Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ năm sau Lễ Tro

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ năm sau Lễ Tro.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Năm sau Lễ Tro
(06/03/2014) - (Lc 9, 22-25) – MÙA CHAY 2014

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

“Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?
___________________________

VÀI CẢM NGHĨ VỀ MÙA CHAY THÁNH 2014

1/. Mùa Chay, đó là dịp ta làm cuộc trở về với Chúa, với anh em và với chính ta.

Khi nói đến trở về, phải hiểu rằng ta đã ra đi và đang ở một nơi nào đó. Nhưng thử hỏi: ta đã đi đâu? Xin thưa: như người con hoang đàng, ta tự ý thoát ly khỏi tổ ấm yêu thương của mình, để chạy theo ảo vọng và mê muội. Ta cứ nghĩ mình là con người tự do, có lý trí và ý chí, nên ta phải quyết định vận mệnh mình, không lệ thuộc ai hết, ta sẽ làm theo những gì mình cho là đúng, nhiều khi không cần đúng mà là thích. Nhưng sau một thời gian nhìn lại, ta đã sai lầm, thật sai lầm, sai lầm hoàn toàn, và ta đã nhận được biết bao bài học cay đắng, ê chề. Trong nỗi khốn cùng đó, như người con hoang đàng, ta phải dứt khoát trở về, không được kéo dài sự mê muội như vậy. Phải trở về với Chúa, trở về với anh em và với chính ta.

Nhưng liệu khi đã trở về, ta có yên vị không hay lại tiếp tục ra đi? Đó là câu hỏi mà không dễ gì trả lời, vì ta lại tiếp tục ra đi, lại ra đi lần nữa, rồi lại trở về. Như vậy, cuộc đời luôn là một điệp khúc: Trở về - Ra đi – Trở về.... Mùa Chay 2014 này là một chặng trong điệp khúc đó.

2/. Mùa Chay cũng là Mùa để ta sống, chiêm ngưỡng và hiệp thông với Cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu.

Ta sẽ có dịp nhìn rõ con đường đau khổ Đức Giêsu đã đi, và ý thức rằng, mọi người đều phải đi qua con đường đó, vì không có con đường nào khác đưa đến sự cứu độ. Nhưng có một thực tế mà ta phải chấp nhận, Thập giá của Đức Giêsu luôn là sự điên rồ đối với người không có niềm tin, họ không chấp nhận một thập giá như vậy. Nhưng liệu ta là người có niềm tin, thì thập giá Đức Giêsu sẽ là gì đối với ta? Đó luôn là câu hỏi, nói đúng hơn, là một thách thức, vì có bao lần ta đã từ chối thập giá đó trong đời mình, ta đã không chấp nhận nó.

Thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô đã viết: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cor 1, 22-25)

Vâng, Thánh Phaolô nói rất đúng, chỉ những ai được Thiên Chúa kêu gọi, Thập giá của Đức Giêsu mới là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây: ai sẽ là người được Thiên Chúa kêu gọi? Ta tự hỏi có phải ta không? Ta không biết, không chắc như vậy. Nhưng tại sao ta lại dám quả quyết mình không được Thiên Chúa kêu gọi? Không có gì làm cơ sở cho suy nghĩ đó, không có gì chứng minh điều đó. Khi không chứng minh được, ta phải chấp nhận điều ngược lại, đó là TA CHÍNH LÀ NGƯỜI ĐƯỢC THIÊN CHÚA KÊU GỌI.

Vậy Mùa Chay 2014 là Mùa ta phải làm cuộc trở về với Chúa, với anh em và với chính ta, đồng thời đó là Mùa ta sống và hiệp thông với Thập giá của Đức Giêsu.
______________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

Nội dung Bài Tin mừng hôm nay có 02 phần:

+ Đức Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất.
+ Điều kiện phải có để theo Đức Giê-su

I/. ĐỨC GIÊ-SU TIÊN BÁO CUỘC THƯƠNG KHÓ LẦN THỨ NHẤT

“Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

“Người còn nói”, Đức Giêsu đã nói gì trước đó? Luca viết: “Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? " Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa." Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. (Lc 9, 20-21).

Như vậy, trước đó là đoạn Tin mừng Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Như vậy sau lời tuyên xưng của Phêrô, Đức Giêsu đã tiên báo cuộc khổ nạn lần thứ nhất của Ngài, rất phù hợp cho thời điểm đầu Mùa Chay 2014. Nó cho thấy đã bắt đầu bước vào giai đoạn căng thẳng nhất trong Chương trình Cứu độ. Các cuộc chống đối vừa và nhỏ của Kinh sư, Pharisêu trước đây sắp sửa được thổi bùng lên, và cuối cùng đưa đến cái chết của Ngài trên thập giá.

