đến tột cùng. Chỉ cần một chút tình yêu thôi, nó sẽ không còn là hỏa ngục nữa, nhưng ở đây Kinh thánh muốn dàn dựng cuộc đối thoại này để nhắm đến những điều to lớn. Đó là về số phận của những người còn sống.

“Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.”

“Môsê và các Ngôn sứ” là tên gọi bộ Kinh Thánh. Như thế, nếu muốn tránh lộ trình đưa đến số phận đau đớn thì hãy lắng nghe Lời Chúa. Từ đó, chúng ta hiểu rằng khi còn sống, ông nhà giàu đã không lắng nghe, tức không vâng theo “Môsê và các Ngôn sứ”, Lời Chúa, với luật căn bản là mến Chúa yêu người.

“Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. ’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’.”

Ông nhà giàu không phủ nhận tính đúng đắn của lời tổ phụ Abraham nói, chúng đã có Môsê và các Ngôn sứ, nhưng ông nghĩ rằng anh em ông sẽ vâng theo hơn, nếu có người, như Ladarô, từ cõi chết trở về truyền đạt sứ điệp Môsê. Chắc chắn Ladarô không thể hơn Môsê; giá trị của anh nằm ở chỗ, anh có thể làm chứng về thế giới âm phủ. Nhưng câu trả lời của tổ phụ Abraham là một lời bình luận về trái tim con người. Nếu người ta không muốn vâng nghe Môsê và các ngôn sứ, thì người từ cõi chết trở về cũng chẳng lay chuyển được lòng dạ của họ. Lời tổ phụ Abraham phân tích một con tim sống trong tội rất có giá trị: bài dụ ngôn nhắm điều này, nên đã kết thúc ở đây với nhận xét của tổ phụ Abraham. Thật khó mà đưa trái tim con người đến chỗ hoán cải! Sự hoán cải không phải dựa vào một cảm tính nhất thời, nhưng là công việc của ý chí và nghị lực, người ta phải có sự quyết tâm làm lại cuộc đời. Tình cảm luôn hời hợt và bất định, nó có thể thay đổi bất cứ lúc nào, còn lý trí, nghị lực đó mới là sự quyết tâm của con người.

Độc giả để ý trong câu: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”

Câu trên có 02 mệnh đề: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe” – “thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”. Mệnh đề trước dùng từ “NGHE”, mệnh đề sau dùng từ “TIN”.

Có nghĩa là, nếu người chết có sống lại về báo cho họ, có thể họ nghe, họ nghe vì họ sợ. Nhưng họ không tin, vì tin đó là cái gì sâu xa của con người, đó phải là hồng ân Thiên Chúa ban và có sự cộng tác của con người, nó đòi hỏi con người phải thay đổi tận căn. Họ nghe vì sợ, nhưng họ không tin, có nghĩa sự kiện người chết hiện về chỉ mang lại cảm xúc nhất thời, chứ không biến đổi cuộc đời họ.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2443
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  23
 Hôm nay:  1711
 Hôm qua:  3165
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12338587

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn