Giáo xứ Tân Thái Sơn  - Giáo Hạt Tân Sơn Nhì - Giáo Phận Sài Gòn - LM chính xứ: Phêrô Lê Hoàng Chương  - LM Phó xứ: Gioan Baotixita Trần Nhật Thanh - Andre Nguyễn Công Thái  -  "KHÔNG CÓ TÌNH THƯƠNG NÀO CAO CẢ HƠN TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÃ HY SINH TÍNH MẠNG VÌ BẠN HỮU CỦA MÌNH." (Ga:15,13) Ave Ma-ri-a - "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11, 28) - Thành Lập Và Quản Trị Trang Web: Giuse Trần Đình Cánh.

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần VII thường niên năm chẵn

Phân tích và chia sẻ Lời Chúa thứ hai tuần VII thường niên năm chẵn.

Phân tích và Chia sẻ - Lời Chúa thứ Hai tuần VII Thường niên năm chẵn
(24/02/2014) - (Mc 9, 14-29)

 



NGUYÊN VĂN BÀI TIN MỪNG:

Khi Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông. Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người.

Người hỏi các môn đệ: "Anh em tranh luận gì với họ thế?" Một người trong đám đông trả lời: "Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi." Người đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi."

Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. Người hỏi cha nó: "Cháu bị như thế từ bao lâu rồi?" Ông ấy đáp: "Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi." 

Đức Giê-su nói với ông ta: "Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin." Lập tức, cha đứa bé kêu lên: "Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!" Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: "Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!" Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: "Nó chết rồi!" Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. 

Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?" Người đáp: "Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi."
___________________________

PHÂN TÍCH & CHIA SẺ:

“Khi Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông.”

Ngay trước Bài Tin mừng này là Đoạn Tin mừng Đức Giêsu biến hình trên núi Thabor (Mc 9, 2-13). Ngài chỉ đưa 03 môn đệ thân tín là: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình lên núi và các ông đã được chứng kiến một chút hé mở vinh quang Con Thiên Chúa. Marcô viết: “Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su” (Mc 9, 2-4).

Có lẽ độc giả có thể đặt câu hỏi: Tại sao Đức Giêsu chỉ cho 03 môn đệ này chứng kiến vinh quang của Ngài mà không là tất cả? Xin thưa: Đó là việc của Đức Giêsu, ta không cần thắc mắc. Trong muôn người, Ngài chọn 72. Trong 72 môn đệ, Ngài chọn 12 tông đồ, và trong 12 tông đồ Ngài chọn 03 môn đệ thân tín. Con số càng lúc càng nhỏ dần, nó như hình kim tự tháp, ngụ ý muốn nói muôn loài muôn vật sẽ quy hướng về Thiên Chúa.

Như vậy, dưới chân núi còn lại 09 tông đồ, các ông đang chờ Đức Giêsu, thì xảy ra một sự kiện. Đó là sự kiện gì ta sẽ thấy ở phần tiếp theo đây. Khi Đức Giêsu xuống núi, Ngài thấy các kinh sư đang tranh luận với các ông. Có lẽ đây là chuyện ta chưa từng gặp, vì trong suốt 04 sách Tin mừng, ta đều bắt gặp, các kinh sư và Pharisêu nếu có tranh luận thì họ tranh luận với Đức Giêsu, chứ không tranh luận với các môn đệ, và Ngài cũng không để các môn đệ phải tranh luận với họ. Nhưng hôm nay đã xảy ra một sự kiện trùng hợp với việc Đức Giêsu không có mặt ở đây. Vậy đó là sự kiện gì?

“Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người.”

Tại sao Marcô lại nói: “tất cả đám đông kinh ngạc”? Họ kinh ngạc về điều gì? Có người cho rằng khi Đức Giêsu từ trên núi đi xuống, khuôn mặt Ngài vẫn còn dư âm của cuộc biến hình, như Môsê ngày xưa trên núi Sinai, dân chúng kinh ngạc vì thấy khuôn mặt ông chói sáng khác thường, tương tự đám đông hôm nay kinh ngạc vì thấy sự khác thường nơi Đức Giêsu do biến hình.