Nhưng có điều lạ trong Tin mừng Luca, ông không ghi phản ứng của các môn đệ sau khi nghe Đức Giêsu nói về cuộc khổ nạn. Trong khi 02 Tin mừng: Matthêu và Marcô (Mt 16: 21); (Mc 8,31) có đề cập đến việc Phêrô can gián Đức Giêsu và đã bị Ngài quở trách.

Luca viết: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Cụm từ “Con Người” là danh xưng Đức Giêsu nói về mình, nó chú trọng đến Bản tính nhân loại của Đức Giêsu.

Luca muốn nói cho những ai hoài nghi về Bản tính nhân loại nơi Đức Giêsu biết, Ngài vừa là Thiên Chúa thật và cũng là người thật, như vậy Cuộc Khổ nạn của Ngài mới mang giá trị tuyệt đối, sự đau đớn tột cùng và là hy lễ toàn thiêu có sức mạnh giao hòa giữa Thiên Chúa và con người.

Những ai chủ trương Đức Giêsu chỉ có 01 Bản tính duy nhất, Bản tính Thiên Chúa, nhưng mặc lấy hình người (như Lạc thuyết xuất hiện ở thế kỷ thứ II), thì cuộc Khổ nạn của Ngài sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa mà chỉ là 01 biểu tượng, sẽ không có sức mạnh cứu con người khỏi vòng tội lỗi, do đó con người còn bị trầm luân vĩnh viễn.

“Phải chịu đau khổ nhiều”, có nghĩa Đức Giêsu chịu nhiều đau khổ từ mọi phía. Đau khổ vì luôn bị giới lãnh đạo Do Thái giáo chống đối, bắt bẻ, gài bẫy,... điển hình là giới kinh sư và Pharisêu. Bao phép lạ Ngài đã thực hiện, không những không được họ đón nhận, để tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế, mà biến thành cái cớ để họ tìm cách xuyên tạc. Có lần họ còn dám cho Ngài dùng phép quỷ để trừ quỷ.

Đức Giêsu còn đau khổ vì các môn đệ, bao nhiêu công sức Ngài bỏ ra để huấn luyện các ông, coi như đổ sông đổ biển, các ông chỉ nghĩ đến địa vị, đến danh vọng khi Đức Giêsu thực hiện Sứ mệnh Cứu thế, giải phóng Do Thái khỏi ách đô hộ của La Mã. Ngài đau khổ vì các ông cứ tranh nhau xem ai là người lớn nhất, và cuối cùng tất cả đã bỏ Ngài khi cuộc Khổ nạn bắt đầu.

Đức Giêsu còn đau khổ vì dân Do Thái, họ theo Ngài có tính cách nhất thời, mong manh, những người đang tôn vinh Ngài sau khi chứng kiến mỗi phép lạ Ngài làm, thì chính họ sẽ là người lên án và đòi đóng đinh Ngài vào thập giá.

Còn vô vàn nỗi đau khác, nhất là tội tỗi nhân loại từ khai thiên lập địa cho đến tận thế, trong đó có cả chúng ta. Cứ mỗi lần ta liều mình phạm tội, ta lại góp một tay đóng đinh Ngài vào thập giá.

“Bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”.

Đức Giêsu muốn cho các môn đệ biết khá chi tiết về cuộc Khổ nạn của Ngài, và còn cho biết các thành phần sẽ tham gia vào cuộc khổ nạn đó. Đức Giêsu sẽ bị giết chết. Ta có thể nói rằng: cái chết ô nhục của Đức Giêsu sẽ là cú sốc thật nặng đối với các môn đệ. Nếu các ông không được biết trước thì điều gì sẽ xảy ra? Chưa ai lường trước được, nhưng chắc chắn đó sẽ là sự sụp đổ niềm tin toàn diện.

Cái chết của Đức Giêsu không phải là sự thất bại, nhưng nó đã nói lên một tình yêu vĩ đại, Ngài đã trở thành Hy lễ dâng lên Chúa Cha để hòa giải con người với Thiên Chúa. Cái chết đó sẽ cứu chuộc con người qua mọi thời đại, từ khởi nguyên lập địa cho đến tận thế. Bất cứ ai tin vào Ngài, theo Ngài sẽ được bước vào Nước Trời.