Nhận định như vậy thật sai lầm, vì Marcô viết: “Ở trên núi xuống, Chúa Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.” (Mc 9, 9) Ngài không muốn các môn đệ kể cho ai nghe, có nghĩa con người của Ngài đã trở về trạng thái bình thường, nếu không thì tự chính Ngài đã nói điều đó chứ không ai khác.

Vậy họ kinh ngạc về điều gì? Xin thưa: vì Đức Giêsu đến đúng lúc, không thể đúng hơn được nữa. Họ kinh ngạc vì Ngài đến lúc các môn đệ đang bị bế tắc. Và họ chạy lại chào Người.

“Người hỏi các môn đệ: "Anh em tranh luận gì với họ thế?"

Có lẽ Đức Giêsu ngạc nhiên vì các môn đệ tranh luận với kinh sư. Ngài biết các ông chưa phải là đối thủ của họ, vì các ông là những người lao động, học hành chẳng có gì, trình độ thấp kém, làm sao lại có thể tranh luận với kinh sư là thành phần ưu tú của Do Thái giáo. Do đó câu đầu tiên của Đức Giêsu, Ngài muốn hỏi các ông: "Anh em tranh luận gì với họ thế?"

“Một người trong đám đông trả lời: "Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi."

Đức Giêsu đang hỏi các môn đệ, nhưng Marcô lại nói người trả lời không phải các ông mà là một người trong đám đông. Người này là cha của đứa bé bị quỷ câm ám. Có lẽ các môn đệ đang ngượng chín người, không thể trả lời được câu hỏi của Ngài.

Marcô mô tả tình trạng đứa con trai của người cha như sau: “Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra.” Marcô viết: “hễ quỷ nhập vào”, như vậy, đây không phải tình trạng quỷ nhập thường xuyên, có lúc nhập lúc không. Khi quỷ nhập vào, đứa con sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra, còn khi quỷ xuất đứa bé cũng khó thể trở về trạng thái bình thường.

Người cha đứa bé thưa với Đức Giêsu: “Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi”. Marcô muốn nói môn đệ của Ngài không làm nổi vì họ là học trò, còn Ngài là Thầy của họ nó sẽ khác. Như vậy ông tin Đức Giêsu sẽ chữa cho con ông.

“Người đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi."

Marcô viết: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin!”, Đức Giêsu đang nói về ai đây? Xin thưa, Ngài đang nói về tất cả những người đang có mặt tại đây, vì thế Marcô mới dùng cụm từ “thế hệ”.

- Trước hết là các môn đệ:

Các ông chỉ dựa vào sức riêng mình. Marcô có thuật lại sự kiện Đức Giêsu sai nhóm Mười Hai đi loan báo Tin mừng, ông viết: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ” (Mc 6, 7) Các ông đã gạt hái nhiều thành công vang dội, nhưng cũng từ đây các ông phạm phải sai lầm nghiêm trọng, đó là nghĩ quyền trừ quỷ là của mình, nhưng thực chất đó là do Đức Giêsu ban cho. Quyền ấy chỉ còn khi các ông biết liên kết với Ngài.

- Tiếp đến là dân chúng: Họ chỉ muốn nhìn cho no mắt các phép lạ Đức Giêsu làm, giống như xem một người làm ảo thuật.

- Kế tiếp là luật sĩ: họ cũng có mặt tại đây để thích thú trước sự thất bại của các môn đệ, và dựa vào đó để chỉ trích các ông.

- Cuối cùng là người cha: ông chỉ có 01 vấn đề, đó là lo cho sự sinh tử đứa con mình, ngoài ra không còn sự gì khác.

“Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?”, đây là lời than thở của Đức Giêsu trước sự cứng lòng tin của người đương thời. Ngài đã thực hiện bao phép lạ trước mắt họ, trục xuất bao nhiêu quỷ ám, bằng ấy chưa đủ để chứng minh Ngài là Con Thiên Chúa sao! Ngài nói với thái độ giận dữ vì đó là sự thách thức Thiên Chúa, biểu lộ qua câu nói: “phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?”, “Đem nó lại đây cho tôi”. Chính Ngài sẽ cứu nó.

“Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép.”

Marcô dùng từ thật mạnh mẽ, tên quỷ khi phải đối diện với Đức Giêsu, nó rất sợ hãi vì đứng trước mặt nó là Con Thiên Chúa, sự sợ hãi đó biểu lộ qua động tác lay đứa bé thật mạnh như muốn trốn chạy và đã làm cho đứa bé ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép.

“Người hỏi cha nó: "Cháu bị như thế từ bao lâu rồi?"

Đức Giêsu hỏi cha đứa bé về tình trạng của nó, như người thầy thuốc hỏi thăm bệnh nhân, biểu lộ sự quan tâm đặc biệt của Ngài. Có lẽ hoàn cảnh của người cha và của đứa con đã làm Ngài xúc động mạnh. Một con người đã bị quỷ khống chế như vậy, thì làm sao có thể sống đúng với thân phận của con người. Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp, và con người là hình ảnh của Ngài, thế mà giờ đây lại có người sống như thế!

“Ông ấy đáp: "Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi."

Marcô nói: “Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết.” Đây là tình trạng vô cùng thảm thương, ai nghe cũng phải động lòng trắc ẩn, quỷ đã chế ngự em từ khi còn bé, nếu không trục xuất ra thì cuộc đời của em coi như đã bị nó trói buộc, không còn đáng sống nữa. Nó hành hạ em và đưa em vào tình trạng nguy hiểm như đẩy xuống nước cho chết, xô vào lửa. Như vậy, không những em này mà còn kéo theo cả người thân vào vòng đau khổ. 

Ta hãy nghe cha em bé nói: “Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi”. Trong lời cầu xin của ông ẩn chứa sự lung lay niềm tin, “nếu Thầy có thể làm được gì”, ông đã đau khổ nhiều vì đứa con và nhất là chứng kiến sự thất bại của các môn đệ, có lẽ sự thử thách đó đã vượt quá sức chịu đựng của con người. Nhưng trong sự lung lay đó, mặc dù niềm tin không còn mạnh mẽ, ông vẫn thưa với Đức Giêsu: “xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi”, có nghĩa ông vẫn cậy trông vào Ngài.

“Đức Giê-su nói với ông ta: "Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin." 

Đức Giêsu muốn nói với cha đứa bé, đối với Thiên Chúa sẽ không có từ “nếu”, Luca viết: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37), ở đây Đức Giêsu cũng xác định một cách mạnh mẽ: “Mọi sự đều có thể đối với người tin." Chỉ cần một niềm tin mạnh mẽ thì mọi sự đều có thể. Đây là bài học cho con người qua mọi thời đại, đòi hỏi con người phải có niềm tin mạnh mẽ, thì Thiên Chúa sẽ thực hiện cho cuộc đời họ điều kỳ diệu.

“Lập tức, cha đứa bé kêu lên: "Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!"

Lời của Đức Giêsu: “Mọi sự đều có thể đối với người tin", đã tác động mạnh mẽ vào ông khiến ông kêu lên: "Tôi tin!”, nhưng ông ý thức rất rõ niềm tin của ông còn non yếu, chưa đủ nài xin Đức Giêsu cứu chữa, nên ông đã khiêm tốn nài xin Ngài tăng thêm niềm tin cho mình.

“Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: "Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!" Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: "Nó chết rồi!" Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên.”

Đức Giêsu đã thưởng cho người cha một phép lạ nhãn tiền, vì ông đã nhận ra niềm tin non yếu của mình và khiêm tốn trước mặt Ngài. Đức Giêsu nói: "Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!", đây quả thực là một lời ra lệnh của Đấng có uy quyền trên ma quỷ.

Trong lời ra lệnh có 02 mệnh đề: 1. “ra khỏi đứa bé: _ 2. “không được nhập vào nó nữa”. Như vậy lời ra lệnh này không những áp dụng cho hiện tại và còn cho cả tương lai. Có nghĩa từ giờ trở đi, em sẽ là một con người bình thường.

Marcô mô tả cách thức quỷ xuất ra khỏi đứa bé như sau: “Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: "Nó chết rồi!".

Nó thét lên vì sợ hãi, lay đứa bé thật mạnh, đó là lúc nó dứt ra hết những gì đang bám chặt, để không còn gì của nó trong con người này nữa, một sự đoạn tuyệt quyết liệt, sau đó quỷ ra khỏi. Có lẽ sự dứt ra này đã làm đứa bé đau đớn, khiến nó ra như chết.

Marcô viết: “Nó chết rồi!”, đây là nhận xét của đám đông đang có mặt, ta có thể nghĩ đứa bé đã chết thật, vì nhiều người đang chứng kiến, khó có thể nhầm lẫn. Ta còn nhớ lời người cha thưa với Đức Giêsu: “Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết.” Như vậy, quỷ đã nhiều lần muốn giết đứa bé rồi, và bây giờ vì lời Đức Giêsu nó phải thoát ra, chắc hẳn nó phải giết để đạt được mục đích ở giây phút cuối cùng.

Dù cho đứa bé có chết thật như đám động nhận xét hay đứa bé ra như chết khi quỷ xuất ra, nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. Ngài cho nó được hồi sinh trở về một con người bình thường. Marcô viết: “nó đứng lên”, đó là sự vươn lên của một con người mới.

“Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?" Người đáp: "Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi."

Tại sao Marcô nói: “Khi Người vào nhà”, nhà nào? Vì khung cảnh ở đây đang ở dưới chân núi Thabor, nơi Đức Giêsu biến hình. Ngài vào nhà ai, Marcô không xác định. Có lẽ Marcô đã có sự chuyển tiếp 02 thời gian. Việc chữa cho đứa bé đã xong, sau đó có một thời gian không được mô tả, đó là lúc thầy trò về nhà mình. Ông muốn bỏ thời gian này cho bài Tin mừng được liên tục.

Lúc này các môn đệ mới thắc mắc, tại sao họ được Đức Giêsu ban cho quyền trừ quỷ, nhưng họ không thể trừ được tên quỷ này? Hình như có một vấn đề gì đó mà họ chưa hiểu. Đức Giêsu mới trả lời cho các môn đệ biết: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”

Marcô nói: “Giống quỷ ấy”, độc giả có thể thắc mắc, như vậy ắt hẳn có nhiều giống quỷ, mà quỷ hôm nay Đức Giêsu trục xuất là loại quỷ đặc biệt. Thực ra đây chỉ là kiểu nói, Đức Giêsu muốn các môn đệ ý thức điều này, quyền trừ quỷ mà Ngài đã ban cho các ông, nó không phải của các ông, nhưng đó là của Thiên Chúa. Như vậy, nếu các ông biến quyền trừ quỷ đó thành tài năng vốn có của mình, các ông sẽ thất bại nặng nề. Vì quyền trừ quỷ là quyền năng Thiên Chúa ban cho các ông, thì các ông phải biết kết hợp với Thiên Chúa, đó là phải cầu nguyện.

Amen.

Jos Nguyễn Viết Tâm


Trở lại      In      Số lần xem: 2435
Tin tức liên quan
Tin tức mới cập nhật
Video
Trở Lại Đi Con Ơi ! - Ca Đoàn Thánh Gia
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  17
 Hôm nay:  2038
 Hôm qua:  3165
 Tuần trước:  20555
 Tháng trước:  108657
 Tất cả:  12338914

Copyright @ 2013 Giáo Dân Tân Thái Sơn

Mọi ý kiến đóng góp và bài viết xin vui lòng gửi qua Email: Canhtanthaison@gmail.com

Thiết kế bởi webso.vn