Nhưng Chương trình Cứu chuộc không kết thúc bằng cái chết của Đức Giêsu, nếu chấm dứt ở đây thì nó chẳng ích gì. Thánh Phaolô đã nhiều lần khẳng định, ông viết: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh chị em thật hão huyền, và anh chị em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh chị em”. Lòng tin trống rỗng và hão huyền khi nó không giải thoát con người khỏi tội lỗi. Và không có gì thay đổi trong cuộc sống của các tín hữu. Cuộc sống hiện tại của họ lập lại quá khứ nô lệ tội lỗi.

2/. ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ĐỂ THEO ĐỨC GIÊ-SU

Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.

Lời tiên báo trên được Đức Giêsu nói với các môn đệ. Có lẽ Luca đã bỏ qua khoảng thời gian và bây giờ bắt đầu chuyển sang sự kiện mới. Trước mặt Đức Giêsu là đám đông dân chúng, nên ông viết: “Rồi Đức Giê-su nói với mọi người”.

“Ai muốn theo tôi”. Đây là lời mời gọi của Đức Giêsu, ai muốn theo thì theo, không muốn thì thôi, một lời mời gọi hoàn toàn tự nguyện. Thánh Augustinô viết rất hay về sự kiện này, ông nói: “Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng Chúa không thể cứu chuộc con nếu không có sự cộng tác của con”. Vâng Thiên Chúa không bao giờ ép buộc con người, mặc dù Ngài dựng nên họ, Ngài luôn tôn trọng con người, vì Ngài là Người Cha nhân lành chứ không phải là bạo chúa. Tình yêu luôn đòi hỏi phải có sự tự do ưng thuận chứ không thể ép buộc miễn cưỡng.

“Phải từ bỏ chính mình”. Như vậy nếu ai muốn theo Đức Giêsu thì việc đầu tiên phải làm đó là TỪ BỎ CHÍNH MÌNH. Từ bỏ chính mình là từ bỏ gì? Vấn đề này ta đã phân tích nhiều lần, nhưng hôm nay ta sẽ phân tích theo khía cạnh khác.

Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Rôma đã viết: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7, 15).

Thánh Phaolô đã bộc lộ rất chân tình, ông thú nhận có một cuộc chiến ác liệt luôn xảy ra trong con người ông. Ông chiến đấu với ai, ông đang chống lại ai? Xin thưa, ông đang chống lại chính ông. Như vậy trong cuộc chiến đó chỉ có 01 người duy nhất, đó là Phaolô. Ta gọi nó là CUỘC CHIẾN NỘI TÂM. Đó cũng là cuộc chiến của ta trong quá trình hoàn thiện mình. Chỉ có 01 Phaolô duy nhất, nhưng Phaolô đó là sự kết kết tinh của 02 Phaolô bên trong: 01 Phaolô tốt và 01 Phaolô xấu. Nói cách cụ thể hơn, bên trong ta luôn có 02 con người, 01 con người tốt và 01 con người xấu. Con người tốt cũng là “mình”, con người xấu cũng là “mình”.

Như vậy trong một con người luôn có sự tranh chấp giữa Sáng và Tối, giữa Thiện và Ác, giữa Thiên thần và Ác quỷ, giữa Tốt và Xấu, giữa Sáng suốt và Ngu muội... luôn có sự giằng co, sâu xé trong sâu thẳm tâm hồn ta, và đó luôn là cuộc chiến cam go ác liệt nhất trong mọi cuộc chiến. Các cuộc chiến khác, cho dù có khốc liệt đến đâu, nó vẫn không là gì so với cuộc chiến nội tâm này, vì nó xảy ra ở bên ngoài, còn cuộc chiến nội tâm nó xảy ra trong chính con người của ta.

Nếu có ai đó từng hối hận về việc mình đã làm, từng day dứt, từng khóc về những gì mình đã làm, họ sẽ hiểu cuộc chiến nội tâm là gì. Những giọt nước mắt ăn năn, những sự dằn vặt day dứt, nó cho biết ta đã thua trong cuộc chiến đó. Nhưng nó lại là tia hy vọng, là bước tiến dài trên con đường nhân đức. Nếu ai chưa bao giờ khóc vì lỗi lầm của mình, coi chừng ta chưa thể trưởng thành vì ta chưa nhận ra con người thực của mình, một con người đầy yếu đuối.

Đức Giêsu đòi hỏi ai muốn theo Ngài, thì việc đầu tiên phải làm, đó là Từ bỏ chính mình. Đó là từ bỏ “con người xấu” đang ở trong mình. Sự từ bỏ đó không dễ chút nào, ta hãy nhìn vào gương thánh Phaolô để có một nhận thức về nó. Đó sẽ là sự từ bỏ khốc liệt và đầy kịch tính.

Nói cho dễ hiểu, từ bỏ chính mình là từ bỏ những khuynh hướng xấu, từ bỏ ham muốn xấu, từ bỏ tham vọng bất chính, và những ý nghĩ xấu xa luôn làm vẩn đục tâm hồn mình. Có khi phải từ bỏ cả những thói quen, mà nó đã trói chặt ta bao nhiêu năm nay, ghì ta xuống không cho tâm hồn ta hướng về chân thiện mỹ.

“Vác thập giá mình hằng ngày mà theo” Thập giá mình là gì? Và tại sao ta phải vác thập giá mình mà theo? Đầu tiên ta phải xác nhận: Thập giá nói ở đây là thập giá của mình, chứ không phải thập giá của người khác.

Cuộc đời mỗi người trên trần gian này là một bể khổ, ngay khi vừa lọt lòng mẹ ta bước vào trần gian này bằng những tiếng khóc chào đời, chứ không phải bằng tiếng cười, báo hiệu cho biết, ta sẽ bước vào trần gian này như bước vào một bể khổ, bể khổ đó lúc đầu còn nhỏ, nhưng càng ngày nó càng to lớn hơn. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi người mỗi vẻ không ai giống ai, nhưng mỗi người đều có một cảm nghiệm sâu sắc về sự đau khổ của mình. Sự đau khổ đó, ngày hôm nay được Đức Giêsu gọi là thập giá, thập giá đời mình.

NGUYÊN NHÂN SÂU XA NHẤT LÝ GIẢI TẠI SAO CON NGƯỜI ĐAU KHỔ, NÓ NẰM TRONG CHÍNH SỰ SÁNG TẠO CỦA THIÊN CHÚA. Sở dĩ con người được gọi là đỉnh của công trình Sáng tạo, vì con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, có nghĩa con người có tự do. Đây là món quà quý nhất mà Thiên Chúa ban cho loài thụ tạo, SỰ TỰ DO.

Với sự tự do, con người có quyền nói “không” với Thiên Chúa, và cũng có quyền nói “có”. Nhưng cũng vì vậy mới xảy ra thảm họa, đó là con người đã phạm tội, Ông bà Nguyên tổ đã phạm tội mà ta gọi là Tội nguyên Tổ, đó là tội thuộc về bản tính. Từ đó nó đem sự chết và sự đau khổ xuống cho toàn thể nhân loại. Như vậy, theo lý mà nói, đã là con người thì ai cũng phải đau khổ. Đó là cái khổ chung.

Nhưng sự tự do của con người không vì thế mà biến mất, vì Thiên Chúa không vì con người đã phạm tội mà Ngài rút lại, vì Ngài là Thiên Chúa. Chính sự tự do này, con người lại gây đau khổ cho nhau. Ai cũng muốn thể hiện mình trong cuộc sống chung, và trong sự thể hiện đó ắt phải xảy ra xung đột trong ý muốn và sở thích. Cha mẹ làm cho con cái đau khổ, ngược lại con cái làm cho cha mẹ đau khổ. Vợ chồng gây đau khổ cho nhau, anh em, bạn bè, người xung quanh cũng thế. Không những đau khổ xảy ra trên bình diện cá nhân, nó còn diễn ra trên phạm vi tập thể. Sự hiểu lầm, sự chịu đựng,... xảy ra ở khắp nơi, nó cũng đồng nghĩa với thánh giá mọc lên khắp nơi. Nói ngắn gọn hơn, mỗi người đều có một thập giá cho mình.

Vấn đề đặt ra ở đây là: TA PHẢI LÀM GÌ VỚI THẬP GIÁ ĐÓ?

Ngày hôm nay, bước vào Mùa Chay Thánh 2014, ta lại được nghe Đức Giêsu mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Lời mời gọi rất kịp lúc.

Đức Giêsu đã vác thập giá của Ngài lên Núi Sọ, Ngài mời gọi ta vác thập giá mình đi theo Ngài, vác thập giá mình, có nghĩa phải vui vẻ chấp nhận nó, đừng miễn cưỡng, đừng vùng vằng, đừng trốn chạy, nhưng hãy nhìn rõ vào nó, để thấy rằng, nếu muốn vinh quang, muốn hạnh phúc, ta phải đi qua con đường đau khổ, vì không còn con đường nào khác. Vui vẻ vác thập giá mình trong tinh thần phó thác xin vâng, là nét đẹp của người môn đệ Đức Giêsu.

“Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Ở đây ta bắt gặp một nghịch lý, các cụm từ đối nghịch lại đi chung với nhau: “Cứu – thì mất”; “Liều mất – thì sẽ cứu được”. Luca muốn nhấn mạnh: Liều mất mạng sống vì Đức Giêsu, chứ không phải liều mất vì bất cứ thứ gì khác.

Câu nói của Đức Giêsu có thể VÔ LÝ hoặc CÓ LÝ, tùy thuộc vào “Có đời sống bất diệt mai sau hay không?”

Nếu không có đời sau, thì câu nói này sẽ vô lý, vì một khi mất mạng sống mình thì sẽ mất tất cả. Nhưng với ai tin vào Đức Giêsu, họ sẽ tin vào một đời sống bất diệt ngay sau khi kết thúc cuộc đời này, thì có sự đảo ngược vĩ đại giữa cái mất và cái được. Đành mất ở đời này sẽ được ở đời sau và ngược lại.

Cụm từ “Mạng sống mình” trong câu nói của Đức Giêsu sẽ mang ý nghĩa khác nhau tùy theo vị trí của nó trong câu. “Mạng sống mình”, có thể mang ý nghĩa: “MẠNG SỐNG THỂ LÝ” tức con người của ta đang hiện diện đây. Nó cũng được hiểu “MẠNG SỐNG THẦN LINH” trong Nước Trời.

Như vậy ta có thể phát biểu lại câu nói của Đức Giêsu như sau: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống THỂ LÝ mình, thì sẽ mất mạng sống THẦN LINH; còn ai liều mất mạng sống THỂ LÝ mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống THẦN LINH.”

Bây giờ ta hãy xét câu nói của Đức Giêsu ngay ở phạm vi đời này.

Cuộc đời này có rất nhiều nghịch lý, nhưng lại là những quy luật tự nhiên mà muốn tồn tại và hạnh phúc thì phải tuân theo: «Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong». Một trong những nghịch lý ấy được Đức Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Điều Ngài nói thật lạ thường: muốn cứu mạng thì sẽ mất, có liều mạng mới được sống! Nhưng sự thật là như thế! Người mà lúc nào cũng chỉ nghĩ đến hạnh phúc mình, muốn nắm chắc hạnh phúc trong tay, và bằng mọi giá tránh tất cả mọi đau khổ xảy đến, thì hạnh phúc sẽ vuột khỏi vòng tay và sẽ suốt đời lâm vào tình trạng đau khổ. Ngược lại, người không quan tâm đến hạnh phúc hay đau khổ của mình mà chỉ mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân và tìm cách giúp tha nhân khỏi đau khổ, thì người ấy lại hạnh phúc hơn cả và ít phải đau khổ nhất. Nghe thì thật nghịch tai, nhưng ai có kinh nghiệm trường đời đều nghiệm ra như thế. Nói chung, càng ích kỷ thì càng dễ đau khổ, càng vị tha thì càng dễ hạnh phúc.

Có một cặp: Được – Mất tuyệt đối, khốc liệt, đó là liều mất mạng sống mình vì Đức Giêsu, đó là những cái chết anh dũng của các chứng nhân Tử đạo, họ chấp nhận mất mạng sống thể lý mình, để được mạng sống thần linh trong Nước Trời. Đã có bao anh hùng Tử đạo đã chứng minh cách hùng hồn câu nói của Đức Giêsu: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

“Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”

Câu cuối cùng của Bài Tin mừng hôm nay thật quyết liệt, mặc dù nó thuộc dạng câu hỏi, nhưng lại mang tích xác quyết. Nó giải thích cho tất cả những lời Đức Giêsu đã nói: tại sao ta đi theo Ngài, tại sao ta phải từ bỏ chính mình, và tại sao ta phải vác thập thập giá mình mà đi theo Ngài,...... vì cho dù được cả thế giới này mà phải đánh mất chính mình thì nào có ích gì?

Lịch sử thế giới qua mọi thời đại đã chứng minh một chân lý hùng hồn, mọi ngai vàng đã sụp đổ, mọi bạo chúa đã qua đi, tất cả vinh quang con người đạt được đều biến mất, y như chúng chưa từng hiện hữu. Tại sao? Vì chúng dựa trên những gì là tương đối, những gì là mau qua.

Câu nói trên của Đức Giêsu cũng được Thánh sử Matthêu ghi lại: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?” (Mt 16, 26)


Trở lại      In      Số lần xem: 2695
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  29
 Hôm nay:  7211
 Hôm qua:  7060
 Tuần trước:  26046
 Tháng trước:  98582
 Tất cả:  12263365

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn